Chuyện Từ Tuệ, Đường Thận không thể nào gạt tiên sinh được. Lương Tụng hỏi, cậu chần chừ một lát rồi kể hết.
Đường Thận nói: “Anh Ngu Chi bảo thực ra anh ấy không muốn phiền con, chẳng qua lúc ấy thầy đang ở Kim Lăng, việc thì gấp gáp, anh ấy chỉ thử tìm con xem sao thôi ạ.”
Lương Tụng: “Thầy thực sự không muốn nó tìm con chút nào.”
Đường Thận sửng sốt, nghiêng đầu nhìn Lương Tụng.
Lương Tụng: “Thận nhi, nếu nó đã nói cho con biết đạo sĩ Hoa kia là ai, hẳn cũng đã nói tại sao phải thám thính tin tức từ chỗ gã, đồng nghĩa với việc con cũng biết việc này dính dáng đến cái gì rồi.”
Đường Thận nhủ thầm, chẳng phải là chuyện chính biến trong cung hơn hai mươi năm trước sao? Cậu không trả lời, chỉ cúi mặt làm thinh. Song dù không nói ra, Lương Tụng cũng biết trong lòng cậu đã tỏ tường.
Lương Tụng thở dài.
Người học trò này của ông nhỏ tuổi nhưng xử sự khôn khéo, rất biết cách đối nhân xử thế. Từ Tuệ kể chuyện bí mật cho Đường Thận, Đường Thận tất sẽ kín đáo điều tra rõ chân tướng và tìm hiểu rõ mấy tháng nay anh ta làm gì hộ thầy. Dù Đường Thận không nói, ông cũng biết rằng cậu đã nắm được tình hình.
Bằng một giọng chân thành và trìu mến, ông bảo: “Vi sư biết, con không quá tha thiết với việc làm quan.”
Đường Thận: “Cũng không hẳn ạ…” Quan trường như dòng sông dữ đầy đá ngầm, mấy ai dám khẳng định mình có thể vững tay chèo vượt qua. Mục tiêu của Đường Thận là đỗ cử nhân rồi làm một hương thân giàu có, an cư tại vùng sông nước Giang Nam địa linh nhân kiệt, ngày ngày ăn no ngủ kĩ, cùng em gái hưởng thụ cuộc sống yên bình.
“Được rồi, vi sư làm sao mà không biết trong lòng con tính toán gì.”
“…Tiên sinh hiểu con quá ạ.”
“Con nghĩ được như vậy kể cũng tốt. Con từng nói, thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách. Có chí khí là rất hay, tuy nhiên vi sư không bao giờ ép con phải giữ khư khư lấy lí tưởng đó. Hiện giờ Đại Tống có vẻ yên ổn, nhưng người Liêu ở phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó nước ta. Nếu con có thể sống bình an hạnh phúc cả đời thì đó cũng là điều vi sư hằng mong mỏi.”
Hai thầy trò đi đến đầu hẻm, Lương Tụng ngừng bước, nghiêm giọng: “Kể từ hôm nay, chuyện Ngu Chi nhờ vả không liên quan gì tới con hết. Con chớ có nhúng tay vào thêm.”
Đường Thận sững người.
Lương Tụng cười: “Đường tiểu tam nguyên à, con về đi. Công văn phủ Cô Tô chất cao như núi rồi, vi sư phải về phê duyệt đây!”
Quản gia Lương phủ đã chờ sẵn ở đầu hẻm, Lương Tụng leo lên xe ngựa. Xe chưa lăn bánh, Đường Thận đã vội chạy theo, gọi: “Tiên sinh!” Lương Tụng kéo mành xe, chỉ thấy dưới gốc dương liễu, cậu thiếu niên tuấn tú tha thiết nói: “Tiên sinh nói rằng, tiên sinh mong cho con được cả đời an vui thuận lợi. Con cũng muốn nói với tiên sinh điều tương tự, con mong tiên sinh suốt đời yên vui, tuổi già thanh thản.”
Lương Tụng nhìn Đường Thận chăm chú hồi lâu, nói: “Được!”
Đường Thận đứng ở đầu con hẻm nhìn theo Lương Tụng rời xa.
“Hầy, chẳng biết tiên sinh có nghe vào tai không nữa.”
Trong lòng Đường Thận rất buồn. Cậu là một người hiện đại, tuy đã thuộc làu Tứ thư Ngũ kinh và câu “Quân quân thần thần, phụ phụ tử tử” của Khổng Tử, nhưng rốt cuộc cũng chỉ thuộc lòng thôi chứ chẳng làm nên cơm cháo gì. Nhớ kiếp trước, vào những năm cuối triều Nam Tống, tể tướng Lục Tú Phu đã ôm ấu chúa nhảy xuống biển hi sinh vì nước, mười vạn thần dân cũng khảng khái chịu chết theo. Nghe câu chuyện “Trung Hoa mất từ trận Nhai Sơn1” này, cậu vô cùng khâm phục các nghĩa sĩ, nhưng không thể nào đồng cảm được với họ và cũng không bao giờ muốn bắt chước theo.
[1] Trận hải chiến Nhai Sơn là thời điểm quân Nguyên chấm dứt hoàn toàn triều đại của người Hán ở Trung Quốc nên văn minh Hoa Hạ bị coi là đã chết. (Vốn người Mông Cổ và các tộc người khác bị người Hán coi là mọi rợ).
Cho dù trong cuộc chính biến ngoài cổng cung hai mươi lăm năm về trước, Thái tử và Chung đại nho bị hãm hại chứ không hề có ý đồ đoạt ngôi, nhưng Đại Tống ngày nay đang tận hưởng thái bình thịnh thế. Thánh thượng đương thời có thể không phải là hoàng đế tốt, song ông cũng chẳng phải hôn quân. Ngay cả khi mê muội vì tu tiên, ông vẫn không hề tin dùng bè lũ gian nịnh, đất nước này vẫn có hi vọng.
“Rốt cuộc tiên sinh định làm gì đây?” Đường Thận ngửa mặt lên trời thở dài.
Về tới nhà, đang sầu não, Đường Thận lại phát hiện có mấy người khách trong sân.
Đường Thận khá bất ngờ khi thấy Đường cử nhân ở nhà mình, hơn nữa lần này không chỉ có mình ông ta ghé thăm mà còn có Đường phu nhân, quản gia và cả Đường Vân nữa.
Dàn quân hùng hậu thế này, không hiểu là bọn họ có ý gì đây.
Đường Thận tiến lại gần chào hỏi: “Đại bá phụ, đại bá mẫu, anh họ.”
Đường cử nhân tỏ ra khá gượng gạo.
Năm ngoái khi Đường Thận mới tới phủ Cô Tô, Đường cử nhân đã rất hờ hững với anh em Đường Thận vì còn giận Đường tú tài. Tuy rằng ông đã tổ chức tiệc mừng ba ngày ba đêm sau khi Đường Thận đỗ án thủ toàn phủ, nhưng ông vẫn thấy khá lúng túng khi gặp Đường Thận hôm nay.
Thấy chồng có vẻ khó xử, Đường phu nhân bèn mở lời: “Thận nhi, cả nhà bác đến chúc mừng cháu đỗ đầu kì thi viện, đoạt danh hiệu tiểu tam nguyên đồng sinh!”
Có mỗi thế thôi à?
Nếu chỉ vì chúc mừng cậu đỗ tiểu tam nguyên thì cần gì rủ đông người đến đây như thế, chắc là còn ý khác đây. Đường Thận dự đoán vài khả năng, đoạn cười bảo: “Cảm ơn đại bá mẫu.”
Đường cử nhân tìm được cơ hội bèn nối lời: “Thận nhi, bác không ngờ cháu tài giỏi đến vậy. Cháu chính là tiểu tam nguyên đồng sinh đầu tiên của nhà họ Đường chúng ta đấy.”
“Đại bá phụ quá lời rồi ạ, đó chỉ là kì thi đồng sinh thôi, cháu còn chưa thi Hương nữa mà.”
Đến đây thì Đường cử nhân lại bí, không biết phải nói năng thế nào.
Đường phu nhân thấy thế thở dài: “Thận nhi, cháu đừng khiêm tốn vậy, để bác giải thích cho cháu nghe. Hôm nay, bác với đại bá phụ và anh họ cháu đến đây vì muốn đưa cháu về từ đường nhà ta tế tổ. Bác biết trước đây cha cháu đã từng thề cả đời không về Đường gia nữa, nhưng suy cho cùng chúng ta vẫn là người một nhà. Cháu đỗ tiểu tam nguyên là chuyện vui lớn, sáng nay mọi người trong họ nghe tin đều muốn chúc mừng cháu.”
Đường Thận: “Thì ra là việc này.”
Văn sĩ thời cổ đại đi thi, nếu nhà nghèo thì rất đơn giản, chẳng có quy củ gì, còn sĩ tử dòng thư hương khi đỗ đạt công danh đều phải vào từ đường tế tổ, báo cáo thành tích với tổ tiên. Nhà họ Đường là một gia tộc lớn, con cháu đỗ tú tài thường không cần tế tổ. Cả người cha tú tài của Đường Thận và Đường cử nhân đều không thực hiện nghi lễ này khi đỗ tú tài. Phải đến khi đỗ cử nhân, Đường cử nhân mới vào từ đường tế tổ.
Bây giờ tuy mới là tú tài nhưng Đường Thận đỗ hẳn tiểu tam nguyên nên cũng đáng làm lễ ở từ đường lắm.
Đường cử nhân nói: “Cháu trai này, hồi trước bác làm vậy là chưa đúng. Ôi, như lời đại bá mẫu của cháu nói, bác là bậc cha chú, không nên vì chuyện đời trước mà oán trách đời sau. Giờ cháu đỗ tiểu tam nguyên đồng thí, Đường gia mong cháu có thể về dâng hương trong từ đường, cháu có bằng lòng không?”
Đường Thận suy tư trong chốc lát, nói: “Việc đại bá phụ luôn canh cánh trong lòng, phải chăng là việc khi lão phu nhân qua đời cha cháu đã không về Cô Tô chịu tang ạ?”
Đường cử nhân: “Nếu cháu đã biết thì không cần nhắc lại. Chuyện cũng qua rồi.”
Phụ thân của Đường cử nhân có hai người con trai là Đường cử nhân và Đường tú tài. Đường cử nhân tự thấy mẹ mình đối đãi với Đường tú tài rất tử tế, dù cho ông và Đường tú tài có mâu thuẫn đi chăng nữa, việc Đường tú tài thờ ơ khi bà mất thật đáng trách thay! Chuyện đó như chiếc dằm trong lòng ông, hôm nay cảm thấy hổ thẹn chẳng qua là bởi ông nhận ra mình không nên giận lây sang hai anh em Đường Thận.
Đường Thận nói: “Việc cúng tổ tiên cháu nhất định sẽ làm ạ. Chỉ có điều, cháu muốn nhờ đại bá phụ và đại bá mẫu một việc.”
Đường cử nhân hỏi: “Việc gì thế cháu?”
Đường Thận: “Xin hai bác cho phép cháu và em thay mặt cha dâng một nén nhang cho lão phu nhân.”
Đường cử nhân hết sức ngỡ ngàng.
Ngày hôm sau, Đường Thận và Đường Hoàng cùng nhau đến thăm phần mộ tổ tiên của nhà họ Đường và thắp hương cho lão phu nhân. Đường Thận nhẹ nhõm hẳn, cậu cảm thấy từ giờ mình sẽ không nợ nhà họ Đường điều gì nữa.
Đường cử nhân nói: “Cháu à, lúc trước bá phụ đã sai rồi.”
Đường Thận: “Đại bá phụ đừng áy náy quá.”
Đường Thận đỗ tiểu tam nguyên kì thi đồng sinh, người nhà họ Đường từ năm huyện Cô Tô đều tới chúc mừng. Việc cúng lễ ở từ đường đã có Đường cử nhân lo liệu chu toàn. Trước bài vị ông cha, Đường cử nhân thay mặt con cháu là Đường Thận báo cáo thành tích với trời đất và tổ tiên. Người trong họ chúc mừng tới tấp, Đường cử nhân lại thay Đường Thận bày yến tiệc chiêu đãi cả phủ Cô Tô suốt ba ngày ba đêm.
Sau khi những việc này kết thúc, Đường Thận cuối cùng cũng được về nhà. Cậu nằm lăn trên giường: “Giả sử thi Hương lại đỗ Giải nguyên thì chỉ tổ cúng bái đến mệt!”
Đường Hoàng vừa vào nhà thì nghe câu đấy, cô nhóc hớn hở: “Anh nhắm đỗ Giải nguyên luôn ư?”
Đường Thận: “Vớ vẩn, em đừng có xào nấu lại lời anh nói.”
“Nếu là ai khác thì em chả tin đâu, nhưng anh thì em tin đỗ chắc!”
Đường Thận dở khóc dở cười: Con nhóc này đúng là nghé tơ không sợ hổ, điếc không sợ súng! Đỗ Giải nguyên nghe tưởng dễ, nhưng thật ra khó gấp mấy lần đỗ đầu toàn tỉnh ở thời hiện đại. Chưa kể độ cạnh tranh ở trường thi Hương của Đường Thận gay gắt ngang ngửa với kì thi đại học ác mộng tỉnh Giang Tô! Đỗ Giải nguyên chẳng khác nào đỗ thủ khoa Giang Tô hết, lại còn là thủ khoa ba năm mới có một người!
Đường Thận: “Mà nè, gọi anh có việc gì?”
Đường Hoàng nhớ ra, bảo: “Mấy ngày rồi anh em mình đều ăn tiệc ở nhà đại bá phụ chứ không ăn cơm nhà. Mãi hôm nay mới về, Diêu đại nương bảo em hỏi anh tối nay ăn gì. Vừa rồi Đường cử nhân tổ chức ăn mừng cho anh, còn hôm nay đến lượt nhà mình chúc mừng anh đó.”
Đường Thận thấy ấm lòng xiết bao: “Ừ, em bảo Diêu Tam mời cả nhà kế toán Lâm sang ăn chung cho vui nhé. Tiện thể ghé qua Lương phủ xem tiên sinh có rảnh không.”
“Vâng. Thế mình ăn gì đây?”
Đường Thận nghĩ Tần nghĩ Sở một hồi, chợt reo lên: “Ăn lẩu đê!”
Không lâu sau Diêu Tam đã rủ cả nhà kế toán Lâm sang. Công việc trong phủ bận rộn, Lương tiên sinh chưa giải quyết xong nên không đến được. Tuy vậy, ông nhờ Diêu Tam đem một bảng chữ mẫu về tặng Đường Thận, nhắn rằng: “Hôm trước thầy vội quá, mà suốt từ bấy đến giờ cứ bận chuẩn bị bảng chữ mẫu nên chưa chúc mừng con đỗ tiểu tam nguyên đồng sinh. Thầy tặng con bảng chữ mẫu này, mong con chăm chỉ luyện chữ, thi Hương lại đoạt khôi nguyên nhé.”
Đường Thận: “…”
Đường Hoàng ngạc nhiên hỏi: “Ơ kìa anh, em tưởng anh bảo đến Lương đại nhân cũng phải khen chữ anh đẹp lắm cơ mà?”
Đường Thận giấu bảng chữ mẫu ra sau lưng, bao biện: “Tiên sinh dặn anh luyện chữ thêm không có nghĩa là anh viết xấu, em cũng biết rồi đấy, học không bao giờ là đủ cả! Học, học nữa, học mãi, tiên sinh muốn anh luyện chữ thêm tức là muốn anh đã giỏi phải cố giỏi hơn nữa!”
Đường Hoàng: “Chắc là em tin.”
Đường Thận: “…”
Bộ đứa em gái này nhặt từ ngoài đường về hay sao?
Đường Thận chưa kịp nói gì, Đường Hoàng đã chạy ù vào bếp: “Diêu đại nương, Lương tiên sinh nói là chữ anh con xấu như gà bới, còn cho anh một bảng chữ mẫu để luyện cơ!”
Đường Thận: “…” Việc xấu trong nhà không được vạch áo cho người xem lưng có hiểu không!
Đến tối, hai anh em Đường Thận, mẹ con Diêu gia và cả nhà kế toán Lâm cùng ngồi tụ tập ngoài sân. Trong sân có một cây dâu lớn, Diêu đại nương kê bàn ở dưới gốc cây. Đêm hè ngồi ăn cơm dưới tán cây, ánh trăng sáng vằng vặc, cảm giác thật là khoan khoái.
Diêu đại nương: “Tiểu đông gia, như cậu dặn, tôi đã chuẩn bị lò than với nồi và rửa sạch rau rồi. Riêng thịt lợn và thịt dê cậu dặn thái lát, tôi không biết thế nào mới đúng ý cậu, nên cứ lạng mỏng nhất có thể, cậu xem như vậy đã được chưa?”
Đường Thận ngó thử, thịt lợn và thịt dê đều thái rất mỏng, tuy không mỏng tang như thời hiện đại, nhưng thế này là ăn được rồi.
Thời cổ đại, thịt bò bị cấm ăn, trừ khi được triều đình cho phép. Bất kể ai lén ăn thịt bò đều bị tống giam và xử phạt hết vì trâu bò là phương tiện sản xuất quan trọng. Trâu bò có thể kéo cày, mỗi một con bò đều là tài sản quý báu. Người dân không ai lại đi mổ bò nhà mình cả vì như thế là tự triệt đường sống. Quan phủ cũng không cho phép tự tiện giết bò cày kéo.
Đường Thận khá tiếc nuối vì cậu mê thịt bò cuốn lắm, nhưng cuốn thịt dê cũng khá ngon, còn thịt heo thì không được ngon bằng.
“Diêu đại nương, nước xương cháu nhờ bác ninh đã được chưa ạ?”
“Được rồi, ninh cả chiều đấy, thơm lắm!”
Đường Thận: “Hay quá, vậy cứ đặt nồi nước xương trên lò than là chúng ta ăn lẩu được rồi.”
Diêu Tam hỏi: “Lẩu á? Ý tiểu đông gia là bát hà cung hả?”
Đường Thận ngạc nhiên: “Bát hà cung ư?”
“Đúng rồi. Ơ, thế hóa ra tiểu đông gia không muốn ăn bát hà cung à?”
Đường Thận đần mặt ra.
Nghe Diêu Tam giải thích xong Đường Thận mới vỡ lẽ, hóa ra thời cổ đại đã có lẩu từ lâu rồi! Chẳng qua người ta không gọi là lẩu mà gọi là bát hà cung.
Diêu Tam: “Tôi nghe cậu nói cần lò than thì đã nghĩ bụng có phải tiểu đông gia muốn ăn bát hà cung hay không. Thấy cậu bảo mẹ tôi rửa rau, tôi chắc mẩm là cậu muốn ăn bát hà cung rồi. Còn lẩu là cái gì thì tôi chưa nghe tên bao giờ.”
Kế toán Lâm vê chòm ria: “Tôi biết tiểu đông gia đang nói gì rồi. Mọi người thấy ở đây có bếp lò này, có nồi nấu này. Có bếp lửa (hỏa) có nồi (oa), thì chẳng là ‘nồi lẩu’ (hỏa oa) còn gì?”
Diêu Tam: “Đúng là nồi lẩu thật! Hai chữ “nồi lẩu” này còn rất gợi hình nữa.”
(Chữ lẩu trong tiếng Việt bắt nguồn từ chữ “lô” là “bếp lò” nên mình chém:P)
Vừa đúng lúc Diêu đại nương bưng rau lên, mọi người quây quần thành một vòng tròn, cùng nhau sà vào nhúng lẩu ăn.
Đường Thận cứ tưởng được phen đãi cả nhà món ăn thời hiện đại. Ai dè Diêu đại nương còn sành sỏi hơn cậu nhiều, bà pha cho mỗi người một bát nước chấm rất ngon, có đủ tỏi, hành, nước tương, tha hồ chấm rau thịt.
Sĩ diện của Đường Thận đã sụp đổ hoàn toàn. Lúc này Diêu đại nương nói: “Không ngờ dùng nước ninh xương làm bát hà cung lại ngon thế này. Tôi với Tam nhi cũng từng ăn bát hà cung ở Sơn Tây rồi, nhưng bát hà cung của chúng tôi chần thức ăn bằng nước trong rồi chấm tương, không ngon ngọt như bát hà cung với nước xương thế này.”
Đường Thận hỏi: “Chỉ dùng nước thường để chần thức ăn thôi ấy ạ?”
“Ừ. Đúng thật là chưa từng nghĩ có thể dùng nước khác để nấu.”
Mắt Đường Thận lại sáng ngời như đèn pha. Ăn lẩu xong, cậu gọi kế toán Lâm vào phòng, bảo: “Cháu tính mở một tửu lâu chỉ bán lẩu, kế toán Lâm, bác thấy có ổn không?”
Kế toán Lâm sửng sốt: “Ý tưởng này… cũng không phải là không khả thi, chỉ là trước đây chưa ai thực hiện.”
Đường Thận đi mấy vòng trong phòng, dừng lại nói: “Món lẩu vừa nãy, bác thấy ăn có ngon không?”
“Ngon lắm! Vị ngọt từ nước xương ngấm vào đồ nhúng, phải nói là tuyệt trần!”
“Thế thì triển khai thôi!”
Hôm sau, Đường Thận lại nhờ Diêu đại nương chuẩn bị bếp lò và nồi lẩu. Diêu đại nương tưởng cậu lại muốn ăn bát hà cung, nhưng Đường Thận nhờ bà rửa rau và thái thịt dê xong rồi không để bà chế biến tiếp. Cậu tự tay thả rau và thịt dê vào nồi, kiên nhẫn ước lượng thời gian để những món này chín.
“Có vẻ hơi lâu rồi.”
Lò than chính là phát minh của những người mê thưởng thức trà từ triều đại trước, chuyên dùng để pha trà. Đã pha trà thì cần phải khoan thai và cẩn thận, nên ở đáy lò có ba lỗ để thông khí cho than cháy, đồng thời cũng giữ cho lửa không bị bùng lên. Dùng lò than ăn lẩu trong thời gian ngắn thì không vấn đề gì, nhưng về lâu về dài thực khách sẽ mất kiên nhẫn, việc làm ăn cũng không phất lên được.
Đường Thận nhốt mình trong phòng suy ngẫm thật lâu, đem kinh nghiệm ăn lẩu kiếp trước của mình ra ôn lại hết một lần, liền bật ra sáng kiến: “Lẩu Bắc Kinh xưa!”
Món lẩu nổi tiếng nhất thời hiện đại chính là lẩu Tứ Xuyên, cay cay sướng miệng. Ngoài lẩu Tứ Xuyên ra còn có lẩu Quảng, lẩu Bắc Kinh xưa, và rất nhiều loại nữa. Lẩu Tứ Xuyên và Lẩu Quảng tuy một loại thiên cay, một loại thiên thanh, nhưng đều ăn trên bếp ga hoặc bếp điện từ. Bát hà cung thời này cũng thế, nhưng thay vì bếp từ thì người ta dùng lò than.
Song lẩu Bắc Kinh xưa thì khác.
Lẩu Bắc Kinh xưa không dùng bếp từ, chỉ cần lửa than để nấu chín thực phẩm! Nồi lẩu Bắc Kinh xưa là một loại nồi đồng đặc biệt, có phần đế cao, giữa nồi là một ống trụ rỗng, bên trong đổ than. Phần máng trũng xuống xung quanh ống trụ dùng để nhúng lẩu. Với loại nồi này thì nước lẩu sẽ sôi rất nhanh, còn nhanh hơn cả dùng bếp từ nữa.
Kỳ thực trước khi có bếp từ và bếp ga, mọi người vẫn dùng loại nồi này để nấu lẩu. Nhưng về sau thì chỉ còn lẩu Bắc Kinh xưa vẫn chuộng loại nồi đặc biệt này thôi.
Vẽ ra nồi lẩu này không khó, chế tạo cũng dễ hơn bình chưng cất tinh dầu nhiều. Đường Thận vẽ bản vẽ xong thì giao cho thợ rèn Vương đầu phố. Cậu bảo: “Cháu muốn làm một nồi đồng, một nồi sắt, bác áng xem bao lâu thì xong?”
Thợ rèn Vương ngắm nghía đôi chút: “Nồi này hơi lạ nhỉ, nhưng dễ làm lắm. Ba hôm nữa là có ngay.”
Có hai chiếc nồi mới rồi, Đường Thận nhờ Diêu đại nương nấu một nồi nước cốt. Cậu cẩn thận rót nước dùng vào nồi, lại thả ba cục than cháy đỏ vào trong chiếc ống cao vút. Chờ nước xương sôi sục lên, Đường Thận thả vào mỗi nồi một gắp rau tươi.
Độ nửa chung trà* thì rau trong nồi đồng đã chín. Một lát sau, rau trong nồi sắt mới chín.
(*) cỡ bảy phút rưỡi
Đường Thận: “Tạm ổn, thời gian chín không quá lâu, dùng nồi sắt cũng được.
Nhiệt dung riêng của đồng nhỏ hơn sắt nên với cùng một nguồn nhiệt than, đồng sẽ nóng lên nhanh hơn sắt, thời gian nấu chín thực phẩm sẽ ngắn hơn. Tuy nhiên, đồng đắt hơn sắt. Dưới triều đại trước, sắt từng quý hơn đồng, nhưng ở triều đại hiện giờ, sắt đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều.
Giải quyết được vấn đề nồi niêu, giờ chỉ còn thử thách về nguyên liệu.
Thời hiện đại, ăn lẩu quan trọng nhất ba yếu tố, một là nước cốt lẩu, hai là nước chấm, ba là đồ nhúng phải tươi ngon, chất lượng hảo hạng. Hai yếu tố đầu Đường Thận không lo lắm, cậu đã được thưởng thức tinh hoa ẩm thực của con người Hoa Hạ mấy nghìn năm sau, điều chế ra nước cốt lẩu và nước chấm ngon chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Còn thực phẩm tươi ngon thì…Đường Thận suy nghĩ một lát, mỉm cười.
Cậu cũng chẳng lo!
Hậu cần Đường thị sẽ giải quyết vấn đề ấy ngon ơ!
Khắp phủ Cô Tô, chắc chắn không có tửu lâu nào dám đảm bảo vận chuyển được nguyên liệu tươi từ khu Tây thành sang khu Đông thành trong vòng nửa canh giờ. Nhưng Hậu cần Đường thị thì hoàn toàn có thể xử lí được việc đó!
Đường Thận nhờ kế toán Lâm mời ba đầu bếp đến từ ba vùng miền khác nhau, có tay nghề và khẩu vị hoàn toàn khác nhau tới. Ba đầu bếp này và Đường Thận cùng nhau nghiên cứu nửa tháng, chốt được bốn loại nước cốt lẩu và mười hai loại nước chấm khác nhau phù hợp với nhiều khẩu vị.
Mọi sự đã đâu vào đấy, chỉ thiếu một ngọn gió Đông.
Đường Thận gọi Diêu Tam, hai người cùng nhau đến nơi ở của nhân viên Hậu cần Đường thị. Hiện tại, Hậu cần Đường thị đã có hơn một trăm năm mươi nhân viên. Ở mỗi phường, Đường Thận lại cắt đặt một chủ quản để điều phối công việc trong khu vực đó. Ngoài ra, cậu cũng thiết lập chế độ quản lí chéo rất nghiêm ngặt giữa các nhân viên.
Nếu có vấn đề xảy ra ở cấp nhân viên thì cả nhân viên và chủ quản đều phải chịu trách nhiệm. Chế độ giám sát từ trên xuống dưới này đã nâng cao tính an toàn cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa của Hậu cần Đường thị. Mỗi tháng Hậu cần Đường thị không kiếm được cho Đường Thận bao nhiêu tiền, các hoạt động hầu như không sinh lời mấy, thậm chí Đường Thận còn hào phóng nâng tiền công cho nhân viên. Nhưng, Đường Thận vẫn duy trì kinh doanh, bởi mục đích ban đầu của cậu không chỉ là làm hậu cần.
Đường Thận triệu tập các chủ quản lại, nói: “Tháng sau, tôi sẽ mở một tửu lâu ở Toái Cẩm Nhai. Chia sẻ với mọi người, tửu lâu này không hề giống với những tửu lâu khác, thế nên tôi luôn cần thức ăn tươi ngon nhất. Nước phù sa không chảy ruộng ngoài, công việc này xin nhờ cả vào mọi người. Ngoài ra, tôi muốn từ mai, các chủ quản hãy dặn nhân viên của mình trong phủ Cô Tô làm giúp tôi một việc.”
Các chủ quản hỏi: “Tiểu đông gia, việc vận chuyển thực phẩm tươi không có gì khó, chẳng hay ngài còn muốn chúng tôi làm gì nữa ạ?”
Đường Thận cười: “Quảng cáo đó, chỉ cần quảng cáo thôi. Toàn bộ nhân viên của Hậu cần Đường thị trong phủ Cô Tô hãy quảng cáo cho tửu lâu chúng ta sắp mở!”
Hơn một trăm nhân viên rải khắp các phường và nhai lớn trong thành Cô Tô, tất cả đều có mạng lưới quan hệ thân thiết với các chủ tiệm, các khách hàng khác nhau. Số nhân viên này không chỉ là tai mắt ngầm của Đường Thận ở phủ Cô Tô, mà còn là các nhân viên quảng cáo xuất sắc!
Việc Đường Thận định mở nhà hàng lẩu đến tai Đường phu nhân, bà khá ngạc nhiên, gọi Đường Thận sang hỏi: “Cháu định mở tửu lâu thật đấy hả?”
Đường Thận: “Đại bá mẫu cũng biết ạ?”
Đường phu nhân nói: “Sao mà không biết được? Tuy nhà họ Đường mình có nô bộc không cần thuê Hậu cần Đường thị, nhưng nhân viên của cháu đi khắp phường trên xóm dưới kháo nhau chuyện cháu sắp mở tửu lâu bán bát hà cung rồi. Bác chưa từng nghĩ tới ý tưởng này. Mở tửu lâu mà chỉ bán đúng một món là bát hà cung, theo bác biết, cháu là người đầu tiên đấy. Kinh doanh bát hà cung cũng không khó, chủ yếu là thực phẩm phải thật tươi kể cả với số lượng lớn. Nói tới đây, Đường phu nhân cũng giật mình, bảo: “Thế mà bác quên đấy, Hậu cần Đường thị của Thận nhi chính là phương tiện vận chuyển nguyên liệu sẵn có đấy còn gì!”
Mới hết một ngày, hôm sau Đường Thận đến Lương phủ nộp bài tập cho thầy, thì Lương Tụng cũng đã hay tin.
“Nghe nói con chuẩn bị mở một tửu lâu chuyên bán bát hà cung hả?”
Giờ thì đến Đường Thận cũng thấy choáng với hiệu suất của nhân viên nhà mình.
“Đúng rồi ạ thưa tiên sinh.”
Trong thời đại này, địa vị thương nhân không cao bằng sĩ tử, nhưng không hề thấp như trong trí nhớ của Đường Thận. Quan lại xuất thân nhà buôn không nhiều lắm, nhưng không phải không có. Phần lớn thời gian của họ đều dành cho việc công vụ, còn việc buôn bán thì do người nhà quán xuyến. Đường Thận hiện giờ mới chỉ là tú tài, thậm chí chưa đỗ cử nhân, cậu mở tửu lâu cũng không khiến ai dị nghị cả.
Lương Tụng cũng nói: “Từ khi tới Cô Tô đến giờ, ta chưa ăn bát hà cung lần nào, con nhắc đến làm ta lại hơi thèm đấy.”
Đường Thận: “Hay là hôm nay tiên sinh đến nhà con đi, nhà có con nồi đồng chuyên dụng, ăn bát hà cung bằng nồi ấy thì tuyệt vời!”
Lương Tụng: “Được, thế thì sang nhà con.”
Ngoài tửu lâu lớn nhất phủ Cô Tô là lầu Thiên Thu, trên Toái Cẩm Nhai có rất nhiều tửu lâu khác. Đường Thận cho nhân viên đi quảng bá rầm rộ thế không thể tránh khỏi việc gây sự chú ý với các nhà này. Khéo làm sao, tòa lầu kế toán Lâm mua lại ở góc xéo đối diện với lầu Thiên Thu, cách nhau chưa đến năm mươi mét.
Trưa hôm đó, thực khách vẫn nườm nượp trong lầu Thiên Thu như mọi bận. Quản lý Diêu của lầu Thiên Thu nhìn tòa lầu đang được sửa sang ở phía đối diện, lần tràng hạt trong tay. Lát sau, ông gọi một tiểu nhị nhà mình lên: “Tửu lầu mới kia tên gì, mi đã nghe ngóng được chưa?”
Tiểu nhị lắc đầu: “Chưa ạ. Quản lí này, Đường tiểu tam nguyên cũng lạ ghê, một thư sinh đàng hoàng như cậu ấy, vừa mới đỗ tiểu tam nguyên đồng thí, sao lại không lo học tiếp? Thi Hương ba năm mới có một lần mà năm sau thi rồi! Chỉ còn một năm, cậu ấy không chuẩn bị thi Hương mà lại đi mở tửu lầu, thật là kì quặc!”
“Cậu bé này mới có mười bốn tuổi, là tiểu tam nguyên đồng sinh trẻ tuổi nhất phủ Cô Tô từ trước tới nay. Dù năm sau cậu ấy không đỗ cử nhân thì sao, mới có mười lăm tuổi thôi. Đợi cậu ta trui rèn thêm ba năm, mười tám tuổi đỗ cử nhân, cũng thành giai thoại rồi!” Quản lí Diêu ngẫm nghĩ, bảo: “Tửu lầu đó chỉ bán bát hà cung, không quá ảnh hưởng đến việc làm ăn của nhà ta.”
Tiểu nhị nói: “Lầu Thiên Thu nhà mình là cửa hiệu gia truyền, tiếng tăm bao đời nay ở Cô Tô, cậu ta có gan giành khách nhà mình ư? Quản lí, nếu thế thì cậu ta dây vào nhầm người rồi!”
Quản lí Diêu cười lạnh ngắt: “Đúng là đồ óc bã đậu! Biến, biến đi làm việc mau!”
Ông ta nhìn đám thợ tất bật vào ra ở tửu lầu đối diện, tiếng lần tràng hạt trên tay lách cách không ngừng. Cái ông nhìn thấy ắt phải nhiều hơn những thứ một tiểu nhị nhỏ nhoi có thể thấy. Đường Thận cho nhân viên quảng cáo, cố tình loan tin rằng tửu lầu chỉ bán bát hà cung, thứ nhất là để bách tính phủ Cô Tô đều biết tửu lầu bọn họ kinh doanh cái gì, thứ hai, là để vỗ yên các tửu lầu gia truyền, lâu đời ở Cô Tô.
Đường Thận chỉ có một thân một mình, tới Cô Tô chưa tròn năm, đã làm nên những việc khiến kẻ sửng sốt.
Người thường không biết, nhưng quản lí Diêu đã được ông chủ tiết lộ rằng xà phòng, xà phòng thơm, tinh dầu của Trân Bảo Các nhà họ Đường đều là tác phẩm của cậu Đường tiểu tam nguyên này. Hơn nữa, dịch vụ hậu cần không lợi nhuận của cậu ta, tuy không thu lời, nhưng cậu ta có thể xoay xở để không lỗ vốn đã khiến rất nhiều thương nhân từng coi thường dịch vụ hậu cần phải choáng váng.
Cũng phải tới mấy ngày nay, quản lí Diêu mới ngẫm ra, mục tiêu của Đường Thận đâu chỉ là kinh doanh hậu cần, cái cậu nhắm tới là cả phủ Cô Tô!
Cách đây một năm, ai dám tin là có người chỉ mất một ngày đã có thể khiến mười vạn bách tính trong phủ biết nhà anh ta mở tửu lầu? Một đồn mười, mười đồn trăm là đây chứ đâu. Mánh khóe này của Đường Thận chẳng những hết sức diệu kì mà còn được ngụy trang rất kĩ nữa.
Quản lí Diêu thốt lên: “Hậu sinh khả úy!”
Hay hay hay