NỢ EM MỘT ĐỜI HẠNH PHÚC

Do dự một lát, cuối cùng anh vẫn bước vào, trước tiên là xem các số liệu trên máy theo dõi, sau đó sờ vào tay thằng bé để kiểm tra. Chai nước truyền vẫn chưa hết, anh nhẩm tính thời gian thay bình truyền, rồi ngó đồng hồ, thấy đã tảng sáng. Một cánh cửa sổ trong phòng hé mở, do cửa ở ngay sát góc tường nên gió không thổi đến được giường bệnh, nhưng cái giường xếp Đàm Tĩnh đang nằm lại đặt ngay dưới cửa sổ, có lẽ vì lạnh nên cô ngủ mà cả người co ro, mấy lọn tóc mái rối bời trên trán cũng bị gió thổi bay phơ phất.

Nhiếp Vũ Thịnh biết trong tủ có chăn, bèn khe khẽ mở cửa tủ, cố gắng không phát ra bất cứ tiếng động nào, tìm cái chăn dành cho giường xếp, rồi đắp lên người Đàm Tĩnh. Lúc cúi xuống đắp chăn cho cô, vì khoảng cách giữa hai người khá gần, nên anh gần như có thể cảm nhận được hơi thở yếu ớt của cô. Trong ấn tượng của Nhiếp Vũ Thịnh, Đàm Tĩnh giống như một cô bé vậy, có lẽ do hai người quen biết nhau từ nhỏ, cô lại ít hơn anh mấy tuổi. Thời còn nhỏ, không biết trân trọng, anh thường cười nhạo cô ngây ngô ấu trĩ, ngây thơ như một tờ giấy trắng vậy, bất luận anh nói gì cô cũng tin. Hồi học đại học, anh từng viết thư trêu cô, nói rằng mình đã có bạn gái, vậy mà Đàm Tĩnh cũng tin ngay. Suốt một thời gian sau, anh không nhận được lá thư nào của Đàm Tĩnh nữa, lúc đó anh mới thấy lo.

Các bạn cùng phòng ký túc thấy anh suốt ngày bò ra trên bàn viết thư, đều trêu chọc anh “cảm nắng” cô bé nào mà hằng ngày chăm chỉ “hồng nhạn đưa thư” đến vậy. Lần đó Đàm Tĩnh thực sự tin lời anh nói, hai tháng trôi qua vẫn không hề gửi lại cho anh một bức thư nào, anh mất công viết mấy bức thư liền để giải thích đều biệt vô âm tín, gọi điện đến ký túc của Đàm Tĩnh, cô cũng chẳng buồn nhận điện thoại. Cuối cùng Nhiếp Vũ Thịnh cuống lên, đành bỏ mấy tiết học, mua vé máy bay trở về nhà gặp cô, nhưng trường Đàm Tĩnh là trường nội trú, quản lý rất nghiêm ngặt, bất kể anh nài nỉ ép uổng bảo vệ thế nào, họ cũng nhất quyết không cho vào. Rốt cuộc chẳng biết làm sao, anh đành chờ đến Chủ nhật học sinh được nghỉ, chôn chân đứng đợi mấy tiếng liền trước cổng trường mới túm được Đàm Tĩnh.

Đàm Tĩnh vừa nhìn thấy anh liền quay đầu bỏ đi, anh đuổi theo mãi đến một xe buýt ở phía trước mới ngăn được cô lại, bấy giờ anh mới hay cô rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm, bản thân anh thật sự không nên đùa vớ vẩn như vậy. Nghìn lần sai vạn lần sai, tất cả đều do sai lầm nhất thời của anh. Anh van nài mãi Đàm Tĩnh mới chịu đi cùng anh đến một con hẻm nhỏ khá vắng vẻ để nói chuyện. Trước mặt Đàm Tĩnh, Nhiếp Vũ Thịnh thề thốt đủ đường nhưng cô vẫn cứ bán tín bán nghi. Hoá ra từ sau khi nhận được bức thư đó, Đàm Tĩnh không mở bất cứ bức thư nào nữa cả, toàn bộ thư của anh đã bị xé tan thành từng mảnh rải khắp hồ nước nhân tạo trong trường. Nhiếp Vũ Thịnh vừa giận vừa buồn cười: “Sao anh nói gì em đều tin ngay vậy hả?”

“Chính anh nói ra, chẳng nhẽ em lại không tin ư?”

Nhiếp Vũ Thịnh đến giờ vẫn còn nhớ như in đôi mắt đỏ hoe của Đàm Tĩnh, nhớ như in chiếc áo đồng phục của trường Trung học số 14 mà cô mặc, nhìn hệt như một cái bao tải, vậy mà khoác lên người Đàm Tĩnh trông lại dễ coi. Có lẽ vì trong lòng quá ấm ức, nên miệng cô méo xẹo, khoé môi trễ xuống, như đang cố kìm nước mắt. Nhìn quanh thấy chẳng có một ai, anh đột ngột nắm lấy cánh tay Đàm Tĩnh, khẽ hôn lên gương mặt cô.

Đàm Tĩnh bị nụ hôn kia làm cho đờ đẫn cả người, mãi một lúc lâu sau mới khóc oà lên.

Thực ra Nhiếp Vũ Thịnh cũng rất hồi hộp, từ trước tới giờ anh chưa từng hôn bất cứ cô gái nào cả, huống hồ lại là Đàm Tĩnh. Sau nụ hôn đó, Đàm Tĩnh khóc cả buổi, không tài nào dỗ nổi, khiến anh cảm thấy như mình vừa gây ra tai họa gì vậy, chỉ thiếu nước mang roi đến tạ tội mà thôi. Mãi đến trước khi trở về trường, Đàm Tĩnh vẫn không thèm đếm xỉa đến anh. Sau khi trở về trường, anh lại viết rất nhiều thư cho cô, nội dung của các bức thư đều là: “Anh sai rồi, em tha thứ cho anh nhé! Anh sai thật rồi, em bỏ qua cho anh nhé…”

Tuy nhiên, sau khi Đàm Tĩnh thi đỗ đại học cô mới biết trong mắt của những đứa con gái khác chuyện này chẳng đáng gì. Có rất nhiều bạn nữ đã chuyển ra ngoài sống chung với bạn trai từ năm thứ nhất, chỉ mỗi cô và Nhiếp Vũ Thịnh mới coi chuyện này như đại sự kinh thiên động địa đến vậy. Tuổi trẻ ngây ngô, tình yêu thuở ấy trong sáng như pha lê, không bợn chút tạp chất nào cả.

Nhiếp Vũ Thịnh luôn cảm thấy thời gian là một bàn tay tàn ác, bỡn cợt số phận, thay đổi mọi thứ. Mới chỉ một vài năm, vậy mà giờ đây, dù ở gần Đàm Tĩnh đến vậy, nhưng ngay cả tư cách và dũng khí hôn lên má, lên khuôn mặt cô, anh cũng không có.

Anh đắp chăn cho Đàm Tĩnh, rồi bước ra ngoài, đoạn lại ngoái đầu ngắm nhìn thằng bé đang ngủ ngon lành. Anh định tầm 3 giờ sáng sẽ quay lại lần nữa, có lẽ lúc ấy thuốc mê đã tan hết, thằng bé chắc sẽ tỉnh giấc, Đàm Tĩnh cũng sẽ tỉnh dậy. K yên tĩnh và ấm áp như lúc này, anh muốn níu giữ cũng không níu giữ được.

Khi còn trẻ, người ta thường dễ dàng tự mãn với bản thân, dễ dàng cho rằng những gì mình sở hữu sẽ là suốt đời suốt kiếp. Chỉ đến lúc mất đi rồi, mới nhận ra rằng những gì đã trải qua chính là hạnh phúc mà có khi cả đời này cũng không thể tìm lại được.

Nhiếp Vũ Thịnh nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại, trong hành lang bệnh viện không một bóng người, chỉ có ánh đèn tuýp lặng lẽ chiếu sáng màn đêm. Không biết bao nhiêu đêm trực anh đã đi qua dãy hành lang này, đêm nào cũng chỉ có những bóng đèn ấy bầu bạn cùng anh, chiếu sáng con đường dưới chân anh, nhưng hôm nay khi đi dưới hành lang sáng rực ánh đèn, lòng anh lại thấy hoang mang mờ mịt. Đàm Tĩnh thích tĩnh, không thích động, mỗi dịp nghỉ hè cô thường một mình nằm chết gí trong nhà đọc sách, có lần anh đến nhà tìm, thấy cô đang đọc cuốn sách “Buồn thay duyên xưa như mộng”.

Đêm nay, cái tên cuốn sách nọ lại chợt nảy ra trong đầu anh, “Buồn thay duyên xưa như mộng”, mấy chữ này, chỉ có những người từng trải qua mới hiểu được tư vị ấy.

Bồi hồi chuyện cũ dưới tà dương, khi xưa chỉ thấy thật tầm thường[1].

[1] Câu trong bài từ Hoán khê sa của Nạp Lan Tính Đức (1655 – 1685), tưởng niệm người vợ đã mất.

Tôn Bình thức dậy gọi “mẹ ơi”, khiến Đàm Tĩnh giật mình tỉnh dậy theo. Vừa ngồi dậy, ý nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu cô là sợ hãi, sao mình lại có thể ngủ được chứ? Ngộ nhỡ thằng bé xảy ra chuyện gì, mình ngủ say rồi thì biết phải làm sao? Cô hốt hoảng tung chăn chạy đến bên giường bệnh: “Bình Bình, con làm sao thế? Đau ở chỗ nào?”

Thằng bé thì thầm: “Con muốn đi tiểu…”

Sau ca phẫu thuật người ta đã gắn trực tiếp một ống thông tiểu vào người Bình Bình, kỳ thực không cần phải ra nhà vệ sinh nữa, nhưng Tôn Bình đã quen đi vệ sinh lúc nửa đêm, Đàm Tĩnh đành phải an ủi con: “Không cần đi nữa đâu, con tiểu xong rồi đó.”

“Á? Con đái dầm ạ?”

“Không phải không phải, trước khi làm phẫu thuật bác sĩ đã gắn cho con một cái ống, nước tiểu sẽ chảy vào trong một cái túi thôi.” Đàm Tĩnh dỗ dành con: “Ngoan nào, ngủ thêm chút nữa đi con.”

Hai mẹ con đang trò chuyện, đột nhiên nghe thấy tiếng kẹt cửa,Nhiếp Vũ Thịnh lao vào phòng, đêm nay anh vẫn ngủ trong phòng trực ban, nhưng lát sau lại có một bác sĩ trực ca đêm nữa cũng đến ngủ cùng, Nhiếp Vũ Thịnh trằn trọc mãi không ngủ được, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của đồng nghiệp bèn cầm theo chăn tới phía ngoài cửa phòng Tôn Bình để ngủ. May mà bên ngoài phòng khách có sofa, có điều người anh thì cao, mà sofa lại ngắn, nên không duỗi nổi chân ra. Anh chỉ định nằm tạm ở đó một lát, không ngờ lại ngủ thiếp đi, đang mơ mơ màng màng thì nghe thấy tiếng nói chuyện trong phòng bệnh, anh vội bật dậy, cứ ngỡ là Tôn Bình có chuyện gì, liền cuống quýt xông thẳng vào phòng quên cả gõ cửa.

Đàm Tĩnh thoáng ngớ ra nhìn Nhiếp Vũ Thịnh, thấy anh vẫn chưa tỉnh hẳn, đầu tóc bù xù, mắt mũi kèm nhèm, thực ra trông cũng nhang nhác giống Tôn Bình. Anh dụi dụi mắt. cúi xuống kiểm tra các thiết bị theo dõi, rồi hỏi: “Sao vậy? Đau ở đâu? Đau vết mổ à?”

Anh không mặc áo blouse trắng, nên phải mất một lúc Tôn Bình mới nhận ra anh là bác sĩ Nhiếp, liền đưa mắt rụt rè nhìn mẹ, Đàm Tĩnh nói: “Không sao đâu, nó quen nửa đêm dậy đi vệ sinh rồi, còn tưởng mình đang ở nhà.”

Nhiếp Vũ Thịnh kiểm tra cẩn thận các thông số trên máy theo dõi, thấy tất cả đều bình thường, bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm: “Phù… ngủ thêm một lát nữa đi nhé!” Tiện tay, anh còn ủ thêm chăn cho thằng bé, Đàm Tĩnh khẽ nhắc: “Đừng ủ kỹ quá, chăn này hơi dày, lát nữa nóng nó lại đạp tung ra đấy.”

Nhiếp Vũ Thịnh chợt cảm thấy tay chân thừa thãi, chững lại một hồi mới bảo cô: “Em cũng đi ngủ đi, ở đây để anh trông cho.”

“Không cần đâu, anh cứ đi ngủ đi, ngày mai anh còn phải đi làm mà.”

“Không sao, hai ngày tới anh không có ca mổ nào cả.”

Hai người đều lặng thinh, chỉ có Tôn Bình ngáp ngắn ngáp dài, rồi nhắm mắt lại ngủ tiếp. Nhiếp Vũ Thịnh chợt cảm thấy vô cùng khó xử, bèn nói: “Vậy em chợp mắt một lát đi, anh ở ngay bên ngoài, có việc gì thì cứ gọi anh.”

Nói xong anh đóng cửa đi ra ngoài, Đàm Tĩnh ngắm nhìn nét mặt say ngủ của con trai, lòng lẫn lộn bao cảm xúc khó tả.

Đến khi trời gần sáng, quả nhiên Tôn Bình bắt đầu kêu đau, Đàm Tĩnh gọi Nhiếp Vũ Thịnh vào phòng, do dự hồi lâu anh mới nói: “Không cần dùng thuốc giảm đau, như vậy sẽ không tốt cho việc lành vết thương.”

“Các bệnh nhân khác có dùng không?”

“Nếu gia đình yêu cầu… Bọn anh sẽ cho thuốc…” Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy chuyện này thực là tiến thoái lưỡng nan, “Có khi bố mẹ cứng rắn một chúẽ để con trẻ chịu đựng…”

Đàm Tĩnh nghe vậy bèn động viên Tôn Bình ráng chịu đựng cho qua cơn đau. Tôn Bình đau đớn khóc thút thít một hồi, Đàm Tĩnh không tài nào dỗ nổi, thấy vậy Nhiếp Vũ Thịnh không đành lòng, liền chạy đến chỗ y tá lấy vỉ thuốc giảm đau.

Lúc bóc gói thuốc ra, Đàm Tĩnh thấy tay anh run lẩy bẩy, bèn nói: “Để tôi làm cho!”

Uống xong thuốc giảm đau, quả nhiên Tôn Bình không kêu la đau đớn nữa, dần dần ngủ thiếp đi. Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy vô cùng chán nản, úp mặt vào hai bàn tay, ngồi xuống bên cạnh.

Đàm Tĩnh không nói gì, chỉ ra ngoài rót cho anh một tách trà nóng, Nhiếp Vũ Thịnh nhìn cô rồi đón lấy cốc trà. Đàm Tĩnh đề nghị: “Mấy giờ anh phải làm? Hay ngả lưng thêm một lát nữa đi, đến giờ tôi sẽ gọi anh?”

“Không ngủ nữa.” Nhiếp Vũ Thịnh lắc đầu, “Thầy thuốc không thể tự chữa bệnh ình, trước đây thầy giáo đã nói câu này, nhưng anh không cho là đúng, bây giờ mới hiểu, quả là chí lý. Trước kia mỗi lần có bệnh nhân nhỏ tuổi nào la khóc vì vết thương quá đau, anh đều thuyết phục phụ huynh không sử dụng thuốc giảm đau, chịu đựng một chút là khỏi ngay. Vậy mà hôm nay vừa thấy Bình Bình khóc, lòng anh đã rối cả lên.”

Thấy Đàm Tĩnh chẳng nói chẳng rằng, Nhiếp Vũ Thịnh siết chặt cốc trà, rồi như thể đã hạ hết quyết tâm, anh hỏi cô: “Năm đó tại sao em lại rời bỏ anh? Có phải bố anh đã tạo áp lực gì cho em không?”

“Không phải.”

Đôi mắt anh đầy vẻ thành khẩn van nài: “Đến tận hôm nay em vẫn không chịu nói cho anh sao? Là bố anh đã đưa tiền cho em, em bất đắc dĩ mới phải rời bỏ anh, đúng không?”

“Không có. Chuyện qua rồi còn nhắc lại làm gì?”

“Thế tại sao em lại nói dối anh là đã bỏ thằng bé đi?”

Thấy Đàm Tĩnh im lặng, Nhiếp Vũ Thịnh lại nói: “Con lớn ngần này rồi, em vẫn một mực không muốn cho anh biết. Rốt cuộc là vì cái gì? Đàm Tĩnh, dù em thật sự chưa từng yêu anh…”

Đàm Tĩnh cắt lời: “Bác sĩ Nhiếp, mặc kệ anh tin hay không, năm đó tôi không hề lấy tiền gì của bố anh cả. Ông ấy muốn cho tôi một căn hộ để ở, nhưng tôi không đi làm thủ tục sang tên.”

“Vậy tại sao? Em luôn miệng nói là không yêu anh, sau đó lại một mình sinh con ra…”

Đàm Tĩnh gắng làm ra vẻ tàn nhẫn: “Nhiếp Vũ Thịnh, sao anh cứ nhất định phải épói yêu anh nhỉ, như vậy anh mới thấy vui phải không? Không yêu là không yêu, sao lắm cái tại sao thế? Tôi sinh con là chuyện của tôi, sinh nó ra tôi thấy chẳng thiệt đi đâu cả, anh xem, số tiền hiện tại tôi có, cả đời tôi cũng chẳng kiếm ra nổi.”

Nhiếp Vũ Thịnh ngước mắt lên nhìn cô, ánh mắt anh giống hệt Tôn Bình mỗi khi tủi thân, nhưng cô không được phép mềm lòng, mọi chuyện đã đủ tệ lắm rồi, nếu giờ cô lại nói ra sự thật thì chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa mà thôi.

Nhiếp Vũ Thịnh chằm chằm nhìn cô một lát rồi nói: “Được, là tại anh tự đa tình.”

Nói xong anh đứng dậy bỏ đi, bỏ lại Đàm Tĩnh một mình đứng đó. Gió thổi cánh rèm trong nhà vệ sinh lạch xạch, Đàm Tĩnh cảm thấy mình mệt mỏi đến độ chẳng muốn động đậy, cũng chẳng buồn đi đóng cửa sổ lại nữa. Cảm thấy âm thanh đó có vẻ quen quen Đàm Tĩnh sực nhớ ra, đó chính là âm thanh ở nhà Nhiếp Vũ Thịnh lần trước, khi cánh rèm ở nhà vệ sinh va vào đĩa đậu tương.

Từ khi chuyển đến phòng bệnh này, cô mới bước chân vào nhà vệ sinh một lần vào tối qua, nhưng lại không bật đèn, chỉ cần ánh sáng từ trong phòng bệnh hắt vào cũng có thể nhìn rõ mọi thứ trong nhà vệ sinh. Cô đứng trước cửa phòng vệ sinh, bật đèn lên nhìn, quả là có một chiếc đĩa đặt trên bệ cửa sổ, trong đĩa đựng đầy nước sạch cùng những mầm đậu tương mập mạp đã nhú ra khỏi vỏ, nhìn như những chiếc đầu nhỏ tròn tròn trắng trắng đầy hiếu kỳ, nhô lên khỏi mặt nước.

Cô đứng ngây người một lúc lâu mới cuộn rèm cửa lên một chút, gió thổi quá lớn, khiến thanh ngang phía dưới tấm rèm liên tục đập vào chiếc đĩa, cô sợ nhỡ gió thổi mạnh nữa, sẽ hất đổ đĩa đậu xuống đất.

Chiếc đĩa bằng gốm xương tinh tế màu trắng này thoạt nhìn biết ngay không phải đồ của bệnh viện, có lẽ là Nhiếp Vũ Thịnh mang từ nhà đến. Cô láng máng nhớ chiếc đĩa đựng đỗ tương ở nhà anh, cũng có màu sắc kích cỡ gần giống cái này, hẳn là cùng bộ.

Cô lại nhớ lời mình từng dỗ dành anh: “Khi nào đậu nảy mầm thì em về.”

Anh cứ chờ, chờ mãi, có lẽ đã chờ như vậy bao năm nay. Cô cứ tưởng anh sẽ quên đi một số chuyện, cũng tưởng rằng anh sẽ càng hận cô hơn. Nhưng giờ đây nhìn thấy chiếc đĩa đậu tương này, cô mới hiểu dù mọi chuyện đã trôi qua bao năm, dù thực sự anh từng hận cô, nhưng anh vẫn khăng khăng chờ đợi cô theo cách ấy, lấy một đĩa nước sạch, bỏ ít đậu tương vào rồi ngồi đợi. Giống như tảng đá trên vách núi cheo leo một ngàn năm trước vậy, dù biết rõ cô không trở lại nữa, nhưng vẫn đứng sừng sững nơi vách núi, mặc cho tuyết táp sương sa, mặc ưa gió xói mòn, cố chấp đợi chờ suốt hàng nghìn hàng vạn nă

Ánh nắng ban mai rọi qua khung cửa sổ, trời đã sáng hẳn, các tòa nhà xa xa càng làm nổi bật nền trời trắng xanh, cả thành phố như sắp bừng tỉnh giấc, bắt đầu một ngày mới trong sự hối hả nhộn nhịp. Chưa bao giờ Đàm Tĩnh có cảm giác cô đơn lẻ loi như vậy, cô ngắm nghía đĩa đậu tương, có những thứ cô tưởng rằng đã mất từ lâu, có những thứ cô tưởng rằng đã chết rồi. Cô chôn vùi tuổi thanh xuân, giấu kín nỗi lòng, cô ép mình phải quên, quên đi tất cả những gì cô từng có.

Nhưng luôn có những thứ không thể che giấu được, giống như những mầm đậu này, chỉ cần ngâm mình trong nước, có đủ nước và nhiệt độ thích hợp, chúng sẽ tự đâm chồi bén rễ. Có điều những mầm đậu này chỉ được mọc trong nước, chúng đã chủ định không thể cắm rễ vào đất, càng không thể “đơm hoa kết trái” được.

Giờ đây đậu đã nảy nầm, nhưng họ không thể nào quay về với nhau được nữa.

“Mẹ ơi…”

Nghe thấy tiếng Bình Bình sau lưng, biết con đã tỉnh dậy, Đàm Tĩnh vội vàng lau nước mắt, quay lại hỏi: “Sao vậy con?”

“Con muốn uống nước…”

“Ngoan nào, bác sĩ dặn tạm thời con chưa được uống nước.”

“Là bác sĩ Nhiếp dặn hả mẹ?”

Đàm Tĩnh thoáng khựng lại rồi đáp: “Không phải, là bác sĩ Phương dặn. Con còn nhớ bác sĩ Phương không? Chính là ông có mái tóc hoa râm đấy.”

“Con nhớ ạ.” Bình Bình đáp, “Trong phòng phẫu thuật, ông ấy và chú gây mê đã dạy con đếm số… Con đếm đến ba thì ngủ mất.”

“Ừ.”

“Mẹ ơi miệng con khô lắm…”

“Mẹ dùng tăm bông lau miệng cho con nhé?”

“Vâng ạ…”

Đàm Tĩnh không có tâm trí nghĩ đến chuyện khác nữa, cô còn mải chăm sóc cho Tôn Bình. Mấy năm trước cô chỉ là một thiếu nữ vô lo vô nghĩ, khó khăn lớn nhất trong đời, chẳng qua chỉ là trắc trở tình cảm mà thôi. Còn bây giờ cô đã làm mẹ, đứa con vừa qua cơn bệnh nặng chính là toàn bộ tâm trí của cô. Cho dù có nhiều điều cô biết rất rõ, cho dù có nhiều điều lại khiến cô chua xót, cho dù thật sự có gì đó bén rễ mọc mầm, thì cô cũng đành mặc kệ mà thôi.

Huống hồ, nhà họ Nhiếp chắc chắn không cam tâm, cuộc chiến giành quyền giám hộ hẳn sẽ vô cùng khó khăn chỉ cần nghĩ đến việc mình có thể phải đối đầu với Nhiếp Đông Viễn, Đàm Tĩnh đã rùng mình. Trong mắt cô, Nhiếp Đông Viễn là người đáng sợ nhất thế gian này.

Sức khoẻ của Tôn Bình đang phục hồi rất tốt. Ông Nhiếp Đông Viễn muốn mời một hộ lý chuyên nghiệp đến chăm sóc cho thằng bé, vì thấy Nhiếp Vũ Thịnh xọp đi nhanh chóng chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, ông vừa xót con, vừa xót cháu. Nhưng Nhiếp Vũ Thịnh không để ông đến thăm Tôn Bình, anh nói: “Đàm Tĩnh đang ở phòng bệnh, bố đến đấy chỉ làm cô ấy căng thẳng hơn thôi.”

“Đúng là vô lương tâm!” Nhiếp Đông Viễn không nhịn được, liền rỉa rói anh: “Tôi có còn là bố đẻ anh không? Chỉ có anh biết thương con thôi à? Anh xót con của anh sao tôi không được xót con của con tôi chứ?”

“Bố à… giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật, chúng con thường khuyên người nhà không được để quá nhiều người vào thăm bệnh nhân. Ở bệnh viện người qua kẻ lại nhiều, virus vi khuẩn cũng nhiều. Vả lại Bình Bình vẫn còn là trẻ con, lại mắc bệnh lâu năm, sức đề kháng yếu…”

Chỉ vài câu như thế cũng đủ dập tắt ý định của Nhiếp Đông Viễn, ông đành bảo: “Vậy anh mang máy tính xách tay đi, tôi nhìn cháu qua webcam cũng được.”

Nhiếp Vũ Thịnh chẳng còn cách nào khác, đành dùng cồn khử trùng lau sạch sẽ chiếc laptop của mình từ trong ra ngoài rồi mới dám mang vào phòng bệnh. Hai ngày nay Tôn Bình đã có thể ăn thức ăn lỏng, tinh thần cũng tốt lên nhiều, nhìn thấy người qua webcam, đối với Tôn Bình mà nói, quả thực là một điều vô cùng mới lạ và thích thú. Đặc biệt được trông thấy “ông nội của Phong Phong” qua máy tính, cậu càng vui hơn, vội vàng giơ con ong đồ chơi to bự đặt cạnh gối lên cho ông xem: “Ông nội Phong Phong ơi, đồ chơi ông cho cháu đây này!”

“Gọi ông nội đi cháu!”

Tôn Bình do dự một thoáng, ngước nhìn Đàm Tĩnh ngồi bên giường. Đàm Tĩnh đang bận thổi cho nguội bát cháo, chẳng hề để ý Tôn Bình nói chuyện gì với Nhiếp Đông Viễn. Chợt Tôn Bình lên tiếng hỏi: “Mẹ ơi, ông nội Phong Phong bảo con gọi ông là ông nội… Mẹ chẳng phải nói con không có ông nội sao?”

Đàm Tĩnh thoáng ngẩn người, ấp úng đáp: “Trẻ con phải lễ phép…”

Tôn Bình liền coi như mẹ đã đồng ý, lại hướng thẳng lên màn hình gọi Nhiếp Đông Viễn một tiếng: “Ông nội!”

Tiếng gọi trong trẻo của cậu bé khiến ông Nhiếp Đông Viễn ở đầu kia suýt trào nước mắt, mừng mừng tủi tủi, đồng thời cũng hạ quyết tâm: Đây chính là đứa cháu bảo bối của mình, bất luận thế nào, ông cũng sẽ không để nó tiếp tục chịu khổ nữa. Ông phải giành được quyêng giám hộ, ông muốn ngày nào cũng được nhìn thấy đứa cháu này.

Ông trò chuyện cùng Tôn Bình một lúc, Tôn Bình cũng huyên thuyên nói với ông đủ chuyện, làm thế nào tháo đồ chơi ra, làm thế nào lắp đồ chơi lại, cánh tay của con ong có thể cử động được, hai chân phải xoạc ra thành một góc nhất định mới có thể đứng vững… còn Nhiếp Đông Viễn thì cứ liên tục hỏi nó, đã ăn được cháo chưa? Ai nấu cháo cho cháu? Mẹ cháu nấu cháo có ngon không? Canh chú Nhiếp mang cho đã uống chưa? Tiêm có đau không? v.v…

Hai ông cháu mỗi người một câu, huyên thuyên cả buổi, Bình Bình thường ngày không thích nói chuyện với người khác, trước mặt người lạ càng im re không nói lời nào, Đàm Tĩnh vẫn luôn lo cậu bé sống quá nội tâm, không ngờ Tôn Bình lại có thể huyên thuyên trò chuyện rôm rả với Nhiếp Đông Viễn cả buổi như vậy. Đàm Tĩnh chỉ đơn giản nghĩ rằng Tôn Bình có vẻ rất thích Nhiếp Đông Viễn, chứ đâu ngờ Nhiếp Đông Viễn là loại người tinh minh giảo hoạt, mấy chục năm nay ông lăn lộn làm ăn, lấy lòng lãnh đạo, lung lạc đối tác, dụ dỗ khách hàng, vỗ về cấp dưới đều dễ như trở bàn tay, huống hồ dỗ dành một đứa trẻ. Ông nói chuyện mê mải với Tôn Bình, mãi đến khi y tá bước vào, dặn ông chuẩn bị cho đợt hóa trị hôm nay, hai người mới buộc phải ngừng trò chuyện.

Chiều hôm đó, thư ký riêng của Nhiếp Đông Viễn đi cùng tài xế đưa hai hòm đồ đến bên ngoài phòng bệnh, nói là đã khử trùng rồi, để Đàm Tĩnh yên tâm đưa cho Tôn Bình chơi. Đàm Tĩnh mở ra xem, thấy hai thùng đầy ắp toàn robot biến hình đủ các loại, lớn có, nhỏ có, có cái thậm chí còn có tem hạn chế số lượng, chắc hẳn Nhiếp Đông Viễn đã sai người mua hết tất cả những robot biến hình có thể tìm thấy trên thị trường về. Tôn Bình cả đời chưa bao giờ nhìn thấy nhiều đồ chơi đến thế, vui mừng đến mức không biết phải chơi cái nào. Đàm Tĩnh cũng không ngờ Nhiếp Đông Viễn lại kiên nhẫn như vậy, trò chuyện cả ngày với thằng bé, còn mua một đống đồ chơi nhiều thế này, ông ta càng như vậy, càng khiến cô lo lắng.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi