NGƯỜI Ở BÊN TAY TRÁI CỦA TÔI


Giờ Ngữ văn, văn bản được phân theo từng vai đọc.

Cô giáo dạy Ngữ văn trẻ trung xinh đẹp đang đứng trên bục giảng, ánh mắt nhẹ nhàng quét xuống dưới lớp.
Có người lén lút vùi mình sau chồng sách chất thành tòa núi trước mặt; có người cúi đầu thật thấp thể không bị chú ý; chỉ có tôi, ăn không ngồi rồi, chăm chú nhìn tán cây xanh rậm rạp ngoài cửa sổ dưới ánh mặt trời.
Tôi chưa bao giờ tin rằng những thứ này sẽ liên quan đến mình.

Tôi liếc mắt là có thể thấy lá cây phượng vĩ nhuộm viền vàng nhạt của mùa thu, hoa đã héo tàn, chỉ còn trơ lại những cánh hoa mỏng cô đơn trong gió thu.
Tôi thấy hơi buồn ngủ.
Trong ánh nắng chói chang, chiếc áo len bị ép vào da, ngứa ngáy khó chịu, làn da nhạy cảm với suy nghĩ trì độn làm bạn với nhau, khiến tôi bất giác gật gà gật gù.
Tuy nhiên, cô giáo Ngữ văn đột ngột kêu lên: “Đào Oánh!”
Tôi hoàn toàn choáng váng.
Trong nháy mắt, như có một cơn gió lạnh thổi vào bộ óc khiến nó tỉnh táo ngay lập tức.

Tôi quay đầu nhìn Điền Giai Giai, cô nàng đứng bên cạnh tôi, nhìn tôi đầy phấn khích.
“Tớ đang đọc Lỗ Tứ Phượng.” Cô ấy nói.
Tôi bối rối nhìn giáo viên Ngữ văn.

Cô ấy đúng là một mỹ nhân, cô mặc váy len, cười duyên với tôi, sau đó tôi nghe cô nói: “Đào Oánh, em đọc Thị Bình.


Trương Dịch, em đọc Chu Phác Viên.”
Trái tim nổ “bùm” một cái, có lẽ chưa đến một giây đồng hồ, máu xộc thẳng lên đỉnh đầu tôi “ầm” một tiếng, tấm bia mộ chôn lấp những kỷ niệm đau thương tôi đã cố gắng che giấu rất cẩn thận —— những ký ức thống khổ bị vùi lấp dưới bia mộ kia bỗng bị xới tung, vương vãi ra đầy đất cùng sỏi đá.
Là vở < Lôi Vũ > của Tào Ngu.
[*]: Lôi Vũ là vở kịch nổi tiếng một thời ở Trung Hoa do nhà viết kịch Tào Ngu sáng tác.

Tác phẩm cũng nhiều lần được diễn lại ở Việt Nam.

Nội dung kể về cuộc sống phức tạp của một gia đình phong kiến – tư sản hóa, tượng trưng cho xã hội nửa phong kiến, nưả thuộc địa ở Trung Quốc lúc bấy giờ…
Nó giống như một tia chớp, “xoẹt” một cái xé tan lớp vỏ của tôi, lớp vỏ mà tôi đang sống tựa vào đó.

Tôi cho rằng chỉ cần núp sau lớp vỏ này, tôi sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì cả, nhưng ngay lúc ấy, tôi biết tôi chưa từng quên những thứ đó.
Chưa từng.
Tôi vô thức quay đầu lại, bắt gặp ánh mắt của Trương Dịch, ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau theo đường chéo của lớp.
Chúng tôi dừng lại cùng một lúc.
Đây là khoảng cách xa nhất mà chúng tôi có thể tạo ra.
Phòng học này, bởi vì khoảng cách đường chéo, nước sông không phạm nước giếng, nhưng rốt cuộc những nút thắt cũ trong lòng tôi vẫn không thể mở ra được.
Có lẽ Trương Dịch cũng vậy chăng?
Tôi chậm rãi đứng dậy.
Khi đứng lên, không biết tại sao tôi lại không thể không nhớ đến những ngày tháng trò chuyện với nhau, ngôi nhà pha lê xinh đẹp, vết đỏ trên tay cậu ấy khi bê gói hàng và cả lúc tôi bất lực khốn đốn yêu cầu một lời giải thích, cậu ấy chỉ cúi đầu, sự lạnh lùng khiến tôi lạnh sống lưng.
Nỗi căm hận nhàn nhạt lớn lên một cách nhanh chóng, nhưng trong tích tắc nó nhân lên vô số nhánh và thậm chí lan đến cả giọng nói của tôi.

Vừa nói, tôi biết giọng mình chứa đầy uất hận, thất vọng, không cam lòng và đau thấu xương mà tôi không thể kìm nén được.
Mà tôi cũng nghe ra cậu ấy cũng đang cố gắng kìm nén điều gì đó, thậm chí giọng nói cũng hơi run rẩy so với trước kia.
Cậu ấy trầm giọng đọc: “Cô gái trẻ tuổi nhà họ Mai, đức hạnh đoan trang.

Có một đêm, bỗng nhiên cô ấy rơi xuống nước và chết, sau này, sau này —— em có biết không?”
Thanh âm của tôi cũng thấp như vậy, trong giọng nói trầm thấp có một nỗi đau không thể kìm nén: “Không dám nói ra.”
“Ồ.” Giọng cậu thật nhẹ nhàng.
“Em biết một cô gái trẻ họ Mai.”
“Vậy ư? Em nói xem.”
“Nhưng cô ấy không phải tiểu thư, không đoan trang và cũng không hiền huệ.”
“Chắc là, chắc là anh nghĩ sai rồi, nhưng mà em nói xem.”
“Cô gái họ Mai này cũng nhảy sông vào một đêm, nhưng không phải một mình, trong tay cô ấy ôm một đứa bé trai mới sinh 3 ngày trước.


Nghe người ta nói lúc sinh thời cô ấy không quy củ…”
“Ồ!”…
Khi cậu ấy “Ồ” xong, tôi tinh ý nhận ra thoang thoảng sự đau đớn nào đó.

Trong sách giáo khoa, chữ “đau đớn” được đánh dấu bên cạnh dòng này như một lời chú thích.

Nhưng tôi biết, giọng Trương Dịch chứa chan một thứ tình cảm mà ở độ tuổi của chúng tôi không thể giả vờ được.
Đúng vậy, đoạn lời kịch này như nói chính chúng tôi vậy —— Cuộc trò chuyện giữa người bị tổn thương và người giả vờ tổn thương, một bên là cảnh thái bình giả tạo và bên kia là chân tướng lạnh thấu xương.

Trương Dịch, không phải cậu nói tôi rất xấu, không có thuốc chữa sao? Nhưng thật đáng tiếc, nhờ món quà của cậu mà giờ đây cuối cùng tôi cũng biết mình ngu ngốc, ngờ nghệch và vô dụng như thế nào.
“Ồ, Thị Bình! Sao lại là em?” Giọng cậu ấy xen lẫn ngạc nhiên, sợ hãi và vui mừng.
Nhưng mà tôi có thể nhìn thấy nỗi hận: “Chắc anh không ngờ có một ngày Thị Bình sẽ già nua đến mức anh không nhận ra chứ gì.”
“Em —— Thị Bình?” Đột nhiên hô lên.
Tôi có thể cảm nhận được điều đó, khi cậu ấy đọc điều này, thậm chí cậu ấy còn ngẩng đầu lên và liếc nhìn tôi.

Nhưng tôi không nhìn lại, tôi không biết trong mắt cậu ấy có đau đớn và sợ hãi hay không.

Nhưng tôi có thể nghe ra thứ gì đó khó tả đang lặng lẽ lớn lên trong tiếng hét trầm thấp kia.
Tôi thoáng cau mày, trong giọng nói là những cảm xúc bao dung, quan tâm, mong đợi và mất mát: “Phác Viên, anh tìm Thị Bình sao? Thị Bình ở đây.”
Khoảnh khắc tôi kêu “Phác Viên”, khoảnh khắc lược bớt tên họ, có lẽ cậu sẽ không ngờ được, trái tim tôi đau đớn kịch liệt đến thế.

Thân thiết như thể lâu rồi chưa được gặp người thân, như gặp lại nhau sau bao cực khổ.
Nhưng, ngữ điệu của cậu ấy nghiêm nghị hẳn lên: “Em tới làm gì?”
“Không phải em muốn tới.”

“Ai sai em tới?”
“Định mệnh! Định mệnh bất công đã sai em tới.”
“Tốn 30 năm mà em vẫn tìm được nơi này.”
“Anh không tìm em, anh không tìm em, anh tưởng em đã chết từ lâu rồi, không ngờ hôm nay lại có mặt ở đây.

Là ông trời muốn anh gặp lại em ở đây.”
Giọng tôi đau đớn, phẫn uất, buồn bã và tuyệt vọng, đó không phải là những cảm xúc mà tôi cố tình phóng đại mà chỉ trong tích tắc, tôi gần như hét lên bằng tất cả nỗi uất hận của mình: “Định mệnh! Định mệnh không công bằng sai em tới đây!”
Dường như tôi đã thấy mình biến thành Lỗ Thị Bình 70 năm trước, lúc gặp được người yêu, tảng băng hiện thực đã làm tan chảy ngọn lửa tình yêu hồi đó, trái tim đang lặng lẽ rỉ máu.
Phải, số phận bất công đã khiến tôi gặp được cậu và cũng chính số phận bất công đã khiến tôi vẫn gặp lại cậu ở lớp mới, ngay cả đọc bài văn, những ân oán xưa kia vẫn không nguôi!
Tuy nhiên, không ngờ buổi phân vai đọc bài đó đã thành công tốt đẹp: Lớp học im ắng, mọi người chăm chú lắng nghe, không ai thì thầm, không ai bật cười.

Khi chúng tôi đọc hết từ cuối cùng, trong lớp vang lên tiếng vỗ tay như sấm.
Ánh mắt của cô giáo như gợn sóng, cô nhìn tôi và nói: “Đào Oánh, em đọc tốt quá.”
Cô nói: “Em đã lột tả được những cung bậc cảm xúc của nhân vật Lỗ Thị Bình, em có tài năng đọc diễn cảm đấy.”
Tài năng? Tôi sửng sốt, tôi cho rằng từ đó đã xa rời tôi lâu lắm rồi.
Tôi, có tài năng thật sao?
Tôi rất muốn mỉm cười đáp lại cô giáo Ngữ văn nhưng khi quay đầu lại, bỗng bắt gặp ánh mắt của Trương Dịch, trong lòng chợt nhói đau.
Cuối cùng tôi cũng biết: Tôi chưa từng quên, và có lẽ sẽ không bao giờ quên.


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi