NGUYỆT MINH THIÊN LÝ - LA THANH MAI

Trường An, Đông Cung.

Ngày hè chói chang, trầm lý phù dưa*, cung Thái Cực ở vùng đất trũng năm nay phá lệ ẩm ướt oi bức, bậc thềm trước hành lang đầy rêu loang lổ, trên nền gạch lát hoa văn Ma yết đọng một lớp hơi nước mỏng, phản xạ ánh sáng. 

*ý nói uống nước lạnh ăn mận ăn dưa giải nhiệt.

Trong tiếng ve ồn ã, nội thị dẫn một thanh niên mặc quan bào xanh phong trần mệt mỏi xuyên qua hành lang quanh co, đi vào trước Thư các.

Đã có thái giám chờ trước cửa, nghe thấy tiếng bước chân, vẻ mặt tươi cười ra đón.

“Đỗ Xá nhân, Thái tử Điện hạ chờ đã lâu.”

Đỗ Tư Nam không hề liếc nhìn thái giám, nhẹ gật đầu, cất bước vào trong, thái độ ngạo mạn. Nụ cười trên mặt thái giám vẫn không đổi.

Hơn một năm qua, Đỗ Tư Nam vị sĩ tử Nam Sở xuất thân nghèo hèn này nhiều lần lập đại công, giữ vững Kim Thành, giết toàn bộ mật thám Bắc Nhung, đi sứ Nam Sở, Tây Thục, bằng miệng lưỡi ba tấc không nát và hiểu biết về triều đình các nước đã thúc đẩy Nam Sở lập minh ước với Đại Ngụy, giải mối lo sau này cho Đại Ngụy, do đó nhiều lần được Lý Đức triệu kiến. Mỗi lần triệu kiến y đều đối đáp trôi chảy, Long nhan cực kỳ vui mừng, nhiều lần đặc biệt đề bạt, y một bước lên mây, trong nháy mắt đã từ một thư sinh áo trắng bá vơ trở thành Trung Thư Xá nhân, tham gia biểu chương, phác thảo chiếu chỉ, nghiễm nhiên trở thành tâm phúc tín nhiệm nhất của Hoàng đế Lý Đức.

Nghe nói Đỗ Tư Nam còn chưa lập gia đình, các đại tộc thế gia trong kinh tranh nhau thuê bà mối tới cửa cầu thân, muốn nạp rể hiền, ngay cả Tể tướng Trịnh Tướng công cũng từng lộ ý muốn đích thân mai mối cho y, người người trong triều hâm mộ, nhưng Đỗ Tư Nam từ chối tất cả, nói mình là môn đệ nhà nghèo, không dám trèo cao đến thế gia.

Thái giám không hiểu mạch nước ngầm mãnh liệt trong triều nhưng dù sao đi theo Lý Huyền Trinh nhiều năm, xem lời nói hành động của cả hai cha con, hiển nhiên họ nể trọng quan viên xuất thân hàn môn, hiện Đỗ Tư Nam được lòng Đế chọn, rất được trọng dụng, dù y lạnh lùng kiêu ngạo thế nào thái giám cũng sẽ không đắc tội.

Đối với đám hoạn quan ti tiện như họ, lúc nào nên bợ đỡ ai, lúc nào nên vắng vẻ ai, chỉ nhìn thái độ Hoàng đế và Thái tử, thứ khác không liên quan.

Phía trước cửa sổ trồng vài nhánh lựu tươi tốt, tán cây rộng che hết nửa sân đình, trước song cửa một mảnh râm mát xanh mướt, ánh sáng trong phòng mờ ảo.

Đỗ Tư Nam đi thẳng vào trong, qua mấy tấm bình phong khảm nạm đá Vân Mẫu, đi vào đàn thất. 

Hương trà lượn lờ, hơi nước mờ mịt, một người hầu quỳ một bên kéo cái bễ nhỏ, ánh lửa thập thò phun ra nuốt vào trong lò. 

Lý Huyền Trinh tựa ngồi cạnh giường, sắc mặt trầm tĩnh, đôi mắt u tối, mặc đồ thường phục của Hoàng Thái tử, cổ tròn bào phẳng, thắt lưng gấm, phác hoạ ra đường cong gầy, so với lúc mới gặp Đỗ Tư Nam gầy đi không ít.

Một năm qua, Thái tử thay đổi rất nhiều.

Lúc trước hắn luôn có vẻ mặt ôn hòa đối với bộ hạ, trên chiến trận xung phong đi đầu, chưa từng bỏ rơi một quân sĩ, ôn hòa tha thứ, chiêu hiền đãi sĩ, nhưng không thể che hết u ám thực bụng, luôn có ý gia hại Thất công chúa, Nhị hoàng tử, hơn nữa anh hùng khó qua ải mỹ nhân, thường làm chuyện khó tưởng tượng vì Phúc Khang công chúa, thậm chí không để ý đến tính mạng, làm đại thần trong triều gai mắt. Giờ đây, Phúc Khang công chúa không còn bóng dáng, Thất công chúa chết ở tái ngoại, Nhị hoàng tử mất đi tất cả, rời kinh đi tái ngoại xa xôi, Tạ hoàng hậu một mình điên điên ngốc ngốc ở Ly cung, Tam hoàng tử, Tứ hoàng tử bị Lý Đức kết tội cấu kết ngoại địch giam cầm, Thái tử thù đã báo, ý trung nhân rời đi, vị trí Thái tử vững chắc, như bắt đầu trở nên trầm ổn, không còn thay đổi thất thường, cũng không còn hận người Tạ gia.

Đại thần trong triều vui mừng không thôi.

Ánh mắt Đỗ Tư Nam khẽ quét qua khuôn mặt tuấn lãng của Lý Huyền Trinh, trong lòng cười lạnh: một bình nước đã đun đến sôi sùng sục, reo ùng ục, hết đun, tiếng reo sẽ dịu xuống, Thái tử cũng không phải là thay đổi thành ôn hòa thật.

Y cúi đầu hành lễ với Lý Huyền Trinh. Lý Huyền Trinh ra vẻ đứng dậy, không nhận lễ.

Đỗ Tư Nam ngồi xuống, thầm nghĩ, Thái tử chiêu hiền đãi sĩ không phải nói ngoa, có điều Thái tử tâm ngoan thủ lạt cũng không phải tin đồn, lúc trước Thái tử tưởng lầm y là người của Nhị hoàng tử Lý Trọng Kiền lập tức lệnh giết, quyết đoán như vậy tuyệt không phải một người nhân từ biết nương tay.

Lý Huyền Trinh đang ngồi đối diện với một quan viên trẻ mặt mũi thanh tú, cũng mặc quan bào màu xanh không khác Đỗ Tư Nam mấy, là Trịnh Cảnh con của Tể tướng. Kinh Nam vừa phát sinh lũ lụt, hai người vừa mới đang thương lượng việc khắc phục thiên tai.

Trịnh Cảnh gật đầu thăm hỏi Đỗ Tư Nam: “Đỗ xá nhân, Nam Sở lại đổi Trữ à?”

Đỗ Tư Nam lấy lại tinh thần, nói: “Thái tử Nam Sở phóng ngựa đả thương người, bị triều thần nắm được cán, Thái tử vì giữ thanh danh đã giết người diệt khẩu, mưu hại đại thần trong triều, Nam Sở bàn tán ầm ĩ, quần thần quỳ ngoài cửa cung khóc lóc không ngừng, Hoàng đế Nam Sở bất đắc dĩ, đành đổi trữ.”

Trịnh Cảnh mỉm cười. Cuộc đổi Trữ ở Nam Sở này, do một tay cậu và Đỗ Tư Nam bày kế.

Cũng vì lấy đạo của người trả lại cho người, sau khi họ bắt được mật thám Nam Sở, lợi dụng chúng thăm dò mạng lưới tình báo Nam Sở, thả tin giả mê hoặc Nam Sở, để Nam Sở tin rằng Đại Ngụy không dám cử binh xuôi Nam, muốn cùng Nam Sở phân ranh mà trị.

Rồi lại thả tin đồn, bảo sở dĩ mấy vị Đại tướng Nam Sở chủ chiến là do họ vốn là người phương Bắc.

Nam Sở giàu có, đại bộ phận quan viên xuất thân Nam Sở thoả mãn an phận một góc, sống mơ màng xa hoa lãng phí, không muốn khai chiến với Đại Ngụy, quả nhiên trúng kế, dâng sớ vạch tội phái chủ chiến trong triều, bảo họ quyến luyến quê cũ, vì lòng riêng mà không để ý sống chết của mấy vạn tướng sĩ Nam Sở, bất trung bất hiếu, rắn chuột hai đầu.

Phái chủ chiến thế đơn lực bạc, Hoàng đế bất đắc dĩ, đành bác đi mấy vị Đại tướng, trấn an lòng người.

Để Nam Sở tự hỏng lực lượng, Đỗ Tư Nam lại ra tay châm ngòi quan hệ giữa Thái Tử Nam Sở và các vị hoàng tử khác, tăng mâu thuẫn giữa triều thần và Thái tử, châm ngòi thổi gió, tận dụng mọi thứ, ngắn ngủi hai tháng, vị Thái tử mới được sắc lập không lâu cũng bị phế đi.

Đỗ Tư Nam không phải võ tướng, y không quan tâm thủ đoạn mình ngoan độc âm hiểm cỡ nào, chỉ cần làm suy yếu Nam Sở y có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào.

Dùng binh không đánh mà thắng chính là cách dùng binh tốt nhất.

Lò lửa nhỏ đỏ than lép bép tiếng than hồng. 

Đỗ Tư Nam nói tiếp: “Thế gia Nam Sở như nấm, nhà ngoại tổ của các vị Hoàng tử trong triều đều là gia tộc quyền thế, trước giờ mấy vị hoàng tử đồng mặt không đồng lòng, hai năm nay vị trí Trữ nhiều lần biến động, đại thần trong triều khó tránh bị cuốn vào, mấy đại thế gia Nam Sở thông hôn nhiều thế hệ, rắc rối khó gỡ, rút dây động rừng, không ai có thể đặt mình ra ngoài.”

“Chúng ta đã bố trí cọc ngầm thỏa đáng, đến lúc đó nội ứng ngoại hợp, Đỗ mỗ khẳng định, trong vòng hai năm, triều đình Nam Sở sẽ có động!” Giọng lạnh như băng của y quanh quẩn trong đàn thất. 

Trịnh Cảnh tiếp lời: “Vua tôi Nam Sở tự cho rằng Trường Giang là nơi hiểm yếu, có lòng coi thường Đại Ngụy, trong triều phân tranh không ngừng, mâu thuẫn giữa người Nam kẻ Bắc trùng điệp, Hoàng đế Nam Sở để trấn an người phía Nam, tự chặt cánh tay, người Bắc vô tội chịu oan, chúng ta vừa vặn có thể cho người thuyết phục họ cải tà quy chính.”

Dù người Bắc có đồng ý đầu hàng Đại Ngụy hay không, chỉ cần thả ra tin tức họ lui tới mật thiết với Đại Ngụy, sau này Nam Sở chắc chắn sẽ không trọng dụng họ nữa.

Lý Huyền Trinh nghe cả hai nói xong, gật đầu hỏi: “Nếu Tây Thục và Nam Sở kết minh thì sao?”

Đỗ Tư Nam cười lạnh: “Mạnh thị Tây Thục thiển cận nhát gan, không có thực lực tranh bá nhưng lại có lòng tranh bá, Mạnh thị từng giao chiến với Nam Sở, hai nước bất hòa đã lâu, dù có kết minh cũng không duy trì được mấy tháng. Trước đó, chúng ta có thể đánh động với Nam Sở liên thủ với ta cùng tiến đánh Tây Thục, chỉ cần hứa các vùng Kiềm Trung, phía Tây Sơn Nam, tất nhiên Nam Sở sẽ động tâm. Sau đó lại âm thầm thuyết phục Tây Thục, bảo liên thủ với ta tiến đánh Nam Sở, ước định chia phía Tây Giang Nam cho Tây Thục, ắt Tây Thục sẽ do dự.”

“Đến chừng đó, ta cố ý thả ra tin tức, để Tây Thục, Nam Sở cho là họ đã đạt thành hiệp nghị với ta, thì họ sẽ dám kết minh với đối phương không?”

Trịnh Cảnh nghe xong tê rần da đầu, suy tư một trận, gật đầu phụ họa: “Chờ tấn công xong Tây Thục, nội loạn Nam Sở chưa kết thúc, ngược lại sẽ ngày càng nghiêm trọng, lưỡng bại câu thương, chúng ta vừa vặn ngư ông đắc lợi.”

Đỗ Tư Nam nghĩ tới một chuyện, chần chừ chút rồi nói: “Sở dĩ Đỗ mỗ dám chắc chắn như vậy, cũng là bởi vì một người.”

Lý Huyền Trinh ngước mắt: “Vị cao nhân nào?”

Đỗ Tư Nam từng chữ nói: “Văn Chiêu công chúa.”

Ùng ục ùng ục, trong trà cụ nước sôi sùng sục, bọt nước như trân châu lăn lộn lên xuống.

Cả ba đồng thời rũ mắt, nhìn bọt nước hóa hơi trong trà cụ.

Sau một lát, Lý Huyền Trinh phá vỡ yên lặng: “Sao cậu nói vậy?” Giọng hạ trầm thấp như đang đè nén gì.

Đỗ Tư Nam chậm rãi nói: “Văn Chiêu công chúa truyền tin về, không chỉ nhắc nhở tôi đề phòng Bắc Nhung, Nam Sở, Tây Thục, còn chỉ ra mâu thuẫn trùng điệp giữa Nam Sở và Tây Thục, chỉ cần lấy Kiềm Trung làm mồi nhử có thể làm hai nước trở mặt, mặt khác gợi lên phân tranh trong triều của Nam Sở, lần này Nam Sở đổi Trữ, chính vì tôi dùng kế sách của Văn Chiêu công chúa.”

“Có vẻ như Văn Chiêu công chúa đối với Nam Sở, Tây Thục rõ như lòng bàn tay, phản ứng của hai nước với trong thư cô ấy viết không khác mấy. Cô ấy nói Nam Sở, Tây Thục đồng minh không kiên cố, chỉ cần châm ngòi chút đã đánh tan được quan hệ hai nước, Đỗ mỗ cho rằng Văn Chiêu công chúa liệu sự như thần.”

Lần này, Lý Huyền Trinh lặng thinh càng lâu, hơi nước lượn lờ cứ như lồng lên tầng mây đen trên khuôn mặt tuấn tú của hắn.

Trịnh Cảnh xen vào: “Văn Chiêu công chúa từ nhỏ lớn lên ở Kinh Nam, Kinh Nam gần Nam Sở, Tây Thục, Tạ gia kinh doanh ở Kinh Nam nhiều năm, Văn Chiêu công chúa hiểu rõ Nam Sở, Tây Thục như vậy, cũng không lạ.”

Lý Huyền Trinh ừ lạnh nhạt, ngồi ngơ ngẩn, ánh mắt trống rỗng.

Đỗ Tư Nam nhịn không được hỏi: “Điện hạ thấy kế này thế nào?”

Lý Huyền Trinh lấy lại tinh thần, trầm ngâm nửa ngày, yên lặng nhấm nuốt chuyện vừa rồi. Nếu kế hoạch thuận lợi, trong thời gian ngắn nhất, tiêu hao ít nhất Đại Ngụy có thể đạt được việc vĩ đại nhất thống thiên hạ.

Như vậy, khi Đại Ngụy bình định thiên hạ, cử binh đánh Tây, sẽ có binh lực mạnh mẽ đối địch với Bắc Nhung. 

Trong lòng hắn ra quyết định, nói với Đỗ Tư Nam: “Đỗ Xá nhân không hổ là Trương Lương* của Thánh thượng, bày mưu tính kế, quyết thắng ngoài ngàn dặm.”

*chính trị gia, mưu thần khai quốc công thần triều Tây Hán

Đỗ Tư Nam nói: “Điện hạ quá khen.” Giọng thì khiêm tốn, còn vẻ mặt lại có nét lãnh ngạo.

Trịnh Cảnh âm thầm lắc đầu.

Lý Huyền Trinh vào cung diện thánh, thương thảo với Lý Đức kế hoạch cụ thể, hai người cáo từ đi ra, Trịnh Cảnh nhắc nhở Đỗ Tư Nam: “Gần đây Đỗ Xá nhân rất nổi tiếng, mộc tú vu lâm* nên cẩn thận.”

*người quá xuất chúng.

Đỗ Tư Nam cười lạnh nói: “Ta với Trịnh Thị lang khác biệt, ngài là con cháu danh môn, vừa ra làm quan đã là cận thần của Thiên tử, Đỗ Tư Nam ta xuất thân nghèo hèn, mười năm gian khổ học tập, cần cù chăm chỉ cả đời cũng chỉ là người may áo cưới* cho Trịnh Thị lang thôi, bây giờ Thánh nhân không theo lệ thường coi trọng ta, ta nào có thể bỏ qua cơ hội này? Có giết được thỏ, mổ chó săn, Đỗ Tư Nam ta cũng phải trở thành nhân thượng nhân, hoàn thành khát vọng, lập công lao cái thế.”

*tác giá y thường: ám chỉ vất vả cho người vui, bản thân không được gì.

Trịnh Cảnh không phản bác được. Đỗ Tư Nam là cây đao trong tay Lý Đức, một thanh đao rèn sắc bén, muốn chém vào thế gia. Thế gia nhạy bén biết ý đồ của Lý Đức, muốn thu mua Đỗ Tư Nam, kéo vào giữa thế gia, nên không tiếc bỏ đi thận trọng mà muốn thông hôn với y, những tưởng y nghèo hèn sẽ mừng rỡ, không ngờ y cự tuyệt không chút nghĩ ngợi. Trịnh Cảnh con cháu Trịnh gia, gần đây nghe không ít lời đồn đại, nếu Đỗ Tư Nam khư khư cố chấp, thế gia tuyệt sẽ không nương tay.

“Đỗ Xá nhân đã quyết định rồi? Thánh nhân và Thái tử bảo đảm được cậu một thời, không bảo vệ được cậu cả đời, chưa nói giết được thỏ mổ chó săn, các triều đại đổi thay, có mấy thần tử như Đỗ Xá nhân có được kết thúc yên lành?”

Khóe miệng Đỗ Tư Nam khẽ nhếch, hồ đồ không thèm để ý: “Thương Ưởng* dù ngũ mã phanh thây chết thảm, cuối cùng vẫn cải cách thành công, tên lưu sử sách, Trịnh Thị lang, ngươi ta sở cầu khác biệt, Tử làm sao biết cá có vui*?”

*Chính trị gia, cải cách gia, nhà tư tưởng, quân sự gia, thời Chiến quốc, phụ tá Tần Hiếu công, tích cực thi hành cải cách, sau khi Tần Hiếu công chết, ông bị công tử Kiền vu là mưu phản, xác bị đem đến Hàm Dương ngũ xa phanh thây.

**“Trang Tử không phải cá, làm sao biết cá có vui” – đừng dùng cái nhìn của mình áp cho người khác.

(minh: 2 ông thần văn nói chữ phải tra qua lại mới hiểu, dốt văn thật khổ)

Trịnh Cảnh cười cười, yên lặng một hồi, chợt hỏi: “Đỗ Xá nhân không muốn cưới con gái thế gia là có liên quan đến Thất công chúa à?”

Đỗ Tư Nam cứng đờ.

Trịnh Cảnh cười nói: “Đỗ Xá nhân tự phụ tài hoa, khư khư bảo mình xuất thân hàn tộc. Lúc ở Nam Sở từng trước mặt đám đông lập lời thề, không phải con gái thế gia không cưới, nên mới nóng nóng vội vội, thề phải nổi bật, thế gia trong kinh muốn đem đích nữ gả cho, sao cậu lại cự tuyệt?”

Đỗ Tư Nam xụ mặt, lạnh lùng liếc Trịnh Cảnh, chế giễu lại: “Trịnh Thị lang là con cái danh môn, xuất thân cao quý, tiền đồ vô lượng, đến nay vẫn chưa lấy vợ, trong phủ chỉ có thiếp hầu, bếp núc còn do mẹ và chị gái trông nom, sao Trịnh Thị lang cũng chưa cưới vợ?”

Nụ cười trên mặt Trịnh Cảnh từ từ từ từ tháo hết.

Hai người nhìn nhau không nói.

Trịnh Cảnh xoay người, nhìn cây lựu xanh um tươi tốt trước sảnh, đứng khoanh tay khẽ nói: “Ta từng gặp được nữ lang như Thất công chúa, lại tự mình đưa nàng gả đi xa…” Nàng một thân hoa sai lễ y, trước mắt văn võ quần thần leo lên xe ngựa. Cả đời này, Trịnh Cảnh sẽ  không quên được bóng lưng mảnh mai ấy.

Cậu không nhớ rõ mình thích Thất công chúa tự bao giờ, cũng không đến mức khắc cốt minh tâm, chỉ là ái mộ thiếu niên. Đến khi Thất công chúa gả xa, cậu xem như phần tình cảm này theo năm tháng sẽ từ từ phai nhạt, ai dè ngược lại, tiếc nuối không chỉ không phai mà còn khắc sâu vào lòng, để lại vết sẹo, trong phút lơ là sẽ chợt đau. Giống như rượu cũ cất trong hầm, tuổi càng lớn, càng thuần đậm. 

Trịnh Cảnh chỉ nói một nửa, nhưng Đỗ Tư Nam có thể hiểu lời cậu.

“Đỗ mỗ ta xuất thân nghèo hèn… Không xứng với nữ lang thế gia.” Đỗ Tư Nam lặng thinh mãi, mới ung dung nói. 

Hai người trong phút chốc chẳng nói gì nữa. 

Đứng một lúc, Trịnh Cảnh xuống bậc cấp, nhìn trái phải hạ giọng: “Không còn thấy Ngụy Minh.”

Mí mắt Đỗ Tư Nam giật giật.

Trịnh Cảnh bình tĩnh nói: “Người hạ thủ là Vệ Quốc Công.”

“Lý Trọng Kiền? Không phải ngài ấy đã đi Hà Lũng sao?”

Trịnh Cảnh nói: “Vệ Quốc Công biết Đông cung tăng cường đề phòng, lúc hồi kinh không ra tay ngay, chỉ gần đây mới không thấy người nữa, kẻ ra tay là người Vệ Quốc Công để lại.”

Đỗ Tư Nam ra vẻ suy nghĩ, nói: “Giờ Vệ Quốc Công chỉ muốn nhanh tìm về Thất công chúa, không để nàng chôn xương tha hương… đợi Vệ Quốc Công về…”

Lý Trọng Kiền sẽ đích thân giết Ngụy Minh. Sau đó thì sao?

Người ngài muốn giết tuyệt đối không chỉ một Ngụy Minh.

Hai người sóng vai đi ra hành lang, bầu không khí có phần đông cứng lại, Trịnh Cảnh chợt đổi chủ đề: “Sau này Đỗ Xá nhân sẽ đầu nhập Đông cung nhỉ?”

Con ngươi Đỗ Tư Nam hơi co rút, ngẩng lên căm tức nhìn Trịnh Cảnh.

Trịnh Cảnh vẫn không đổi sắc.

Hai người nhìn nhau một lát, Đỗ Tư Nam câu môi cười lạnh: “Ta từng bị Thái tử nghi ngờ, tên Ngụy Minh kia nhiều lần gia hại ta, giữa ta với Đông cung đã có vết nứt.”

Trịnh Cảnh híp mắt.

Đỗ Tư Nam hừ lạnh, nói: “Trịnh Thị lang đã biết tiếng thơm của ta rồi, vì muốn nổi bật ta không từ thủ đoạn, đợi khi trong triều ta đứng vững gót chân, mới có lực đàm phán với người.”

Hai người trao đổi một ánh mắt, ngầm hiểu lẫn nhau. Họ đều là loại người lợi ích trên hết, lý trí tỉnh táo, mọi việc làm lúc này cũng vì leo đến đỉnh cao quyền lực. Vì thế, dù có phẫn nộ Lý Đức để Thất công chúa hòa thân, họ vẫn vì quyền thế bước ra triều đình, bôn ba vì công danh lợi lộc.

Thất công chúa gả xa làm họ càng hiểu, chỉ có nắm giữ quyền hành, mới bảo vệ được người mình để ý. Cho đến khi đó, họ không quan tâm sẽ trung thành với ai, hợp tác với người xuất thân thế nào.

Về phần hai người họ có thành kẻ địch hay không, đó là chuyện sau này. Chí ít, trước khi Lý Trọng Kiền trở về, lợi ích của họ là một. 



Lý Huyền Trinh gặp Lý Đức bẩm báo kế sách của Đỗ Tư Nam, thật ra những kế hoạch này đã âm thầm áp dụng trước, giờ họ cần ra quyết định: Có tiến đánh Tây Thục hay không?

Lý Đức sợ Bắc Nhung quay đầu Nam chinh, cho rằng có thể chờ lại.

Lý Huyền Trinh nói: “Lúc Hải Đô A Lăng công lâu không được quả quyết lui binh, cũng là bởi vì binh lực chủ yếu của chúng tập trung ở Bắc Tây Vực, lương thảo quân bị không đủ, lúc này Nam Sở vừa mới đổi Trữ, còn biếm mấy vị Đại tướng, trong phút chốc không cách nào điều binh khiển tướng, chúng ta hứa hẹn chỗ tốt, chắc chắn họ sẽ khoanh tay đứng nhìn, giờ đây đúng là thời cơ tốt để chúng ta tiến đánh Tây Thục, nếu kéo dài mãi, chờ Bắc Nhung quay đầu Đông chinh, chúng ta hai mặt chịu địch, làm sao chống cự?”

Lý Đức vẫn do dự.

Lý Huyền Trinh đứng lên, nói: “Thần nguyện lập quân lệnh trạng, trong vòng ba tháng nếu không thể đánh chiếm phủ Thành Đô, mặc cho Thánh thượng xử lý.”

Lý Đức nhíu mày, ngước mắt, ánh mắt rơi xuống mặt Lý Huyền Trinh.

Tháng qua hắn luôn chinh chiến bên ngoài, về Trường An vì chuyện đánh Tây Thục rong ruổi khắp nơi, gầy đi rất nhiều, nhìn có phần tiều tụy, nhưng đôi mắt phượng lại sáng rực, như hai ngọn lửa cháy hừng hực.

Lý Đức thở dài. 

Chu Lục Vân không thấy tăm hơi, nó điên thành thế này sao? Đứa con trai này mình xem nó lớn lên… Lý Đức cân nhắc mãi, ra hiệu Thái giám bày giấy mực, viết chiếu thư phát binh.

Ông không ngăn nổi con trai. 

Trong triều bắt đầu vì chuyện xuất chinh mà khua chiêng gõ trống chuẩn bị, Đỗ Tư Nam đi sứ Nam Sở lần nữa, khuyên Nam Sở liên thủ với Đại Ngụy chia cắt Tây Thục, đồng thời thả ra tin đồn rằng Tây Thục chuẩn bị liên thủ với Đại Ngụy chia cắt Nam Sở, kéo dài thời gian, ngăn cản Nam Sở Tây Thục kết minh.

Lý Huyền Trinh tự xin làm tiền phong, lãnh đội phi kỵ xuất phát trước.

Trịnh Bích Ngọc tiễn hắn xuất chinh, tâm tình nặng nề.

Đêm qua, Lý Huyền Trinh dặn dò nàng: “Nếu có tin Hà Lũng truyền về, phải phái khoái mã đưa đi tiền tuyến, dù lớn hay nhỏ, không được trì hoãn.”

Ngực Trịnh Bích Ngọc chợt nhói: “Tin từ Hà Lũng ạ?”

Lý Huyền Trinh liếc nàng: “Ta phái người đi theo Lý Trọng Kiền, cách mấy ngày một lần bọn hắn sẽ gửi tin về.”

Hai tay Trịnh Bích Ngọc nhẹ run: “Sao Điện hạ lại phái người đi theo Vệ Quốc Công?”

Mắt phượng hẹp dài của Lý Huyền Trinh như vũng nước đọng, không một tia gợn sóng. “Ta muốn biết hắn có tìm được không.”

Trịnh Bích Ngọc nhìn gương mặt bình tĩnh đến gần như quỷ dị của chồng, không dám hỏi tới.

Lý Huyền Trinh đã thay đổi.

Chàng giống như rất nóng nảy vì chuyện trước mắt, một lòng chỉ muốn mau mau đánh tan Tây Thục, không hề để ý chuyện khác, Chu Lục Vân biến mất đã lâu vậy mà chàng không hỏi một câu.

Một dự cảm bất thường quanh quẩn nơi đầu tim của Trịnh Bích Ngọc, nàng trằn trọc, không dám yên giấc, mỗi ngày phái người nghe ngóng tin tiền tuyến, sợ Lý Huyền Trinh xảy ra bất trắc.

Chừng nửa tháng, ba tuyến đại quân tuần tự xuất phát, chia ba nhánh tấn công Tây Thục.

Vua tôi Nam Sở quả nhiên thiển cận, đồng ý liên thủ với Đại Ngụy liên thủ đánh Tây Thục, nhanh phái hai đại quân đi đường thủy tiến đánh thị trấn quan trọng nhất phía Nam Tây Thục.

Hai nước đột nhiên tấn công, Tây Thục vội vàng đối phó, Mạnh thị không thể không chia binh nghênh địch.

Lý Huyền Trinh xung phong đi đầu, dẫn ba vạn đại quân tấn công quan ải phía Bắc Tây Thục, thế như chẻ tre, thế trận dũng mãnh, trong một tháng liên tiếp phá hơn mười tòa thành trì, phủ Thành Đô báo nguy, vương công quý tộc trong thành nhao nhao gom của cải trốn đi, trong Tây Thục rất nhanh phát sinh nội loạn.

Sau nửa tháng, binh sắp sửa hạ thành, trong tuyệt vọng Thục vương chém chết cơ thiếp, một mồi lửa đốt đi hoàng cung tự mình chủ trì xây dựng, lấy thân đền nợ nước.

Lý Huyền Trinh tắm trong biển máu hứng chiến, dẫn đầu đội phi kỵ chặn ngang cắt đứt phòng tuyến cuối cùng của quân Thục, xông lên vách núi, hoành đao lập mã, một người nhung trang dính máu, áo giáp rách nát, trên mặt trầy trụa, ngóng nhìn lửa lớn trong thành cháy rực tận trời, trong mắt phượng như có hai ngọn lửa lạnh như băng chập chờn.

Đám Tần Phi một đường chém giết, đi tới phía sau hắn, theo ánh mắt hắn nhìn, trong lòng chợt nổi trống.

Thái tử sợ lửa, đây là bí mật các tướng lĩnh ngầm hiểu.

Mấy người nhìn nhau, Tần Phi cười cười, giục ngựa tiến lên nửa thân ngựa, nói: “Điện hạ, trời sắp tối rồi, các tướng sĩ chém giết mấy ngày mấy đêm, hay chỉnh đốn tại chỗ trước? Sáng sớm mai mới vào thành.”

Lý Huyền Trinh cúi đầu, trường đao quét lên tay áo, xóa đi vết máu đặc. “Truyền lệnh xuống, lập tức vào thành.”

Tần Phi sững sờ, không dám hỏi nhiều, quay qua mấy người kia nháy mắt.

Hai ngày sau, tuyên bố thắng trận truyền về Trường An, Lý Đức cực kỳ vui mừng, ngợi khen tam quân, văn võ cả triều sơn hô vạn tuế. 

Khắp nơi vui mừng.

Nửa tháng sau, Lý Huyền Trinh hồi triều. Dân chúng Trường An tươi cười, đắm chìm trong niềm vui đại quân chiến thắng, ngóng trông đội phi kỵ sớm ngày trở về.

Lý Huyền Trinh mặc một bộ trang phục quân sĩ bình thường, xuyên qua đám người chen chúc, xuất hiện trước cửa cung.

Cấm vệ nhận ra hắn, giật nảy mình. Lý Huyền Trinh ra hiệu cấm vệ đừng kinh động những người khác, thẳng về Đông cung.

Trịnh Bích Ngọc đang đưa Thái tôn đá xúc cúc trong đình viện. 

Lý Huyền Trinh đi xuống hành lang, cung nữ, thái giám nhìn thấy hắn, định cúi người hành lễ, hắn khoát tay, đám người không dám lên tiếng, lặng yên lui ra.

Thái tôn đứng đá xúc cúc dưới hiên, còn chưa đá chuẩn, quả bóng lăn tròn một vòng lớn, vừa vặn lăn đến dưới chân Lý Huyền Trinh.

Lý Huyền Trinh nhìn xúc cúc dưới chân, vẻ hơi hoảng hốt.

Trịnh Bích Ngọc cười ngẩng đầu, nhìn thấy Lý Huyền Trinh, khẽ giật mình. Lý Huyền Trinh nhặt xúc cúc, đi đến trước mặt con trai, sờ đầu nó.

Con trai với hắn không gần gũi mấy, mấy tháng không gặp, hắn còn mặc y phục tướng sĩ, trong phút chốc có phần không dám nhận, sợ hãi lùi hai bước, trốn ra sau lưng Trịnh Bích Ngọc.

Lý Huyền Trinh lắc đầu bật cười.

Lòng Trịnh Bích Ngọc như đã cảm giác, chấn động cả người, nhắm mắt nhận xúc cúc chồng đưa đến. 

Lý Huyền Trinh nhìn nàng, môi rung rung mấy lần, không biết nên nói gì, khóe miệng kéo: “Ngọc Nương, bảo trọng.”

Hốc mắt Trịnh Bích Ngọc thoáng chốc đỏ lên, cười cười: “Đại Lang, bảo trọng.”

Vợ chồng mấy năm, giữa họ không có yêu thương, nhưng trên đời này có lẽ không ai hiểu đối phương bằng chính họ. 

Trịnh Bích Ngọc đã nhìn ra dự định của Lý Huyền Trinh từ lâu, chỉ không muốn tin thôi, giờ Lý Huyền Trinh đánh xong Tây Thục, đảo loạn Nam Sở, đề bạt một nhóm dũng tướng, tiến cử mấy chục con cháu nhà hàn môn, an bài xong cho con trai, chàng đã hết sức vì trách nhiệm của mình, đến lúc sống cho chính mình.

Nàng trăm mối cảm xúc ngổn ngang, có thiên ngôn vạn ngữ muốn nói, cuối cùng một chữ đều nói không ra miệng.

Lý Huyền Trinh cười cười với nàng, quay đi.

Nụ cười này, từ khi quen biết nhau, lần đầu Trịnh Bích Ngọc mới thấy chàng bật cười thật tình.

Nàng nhìn bóng lưng của hắn, nước mắt ào ào.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi