NHIỆT ĐỘ TRÊN KHÔNG - HÀ KHUYẾT

Vào năm ba đại học, Vạn Hạ Trình giành thứ hạng khá cao trong cuộc thi khởi nghiệp, nhờ đó được cấp một studio miễn phí hoàn toàn tiền thuê và chi phí điện nước. Những người bạn từng hứa sẽ cùng nhau khởi nghiệp năm ấy, đến giờ chỉ còn mỗi hắn kiên trì theo đuổi. Bước sang năm cuối, Vạn Hạ Trình từ bỏ việc học thạc sĩ để bắt tay vào xây dựng phòng làm việc riêng, hợp tác với đàn anh Dương Dục.

Lúc đó, hắn vừa lo khởi nghiệp, vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp, lại còn chăm sóc Hứa Thục Anh đang bệnh nặng, bận đến mức không còn thời gian để ý đến Bùi Tiểu Thập. Thường chỉ có tối cuối tuần, họ mới gặp nhau ở nhà.

Vì bệnh tình ngày một trở nặng, Bùi Tiểu Thập không thể dìu bà xuống giường nữa, đành ngồi bên cạnh trơ mắt nhìn bà yếu dần.

Vạn Hạ Trình luôn tay luôn chân suốt, cuối tuần có về cũng đã 11, 12 giờ đêm. Bùi Tiểu Thập vẫn luôn kiên nhẫn đợi, đợi điều dưỡng rời đi, đợi Hứa Thục Anh ngủ, đợi đến khi ngôi nhà yên tĩnh đến mức chỉ còn nghe tiếng nước nhỏ giọt từ ống nước.

Dẫu buồn ngủ thế nào, thiếu niên vẫn đợi đến khi Vạn Hạ Trình về mới đi ngủ.

Khác hẳn đám họ hàng giả dối nhà họ Bùi, Vạn Hạ Trình chưa bao giờ tính toán hay hạ thấp người khác để củng cố địa vị của mình. Nội tâm và thực lực của hắn đủ mạnh để không cần lấy lòng ai hay chứng minh điều gì - Vạn Hạ Trình luôn sống thật với bản thân.

Hắn có nguyên tắc và giới hạn riêng, minh bạch đúng sai rõ ràng. Sự kiên định ấy cũng là một thước đo công bằng chuẩn xác, mang đến sự an tâm cho cậu.

Sau nhiều năm đến Thượng Hải nương nhờ nhà họ Bùi, mãi đến khi ở bên anh ấy, thiếu niên mới có thể hoàn toàn thả lỏng, tận hưởng một giấc ngủ yên bình.

Với Bùi Tiểu Thập, người duy nhất thương yêu cậu vô điều kiện trên đời đã không còn nữa. Những gì cậu có hiện tại đều đi kèm với điều kiện, luôn có nguy cơ bị lấy đi bất cứ lúc nào. Chỉ có Vạn Hạ Trình chưa bao giờ đòi hỏi gì từ cậu. Khi thiếp đi trong vòng tay người nọ, thiếu niên cảm giác như được trở về lòng mẹ.

Tháng 3 năm 2015, ngày Hứa Thục Anh qua đời, cả Vạn Hạ Trình và Bùi Tiểu Thập đều không có ở nhà. Vạn Hạ Trình bận bảo vệ luận văn tốt nghiệp tại trường, còn Bùi Tiểu Thập đang tập luyện cho vở kịch Peer Gynt của Ibsen. Đến khoảng 9 giờ tối, cậu nhận được cuộc gọi từ Vạn Hạ Trình, từ đó mới biết Hứa Thục Anh đã qua đời vào buổi chiều cùng ngày.

Hôm đó, sau khi được hộ lí cho ăn trưa, bà kêu mệt, muốn ngủ trưa, nhưng đôi mắt vừa nhắm lại đã không bao giờ mở ra.

Sau khi bà mất, Vạn Hạ Trình đưa tro cốt của bà về an táng ở Vân Thành.

Vào cuối tuần sau, lúc bọn họ gặp lại, Bùi Tiểu Thập nhận thấy người nọ đã gầy đi một chút, quầng thâm dưới mắt cũng tối hơn nhiều.

"Anh chắc buồn lắm phải không? Nói thật với anh, em cũng đã khóc một mình mấy lần rồi." Bùi Tiểu Thập vốn là người đa cảm, lúc nói mấy lời này nước mắt đã chực rơi.

Còn người nọ thì không rơi một giọt lệ nào.

Cuối tuần đó, khi ở nhà Vạn Hạ Trình, Bùi Tiểu Thập tỉnh dậy lúc mặt trời vừa ló rạng, bên cạnh giường trống trơn. Cậu đi một vòng quanh nhà, cuối cùng tìm thấy thanh niên đang đứng hút thuốc một mình trên ban công, không rõ là dậy sớm hay đã thức trắng đêm.

Sương sớm dày đặc phủ xuống vai, ánh bình minh chậm rãi len vào con hẻm chật hẹp, Vạn Hạ Trình bị Bùi Tiểu Thập ôm chầm từ đằng sau.

Ngày hôm đó, Bùi Tiểu Thập đã nói với hắn: "Sau này em sẽ là người thân nhất của anh."

Giây phút này, Vạn Hạ Trình mới nhận ra, có lẽ bản thân không phải đang thả lỏng đầu óc, mà là đang nghĩ về việc từ nay mình không còn người thân nào nữa.

Hắn và Hứa Thục Anh đã cùng trải qua một chặng đường dài. Nửa đầu hành trình là Hứa Thục Anh bảo bọc hắn, nửa sau là hắn đỡ đần bà. Hắn luôn nghĩ mình và Hứa Thục Anh giống đồng đội hơn tình thân, nâng đỡ nhau nhưng không can thiệp vào cuộc sống của đối phương. Nhưng giờ đây, Bùi Tiểu Thập làm hắn nhận ra mình từng ỷ lại vào bà thế nào, từng khao khát được bà công nhận tựa như một đứa trẻ mong có được viên kẹo từ tay ba mẹ.

Bùi Tiểu Thập vòng đến trước mặt, ngẩng đầu hôn một cái lên cằm an ủi: "Anh vất vả quá rồi. Từ trước đến giờ, anh chưa từng cho phép bản thân nghỉ ngơi. Sau này đừng ép mình thế nữa, được không?"

Chẳng có ai từng nói với Vạn Hạ Trình những lời như vậy, khuyên hắn nghỉ ngơi, khuyên hắn đừng làm quá sức. Từ nhỏ, Hứa Thục Anh đã dạy, chỉ có kẻ yếu mới bị bắt nạt.

Vạn Hạ Trình đưa tay, dập điếu thuốc vào khung sắt bên cạnh, rồi bảo Bùi Tiểu Thập về ngủ. Thiếu niên cự lại rằng chưa muốn, vậy là hắn đáp: "Thế em cứ đứng đây hóng gió đi, anh xuống ngủ bù."

Thiếu niên nghe vậy thì "Ai nha" một tiếng, ôm eo hắn nũng nịu: "Anh toàn chơi trò đánh đố nhau hông à."

Một tia nắng xuyên qua tầng mây chiếu xuống. Vạn Hạ Trình nhìn mái đầu bông xù chôn trong ngực, mấy sợi tóc nhỏ xinh rung rinh dưới ánh ban mai. Đó là lần đầu tiên, hắn nhận ra cậu nhóc này dễ thương thế nào.

Tháng 6, trước khi tốt nghiệp, cuối cùng Vạn Hạ Trình cũng có thời gian đi xem vở kịch mà Bùi Tiểu Thập tham gia. Lần đầu tiên đến học viện hí kịch, hắn ngồi trên khán phòng nhà hát thực nghiệm, thấy Bùi Tiểu Thập trên sân khấu mặc váy, đội tóc giả, vào vai một nhân vật nam giả nữ đang lạc lối cố tìm lại chính mình. Kịch bản được chuyển thể rât tốt, diễn xuất của diễn viên không có chỗ chê, tiếng vỗ tay vang rền khắp hội trường, nhưng Vạn Hạ Trình lại lơ đễnh, cảm thấy thiếu niên mặc đồ nữ rất xinh đẹp.

- -----

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, suốt mùa hè, Vạn Hạ Trình bận rộn chạy khắp các triển lãm để tìm khách hàng. Studio bắt đầu có chút khởi sắc. Hắn dọn ra khỏi căn nhà cũ ở khu phố ẩm thực, thuê một chỗ gần nơi làm việc hơn.

Trước khi đi, hắn ghé qua chỗ chú Lưu tặng lại những linh kiện trước đó đã mua với giá gốc, coi như cảm ơn sự giúp đỡ của chú trong suốt thời gian qua, ngoài ra còn mời cả nhà chú bữa cơm, và đưa Bùi Tiểu Thập đi theo.

Cậu hỏi: "Em dùng thân phận gì để đi cùng đây, bạn của anh à?"

Vạn Hạ Trình trả lời: "Người nhà."

Khoản nợ trên lưng vẫn chưa trả hết, gần một năm thuê người chăm sóc Hứa Thục Anh đã vét cạn túi tiền của Vạn Hạ Trình, khiến hắn đến nay vẫn chưa tích góp được đồng nào. Vì vậy, khi tìm trọ, thanh niên phải so sánh đủ nơi, cuối cùng chọn một phòng xây trái phép trên tầng thượng của một tòa chung cư cũ với giá rẻ mạt - 300 tệ một tháng.

Ngày chuyển đến "nhà mới," nhân vật hào hứng nhất chính là Bùi Tiểu Thập. Cậu kéo theo vali, đòi sống chung với Vạn Hạ Trình. Nơi này không có thang máy, thiếu niên phải lôi mớ hành lí cồng kềnh lên lên xuống xuống bằng chân không, nhưng chẳng tỏ ra mệt chút nào mà phấn khởi nói với anh bồ: "Chỗ của anh đặc biệt nhất! Làm gì có nhà ai ra cửa là thấy ngay sân thượng thế này!"

Thực tế, Vạn Hạ Trình đúng là sống ngay trên sân thượng.

Bấy giờ Bùi Tiểu Thập đã là sinh viên năm ba. Thiếu niên bắt đầu theo các anh chị khóa trên nhận job ngoài, tìm cơ hội gia nhập các đoàn phim. Cậu đã đóng vài bộ phim có kinh phí thấp hoặc web drama, nhưng dự án nào không đình trệ do trục trặc tài chính thì cũng vì không tìm được nền tảng phát sóng khi đóng máy mà bị gác lại vô thời hạn, hay được phát sóng nhưng bị cắt toàn bộ cảnh.

Bùi Tiểu Thập dường như chẳng bao giờ biết nản lòng. Vạn Hạ Trình đưa cho cậu một chùm chìa khóa nhà. Ban ngày, cậu thường ở một mình trong phòng trọ. Tầng thượng hấp nhiệt, nóng hầm hập lại không có điều hòa. Trong căn phòng như cái lò hấp ấy, thiếu niên ôm quạt ngồi trước chiếc bàn thấp kê sát tường, kiên nhẫn hoàn thiện portfolio của mình trên máy tính, tiện thể học thêm photoshop và edit.

Thỉnh thoảng, cậu cũng đến studio của Vạn Hạ Trình. Thường thì lúc đó đối phương đang ra ngoài gặp khách hàng, chỉ còn thực tập sinh hoặc Dương Dục ở lại.

Bùi Tiểu Thập đến không hẳn để gặp Vạn Hạ Trình, mà muốn xem thử môi trường làm việc của người nọ. Khi nhìn những bằng chứng nhận độc quyền treo trên tường và các sản phẩm mới đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thiếu niên thấy vô cùng tự hào về anh bạn trai nhà mình.

Đôi khi, Vạn Hạ Trình được nghỉ một ngày cuối tuần sẽ ở nhà cùng Bùi Tiểu Thập. Bình thường về muộn nên không biết, giờ hắn mới phát hiện thì ra ban ngày trong nhà nóng đến mức nào, lại nhìn Bùi Tiểu Thập, trên trán và tay đầm đìa mồ hôi, vẫn đi tới đi lui tập trung luyện thoại trong phòng, như thể hoàn toàn không nóng chút nào.

Thấy vậy, Vạn Hạ Trình kéo một cái vòi lên sân thượng, tưới nước khắp mặt đất để hạ nhiệt, còn mua thêm tấm cách nhiệt về che cửa sổ. Cuối cùng, vào giữa trưa nắng gắt nhất, hắn dẫn Bùi Tiểu Thập đến trung tâm thương mại hưởng điều hòa miễn phí.

Thời điểm đó, Vạn Hạ Trình nghèo đến mức không mua nổi một chiếc điều hòa, nhưng Bùi Tiểu Thập vẫn xem người nọ như báu vật. Trước đây, cậu hay nói mình sợ nóng, nhưng sau này không còn nhắc đến nữa, bất kể nóng đến mấy vẫn muốn ôm bồ ngủ.

Thiếu niên bắt chước các thực tập sinh khác, nhỏ giọng gọi hắn là "anh Vạn", rồi hỏi liệu đối phương có thấy nóng khi bị mình ôm vậy không.

Vạn Hạ Trình đáp không nóng.

Gọi "Anh Vạn" cũng được, "Hạ Trình" cũng chẳng sao. Thấy người nọ không ý kiến gì với những danh xưng ấy, một ngày nọ, Bùi Tiểu Thập bỗng nổi hứng, bất ngờ ôm chầm lấy hắn líu lo ông xã ơi ông xã à.

Trai thẳng sắt thép Vạn Hạ Trình vừa khéo đang uống nước, bị sặc một cái rồi ho khù khụ nửa ngày.

"Ông xã sao vậy?" Bùi Tiểu Thập giả ngây giả ngơ.

Vạn Hạ Trình có nhiều cách để trị. Gọi vài lần không thấy "ông xã" phản ứng, Bùi Tiểu Thập tiu nghỉu nâng cờ trắng đầu hàng, nhưng vẫn lén đổi tên liên lạc của hắn trên QQ thành "Ông xã".

Biệt danh này cứ vậy được giữ nguyên đến khi họ chia tay. Vạn Hạ Trình xóa cậu khỏi danh sách bạn bè, khiến thiếu niên không tìm thấy người nọ trong danh bạ nữa. Bấy giờ, "ông xã" mới thật sự biến mất khỏi thế giới của cậu.

Với Bùi Tiểu Thập, thỉnh thoảng ra ngoài cùng Vạn Hạ Trình đến trung tâm thương mại một chuyến hưởng ké điều hòa là niềm vui khó gì sánh được, chỉ đơn giản vì được đi cùng người yêu.

Hai người hầu như không tiêu pha gì nhiều, cùng lắm chỉ mua một ly đồ uống hoặc một phần bánh trứng, rồi ngồi xem lũ trẻ con học patin hoặc taekwondo trong trung tâm.

Giờ đây, khi nghĩ lại quãng thời gian bên nhau, Vạn Hạ Trình nhận ra bản thân hầu như chẳng tiêu tốn gì cho cậu, thậm chí một món quà ra hồn cũng chưa tặng nổi. Ngay cả ngày sinh nhật, hắn cũng chỉ dùng vật liệu trong phòng thí nghiệm làm mấy món handmade nhỏ tặng cậu. Hai lần sinh nhật, thanh niên đều tặng những thứ không mấy đáng tiền: một bông hoa gỗ được khắc bằng máy laser của trường, còn lại là một khối vuông phát sáng bằng đèn LED và vi mạch, nhìn đẹp mắt nhưng chẳng có tác dụng gì.

Những món quà bị coi là tầm thường, lại là lần đầu tiên Bùi Tiểu Thập nhìn thấy.  Cậu che miệng, đôi mắt sáng lấp lánh, bảo rằng bản thân rất hạnh phúc.

Không chỉ quà sinh nhật, những món Vạn Hạ Trình mang về từ phòng thí nghiệm như mảnh bảng mạch hình trái tim, mô hình quấn từ ốc vít và dây điện, thậm chí chỉ là một chiếc thước đo mini cỡ lòng bàn tay hoàn toàn vô dụng với sinh viên diễn xuất đều được cậu coi như báu vật, cẩn thận giữ gìn.

Lúc đó, Vạn Hạ Trình nghèo rớt mồng tơi. Mỗi tháng sau khi trả hết nợ và tiền thuê nhà trên tầng thượng cùng hóa đơn điện nước, trong túi còn dư chưa đến 200 tệ, không thể cho cậu nhiều hơn số đó. Song Bùi Tiểu Thập vẫn sẵn lòng, còn vui vẻ chịu đựng.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi