NHU PHÚC ĐẾ CƠ

Buổi sáng ngày hôm sau, hai nguyên soái lệnh Triệu Hoàn dẫn theo thân vương, quan lại theo cùng tới trại Thanh Thành. Triệu Hoàn vừa tới cổng trại đã bị bắt phải xuống ngựa, hai hàng binh sĩ Kim tay cầm vũ khí dẫn y vào tới trước mặt Tông Hàn, Tông Bàn, Tông Vọng. Tông Bàn liếc y một cái, lấy chiếu thư ra đưa cho Cao Khánh Duệ, Cao Khánh Duệ liền cao giọng ra lệnh: "Tống chủ Triệu Hoàn và quần thần quỳ xuống nghe chiếu."


Dẫn đầu một đám người trước kia đều là trọng thần Đại Tống, Triệu Hoàn rầu rầu quỳ xuống trước mặt người Kim, nghe Cao Khánh Duệ cao giọng tuyên đọc bản "Phế quốc thủ hàng chiếu" mà ngày hôm qua mình đã nhìn thấy, đầu càng lúc càng cúi thấp. Đợi Cao Khánh Duệ đọc xong chữ cuối cùng, rốt cuộc cũng run rẩy ngã sõng soài trên nền đất.


Thần tử Tống phía sau kinh hãi kêu lên, vội vã lao lên đỡ y, song lại bị Tông Hàn sẵng giọng ngăn lại: "Đều lui xuống hết cho ta!" Tông Hàn lại nhìn các đại thần Kim hai mé, điểm mặt gọi tên: "Tiêu Khánh, Lưu Tư, cởi trang phục hoàng đế và mũ miện trên người Triệu Hoàn xuống."


Tiêu Khánh và Lễ bộ thị lang nước Kim Lưu Tư vâng lệnh tiến lên, thúc giục Triệu Hoàn cởi bỏ trang phục. Các đại thần Tống đều phẫn nộ nhưng không biết phải làm thế nào, chỉ có mình Sử bộ thị lang Lý Nhược Thủy xông lên phía trước đỡ Triệu Hoàn đang nửa mê nửa tỉnh trên mặt đất dậy, tha thiết khuyên ngăn: "Bệ hạ không thể thay bỏ trang phục!" Triệu Hoàn ngước lên nhìn y, không biết nói gì, chỉ đành khe khẽ thở dài. Tiêu Khánh và Lưu Dự ra hiệu cho lính Kim kéo Lý Nhược Thủy đi, sau đó một người tháo mũ một người cởi quần áo, nhanh chóng lột trang phục hoàng đế của Triệu Hoàn xuống, trong suốt quá trình đó Triệu Hoàn không mảy may phản kháng, chỉ nghe thấy Lý Nhược Thủy vừa vùng vẫy vừa hướng về phía hai người Tiêu, Lưu quát lớn: "Các ngươi không được phép vô lễ!"


Tiêu Khánh, Lưu Tư đem y phục hoàng đế đã cởi xuống giao cho lính Kim, lại mệnh người mang một bộ trang phục Kim đến, chuẩn bị thay cho Triệu Hoàn. Không ngờ lúc này Lý Nhược Thủy lại giãy dụa thoát ra được khỏi sự khống chế của lính Kim, chạy về phía trước giằng lấy long bào ôm chặt, nộ khí bừng vừng chỉ vào người Kim mắng: "Hoàng đế Đại Tống tự có long bào cổn miện, ai thèm mặc áo quần của lũ người Kim man di mọi rợ các ngươi!"


Tông Bàn nhìn quân sĩ trái phải, ra lệnh: "Lôi ra ngoài!" Lập tức có linh Kim vây tới đoạt lấy ngự y, trói chặt chân tay y, nửa kéo nửa vác lôi xuống. Lý Nhược Thủy không ngừng phản kháng, quát mắng không thôi. Tông Bàn bực bội vô cùng, sải bước tới trước mặt y vung tay trái phải đánh mạnh hai cái lên mặt, máu mũi Lý Nhược Thủy tức thì ồ ạt trào ra, song vẫn không chút cam lòng yếu thế, "phì" một cái nhổ một ngụm nước bọt lên mặt Tông Bàn, tiếp tục chửi mắng. Tông Bàn phẫn nộ, rút bội đao ra toan chém y, bất ngờ nghe thấy Tông Hàn phía sau cao giọng hô: "Gượm đã!"


Tông Bàn quay đầu lại, trông thấy Tông Hàn đang mỉm cười tiến về phía mình, ấn cánh tay vung đao của y xuống, vỗ vai y nói: "Kẻ này cũng xem như trung nghĩa, nếu có thể khuyên hắn đầu hàng, ngày sau ắt có ích lợi lớn cho Đại Kim chúng ta. Đại vương xem như cho tôi chút mặt mũi, giữ lại tính mạng cho hắn." Cũng không đợi Tông Bàn đáp lời đã trực tiếp ra lệnh cho binh sĩ: "Dẫn hắn ta vào gian phòng khác canh giữ, không được phép gây khó dễ."


Tông Bàn dù không vui song cũng không tiện phát tiết, bực bội quay về. Trông Thấy Triệu Hoàn đã thay trang phục Kim quỳ dưới đất bèn lấy y ra trút giận, trỏ vào y, lệnh cho chúng tướng Kim: "Ngày mai đưa cha hắn, mẹ hắn, vợ hắn, huynh đệ tỷ muội và con trai hắn tới hết đây, một kẻ cũng không được phép bỏ sót!"


Hai nguyên soái hạ lệnh, mệnh cho Thái thượng hoàng Triệu Cát và Thái hậu dẫn theo cung quyến ngày hôm sau ra khỏi thành. Triệu Cát vẫn tưởng là muốn mình thế chỗ cho Triệu Hoàn, thở dài nói: "Nếu muốn lấy ta làm con tin, để Hoàng thượng quay về bảo vệ giang sơn xã tắc, cũng không còn gì để nuối tiếc." Buổi chiều ngày hôm sau liền mang theo ngự bội đao và cận thần, ngồi xe ra khỏi Nam Huân môn. Tới Nam Huân môn rồi mới cảm thấy không đúng lắm - Tông Vọng đã dẫn hơn một ngàn kỵ binh đứng đợi ở đó, trông thấy Triệu Cát bèn lập tức dẫn quân lên phía trước chặn đường. Triệu Cát âm thầm kêu khổ, ngồi trong xe lập tức hạ lệnh: "Đại sự không ổn! Mau đem bội đao của ta tới!" song không một ai lên tiếng đáp lại. Hồi lâu sau mới có một cận thần rầu rầu trả lời: "Thái thượng, bội đao đã bị người Kim cướp đi rồi..."


Triệu Cát thẫn thờ ngồi trong xe, thoáng chốc sau Tông Vọng đã lệnh người "mời" ông bước ra. Sau đó Lưu Tư lập tức thay trang phục cho ông, để thiết kỵ Kim áp giải dẫn đi. Ngay kế đó, Thái hậu, phi tần, đế cơ, vương phi, thân vương, phò mã và nhiều hoàng thân quốc thích, quan lại quý tộc khác đều bị quân Kim áp giải xuống xe, dân chúng xung quanh thấy vậy có dự cảm không lành, tức thì lên tiếng mắng nhiếc khóc than. Lát sau, có một võ tướng dáng vẻ nhìn như người Tống phi ngựa vào thành, cầm một tờ chiếu thư hét lớn với bách tính đang khóc lóc: "Lệnh giám quốc: Hoàng đế ở ngoại ô, đã lâu chưa quay về, Thái thượng Đại quân dẫn cung tần ra khỏi thành, cầu ngự giá quay về trước cổng quân doanh Đại Kim, mong dân chúng an cư lạc nghiệp."


Bách tính đã không còn tin mấy chỉ lệnh an ủi lòng dân như thế này nữa, có người về nhà thu thập hành lý dắt theo gia đình tìm cách ra khỏi thành, có người biết rõ không đi nổi nữa, tìm binh khí về phân công cho người nhà cất giữ. Trong thành gà bay chó sủa, tiếng than khóc ngợp trời. Tướng lĩnh trong thành thấy dân chúng quá khích, khó lòng khống chế, bèn chém đầu vài người làm gương, song cũng không cách nào trấn áp được cục diện hỗn loạn, ngược lại còn kiến quân đội dân chúng xung đột với nhau, tiếng khóc than và đao kiếm va chạm chấn động cả đất trời, đêm ngày không dứt.


Trước đó nội thị Đặng Khuê đã đầu hàng quân Kim bí mật dâng lên danh sách phi tần, đế cơ và thân vương, hoàng tôn,... Tông Hàn liền theo đó lệnh Khai phong phủ doãn theo đó mà truy lùng, các cung quyến còn lại trong cung bị tìm thấy đều lần lượt bị áp giải vào trại Kim.


Triệu Cát tới trai cung, Tông Hàn Tông Bàn lại lấy ra chiếu thư kết tội phản bội hiệp ước. Triệu Cát ra sức thanh minh, kiên quyết đứng đó, không chịu quỳ xuống bái lạy Kim chủ theo yêu cầu của hai người. Tông Hàn liền cười lạnh: "Tính khí Thái thượng hoàng cũng ngang ngạnh thật đấy! Vợ con đều bị bắt tới đây cả rồi, ngươi vẫn còn mặt mũi làm bộ làm tịch sao?"


Triệu Cát quay lại nhìn vợ con đang khóc lóc thê thảm, nghĩ tới những gì bọn họ sắp sửa gặp phải, không nén được xót xa rơi lệ, ngữ khí cũng mềm lại, nói với Tông Hàn: "Ta và thúc phụ anh đều là quân chủ một nước, quốc gia tự có thành bại hưng vong, mỗi người cũng đều có vợ có con, xin nguyên soái hãy suy xét lại."


Tông Hàn đáp: "Từ xưa đến nay những kẻ bị bắt đều biến thành nô bộc, tỳ thiếp, đây là lẽ dĩ nhiên. Bởi Tiên hoàng Đại Kim có ơn với ngươi nên giờ đây ta mới có thể cho phép vợ cả và gã con trai Hoàng đế kia đoàn tụ với ngươi ở đây, song những người khác đều không phải là của ngươi nữa rồi."


Tông Hàn lập tức truyền lệnh xuống, mệnh dẫn Triệu Hoàn ra để hai cha con gặp mặt. Triệu Cát vừa trông thấy Triệu Hoàn đã buồn giận đan xen, giữ chặt lấy y nghẹn ngào nói: "Nếu ban đầu con chịu nghe theo lời cha già, thì đâu có rơi vào bước đường hôm nay."


Triệu Hoàn xấu hổ không nói nên lời, lại chậm rãi quay đầu nhìn chúng cung quyến xung quanh, càng cảm thấy bi thiết, cũng nắm chặt lấy tay phụ thân, cha con hai người nhìn nhau rơi lệ.


Tông Hàn có ý khuyên Lý Nhược Thủy đầu hàng đi theo mình, sau khi giam giữ mấy người liền triệu y vào trướng gặp mặt, ôn tồn thăm hỏi, song Lý Nhược Thủy vẫn lạnh nhạt phớt lờ. Tông Hàn toan lấy lợi lộc ra dụ dỗ, cố ý hỏi y: "Triệu Tống đã vong, ta phụng mệnh Đại Kim Hoàng đế muốn lập vua khác. Theo ý Lý Thị lang, trong chúng danh sĩ Tống thần, ai hiền đức nhất, có thể lập làm đế?"


Lý Nhược Thủy cười lạnh đáp: "Người hiền đức nào có ai sẽ vứt bỏ trung nghĩa hạ mình đi theo các ngươi? Mặc cho ngươi trăm chọn ngàn tuyển, kẻ đồng ý làm hoàng đế bù nhìn chó má cho các ngươi cũng sẽ chỉ có thể là hạng tiểu nhân đê tiện."


Tiêu Khánh thấy y lời lẽ chói tai, khiến Tông Hàn mất mặt, bèn lên tiếng khuyên nhủ: "Quốc tướng là người tiếc kẻ tài, tán thưởng tài năng, nhân phẩm của Lý Thị lang, có lòng muốn phát triển bồi dưỡng. Tống chủ vô năng, mặc dù có lương thần như Lý Thị lang ở bên phò tá mà vẫn đánh mất cơ nghiệp của tổ tông, ắt hẳn Lý Thị lang cũng từng than thở vì cảnh áo gấm đi đêm. Chim khôn chọn cành mà đậu, Hoàng đế Đại Kim chúng ta thánh minh, trọng dụng nhân tài, nếu Lý Thị lang chịu nương nhờ minh chủ, xuất sĩ làm quan, cùng quân thần Đại Kim gây dựng nghiệp lớn, tương lai ắt sẽ đại phú đại quý, tiền đồ vô lượng."


Lý Nhược Thủy lại giận dữ quay sang nhìn y, trỏ vào y mắng: "Ngươi vốn dĩ là hàng thần của nước Liêu ngày trước, phản bội chủ cũ, chấp nhận làm chó săn cho beo hùm, người trong thiên hạ không ai không khinh bỉ, nay lại dám mách ta thay lòng đổi dạ! Nhược Thủy tuy bất tài song vẫn hiểu đạo lý không ăn gạo Chu*, sao có thể học theo ngươi phản bội quân chủ, làm phường vong ơn bội nghĩa vô sỉ!"


( * Không ăn gạo Chu (nguyên văn: 不食周粟): Thành ngữ nói về lòng trung thành, gắn với điển cố Bá Di, Thúc Tề vì không khuyên được Chu Vũ Vương đừng đem quân đánh Thương nên sau khi nhà Thương sụp đổ đã từ chối ăn cơm gạo của nhà Chu, nhịn đói tới chết.)


Tiêu Khánh từ sau khi đầu hàng Kim quốc tuy tiền đồ tương đối rộng mở, rất được trọng dụng, song việc phản bội vẫn luôn là một day dứt âm thầm trong tâm trí y, rất kỵ húy kẻ khác nhắc tới. Nào ngờ Lý Nhược Thủy lại rõ ràng lai lịch của y tới vậy, trách mắng không chút lưu tình, tức thì khuôn mặt cũng tái xanh, toan rút đao ra thì lại bị Tông Tuyển ngăn lại.


Tông Tuyển mỉm cười trấn an Tiêu Khánh, sau đó lại hỏi Lý Nhược Thủy: "Ta có đọc sách của người Hán các ngươi, vẫn luôn cảm thấy khó hiểu với câu chuyện Bá Di, Thúc Tề không ăn gạo Chu, ẩn cư trên núi Thủ Dương, hái rau dại ăn qua bữa. Nếu Thương đã diệt, rau dại trên núi Thủ Dương này hẳn cũng biến thành rau dại của Chu rồi phải không? Hai người bọn họ không ăn gạo Chu, thế nhưng vì sao lại chấp nhận ăn rau Chu? Lý Thị lang không chịu quy phục Đại Kim, vậy ắt hẳn là không ăn 'gạo Kim' rồi, song mấy ngày nay trong trại nếu không nhờ có 'gạo Kim' thì Lý Thị lang sao có thể còn sống tới bây giờ, ở đây khảng khái tranh biện cơ chứ?"


Lý Nhược Thủy lắc đầu đáp: "Vật dụng ở đây của các ngươi, có thứ nào không phải là cướp từ quốc thổ nước Tống chúng ta chứ? Gạo là gạo Đại Tống, nước là nước Biện Kinh, nay lại dám mặt dày nói là đồ do Kim ban tặng... Thôi, thôi, từ nay ta thề sẽ không uống một ngụm nước nào nữa."


Tông Hàn thấy không thuyết phục nổi y chỉ đành hạ lệnh nhốt lại, mà Lý Nhược Thủy quả nhiên tuân thủ lời thề, từ đó tuyệt thực, ngay cả nước cũng không uống nữa. Ba ngày sau, Tông Tuyển tới thăm y, thấy đôi môi y nứt nẻ, sắc mặt vàng vọt, bèn thở dài lựa lời khuyên bảo: "Vận số Tống đã tận, không còn hi vọng gì nữa. Nếu nay Lý Thị lang chịu quy thuận, ngày sau ắt hẳn phú quý, cớ chi phải tự tìm khổ não?"


Lý Nhược Thủy nhắm mắt không thèm nhìn y nữa, chỉ nói: "Mặt trời chỉ có một, Nhược Thủy sao có thể thờ hai chủ?"


Tông Tuyển quay đầu lại ra hiệu, một binh sĩ lập tức dìu người hầu già đã theo Lý Nhược Thủy nhiều năm đi vào, thấy dáng vẻ Nhược Thủy thế này tức thì nghẹn ngào, gạt lệ khuyên nhủ: "Cha mẹ chủ nhân tuổi tác đã cao, thế cục thiên hạ đã vậy, sao không bớt cứng đầu một chút, để ngày sau còn được hầu hạ song thân."


Lý Nhược Thủy thấy người hầu tiến vào vốn dĩ thoáng lộ nét vui mừng, song vừa nghe được lời này liền giận dữ không nén nổi, trách mắng: "Nhược Thủy đã lấy thân báo đền tổ quốc, không thể chăm sóc cho gia đình, xin đừng nhiều lời nữa!"


Tông Tuyển biết y không chịu cúi đầu nên cũng không lên tiếng nữa, quay về nói với Tông Hàn: "Kẻ này quật cường vô cùng, chỉ e không cách nào thuyết phục được."


Song Tông Hàn vẫn chưa hết hy vọng, ngày hôm sau lại mời Lý Nhược Thủy tới, nói với y: "Cung quyến của Tống phế chủ tuy đều ở ngoại ô, song ta đã vô tình làm kinh động tới dân chúng trong thành, muốn truyền lệnh để quan viên trong thành hành sự như cũ. Nay phong Lý Thị lang làm An phủ sứ, mong Lý Thị lang đồng ý, thay ta vào thành an ủi dân chúng."


"Hừ!" Lý Nhược Thủy nhổ nước bọt vào mặt y, mắng: "Ngươi là giặc cướp, ta là đại thần Đại Tống, sau có thể quy thuận lũ giặc, làm việc cho ngươi!"


Tông Hàn kinh hãi tức giận mệnh lính Kim kéo y xuống, lấy búa sắt đập nát mồm y, ngay cả răng cũng gãy mất mấy chiếc. Mà Lý Nhược Thủy vẫn không chịu im miệng, tiếp tục ngậm máu mắng nhiếc. Tông Hàn thấy vậy bèn đứng phắt lên, lệnh cho binh sĩ Kim: "Cắt đứt lưỡi hắn, chém mấy đao lên cổ hắn!"


Chúng binh sĩ quay sang nhìn Tông Hàn, thấy sắc mặt y sầm sì ngồi đó, không có chỉ thị nào khác, bèn tuân lệnh làm theo, cuối cùng Lý Nhược Thủy bị quân Kim cắt lưỡi chém cổ mà chết.


Tông Hàn quan sát toàn bộ quá trình, đợi Lý Nhược Thủy ngã xuống trong vũng máu, không còn thốt ra nổi câu mắng nào nữa, mới thở dài nói: "Khi Liêu quốc vong, chết vì nghĩa được mười mấy người, Nam triều lại chỉ có một mình Lý Thị lang." Rồi lại phân phó: "Tìm một cỗ quan tài, chôn cất y tử tế."


Lấy cái chết để bảo toàn danh dự trong số thần tử Tống chỉ có một mình Lý Nhược Thủy, song liệt nữ lại có tới trăm ngàn người.


Trong một ngày sau khi đoàn cung quyến đầu tiên bị áp giải vào trại Kim, Tông Hàn bày tiệc thiết đãi chư tướng, chọn ra mười mấy cung tần nhan sắc nổi bật bắt thay trang phục ca kỹ, ngồi trong bữa tiệc rót rượu. Cung tần Trịnh thị, Từ thị, Lữ thị phản kháng không chịu tuân theo, Tông Hàn bèn lập tức hạ lệnh chém đầu thị chúng.


Sau đó, Tông Vọng lại nhìn trúng ba cung tần Trương thị, Lục thị, Tào thị khác, ngang nhiên bỡn cợt hôn hít trước mặt mọi người. Ba cô gái phản kháng khiến Tông Vọng tức giận, thuận tay vớ lấy một cây gậy sắt, đâm vào lồng ngực Trương thị, xuyên thấu qua lưng. Sau đó lại lệnh cho lính Kim lột y phục của bọn họ ra, đều lấy gậy sắt đâm chết, cắm phía trước quân trướng trong trại, mặc cho máu chảy tới chết. Những phi tần, đế cơ sau đó vào trại thấy Tông Vọng trỏ vào đó cảnh cáo đều hãi hùng tới mức mặt hoa thất sắc, lần lượt quỳ xuống chấp nhận số phận.


Trong số các phi tần của Triệu Cát rất nhiều người trẻ trung xinh đẹp. Có một vị Vương Uyển dung mấy năm gần đây rất được Triệu Cát sủng ái. Sau khi vào trại, Vương Uyển dung luôn mặc trang phục thô lậu, không trang điểm chải chuốt, cả ngày cúi gằm mặt hầu hạ bên Triệu Cát, cố ý đóng giả một cung nữ bình thường, thế nhưng vẫn bị con trai thứ hai của Tông Hàn nhìn trúng. Tông Hàn lệnh người tới chỗ Triệu Cát dẫn Vương Uyển dung ra, Vương Uyển dung kịch liệt phản kháng, vùng vẫy giãy khỏi cánh tay binh sĩ, lao ngược trở lại quỳ xuống trước mặt Triệu Cát, đau đớn khóc ròng: "Thần thiếp quyết không lấy thân hầu giặc, xin Thái thượng hoàng nghĩ cách bảo vệ."


Tông Tuyển nghe thấy tiếng ồn ào bèn tiến lại gần, nghe thấy câu này không nén nổi bật cười: "Nay Thái thượng hoàng chính mình cũng khó giữ nổi, sao còn có thể bảo vệ cô được nữa?"


Triệu Cát thấy mình khi xưa là vua một nước, cao quý vô ngần, nay lại rơi vào bước đường ê chề này, ngay tới năng lực bảo vệ một nữ tử yếu đuối cũng không còn nữa, không nén được buồn bã thở dài, lệ nóng chảy xuống, không thốt ra nổi câu nào an ủi Vương Uyển dung.


Vương Uyển dung thấy vậy, trong lòng thầm biết lời Tông Vọng là thật, tuyệt vọng ôm chặt lấy chân Triệu Cát: "Thái thượng hoàng, Thái thượng hoàng, thần thiếp muốn ở lại bên cạnh Thái thượng, không đi đâu hết..."


Triệu Cát không nỡ nhìn nàng, quay đầu đi, che mặt khóc.


"Muốn ở lại cũng không phải không được." Tông Tuyển cúi đầu nhìn Vương Uyển dung, mỉm cười với nàng, đợi Vương Uyển dung ngấn lệ ngước mắt lên nhìn mình bèn rút bội đao ném xuống trước mặt nàng: "Bây giờ cô có hai con đường có thể lựa chọn: phía sau là cửa, phía trước là đao. Hoặc quay người ra khỏi cửa đi tới chỗ nhị công tử nhà Quốc tướng, hoặc lấy đao tự sát, hồn phách ở lại bầu bạn bên Thái thượng hoàng."


Vương Uyển dung thoáng trầm mặc, ngoảnh đầu nhìn sắc hoàng hôn bên ngoài, thê lương mỉm cười, ngón tay khẽ khàng chạm lên lưỡi đao lạnh lẽo, bất ngờ cắn môi, hai tay nâng đao lên kề cổ kéo mạnh, một dòng máu tươi tức thì phun ra thấm ướt nửa người Triệu Cát.


Triệu Cát kinh hoàng thất sắc, thoạt tiên theo phản xạ đứng dậy tránh đi, lát sau mới bình tĩnh lại, quỳ xuống ôm lấy Vương Uyển dung lúc này đã hương tiêu ngọc vẫn, đau đớn nhỏ lệ.


Tông Tuyển lùi về phía sau vài bước tránh vũng máu loang lổ ấy. Vương Uyển dung nhìn nhu thuận yếu mềm lại tự sát khiến y hơi kinh ngạc, song lại không hề cảm thấy tội lỗi chút nào với việc này. Năm ấy theo phụ thân diệt Liêu quốc, phụ thân từng nói với y khi ấy vẫn còn là một thiếu niên: "Giữa trinh tiết và tính mạng, nữ tử vong quốc chỉ có thể chọn một. Chúng ta cho bọn họ quyền lựa chọn đã xem như nhân từ rồi."


Hai cô gái mà mình chọn tối qua cũng khá được, lấy một người đem đền cho con trai Tông Hàn vậy. Trước khi rời đi, Tông Tuyển đưa ra quyết định.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi