NƯƠNG NƯƠNG NÀNG KHÔNG MUỐN CUNG ĐẤU

"Vậy Giác nhi có hiểu mấy câu này có nghĩa gì không?" Vĩnh An đế có chút chờ mong hỏi Nhị Hoàng tử.

Nhị Hoàng tử gật đầu, nói: "Có ạ, nương đã từng nói rồi, nhân chi sơ tính bản thiện là con người khi sinh ra đều có tâm thiện lương. Tính tương cận tập tương viễn có nghĩa là....."

Lúc này không chỉ Vĩnh An đế mà Khương Mạn cũng không thể tin nổi, nàng mới chỉ giải thích nghĩa của mấy câu này cho Nhị Hoàng tử một lần thôi.

"Giác nhi, trừ lần nương đã nói với con ra thì những người khác có ai dạy con đọc sách không?"

Nhị Hoàng tử lắc đầu, "Không có ạ."

Khương Mạn lại nhìn về phía mấy người Tần thị, bọn họ đều nhất tề lắc đầu, "Nương nương, chúng nô tì chưa từng dạy Nhị Hoàng tử mấy thứ này."

Vậy là nàng mới chỉ nói qua một lần mà Nhị Hoàng tử đã nhớ kỹ rồi sao? Lúc trước Khương Mạn chỉ nghĩ Nhị Hoàng tử thông minh hơn một chút so với những đứa trẻ cùng lứa, nhưng bây giờ nàng mới nhận ra Nhị Hoàng tử còn thông minh hơn nhiều so với suy nghĩ của nàng.

Vĩnh An đế nhìn Khương Mạn, lại nhìn Nhị Hoàng tử, hỏi: "Giác nhi, con nói phụ hoàng nghe, con mất bao lâu để nhớ hết chỗ này?"

Nhị Hoàng tử khó hiểu nhìn Vĩnh An đế và Khương Mạn, nói: "Nương vừa nói cho Giác nhi nghe là Giác nhi đã nhớ rồi."

Vĩnh An đế nghe vậy trầm ngâm, chớp chớp mắt, không tiếp tục vấn đề mà hỏi: "Vậy bây giờ phụ hoàng tiếp tục dạy con đọc sách nhé?"

Nhị Hoàng tử vui vẻ gật đầu, "Vâng."

"Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa (1)" Vĩnh An đế nói xong, chờ Nhị Hoàng tử đọc theo rồi hắn bắt đầu giảng giải ý nghĩa bài này cho Nhị Hoàng tử.

Vĩnh An đế dạy đến "Thân sư hữu, tập lễ nghi (2)" thì dừng lại, sau đó bảo Nhị hoàng tử đọc lại cho mình nghe.

Nhị Hoàng tử nghe vậy không chút chần chừ mà đọc thuộc lòng và giải thích lại ý nghĩa những câu mà Vĩnh An đế vừa dạy, một chữ cũng không sai.

Bây giờ Vĩnh An đế đã có thể xác định, Nhị Hoàng tử chính là một thần đồng nhỏ.

Sau khi sai người đưa Nhị Hoàng tử ra ngoài chơi, Vĩnh An đế nắm tay Khương Mạn, vẻ mặt có chút kích động nói: "Cảm ơn ái phi đã sinh cho trẫm một đứa con thông minh như vậy."

Kỳ thật nội tâm Khương Mạn có chút phức tạp, con trai mình thông minh lanh lợi đương nhiên nàng rất vui, chỉ là còn sớm như vậy đã để lộ tài năng, trong lịch sử những đứa trẻ như vậy phần lớn đều mất sớm.

Nhìn bộ dạng vui vẻ của Vĩnh An đế, Khương Mạn cố đè nội tâm lo lắng của mình xuống, cong cong khóe miệng, nói: "Nhị Hoàng tử thông minh như vậy chắc chắn là do Hoàng thượng, chứ tỷ tỷ của thần thiếp nói trước đây thần thiếp ngốc lắm."

Vĩnh An đế lắc đầu, nói: "Lúc nhỏ trẫm cũng không thông minh như Giác nhi đâu, nhưng trẫm nghe nói Cao Tổ hoàng đế năm tuổi giỏi văn, bảy tuổi thạo võ, bây giờ Giác nhi thông minh như vậy lại rất giống Cao Tổ hoàng đế đó."

Cao Tổ hoàng đế là hoàng đế lập ra Đại Cảnh, Khương Mạn cũng đã từng nghe qua vài chuyện xưa của vị hoàng đế này. Nghe nói vị hoàng đế này đọc sách từ nhỏ, mười sáu tuổi thi đỗ Trạng Nguyên, chỉ là vào triều làm quan một năm liền không chịu nổi sự hủ bại của triều đình ngày đó, giận dữ từ quan.

Sau hai năm Cao Tổ hoàng đế từ quan, thiên hạ đại loạn, dân chúng lầm than, Cao Tổ hoàng đế vì muốn mau chóng chấm dứt chiến loạn, thiên hạ thái bình trở lại nên dứt khoát dẫn binh khởi nghĩa.

Cao Tổ hoàng đế văn võ song toàn, chỉ mất ba năm ông đã dẫn quân bình định được chiến loạn, cũng nhận được chiếu thư truyền vị của hoàng đế tiền triều.

Mà Cao Tổ hoàng đế tại vị 65 năm, đến lúc băng hà đã ở tuổi 87.

Nhưng chuyện Cao Tổ hoàng đế năm tuổi giỏi văn, bảy tuổi thạo võ thì Khương Mạn chưa bao giờ được nghe.

Nếu những lời Vĩnh An đế nói là sự thật, vậy Cao Tổ hoàng đế cũng là một người thần thông quảng đại, thế thì không phải Nhị Hoàng tử cũng có thể trường thọ giống ông, không gặp phải tình huống thông minh quá sẽ bị diệt như nàng đã nghĩ sao?

Khương Mạn suy nghĩ, mở miệng nói: "Trước đây thần thiếp đã nghe rất nhiều truyền kỳ về Cao Tổ hoàng đế, nhưng lại chưa thấy ai nói Cao Tổ hoàng đế là một thần đồng cả."

Vĩnh An đế cười nói: "Ái phi chưa nghe qua bao giờ cũng là chuyện bình thường. Chuyện này cũng có thể coi như bí mật hoàng gia, năm đó Cao Tổ hoàng đế cố ý giấu đi, người bên ngoài căn bản không biết, chỉ có người của hoàng thất biết thôi."

Nói xong, Vĩnh An đế hỏi Khương Mạn: "Sao ái phi đột nhiên lại nghĩ tới việc dạy Nhị Hoàng tử học vậy?"

Đứa trẻ bình thường sẽ học vỡ lòng lúc sáu tuổi, ở hoàng thất thì sớm hơn một chút, nhưng cũng phải đến năm tuổi mới được mời thầy dạy, Nhị Hoàng tử bây giờ còn chưa tròn ba tuổi, Khương Mạn chắc sẽ không gấp gáp đến thế chứ!

Nghe câu hỏi của Vĩnh An đế, Khương Mạn bất đắc dĩ thở dài, nói: "Thần thiếp cũng là vì bị Giác nhi quấn lấy, hết cách rồi mới làm vậy thôi."

Trước đó Khương Mạn đã từng nói với Nhị Hoàng tử rằng đợi qua năm sau sẽ kêu Vĩnh An đế đưa nhóc đi cưỡi ngựa, từ khi sang năm mới ngày nào nhóc cũng lèo xèo bên tai nàng, hỏi: khi nào phụ hoàng mới dẫn nhóc đi cưỡi ngựa được.

Nhưng Vĩnh An đế vẫn luôn bận rộn, Khương Mạn cũng không nhắc đến việc này với Vĩnh An đế, đến hôm qua nàng bị Nhị Hoàng tử làm phiền đến không chịu nổi nữa mới đưa cho nhóc một quyển "Tam tự kinh", nói rằng chỉ cần nhóc học thuộc lòng quyển sách này sẽ được đi cưỡi ngựa.

Nhị Hoàng tử nghe vậy lập tức muốn nàng dạy nhóc, nàng cũng thuận theo dạy nhóc mấy bài.

"Thì ra là như vậy." Vĩnh An đế gật đầu nói: "Bây giờ vừa hay trẫm đang rảnh, ngày mai trẫm sẽ dẫn nó đi cưỡi ngựa."

Khương Mạn nghe vậy nhìn Vĩnh An đế bằng ánh mắt oán trách, dịu dàng nói: "Hoàng thượng thế này là muốn biến thần thiếp thành người bất nghĩa sao? Thần thiếp vừa nói với Giác nhi rằng chờ bao giờ nó học thuộc 'Tam tự kinh' rồi Hoàng thượng sẽ dẫn nó đi cưỡi ngựa, ngay sau đó Hoàng thượng đã đưa nó đi, vậy sau này lời thần thiếp nói Giác nhi còn tin sao?"

Tuy Khương Mạn nói lời oán giận nhưng ngữ khí của nàng khiến Vĩnh An đế chẳng thể giận nổi, hắn cười ha ha nhìn Khương Mạn, dung túng nói: "Được, là lỗi của trẫm, ái phi đừng tức giận, trẫm chờ Giác nhi thuộc cả cuốn sách đó rồi lại đưa nó đi cưỡi ngựa có được không?"

"Thần thiếp nào dám tức giận với Hoàng thượng chứ?" Khương Mạn thấy vậy liền thu tính khí lại, đưa một chén trà nóng cho Vĩnh An đế, nói: "Đây là trà hoa nhài mà lần trước tỷ tỷ vào cung đã tặng cho thần thiếp, nói rằng mùa này thích hợp để uống trà hoa nhài, thần thiếp uống thử thấy cũng không tệ, Hoàng thượng dùng thử đi."

Vĩnh An đế nhận lấy chén trà rồi uống một ngụm, khen ngợi: "Cũng không tệ lắm."

Vĩnh An đế không ở Vân Hoa Cung quá lâu, uống một chén trà với Khương Mạn xong, lại ngồi nói chuyện một lát rồi rời đi.

Trở lại Càn Ninh Cung, Vĩnh An đế ngồi một lát rồi tìm Liêu Thù tới, bảo Liêu Thù chuẩn bị một chút, hắn muốn đến trấn Tuyền Nhạc chiêu một người.

Trấn Tuyền Nhạc là một trấn nhỏ thuộc phủ Lư Dương, là nơi mà Mai Cán - danh sĩ nổi danh nhất hiện giờ đang ẩn cư. Lúc Vĩnh An đế biết tin này từng cho người tới đây mời Mai Cán vào triều làm quan nhưng lại bị từ chối.

(1) Bài 5 trong "Tam tự kinh"

Dịch nghĩa: Nuôi không dạy là lỗi người cha. Dạy không nghiêm là lỗi người thầy.

(2) 2 câu cuối của bài 8 trong "Tam tự kinh"

Dịch nghĩa: Gần gũi với thầy cô bạn bè để học tập lễ nghi.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi