SỔ TAY HÌNH SỰ

Chưa bao giờ Vạn Hộ Thành nhận được nhiều sự chú ý như lúc này, không chỉ cảnh sát tập trung tại đây mà tất cả các công nhân viên tại rất nhiều nơi như trường học, bệnh viện đều phải tăng ca.

Xe cộ chen chúc nhau trên con đường mà thường ngày vốn thoáng đãng cùng dòng người hối hả ngược xuôi.

Trường trung học số một Vạn Hộ tọa lạc tại phía đông Vạn Hộ Thành, có thể coi là một khu khá ổn trong khu vực.

Kiều Trạch nhanh chóng bắt kịp Tô Hồi, trình thẻ cảnh sát rồi dẫn anh vào trường.

Trường trung học số một Vạn Hộ là một trường cấp ba có tiếng ở Hoa Đô, dù phần lớn cư dân Vạn Hộ Thành nghèo khó nhưng thành tích học tập của học sinh ở đây lại rất tốt. Người ta nói tri thức thay đổi số phận, thế hệ sau ở đây trưởng thành sớm hơn trẻ con trường khác, cũng chịu khó hơn.

Năm nay, ngôi trường này giành hạng ba thành phố trong kỳ thi chung, rất nhiều gia đình không ở Vạn Hộ Thành cũng cho con em mình theo học ở đây.

Được gây dựng và từng bước phát triển từ một nơi như thế này, trình độ của giáo viên cũng là kém nhất, muốn có thành tích như vậy không phải chuyện dễ dàng nhưng giờ đây lại có bi kịch xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh và danh tiếng của trường.

Nạn nhân đều là học sinh trong trường, hiệu trưởng Vương của trung học số một Vạn Hộ đã chạy đến từ lâu. Đó là một người đàn ông trung niên hơn năm mươi tuổi, tóc đã hoa râm, nghe nói cảnh sát tới bèn chạy ra đón, dẫn hai người họ vào tòa nhà văn phòng sáu tầng.

Tô Hồi chống ba-toong theo sau, dù anh không nhìn rõ nhưng vẫn thấy lưng áo hiệu trưởng Vương ướt đẫm mồ hôi.

Hiệu trưởng Vương vừa lên tầng vừa nói: “Hai anh cảnh sát, chuyện này bất ngờ quá, có yêu cầu gì các anh cứ nói, chúng tôi sẽ phối hợp hết, các anh nhất định phải cứu học sinh của tôi!”

Kiều Trạch gật đầu, nói: “Chúng tôi đang cố gắng…”

Hiện giờ trường không được tổ chức học thêm, vốn các giáo viên đã về nhà, chuẩn bị nghỉ ngơi cuối tuần nhưng tình hình bất ngờ xảy đến khiến các thầy cô đều phải về trường tăng ca.

Các văn phòng trong khu dạy học đều sáng đèn, rất nhiều văn phòng dọc hành lang còn không đóng cửa.

Trong khu văn phòng ồn ào, có người mở phòng trực tiếp, có mấy giáo viên vội vàng tìm hồ sơ của học sinh, còn có người nhận điện thoại của phụ huynh, mọi người đều tất bật, nhốn nháo hoảng loạn.

Tô Hồi ho mấy tiếng, nói với hiệu trưởng Vương: “Hiệu trưởng Vương, thầy có thể gọi chủ nhiệm của ba em kia giúp tôi không, tôi muốn hỏi riêng tình hình của mấy học sinh này.”

Trước đó Khúc Minh đã gọi điện trao đổi với nhà trường, cũng đã gửi hồ sơ của vài học sinh qua nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Anh buộc phải tìm hiểu về những nạn nhân này trong thời gian ngắn nhất, tìm ra điểm chung giữa họ.

Lúc này phụ huynh học sinh hẳn đã mất bình tĩnh, chỉ có những giáo viên này là người tiếp xúc với học sinh nhiều nhất, hiểu nhiều nhất, công bằng nhất, chỉ họ có thể cho anh đáp án anh muốn.

“Được, được, được!” Hiệu trưởng Vương luôn miệng đồng ý, ông dẫn họ vào một văn phòng nhỏ, “Các anh đợi một lát, tôi sẽ dẫn các thầy cô qua ngay.”

Trong phòng có một tấm bảng đen, Tô Hồi chỉ vào đó, nói: “Kiều Trạch, lát nữa cậu ghi chép lên đây.”

Kiều Trạch đáp: “Vâng!” Cậu xóa sạch mấy công thức lộn xộn trên bảng, chuẩn bị ghi chép.

Không lâu sau, ba giáo viên đã vào văn phòng, một người trong đó là cô giáo trung niên hơi mập, một người là nữ giáo viên trẻ, người còn lại là một thầy giáo cao gầy đeo kính.

Vừa bước vào văn phòng, ba người đã đưa một chồng ảnh và sơ yếu, cùng với hồ sơ cho anh.

Tô Hồi ho mấy tiếng, đọc mấy xấp tài liệu kia, “Ai là chủ nhiệm của Khổng Đào?”

Khổng Đào cũng là nạn nhân đầu tiên bị thiêu chết, người phụ nữ trung niên béo lùn nói: “Tôi, tôi dạy môn ngữ văn.”

“Thầy cô nào là chủ nhiệm của Mạc Tú Tú?”

Cô giáo trẻ nói: “Tôi là giáo viên toán của Mạc Tú Tú.”

Thầy giáo còn lại nói: “Tôi là thầy tiếng Anh của Đào Anh Húc, cũng là chủ nhiệm lớp em ấy.”

Tô Hồi bỏ những tài liệu kia xuống, không đọc nữa, chín mươi chín phần trăm những thông tin trong này đều vô dụng, Khúc Minh cũng đang sàng lọc không ngừng, hiện giờ anh không cần phí thời gian với những thứ này.

Anh cần đáp án, một đáp án gần với sự thật hơn.

Tô Hồi lên tiếng: “Không có nhiều thời gian, chúng ta nói ngắn gọn thôi. Tôi muốn hỏi những học sinh này có đặc trưng gì, từng gặp chuyện gì, có điều gì khác biệt… Quan trọng nhất là, họ có điểm chung nào không.”

Sắc mặt các giáo viên đều không ổn, họ hơi gò bó quay sang nhìn nhau, dường như không biết nói gì cho phải.

Dưới ánh đèn trắng, bầu không khí trong văn phòng như ngưng đọng.

Cuối cùng, cô giáo trẻ mở lời trước: “Trước đây cảnh sát cũng gọi đến hỏi rồi nhưng mấy học sinh này đều không cùng khối, không cùng lớp… Thành tích học tập cũng có đứa tốt đứa không, chúng tôi mới xem sổ ghi, chúng cũng không cùng nhóm thực hành xã hội, không tham gia cùng câu lạc bộ. Chúng tôi thật sự không nghĩ ra ba đứa nhóc này còn điểm gì khác biệt hay chỗ nào giống nhau nữa…”

Thầy giáo cũng đẩy kính, vội nói: “Đúng vậy, cảnh sát đã hỏi mấy lần rồi, đến địa chỉ nhà và đường về nhà của các em ấy cũng khác hẳn nhau. Chúng tôi cũng đã hỏi phụ huynh rồi, không ai quen biết ai, công việc của họ cũng khác nhau, ba đời trong nhà không có qua lại.”

Kiều Trạch viết tên ba nạn nhân trên bảng, cậu cầm bút nhìn ba giáo viên kia, đây rõ ràng không phải đáp án họ muốn.

Cậu cố gắng khuyên bảo các giáo viên: “Chúng tôi không phải người của bộ Giáo dục xuống kiểm tra, cũng không phải hỏi đáp trong buổi họp phụ huynh, các thầy cô đừng giấu chúng tôi, nghĩ đến điều gì phải nói với chúng tôi. Có lẽ một câu vu vơ của mọi người cũng có thể giúp chúng tôi rất nhiều trong việc phá án.”

Cô giáo trung niên kia sắp khóc vì sốt ruột, “Đồng chí cảnh sát, không phải tôi không muốn nói… Khổng Đào chỉ là một học sinh rất bình thường trong lớp chúng tôi thôi, hôm nay bị gọi lên, bây giờ tôi vẫn đang rối đây… Tôi thấy cảnh tượng cuối cùng, sợ gần chết. Em đó sức học bình thường, tôi, bây giờ tôi cũng không nghĩ ra em ấy có gì đặc biệt…”

Tô Hồi nhíu mày, sắc mặt trắng bệch, thời gian quá gấp rút, anh phải dạy những người này nguyên lý khắc họa tâm lý trong thời gian rất ngắn, để họ tự khắc họa học sinh của mình.

Nghĩ tới đây, Tô Hồi khàn giọng nói: “Từ học thuyết về tội phạm, chỉ khi hung thủ gặp gỡ nạn nhân mới nảy sinh hành vi phạm tội, nói cách khác thì chắc chắn hung thủ đã từng tiếp xúc với những học sinh này, nhất định họ phải có điểm chung nào đó trong cuộc sống. Nơi họ tiếp xúc có thể là trường học, quán net, siêu thị…”

Cô gái trẻ nghĩ hồi, nói: “Khó lắm, ban ngày trường không cho người lạ vào, nếu gặp sau giờ học thì chúng tôi lại không thể kiểm soát hết được.”

“Các thầy cô cố hết sức là được.” Tô Hồi nói tiếp: “Mỗi hung thủ đều có cách chọn con mồi của riêng mình, họ sẽ không chọn một cách vô tội vạ. Chắc chắn những đứa bé này có chung một điểm thu hút hung thủ. Có lẽ đó chỉ là những đặc trưng rất nhỏ, có thể nhỏ tới nỗi đó chỉ là cách phát âm, móc treo trên cặp, sở thích ăn uống…”

Cô giáo trung niên khóc lóc ngẩng đầu, “Nhưng… bây giờ đầu óc tôi trống rỗng hết cả, không nghĩ được gì.”

Tô Hồi tiếp tục dịu giọng dẫn dắt họ: “Những đứa trẻ đó là người sống, là học sinh trong lớp các thầy cô, họ có chỗ ngồi trong lớp, có bạn cùng bàn, có bạn thân. Ngày nào họ cũng đi học, ngày nào cũng ngồi trong lớp mọi người, họ đều tham gia hội thao, các hoạt động trong lớp. Họ đều biết cười, biết khóc, ngày nào cũng làm bài tập… Dù có bình thường thế nào cũng có môn học sở trường, có những chỗ chưa giỏi…”

Thầy giáo lắp bắp nói: “Nhưng những chuyện đó không liên quan đến vụ án, chúng tôi cũng không biết vì sao các em lại bị bắt cóc, lại bị cuốn vào chuyện này.”

“Đập vỡ giới hạn trong đầu các thầy cô đi, không có chuyện gì là hoàn toàn không liên quan đến vụ án.” Tô Hồi nói: “Các thầy cô chỉ cần nói tất cả những thông tin mình biết cho tôi, những tin tức đó có ích hay không, có hỗ trợ phá án hay không thì đó là điều chúng tôi phải điều tra và cân nhắc.”

Lần này, cuối cùng các thầy cô cũng hiểu.

Họ cúi đầu suy nghĩ.

Tô Hồi cố gắng giúp họ bình tĩnh lại, “Các thầy cô nhắm mắt lại, nhớ lại học sinh của mình, bề ngoài của họ, dáng vẻ khi họ nói chuyện, biểu cảm, thường ngày họ làm gì, chơi với những người bạn nào, có nói chuyện với mọi người bao giờ chưa, từng bị phê bình vì chuyện gì, đã bị mời phụ huynh bao giờ chưa? Các thầy cô có từng đến nhà họ không? Gia cảnh thế nào… Có thể đáp án đang ở ngay trong đầu mọi người…”

Chuyện gì cũng có nhân có quả, cũng có thể chỉ đôi chút nguyên nhân rất nhỏ cũng dẫn đến kết quả hôm nay.

Cô giáo trung niên nhớ ra gì đó, nói: “Khổng Đào… em ấy vẫn luôn ngồi cuối lớp, mỗi lần tôi đi qua cửa sau đều thấy em ấy. Em ấy rất thích nói chuyện với bạn cùng bạn, lúc nào cũng bị tôi tóm được.”

“Em ấy học không tốt lắm, nhưng vóc dáng cao to. À đúng rồi, em ấy chơi bóng rổ rất giỏi, từng tham gia huấn luyện của đội trường một thời gian, rất nhiều bạn nữ thích xem em ấy chơi bóng nhưng sau này bỗng dưng không chơi nữa. Tôi từng hỏi, em ấy bảo muốn tập trung học hành, cơ mà điều đó không có nghĩa là khi em ấy nghỉ chơi bóng thì thành tích cũng sẽ khá hơn.

“Em ấy thường xuyên trêu ghẹo các bạn nữ trong lớp, còn mua gián và rắn giả, không chỉ làm mấy cô bé đó khóc một lần, thỉnh thoảng có em nào lên văn phòng báo cáo, tôi sẽ phạt đứng em ấy…”

Nghe tới đây, Kiều Trạch bắt đầu ghi chép lên bảng.

Tô Hồi gật đầu, nói: “Chính những thông tin này đây, nếu nghĩ được thêm chút nữa thì càng tốt.”

Được khích lệ, cô giáo trung niên kia càng dũng cảm ơn, cô nói tiếp: “Mẹ Khổng Đào rất bận, thường xuyên không có thời gian làm bữa sáng cho em ấy, vậy nên em ấy hay ăn bánh trứng kẹp mua bên ngoài, có mấy lần còn mang vào lớp.”

“Còn nữa, Khổng Đào rất bạo gan, không cho đi đâu thì đi đó. Có lần em ấy từng đi trượt ván với học sinh lớp khác, rơi từ trên cầu thang xuống suýt nữa tai nạn trong trường. Em ấy còn đạp xe với các học sinh khác, có mấy lần phi xe nhanh lắm…”

Tô Hồi tiếp tục khen ngợi: “Tốt lắm, đây là những thông tin chúng tôi cần.”

Cô giáo trung niên ngồi thẳng dậy, “Đúng rồi, em ấy có một điểm rất lạ, rất thích lửa. Em ấy từng viết một bài văn, nói trong ngọn lửa có phượng hoàng tái sinh. Em ấy không hút thuốc nhưng lúc nào cũng mang theo bật lửa, tôi phát hiện có mấy lần em ấy đốt lửa sau trường, thiêu rụi một đụn lá cây, nói muốn nướng chim cho các bạn, sau đó bị giáo viên trực ban phát hiện mới dập lửa.”

Đến lúc này, cuối cùng học sinh tên Khổng Đào kia cũng đã sống động hơn, là một sinh mạng đầy sức sống.

Tô Hồi nhanh chóng tổng hợp thông tin về học sinh này trong đầu. Cậu ta thiếu tình thương của bố, tìm kiếm kích thích, bất chấp tất cả làm vài chuyện nguy hiểm, có thể là muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ, thầy cô và bạn bè.

Cậu ta thích lửa, cuối cùng lại chết cháy, rốt cuộc là tình cờ hay hung thủ cố ý làm vậy?

Tô Hồi hỏi cô giáo: “Cậu ấy có từng nhắc đến giày bóng rổ không?”

“Giày bóng rổ…” Cô giáo cúi đầu, sau đó chợt nhớ ra, nói: “Em ấy không chơi bóng nữa có thể là do giày chơi bóng bị hỏng. Có lần tôi nghe em ấy nói với các bạn là giày chơi bóng chuyên nghiệp đắt quá, kiếm tiền cũng không mua được.”

Kiều Trạch ghi lên bảng, khoanh tròn giày chơi bóng.

Một học sinh như vậy, chắc chắn rất muốn có một đôi giày chơi bóng.

Tiếp theo là cô giáo trẻ, cô mở miệng nói: “Thành tích của Mạc Tú Tú bình thường, tôi dạy toán, môn toán của em ấy nằm trong hai mươi hạng đầu lớp. Cô bé lớn nhanh, còn lén lút sửa đồng phục, cũng rất chú trọng đến đầu tóc, chúng tôi không cho nữ sinh dùng trang sức trên tóc, cô bé lại lén lút tết tóc, còn học trang điểm.”

“Em ấy hay sơn móng tay, tôi phát hiện mấy lần rồi bảo em ấy tẩy đi nhưng em ấy sẽ lại sơn lại, còn kéo các bạn khác sơn cùng, tôi gọi gia đình lên nói chuyện mấy lần cũng không có tác dụng.”

“Đúng rồi… Em ấy nhảy múa giỏi lắm, cũng coi là có năng khiếu nhảy, mấy lần lớp phải tham gia diễn văn nghệ, em ấy cũng hay lên nhảy. Cô bé này rất lắm trò, hơi thích ba hoa, mỗi lần chạy buổi sáng, cô bé cũng hay lấy cớ mình đến ngày để trốn.”

“Cô bé, cô bé khá xinh xắn, cũng có tiếng trong trường, trong lớp cũng có người theo đuổi… Cô bé thích ăn đồ ngọt, thường xuyên xuống căn tin mua đồ ăn vặt, còn có mấy bạn nam mua cho ăn. Có lần tôi tìm thấy mấy cuốn tiểu thuyết trong ngăn bàn em ấy…”

“Gần đây tôi có thấy cô bé khóc một lần, sau này hỏi ra, hình như là đổi vũ đạo mới, cô bé đang đứng giữa đội hình lại bị đẩy sang bên cạnh. Cô bé khóc mãi nhưng cuối cùng vẫn lên sân khấu diễn…”

Dường như mọi thứ đã dần vào quỹ đạo, Kiều Trạch nhanh nhẹn ghi lại vài thông tin, chẳng mấy chốc đã viết kín nửa bảng.

Tô Hồi cũng đang tổng kết, thích đọc sách, ham thể hiện, đặt nặng ngoại hình, muốn đứng giữa sân khấu…

Anh men theo nguyên nhân tử vong của Khổng Đào, hỏi: “Mạc Tú Tú có thích bơi lội không? Hoặc có gì liên quan đến nước không?”

Giáo viên trẻ nói: “Cô bé thích bơi lắm, có lần nghỉ hè còn dẫn các bạn ra sông bơi, bị phụ huynh một bạn học phát hiện báo cáo lên trường. May mà lúc đó không ai làm sao.” Nói tới đây, cô dừng một lát: “Mạc Tú Tú đã mất rồi sao?”

Tô Hồi lắc đầu, “Vẫn đang cấp cứu.”

Cô giáo trẻ thở phào.

Cuối cùng đến lượt giáo viên nam kia, anh ta lên tiếng: “Nói thật trước hôm nay, tôi hoàn toàn không ngờ Đào Anh Húc sẽ bị kéo vào livestream chết chóc kia. Thành tích học của học sinh này rất tốt, vẫn luôn trong tốp năm lớp chúng tôi, trong đó môn sinh là tốt nhất, lúc nào cũng hạng nhất.”

“Đào Anh Húc không phải người hoạt ngôn nhưng rất hòa thuận với bạn bè, cũng rất có tiếng nói trong lớp. Lần trước tranh chức lớp trưởng chỉ thua một phiếu thôi.”

“Gia cảnh em ấy không được tốt nhưng hình như mẹ em ấy quen với người rất giàu có, tôi từng thấy em ấy cầm một chiếc điện thoại đời mới. Em ấy viết chữ rất đẹp, vẫn luôn chép đề giúp giáo viên, còn hay trang trí bảng. Em ấy là cán sự hoạt động trong lớp. Đúng rồi, giọng em ấy cũng hay… Em ấy từng tham gia cuộc thi đọc diễn cảm, còn được giải… Em ấy thích rất nhiều thứ, trường chúng tôi có lớp năng khiếu miễn phí, em ấy cũng tham gia.”

“Em ấy thích xem phim, gần đây có một rạp phim vé rẻ, em ấy thường xem phim ở đó. Em ấy còn có một chiếc máy tính, cũng rất thích lập trình.”

Tô Hồi nghe vậy bèn ngẩng đầu, anh bỗng cảm giác nam sinh này không giống hai đứa trẻ kia lắm.

So ra thì cậu ta xuất sắc hơn hai người kia nhiều.

Ba giáo viên lần lượt kể rất nhiều chuyện, Kiều Trạch cũng ghi kín cả bảng đen.

Tô Hồi nhìn chữ viết trên bảng, anh không nhìn rõ nội dung nhưng anh nhớ những manh mối này. Anh lọc bớt những manh mối vô dụng, chọn ra những thông tin hữu ích.

Những đứa trẻ này có sự tương đồng trong tính cách, nhất định họ có chỗ nào đó thu hút kẻ phạm tội này.

“Nếu nói đến sở thích ngoại khóa, Khổng Đào có lẽ là bóng rổ, Mạc Tú Tú là vũ đạo, vậy Đào Anh Húc…”

Thầy giáo nói: “Ban đầu em ấy từng học lớp quay phim, sau này lại chọn học đạo diễn truyền hình, chỉnh sửa hậu kỳ.” Sau đó anh ta đẩy kính, giải thích: “Dù chúng tôi chỉ là một trường nhỏ nhưng các giáo viên cũng mong học sinh được tiếp xúc với những thứ hiện đại, không quá xa rời xã hội. Nếu các em được học cách quay video ngắn, tự mình chỉnh sửa, lồng tiếng, cũng là một thú vui trong cuộc sống.”

Bóng rổ, nhảy múa, học đạo diễn phim truyền hình.

Họ không chịu tầm thường, những học sinh này còn trẻ, tràn đầy khát vọng được thể hiện bản thân, mong muốn được chú ý, có một vài đặc điểm của rối loạn nhân cách kịch tính…

“Họ có từng tham gia biểu diễn hay hoạt động gì đó cùng nhau không?” Tô Hồi đặt câu hỏi trên đặc điểm của các học sinh.

Các thầy cô bắt đầu thảo luận.

“Biểu diễn… Mạc Tú Tú có tham gia biểu diễn trong buổi tổng kết khu vực năm ngoái.”

“Nhưng Khổng Đào không đến đó, thằng bé chỉ biết chơi bóng, không tham gia hoạt động văn nghệ đâu.”

“Đào Anh Húc nhận giải trong cuộc thi đọc diễn cảm năm ngoái.”

Thầy giáo kia bỗng thốt lên, nói: “Tôi nhớ ra một chuyện, trước đây có một đạo diễn tới trường, nói muốn quay phim tài liệu về Vạn Hộ Thành, kêu gọi học sinh trong trường tham gia, Đào Anh Húc nói mình hỗ trợ họ quay phim, còn đảm nhiệm chức vụ gì đó cơ.”

Một cô giáo khác cũng nói: “Đúng rồi, đúng rồi! Hình như tôi cũng từng nghe Mạc Tú Tú kể chuyện này, cô bé xin tôi nghỉ ba ngày, chuyện xảy ra hơn một tháng trước.”

“Đúng rồi, Khổng Đào cũng tham gia hoạt động này.”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi