NGƯỜI MẸ TRINH TRẮNG

Những ngày không có Bo, tôi cứ như người đã chết. Sáng ra, vừa mở mắt là liền dắt xe đi làm, không ăn không uống. Ở bệnh viện mọi người nhìn tôi như thể một sinh vật lạ hoặc là một kẻ mới đến kỳ quặc, bởi tôi tranh làm tất cả mọi thứ, không dám để cho mình ngơi tay, bất kỳ ca sinh nở nào tôi cũng vào đỡ thay đồng nghiệp. Tôi hầu như không giao tiếp với ai, hoàn toàn biến mình thành nô lệ của công việc và thời gian chính là kẻ thù. Giờ nghỉ trưa, một mình tôi với suất cơm bình dân khô khốc, cố nhét cho đầy miệng đến khi phát nghẹn mới thôi.

Chị Hoài là người thân thiết nhất với tôi ở bệnh viện, thấy tôi như vậy chị cũng không muốn làm ngơ, cố tình đến bắt chuyện với tôi: “Dạo này em làm sao thế? Em như một cái máy vậy.”

Tôi cúi gằm mặt vào âu cơm đáp: “Em không sao.”

“Chị biết cả rồi. Chị hỏi thằng Trí, nó nói cho chị hết. Em đừng buồn, đâu sẽ có đó mà.” Có lẽ thấy đôi mắt ngỡ ngàng của tôi nên chị nói thêm: “Không sao, chị không nói với ai đâu mà.”

Tôi vẫn im lặng, tiếp tục cúi đầu, nếu tôi mở miệng nói bất kể điều gì lúc này thì chắc tôi sẽ bật khóc mất. Tôi đang cố gắng kiềm chế lắm rồi và không muốn bất kỳ ai hỏi đến mình nữa.

“Vân, thực sự mất đi con cái là điều đau khổ nhất của mỗi người bố người mẹ, nhất lại là một người mẹ như em. Nhưng em đừng lo, chị tin Bo sẽ về với em.” Chị Hoài nhìn tôi, cười thật dịu dàng. Trong đôi mắt chị không chỉ là nét cười nhu mì mà còn là một niềm động viên an ủi.

Nước mắt tôi bắt đầu rơi nhưng tôi không để chị thấy, cứ để nó câm lặng nhỏ từng giọt, từng giọt xuống thìa cơm trắng tinh mà tôi đang nhét vào miệng. Miếng cơm trắng giờ đây có một vị mặn chát khiến tôi càng khó nuốt hơn, cái vị mặn này sao mà khó chịu đến thế? Nó khiến cổ họng tôi càng thêm nghẹn ứ, nuốt mãi không trôi.

Hồi lâu tôi không lên tiếng, chị Hoài nói tiếp: “Em không muốn nói chuyện với ai, chị hiểu. Chị thực sự yêu mến em nên chị không muốn em cứ tiếp tục đầy đọa mình như thế, sẽ đổ gục lúc nào không hay. Em còn phải chờ Bo về nữa cơ mà. Thằng Trí cũng nhờ chị nói với em như thế đấy. Cố lên em gái!” Nói xong chị đứng lên đi ngay, còn lại mình tôi một góc với sự mặn chát của trái tim.

Tan ca trở về, vẫn theo thói quen tôi ghé qua cửa hàng tạp hóa mua sữa và xúc xích cho Bo nhưng khi anh chủ quán vừa hỏi: “Hôm nay anh mới nhập loại xúc xích mới đấy, cho Bo đổi món xem thế nào.” Thì tôi sực tỉnh, ngây ngẩn nhìn gói xúc xích mà anh chủ quán đưa cho.

“Không anh ạ! Em không mua xúc xích, ở nhà vẫn còn. Em…” Tôi ấp úng không biết mình muốn cái gì, nhìn quanh một lượt thì tôi chỉ bừa vào một gói đồ ăn vặt. “Cho em lấy cái này.”

Tôi lại đờ đẫn đi về nhà, tắm rửa, nấu cơm, ăn cơm. Lúc dọn mâm bát, tôi vẫn vô thức lấy cả bát của Bo, xới cơm rồi để ra bên cạnh, tưởng tượng Bo đang ngồi đó, phụng phịu nhìn bát cơm đầy. Khóe miệng tôi ẩn hiện một nụ cười nhưng rồi mọi thứ như một cuốn phim được gói lại cháy bùng bùng, tôi trở về với thực tại. Xung quanh không có gì, chỉ có một mình tôi, một mình mà thôi, một mình trong căn nhà vắng lặng đến đáng sợ, không một tiếng cười đùa, không một tiếng nói. Tôi cố gắng huyễn hoặc bản thân rằng Bo vẫn ở đây, nó chỉ sang nhà hàng xóm chơi mà thôi, rồi nó sẽ về ngay, lại ríu rít quẩn quanh bên chân tôi khiến tôi phát bận. Thằng bé sẽ dang hai cánh tay bé xíu ra trước mặt tôi và bảo: “Mẹ quay quay Bo đi mẹ!” Tôi sẽ vỗ mấy cái vào mông nó rồi nhấc bổng nó lên cao. Bo sẽ lại cười nắc nẻ.

Tôi bị làm sao thế này, nếu cứ tiếp tục tôi sẽ chẳng nghi ngờ việc mình sẽ mắc bệnh hoang tưởng. Mà hoang tưởng thì đã sao? Hoang tưởng cũng tốt, giống như một kẻ điên, không phải lo lắng gì đến cuộc sống đang diễn ra xung quanh, không phải đau đầu với cơm, áo, gạo, tiền, cứ sống và tưởng tượng theo những gì mình muốn. Người ta chỉ trỏ, **** bới cũng chẳng cần phải bận tâm vì kẻ điên thì đâu cần phải hiểu những thứ vô thường đó, không cần nhìn, không cần nghe, không cần hiểu, không cần lo. Vậy tại sao tôi không thể sống như một người điên? Có thể cười thật lớn khi người ta khóc và có thể ngủ thật ngon khi người ta còn mải tính toán mưu kế để tồn tại trong cuộc sống?

“Cho tôi gặp Bo!” Tôi vẫn kìm lòng không được mà bấm số của Hải, tôi nhớ con quá rồi.

“Cô có nhất thiết phải gọi điện thoại mỗi ngày như thế không? Con trai tôi khỏe, không sứt mẻ chỗ nào, không mất cân thịt nào, được chưa?” Hải trả lời với một giọng hết sức bực bội.

“Tôi muốn nghe giọng nói của thằng bé.”

“Bây giờ tôi không có ở nhà.”

“Anh không có nhà? Bây giờ là mấy giờ mà anh nói là anh không có ở nhà? Anh làm bố cái kiểu gì vậy?” Tôi bực mình quát lên.

“Cô cáu cái gì? Cô là vợ tôi chắc? Hay là mẹ tôi? Tôi làm gì là việc của tôi, nuôi con thế nào cũng là việc của tôi, không mượn cô tham gia. Đừng có làm phiền tôi nữa.”

Và vẫn như mọi lần, Hải tắt máy không thương tiếc. Còn tôi vẫn nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại như hy vọng ánh mắt này có thể thiêu chết được anh ta. Tôi không hiểu anh ta làm bố kiểu gì nữa, anh ta tìm mọi phương cách giành lấy nó để rồi lại tỏ rõ là một người bố vô trách nhiệm. Thúy nói đúng, Hải căn bản chỉ là hiếu thắng, muốn mọi thứ anh ta muốn thuộc về anh ta chứ không phải một sự khao khát được làm bố. Anh ta không xứng, không xứng chút nào. Nghĩ đến đây, một mảng trong tôi lại đau xót, giống như một bức tường mục vữa bị người ta chọc thêm vào mà vẫn phải im lìm chịu đựng. Tôi ôm con gấu bông mà Bo vẫn thường ôm, tắt đèn, nằm lặng lẽ trên giường, hoàn toàn không nghĩ được điều gì. Bóng tối trong căn phòng giống như cõi lòng tôi lúc này, hoàn toàn mù mịt, không định được phương hướng, đến lúc này mà tôi vẫn chưa tìm được ngọn đuốc dẫn dắt của cuộc đời mình. Tôi sẽ mất tất cả chăng?

Sáng ngày hôm sau, trong giờ làm việc thì tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Anh ta nói: “Chào cô, cô có phải là cô Nguyễn Thu Vân không?”

“Vâng, là tôi đây. Xin hỏi anh là ai?”

“Ồ, tôi là Phạm Đức Tiến, luật sư. Tôi được một người giới thiệu để giúp cô giải quyết vụ việc mà cô đang vướng phải. Cô không từ chối chứ?”

Luật sư? Tôi ngây ngẩn mất mấy giây, vội vàng hỏi: “Nhưng ai giới thiệu mới được chứ? Tôi nhớ là tôi đâu có nhờ ai giới thiệu?”

Anh ta hơi cười cười: “À, cái này thì hơi khó nói qua điện thoại, tôi muốn gặp trực tiếp cô để nói chuyện được không?”

Tôi cảm thấy hơi băn khoăn nhưng nghĩ đến Bo và việc tôi đang bị vu oan thì tôi liền đồng ý. Vào thời điểm này, có người giúp đỡ mình quả là không dễ dàng, không thể để lỡ mất, sẽ tìm cơ hội cảm ơn người đó sau.

“Cô ở Nam Định phải không? Nếu cô không tiện hoặc không có thời gian thì tôi sẽ đến chỗ cô, dù sao thì vụ án cũng đang được thụ lí ở đó.” Anh luật sư đề nghị.

“Không cần, tôi có thể lên Hà Nội gặp anh cũng được. Tôi cũng có một số việc cần làm nữa. Ngày mai, trưa ngày mai được chứ ạ?”

“Vậy cũng được, hẹn gặp cô vào trưa mai.”

Trong tôi bỗng bừng sáng lên một niềm hy vọng, vậy là tôi đã có cơ hội, dù gì thì cũng đã có cơ hội rồi. Ngày mai tôi sẽ lên Hà Nội gặp luật sư và tiện thể ghé qua thăm Bo, chắc thằng bé sẽ mừng lắm.

Trưa hôm sau, sau khi xuống khỏi xe khách là tôi đến chỗ hẹn ngay, cũng vừa kịp giờ, may mà xe chạy nhanh. Bước chân vào quán cơm văn phòng, tôi nhìn quanh một lượt, thật sự không xác định được đâu là người mà tôi cần gặp nhưng vừa mới lôi điện thoại ra định bấm số thì đã thấy một người đứng lên vẫy tay: “Cô Vân, ở đây.”

Tôi mỉm cười chạy đến: “Anh là anh Tiến phải không? Sao anh đoán ra là tôi vậy?”

Anh ta cũng cười, nhìn tôi đáp: “Tôi là luật sư mà, đoán thôi. Cô ăn gì, cứ gọi đi.”

Sau khi gọi món xong tôi lại tiếp tục: “Anh trẻ hơn tôi nghĩ đấy.”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi