Editor: Hà Vĩ
Beta: Mạc Y Phi
Lúc hỏa táng Đỗ Trọng, Tống Nhất Viện có mặt ở đấy. Vợ thầy không đành lòng nhìn nên đứng chờ ở bên ngoài. Bên trong chỉ có Tống Nhất Viện và Vũ Nghị.
Người bị đẩy vào, lúc ra đã biến thành một hộp tro cốt. Vợ thầy ôm cái bình màu đen, nước mắt đã cạn khô.
Bọn họ lẳng lặng đặt ông vào nghĩa trang.
Tên Đỗ Trọng từng xuất hiện trên sách vở, từng xuất hiện ở các buổi tọa đàm, từng xuất hiện trên hệ thống chọn môn học, thậm chí từng xuất hiện trên tin tức truyền hình. Đây là lần đầu tiên Tống Nhất Viện thấy tên của ông xuất hiện trên bia mộ, tấm bia bằng đá cẩm thạch lạnh như băng với một bức ảnh đen trắng nho nhỏ, được khắc thể chữ Lệ nghiêm trang: Mộ ông Đỗ quá cố - Đỗ Trọng.
Dòng chữ khắc trên bia mộ là: “Ngã Túy Dục Miên Khanh Thả Khứ, Minh Triêu Hữu Ý Bão Cầm Lai.” (1)
(1) Trích hai câu thơ cuối trong bài thơ “Sơn trung dữ u nhân đối chước” của nhà thơ Lý Bạch. Bản dịch nghĩa của Thi Điền: Ta say muốn ngủ, ngươi về trước. Mai nhớ mang đàn trở lại đây.
Câu thơ này là lời Đỗ Trọng nhắn nhủ vô số lần khi còn sống.
Cuối cùng ông đã dùng đến nó.
Tống Nhất Viện lau nước mắt cho vợ thầy, giọng nói nhẹ nhàng vang lên: “Ngã Túy Dục Miên Khanh Thả Khứ, Minh Triêu Hữu Ý Bão Cầm Lai. Cô à, cô đừng khóc.”
Bà gật đầu, “Ông ấy nhìn thoáng như vậy, ngược lại cô có vẻ hẹp hòi.” Bà nói như giận dỗi, “Cũng chỉ hai ba năm nữa thôi, cô sẽ ngủ bên cạnh ông ấy.”
Nỗi đau mà cái chết mang đến chưa bao giờ là nỗi đau chỉ trong phút chốc. Thậm chí có đôi khi ban đầu chúng ta không cảm nhận được sự đau đớn, nhưng nó sẽ xuất hiện hết lần này đến lần khác trong cuộc sống hằng ngày, trở thành cơn ác mộng không dễ dàng nhắc đến.
Kết thúc tất cả mọi việc, Tống Nhất Viện và Vũ Nghị về nhà.
Vũ Nghị rất lo lắng cho tình trạng của Tống Nhất Viện nhưng biểu hiện cô hết sức bình thường, buổi chiều học tiếng Anh, buổi tối học thuộc từ đơn như thường lệ.
Nhưng càng như vậy Vũ Nghị càng lo lắng.
Hai người đang định rửa mặt đi ngủ thì mẹ Tống gọi điện thoại tới, cũng không biết bà biết chuyện Đỗ Trọng qua đời và việc Tống Nhất Viện luôn giúp đỡ lo liệu chuyện hậu sự ở đâu, điện thoại vừa được kết nối, mẹ Tống đã tức giận quát lên: “Cũng không phải bố mẹ con chết, con chạy tới bận trước bận sau để làm cái gì?”
“Đó là thầy của con mà mẹ.”
“Chỉ là một giáo viên đại học mà thôi, con đã tốt nghiệp đại học bao nhiêu năm rồi? Ông ta không tìm việc cho con, cũng không cho con tiền sinh hoạt, còn làm hại con không được học nghiên cứu sinh, con nhiệt tình như vậy làm gì?! Sao không thấy con để tâm với bố mẹ như vậy?!”
“Mẹ!” Trong lòng Tống Nhất Viện như bị kim đâm, “Chuyện nào ra chuyện đấy! Thầy không có con cháu, chỉ có mấy người học trò chúng con, con tự nguyện làm việc đó để thể hiện tấm lòng của con, không ảnh hưởng đến những người khác, vì sao không thể ạ?”
“Con nhọc lòng với người ngoài, còn bố mẹ ruột đẻ ra con thì ném sang một bên! Sao tính nết của con kỳ lạ thế?!"
Tống Nhất Viện lập tức cúp điện thoại.
Lần đầu tiên Tống Nhất Viện và mẹ Tống mâu thuẫn chính là lúc Tống Nhất Viện học cấp ba, khi đó cô dành phần lớn thời gian và công sức để tổng hợp các bài thơ thường được ra trong các đề thi của trường cấp ba giúp giáo viên dạy văn. Bởi vì lúc đó Tống Nhất Viện còn chưa thạo đánh máy nên thời gian dành cho máy tính rất nhiều. Sau khi mẹ Tống biết thì tức giận chưa từng có, bà mắng cô ngốc, mắng cô không dành thời gian để học tập mà chỉ làm việc không đâu cho người khác.
Tống Nhất Viện không hiểu, người nói cô chỉ biết học hành là mẹ Tống, người nói cô xen vào việc người khác cũng là mẹ Tống. Người lớn muốn để cô học được kỹ năng gì? Lại vừa muốn cô học hành như thế nào?
Sau khi trưởng thành, cô biết được một phần những điều mà mẹ Tống đã trải qua thì mới có thể hiểu được vì sao bà như vậy. Lúc trẻ, bố Tống không biết phấn đấu, bà nội đã mất từng khiến mẹ cô chịu rất nhiều uất ức, bà ngoại sinh chín đứa con, cực kỳ coi thường con gái. Mẹ Tống một thân một mình gánh vác cả gia đình, nếu bà không ích kỷ một chút thì khi còn nhỏ Tống Nhất Viện không thể nào có được cơm no áo ấm.
Cô có thể hiểu, hơn nữa rất thương bà nhưng mười mấy năm giáo dục và góc nhìn cá nhân dần dần hình thành khiến cô không thể đối xử với người khác giống như vậy.
Cô không có tư cách chỉ trích mẹ của mình nhưng cô không thể nào chấp nhận bản thân như thế. Thế nhưng mẹ Tống vẫn cứ dùng thái độ và cách cư xử như vậy ép buộc Tống Nhất Viện.
Tâm huyết cả đời của bà dành hết cho Tống Nhất Viện, lúc yêu cô, bà yêu hết trái tim mình, khi hận cô thì sẽ như một người kỳ quặc.
Tống Nhất Viện thật sự mệt mỏi rồi.
Tối hôm đó, không biết Tống Nhất Viện ngủ thiếp đi từ lúc nào.
Vũ Nghị thấy cô ngủ thì lặng lẽ rời giường, đóng cửa phòng ngủ, vào một phòng khác gọi điện thoại.
"Chào mẹ, con là Vũ Nghị."
Mẹ Tống bất ngờ nhận được điện thoại của Vũ Nghị thì cảm thấy hơi kỳ lạ.
"Cả đời Tống Nhất Viện không nỡ nói những lời này với mẹ." Vũ Nghị hơi dừng lại, sắc mặt lạnh nhạt, anh nhíu mày, "Nhưng con rất muốn nói với mẹ."
"Nói cái gì?" Mẹ Tống cũng nhíu mày.
"Cho con hỏi bố có ở cạnh đó không ạ?"
"Có."
"Vậy có thể để bố nghe luôn không ạ?"
Mẹ Tống mở loa ngoài, "Con muốn nói gì?"
"Với tư cách là bố mẹ, hai người tàn nhẫn vô tình, vừa ích kỷ vừa hẹp hòi." Vũ Nghị mím môi, "Tống Nhất Viện không phải một con người, mà là con chó con mèo của hai người, khi vui vẻ thì khen, lúc tức giận thì mắng, làm việc gì không vừa ý thì hai người sẽ mắng cô ấy bất hiếu. Cứ như hai người nuôi cô ấy là công ơn trời biển, cô ấy nhất định phải yêu hai người, còn không yêu thương thì chính là động vật máu lạnh. Cô ấy có yêu hai người không, điều đó không được quyết định bởi hai người có phải bố mẹ của cô ấy không, mà quyết định bởi hai người có xứng đáng với tình yêu của cô ấy không. Còn hai người cảm thấy cho cô ấy mạng sống và vật chất thì chính là đã cho tất cả, không hề quan tâm đến tinh thần của cô ấy, không trao đổi mà chỉ kết luận, không giãi bày mà chỉ ra lệnh, rồi lại cảm thấy thế giới tinh thần cực kỳ nhạy cảm của cô ấy là giả vờ giả vịt. Con không biết vì sao có những bậc làm bố làm mẹ như hai người, không bao giờ đồng ý với cô ấy, cũng không coi cô ấy là niềm tự hào. Khen cô ấy một câu thì khó lắm ạ?" Anh hơi dừng lại, "Bỏ đi thân phận bố mẹ, hai người chính là hai người trung niên thất bại, một người không có chủ kiến, khúm núm câu nệ với cuộc sống hôn nhân, một người độc tài, cố chấp, ích kỷ, thiếu hiểu biết, tầm nhìn hạn hẹp. Mẹ à, con muốn hỏi mẹ, vì sao chuyện Dương Hâm mất mà mẹ có thể không hề suy nghĩ và tàn nhẫn cho rằng đây là lỗi của Tống Nhất Viện, nhất định phải buộc xiềng xích cho cô ấy vậy? Vì sao thầy Đỗ qua đời mẹ lại nổi giận, cho rằng Tống Nhất Viện xen vào việc người khác? Thái độ trong hai chuyện này vì sao lại mâu thuẫn vậy hả mẹ?"
"Tôi chỉ muốn tốt cho nó!" Mẹ Tống không dám tin, cơn giận bùng lên, "Cậu có tư cách gì mà nói những lời như thế với chúng tôi!?"
"Con xin lỗi, những lời con nói cực kỳ vô lễ." Vũ Nghị nói, "Ngày mai con sẽ đến nhà xin lỗi nhưng con nhất định phải nói cho xong."
"Để cô ấy sống với cảm giác tội lỗi giết người cả đời là vì muốn tốt cho cô ấy ư? Ngăn cản cô ấy giúp đỡ người thầy mà cô ấy kính mến là vì muốn tốt cho cô ấy ư? Vì ích kỷ mà mẹ có được tất cả như ngày hôm nay, hình như cuộc sống không có gì quá khó khăn, không ai chỉ trích mẹ, hơn nữa dường như có rất nhiều người đồng tình, vậy nên mẹ cảm thấy bản thân vĩ đại, tài giỏi và đúng đắn sao? Thế nên Tống Nhất Viện không như mẹ thì chính là đứa ngốc, sớm hay muộn gì cũng chịu thiệt thòi à? Hay chính mẹ cũng biết bản thân không đúng, sợ hãi một ngày nào đó Tống Nhất Viện sẽ đứng về phía lẽ phải mà trách móc mẹ, đồng thời hoàn toàn thoát khỏi bàn tay mẹ, bởi vậy mẹ sẽ mất đi sự ủng hộ của người đứng đầu, thế nên luôn luôn kiểm soát cô ấy, không để cô ấy tự do? Mù quáng mà còn gật gù đắc ý, thiếu hiểu biết mà còn hùng hồn, là một người bị cuộc sống đánh bại, mẹ có tư cách gì để chỉ đạo cuộc đời của Tống Nhất Viện?"
"Bố à, người càng khiến người ta thất vọng là bố. Bố là bố của cô ấy, nhưng cũng không phải bố của cô ấy. Khi cô ấy cần sức mạnh đến từ người bố thì bố chưa từng cho cô ấy. Không chỉ thế mà bố còn chọn cách im lặng để làm giảm sức mạnh trên người cô ấy. Tống Nhất Viện có thể khỏe mạnh, tích cực trưởng thành đến ngày hôm nay là do việc học hành cứu cô ấy, cũng may mắn có thần linh phù hộ cho cô ấy. Cô ấy không chỉ không oán trách hai người mà còn yêu bố mẹ mình hơn những người ngoài kia. Nhưng hai người không xứng với tình yêu của cô ấy."
Mẹ Tống tức giận đến mức nói không thành lời, đang định nói gì đấy thì bố Tống vẫn luôn im lặng đỏ mắt quát: "Được rồi!"
Vũ Nghị: "Nói với bố mẹ những lời này thật sự rất cực đoan, nhưng chỉ cực đoan mới có thể khiến hai người dao động. Con làm như vậy thật sự không ổn nhưng con không có biện pháp tốt hơn, hai người là nút thắt lớn nhất trong lòng cô ấy, cô ấy không tháo gỡ được, hai người sẽ không chủ động tháo gỡ nên con chỉ có thể chặt ngang một nhát. Ngày mai con sẽ tới nhà xin lỗi, chúc bố mẹ ngủ ngon ạ."
"Đừng đến đây! Các cô các cậu hay lắm được lắm, tôi coi như không có đứa con gái này!"
Điện thoại bị cúp.
Vũ Nghị đứng trước cửa sổ, mím chặt môi.
Ngày hôm sau, Vũ Nghị hơi lo lắng nhìn Tống Nhất Viện dậy sớm học từ đơn. Cô thản nhiên cười: "Lo lắng cho em lắm à?"
Vũ Nghị chỉ nhìn cô, ánh mắt sâu thẳm.
Tống Nhất Viện nhẹ nhàng ôm anh, "Em thật sự không sao cả." Dừng một chút rồi cô mới nói, "Em rất buồn, cảm giác này không thể giãi bày với người khác. Nhưng em có thể khống chế để nó không ảnh hưởng đến cuộc sống. Ảnh hưởng của thầy Đỗ với em mang lại cho em một sức mạnh chưa từng có, khiến em không thể yếu đuối, không thể đắm chìm trong cái chết của thầy mà quên mất mình phải sống. Em muốn làm một người học trò để thầy tự hào, cuộc đời của em đã trôi qua một phần ba, mà để có thể trở thành người học trò làm thầy tự hào là con đường dài biết bao gian nan, em không thể buông thả bản thân chỉ biết khóc, em muốn làm nhiều hơn, muốn cố gắng nhiều hơn, em muốn chăm sóc vợ thầy, em muốn yêu anh nhiều hơn, em cũng muốn lại là chính mình."
Vũ Nghị không khống chế được mà hôn cô: "Em giỏi quá."
"Giỏi nhất là anh." Tống Nhất Viện đáp, "Khi ở phòng bệnh, em chỉ biết khóc, còn anh biết dàn xếp tình hình như thế nào, trong khoảnh khắc đó, chính anh đã làm em hiểu được cái gì gọi là gánh vác."
Anh muốn cô mãi mãi là Tống Nhất Viện hồn nhiên lương thiện, đa sầu đa cảm; cũng rất tự hào vì cô là Tống Nhất Viện kiên cường dũng cảm, nỗ lực mạnh mẽ.
Hai người tạm biệt ở cửa, Tống Nhất Viện nói: "Chăm chỉ làm việc, em chờ anh về."
"Ừ."
Hai người trao nhau nụ hôn tạm biệt như thường lệ.
Vũ Nghị không lái xe đến công ty mà đi về hướng nhà bố mẹ Tống.
Mẹ Tống không mở cửa, Vũ Nghị chờ ngay bên ngoài. Đợi một ngày, hàng xóm xung quanh khu phố bàn tán ồn ào xôn xao.
Mẹ Tống luôn để ý đến lời bàn tán của hàng xóm, vậy mà lần này giống như không nghe thấy.
Đến giờ tan làm, Vũ Nghị nói với người bên trong: "Mẹ ơi con về trước đây, Viện Viện không biết con đến chỗ bố mẹ. Ngày mai con lại qua tiếp ạ."
Cánh tay mẹ Tống đang cầm cây đậu đã ngắt xong run lên, bà mở vòi nước để rửa.
Ngày hôm sau, Vũ Nghị lại tới khu nhà. Đợi đến trưa vẫn không ai mở cửa. Người ở đối diện thì lại hỏi Vũ Nghị: "Cậu tới đây làm gì thế?"
Vũ Nghị không trả lời, sắc mặt lạnh nhạt.
Người cả khu phố truyền tai nhau, người kia kể cho người nọ, ánh mắt như có như không liếc nhìn Vũ Nghị.
Lại thêm một ngày không có kết quả.
Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm… Đến ngày thứ bảy, bố Tống mở cửa.
Vũ Nghị lên tiếng: "Con xin lỗi vì đã nói nhiều lời quá đáng như vậy."
Bố Tống lắc đầu.