NGƯỜI CŨ ĐƯỜNG MỚI

.:. 01: Từ biệt.:.

Tin Lý Trì Thư nhảy lầu truyền đến lúc tôi đang tăng ca trong văn phòng.

10 giờ 30 tối, cả tòa nhà yên tĩnh tựa gốc cổ thụ tối đen, chỉ mỗi chỗ tôi ngồi là dùng ánh đèn đục ra một lỗ hổng nhỏ cho nó.

Lạc Khả gọi điện đến, giọng run như cầy sấy làm tôi nghi ngờ trong nửa phút ngắn ngủi ấy toàn bộ cáp điện của thành phố bị cắt đứt từng đoạn từng đoạn, nên mới làm cô nói run run từng chữ: “Thẩm Bão Sơn… Lý Trì Thư, nhảy lầu.”

Lỗ hổng vẫn là lỗ hổng sáng trưng, nhưng sâu mọt tôi đây đã phóng xe lạng lách không chớp mắt đến bệnh viện hàng đầu thành phố —— Nói đùa, sinh mệnh vô giá, không một ai thấu hiểu đạo lý đó hơn chính tôi.

Nhưng cuối cùng vẫn băng qua hai cái đèn đỏ ở giao lộ không người.

Tôi đi vào bệnh viện, Lý Trì Thư vẫn chưa thoát khỏi tình huống nguy hiểm tính mạng, Lạc Khả bảo tôi ngồi xuống nhưng người tôi cứng đờ, tê tái đến nỗi đầu óc không tiếp nhận tay chân. Tai nghe được Lạc Khả, nhưng ngón tay không chịu cử động.

“Tầng sáu… Không biết leo lên bằng cách nào… Lúc rơi xuống nghe nói được vật gì đó đỡ cho… Đưa đến đây đã không còn tỉnh táo…”

Tôi không nhớ tối hôm ấy mình đợi bên ngoài phòng ICU bao lâu, cũng đã quên tấm bảng dưới đèn từ màu gì chuyển thành màu gì, thậm chí tôi quên khuôn mặt của Lý Trì Thư lúc được đẩy ra trông như thế nào —— Không, tôi còn không nhìn thấy, toàn bộ đầu em ấy được quấn kín.

Tôi chỉ nhớ mình đã tiễn mặt trời mọc rồi lại lặn rất nhiều lần trước giường bệnh của em ấy, đoạn ký ức mơ hồ đến trống rỗng, đôi lần trầm tư liệu có người nào lên tắt đèn trong văn phòng mình không? Nghĩ được mấy giây, nhìn Lý Trì Thư trên giường bệnh, tôi lại nghĩ, mẹ kiếp, tắt hay không cũng kệ, ông đây có tiền, tắt nắng còn được, nhưng đừng tháo mặt nạ oxy của Lý Trì Thư.

Có là Diêm Vương đến cũng không được quyền tháo.

Cuối cùng không phải Diêm Vương tháo, là chính Lý Trì Thư tháo.

Quả thật làm ông đây câm nín không nói nên lời.

Lý Trì Thư không muốn sống, đây không phải lần đầu tiên.

Em ấy từng uống thuốc, cắt cổ tay, thậm chí từng thử ghì chết mình ở tay nắm cửa, đủ các tội ác, tội lỗi chồng chất, chỉ cần tôi lắp ít camera đi thì sẽ khiến tên khốn ấy giở trò.

Lần này em ấy thông minh, nhảy từ trên sân thượng. Khốn kiếp, ai mà có thể lắp camera ở trên trời chứ?

Chó chết.

Hôm nào đó tôi sẽ hỏi thử tàu sân bay, xem ai có thể mang đến cho tôi một chiếc. Ngày xưa không dùng nó, về sau em ấy chết rồi lúc nào cũng có thể dùng.

… Thôi. Nếu tôi có được bản lĩnh đó thì sẽ để Lý Trì Thư biến thành bộ dạng chết tiệt hiện tại sao?

Nhắc đến chuyện này, thật ra có một buổi tối Lý Trì Thư tỉnh một lần. Nhưng bây giờ tôi không chắc rốt cuộc là mình nằm mơ hay em ấy tỉnh thật.

Tôi nhớ đầu tiên là lông mi em ấy giật giật.

Lông mi Lý Trì Thư rất đẹp, vừa rậm vừa dài, đôi mắt xinh đẹp không cần bàn, y như em bé. Trước kia lúc ngượng ngùng sẽ hơi cúi đầu lông mi che khuất mắt, tôi không nhìn thấy biểu cảm của em, lần nào cũng phải cúi xuống xem, tôi vừa cúi thì em trốn ngay. Đến khi tai em ấy đỏ bừng tôi mới nhận ra muộn màng, ừ, người này lại xấu hổ rồi.

Cuộc đời tôi luôn muộn màng với Lý Trì Thư.

Muộn màng nhận ra em ấy đơn phương yêu thầm tôi suốt bao năm, muộn màng nhận ra em ấy có bệnh, muộn màng nhận ra em ấy đang uống thuốc, muộn màng nhận ra em ấy bệnh rất nặng, muộn màng nhận ra em ấy muốn chết từ lâu rồi.

Về bệnh của em, người đời có rất nhiều cách gọi đại chúng, có người nói đây là bệnh nhà giàu, có kẻ nói nó là bệnh cáu gắt vô cớ, người khác thì nói là bệnh nghệ thuật, nghĩa là sao? Người mắc bệnh này, đa số là nhà nghệ thuật.

Phải phải phải, chính là nó, tên khoa học gọi là bệnh trầm cảm.

Không phải là Lý Trì Thư nhà chúng tôi muốn ăn vạ đâu, tôi phải đính chính lại. Quả thật căn bệnh này phổ biến, nhưng em ấy không phải tuýp người thích chạy theo xu hướng, có thể mặc một chiếc áo phông trắng suốt ba năm thì em ấy nào biết cái gọi là lỗi “mốt”.

Em ấy chỉ là mắc phải nó, em ấy cũng không biết làm sao mình bị mắc nó.

Có một ngày em ngồi trên sofa trong nhà đợi tôi về, nhìn dao gọt hoa quả trên bàn, đột nhiên muốn dùng cho bản thân mình.

Em ấy đã kể tôi biết vào lần thứ ba tôi phát hiện em muốn tự tử.

Ngày càng chệch hướng.

Chuyện gì diễn ra tối hôm Lý Trì Thư tỉnh lại? Tôi biết rõ.

Một phút ngắn ngủi đó là phần rõ ràng nhất trong ký ức dài dằng dặc và mơ hồ của tôi, thậm chí tôi còn có thể đếm số lần mặt nạ oxy trên mặt em ấy bật làn hơi.

Vì vậy tôi biết một phút đó chắc chắn không phải là mơ.

Lúc em ấy mở mắt còn rất bối rối, lông mi run run mấy lần mới mở ra. Vừa mở ra thì thấy tôi đang nhìn em.

Có vẻ em không bất ngờ, đối phó với tôi bằng ánh mắt đã từng nhìn tôi vô số lần ở quá khứ, nở nụ cười như không cười, bình thản.

Khi tôi ghé vào tai em nói hươu nói vượn em nhìn tôi cười như thế, khi tôi giấu bó hoa sau lưng muốn tặng cho em em nhìn tôi cười như thế, khi tôi lén lút xăm tên em lên tay em nhìn tôi cười như thế, khi tôi phát hiện em lén uống thuốc, em cũng nhìn tôi cười như thế.

Giây phút phải nói lời từ biệt, em vẫn nhìn tôi cười như thế.

Em cười như thế này: Lông mi run mấy cái xong rồi cong đôi mắt, sau mới hơi nhếch khóe môi lộ ra sau lớp băng gạc, mắt long lanh nước cực kỳ sống động.

Nụ cười như muốn nói: Thôi mà, Thẩm Bão Sơn, anh đừng giận mà. Nể mặt lần cuối cùng, anh đừng trưng vẻ mặt thối ấy với em mà.

Em ấy cười, tôi lườm lên trên trần nhà.

Nhưng nước mắt vẫn rơi tí tách xuống đất.

Bác sĩ nói nội tạng em ấy bị dập hư rồi, không cứu được. Cũng chỉ được vài ngày.

Tôi cúi xuống, Lý Trì Thư càng cười nịnh hơn.

Em ấy cười chừng một lúc, mặt tôi không còn khắm nữa, nhìn thấy em nói mấy chữ.

Thật ra Lý Trì Thư không thể nói thành tiếng, mà dù có thể nói thì tôi cũng không nghe thấy, nhưng tôi hiểu ngôn ngữ bằng môi.

Tôi không nhớ rõ mình học ngôn ngữ bằng môi từ lúc nào, có lẽ là hồi em ấy tự tử bất thành lần thứ hai. Có một ngày chẳng hiểu sao lại tìm khóa học trên mạng internet.

Khi ấy tôi không hiểu lý do mình muốn học, sau này ngẫm lại, có lẽ là dây thần kinh nào đó trong cơ thể tôi yêu Lý Trì Thư còn nhiều hơn nhận thức của não bộ đã điều khiển hoàn thành hành động ấy.

Dây thần kinh đó, có lẽ Lý Trì Thư đã âm thầm cấy ghép vào cơ thể tôi năm nào đó trong quá khứ, nó ý thức được sẽ có một ngày Lý Trì Thư như thế này còn trước cả Thẩm Bão Sơn.

Em ấy nói: Thẩm Bão Sơn, về nhà.

Nghe lãng mạng lắm đúng không, như đang nói muốn tôi dẫn em ấy về nhà.

Nên mới nói vì sao Lý Trì Thư yêu tôi, vì chỉ tôi mới nghe hiểu lời em nói.

Em ấy không phải muốn tôi dẫn em ấy về nhà, mà là muốn tôi về nhà một mình.

Tôi nghiêng đầu nhìn em.

Em còn cười với tôi, cười ngại ngùng, nịnh nọt.

Đầu sắp ngã dập nát còn cười được?

Đây là câu mắng em ấy cuối cùng trong đời tôi.

Buổi tối đó là lần đầu tiên tôi về nhà sau khi em xảy ra chuyện.

Tôi ngồi dưới sàn nhà phòng khách, không làm gì hết, ngoài bệ cửa sổ là cây dành dành em ấy trồng tháng trước. Sắp qua sáu tháng, hoa dành dành cũng sắp khô héo.

Trời hửng sáng, tôi mơ màng ngủ, lạ thật, người trước đó có thể canh gác Lý Trì Thư suốt đêm không ngủ vậy mà tối hôm nay lại ngủ thiếp đi.

Tôi nằm mộng, trong mộng nghe thấy tiếng gõ cửa.

Là tiếng gõ cửa chỉ riêng Lý Trì Thư mới có, chậm rãi, gõ ba lần, chờ vài giây rồi tiếp gõ ba lần.

Tôi chợt choàng tỉnh từ giấc mộng, phòng khách còn sáng đèn, tôi nhìn chằm chằm ngoài cửa, không nghe thấy tiếng gõ cửa.

Quay đầu, hoa dành dành rụng xuống bệ cửa sổ.

Tôi nhìn hoa dành dành im lặng thật lâu, mới nói, Lý Trì Thư, anh không tiễn em.

– – – – – – – –

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi