NGOÀI THỀM AI HÁT MƯA BAY

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo."

Lâm Khanh hạ quân cờ trên tay xuống, nhỏ giọng ngâm nga. Ông hai ngồi đối diện nghe được anh lên tiếng, liền thích thú sáng mắt bật cười.

"Không ngờ cháu cũng còn nhớ mấy câu này. Nó là mở đầu cho bài "Bình ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Ngày xưa khi đi học, bác cũng rất yêu thích."

Lâm Khanh nhấp ly trà, tao nhã ngẩng đầu đáp.

"Ức Trai vốn được ngợi ca là tâm sáng như sao Khuê. Văn chương không chỉ đẹp mà còn có sức mạnh hơn cả trăm thanh gươm báu. Viết "Bình ngô đại cáo" cũng là thay lời vua Lê loan báo cho toàn dân biết đại nghiệp hoàn thành. Người đời sau, vẫn xưng tụng là thiên cổ hùng văn."

Ông hai gật gù, tiếp.

"Tư tưởng của ông ấy cũng rất tiến bộ. Đầu bài mở ra câu "Nhân nghĩa cốt ở yên dân", là sự phát triển tư tưởng của Nho giáo. Việc nhân nghĩa cũng là lấy dân làm gốc, hướng đến nhân dân. So với suy nghĩ phong kiến thời bấy giờ đã là vô cùng tân tiến. Cả tác phẩm, vì thế cũng càng có giá trị cao hơn. Đánh tan quân Minh là việc nhân nghĩa thắng cường bạo, đáng được lưu danh muôn đời."


Lâm Khanh mỉm cười, khẽ đưa mắt nhìn xa xăm mà nói tiếp.

"Đáng tiếc, người tài mà kết cục lại buồn nhiều hơn vui. Trung thần mấy đời vua, cuối cùng lại dính án oan, gia đình ba họ đều bị gϊếŧ sạch."

"Ngẫm thay muôn sự tại trời/Trời kia đã bắt làm người có thân. Sau cùng đều là tài hoa bạc mệnh. Người đời sau đọc sử sách, cũng luôn thấy tiếc thương vị danh nhân này. Mà Lâm Khanh, không ngờ cháu cũng thuộc nhiều sử sách như vậy. Ngày nhỏ, bác cũng rất thích sử học, văn chương. Sau này cố công dạy dỗ, nhưng mấy đứa con lẫn cháu chắt đều không ai có chung sở thích với mình cả."

"Cũng chỉ là do khi trước cháu rảnh rỗi, thường hay tìm đọc, lâu dần mưa dầm thấm đất mà nhớ được chút ít thôi."

Lâm Khanh cười cười, vờ như bàng quang trước lời khen của ông hai. Vừa lúc đó, Gia Văn ở trong nhà chống gậy đi ra, cũng ngồi xuống bên bàn cờ của hai người. Cậu ngồi cạnh Lâm Khanh, liếc mắt nhìn qua thế trận trước mặt. Lâm Khanh vừa uống trà, vừa vươn ngón tay dịch chuyển quân cờ trắng trên bàn gỗ. Từng nước đi rất thận trọng, dường như đang muốn cố tình kéo dài cuộc chơi ra.


Ông hai ngẩng lên, nhìn thấy cháu trai mình vừa đến liền nhoẻn miệng cười một cái. Đến lúc này, khi nhìn Gia Văn ngồi cũng một chỗ với Lâm Khanh, ông cũng đã dần cảm thấy quen thuộc hơn, không còn quá xa lạ, bài xích như lúc trước.

"Gia Văn này, không ngờ cậu Khanh lại hợp với bác cháu như vậy đấy. Đã lâu lắm, bác mới lại tìm được người đàm đạo chung vui. So với mấy anh chị của cháu, đúng là làm bác có hứng thú nói chuyện hơn nhiều."

Gia Văn mỉm cười, cánh tay rất có ý vắt lên vai Lâm Khanh. Đôi mắt cậu sáng lên lấp lánh như sao sa. Cậu nói.

"Thì bố cháu cũng quý nhất là ưu điểm này của anh ấy mà. Ở trên đó, ngày nào ông cụ cũng muốn gọi con nuôi ra uống rượu đọc thơ. Đến mức đứa con trai ruột như cháu cũng bị cho ra rìa. Nếu bác thích, hôm nào, cháu cũng sẽ kiếm một cây sáo, mang đến thổi để cùng góp vui với hai người."


Bác hai cả cười, nói.

"Nếu vậy thì tốt. Vậy mà bác cứ nghĩ cháu là ca sĩ, hát nhạc trẻ, chỉ yêu thích thể loại xập xình mà bọn trẻ vẫn hay nghe."

Gia Văn híp mắt, đáp.

"Xưa Lý Bạch thưởng trăng, uống rượu làm thơ. Trang Tử ở nơi thâm sơn cùng cốc mà viết ra mấy thứ dạy đời, dạy dân. Cháu đọc sách đều thấy mấy người sĩ phu văn vẻ thích thú những thứ ấy. Tất cả nếu muốn hoàn hảo thì phải đi chung với nhau. Nếu đã uống trà đàm đạo, thì vẫn hợp với âm nhạc dân gian êm ả thư thái hơn."

Ông hai nghe cậu nói một hồi, nụ cười lập tức kéo đến rạng rỡ trên khuôn mặt. Lâm Khanh nhìn thấy cảnh này, ngón tay bên dưới kín đáo xoa xoa lên mu bàn tay cậu. Quân cờ trắng hạ xuống bàn gỗ, phát ra âm thanh lóc cóc trong ngân. Ông hai hít nhẹ hương thơm từ ly trà tỏa khói trên tay mình, khen rằng.
"Bác không nghĩ cháu cũng thông tỏ như thế, vậy mà trước nay chưa bao giờ thấy cháu thể hiện ra. Chú Lâm dạy con tốt như vậy, tại sao trước nay vẫn mãi than thở về cháu như vậy nhỉ? Bác thực sự ghen tị với bố cháu. Ông ấy giờ đây có hai con trai, cả hai đứa đều rất hiểu chuyện, sau này không lo không có người ở cạnh tâm sự bầu bạn cùng."

Gia Văn khiêm tốn gật đầu, người càng ghé sát hơn vào bên cạnh Lâm Khanh. Cậu nhìn xuống bàn cờ còn chưa phân rõ thắng thua, khiêm tốn nói.

"Bố cháu chê đúng bác ạ. Trước đây cháu biết nhưng không thích, sau này nhờ có Lâm Khanh mới dần yêu thích việc học hỏi mấy thứ đó hơn. Anh ấy rất hay kể điển tích cho cháu nghe, trong nhà có sách văn học cổ, trên nhà còn có treo cả mấy bức chữ Nho xin được ở chùa chiền. Từ khi có anh ấy đến, cháu và bố cháu cũng trở nên gần gũi hơn nhiều."
Một hồi kẻ tung người hứng khiến cho cảm xúc của ông hai bị xoay chuyển liên miên. Nhìn dáng vẻ kinh ngạc của ông bác mình, cậu lại nhẹ nhàng nói tiếp.

"Lịch sử Trung Hoa có Bá Nha vì Tử Kì mà đập đàn, Tiệm Ly vì Kinh Kha mà không tiếc hy sinh. Bọn cháu dù không so được với bọn họ nhưng cũng có thể nói là có suy nghĩ tiếng nói chung. Tương lai sau này, có anh ấy, cháu cũng cảm thấy yên tâm hơn nhiều."

Gò má Lâm Khanh đỏ lựng lên. Anh vỗ tay nhắc nhở Gia Văn nhưng trong lòng thực ra đã vui đến rộn rã. Lời nói của Gia Văn dù hơi phóng đại nhưng lại ngọt ngào đến mức người ta nghe xong liền cảm thấy như uống rượu say.

Ông hai dù vẫn cảm thấy hơi không đúng nhưng cũng đồng thời thấy xúc động với câu từ yêu thương vừa thốt ra. Hai người trước mặt ngồi bên nhau tạo nên khung cảnh vô cùng hài hòa tươi đẹp. Không hiểu sao, trong đầu ông lúc đấy lại bật lên ý nghĩ rằng mình nên tránh đi để chừa không gian riêng cho bọn họ.
Trà trong bình vừa hết, ván cờ cũng kết thúc. Lâm Khanh thua, nhưng là thua sau một ván cờ gần hai tiếng. Ông hai được một buổi đàm đạo lý thú, tâm trạng cũng đã tốt lên nhiều, tựa như sự cố sáng nay chưa từng xảy ra.

Sau khi tiệc trà dứt, Lâm Khanh cũng dìu Gia Văn ra bên ngoài ngắm cảnh. Khi ra đến cửa sau, Lâm Khanh không hiểu sao bất giác vòng tay ôm lấy cậu. Dù anh lập tức bỏ tay ra nhưng hơi thở ấm áp vẫn kịp vương vấn bên da thịt. Gia Văn quay đầu nhìn sang, liền thấy ánh mắt người kia đang nhìn mình, trong suốt và bình lặng như ao thu.

"Lời ban nãy em nói, là thật ư?"

Ngón tay mềm như lụa ngay lúc ấy nhẹ nhàng lướt qua gáy anh. Âm thanh trầm thấp quẩn quanh bên tai, dù không còn trong trẻo như xưa nhưng vẫn đủ khiến người ta say đắm.

"Tất nhiên là thật!"

-----------------------

Nhiều ngày sau ấy, Lâm Khanh dần làm thân hơn với hai ông bác của Gia Văn. Ông cả cũng đã nói với anh nhiều hơn, thậm chí biết chữ anh đẹp nên còn nhờ anh chép lại một số bài thơ mình thích. Lâm Khanh rất vui lòng, dồn nhiều công sức để chép ra, chẳng mấy chốc đã lấp đầy gần một nửa quyển sổ trắng. Nét chữ của anh ngay ngắn, thẳng tắp, đẹp như in, ai nhìn vào cũng thích. Gần đây ngay đến ông cả cũng không ít lần bật lời khen ngợi.
Hôm nay, khi Lâm Khanh mang thơ mới chép xuống nhà cho ông cả, liền bắt gặp ông đang ở bên cửa sổ viết chữ. Nghiên mài đẹp, chiếc bút lông, giấy đỏ và mấy thanh mực tàu được chuẩn bị vô cùng chu đáo. Ông cả thấy anh đến, liền buông bút xuống mà đón lấy quyển sổ từ tay anh. Lâm Khanh đưa sổ cho ông, không kìm lòng được mà liếc mắt nhìn xuống. Tờ giấy đỏ vẫn chưa được viết lên trải ra thẳng thớm. Bút lông còn đọng vết mực chấm cũng được xếp gọn để vào một bên.

"Cháu thích thứ này ư?"

Ông cả hạ quyển sổ trên tay xuống, lên tiếng hỏi Lâm Khanh. Anh sực tỉnh, ngẩng lên, đáp.

"Vâng, chỉ là cháu thấy nó rất đặc biệt. Ngày ba cháu còn sống, cũng từng hay sưu tầm mấy thứ kia."

Ông cả gật đầu, hào phóng nói.

"Hay chữ là tốt. Bác rất thích những người có thú vui cổ điển tao nhã như cháu. Cháu đã nói vậy, hay thử tới đây viết một chữ đi. Viết không quen cũng không sao. Dù gì bác cũng không phải muốn luận bình thư pháp của cháu làm gì."
Lâm Khanh vui vẻ gật đầu, động tác nhẹ nhàng nâng cây bút lên. Anh hơi ngẫm nghĩ sau đó hạ xuống viết lên giấy một chữ "Nhẫn" thật to. Động tác cổ tay linh hoạt, tinh tế, uốn một nét móc câu tinh xảo làm dấu mũ ở trên. Ông cả cầm tờ giấy lên, xem tới xem lui, cũng phải gật đầu mà khen rằng.

"Chữ này rất đẹp, có vẻ như cháu cũng từng rèn luyện qua. Nhưng mà tại sao lại là chữ "Nhẫn"?"

"Bố cháu khi còn sống cũng hay viết thư pháp. Lúc đó cháu còn nhỏ nhưng vẫn nhớ rằng ông thích nhất là chữ này. Ông ấy đem treo chữ lên đầu giường cháu, có lẽ nhắc nhở con cái luôn cần điềm tĩnh, nhẫn nhịn, khiêm tốn. Sau này khi lớn lên, cháu cũng từng cố gắng học theo nhưng vẫn không thể nào đẹp như ông viết ngày trước được."

Khi Lâm Khanh nói đến câu này, trong mắt thoáng hiện ra vẻ hoài niệm, xót thương. Bóng dáng người cha năm xưa đã phần nào nhạt nhòa trong tâm khảm nhưng ký ức về nét chữ của ông lại vẫn in nguyên trong trí nhớ. Cha anh năm ấy, người đàn ông cao lớn đã kiệu anh lên vai, dạy cho anh nét chữ đầu tiên. Anh còn nhớ nét chữ của ông thanh tao mà cứng cáp, giọng nói sang sảng như tiếng chuông. Ngày bé, thay vì hát ru, ông vẫn thường đọc thơ cho anh. Những đặc ân mà em gái yếu ớt sinh ra sau này gần như không hề được hưởng.
Tia sáng nơi đáy mắt Lâm Khanh hơi rực lên trong một khắc liền tắt đi. Anh đưa chiếc bút trả lại cho ông cả. Ông từng biết đôi chút về gia cảnh của anh, nghe đến đây cũng có phần cảm thông. Ông đón lấy cây bút từ tay anh, nói khẽ.

"Ông bà Gia Văn trước đây cũng thích chữ, thường xuyên lên chùa xin về cho con cháu treo trong nhà. Bố chú ngày trước cũng là nhà Nho, hiểu biết rộng, được trọng vọng lại dựng nên cơ đồ nên được người trong vùng rất kính trọng. Bà cụ cũng thích chữ, nhưng từ khi ông mất liền không còn chơi nữa. Sắp tới mừng thọ bà, nếu cháu không phiền thì giúp chú viết một chữ cho bà làm quà đi. Cụ ông mất đã lâu, con cháu trong nhà trước nay ít ai thích việc này nên từ lâu bà đã không còn chơi chữ, nhưng nếu giờ đây lại nhận được món quà như vậy, có lẽ bà sẽ rất vui."
Lâm Khanh mừng thần trong lòng. Lời đề nghị này dường như đã phần nào cho thấy sự thừa nhận của ông cả đối với sự có mặt của anh trong gia đình. Mừng thọ vốn là chuyện của con cháu, giờ lại đem nói với anh, cho thấy ông đã không còn quá e dè anh như trước. Gia Văn nghe được câu này, có lẽ cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Lâm Khanh vui mừng là vậy nhưng nét mặt vẫn không lộ ra vẻ quá đáng. Anh chỉ cười nhẹ. Sau đó vì ông cả có việc nên lập tức xin phép đi ra.

"Vâng! Cháu nhất định sẽ nhớ kĩ."

--------------------------

Đêm hôm ấy, khi trở về phòng, tâm trạng của Lâm Khanh rất vui. Khi anh cùng Gia Văn đánh răng, còn bất giác nghiêng người hôn làm dính đầy kem đánh răng lên cằm cậu. Gia Văn vì thế vô cùng vui vẻ, cả buổi tối cứ như con chim non ríu rít quấn lấy anh. Khi đèn tắt, hai thân thể đã yên vị trong chăn, anh và cậu vẫn còn ôm lấy nhau mà tâm sự, thủ thỉ.
"Lâm Khanh, sao hôm nay anh vui như vậy?"

Lâm Khanh hôn lên trán cậu, âu yếm.

"Bé con, em không hiểu sao? Có thể thu phục được hai ông bác của em, tất nhiên là anh vui rồi."

Gia Văn cười rúc rích, đáp.

"Nói vậy, tức là bọn họ sẽ chấp nhận chúng ta ư?"

"Có thể, nhưng nói trước bây giờ vẫn còn là hơi sớm."

Lâm Khanh lên tiếng, dù là khẳng định nhưng vẫn mang chút phân vân. Gia Văn cảm nhận được điều này liền càng vòng tay ôm chặt lấy anh hơn. Cơ thể hai người tương đương nhau, cậu lại cao hơn anh một chút. Tư thế nằm như vậy khiến cho da thịt trở nên gần gũi, thân thiết hết mức.

"Đừng lo, dù có chuyện gì, em cũng sẽ sát cánh bên anh."

"Gia..."

"Như em đã hứa với anh, em nhất định sẽ đem lại cho anh một gia đình toàn vẹn nhất."

Một câu nói ấy, còn hơn trăm lời đường mật yêu đương. Lâm Khanh xúc động đến cay mắt, bàn tay ôm cậu càng siết chặt hơn. Gia Văn theo thói nũng nịu, rúc đầu như con cún nhỏ nằm trong ngực anh, hơi thở đều dần cho đến lúc đi vào giấc ngủ. Đêm ấy, hai người đều tự nhủ sẽ ôm nhau ngủ cho đến tận ban mai. Để khi vừa mở mắt ra, thứ đầu tiên nhìn thấy sẽ là khuôn mặt của người đối diện.
Là một đêm ngon giấc

"Cảm ơn em."

Đêm khuya yên tĩnh, bà cụ đứng bên ngoài căn phòng đóng chặt. Nghe tiếng trò chuyện đã biến mất, không gian tĩnh mịch hồi dài, bà cũng liền quay lưng rời đi. Nếu lúc này có ai để ý, nhất định sẽ thấy bước đi chống gậy của bà hơi run run. Bà nhìn lên bức ảnh chồng mình treo trên cầu thang. Phút cuối, trên đôi môi già nua chỉ nhẹ buông một tiếng thở dài.

End chap 83

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi