PHẾ ĐÔ

Ngưu Nguyệt Thanh chạy ngược chạy xuôi mấy lượt ra cửa hàng thực phẩm, xách về lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ nhét vào đầy tủ lạnh, tính ngày thấy còn sớm, không dám mua tôm cá vội, đi ra phố sắm quần áo lót cho Trang Chi Điệp. Đàn bà hay cẩn thận, chu đáo, đầu tiên ra bách hoá Tổng hợp phố Nam Đại chọn chán chọn chê, chẳng đôi nào vừa ý, lại ra chợ Miếu Thành Hoàng. Miếu Thành Hoàng xây từ đời nhà Tống, cửa Miếu vẫn còn, song đã đi vào cải tạo thành một đường phố nhỏ, càng đi càng hun hút. Hai bên trong phố đối diện nhau lại là các ngõ nhỏ chênh chếch vào bên trong, mặt ngõ nọ đối diện với mặt ngõ kia, trông y hệt một chiếc lá liễu to tướng đã khô sạch nước chỉ còn lại mạng gân lá. Trong mặt phố mỗi cửa hiệu chuyên bán một loại hàng hoá, toàn là những thứ tạp nham như kim khâu, cuộn chỉ, cúc áo, dây rút, giày bó chân, mũ phớt, mạt chược, ống nhổ đờm và bô đại tiểu tiện. Mấy năm gần đây lai mở thêm sáu ngõ nữa, đều là những cửa hàng bán những mặt hàng sử dụng theo phong tục cũ của thị dân như giấy tiền, nến cúng vong linh trong ngày lễ hàn thực, những sợi dây đó dài một mét treo quả chín đỏ trong buồng cưới, những chăn bọc của trẻ con, những khăn tang buộc đầu của con hiền cháu hiền khi gia đình có người chết, những áo đỏ quần đỏ dây rút đỏ gặp dữ hoá lành cho người có tuổi trong ngày sinh nhật, những lồng tre chưng bánh táo trong ngày hội mồng tám tháng tư ở khu Đông Thành, những khuôn gỗ bánh nướng có đường hoa văn, những đôi ủng bó chân dùng cho các bà già, những chụp tóc nhung đen có bong bóng lưu li, những nồi chõ vỏ tôn bụng to eo nhỏ rỗng hâm rượu mạnh bằng than củi dùng trong tết tháng chạp ở khu Tây Thành. Ngưu Nguyệt Thanh chọn mua quần đỏ áo đỏ trong cửa hiệu đó, lại hỏi có loại nào bằng vải bông hoàn toàn không? Có loại nào in chữ "+" ở áo lót không, sau đó lại chê cái này mũi kim thô quá, cái kia đường may không bền, may mà người bán hàng mát tính, ngược lại nhìn quầy hàng chỗ nào quần áo cũng bị lật bới lung tung. Ngưu Nguyệt Thanh đã nói một câu:

- Tôi chọn long bào cho hoàng đế lên ngôi đấy mà!

Bản thân chị lại nói đùa với chính mình. Ra khỏi ngõ, đi tới phố nhỏ, không ngờ đụng phải Cung Tịnh Nguyên. Cung Tịnh Nguyên béo phệ cả bụng, vừa gặp mặt đã cười ha hả, hỏi:

- Em ơi, sao em trẻ thế! Thân thể vẫn còn như gái ấy thôi, làm sao mà người ta không hận với người anh em kia được! Em có mau mau xấu đi thì lòng ông anh này mới cân bằng được chứ!

Nói rồi cứ vỗ bồm bộp vào bụng mình kêu khổ, không bước lên trước được. Ngưu Nguyệt Thanh cũng tay vỗ vò cái bụng kia, bảo con người ta bước sang cái tuổi này có cái bụng phệ mới hấp dẫn chứ, làm cho Cung Tịnh Nguyên sướng quá, nói rối rít, vậy anh không bi quan nữa. Hai người cười nói thăm nhau. Cung Tịnh Nguyên nhìn thấy Ngưu Nguyệt Thanh cầm quần đỏ áo đỏ, lại giễu cợt:

- Lại còn muốn làm dáng cơ đấy, ăn mặc quần áo sặc sỡ như thế này cơ ư?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp gặp đây là được rồi, cũng chẳng phải đến tận nhà anh làm gì nữa. Thứ tư này là sinh nhật người anh em của anh, mời anh đến dự cho vui.

Cung Tịnh Nguyên nói:

- Chà, hay đấy, hôm ấy anh sẽ mang bộ mạt chược đến, anh em chơi hẳn một ngày một đêm! Sao không bảo ông chủ Nguyễn Tri Phi, khi đến mang theo vài cô diễn viên hả? Định vui vẻ thì làm to to một chút, liệu có cần anh dẫn đến một đầu bếp không đấy, bất kỳ khách sạn nào anh chỉ nói một câu là được ngay.

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Không phải dẫn ai cả, cũng không cần mang thứ gì đến, chỉ mang cái mồm đến là được. Nếu cứ theo lệ cũ là em giận đấy! Muốn chơi mạt chược thì anh mang theo, nhà em không có bộ nào ra hồn.

Cung Tịnh Nguyên nói:

- Em đoán anh đến làm gì nào, vậy thì sẽ mua một bộ mạt chược, mới tinh.

Hai người lại hỉ hả nói cười một lúc, rồi chia tay. Ngưu Nguyệt Thanh về đến nhà thì đã nhập nhoạng tối. Liễu Nguyệt đã bày sẵn cơm canh lên bàn, người anh rể kết nghĩa đang ngồi cạnh bàn. Trên ghế xa lông để một túi khoai tây, một bó rau kim châm tươi mới hái và hai quả bí đỏ đem đến. Anh ta chưa ăn cơm, cứ ngồi chờ Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh.

Chào hỏi nhau xong, Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Chi Điệp đi ra ngoài đã mấy hôm, bây giờ vẫn chưa về, chắc lại ăn cơm tối ở đâu rồi, không cần phải chờ nữa.

Lời nói vừa dứt, Trang Chi Điệp đẩy cửa bước vào. Người anh rể nói:

- Trong thành cũng vừa nhắc đến Tào Tháo thì Tào Tháo đến luôn.

Trang Chi Điệp cũng hớn hở bảo:

- Lâu lắm không thấy anh đến chơi. Nghe nói anh nhận khoán lò gạch ngói, phất rồi phải không?

Anh rể đáp:

- Kiếm được tiền thì không phải bỏ sức, bỏ sức thì không kiếm ra tiền, đốt một đêm gạch không bằng một cái dấu chấm, phẩy ấy mà. Nhưng cái công việc này, suốt ngày đầu tắt mặt tối như ma thổi lửa ấy. Được tin em nhắn sang, bảo là tổ chức ăn uống, anh đã bảo với chị có đào ra một lò vàng, cũng cứ phải bỏ đấy đi bằng được, tiện thể mang luôn một vài thứ thức ăn.

Trang Chi Điệp hết sức ngạc nhiên, bảo:

- Em có tổ chức công ty đâu, cũng không xây nhà, có việc gì đâu, em anh muốn gặp anh chị thì nhắn anh chị sang chơi.

Anh rể nói:

- Chuyện này cậu không thật thà chất phác bằng Ngưu Nguyệt Thanh. Cậu sợ dân nhà quê chúng tôi đến ăn cơm phải không? Cậu giấu tôi, nhưng tôi vẫn đến, đến hôm ấy, mấy miệng ăn nhà này lại còn họ hàng thân thích của đứa con nuôi bà cô cũng kéo cả sang đây!

Trang Chi Điệp thấy anh rể nói nghiêm túc, liền hỏi vợ:

- Mình làm chuyện gì thế?

Ngưu Nguyệt Thanh chỉ cười không bảo sao.

Liễu Nguyệt nói:

- Anh chỉ lảng vảng chuyện bên ngoài, chẳng lo làm việc gì trong gia đình, ngay đến ngày sinh của mình cũng không nhớ.

Trang Chi Điệp giũ bộ quần áo đỏ, sị mặt ra, bảo:

- Đã bẩy tám mươi tuổi đâu? Mẹ còn không ăn sinh nhật, tôi ăn cái gì?

Liền nói với anh rể đừng nghe Nguyệt Thanh, chẳng có việc gì cũng bày vẽ ra. Anh ăn cơm đi, em đã ăn ở ngoài rồi.

Nói xong đi vào phòng sách. Anh rể vốn còn định nói chuyện với Trang Chi Điệp trên mâm cơm, thấy Trang Chi Điệp sa sầm nét mặt, liền khẽ nói với Ngưu Nguyệt Thanh. Thì ra chị kết nghĩa đem thuốc đẻ con trai về uống, theo lời dặn phải có thai trong vòng một tháng, nhưng chị ấy lại bị cảm ba ngày. Cảm cúm vừa mới khỏi, thì một món nợ lò gạch không đòi được, lại cần anh đi đòi, anh đã đi là đi liền nửa tháng, lúc về thì đã lỡ thời kỳ thụ thai. Liệu có thể bảo cái nhà bà kia xin cho một liều thuốc nữa để uống? Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong có phần ấm ức trong lòng, thầm nghĩ một liều thuốc những mấy trăm đồng của người ta, cái khoản nợ kia của anh đáng bao nhiêu cơ chứ, đáp ứng được việc của người là việc nhỏ, để lỡ việc của người ta lại là chuyện lớn, tại sao lại có thể đểnh đoảng đến thế!

Nhưng sự việc đã như vậy, lại là thân thích, chỗ gửi gắm lại là người ta, cho nên không tiện nói những lời gắt gỏng, liền bảo:

- Để em đi nói với bà ấy xem sao, loại thuốc này không để phí dễ dàng được đâu, riêng vị trầm hương em đã phải bỏ ra năm trăm đồng cơ đấy.

Anh rể nói:

- Tháng sau có đánh chết cũng không đi đâu nữa, cũng không đụng đến một hớp rượu.

Ngưu Nguyệt Thanh lại hạ thấp giọng:

- Anh chị phải giữ kín chuyện này, không được nói với ai, khi nào thụ thai, thì bảo với em một tiếng, em sẽ mua thuốc bổ về thăm chị. Anh phải cấm mọi thứ, không được để chị làm việc nặng, không được cãi nhau, giận dữ. đến lúc ấy em sẽ tìm người quen ở bệnh viện thành phố bố tri cẩn thận, đưa xe đến đón chị đi là xong.

Anh rể gật đầu, bảo:

- Đương nhiên phải thế rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh lại nói:

- Không được nói với Trang Chi Điệp việc uống thuốc lại đấy nhé.

Nói rồi đi vào phòng sách nói với chồng: anh không ăn cơm thì ngồi tiếp anh ấy uống rượu nhé, em đi ra phố mua cho chị ấy một đôi dép lê em sẽ về ngay!

Trang Chi Điệp liền cầm chai rượu đi ra. Ra đến phòng khách rồi, nét mặt mới tươi tỉnh.

Ra khỏi cổng, Ngưu Nguyệt Thanh hấp ta hấp tấp chạy đến nhà bà Vương, móc ra năm trăm đồng, lại lấy một liều thuốc, sau đó ra cửa hàng giày dép mua cho chị kết nghĩa một đôi dép đem về. Anh rể và Trang Chi Điệp đã uống hết nửa chai rượu, không uống nữa. Ngưu Nguyệt Thanh cho dép và thuốc vào túi ny lông, bảo với anh rể:

- Dép ở trong này, dọc đường nhớ cẩn thận.

Đưa mắt ngầm ra hiệu, anh rể hiểu ý, đáp:

- Anh sẽ cẩn thận.

Nói xong liền chào ra về. Trang Chi Điệp thấy ông anh rể ra về nhanh thế, cũng cảm thấy không cần để người họ hàng khó xử, hối hận vừa nãy đã ăn nói sống sượng, liền tiễn anh rể ra đầu ngõ. Chờ khách đi xa, trong lòng cứ tỏ ra không hài lòng đối với việc tự ý sắp xếp của Ngưu Nguyệt Thanh, tiện đường đã đi ra công viên Thành Hà ở ngoài cửa Tây nghe một lúc lời kịch Tần Xoang của ban nhạc ở đó. Khi về, một chiếc xe thuê từ đầu ngõ rẽ ra, hình như cảm thấy người ngồi trong xe là con trai của Cung Tịnh Nguyên, bước vào cửa liền hỏi vợ:

- Có phải con trai Cung Tịnh Nguyên đến không?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Phải! Ai cũng bảo cậu ta nghiện hút, quả nhiên khuôn mặt nhăn như bị, cậu ta bảo, bố cậu ta có việc đột xuất, sáng sớm mai phải đi Lan Châu, sai cậu ta đưa quà sang biếu trước. Bảo uống nước cậu ta không uống, nước mũi cứ chảy ra ròng ròng, có lẽ lên cơn nghiện, không biết định đi đâu hút. Ôi kiếp trước cậu ta làm thân con gì, mà kiếp này định đến phá phách cửa nhà anh Cung Tịnh Nguyên thế không biết!

khi Trang Chi Điệp nhìn lên bàn, thì thấy có một hộp bánh mừng thọ và một túi giấy đóng gói rất đẹp có viết dòng chữ "vỏ chăn gấm vóc hào hoa", liền hỏi:

- Em đã thông báo với Cung Tịnh Nguyên rồi ư?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Chiều nay gặp anh ấy trên phố, em đã tiện thể nói luôn. Người ta đem đến, mình không nhận sao được?

Trang Chi Điệp nói:

- Anh đã bảo không tổ chức sinh nhật, em vẫn còn nhận quà của người ta làm gì? Em tự tiện thế, không thèm nói với anh một tiếng, đã mời người nọ, thông báo người kia. Anh đã được làm Hoàng đế hay đã được con trai hả? Cảnh Tuyết Ấm đang làm rầm rĩ lên như thể, anh còn chưa mất mặt hay sao, bây giờ lại đón tiếp khách khứa ở nhà với chướng khí mù mịt, sẽ làm cho nhiều người hơn nữa bịt miệng đánh rắm cười anh đấy à? Em đã báo cho ai, thì đi hoãn, em không hoãn thì ngày hôm ấy anh sẽ không ở nhà.

Trang Chi Điệp nói một thôi một hồi, khiến cho Ngưu Nguyệt Thanh ngẩn người đứng chết dí tại chỗ.

Bà mẹ già liền từ buồng ngủ bước ra nói:

- Mẹ vốn không động đến việc riêng của các con, nhưng sao con nói những lời khó nghe thế! Vừa rồi mẹ giận lắm đấy, cả nhà chờ con về ăn cơm, khi con về nghe những lời con nói sẵng với anh rể con, con định đấm vào mặt người họ hàng của mẹ đấy ư? Ngưu Nguyệt Thanh có ý định tổ chức sinh nhật cho con. Nếu bảo người có ý kiến thì phải là mẹ chứ? Sáng nay bố con về còn cự nự với mẹ con gái mẹ bất hiếu đấy. Mẹ đã khuyên bố con, mẹ bảo tôi già rồi thì sống nhờ con cái, gia đình này chẳng phải nhờ con rể đó sao, một người con rể là nửa đứa con trai, Chi Điệp bằng một bằng hai đứa con trai kia đấy. mẹ không ca thán các con gì cả, mà con lại chê mời họ hàng thân thích đến là mịt mù chướng khí. Con chê họ hàng nhà mẹ nghèo túng không am hiểu việc đời phải không? Trong cái gia đình này cũng đã từng sinh ra những người có tên tuổi. Nếu thành Tây Kinh không có nước máy, thì Cục quản lý nước cũng oai phong như cửa quan ấy chứ!

Trang Chi Điệp vội vàng dìu mẹ vợ vào buồng ngủ, bảo Ngưu Nguyệt Thanh pha một ly nước bột quýt cho mẹ rồi nói:

- Mẹ ơi mẹ nói lạc đề rồi. Con chê là chê Nguyệt Thanh tự ý xếp đặt, hoàn toàn không thông cảm với nỗi buồn của con.

Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, từ trong buồng khách nói ra:

- Anh buồn, em là vợ anh, em cũng không buồn ư? Chính vì cảm thấy năm nay có nhiều chuyện rủi ro xúi quẩy, mới nghĩ ra việc tổ chức sinh nhật cho anh để xua đuổi nó đi, nào ngờ sự sốt sắng lại bị dội gáo nước lạnh! Anh mở mồm ra là như đâm thẳng dao vào ngực người ta. Em có thể nhịn được điều này và cũng đã quen nhịn, nhưng anh đã bôi nhọ em trước mặt người anh rể, em còn mặt mũi nào nữa trong số họ hàng thân thích cơ chứ? Anh ra ngoài cười cười nói nói, về đến nhà là sưng mặt lên, nửa năm trời nay, anh càng thay đổi hẳn. Trong trái tim anh đã không còn có em nữa, hay là vì sao? Người nào cũng bảo em ngồi ở nhà hưởng sung sướng, nhưng ai có biết em đâu phải là vợ của anh, mà là con nô tì, là đứa ở?

Đang rửa nồi trong bếp, Liễu Nguyệt nghe đến đây đã lên tiếng:

- Chị cả ơi, đứa ở là đứa ở, chứ đâu phải nô tì. Hàng ngày chị cả coi em là nô tì hay sao?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Việc này không liên quan gì đến em.

Liễu Nguyệt nói:

- Mắng người thì bẩn mồm, em không cự nự. Nhưng chuyện này chị nên ít nói đi vài câu thì hơn. Chị có lòng tốt, thầy Điệp cũng có lý. Định ăn sinh nhật xong tránh rủi ro, thì mời mấy người bạn tốt đến nói chuyện ăn cơm uống rượu là được. Nhưng đàng này chị ham làm to, mong may mắn lớn, chưa nói đến nhà cửa chật chội, trời thì nóng như ngồi tù, cứ bày vẽ ra, cho rằng thầy giáo Điệp phải làm sao cơ!

Trang Chi Điệp nói:

- Em thử nghĩ xem, Liễu Nguyệt còn có kiến thức hơn em cơ đấy.

Ngưu Nguyệt Thanh đang cơn tức không có chỗ nào trút bỏ nghe Liễu Nguyệt nói thế, lại bị Trang Chi Điệp đay nghiến như vậy, càng điên tiết:

- Vâng, tôi không được như Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt sợ nấu cơm, trong nhà không có người ăn cơm, Liễu Nguyệt sẽ vui mừng mà!

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi