KIM SƠN HỒ ĐIỆP

Sau khi về tới nhà, La Văn vẫn không yên tâm, nhét vào túi du lịch của họ một hộp Barbiturat, túi bột khử trùng, viên vitamin, viên glycerin, thuốc hạ sốt,… Rất nhiều thứ, kể cả nước cam Sunkist mà gần đây những tờ báo Mỹ hay khoa trương là nếu không bổ sung vitamin thì sẽ bị ung thư, nhét cho chiếc túi du lịch căng phồng lên.

San Francisco vào lúc chín giờ vẫn rất náo nhiệt, A Phúc lấy cớ đến góc biển ở khu vực nhà thờ để đóng cửa tiệm, rồi cả nhà cùng đến Đại lộ 14 tiễn đưa. Thật ra đưa tiễn cũng không có gì cần nói nhiều, chỉ là nhắc nhở Hoài Chân nhớ tìm nơi có điện thoại để gọi điện về cho nhà, còn A Phúc lại dài dòng suốt một giờ, còn nhắc nhở La Văn xem bà còn dặn dò gì nữa không. La Văn khó khăn lắm mới nghĩ đến một thứ, nói trên tàu có chuẩn bị chăn gối, nếu kỳ kinh nguyệt đến thì nhớ lót tấm vải đỏ bà đặt trong vali ở dưới người. Trong khi La Văn và Hoài Chân nói chuyện, A Phúc khá căng thẳng, rất muốn tìm Ceasar nói gì đó, nhưng dù hai người tìm được đề tài gì thì vừa bắt đầu cũng đã kết thúc ngay, nội dung rất chán.

Vân Hà lại rất yên tâm về hai người đi xa này, nên cô cứ trợn mắt khi thấy cha mẹ dông dài. Cô mặc áo khoác đen, đứng trong góc không nói tiếng nào, nhìn cực kỳ ngầu. Sắp đến ga tàu, Hoài Chân mới đi tới kéo cô thấp giọng nói, phòng ngủ tháng này chỉ có một mình chị thôi đó.

Vân Hà lập tức trợn mắt, em muốn nói gì hả? Chị không nghe nhầm đấy chứ! Sao giờ em mới nhắc chị?

Nhưng chậm rồi, em gái đã đi xa, bạn trai kéo tay cô đứng ngoài đám đông chào tạm biệt cha mẹ.

So với cửa vào của người da trắng, khu vực cách ly của người da màu ồn ào hơn nhiều. Một chàng trai người Mỹ gốc Phi chừng hai mươi tuổi cầm ảnh chụp vợ và ba cô con gái, giải thích với bạn đồng hành xung quanh là mình muốn đến Chicago học thêm, vợ đành phải gánh trách nhiệm nuôi con nặng nề; đôi trai gái Latin mặc quần short ngắn trong mười một giờ đêm ở San Francisco, đứng trong góc hôn nhau sưởi ấm; hầu như những người gốc châu Á đều ôm khăn trải giường trong người, bình thường ít nói kiệm lời, vào thời khắc này lại trở nên dư thừa cảm tình, tình cảm vượt xa những tộc người khác, đã đi xa rồi mà vẫn rưng rưng nước mắt chào tạm biệt người nhà.

Người phụ nữ tóc đỏ soát vé trước cửa đã quay lại, không nhịn được kéo giật cửa ra, để người ta đưa vé tàu cho bà ta dùng dụng cụ bấm lỗ bấm lên vé. Đội ngũ chậm rãi di chuyển, lúc Hoài Chân và Ceasar xếp hàng đi lên toa tàu, cả hai đều đói sôi ùng ục.

Sắp đến gần mười một giờ rồi, bên trong ga tàu gạch nhỏ hẹp còn có quán nhỏ cuối cùng đang mở cửa. Hoài Chân đi mua hai miếng chuối chiên phết sô cô la, lúc quay về hàng, cô trông thấy hình như Ceasar và người phụ nữ tóc đỏ ở bên cửa sổ đang tranh chấp với nhau.

Hoài Chân đi đến hỏi sao thế.

Anh kéo tay cô qua một bên, nói không sao cả.

Nhìn sắc mặt anh, rõ ràng trước khi cô về thì đã cãi nhau kịch liệt với bà cô tóc đỏ rồi.

Mấy giây sau, tóc đỏ từ đằng sau cửa đi ra.

Bà ta nghiêm khắc nói với hai người bọn họ: “You can not stay in COACH CLASS together.”

(Hai người không thể ở cùng một toa phổ thông được.)

“You told me twice. This is the third time.”

(Cô đã nói với tôi hai ba lần rồi đấy.)

“Hai người phải tách ra,” Bà ta nghiêm khắc nói, “Mấy ngày nay trên tàu có rất nhiều cảnh sát, bọn đang truy nã người da trắng và da màu ngồi chung với nhau. Nếu là cảnh sát tiểu bang, hai người sẽ bị phạt một số tiền rất lớn, nếu là cảnh sát liên bang từ sân ga lên thì thậm chí có thể bị bắt giữ, hoặc nhận trát gọi hầu tòa đấy!”

Hoài Chân hỏi, “Những ga nào?”

Bà ta bĩu môi, “Promontre, Reno… Tôi đã nói với cậu ta là tôi không nhớ, đây không phải là trách nhiệm của tôi. Tất nhiên, các người có bị bắt hay không cũng không liên quan gì đến tôi, tôi chỉ chịu trách nhiệm đưa ra lời khuyên mà thôi.”

Nói rồi, bà ta toan bấm vé tàu.

Cả hai đều im lặng.

Người phụ nữ tóc đỏ cứ nói mãi chẳng dừng, sắc mặt Ceasar ngày càng sa sầm.

Hoài Chân nói với bà ta, “Làm phiền chị đổi toa cho một trong hai chúng tôi với ạ.”

Bà ta nhìn cô, lấy lại hai tấm vé toa phổ thông trước đó.

Một lát sau, đưa cho hai người hai tấm vé mới.

Ceasar không nhận lấy.

Hoài Chân cầm lấy nhìn, phát hiện là vé tàu của hai toa gần nhau: một tấm là toa ăn có người da màu, một tấm là toa của người da trắng ở sau toa ăn.

Cô vội vã cám ơn bà ta rồi kéo tay Ceasar rời khỏi cửa sổ soát vé, tìm một băng ghế không người ở sân ga ngồi xuống.

Cô mở túi giấy ra, đưa miếng bánh chuối chiên phủ sô cô la cho anh.

Anh liếc nhìn, không nói năng gì.

Hoài Chân nói, “Chí ít chúng ta vẫn ở chung một chuyến tàu mà, đúng chứ?” Vừa nói cô vừa cầm bánh ăn.

Ceasar cúi đầu nhìn cô một lúc lâu, đột nhiên nở nụ cười nản lòng.

Hoài Chân nói, “Tạ ơn trời đất, cuối cùng cũng không còn là bộ mặt thúi kia rồi.”

Bàn tay vắt lên thành ghế sau lưng lập tức kéo mũ áo len chụp lên đỉnh đầu cô.

Chiếc mũ lớn trùm quá đầu, che kín mặt cô.

Trước mắt Hoài Chân tối sầm, chỉ cảm nhận được Ceasar nhẹ nhàng chạm vào môi cô qua lớp vải.

Cô giật mình.

Từ đằng xa có người hét lên: “The train is coming!”

Ở tít đầu kia, đoàn tàu gầm thét từ từ lăn bánh vào ga.

Hoài Chân nhân đó thoát khỏi trong ngực anh, kéo mũ xuống than phiền, “Em vẫn đang ăn mà…”

Một cô gái da trắng trẻ trung xách túi du lịch đi lướt qua, nhìn thấy chàng trai anh tuấn hôn bạn gái ở ga thì không khỏi nhìn thêm. Bất chợt cô gái kia kéo mũ xuống, để lộ gương mặt thiếu nữ da vàng, lập tức cô gái da trắng xuất hiện vẻ mặt vô cùng chán ghét khinh bỉ.

Ceasar nhướn mày nhìn cô ta, rồi lại đến gần hôn cô gái của anh thêm cái nữa.

Hoài Chân đỏ mặt, đưa tay lau sạch vết sô cô la dính ngoài miệng anh.

Cô nàng da trắng vẫn ngang ngạnh ghét bỏ ra mặt, song cũng không thể làm được gì, hừ một tiếng rồi bỏ đi.

Đoàn tàu dừng lại, đám người gốc châu Á ôm chăn ở trong sân ga rối rít đứng dậy, cuống cuồng chạy theo đoàn tàu.

Hai người ngồi sau đám đông không nhúc nhích.

Ceasar nói, “Trong túi du lịch có áo khoác không?”

Hoài Chân nhớ lại rồi nói, “Có, em nhớ có chuẩn bị một chiếc áo khoác dài cho anh.”

Anh nói được.

Toa tàu không xa lắm, tàu cũng dừng lại rồi, Ceasar lập tức nhấc túi lên, vừa kéo tay cô băng qua đám đông vừa thấp giọng nói với những người xung quanh, Excuse me. Move, move, excuse me!

Tàu hỏa xuất phát từ Los Angeles, ga cuối là thành phố Chicago. Trong toa đã có vài hành khách đang ngồi cạnh cửa sổ đọc báo.

Có hai cánh cửa ở giữa khu vực cách ly, trên cửa gắn một mặt kính thủy tinh nhỏ. Giữa hai cánh cửa có một vùng trống, một số hành khách chỉ đứng hoặc hút thuốc sẽ đến khu vực này.

Đột nhiên Ceasar cứ nhìn mãi khu vực ấy. Một lát sau, anh kéo tay cô muốn đến toa tàu kia. Vừa kéo mở cánh cửa thứ hai ra, đột nhiên một cảnh sát mập mạp đeo súng đi ra, nói với anh ít nhất cũng năm lần chữ NO.

Ceasar nhanh chóng giơ tay lên, xin lỗi anh ta.

Đoàn tàu chậm rãi lăn bánh, hai người đành phải nói lời chia tay tại đây.

Ngay trước mặt cảnh sát, Ceasar cúi đầu hôn Hoài Chân, rồi tiến lại gần bên tai cô nói khẽ, “Đưa hành lý đây cho anh, nửa tiếng nữa giả vờ như muốn xuống tàu, đứng chờ anh giữa hai cánh cửa này, được không?”

Hoài Chân đáp được.

Anh mỉm cười, nhìn cô đi về toa tàu cách ly người da màu.

Hoài Chân đứng ngoài hai cánh cửa, ngoái đầu lại, thấy anh khoác vai cảnh sát to con rời đi, không biết hai người họ đang nói gì.

Đêm đã khuya, ánh đèn trong toa người da trắng dần tối. Toa ăn vẫn còn sáng đèn nhưng không còn phục vụ đồ ăn nữa. Mấy đầu bếp gốc Hoa đeo tạp dề ngồi cạnh bàn ăn gần cửa sổ ngủ thiếp đi. Có bảy tám người Di-gan từ đầu kia của toa đi tới, đẩy cửa toa ăn ra hỏi còn chop suey hay dim sum không, nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Có lẽ đó là gia đình người Di-gan, trai gái già trẻ đều có cả, người trưởng thành xách hành lý, đi đằng sau là một cô vợ Di-gan, dẫn theo một đám trẻ con tết tóc đuôi sam cùng đi về phía Hoài Chân, không biết là vừa lên tàu hay là muốn xuống tàu.

Người phụ nữ da nâu dẫn theo hai cô bé ngồi xuống bàn ăn cạnh chỗ Hoài Chân. Một cô bé trong đấy hình như bị bệnh, mẹ em lấy một bó thực vật to đùng trong hành lý ra cho em ngửi. Mùi của thứ cỏ màu xám xanh rất kỳ lạ, mới lấy ra chẳng được bao lâu mà cả toa đã ngập ngụa mùi quả chanh trộn với mùi của một tiệm thịt quay Thổ Nhĩ Kỳ, ngay tức khắc một cảnh sát da trắng đi ra, vừa lớn tiếng quát “Cút xuống tàu!” vừa đuổi bọn họ đến chỗ giữa hai toa.

Hoài Chân liếc mắt nhìn đồng hồ treo trong toa ăn, chỉ mới 20 phút trôi qua.

Đợi người cảnh sát rời đi, cô lập tức đứng dậy, kéo cửa kính đi ra ngoài.

Trong không gian hẹp giữa hai toa tàu, ngoài mấy người Di-gan ra thì còn có hai thanh thiếu niên người Latin đang đứng hút thuốc. Người thanh thiếu niên tết bím tóc kỳ quái, để lộ hình xăm trên cánh tay đen thui, vô cùng bất mãn với mùi cỏ cây lạ lùng trên người người đàn bà Di-gan này.

Cô gái Di-gan nắm tay một đứa bé, trong ngực ôm một đứa khác đang dỗ ngủ. Hoài Chân đi đến hỏi con gái cô ta bị gì, nhưng tiếng Anh của cô ta không tốt lắm, khoa tay múa chân một lúc, cuối cùng Hoài Chân chỉ nghe hiểu mỗi từ tired (mệt mỏi.)

Hoài Chân nói với cô ấy, cô từng là y tá ở phố người Hoa, có thể khám giúp cô ấy.

Cô gái Di-gan cảm kích nói, lúc mẹ con họ ra ngoài, con bé mới hạ sốt, nhưng mọi người đã đi tàu năm ngày năm đêm, con đã rệu rã lắm rồi.

Hoài Chân quay vào, hỏi xin đầu bếp Trung Quốc một chiếc đũa tre cùng một chiếc ly giấy, thấm ướt đũa trúc rồi cạo gió lên cánh tay cô bé. Cạo hai cái, lập tức trên tay nổi máu bầm.

Cô gái Di-gan trợn to mắt.

Mấy phút sau, Hoài Chân dùng tiếng Anh hỏi cô bé, em thấy thế nào rồi?

Cô bé yếu ớt, dùng tiếng Anh bập bẹ đáp, em thấy đỡ hơn nhiều rồi.

Thanh thiếu niên Latin hút thuốc bên cạnh cũng bắt đầu chú ý bên này, nghe cô bé kia nói thế thì lập tức khoa trương thở dài: “Ôi, phù thủy Trung Quốc xa xưa!”

Hoài Chân không nghe ra là khen hay châm chọc. Đợi sắc mặt cô bé chuyển biến tốt, cô lập tức kéo tay áo xắn cao của cô bé xuống.

Cô gái Di-gan vẫn luôn miệng rối rít cám ơn cô.

Hoài Chân mỉm cười nói, cô khách khí quá rồi.

Lúc này mọi người trong toa đều sợ hãi hô lên. Hoài Chân hỏi sao thế? Cô gái chỉ vào cửa thủy tinh ở sau lưng.

Cửa kính đọng hơi nước ẩm ướt, có người viết trên cửa một câu “May I love you”. Nhưng đã không thấy người ở toa bên kia đâu.

Hoài Chân nhìn chăm chú mấy chữ đó, một lúc sau bật cười.

Đột nhiên có người kêu: “Mưa rồi!”

Khu vực nhỏ này chỉ dùng để nối toa tàu, thế nên trên nóc toa đều có kẽ hở, nước mưa theo đó rơi xuống, chỉ mấy giây đã khiến tóc tai quần áo của mọi người dính ướt.

Thanh thiếu niên Latin lập tức ném tàn thuốc, chui vào trong toa. Cô gái Di-gan cũng muốn đi vào, nhưng đã bị cảnh sát ngăn lại.

Hoài Chân đi tới, giao vé tàu trong tay cho cô ấy.

Cô ấy đỏ mặt không nhận, nghi ngờ nhìn cô. Cô bé trong tay cô ấy thấp giọng hỏi, “Ở đây trời mưa, chị làm sao ạ?”

Hoài Chân nói không sao, đến ga kế tiếp chị sẽ xuống tàu ngay.

Cô gái Di-gan cảm kích cám ơn cô liên tục, nắm tay hai đứa con nhỏ đi tìm nhân viên, dặn con gái nói với họ là mẹ con mình có vé rồi.

Nhân viên cầm tấm vé lật qua lật lại nhìn mấy lần, bĩu môi nói OK, coi như các người may mắn. Sau đó dẫn bọn họ đi vào trong toa.

Cô bé nằm rạp trên vai mẹ, vẫy tay chào Hoài Chân.

Hoài Chân mỉm cười với em ấy.

Đột nhiên cô bé biến sắc, há miệng hoảng sợ chỉ chỉ ra sau lưng cô.

Hoài Chân còn chưa kịp phản ứng thì một chiếc áo khoác đã trùm lên người cô.

Suýt nữa cô giật mình hét lên, sau đó đến miệng cũng bị bịt lại.

Cơ thể ấm áp dính sát sau lưng.

Giọng của Ceasar vọng xuống từ trên đỉnh đầu, “It’s me.”

Cô lập tức im miệng.

Ceasar kéo cô vào trong ngực, càng ôm cô chặt hơn.

Trong bóng đêm, bên tai cô chỉ có tiếng bánh tàu ầm ầm trên đường sắt cùng tiếng gió vù vù. Không biết anh đã dẫn cô đi trên hành lang ngủ say trong bóng tối bao lâu, thỉnh thoảng sẽ đi lướt qua hành khách trên toa tàu khác hoặc nhân viên cảnh sát, những lúc ấy trái tim Hoài Chân lại nhảy lên đến cuống họng, song vẫn có thể nghe thấy anh bình tĩnh mỉm cười chào hỏi bọn họ. Cô cứ cảm thấy nếu lúc này có ai đó bật đèn lên, thấy dáng vẻ hai người di động trong hành lang như thế, thì nhất định phản ứng đầu tiên sẽ là cười ngặt nghẽo.

Một lúc lâu sau, cô nghe thấy anh kéo cửa ra rồi đóng lại.

Bên trong có giọng nam trung niên cất tiếng chào hỏi Ceasar.

Ceasar nói Good night với ông ta. Sau đó lại kéo mở thêm một cánh cửa nữa.

Áo khoác bị kéo ra, trong chớp mắt Hoài Chân chui ra khỏi quần áo anh, nhìn thấy một không gian nhỏ được ngăn cách, trên cánh cửa sau lưng dán dòng chữ PRIVATE CLASS (Toa tư nhân). Hoài Chân từng thấy quảng cáo toa hành khách thế này của công ty Thái Bình Dương trên tạp chí, toa tư nhân rất hiện đại sạch sẽ, ba vị khách dùng chung một phòng, tổng cộng bên trong có ba gian nhỏ. Một gian trong đó có giường tầng, một gian khác thì bên dưới là ghế và bàn ăn, còn bên trên là giường. Ngoài ra còn có một phòng tắm nữa.

Bây giờ hai người họ đang đứng trong hành lang nhỏ hẹp của gian phòng có ghế và bàn ăn.

Ceasar cúi thấp đầu cười với cô, như thể đang đợi cô khen ngợi.

Hoài Chân há miệng, lấp tức hắt xì một hơi.

Hai người nhìn nhau trong không gian chật chội, có chút căng thẳng.

Người đàn ông trung niên bật cười, đùa bảo, “Ồ người tuổi trẻ, tôi không nghe thấy gì đâu.”

Hoài Chân thở phào nhẹ nhõm. Nhưng trước khi xác nhận ông ấy không phải là người bài Hoa, Hoài Chân vẫn không dám tùy tiện để lộ mặt.

Ceasar nói nhỏ với cô, “Anh đi lấy khăn lông cho em. Có muốn nằm trước không?”

Cô gật đầu.

Kéo mở cửa ra là có thể nhìn thấy vị khách trên giường đối diện. Nhân khi Ceasar mở cửa, cô định bò lên giường trùm chăn quá đầu, như thế sẽ không dễ dàng bị phát hiện. Cô cởi áo len ướt nhẹp ra, treo lên giá treo quần áo, mặc quần dài rộng thùng thình và áo thun cọc tay, đỡ lấy cầu thang trèo lên giường, nằm trong chăn cởi quần và áo thun ra, lại dùng tiếng Anh nói nhỏ với Ceasar, “Thuận tiện lấy quần áo ngủ đến cho em với.”

Anh đáp được.

Lúc Ceasar kéo cửa ra ngoài, cô nghe thấy người trung niên đối diện nói với anh, “Giọng của bạn gái cậu cute thật, tin rằng người cũng cute như thế.”

Anh cám ơn ông ta.

Hoài Chân đột nhiên cảm thấy vui, vì tiếng Anh của mình không mang khẩu âm phố người Hoa.

Nhân lúc cửa đóng lại, Hoài Chân cởi áo ngực, quần dài và áo thun ra, treo lên giá treo ở trên tường.

Tới khi lần nữa chui vào trong chăn thì trên người cô chỉ còn lại một chiếc quần lót.

Đến khi cửa bị kéo ra, Hoài Chân đột nhiên nghĩ đến một vấn đề, ở đây chỉ có một chiếc giường, Ceasar sẽ ngủ ở đâu đây?

Mải mê suy nghĩ, chợt két một tiếng, cửa toa bị khóa lại, đèn cũng tắt đi.

Hoài Chân còn chưa kịp hỏi anh vấn đề này thì đã ngửi thấy mùi xà bông thơm. Có lẽ anh đã tắm trong phòng tắm.

Ngay sau đó, Ceasar trèo lên thang, rất tự nhiên chui vào trong chăn.

Trong bóng tối, một cơ thể rắn chắc ấm áp tiến đến, Hoài Chân cảm giác tim mình nảy lên tận cổ họng.

Anh mặc đồ ngủ cotton, tóc hơi ướt, quả nhiên là vừa tắm xong. Giường khá hẹp, một mình Hoài Chân nằm vẫn đủ, nhưng Ceasar chân tay dài, vừa nằm xuống đã trở nên chật chội, chỉ cử động chút thôi là đã đụng vào vách ngăn rồi.

Bất đắc dĩ anh kéo đầu Hoài Chân đến, tính để cô kê lên vai mình.

Dán lấy cơ thể anh, Hoài Chân kháng cự dịch người ra, thấp giọng nói, “Em vừa mắc mưa, vẫn chưa tắm.”

Ceasar vẫn chưa phát hiện ra điều gì không đúng, thấp giọng hỏi cô, “Đợi ông ta ngủ thì có thể tắm.”

Cô nói, “Không phải, ý em là…”

Ngay sau đó anh vươn tay tới, đột nhiên chạm vào bả vai trần truồng của cô, lập tức ngẩn ra.

Cô có thể cảm thấy được, cơ thể anh cũng dần nóng lên.

Hai người im lặng.

Ceasar lặng lẽ chui ra khỏi chăn.

Hoài Chân lặng lẽ trở mình trong chăn.

Ceasar hơi nhổm người dậy, đưa áo ngủ màu xám cho cô rồi quay người lại.

Hoài Chân ôm áo vào lòng, khó khăn lục lọi trong chăn, mặc từng thứ một vào.

Trong bóng đêm, cô nghe thấy tiếng hô hấp nặng nề của anh, còn cả tiếng nuốt nước bọt đầy kiềm chế.

Sau đó hỏi cô, “Xong chưa?”

Cô đáp xong rồi, kéo chăn ra chia cho một nửa anh.

Ceasar ôm cô vào lòng, dùng khăn lông lau tóc ướt cho cô, hôn nhẹ lên trán cô rồi nói khẽ, “Sorry…”

Hoài Chân không hiểu hỏi anh, “Why do you say sorry? Sorry for what?” (Vì sao lại xin lỗi? Xin lỗi vì gì cơ?)

Nghe được câu hỏi nghi vấn của cô, Ceasar bật cười như thể không biết làm sao.

Một lúc sau vẫn nói, “Sorry, sorry for everything.”

For me, for the train, for this country.

(Xin lỗi, xin lỗi vì tất cả.

Vì anh, vì con tàu này, vì đất nước này.)

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi