Tô Nhược Tuyết nhìn nam nhân trước mắt, vẫn là gương mặt đó, tuấn tú dịu dàng, hào hoa phong nhã, thậm chí ở trong mắt nàng còn vẫn còn thâm tình và khao khát yêu say đắm từ lâu, nhưng kỳ lạ chính là nàng càng nhìn càng cảm thấy xa lạ...
Từ lúc tỉnh lại một năm trước, Tô Nhược Tuyết đã từng bàng hoàng, đã từng ngạc nhiên, nàng không biết tất cả những chuyện kia đều là mộng cảnh khi nàng hôn mê hay là tồn tại chân thực, từng xảy ra, có điều ông trời thương xót nàng nên cho nàng cơ hội làm lại một lần nữa.
Nếu là giả thì sao trong mộng cảnh lại đau khổ rõ ràng như thế, cái loại đau đớn đến buốt tim khiến mỗi lần nàng nhớ tới đều không thể nào thở nổi. Nhưng nếu là sự thật...
Tô Nhược Tuyết nhìn nam tử trước mắt, y vẫn tuấn tú như xưa, nhã nhặn khí phách, phong lưu phóng khoáng, đến nỗi trước mắt Tô Nhược Tuyết còn hiện lên hình ảnh y đã cho mình ấm áp khi còn bé.
Ba tỷ muội Tô gia là sinh ba, lúc trước mẫu thân vì sinh ra các nàng mà dẫn đến khó sinh qua đời, để lại các nàng và phụ thân đáng thương. Tô phụ đau khổ vì mất ái thê, ông vốn muốn đi theo bà nhưng do trước lúc lâm chung thê tử đã cầu xin nên ông đành phải tiếp tục sống trên thế gian, ngày ngày chịu đủ mọi dằn vặt. Mới bắt đầu, khi đối mặt với ba đứa trẻ Tô phụ cảm thấy vô cùng mâu thuẫn, ông vừa biết ơn vì các nàng có mặt trên đời vừa hận các nàng đã cướp mất tính mạng thê tử. Bởi vậy, dưới loại tình cảm phức tạp rắc rối này, Tô phụ lựa chọn trốn tránh.
Ngày qua ngày ông bề bộn việc buôn bán nên ít quan tâm đến ba đứa nhỏ, có lẽ ông trời muốn đền bù chuyện ông đau khổ vì mất thê tử nên chuyện làm ăn của Tô gia càng làm càng lớn.
Thậm chí sau khi cữu cữu Khương Hậu Lâm của ba tỷ muội Tô gia đỗ Thám hoa, tiếp theo bị Vũ Dương Hầu dán cáo thị chiêu cáo thiên hạ tróc tế*, ở lại kinh thành thú thê sinh con luôn. Tô phụ cũng dẫn theo ba tỷ muội Tô gia lúc đó mới năm tuổi chuyển đến kinh thành, hơn nữa còn nhanh chóng chiếm một chỗ đứng nhỏ tại đây.
*Tróc tế: bắt rể.
Khi mới tới kinh thành, ba tỷ muội Tô gia giống như chim Hoàng Oanh bị buộc cánh, cái gì cũng xa lạ không tự do tự tại như lúc ở An Dương Thành. Kinh thành lớn như vậy, cũng phồn hoa hơn An Dương thành rất nhiều, có lẽ các nàng chưa quen với cuộc sống ở đây, phụ thân lại bận rộn, các nàng không thể tùy tiện đi ra ngoài mà chỉ có thể đến nhà cữu cữu theo cữu mẫu xem chút náo nhiệt.
Trong nhà cữu cữu có một biểu ca, một biểu tỷ, còn có tiểu biểu muội vừa mới biết đi. Từ nhỏ ba tỷ muội Tô gia đã nương tựa lẫn nhau nên thoáng cái có nhiều bạn chơi các nàng vô cùng vui vẻ, cữu mẫu Vương thị rất hiền lành và yêu thương các nàng. Mặc dù các nàng mẫn cảm phát hiện loại yêu thương này không giống với tình thương đối với biểu ca biểu tỷ, nhưng mà đối với ba tỷ muội Tô gia từ nhỏ đã mất mẫu thân mà nói, tình cảm như vậy đã rất quý giá rồi.
Khương Khánh Trạch là trưởng tử của Khương phủ, từ nhỏ y đã trở thành niềm kiêu hãnh của phụ mẫu, do phụ thân đã dặn dò nên y rất quan tâm đến ba tiểu biểu muội vừa tới kinh thành, dù sao y cũng đã quen làm ca ca, cộng thêm ba tiểu biểu muội không chỉ ngoan ngoãn đáng yêu mà còn giống nhau như khuôn đúc, một yên tĩnh, một lạnh lùng, một hoạt bát nhanh nhẹn, làm cho người khác rất yêu thích.
Khương Khánh Trạch lớn hơn các nàng ba tuổi, tuổi còn nhỏ mà đã rất có phong cách của phụ thân, chững chạc chu đáo, ba tỷ muội Tô gia cũng rất vui vẻ vì có thêm một Đại ca ca.
Nhưng do là trẻ con nên dù cho là ruột thịt thì cũng có so sánh, trời sinh tính tình Tô Nhược Tuyết lạnh nhạt, so với Đại tỷ dịu dàng thanh nhã, tiểu muội dí dỏm yêu kiều, thân là cô nương gia, theo thời gian nàng cũng không còn đáng yêu như trước nữa, cũng may xưa nay nàng đã quen lạnh nhạt nên cũng không quá để bụng.
Tuy nhiên, không biết chuyện gì xảy ra mà vị biểu ca rất được các đệ đệ muội muội hoan nghênh lại rất quan tâm nàng...
Bây giờ Tô Nhược Tuyết nghĩ lại, nàng cũng không biết tại sao lúc nhỏ mình đã nói ra câu nói kia, mà y cũng đồng ý?
Nếu cảnh trong mơ là thật....
Hai tròng mắt trong trẻo của Tô Nhược Tuyết chợt lóe lên một tia khổ sở, nàng hít sâu một hơi khiến cho mình tỉnh táo lại. Nếu cảnh trong mơ là thật, vậy thì nàng đã thực hiện lời hứa ban đầu rồi không phải sao? Về phần kiếp này, nàng cũng không thiếu nợ y gì cả.
"Biểu ca, hôm nay đông người không tiện nói chuyện, muội cáo từ trước." Nói xong, mặc kệ phản ứng của người đối diện, Tô Nhược Tuyết dứt khoát xoay người bước đi.
"Tuyết Nhi..." Động tác của nàng quá mức đột ngột, Khương Khánh Trạch không chịu nổi hô lên một câu thì nàng đã đi xa rồi.
"Tử Đàn huynh, sao huynh lại trốn ra đây thế?" Một nam tử ăn mặc theo kiểu thư sinh bước ra từ cửa sân bên phải sau khi nhìn thấy Khương Khánh Trạch thì nhiệt tình đi tới, "Yến hội đằng trước đã bắt đầu rồi, đi đi đi, các công tử khác đều đang đợi huynh kìa."
Hôm nay là mùng bảy tháng bảy -- Khất Xảo tiết*, các học trò trong kinh thành đều đến Tam Nguyên lâu bái sao Khôi, Khương Khánh Trạch thân là trưởng tử của Lại Bộ Thị Lang đồng thời cũng là thủ khoa kỳ thi Hương lần này nên đương nhiên y trở thành tiêu điểm của mọi người.
*Khất Xảo tiết: là ngày lễ thất tịch, theo văn hóa phương Đông, (Châu Á), nhất là các nước Đông Á và Đông Nam Á, là ngày lễ tình yêu được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch, đôi khi được người phương Tây gọi là Ngày Valentine châu Á. Lịch sử về ngày này gắn bó với câu chuyện về Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản. Đây là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo trong ngày này và để cầu mong lấy được ông chồng tốt. Ngày này còn có các tên gọi khác như:
Khất xảo tiết (乞巧節; qǐ qiǎo jié - Lễ hội thể hiện tài năng)
Thất thư đản (七姐誕; qī jiě dàn - Sinh nhật cô em thứ bảy)
Xảo tịch (巧夕; qiǎo xì - Đêm kỹ năng).
Người tới là người quen từ trước đến nay, trong lòng Khương Khánh Trạch không vui chút nào, y vất vả lắm mới tìm được cơ hội tiếp xúc riêng với Tuyết Nhi, chắc hẳn vừa rồi do hắn ta đến nên Tuyết Nhi mới tránh đi. Có điều, ngoài mặt y vẫn tươi cười khách sáo lễ độ nói: "Vương huynh, mời huynh."
Tô Nhược Tuyết chính xác là do người đó tới nên nàng mới nhanh chóng rời đi, dù sao đời này nàng không muốn có một chút liên quan nào với người nọ, bình thường lấy quan hệ biểu ca biểu muội gặp nhau với nàng đã là cực hạn rồi, vì phụ thân, vì mẫu thân đã qua đời, cũng vì vị cữu cữu từ đầu đến cuối đều yêu thương ba tỷ muội các nàng, Tô Nhược Tuyết không muốn hận y.
Nhưng mà không hận, không có nghĩa là tha thứ.
Không muốn nghĩ những chuyện phiền lòng này nữa, Tô Nhược Tuyết bước nhanh về phía trước, nếu ông trời đã cho nàng cơ hội để bắt đầu lại một lần nữa, nàng nhất định sẽ bảo vệ người nhà của mình thật tốt, để cả đời này bọn họ đều thuận thuận lợi lợi, nhanh chóng có được hạnh phúc.
Kiếp trước, đại tỷ vì chuyện của nàng mà làm cho tỷ phu tương lai hiểu lầm, mặc dù hai người có tình cảm với nhau nhưng lại quá khó khăn trắc trở, nghĩ tới đây bước chân Tô Nhược Tuyết càng nhanh hơn, nếu không phải biết hôm nay có nhiều người nàng nhất định sẽ dùng khinh công bay đi.
Tô Nhược Tuyết vội vàng đi về phía trước nên không biết ở sau lưng nàng có một nam tử đi theo, người này mặc cẩm bào màu xanh ngọc thêu hoa văn trúc tím ẩn hiện, dáng người cao ráo, vô cùng tuấn tú, hai mắt lóe lên vẻ thích thú khi nhìn thấy hết thảy.
Người này chính là người nhiều mưu trí nhất trong "Kinh thành tam hại" tiếng tăm lừng lẫy -- Lý Dụ Lý nhị công tử.
Nói tới lý do tại sao Lý Dụ xuất hiện ở đây, thì không thể không nhắc tới một người khác.
Mười sáu năm trước, Bùi phủ được dân chúng Đại Hạ tôn vinh là Hàn Lâm gia chào đón một tôn tử thích võ ghét văn, có thể do Bùi phủ bị sao Văn Khúc chiếu nên từ xưa đến nay nhà bọn họ luôn nhất mạch đơn truyền. Mà đến thế hệ của Bùi Hạo, hắn trông thấy sách thánh hiền đã phiền, tuổi còn nhỏ mà ngày ngày yêu thích nghịch thương múa kiếm, khiến cho Bùi lão gia và Bùi đại nhân phí hết đầu óc cũng không sửa được nên đành mặc kệ, Bùi đại nhân phải đến địa phương nhậm chức, còn Bùi lão gia thì quang vinh ở nhà dưỡng già cho nên tùy theo sức của ông mà dạy tới đâu hay tới đó, riết rồi dạy ra một tôn tử lúc nào cũng khiến ông đau đầu.
Bởi vì hai nguyên nhân này, Bùi Lão gia đành đến nhờ lão già thích đối đầu với ông --Lão Hầu gia Vĩnh Định Hầu Lý Sấm.
Năm đó, Lý Sấm xuất thân quê mùa, do chiến đấu quên mình trên sa trường nên được phong Hầu, hơn nữa ông còn lấy được Chiêu Nghi trưởng công chúa được yêu thương của Hoàng thất, cho nên có thể nói đây chính là loại đổi đời điển hình. Lý Sấm không biết được mấy chữ, từ trước đến nay làm việc lúc nào cũng thô bỉ không chịu nổi, mặc dù đã thắng trận nhưng xưa nay trên triều luôn bị người ta giễu cợt. Bùi thái phó Bùi lão gia là đại biểu cho thư sinh trong thiên hạ nên không tránh khỏi chuyện kín đáo phê bình đức hạnh của Lý lão hầu gia, có điều hai người cãi vã thành quen, cứ như thế mãi cho tới khi phát triển thành một loại tình nghĩa méo mó lúc nào không biết.
Lúc trước khi nghe nói tôn tử vàng bảo bối của Bùi lão gia ghét văn thích võ, Lý lão hầu gia cảm thấy vô cùng khoái trá, dựa vào cái gì mà bọn quan văn để mắt cao hơn đỉnh đầu nhìn người ta? Không sợ sét đánh xuống mù mắt trước hả?
Nói đi nói lại, Lý lão hầu gia rất hả hê cười trên nỗi đau của người khác, có điều trong cuộc đời ông vào vài thời điểm cũng biết xem sắc mặt người khác, khi nhìn thấy Bùi lão gia bỏ qua thể diện nhờ ông dạy võ công và binh pháp cho Bùi Hạo, Lý lão hầu gia cũng không có lên mặt mà vui vẻ hớn hở nhận lời, nhân tiện ông cũng đưa Nhị tôn tử Lý Dụ của mình cho Bùi lão gia dạy dỗ.
Tuy thường ngày Lý lão hầu gia xem thường đám văn thần cả ngày chỉ biết chít chít oa oa kia, nhưng ông cũng hiểu rõ ràng, cả đời ông chinh chiến trên sa trường, không nói trên ông còn có hoàng thượng mà chỉ nói riêng ông trời, xưa nay các Đại Tướng Quân chinh chiến nam bắc không ai địch nổi, nhưng cuối cùng mấy ai có kết cục tốt, vì vậy tôn tử Lý gia của ông không nên thừa kế gia nghiệp mới có thể an ổn "Hưởng thanh phúc."
Nói ra cũng lạ, ở thời đại trọng nam khinh nữ này, có rất nhiều người khẩn cầu có nhi tử nhưng không thành, nhưng trong Vĩnh Định Hầu phủ đều là các tiểu tử mập mạp. Chiêu Nghi trưởng công chúa sinh cho Lý lão hầu gia ba nhi tử, sau đó nhi tử sinh nhi tử, hiện nay Vĩnh Định Hầu phủ có tất cả tám vị công tử, mà Lý Dụ xếp hàng thứ hai.
Bởi vì dung mạo giống Chiêu Nghi trưởng công chúa cho nên dù tính tình không tốt một chút nhưng Lý Dụ rất được yêu thương, nhất là Lý lão hầu gia. Mặc dù nghĩ tới tiểu tử nghịch ngợm này là ông phiền lòng đến nỗi nằm mơ ông cũng muốn có một tôn nữ nũng nịu đáng yêu, nhưng bởi vì gương mặt Lý Dụ cộng thêm hắn là người của Vĩnh Định Hầu phủ, cho nên tính tình giống như động kinh của Lý Dụ khi trưởng thành là do có một "Đồng lõa" lớn phía sau.
Từ nhỏ Lý Dụ đã hư hỏng, mỗi lần hắn ra ngoài gây họa thì người chịu tiếng xấu thay hắn không phải là đại ca yêu thương đệ đệ thì chính là bọn đệ đệ còn nhỏ không hiểu chuyện, hắn luôn giật dây phía sau mà không ai biết, khi có người tìm đến nhà mắng vốn thì hắn lại phủi sạch trách nhiệm của mình. Lâu dần, tuy mấy huynh đệ biết hắn hư hỏng nhưng hắn lại biết rất nhiều trò chọc phá người khác nên ai cũng thích chơi với hắn, song mấy người lớn thì không ai vui nổi.
Mặc dù Lý lão hầu gia thiên vị Nhị tiểu tử, nhưng mà khi ông nhìn thấy hôm nay con dâu thứ hai đến tìm thê tử của mình cáo trạng, hôm sau lại đến con dâu thứ ba tìm thê tử khóc lóc kể lể, Lý lão hầu gia chịu không nổi gọi các nhi tử đến mắng cho một trận, sau đó đúng lúc trao đổi để cho Bùi lão gia dạy Nhị tiểu tử khiến người nhà phiền chó ghét bỏ của mình.
Thế là từ lúc lên năm tuổi, Lý Dụ đã bái Bùi lão gia làm thầy, tiện thể làm quen với tôn tử ghét văn thích võ cộng thêm phiền phức khó chịu trong truyền thuyết của Bùi gia. Bắt đầu từ đó hai người vừa gặp đã thân, thậm chí cả hai còn phát hiện đối phương là bảo bối, trong nháy mắt bọn họ đem tất cả những gì gia gia dạy và đám huynh đệ đầu gỗ ném ra sau ót.
Lý Dụ tin tưởng cứ bám theo đại hung thần này, cuộc sống tuyệt đối sẽ không nhàm chán!