PHÙ HIỂU, EM LÀ CỦA ANH!

Thư gửi bé cưng!

Bé cưng ngoan của chúng ta ơi, bây giờ là mười một giờ bốn mươi tám phút tối, con mới chào đời ba mươi sáu ngày và con đang ngủ say bên mẹ, khiến mẹ không khỏi muốn thơm con một cái. Tuy mẹ biết con mẹ mà ngủ là mẹ cũng phải tranh thủ ngủ ngay, nếu không chờ đến khi mẹ vừa chợp mắt thì con lại oe oe khóc đòi ăn; Nhưng không hiểu sao: ngắm gương mặt nhỏ xíu của con đang say giấc, mẹ thấy buồn lo, một nỗi buồn lo không tên.

Trước kia, mẹ vẫn cho rằng: trẻ con là sinh vật vô tình nhất trên thế giới này. Các con hưởng thụ một cách đương nhiên tình yêu thương của mọi người rồi đến khi khôn lớn lại quên đi tất cả.

Bé cưng, con có biết con ra đời quan trọng và tuyệt vời với chúng ta cỡ nào không? Khoảnh khắc mẹ nghe thấy con cất tiếng khóc chào đời, bao nhọc nhằn tan biến hết chỉ còn lại niềm vui sướng vô bờ bến thậm chí mẹ còn muốn ngồi dậy nhìn xem con mẹ trông như thế nào. Không chỉ có mẹ mà cả ba của con, ông bà nội của con và cả cụ nội của con nữa, niềm hân hoan tràn ngập gương mặt mỗi người. Ông bà nội của con – những người luôn nghiêm túc, chín chắn – vì làm con vui mà lần đầu tiên học nói những câu bi bô dỗ trẻ. Cụ nội của con ngồi bên nôi con không rời lấy một bước, ngắm gương mặt nhỏ xíu của con mà cụ cười đến không khép miệng lại được. Ba con – tuy vẻ mặt ba vẫn cái vẻ không sinh con gái nên không hài lòng – nhưng hễ con khóc là ba lại vội vã rung chuông gọi hộ sỹ, phản xạ có điều kiện của ba con đó, trông ngộ lắm con à.

Lẽ ra mẹ phải vui mừng con à, nhưng chỉ vừa nãy thôi, khi bế con từ phòng khách lên, lòng mẹ chợt dâng lên một nỗi buồn man mác.

Chỉ một giờ trước, con còn nằm trong chiếc nôi ở phòng khách, cụ nội của con cầm trống bỏi đùa với con, hễ thấy con nở nụ cười là cụ liền mừng rỡ. Ông nội và bà nội con vừa từ nước ngoài về, còn chưa kịp nghỉ ngơi đã chạy luôn đến trước mặt con luôn miệng gọi: cục cưng bé bỏng, khúc ruột bé bỏng. Ông bà muốn thơm con nhưng cụ nội con ngại hai người vừa ở ngoài về, trên người nhiều bụi bặm, cụ vội cản lại, không để hai người bế con, thơm con, để họ đi tắm rửa sạch sẽ rồi mới cho lại gần con. Ngay sau đó, con khóc oe oe, ba vị bề trên – ba người đã quen với mọi sóng to gió lớn của cuộc đời – đều biến sắc. Họ bế con, vừa đong đưa vừa dỗ, không dỗ được nên họ hốt hoảng, đến khi con mải mê bú sữa và nín khóc, con khóc vì con đói rồi mà, thì họ mới thở phào nhẹ nhõm. Bú sữa xong là con ngủ, ba con bế con lên lầu, cụ vội chạy theo dặn ba cẩn thận, kẻo con tỉnh. Ông bà nội con vừa tắm vội tắm vàng đi ra, gặp ba bế con lên đến lầu hai, thấy con đang say giấc thì không khỏi ủ ê, tuy vậy ông bà vẫn lập tức giảm âm lượng xuống, nói chuyện với giọng chỉ nhỏ như tiếng muỗi. Khi con lên đến lầu ba, mẹ vô tình ngó xuống, mới phát hiện ra cụ nội con hãy còn đứng dưới lầu, nghển cổ nhìn lên.

Lúc ấy, mẹ suýt rớt nước mắt.

Cụ nội của con đã là một ông lão chín mươi tuổi rồi, tuy sức khỏe của cụ vẫn luôn rất tốt, nhưng bây giờ một số bệnh người già cũng đã bắt đầu quấn lấy cụ. Tai của cụ không còn thính như xưa, buổi đêm cụ hay bị ho khan, dù có chữa thì chỉ được một thời gian là lại tái phát… Cụ có thể bên con được bao lâu nữa đây? Còn con, sau này khi khôn lớn liệu con có nhớ: cụ từng ngồi bên con lắc xúc xắc, có nhớ: cụ từng bế con một cách cẩn thận, có nhớ: tình yêu vô bờ bến mà cũng rất vô tư cụ dành cho con… hay không? Con sẽ nhớ rõ khuôn mặt của cụ chứ? Hay phải đợi đến lúc chúng ta kể cho con nghe thì con mới tưởng tượng ra chút hình ảnh mơ hồ về cụ mà không phải ánh mắt chứa chan tình yêu thương của cụ khi ngắm nhìn gương mặt nhỏ xíu của con ngày hôm nay.

Còn chúng ta, nếu không có điều ngoài ý muốn nào xảy ra thì chúng ta sẽ đi cùng con một chặng đường đời rất dài. Chúng ta sẽ nhìn con lớn lên: sẽ biết nói, biết đi, biết chạy; rồi dần dần con sẽ khoác cặp đi mẫu giáo, lên tiểu học, lên cấp hai, lên cấp ba, học đại học; sau đó con sẽ bước ra xã hội, gây dựng sự nghiệp của mình, sẽ kết hôn, sinh con và tạo dựng gia đình nho nhỏ của mình. Đến lúc đó, con sẽ đối xử với chúng ta thế nào đây?

Con là một bé trai, mẹ nghĩ: khi con biết đùa với đám bạn cùng trang lứa thì con sẽ không còn dính lấy chúng ta nữa, con sẽ phàn nàn chúng ta bắt con ăn, bắt con học. Khi con đến tuổi dậy thì, đến lứa tuổi nổi loạn, có thể con sẽ thấy chúng ta nói cái gì cũng khó nghe, con sẽ không thèm nghe lời chúng ta nữa thậm chí cãi lại chúng ta, khăng khăng quan điểm của mình. Đến khi con trưởng thành, con trở nên độc lập và không cần đến sự chăm sóc của chúng ta nữa, con sẽ thích sống một mình hơn là ở cùng với ba mẹ và ông bà nội. Rồi sau đó, khi con tìm được cô gái con yêu, các con sẽ cùng xây tổ ấm, trong mắt các con sẽ chỉ có lẫn nhau và chúng ta sẽ không còn là những người thân thiết nhất với con trên thế gian này nữa.

Viết đến đây, mẹ cũng thấy quá mức buồn cười, rõ là con còn nhỏ xíu à, còn khóc oe oe đòi ăn, thế mà mẹ lại đi nghĩ một cách bi quan về tương lai xa lơ xa lắc.

Mẹ nghĩ có lẽ mẹ chỉ muốn nói với con rằng: chúng ta yêu con, chúng ta rất yêu con, yêu đến mức sẵn sàng hy sinh tất cả vì con.

Cho nên sau này khi khôn lớn, dù con có quên những ngày thơ dại thì xin con cũng đừng quên: sự ấm áp của những ngón tay mà hôm nay chúng ta vuốt ve gò má con.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi