LIÊU TRAI CHÍ DỊ II

Tra Y Hoàng là người đất Chiết (tỉnh Chiết Giang), tiết Thanh minh đi chơi, vào uống rượu trong một ngôi chùa hoang. Thấy trước điện phật có cái chuông cổ to bằng hai cái lu, trên dưới đầy vết tay bụi bặm còn mới, lấy làm ngờ vực bò xuống xem thì bên trong có cái giỏ tre đựng khoảng tám thăng, không biết chứa vật gì. Sai mấy người xúm lại nhấc lên mà không nổi, càng sợ bèn ngồi lại uống rượu chờ xem. Không bao lâu có một người ăn mày từ ngoài vào, đặt các thức cơm bánh xin được thành đống xuống cạnh chuông, một tay nhấc chuông lên, một tay bốc bỏ vào cái giỏ, mấy lượt như thế mới hết rồi đậy chuông lại bỏ đi. Lát sau trở lại bốc ăn, ăn xong lại đậy chuông lại, nhẹ nhàng như mở nắp rương, cả bọn đều sợ hãi. Tra hỏi "Anh là kẻ nam nhi, tại sao phải xin ăn?” người ấy đáp vì ăn khỏe quá nên không có ai thuê mướn. Tra thấy thế khuyên nên đầu quân, người ấy thở dài nói rằng không có người dẫn dắt. 

Tra bèn dắt về nhà cho ăn uống, thấy ăn khỏe bằng năm sáu người. Lại may y phục cho, rồi tặng năm mươi đồng vàng làm lộ phí. Hơn mười năm sau, cháu của Tra làm Tri huyện ở đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), chợt có tướng quân Ngô Lục Nhất tới bái phỏng. Đang lúc chuyện trò, tướng quân hỏi Y Hoàng là người thế nào với ông, cháu Tra đáp “Đó là chú ta, quen biết tướng quân ở đâu?". Tướng quân nói "Đó là thầy ta, chia tay đã mười năm, lòng thường không quên, phiền ông nhắn với tiên sinh tới chơi một lần". Cháu Tra ậm ừ, tự nghĩ chú mình có tiếng văn chương, làm sao có được học trò theo nghề võ. Gặp lúc Y Hoàng tới, cháu kể lại, Y Hoàng quên bẵng không nhớ ra là ai nhưng thấy nói là thăm hỏi rất ân cần, lập tức sai đầy tớ dắt ngựa tới phủ tướng quân đưa danh thiếp xin yết kiến. 

Tướng quân rảo bước ra đón tận ngoài cổng lớn, Tra thấy không hề quen biết, nghĩ thầm chắc là tướng quân lầm. Nhưng tướng quân tỏ vẻ rất cung kính, mời khách vào nhà, qua ba bốn lần cửa tới một chỗ có đàn bà con gái qua lại, Tra biết là nơi ăn ở của gia đình bèn dừng lại, tướng quân lại kéo đi. Giây lát lên một sảnh đường, những người cuốn rèm bưng ghế đều là tỳ thiếp trẻ đẹp. Tra vừa ngồi xuống, đang định hỏi thì tướng quân khẽ hất hàm, một người tỳ thiếp liền bưng mũ áo đại trào tới, tướng quân lập tức đứng dậy thay áo. Tra không biết tướng quân định làm gì thì các tỳ thiếp đều xắn tay áo, tướng quân sai mấy người xúm lại giữ chặt Tra ngồi yên không cho nhúc nhích rồi lạy phục xuống đất như ra mắt thiên tử vậy. Tra rất kinh ngạc không hiểu vì sao, tướng quân lạy xong lại vào thay áo ra ngồi, cười nói "Tiên sinh không nhớ thằng ăn mày nhấc cái chuông à?", Tra mới sực nhớ ra. 

Kế đó mời lên thềm cao ăn yến, phường hát trong nhà ca múa ở dưới, lúc say rồi các tỳ thiếp xúm lại hầu hạ. Tướng quân vào trong bảo dọn giường cho Tra nghỉ rồi mới đi. Tra say rượu dậy muộn, tướng quân đã tới ngoài cửa phòng hỏi thăm mấy lần. Tra áy náy cáo từ muốn về, tướng quân sai đóng cổng lại không cho ra. Tra thấy tướng quân hàng ngày không làm gì khác, chỉ tính toán số tỳ thiếp và tôi tớ trong nhà, kiểm điểm xe ngựa, quần áo, vật dùng, bắt làm sổ sách, dặn không được để sót. Tra cho rằng đó là việc nhà của tướng quân nên cũng không hỏi gì. 

Một hôm tướng quân cầm sổ sách tới nói với Tra “Kẻ bất tài này có được ngày hôm nay là nhờ ơn lớn của tiên sinh, một người một vật cũng không dám riêng tư, xin kính dâng tiên sinh một nửa”. Tra ngạc nhiên từ chối, tướng quân không nghe, đem tiền bạc ra có đến mấy vạn chia làm hai phần, kế theo sổ sách đem từ đồ cổ ngoạn tới bàn ghế giường tủ ra bày la liệt từ trong tới ngoài. Tra cố từ chối nhưng tướng quân không để ý gì tới, kê biên tên họ tôi tớ tỳ thiếp xong, lập tức ra lệnh đàn ông lo thu thập hành lý, đàn bà lo thu thập tư trang, dặn phải kính cẩn thờ phụng tiên sinh, mọi người dạ rân. Lại đích thân đưa các tỳ thiếp lên kiệu, sai bọn mã phu dắt lừa ngựa rầm rộ ra đi rồi quay lại chào Tra. Về sau Tra vướng vào cái án làm sử* bị bắt, sau cùng được tha đều là nhờ sức tướng quân. 

*Cái án làm sử: xem chú thích đoạn Phụ lục. 

Dị Sử thị nói: Ban ơn mà không hỏi gì tới tên họ, đúng là bậc trượng phu hào hiệp thời cổ. Mà tướng quân báo đáp cũng khẳng khái hào sảng, ngàn năm ít thấy, bụng dạ như thế thì ắt không thể chết già nơi ngòi rãnh. Xem đó đủ biết hai bậc hiền tài gặp nhau không phải là ngẫu nhiên đâu. 

Phụ Lục: Một Truyện Trong Cô Thặng Tuyết Cấu 

(Phụ Lục Cô Thặng Tuyết Cấu Nhât Tắc) 

Hiếu Liêm họ Tra ở huyện Hải Ninh tỉnh Chiết Giang tự Y Hoàng là người tài hoa tiêu sái, thường nói “Mắt thấy mênh mông, không sao gặp gỡ hết các bậc kỳ kiệt trong thiên hạ, nếu không tìm trong đám người thường thì không được". Cuối năm ở nhà, sai lấy rượu ra độc ẩm, khoảnh khắc mây mù giăng mắc, tuyết rơi mờ mịt, bèn đi dạo ra cổng xem có khách quý nào tới để cùng ngâm cảnh. Chợt thấy một người ăn mày tránh tuyết nép dưới vòm cổng, hiên ngang đứng thẳng, Hiếu liêm đứng nhìn hồi lâu thầm lấy làm lạ. 

Nhân gọi vào ngồi, hỏi "Ta nghe nói trong chợ có một người ăn mày tay không cầm gậy, miệng như ngậm tăm, áo rách hở bụng mà không có vẻ đói rét, mọi người đều gọi là Thiết cái (ăn mày sắt), có phải là ngươi không?", người ấy đáp “Phải”. Lại hỏi “Uống rượu được không?”, người ấy đáp “Được Hiếu liêm bèn sai tiều đồng lấy chỗ rượu thừa trong bầu trút vào tô cho y uống, người ăn mày bưng tô uống một hơi hết sạch. Hiếu liêm thích quá lại sai quạt than hâm rượu, hẹn với y rằng “Ngươi uống một tô thì ta uống một chung, hết chỗ rượu này thì thôi” Người ăn mày uống liền hơn ba mươi tô mà mặt chưa đỏ, còn Hiếu liêm đã say nằm lăn ra chiếu. Tiểu đồng xốc nách dìu vào nhà trong, người ăn mày đứng lên, lại bước ra đứng dưới vòm cổng. Đến sáng tuyết ngừng rơi, Hiếu liêm tỉnh rượu nói với gia nhân rằng "Đêm qua ta cùng Thiết cái đối ẩm vui quá, thấy quần áo y rách rưới, lấy gì chống rét cho được, lấy cái áo bông của ta đem cho y". Người ăn mày khoác áo rồi đi, cũng không xin vào tạ ơn chủ nhân. 

Năm sau Hiếu liêm tới ngụ trong chùa Tường Minh ở Hàng Châu (tỉnh thành chiết Giang), lúc cuối xuân cùng bạn bè mang rượu đi chơi trên hồ. Chợt gặp người ăn mày ấy ở đình Phóng Hạc (tại Cô Sơn ở Tây Hồ), áo hở khuỷu tay, chân trần không dép ngẩng đầu đi một mình, bèn kéo về chùa, hỏi cái áo cho ngày trước đâu? Y đáp "Đang là tiết xuân, dùng nó làm gì? Ta đã bán lấy tiền gởi cả vào quán rượu rồi". Hiếu liêm nghe thế lấy làm lạ, nhân hỏi đã từng học chữ chưa, y đáp "Nếu không học chữ đọc sách thì đã không làm ăn mày". Hiếu liêm chạnh lòng, cho tắm rửa ăn mặc sạch sẽ rồi hỏi tên họ quê quán, người ăn mày nói "Ta là hậu duệ Diên Lăng, hâm mộ Trần Bình*, nhà ở Việt Hải (tỉnh Quảng Đông), tên là Lục Kỳ. 

*Hậu duệ Diên Lăng, hâm mộ Trần Bình: nguyên văn là "Hệ xuất Diên Lăng, tâm nghĩa Khúc Nghịch”. Diên Lăng là địa danh thuộc huyện Vũ Tiến tỉnh Giang Tô, là nơi ở của Ngô Quý Trát thời Xuân thu, đây nhân vật Lục Kỳ có ý nói mình họ Ngô. Khúc Nghịch tức Khúc Nghịch hầu, tước phong của Trần Bình, một trong Hán triều tam kiệt là Trương Lương, Hàn Tín, Trần Bình, ba khai quốc công thần bậc nhất của nhà Hán, đây nhân vật Lục Kỳ có ý nói mình có hoài bão lớn lao. 

Chỉ vì cha anh mất sớm, tính lại ưa cờ bạc nên tới nỗi lưu lạc giang hồ, trôi nổi như thế này. Nhân nghĩ gõ cửa xin ăn thì người hiền ngày xưa có khi cũng không tránh được, ta là hạng người nào mà dám cho đó là cái nhục, không nghĩ rằng gặp được minh công coi trọng kẻ phong trần, ra ơn lúc gặp gỡ. Ta tuy không phải kẻ thiếu niên ở Hoài âm* nhưng cái ơn một bữa cơm cũng đâu dám quên?". Hiếu liêm vội đứng dậy nắm tay y nói "Ngô sinh vốn là bậc kỳ kiệt trên đời mà ta lại coi là bạn rượu, để mất Ngô sinh rồi". Bèn sai sư trong chùa mua một thạch rượu Lê hoa xuân uống với nhau trọn ngày, giữ lại cả tháng rồi tặng tiền đi đường, bảo về Việt Đông. 

*Thiếu Hoài âm: tức Hàn Tín, người huyện Hoài âm, Phá Sở Nguyên nhung của Hán Cao tổ Lưu Bang, là người cầm quân đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, kết thúc cục diện Hán Sở tranh hùng. Lúc Hàn Tín còn hàn vi ra câu cá ở bờ sông, được một bà già giặt vải (Phiếu mẫu) cho ăn cơm suốt cả tháng. Sau Tín lập nên công nghiệp, đem ngàn lượng vàng về tạ ơn bà. 

Lục Kỳ nhiều đời ở Triều Châu (tỉnh Quảng Đông), từng học Thi Thư nhưng vì say mê cờ bạc mà gia tài khánh tận, gởi thân làm phu trạm nên đường đi cửa ải hình thế hiểm trở ra sao đều biết rất rõ. Lúc ấy thiên hạ vừa định*, vương sư từ Chiết Giang tiến vào Quảng Đông, chiến thuyền liên tiếp nối nhau, cờ xí đỏ rực chiêng trống ầm ầm suốt mấy trăm dặm không dứt, qua các thành ấp quận huyện cư dân đều chạy trốn về thôn xóm, trên đường không một bóng người. 

*Thiên hạ vừa định: chỉ lúc nhà Thanh đã đàn áp được nhiều phong trào phản Thanh phục Minh, bắt đầu khẳng định được quyền thống trị ở Trung Hoa. 

Lục Kỳ một mình thản nhiên đi tới bị đội tiền tiêu bắt giải về dưới trướng, nhân đó xin ra mắt chủ tướng, thưa rõ về hình thế đất Việt Trung (tỉnh Quảng Đông), nói có thể truyền hịch mà bình định. Kỳ có ba mươi anh em kết nghĩa, vốn có tiếng anh hùng giỏi võ, chỉ vì thiên hạ vô chủ nên tụ tập bè đảng chiếm cứ đất đai làm cướp. Nay gặp lúc Hoàng thượng lên ngôi, thiên binh nam chinh, chính là lúc cứu vớt dân đen, sử dụng hào kiệt, bèn cho Kỳ đem ba mươi tờ văn thư phong chức đi trước chia cấp cho quần hùng, người gần ra hàng, người xa hưởng ứng, chưa đầy một tháng đã hình thành cái thế phá giặc như chẻ tre. 

Chủ tướng theo lời Lục Kỳ, đất Việt bèn yên. Từ đó Lục Kỳ bày mưu tính kế, nói gì trúng đó, những kẻ có sức khỏe cũng không chống được, đánh đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) phá đất Thục (tỉnh Tứ Xuyên) nhiều lần lập kỳ công, trong vòng vài năm được thăng tới chức Thông tỉnh Thủy lục Đề đốc. Lúc Lục Kỳ lưu lạc chưa gặp thời, tự nghĩ rằng mình phải làm ăn mày hèn hạ suốt đời, gặp được Tra Hiếu liêm cởi áo tặng vàng, lại nổi tiếng là bậc kỳ kiệt trong thiên hạ nên trong lòng mừng rỡ hăng hái, trong quân ngũ ra sức lập công, dần làm tới bậc nguyên nhung, thường nói "Thiên hạ có một người tri kỷ, không ai được như Tra Hiếu liêm". 

Đầu niên hiệu Khang Hy (1662-1722) mở phủ Đề đốc ở Tuần Châu (tỉnh Quảng Đông), lập tức sai nha tướng đem ba ngàn lượng vàng về để sẵn trong nhà rồi gửi thư mời Tra Hiếu liên tới đất Việt, chuẩn bị đầy đủ thuyền bè xe kiệu. Tra vừa qua Mai Lĩnh thì Ngô công tử đã đón đường vái lạy đón rước, giữ lễ rất mực cung kính, còn cách tỉnh thành hai mười dặm thì Ngô tự ra đón, đem nghi vệ dẫn đường như bậc vương hầu. Hiếu liêm về tới phủ thì Ngô phục lạy dập đầu, tự nói "Thằng ăn mày hèn hạ ngày xưa nếu không gặp được tiên sinh thì làm gì có ngày hôm nay. Nay may được tỉên sinh quá bộ tới chơi, dẫu nát thân ăn mày này cũng không đủ báo ơn”. 

Tra ở đó một năm, Ngô tuy việc quân bận rộn nhưng ai được Tra tiên sinh nói giúp một lời thì Ngô lập tức nghe theo, nhờ vậy Tra được người ta biếu xén có tới hàng vạn lượng vàng. Đến khi Tra về, Ngô đem ba ngàn lượng vàng ra tiễn tặng, nói “Không dám nói là đền ơn, chỉ là để ghi lại lòng cảm kích của kẻ thiếu niên ở Hoài âm mà thôi". Trước là ở Thiều Trung (tỉnh Chiết Giang) có nhà giàu Trang Đình Việt mua được bộ sử của Chu Tướng quốc, tìm mời các danh sĩ vùng Tam Ngô (Tô Châu, Nhuận Châu, Hồ Châu) san định tu sửa, khắc in lưu truyền. Đầu sách có kể ra mười mấy ngườitham gia san định, vì Tra Hiếu liêm là bậc danh sĩ nên cũng kể vào. Không bao lâu cái án làm sử riêng* phát ra, ai dính líu đều bị khép trọng tội. Ngô ra sức tâu bày nên Tra Hiếu liêm mới thoát chết. 

*Cái án làm sử riêng: tức vụ án Minh thư tập lược nổi tiếng thời Thanh. Trang Đình Long người Hồ Châu mua được bản thảo bộ Minh sử của tướng quốc nhà Minh Chu Quốc Trinh bèn dựa vào đó biên soạn thêm, mời nhiều danh sĩ Giang Nam san định bình chú, đặt tên sách là Minh thư tập lược, khắc bản lưu hành. Vì trong sách có dùng niên hiệu các vua nhà Minh, lời lẽ cũng nhiều chỗ động chạm tới nhà Thanh, nên gây ra vụ án lớn, có đến hàng trăm danh sĩ bị bắt, những người in sách bán sách mua sách cũng bị liên lụy, hàng vạn người tan cửa nát nhà náo động một thời. 

Hiếu liêm từ đó về sau càng thả tình ở thơ rượu, dốc hết tiền bạc mua mười hai người con gái xinh đẹp dạy cho múa hát. Mỗi lúc đêm thanh mở tiệc thì buông rèm thắp đèn ca múa, châu ngọc khua ran, mỹ nữ yêu kiều, ai nhìn thấy cũng phải ngây ngất. Phu nhân của Hiếu liêm cũng giỏi âm luật, thường đích thân ra gõ phách cho đám ca kỹ trong nhà múa hát, sửa cho những chỗ sai, vì vậy phường nữ nhạc của họ Tra nổi tiếng nhất ở vùng Chiết Trung. 

Trước kia lúc Hiếu liêm ở mạc phủ Quảng Đông thấy vườn hoa trong phủ cực đẹp, trong có một tòa giả sơn bằng đá thạch anh cao hơn hai trượng, lóng lánh đẹp đẽ như là quỷ thần tạc ra, rất ưa thích bèn đề cho hai chữ "Xu Vân" (Mây the). Qua tuần sau lại ra xem thì tòa giả sơn không còn, té ra Ngô đã sai lấy thuyền lớn chở về nhà Hiếu liêm, qua sông lên núi tốn phí tới hàng ngàn quan tiền. Nay Hiếu liêm đã chết, ca kỹ đã già, vườn hoang ao cạn mà tòa giả sơn vẫn còn.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi