KIM SƠN HỒ ĐIỆP

Tối hôm ấy, Lương Gia Khải và người bạn da trắng của mình thua ở sòng bài đến mức bị lột sạch quần cụt, sau đó Hồng Lương Sinh mời bọn họ đến Phúc Lâm môn ăn cơm, nói coi như an ủi bọn họ. Sau lại anh ta nói mấy câu gì đó rồi rời đi. Để lại Lương Gia Khải và mấy người bạn của mình tát nhau ở trước mặt mọi người, tát một cái lại nói một câu tôi sai rồi, tát đến mức mặt mũi sưng vù.

Nghe nói mấy chàng trai da trắng kia thấy vai đào trong rạp hát đẹp quá, nên dây dưa trước đài sau màn không ngừng, kéo váy người khác lên nhìn, cuối cùng phát hiện thì ra vai đào lại là một chàng trai người Hoa, chúng ồ lên rồi giải tán. Nhưng tụi nó lại làm nhục người khác ngay trước đám đông, khiến chàng trai Trung Hoa kia bật khóc tức tưởi.

Có người chuyện xong rồi mới tổng kết lại, nói là từ lâu Tiểu Lục gia đã không thích đám người mắt xanh không hiểu biết về kinh kịch, bọn chúng chỉ biết nhìn chòng chọc gái đẹp, bởi vì vị kim chủ Mexico của Diệp cô nương chính là người ngoại quốc anh ta ghét nhất. Tuy đám người ngoại quốc không biết gì về kịch, lấy cớ xem kịch hay để ôm mỹ nhân về, song bọn họ cũng tài trợ cho rạp hát Trung Hoa không ít. Vì Tiểu Lục gia không làm gì được người Mỹ nên mới trút giận lên đầu mấy gã trai trẻ này.

Còn có người nói, vì hai năm nay nhà họ Lương làm ăn ở Los Angeles quá khấm khá, càng lúc càng không coi phố người Hoa ở San Francisco ra gì. Hồng gia vừa đi, nhà đó là nhà đầu tiên muốn rút khỏi Đường hội. Cho nên hành động hôm nay đã làm nhà họ Lương mất mặt trước đám đông, lại còn phải đội ơn đội nghĩa Tiểu Lục gia vì đã cứu giúp Lương Gia Khải. Nhà họ Lương không nhắc đến chuyện rút lui nữa, thì những thương nhân khác ở phố người Hoa cũng không dám chuyển hội. Hành động này của Tiểu Lục gia cũng coi như lập uy ở phố người Hoa.

Còn về việc rốt cuộc Tiểu Lục gia đã nói gì với Lương Gia Khải, thì không một ai biết.

Có điều Hoài Chân cảm thấy, nhất định đã có chuyện gì đó vượt ra khỏi tưởng tượng của vị thiếu gia người Hoa chưa trải nghiệm nhiều kia.

Vì kể từ sau ngày hôm đó, Lương Gia Khải không còn đến tìm cô nữa. Có lúc ở trên đường thấy anh ta ở đằng xa, Hoài Chân tận mắt chứng kiến vẻ sợ hãi từ trong mắt anh ta dần lan ra cả gương mặt, mấy giây sau lập tức quay đầu rời đi.

Ít hôm sau, nghe nói anh ta đã quay về Boston rồi.

Hôm đấy trong bữa ăn, Vân Hà nói, “Trước kia thường nghe người ta bảo, con trai ở phố người Hoa không tìm được vợ ở đây. Vì con gái ở đây đều đi học, độc lập tự do, chuyện mình mình làm. Nhưng những bậc cha mẹ đời trước ở phố người Hoa cứ khuyến khích con mình lấy vợ bé. Cho dù luật pháp nước Mỹ đã cấm chế độ một chồng nhiều vợ thì bọn họ vẫn lén về nước kết hôn, lại nghĩ đủ cách đưa vợ bé đến Mỹ.”

A Phúc bảo, “Đây không phải là lý do để con yêu đương nhăng nhít với người Nhật!”

Vân Hà nói, “Đây cũng không phải là lý do mà cha có thể tùy tiện tìm đối tượng để Hoài Chân xem mặt được!”

A Phúc nói, “Người lớn không xem tử tế thì ai biết được thằng đó là người xấu hay tốt?”

Hai cha con lại cãi nhau ầm ĩ, khiến Hoài Chân và La Văn cầm bát không biết làm gì.

Tuy coi mắt thất bại, nhưng cũng không phải không thu hoạch được gì. Mặc dù cuối cùng A Phúc không thuê chỗ của nhà họ Lương, nhưng trước khi hủy đơn xin điện thoại thì thành phố đã phê duyệt rồi.

Vào ngày gắn máy, công ty điện thoại mất một buổi trưa để kết nối dây điện thoại đồng, cũng như thông báo một số hướng dẫn cho thuê liên quan. Ví dụ như tuy điện thoại là miễn phí, nhưng thời gian dùng thử chỉ hai năm, sau hai năm nếu không xin lại thì phải trả lại điện thoại. Hơn nữa dù mọi người đều ở trong thành phố San Francisco, nhưng không thể trả lại điện thoại cho công ty điện thoại được, mà nhất định phải gửi cùng thư hủy đăng ký —— Hoài Chân xác nhận với công ty điện thoại hai ba lượt, trước khi bọn họ ra về, cô chân thành nói: “Có lúc chế độ làm việc phức tạp hóa của chủ nghĩa quan liêu, thật sự khiến người Hoa chúng tôi khiếp sợ.”

Vì điện thoại sử dụng đường dây thành phố nên việc nghe gọi không cần phải thông qua Văn phòng Điện thoại ở phố người Hoa, thế nên số điện thoại bắt đầu là 415 chứ không phải là 412 của phố người Hoa.

Ngày Hoài Chân đến khảo hạch ở Nhật báo Trung Tây là ngày thứ hai sau khi đã lắp đặt điện thoại, vừa hay cô có thể viết số điện thoại nhà vào trong bản sơ yếu lý lịch. Cuộc gọi đến từ Nhật báo Trung Tây là do Vân Hà nghe máy, trong cuộc gọi, biên tập tòa soạn nói cho cô biết: Cô có tên trong danh sách ứng cử viên, nhưng vì cùng nộp đơn xin việc với cô có một người từng làm việc ở tòa soạn tiếng Anh và một người sinh viên. Thời gian của người sau không được ổn định lắm, nên muốn hỏi cô có thứ gì có thể chứng minh khả năng tiếng Anh với tòa soạn không?

Hoài Chân cẩn thận lắng nghe, sau đó đưa mấy bản thảo ghi chép chữa bệnh của Huệ đại phu mà cô đã dịch đến tòa soạn.

Ngày 11 tháng 7 xảy ra rất nhiều chuyện tốt. Ngày hôm ấy, thông báo tuyển dụng trong kỳ nghỉ hè của Nhật báo Trung Tây được gửi đến. Cùng với nó còn có một bức thư khác. Mở thư ra, bên trong có ba tờ giấy cứng.

Tờ thứ nhất là bảng điểm kết quả tuyển sinh đầu vào ở trường cấp ba công lập Công nghệ:

Report Card

ENGLISH4, 98, A

MATHEMATICS4, 90,

SCIENCE, 90, A

HISTORY, 100, A

SOCIAL STUDY, 100, A

HEALTH, 78, B-

Bonus

MUSIC, Piano, A-

FOREIGN LANGUAGE, German 1, A

Trên tờ giấy cứng thứ hai lại chỉ có ba hàng chữ vô cùng trịnh trọng.

Waaizan, Kwai,

RECEIVED Student

(Học sinh được nhận)

Trên tờ thứ ba viết ——

Thân gửi Quý,

Chúc mừng em đã bộc lộ tài năng trong số 800 người nộp đơn, trở thành một trong 120 học sinh trong năm học 1931-1932 tại trường trung học công lập Công nghệ, thành phố San Francisco!

… Thông thường, chúng tôi sẽ chọn 20 học sinh xuất sắc nhất để trao học bổng khuyến khích học tập và suất cơm trưa miễn phí. Sau khi cân nhắc đến khả năng ngôn ngữ của em và kiến thức lịch sử xã hội phong phú, em đã thành công trúng tuyển…

Trân trọng,

Andrew Gruzeman

Hiệu trưởng trường trung học Công nghệ, phó chủ tịch hội đồng giáo dục đại học quốc tế San Francisco.

Đêm hôm đó, La Văn cầm bảng điểm và thông báo học bổng đến hội đồng hương khoe suốt đêm. A Phúc cũng rất vui, bỏ ra 5 đô la mời hai chị em đến quán ăn “thịt sấy khô bốn đồng” do một gia đình người Mỹ mới mở trên phố người Hoa, ăn thịt bò nướng và canh hàu chúc mừng. Nhưng bản thân A Phúc không đi được, bởi vì từ khi có máy điện thoại thì cứ như có người ở thành phố quảng cáo miễn phí cho tiệm giặt A Phúc vậy, thế nên hai ngày liên tiếp luôn có khách da trắng gọi đến, đưa rất nhiều áo sơ mi trắng tới giặt.

Lúc Hoài Chân dẫn Vân Hà đến Well Fargos mua cổ phiếu Kodak, cô cũng bỏ luôn 5 đô mà A Phúc cho vào số cổ phiếu của Vân Hà. Cuối cùng Hoài Chân tự bỏ tiền túi, đến tiệm Cavallo Scalpita mời Vân Hà và Thiên Tước ăn đồ Ý. Cho dù cuối cùng Thiên Tước đã tặng voucher giảm giá của nhân viên nội bộ cho Hoài Chân, thì bữa ăn này cũng tốn hết 11 đô la.

Lúc về nhà đã gần chín giờ, A Phúc mệt nên đi ngủ sớm. Vân Hà vẫn còn kỳ thi cuối kỳ ở trước mắt, Hoài Chân bèn bảo cô ấy đi học bài đi rồi ngủ sớm, còn mình trông tiệm đợi La Văn về, trước lúc đó xem có ai đến cửa hay gọi điện đưa áo quần tới không.

Lúc điện thoại đổ chuông, đúng lúc tiệm tạp hóa đối diện có vụ lùm xùm, hình như có khách không trả tiền đã bỏ chạy, cô nàng ở trong đuổi ra ngoài lớn tiếng mắng chửi, giọng vừa the thé lại khàn khàn, thời gian chửi rủa rất lâu. Hoài Chân mãi nghe nội dung thô tục trong khẩu âm Đài Sơn ấy mà suýt nữa bỏ qua cuộc gọi.

Người gọi đến vẫn là khách hàng da trắng.

Cô vừa nhấc máy đã chào hỏi bằng tiếng Anh, “Xin chào, đây là tiệm giặt giũ Lucky.”

Cái tên Lucky này cũng do Hoài Chân đặt, bởi vì thường xuyên có người da trắng đến và cứ gọi A Phúc là John John, không hề tôn trọng tí nào. Nếu lần sau có người hỏi thì cô sẽ giải thích: Phúc, nghĩa là may mắn trong tiếng Anh.

Bên kia cũng lên tiếng chào lại: Chào em.

Giọng không rõ ràng lắm, hình như là trùm trong chăn lén gọi điện. Có điều Hoài Chân vẫn nghe ra khác biệt: phát âm không đủ lưu loát này không phải là Hello tiếng Anh, mà là Hallo trong tiếng Đức.

Cô lập tức đổi lời, “Hallo, hier ist die Glück Waescherei. Soll ich Ihnen helfen?”

(Chào anh, đây là tiệm giặt giũ A Phúc. Xin hỏi tôi có thể giúp được gì cho anh?)

Trong ống nghe chậm rãi vang lên tiếng cười, sau đó thấp giọng hỏi cô, “Was machst du?” (Em đang làm gì?)

Hoài Chân đáp, ans telefon.

(Đang nghe điện thoại.)

Có lẽ câu trả lời này vô vị quá.

Mà khi vừa dứt lời, đầu dây im lặng, đến lúc mở miệng thì đã đổi lại thành tiếng Anh, giọng điệu cũng thấp đi mấy độ: “Gần đây đang làm gì?”

“Gần đây sao?”

“Ừ, là gần đây.” Giọng đầy chất vấn.

Hoài Chân cầm ống nghe mỉm cười.

Thật ra từ ngày được phê chuẩn sẽ lắp máy điện thoại trở đi, cô có hơi hoài nghi. Mà một khi đã nảy sinh suy nghĩ, có lúc ngồi ở trong tiệm nhìn cảnh sát thành phố hay liên bang đi qua trên đường là cô lại nghĩ: liệu có tai mắt của anh không nhỉ?

Nhưng bình thường Hoài Chân cũng cảm thấy mình đã nghĩ nhiều rồi.

Gần đây thì nên bắt đầu từ đâu nhỉ?

Nghĩ ngợi một lúc, cô lại bảo, “Hôm nay là sinh nhật em.”

Đầu dây lặng đi.

Ống nghe như bị đưa ra xa hoặc có thể là do anh thấp giọng, song vẫn để Hoài Chân bắt được một chữ rất nhẹ, Oh f…

Cô gần như có thể mường tượng ra được động tác trong lúc thất vọng của anh, ví dụ như vuốt ngược tóc ra sau, để lộ gương mặt ưa nhìn.

Anh chậm rãi hoàn hồn, thấp giọng hỏi, “Mười sáu tuổi… mười bảy tuổi?”

Cô cười nói, “Dù gì cũng đã già đi một tuổi. Hôm nay em với bạn đến ăn mừng ở nhà hàng Ý.”

Đầu kia vẫn đang tự kiểm điểm: “Anh không tìm được ngày sinh của em.”

Hoài Chân lại bảo, “Ăn gà nướng Ý, bánh pizza, salad hải sản, mì ống và cả kem ba màu nữa…”

Thất vọng vẫn tiến hành: “Cũng không chuẩn bị quà tặng…”

Hoài Chân nghe thấy mấy đồng xu kim loại kêu leng keng trong ví tiền, nói, “Tổng cộng hết 13 đô la, là anh mời khách.”

Cô cứ tưởng sẽ bị tố khổ.

Kết quả đầu kia chậm rãi mỉm cười, hỏi cô, “Ở nhà hàng Ý à?”

Cô ừ đáp, “Ở Cavallo Scalpita, chính là nhà hàng rất lớn ở ngã rẽ trên phố Columbus.”

Lại buồn bực hỏi cô, “Chơi với bạn có vui không?”

Hoài Chân nói vui.

Anh hỏi tiếp, “… Là bạn trai sao?”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi