KỲ SỬ DƯƠNG HẬU

Lê Hoàn lên ngôi trong một bối cảnh tự nhiên như tôi mong muốn, hợp thời thế và thuận lòng người, giống như hệ quả tất yếu của một triều đại đang trên đà sụp đỗ và nguy cơ chiến tranh che dọa đất nước. Một vị vua mà thần dân, triều đình tin tưởng và suy tôn, một vị vua có sự đồng tình từ Hoàng thái hậu triều đại trước. Như vậy là điều kiện vừa và đủ.

Ngày hôm đó, anh đã mất một khoảng thời gian để tiếp thu sự thật này. Cặp mắt sắc bén nhìn tôi và Phạm Cự Lạng, dường như không có điều gì mà người không nhìn thấu. Lễ đăng quang vô cùng gấp gáp và giản lược, Lê Hoàn chỉ làm cho có, thông qua vài nghi thức cơ ban nhất. Dù sao tình hình bây giờ cũng không phải lúc tổ chức rình rang, ăn uống hội hè.

Theo sự nhất trí của triều thần, vua lấy tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế. Đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Từ tháng 11, năm Canh Thìn trở thành năm Thiên Phúc thứ nhất. Đinh Toàn bị giáng làm Vệ Vương, sử cũ gọi là Đinh Phế Đế. Kinh đô vẫn chọn Hoa Lư, quốc hiệu vẫn Đại Cồ Việt.

Nhất trí xong mấy điều cơ bản này, Lê Hoàn lập tức cho hạ triều, rồi lại lao đầu vào mớ binh thư, bản đồ của anh. Sai cái này, lệnh cái kia, triệu người này, gọi người kia… Hoàng đế chạy tới chạy lui trong thành Tràng An, hình như không có gì đổi khác so với lúc anh còn làm Thập đạo tướng quân, ngoài việc trên người đang mặc long bào.

Sau lễ đăng quang, ai cũng có việc phải lo liệu, giống như tất cả sự kiện vừa rồi là một bất ngờ nho nhỏ, nằm ngoài định liệu mà thôi. Việc nước khẩn cấp, người ta cũng chẳng xem nặng lễ tiết quy cũ làm gì, phải chờ khi non sông yên bình thì cái tôn nghiêm của hoàng đế mới có lúc xài tới. Thôi kệ, Lê Hoàn sẽ không vì đột nhiên lên làm vua mà cư xử xa cách với người nào. Tôi còn cảm thấy sở dĩ anh ta không lên tiếng phản đối vì cho rằng cãi cọ mất thời gian. Lúc này là giai đoạn phải giành giật từng giây từng phút, nội trong 5 ngày tới, kế sách, chiến lược phải được thống nhất, quân đội phải phân chia cụ thể rõ ràng. Ngày thứ 7 thì đồng loạt xuất binh, tướng nào trấn ở đâu, mang bao nhiêu lính, đối đầu với ai, phối hợp với cánh quân khác ra sao… mọi thứ như một ván cờ mà ngươi chơi phải tính toán nước đi của đối phương đồng thời trù liệu phương pháp đối kháng. Đoán đường hành quân của giặc, lập phòng tuyến, đánh đúng lúc, rút kịp thời,… cái này là nghệ thuật quân sự!

Tôi lững thững trở về cái xó nhỏ của mình. Giờ này sẽ không còn ai bận tâm với một vị Thái hậu mất quyền hạn như tôi nữa. Lê Hoàn phế Toàn nhi làm Vệ Vương nhưng không đả động tới địa vị của tôi, tôi cũng không biết vì anh quên hay cố ý. Đám cung nhân ở Vân Sàng cũng ngỡ ngàng chưa tiếp nhận nỗi thay đổi lớn lao này, họ chầm chậm theo chân tôi về hậu cung, không ai nói lời nào.

Tôi nhìn thấy Đinh Toàn đứng chơ vơ trước cửa điện, Thái giám hầu cận đang khom lưng nói gì đó với nó. Thằng bé còn nhỏ, nhưng không phải cái gì cũng không biết

- Toàn nhi!

Tôi vẫy tay gọi, từ khi nó làm vua, tôi đã không dùng chữ “Toàn” để nói chuyện nữa. Bây giờ lại gọi như thế, thật ra cảm giác rất tốt, rất thân thiện, suýt tí nữa tôi quên mất đây là con trai mình. Đinh Toàn vẫn mặc trên người áo rồng, bộ mặt ngơ ngác

- Mẫu hậu… trẫm không còn là vua nữa à?

Tôi ngồi xổm xuống, véo nhẹ lên má thằng bé

- Toàn nhi, bây giờ con là hài tử của mẫu thân, như vậy không tốt sao? Đi, vào đây thay quần áo nhé!

Đinh Toàn lẻo đẽo nắm tay tôi, mọi người đều không nói gì. Tôi sai người đem quần áo sạch sẽ ra, giúp thằng bé cởi bỏ long bào

- Toàn nhi, từ bây giờ con phải nhớ, không xưng “trẫm” nữa, không ở trong Thiên Long cung nữa, và không mặc áo long cổn nữa!

Đinh Toàn tròn xoe mắt, lát sau bỗng bật khóc

- Mẫu hậu… tại sao con không được làm vua nữa, vì con không thông minh có phải không? Con có bị đuổi khỏi hoàng cung không? Họ sẽ không cho con ăn bánh gạo nữa à?

Thằng bé rất tủi thân, một thứ biểu tình ngây ngô của đứa trẻ 7 tuổi, không chuốm chút tham vọng quyền lực nào cả. Nó là đứa bé và nó luyến tiếc ngai vàng theo cách của trẻ con. Không còn làm vua sẽ không được ăn bánh thỏa thích, sẽ không được ở trong kinh thành, cuộc sống sung túc sẽ không còn nữa. Thằng bé chỉ nghĩ như thế. Tôi đột nhiên thấy tim nhói đau. Bây giờ nó còn nhỏ, suy nghĩ chỉ nông cạn đến đó. Nếu mai sau nó lớn lên, hiểu biết lẽ đời, nó có hận tôi không? Hận người mẹ đem ngôi báu của gia tộc trao vào tay kẻ khác. Đinh Toàn mếu máo khóc, miệng lẩm bẩm: “Con muốn làm vua…” Tôi tự nhiên cũng chảy nước mắt. Đứa con của Dương Vân Nga, đứa con trai cuối cùng còn sót lại của Đinh Tiên Hoàng. Nó phải biết cha mẹ mình vĩ đại ra sao, họ là những con người với nhân cách lớn, tâm hồn lớn. Tôi hy vọng Toàn nhi trưởng thành sẽ mang những đức tính tốt đẹp nhất từ bố mẹ. Nếu không có ngoại xâm tôi sẽ rất vui mừng đợi ngày thằng bé trưởng thành, làm một vị vua anh minh như tiên đế. Nhưng số mệnh đã an bài, Đinh triều phải chấm dứt ở đây thôi, Đinh Toàn cũng làm vua đến hôm nay thôi. Nó sẽ là Vệ Vương của Đại Cồ Việt, sẽ không vì mất ngôi báu mà nhân cách vặn vẹo. Tôi thề với trời phải yêu nó như con mình, phải chỉ lối đưa đường để thằng bé sống kiêu hãnh với đời, tự hào vì mình từng là vua một nước.

Sau tấm bình phong, Nguyệt nhi và Minh nhi đang thấp thỏm lén nhìn. Ai chẳng có tuổi thơ, tôi cũng không muốn Toàn nhi lưu lại những mảnh kí ức nhợt nhạt, vụn vỡ trong tâm hồn tinh sạch của nó.

Ôm thằng bé vào lòng, tôi vẫy tay với Quế Nguyệt, Nhật Minh

- Nguyệt nhi, Minh nhi, tới đây nào!

Hai cây nấm lùn lon ton chạy lại. Lễ phép quỳ xuống trước mặt Đinh Toàn, cái này đều cho tôi dạy.

- Không phải quỳ nữa, bây giờ Toàn nhi là bạn chơi cùng với Nguyệt nhi và Minh nhi. Các con đều có thể thoải mái đùa giỡn với nhau, không lo bị ai nhắc nhở, không lo phép tắc trong cung nữa, có hiểu không?

Nguyệt nhi và Minh nhi ngẩn ngơ, lát sau mới có phản ứng. Con bé đứng dậy trước ngập ngừng xác minh lại:

- Con có thể chơi với hoàng thượng ạ?

- Ừ, nhưng không phải hoàng thượng mà là Vệ Vương, cũng ngang bằng với công chúa vậy!

Nhật Minh gãi gãi đầu

- Vậy con cũng được chơi sao ngoại tổ mẫu?

- Ừ, kia là dì, đây là cậu, Minh nhi nhớ chưa?

Bọn trẻ tiếp thu thông tin mới này, cũng đơn giản như nghe kể một câu chuyện. Tôi bảo chúng nắm tay an ủi Toàn nhi đang khóc nhè, thằng bé cũng vui lên chút chút

- Toàn nhi nhớ lời mẹ nói nhé! Con bây giờ là Vệ Vương, đã là vương thì sẽ không bị đuổi đi đâu hết, dù trời có sập con vẫn còn mẫu thân đây. Ta là mẹ ruột, sẽ không bao giờ bỏ rơi con. Ngai vàng thì có gì để quan tâm chứ? Cung Vân Sàng có rất nhiều bánh gạo, cho Toàn nhi ăn thỏa thích. Con không phải bị phế mà là con nhường ngôi vua cho người có năng lực hơn, sau này thảnh thơi không bị trách nhiệm vướn bận. Toàn nhi không sợ gì hết, không ai dám chê cười con hết! Từ bây giờ con lại về cung Vân Sàng ở với mẹ, còn có muội muội Nguyệt nhi và cháu Minh nhi. Cả nhà chúng ta bốn người đi đâu cũng có nhau, như vậy rất vui phải không?

Tôi thừa nhận mình rất yêu trẻ, xuất phát từ lối sống kiếp trước. Bây giờ tôi lại có cơ hội phát huy bản chất bảo mẫu ra. Bọn trẻ khi nhỏ rất dễ dạy, nói ngọt một chút là ngoan ngoãn ngay. Nhất là khi trong tâm hồn chúng tồn tại những khiếm khuyết. Không cha, không mẹ, không mái nhà… trẻ con sẽ tìm kiếm một người dịu dàng, biết yêu thương chúng để dựa vào. Minh nhi là đứa đáng thương nhất, thằng bé ôm cánh tay tôi rưng rưng nước mắt. Nguyệt nhi ngã đầu làm nũng trên đùi tôi. Toàn nhi ôm chặt cổ mẹ. Tôi bị ba đứa nhỏ chia sẻ như thế, không hề phiền mà rất hạnh phúc. Cung Vân Sàng này thật có tiềm năng trở thành trường mẫu giáo.

Đứng ở gần đó, đám cung nhân cũng sụt sùi. Tôi nhận ra sự rung động và tôn kính trong ánh mắt họ. Chúng tôi là những thành viên còn sót lại của nhà họ Đinh, một gia tộc từng huy hoàng và đã lụi tàn. Tôi đã sống cho Dương Vân Nga thì sẽ thay chị làm tròn bổ phận dâu con của Đinh gia. Tôi sẽ chăm sóc ba đứa bé này, không để chúng bị thiệt thòi và có thể trưởng thành với nhân cách toàn vẹn. Vậy là đời tôi có thêm một mục tiêu nữa rồi!

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi