Lúc tôi đi qua thành nội Hoa Lư đã là xế chiều, màu đỏ của hoàng hôn óng ánh lạ kỳ, nó phủ lên những mái nhà, những ngọn núi. Trốn đi mà nghỉ lại kinh thành là dại dột, tôi phải ra khỏi đây trước khi mặt trời lặn. Các hàng quán đều đang dọn dẹp chuẩn bị hết một ngày bán buôn, chỉ có quán trọ là bước vào “giờ vàng” hái tiền. Kinh đô Hoa Lư là một trung tâm trao đổi hàng hóa, người nước Tống phương Bắc và nước Chiêm phương Nam vẫn vào đây bán các thứ có ở đất nước họ và mua các đặc sản của Đại Cồ Việt. Vì lẽ đó mà tôi có dịp nhìn ngắm phong cách ăn mặc của những người ngoại quốc. Dân Tống ăn mặc thanh lịch, không khác gì các bộ phim cổ trang, kiếm hiệp Trung Quốc. Đàn ông tóc dài, thường búi lại hoặc đội ngọc quan. Phụ nữ cài trâm, tết bím trông rất giản dị mà yểu điệu. Đa phần họ đều ăn mặc kín đáo không giống như dân Chiêm Thành. Văn hóa nước Chiêm chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ. Phụ nữ Chiêm không chấm nốt đỏ trên tâm mi nhưng hay đeo vàng trên cánh mũi. Họ thích quần áo sặc sỡ, họa tiết dày đặc, nhiều màu sắc và cầu kì. Tà váy dài lếch đất nhưng không che rốn. Áo thường xén một cánh tay, để lộ bờ vai và có tua rua dưới gấu áo. Họ ưa chuộng các loại vải the, vải sa mỏng. Trên đầu các cô, các bà thường đội khăn như Quan Âm. Đàn ông Chiêm Thành quấn xà rông, không thì quần ống rộng thùng thình, cổ đeo tràng hạt, đầu để tóc ngắn. Thiếu niên đội nón vải trắng hoặc đen còn trung niên, người già thì chiết khăn nhiều kiểu.
Đúng là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chỉ rời hoàng cung vài giờ đã biết bao nhiêu điều mới mẻ. Xem các đoàn thương nhân ngoại quốc cưỡi xe bò, xe ngựa khuân vác hàng, xem các thiếu nữ Chiêm Thành xung xoe gợi cảm, làm cánh mày râu của Cồ Quốc không rời mắt được. Lại có dịp ngắm nghía người Hán chính tông, những bộ quần áo mà ngày nay chỉ dùng làm đạo cụ quay phim.
Hoa Lư giàu có, trù phú và nhộn nhịp. Tiếc là tôi không thể ở lại nơi này. Đi theo một đoàn dân buôn ra khỏi kinh thành, tôi tới bến đò rồi không biết phải đi đâu. Hướng Đông là ra biển, có thể sẽ gặp các làng chài. Hướng Đông Bắc đi về vùng Bố Hải Khẩu, trước đây là thánh địa của sứ quân Trần Lãm – tức anh ruột của phò mã đô úy Trần Thăng. Nhưng vùng đó cách Hoa Lư xa lắm, phải có một con ngựa thì mới tìm đến được, tôi lại không giỏi cưỡi ngựa…
Thôi cứ chọn Hướng Đông, xem thử vịnh Bắc Bộ Việt Nam thế kỉ 10 ra sao. Sông Tích Giang gặp bi*n đ*ng ở cửa Đại An, nơi đó có một ngôi làng chài nghèo tên là Mạc. Haizzz…. Nghe cái tên cũng biết là nghèo mạc!
Tôi qua đò và may mắn gặp được xe chở rơm của một đôi vợ chồng nhà nông. Họ đưa tôi đến gần Mạc, tôi trả họ hai đồng tiền. Lúc này trời đã tối rồi, tôi gõ cửa ngôi nhà đầu tiên mình gặp được. Trong nhà lập lòe ánh đèn dầu. Mở cửa là một người phụ nữ luống tuổi, giọng nói rất đậm chất An Nam.
- Cô nương có việc gì?
- Đại thẩm, cháu là người làm thuê ở Hoa Lư, trên đường về Đằng Châu thăm phụ mẫu, nay trời tối mà không có chỗ nghỉ chân. Đại thẩm thương tình, cho cháu ngủ nhờ một đêm, cháu xin hậu ta bằng 10 đồng tiền!
Người đàn bà nhìn tôi một lát rồi cũng né sang một bên để tôi vào. Trong nhà chỉ có duy một ngọn đèn. Trên bàn ăn là vài món đạm bạc. Một ông lão tóc bạc phơ híp mắt nhìn tôi, hai đứa bé cạo đầu ba vá đang nhóp nhép nhai. Nhà chỉ có 4 người như thế.
Bà mẹ lấy thêm một cái bát và một đôi đũa
- Chắc cô nương chưa ăn gì. Nhà chỉ có cá mắm bậy bạ, cô nương đừng chê!
Tôi cầu còn không có, lấy đâu mà chê bai. Vùng biển, ngoài cá tôm thì còn có gì? Tôi không dám ăn nhiều, chỉ nửa chén cơm nhỏ, dù sao nhà người ta cũng nghèo lại con cái nheo nhóc. Tôi không gỡ khăn che mặt, ăn uống có hơi bất tiện. Ông già và bà mẹ nhìn tôi tò mò nhưng cũng không tiện hỏi. Đã sang thu, trời về đêm trở lạnh. Sau bữa cơm đơn giản, ông lão nhét thêm củi vào bếp lò, căn nhà tranh ấm lên chút ít. Hai đứa bé ôm nhau ngồi một góc, chúng nó mân mê đồng tiền nhỏ mà tôi cho, tựa như cả đời chưa bao giờ được cầm thứ nào giá trị hơn.
Người phụ nữ vào buồng chuẩn bị chỗ ngủ, ông già ngồi trên đóng rơm, lim dim rít một ống điếu dài. Mùi thuốc hanh hanh, tôi đoán là thuốc lào. Bên ngoài trời bắt đầu có mưa, mưa rơi rả rít. Bên trong này u tối, ánh lửa lờ mờ, chỉ nghe tiếng hít thuốc của ông già và đôi mắt của bọn trẻ sáng quắc trong bóng tối.
Không gian xa lạ, những con người xa lạ… Tôi tự nhiên nhớ nhà.
Có hai nơi làm tôi nhớ đến. Gia đình hạnh phúc của mình ở thế giới tương lai và điện Vân Sàng sa hoa quyền quý. Nơi đó có những người thân yêu, những kỉ niệm tươi đẹp… Rồi tôi lại nhớ tới một người. Thật ra tôi biết về anh từ rất lâu rồi. Anh biến hóa qua gương mặt của các nghệ sĩ đoàn hát, anh xuất hiện mới tấm chân dung vẽ vội trên sách giáo khoa, tên anh có khắp nơi trong các bộ đề luyện thi.
Chúng ta cách nhau 1000 năm, đi bằng tàu vũ trụ cũng không tới. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ có bất cứ liên quan nào với con người này. Lê Hoàn chỉ đơn giản là một cái tên, nó không có gì khác biệt hơn con chữ, nó không thể kéo tôi khỏi cơn ngủ gật trong giờ lịch sử, cũng không hấp dẫn tôi trong các vở cải lương.
Anh chỉ là quá khứ, một quá khứ xa xôi.
- Cô nương… cô có muốn nghỉ ngơi chưa?
Thì ra người phụ nữ đã ngồi cạnh tôi từ lúc nào.
- Cảm ơn đại thẩm, cháu chưa mệt!
- Từ đây về Đằng Châu xa lắm, phải mất mấy ngày đường. Cô một thân một mình, liệu có đến được không?
Tôi chỉ thuận miệng nói ra cái danh Đằng Châu chứ cũng không biết mình có đến hay không. Đằng Châu là một vùng đất ở phương Bắc, còn xa hơn Bố Hải Khẩu. Lúc loạn lạc, nó là lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch Hổ. Vị này là một tướng tài, từng giúp Ngô Quyền tiêu diệt Kiều Công Tiễn, tham gia trận Bạch Đằng rồi về sau tiếp tục phò tá Ngô Xương Văn. Có thể nói Phạm Bạch Hổ đối với triều Ngô đã tận trung hết lòng. Khi vua Ngô băng hà, ông về đất Đằng Châu – nơi từng làm hào trưởng trước khi theo Dương Đình Nghệ. Rồi ông trở thành một trong 12 sứ quân, chiếm giữ vùng Đằng Châu. Sau khi hoàng đế lấy được binh quyền từ tay Trần Lãm, Phạm Bạch Hổ thức thời cũng chủ động quy hàng. Đinh Bộ Lĩnh thu phục Đằng Châu không phải rơi một giọt máu. Về sau Phạm Bạch Hổ phục vụ họ Đinh, được phong “Thân vệ đại tướng quân”. Nghe nói Lê Hoàn đối với vị tướng họ Phạm này hết sức kính trọng.
Năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, Phạm Bạch Hổ cáo lão hồi hương.
Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân, tức là cách đây chỉ 3 năm, ông mất ở quê nhà, thọ 62 tuổi. Bệ hạ thương tiếc cho lập đền thờ ở Đằng Châu, viết tặng danh hiệu “Khai thiên hộ quốc tối linh thần”
Những điều này là tôi nghe Vân Nga kể lại. Một con người như thế xứng đáng được hậu thế tôn vinh! Ngẫm nghĩ một lát tôi cười nói:
- Hơi xa nhưng đi sẽ đến. Cháu muốn thăm đền Mây, thắp cho Phạm tướng quân một nén nhang!
Ngoài dự đoán, ông lão đang say thuốc tự nhiên mở mắt
- Vị tiểu thư này biết Thân vệ đại tướng quân?
- Không ạ, cháu chỉ nghe nói. Trong lòng vô cùng cảm phục.
Lão đặt tẩu thuốc xuống, hai mắt vẫn lim dim
- Ngài ấy là một người tài, cũng là một người sống rất tình nghĩa…
- Lão bá bá nói vậy, không lẽ lão biết Phạm Bạch Hổ?
Tự nhiên ông lão cười ồ lên, đúng ngay lúc trời có sấm sét. Tia sáng xoẹt qua khe cửa, hắt lên khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt đục vì tuổi già và hàm răng đen lởm chởm. Tôi ớn lạnh xương sống…
- Nào chỉ có biết! Thân lão chính là người chạy việc cho Phạm đại nhân, cũng theo ngài hơn 10 năm. Khi hoàng đế lên ngôi, Phạm đại nhân rời Hoa Lư, lão cũng phải về làng Mạc tìm lại vợ con… tiếc là má nó đi rồi. Hai năm trước thằng con lão cũng chết trận. Bây giờ chỉ còn đứa dâu với hai thằng cháu nội này thôi!
Tôi nhìn bà mẹ và hai đứa con thơ, lòng bùi ngùi
- Chết trận? Vậy là con trai lão bá bá đi đám giặc Ô Qua ở Tây Kết phải không?
- Ờ, đi đánh giặc, rồi không về nữa!
Tôi xoa xoa đầu một hai đứa bé, miệng lẩm bẩm
- Con không cha như nhà không nóc…
Bà mẹ cười cười nói với tôi
- Bọn trẻ ngoan lắm, nhà cũng không tới nổi chết đói, hoàng hậu đương triều có tấm lòng bồ tát, đã cho nhà tôi không ít bạc, lại miễn thuế hai năm. Tôi định chờ bọn trẻ lớn thì cho vào cung làm thị vệ, nghe nói sẽ được ưu tiên!
Qủa thật chị tôi đã đề ra chính sách như thế. Xem ra Dương Vân Nga không những được lòng triều đình mà còn được nhân dân quý mến. Hình như có đi tới đâu tôi cũng không thoát khỏi những giai thoại, những chứng nhân liên quan tới hoàng triều. Thảo nào người ta nói “dưới chân thiên tử”, đã là đất vua, đi đâu cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của triều đình và hoàng đế.
Đứa lớn nghe mẹ nói vậy thì nhanh nhảu đáp
- Sau này con lớn, con sẽ bái Thập đạo tướng quân làm sư phụ!
- Đệ cũng vậy, đệ sẽ lớn mau hơn huynh!
Đứa nhỏ gân cổ cãi, thế là hai anh em nhà nó chí chóe tranh luận. Tôi không biết nên khóc hay nên cười, đi tới đây rồi mà vẫn nghe nhắc tới cái người đó, anh ta giống Idol của cả nước thì phải.
Theo như đánh giá của thầy giáo đầu hói dạy sử trường tôi thì Lê Hoàn là một người tài giỏi và cao ngạo, anh ta có lòng tự hào dân tộc cao ngất, cũng là vị vua đầu tiên làm triều đình nhà Tống e sợ, hoàng tộc nước Chiêm bị đánh tan tác, Chiêm Thành loạn lạc mấy chục năm. Lê Hoàn cũng là kẻ thù dai, bị đánh một đòn thì trả lại gấp năm gấp sáu còn chưa hả. Trong suốt mấy nghìn năm lịch sử Việt Nam, ngang tài với Lê Hoàn không quá 5 vị mà đáng nói đến chỉ có Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn với 3 lần đánh Mông Nguyên – đội quân khiếp đảm nhất Á Châu thời đó và Tướng Võ Nguyên Giáp với trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”
Haizzz… giáo sư đầu hói giảng về Lê Hoàn rất hăng, tôi thì ngồi ở hàng chót vừa chơi đặt bom vừa nhai bắp rang!? Sớm biết có ngày “đụng độ” họ Lê này tôi sẽ chăm chỉ nghe một chút. Ví như hắn sợ nhất cái gì, điểm yếu là gì, có tật xấu gì không dám để ai biết…? Đời này làm sao có người hoàn hảo? Mà tôi đoán mấy ông chép sử như Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Thì Sĩ, Trần Trọng Kim,… đều mắc bệnh siêu tự hào dân tộc, khen cổ nhân Việt Nam nứt đất nứt trời, riết rồi không còn là người phàm nữa! Lê Hoàn thì Lê Hoàn, hắn cũng phải ăn cơm mới sống được, có gì lạ đâu… Một phàm nhân tục tử như tôi còn được Lê Hoàn tặng quà nữa là… ý! Hình như tôi bỏ quên cái khăn ở hoàng cung rồi!!!
Tôi bóp bóp tay nải mang theo. Chết chửa? Thế là để đồ quý ở lại rồi sao? Ôi… sao mình đãng trí vậy, cái khăn đó còn đáng giá gấp mấy trăm lần tiền bạc tôi mang theo. Về sau có túng thiếu thì đem bán, sẽ kiếm được cả một gia tài. Hu hu hu tiếc quá, tiếc quá!
(Hoa Ban: Chị Kiều ạ, não chị chỉ to tới ngần ấy thôi à? =)) Sao mình lại viết ra một đứa dở hơi như vậy nhỉ? *khóc~ing*)
Thế là tôi bắt đầu nước mắt ngắn nước mắt dài thương xót cho số phận bi ai của mình…
“Kiều Nga!”
Thật là, đang tiếc cái khăn tự nhiên nghe giọng của chủ nhân nó.
“Dương Kiều Nga!”
Gọi nữa, làm gì cứ như gọi hồn vậy trời???
“Nga Nhi!”
Nổi da gà, tôi cũng khâm phục trí tưởng tượng của mình. Chẳng lẽ vì nhớ mà sinh ảo giác?
“Nga Nhi, nàng ra đây!”
Tôi hơi ngờ ngợ mà quay đầu hỏi
- Đại thẩm, hình như trước khi người ta chết, đầu trâu mặt ngựa sẽ hiện thân gọi hồn thoát khỏi xác phải không?
Người phụ nữ trợn mắt, cũng ngơ ngẩn gật đầu
- Hu hu… đại thẩm ơi, họ gọi hồn cháu rồi, sao số cháu khổ thế, còn trẻ vậy đã phải chết!?
Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa, âm thanh lạnh lẽo trong đêm mưa khác chi tiếng ai đó đang mài dao chuẩn bị giết lợn. Tôi dựng tóc gáy, chộp bàn tay người phụ nữ mà ngậm ngùi căn dặn:
- Đại thẩm từ bi, lỡ may tôi chết, tiền ở trong tay nải, phiền thẩm lo ma chay chu tất rồi gửi tin về cho chị gái tôi ở kinh thành. Nói với chị là tôi ra đi rất thanh thản, chị đừng quá đau lòng… híc híc…
Người phụ nữ bị tôi làm cho choáng váng, bọn trẻ trừng mắt nhìn, đồng tiền trên tay cũng rơi xuống đất. Chỉ có ông lão là không bị ảnh hưởng, chầm chậm đi ra cửa. Lão mở thanh chắn, kéo cái cửa lá thô sơ ra. Lúc này thêm một tia sét đánh xuống, tạo thành điểm mù thị giác, cả thế giới đột nhiên trắng lòa. Lúc ánh sáng lắng xuống tôi mơ hồ nhìn thấy một bóng người cao cao, so với cái cửa còn cao hơn.
- Ngài là…
- Làm phiền gia đình lúc nửa đêm, tại hạ đang tìm một tiểu cô nương… không biết gia đình có gặp qua…
Anh ta không nói nữa vì đã nhìn thấy tôi ngồi trong nhà rồi. Tôi đang rưng rưng nước mắt, nắm tay người phụ nữ.
- Nga nhi!
Lần này là da chó cũng phải dựng lông. Mắt chữ O mồm chữ A, tôi lắp bắp:
- Lê… Lê… Lê….
Người phụ nữ ngỡ ngàng:
- Lê cái gì?
Tôi biết không thể làm lộ danh tính cao nhân nên đáp bừa:
- Lê xoài quýt bưởi… trái cây ấy mà!
Cục diện lúc này thật rối. Ông lão vẫn vịn vào cửa, miệng còn lãi nhãi hơn tôi mà mãi không nói hết câu: “Ngài là…ngài là…” Hai đứa bé sợ người lạ, núp sau lưng mẹ nhưng mắt không nén tò mò mà nhìn lom lom ra cửa. Người phụ nữ mơ hồ nhìn tôi và vị khách mới tới.
Lê Hoàn là người phá vỡ bố cục này
- Cô nương kia là phạm nhân quan phủ đang truy bắt, lệnh bài đây, xin cho tại hạ dẫn người đi!
- CÁI GÌ?
Tôi hét toán lên, người phụ nữ hết hồn hất tay tôi ra, kéo hai đứa con vào vòng bảo vệ chứ như tôi sẽ ăn thịt chúng. Ông lão phản ứng rất nhanh, lập tức mở rộng cửa
- Vâng vâng, mời ngài vào. Người ở đó, không thoát được đâu!
Rồi tất cả diễn ra như trong kịch. Lê Hoàn không mất tí công sức nào mà vào tận hang, bắt người đem đi dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình ông lão. Thái độ khúm núm cung kính của ông già đủ cho thấy ông ta biết Lê Hoàn. Nói cũng phải, người này từng là thuộc hạ của Phạm Bạch Hổ mà!
Và như thế, một kẻ không rõ danh tính như tôi sao đọ lại với Thập đạo tướng quân Idol? Một tiếng “phạm nhân” của anh đã đủ khiến ông già tin như là chân lý, không thèm suy nghĩ vì sao đường đường là tướng quân lại tự mình đi bắt một nữ tội phạm tay không tấc sắt? Tôi anh lôi đi như xách một con gà chuẩn bị nhổ lông, trụng nước sôi.
- Á, khoan khoan đã! Chưa trả cho đại thẩm 10 đồng tiền mà!
Và tội phạm là tôi vô cùng giữ uy tín moi một xâu Thái Bình Hưng Bảo đưa cho người phụ nữ. Sau đó không để ý nét mặt quái dị của gia đình họ mà đi theo Lê Hoàn.
Lúc này tôi mới phát hiện anh rất mất hình tượng. Đêm tối om, trời lại mưa. Tóc Lê Hoàn rối và ướt, thả dài sau lưng. Lông mi của anh động đầy hơi nước, nét mặt mờ mịt trong thứ ánh sáng mơ hồ từ ngọn lửa trong nhà. Quan trọng hơn là áo quần anh ướt sũng. Tôi ngạc nhiên đánh giá một phen trong lúc bộ lông xinh đẹp của Nguyệt Mao trùm lên đầu tôi.
- Ngài không sợ nó ướt hả?
Tôi nghe nói hắn quý cái áo hơn cả Nhất Minh kiếm kia mà.
- Tốt hơn là nàng ướt!
Tôi bị bó chặt trong cái núi lông, đúng là nước mưa không thấm một giọt vào áo. Tiếp theo lại bị người ta thô bạo ném lên lưng ngựa. Con ngựa bước chậm chạp trong đêm mưa, cả tôi cũng không thấy đường đi phương nào, mà nó thì ung dung bước.
- Hình như con ngựa này mệt rồi!
Giọng nói đầy từ tính sau lưng trả lời.
- Chạy một mạch từ Hoa Lư về Nga My, sau đó lại chạy loanh quanh ngoại thành, cuối cùng tới đây, không mệt mới lạ!
Tôi thương cảm con vật sống kiếp bị người ta đè đầu cưỡi cổ mà vuốt bờm nó và cảm thán một câu
- Ngựa con, mi đáng thương quá!
- Hừ! Kẻ đáng thương không chỉ mình nó. Mà nó là “ngựa già” rồi!
Tôi mặc kệ tên khó ưa sau lưng, ngẩn đầu căng mắt nhìn trong đêm
- Này, ngài thấy đường đi không đó? Lỡ gặp ổ gà ổ voi thì chụp ếch cả đám!
Lê Hoàn hừ một tếng, giọng khinh thường
- Thị lực của con ngựa còn tốt gấp đôi nàng, nói chi là ta!
Màn đêm nối tiếp màn đêm, xa xa có ánh bếp lửa của các gia đình. Mưa không còn lớn, nhưng vẫn rơi rả rít. Trời không trăng không sao, tối om om. Tiếng gió hú quanh quẩn bên tai… Hai gò má đã lạnh mà cơ thể thì quá ấm. Mọi chuyện như không hề có thật!
- Lê Hoàn!
- Gì?
- Vì sao tìm được tôi?
- Ông lái đò, hai vợ chồng đánh xe. Nàng ăn mặc toàn vải tốt, lại che khăn, ai nhìn qua cũng nhớ!
Ra thế, có phải mình quá ngốc không?
- Vì sao lại tìm tôi?
- Còn hỏi? Bỏ đi như vậy, nàng muốn hoàng hậu tức chết à?
- Tỉ tỉ bảo ngài đi tìm? Chẳng phải trong thư đã nói là tôi không muốn quay về?
- Không về? Vậy thì đi đâu? Ở nơi này còn có nơi nào để nàng đi nữa?
- Đi khắp nơi, đi du sơn ngoạn thủy, thiên hạ rộng lớn không lẽ không tìm dược chốn dung thân?
- Câm miệng! Biết cái gì mà nói! Đàn bà con gái, một thân một mình, một chút tự vệ cũng không biết, nàng nghĩ thế gian là Đào Hoa Nguyên sao? Người nào cũng là thiện nam thánh nữ? Ta không muốn nàng lại giống Phương Thúy Diệu!
Hứ, vừa ra khỏi nhà đã nhớ cô vợ nhỏ ở nhà rồi.
- Nhưng mà chuyện của tôi không cần ngài lo. Dừng ngựa! Không về nữa, không đi nữa!
Tôi vùng vẫy muốn tuột xuống, Lê Hoàn vội vã thắng ngựa mà hét toán lên
- Nga Nhi, ngồi im, ngã bây giờ!
Sao không nói sớm một chút, tôi ngã mất rồi, ịn cái mông xuống đất mới đau chứ! Lê Hoàn hốt hoảng phóng xuống, đỡ tôi lên, giọng anh hòa vào tiếng mưa, mang theo nỗi lo sợ
- Sao rồi, bị thương ở đâu?
Áo đã dính sình bùn, hài ướt sũng, bàn tay chống xuống đất đâm phải hòn đá nhọn, mông thì đau, eo cũng đau mà nước mưa tạt vào mặt lạnh buốt. Tôi thấy mình thật khổ, bao nhiêu uất hận cũng theo đó trôi ra, theo định luật bảo toàn năng lượng mà biến thành nước mắt. Tôi cần tìm một bao cát và Lê Hoàn xui xẻo đứng ở rất gần. Tôi bắt đầu nổi khùng, đá vào chân anh ta, đấm vào ngực anh ta. Trời ơi đất hỡi, về sau nghĩ lại mà toát mồ hôi. Lê Hoàn – Lê Đại Hành – tướng quân đánh Tống phạt Chiêm – hoàng đế cao ngạo, đứng trên cao nhìn xuống – và bây giờ, anh ta bị tôi xử đẹp!
- Họ Lê chết tiệt! Tôi thù anh, tôi ghét anh. Đồ lăng nhăng, đồ bất lương, đồ phong lưu, đồ xấu xa, đồ biến thái!!! Tại anh mà tôi phải bỏ đi, tại anh mà tôi bị ép gả cho con cáo già. Anh trêu hoa ghẹo bướm, lừa tình con gái nhà lành rồi thờ ơ đẩy người ta cho đàn ông khác. Đồ lừa đảo, sét đánh anh đi!!! You’re a such a jerk!
Và ông trời nghe theo lời tôi. Một tia sét rạch nửa bầu trời, tiếng ầm dội vào tim như làm đông cứng mạch máu. Mặt tôi tái mét, huýnh lên ôm luôn bao cát, thật mất hình tượng! Và cái người bị tôi chửi tơi bời, trong chốc lát lại bị tôi ôm như con khỉ đu dây ấy hoàn toàn nghệch ra. Ước gì thuộc hạ của hắn nhìn thấy chắc sẽ không bao giờ tin hắn là Lê Hoàn.
- Nàng… nàng…
Lê Hoàn lấp bấp rồi một cách bối rối mà cũng ôm lấy tôi. Nước mưa, nước mắt… tất cả thấm vào áo anh.
- Kiều Nga. Ta không biết. Xin lỗi… ta nghĩ… như vậy sẽ tốt cho nàng, vả lại nàng cũng đồng ý nên…
- You’re stupid!
- Hả?
- You idiot!
- Gì?
- I love you!
- …
Thứ ngôn ngữ tôi nói anh không biết và vì thế mà tôi thoải mái nói hết nổi lòng. Tôi đang rơi, rơi vào cái hố tình không thấy đáy…
Trời vẫn mưa, ngựa buồn chán nhìn hai kẻ điên đứng tắm mưa rồi cũng mặc kệ đi gặm cỏ. Tôi chưa từng thấy con ngựa nào quái dị như vậy, nửa đêm còn nhai cỏ ngon lành.
Tôi và Lê Hoàn không muốn động đậy, giây phút này hiếm có quá. Lần đầu chúng tôi tranh luận nhiều như thế, nói cũng nhiều như thế.
- Nga Nhi!
- Hả?
- Gỡ khăn che mặt ra đi…
Tôi giật mình, đẩy phắt anh ta ra, giơ tay thủ thế chụp lấy khăn trên mặt. Có chết tôi cũng không thể để anh biết, tôi và Vân Nga… đó là bí mật sống chết! Tôi tìm lý do lấp liếm:
- Không đâu, em rất xấu, rất tự ti… sẽ khiến ngài khiếp sợ!
Lê Hoàn im lặng một lát rồi đột nhiên rinh cả người tôi lên, nhanh và dứt khoát tới nổi tôi chưa kịp phản ứng thì đã được đặt xuống.
- Ta không thấy.
- ???
- Ở đây tối như mực, không thấy gì hết! Thật đó!
Tôi cũng không thấy gì, chỉ cảm giác Lê Hoàn đang đứng rất gần. Bàn tay anh lần mò theo cánh tay, lên vai, lên cổ và dừng lại trên mặt tôi. Hơi thở ấm nóng phà vào trán
- Kiều Nga, ta hôn nàng được không?
Hóa ra mục đích của anh ta chỉ là như thế. Sự dịu dàng ấy như thuốc mê, làm tôi mơ hồ gật đầu… Cảm giác vật chắn trước mặt rơi xuống và thay vào là làn môi lạnh của ai đó. Nụ hôn rơi vào mi mắt, trượt xuống sống mũi, vấn vương bên má và dừng lại trên môi. Cơ thể tôi khẽ run, trái tim cũng run theo. Tôi ngờ nghệch níu lấy vạc áo anh, nương theo từng động tác của anh. Trong bóng tối, những giác quan khác trở nên nhạy cảm. Lê Hoàn hôn mãi… dường như yêu thích đến quên ngừng…
- Nàng nói dối!
Lát sau tôi mơ hồ nghe thấy một lời buộc tội như thế.
- Hả?
Bàn tay lạnh vuốt ve bên mặt tôi, như muốn dùng xúc giác để khắc họa từng đường nét, tiếng anh xen lẫn tiếng cười:
- Nàng rất đẹp, nhất định là một mỹ nhân!
- Xì! Dùng tay không biết được. Mặt em giống con chó đốm, đốm, đốm, đốm, hiểu không?
- Mặc kệ!
Sau đó lại tiếp tục hôn… Trời cứ mưa thôi, không vì một đôi trai gái vụn trộm trong bóng tối mà ngừng lại. Thỉnh thoảng vẫn có sét đánh nhưng tôi chỉ toàn nghe thấy hơi thở và những tiếng thầm thì của anh
- Nga Nhi… ta chưa từng hôn ai, kể cả Ngọc Lâm, Nghi Lan, Thúy Diệu… ta chưa từng…
- Nga Nhi, không muốn dừng lại, làm sao giờ?
- Nga Nhi… trời chưa sáng mà, thêm tí nữa thôi….
- Nga Nhi, trời sáng thì nhắm mắt, như vậy là được rồi…
- Nga Nhi, chỉ cần ta nhắm mắt, lúc nào cũng có thể hôn nàng phải không?