NHẢY, NHẢY, NHẢY

Chương 2
Tôi được cử tới Hokkaido công tác. Như thường lệ, đây chẳng phải là chuyện gì thú vị lắm, nhưng tôi không ở vào cái thế được lựa chọn. Dù gì thì, những công việc đổ xuống đầu tôi nói chung chẳng khác nhau là mấy. Dù tốt xấu thế nào, càng xa rời quãng giữa bao nhiêu, chất lượng tương đối càng ít quan trọng bấy nhiêu. Giống như chiều dài bước sóng âm thanh vậy: vượt qua một giới hạn nhất định nào đó là ta khó lòng phân biệt được âm nào cao hơn trong hai âm cạnh nhau, đến cuối cùng chẳng những không thể phân biệt được chúng nữa, mà ta còn chẳng nghe thấy gì nữa.
Nhiệm vụ lần này là viết một bài tên là "Ăn ngon ở Hakodate" cho một tờ tạp chí phụ nữ. Tôi và một phóng viên ảnh định ghé qua vài nhà hàng. Tôi sẽ viết bài còn anh ta cung cấp ảnh để hoàn thành một bài viết năm trang. Thế đấy, thì cũng phải có ai đó viết những thứ như vậy chứ. Cũng giống như nhặt rác hay xúc dọn tuyết thôi, đằng nào thì cũng phải có người làm. Dù ta có thích hay không cũng chẳng phải vấn đề - công việc là công việc.
Tôi đã đóng góp cho xã hội theo kiểu này được ba năm rưỡi. Xúc dọn tuyết. Ai cũng biết cả, những đống tuyết văn hóa.
Trước đó, vì vài sự cố bất đắc dĩ, tôi đã phải đóng cửa văn phòng mà tôi và một người bạn đang điều hành, và trong nửa năm sau đó, tôi hầu như không làm gì cả. Tôi không muốn làm bất cứ việc gì. Mùa thu năm trước, đủ mọi chuyện đã xảy đến với tôi. Tôi ly hôn. Một người bạn qua đời, vô cùng bí ẩn. Người tình bỏ rơi tôi, không nói một lời. Tôi gặp một gã kỳ lạ rồi chợt nhận ra mình bị cuốn vào những diễn biến khác thường. Và khi mọi chuyện chấm dứt, tôi bị vùi sâu trong một vùng tĩnh lặng sâu thẳm hơn bất cứ gì tôi từng trải qua. Bầu không khí vắng lặng đến tức thở lơ lửng trong căn hộ của tôi. Tôi tự nhốt mình suốt sáu tháng. Ban ngày, tôi không hề bước chân ra khỏi nhà, trừ phi để mua sắm vài nhu yếu phẩm tối thiểu. Tôi chỉ vào thành phố cùng với tia nắng đầu tiên của bình minh, lang thang trên những con đường vắng, rồi khi phố xá bắt đầu có bóng người, tôi lại trốn về nhà ngủ.
Chạng vạng tối, tôi thức dậy, kiếm chút gì bỏ vào bụng và èo ăn. Đoạn tôi ngồi trên sàn nhà, cẩn thận điểm lại mọi việc đã xảy đến với mình và cố gắng hiểu chúng. Sắp xếp lại trật tự các sự kiện, liệt kê hết những khả năng có thể xảy ra, nghĩ lại xem những việc mình đã làm là đúng hay sai. Cứ như vậy cho tôi lúc bình minh, tôi lại ra khỏi nhà và lang thang trên phố.

Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om.
Đó là lịch trình thường ngày của tôi trong vòng nửa năm. Từ tháng Một tới tháng Sáu năm 1979. Tôi không đọc lấy một cuốn sách. Tôi không giở một tờ báo. Tôi không xem ti vi, không nghe đài. Không gặp một ai, không chuyện trò với một người nào. Thậm chí tôi hầu như không uống rượu; cũng chẳng có tâm trạng nhậu nhẹt. Tôi không hề biết thế giới bên ngoài đang diễn ra những gì, ai trở nên nổi tiếng, ai chết đi, không gì hết. Không phải là tôi ngoan cố không muốn tiếp nhận thông tin, chỉ là tôi không có ham muốn biết bất cứ điều gì. Dù vậy, tôi hiểu rằng mọi việc vẫn đang tiếp diễn. Thế giới vẫn không ngừng chuyển động. Tôi cảm nhận được điều ấy trên chính da mình, ngay cả khi đang đơn độc một mình trong căn hộ. Dẫu thế nó cũng chẳng khiến tôi thấy mảy may hứng thú. Nó giống như một cơn gió nhẹ im lìm lướt qua tôi vậy.
Ngồi bệt dưới sàn nhà, tôi tua đi tua lại quá khứ trong đầu mình. Thật buồn cười, đó là tất cả những gì tôi đã làm, ngày này qua ngày khác trong suốt nửa năm, và tôi không hề thấy chán. Những điều tôi đã trải chừng như thật lớn, với vô số mặt cắt. Dẫu vậy chúng rất chân thực, đó là lý do mà những trải nghiệm cứ hiện ra sừng sững trước mặt tôi, như một đài kỷ niệm tỏa sáng trong đêm. Và đúng là thế, đó là một đài kỷ niệm cho tôi. Tôi xem xét kỹ càng từng sự kiện từ mọi góc độ. Tôi đã bị tổn hại, khá tồi tệ, tôi nghĩ vậy. Không phải một sự tổn hại vặt vãnh. Máu đã chảy trong lặng lẽ. Sau một thời gian, vài nỗi đau dần tan biến, vài nỗi đau khác lại hiện ra. Nhưng dù sao, nửa năm tự giam mình trong nhà của tôi không phải là để hồi sức. Cũng không phải vì chứng tự kỷ từ chối thế giới bên ngoài. Đơn giản là tôi cần thời gian để có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Khi trở lại với cuộc sống bình thường, tôi cố gắng không nghĩ tới hướng đi của mình. Đó hoàn toàn là một vấn đề khác, để dành cân nhắc vào một ngày khác. Giờ việc chính là phải lấy lại sự cân bằng cho bản thân đã.
Tôi hầu như không nói chuyện với con mèo.

Chuông điện thoại reo. Tôi mặc cho nó kêu.
Nếu có người gõ cửa, tôi không ở nhà.
Thi thoảng có mấy bức thư. Vài bức là từ đối tác trước đây của tôi, anh không biết tôi đang ở đâu hay đang làm gì và thấy lo lắng. Anh ngỏ ý hỏi xem có thể giúp gì cho tôi? Công việc mới của anh đang rất suôn sẻ, vài người quen cũ cũng có hỏi thăm tôi.
Vợ cũ cũng viết, bảo rằng có vài chuyện cần phải quan tâm, những chuyện rất thực tế. Rồi cô ta kể mình sắp tái hôn - với ai đó mà tôi không quen, và có lẽ là chẳng bao giờ quen. Điều này có nghĩa là cô ta đã chia tay gã bạn của tôi, cái gã mà cô ta đã cặp kè hồi chúng tôi ly dị. Chuyện họ bỏ nhau chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Gã ấy chẳng phải một tay guitar nhạc jazz tài giỏi, và cũng chẳng phải loại người tuyệt vời gì cho lắm. Chẳng thể hiểu nổi cô ta thấy gì ở gã nữa - nhưng không phải là việc của tôi, nhỉ? Còn về phần tôi, cô ta nói không hề lo lắng. Cô ta chắc rằng tôi sẽ ổn dẫu có chọn làm gì đi nữa. Thay vào đó, cô ta dành những lo lắng đó sang cho những người sau này có quan hệ với tôi.
Tôi đọc những lá thư vài lần rồi cất đi.

Và cứ thế, vài tháng đã trôi qua.
Tiền không phải là vấn đề. Tôi đã để dành đủ để sống, và tôi cũng chẳng bận tâm điều gì sẽ xảy ra sau đó. Mùa đông đã trôi qua.
Và mùa xuân lại đến. Hương gió đổi thay. Ngay cả màn đêm cũng trở nên khác hẳn.
Cuối tháng Năm, Kipper, con mèo của tôi chết. Bất thình lình, không hề báo trước. Một buổi sáng, tôi thức dậy thì thấy nó cuộn tròn trên sàn bếp, đã chết tự khi nào. Chắc hẳn bản thân nó cũng không biết điều xảy đến với mình. Cơ thể nó lạnh ngắt cứng đờ, giống như món gà quay từ hôm qua, bộ lông không còn óng mượt. Khó có thể nói rằng nó đã sống hạnh phúc. Nó chưa bao giờ thực sự được ai yêu thương, cũng dường như chưa hề thực sự yêu thương ai. Trong mắt nó luôn có vẻ bứt rứt không yên, như thể muốn nói,Giờ thì sao?Thường thì một con mèo không có ánh mắt như thế. Nhưng dù sao đi nữa, nó đã chết rồi. Không có gì hơn. Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất ở cái chết.
Tôi bọc xác nó vào một cái túi của siêu thị Seiyu, đặt lên ghế sau xe ô tô, rồi lái tới cửa hàng vật dụng gia đình và mua một cái xẻng. Tôi rời đường cao tốc rẽ vào một đoạn khá dài, đi lên đồi và tìm một lùm cây thích hợp. Cách con đường một đoạn vừa phải, tôi đào một cái hố sâu chừng một met, rồi tôi đặt Kipper trong chiếc túi yên nghỉ ở đấy. Sau đó tôi xúc đất đổ lên người nó. Xin lỗi mày, tôi nói với nó, mọi việc phải như thế. Lũ chim hót không ngừng khi tôi chôn Kipper. Nghe như tiếng sáo rít ở âm vực cao nhất.
Sau khi lấp đầy cái hố, tôi ném xẻng vào cốp xe, rồi quay lại đường cao tốc. Tôi vừa nghe radio vừa lái xe về Tokyo.

Đúng lúc ấy phát thanh viên bật một bài trong đó Ray Charles đang than vãn về chuyệnsinh ra để mất mát... và giờ đây anh mất em.
Tôi những muốn khóc. Đôi khi một việc nhỏ có thể gợi ra nhiều cảm xúc. Tôi tắt radio và rẽ vào một khu dịch vụ. Trước tiên, tôi rửa sạch đất ở tay, rồi vào nhà hàng. Tôi chỉ cố nuốt được một phần ba chiếc sandwich, nhưng lại uống hết hai ly cà phê.
Bây giờ Kipper đang làm gì nhỉ? Tôi tự hỏi. Trong bóng tối dưới đó. Tiếng đất phủ lên chiếc túi siêu thị Seiyu cứ lạo xạo trong tâm trí tôi. Mọi việc phải diễn ra như thế, anh bạn ạ, tao rồi cũng sẽ như mày thôi.
Tôi ngồi nhìn chăm chăm vào miếng sandwich ăn dở suốt cả giờ đồng hồ. Cho đến khi một cô hầu bàn mặc đồng phục tím bước lại lo lắng hỏi xem liệu cô đã dọn bàn được chưa.
Mọi việc phải thế, tôi nghĩ. Cho nên bây giờ, trở lại với xã hội đi thôi.


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi