TAM THẾ

Tôi cảm thấy lòng rất đỗi ngọt ngào, lại không kìm được mà hỏi chàng thêm một câu: “Có phải một ngày trôi qua, chàng lại thích thiếp nhiều hơn một chút?”.

Chàng nhìn tôi, khẽ đáp: “Ừ”.

​Tôi mỉm cười nhìn sâu vào mắt chàng: “Nếu vậy thiếp sẽ ở bên chàng trọn đời trọn kiếp, không bao giờ lìa xa”.

Suốt cả tháng nay, tôi bị phụ vương cấm bước chân ra khỏi tẩm điện của chính mình, cả ngày phải ngồi chép thơ trong chồng sách mà cung nữ mang tới. Nhìn chồng sách ngày một cao dần, tôi chỉ hận không thể đem chúng đi đốt thành tro.

Yến quốc tôi từ xưa đã trọng văn, từ vương tôn quý tộc cho đến thường dân đều có thể tức cảnh sinh tình mà làm ra những bài thơ khiến người khác trầm trồ khen hay. Bởi vậy, đối với Yến quốc chúng tôi mà nói, đã là người Yến quốc mà không biết làm thơ vẽ tranh thì đúng là làm trò cười cho thiên hạ, còn nếu đó là người của hoàng tộc vương thất thì đúng là nỗi hổ thẹn cho giang sơn xã tắc Đại Yến.

Đáng tiếc thay, người đó lại chính là tôi.

Tôi là ngũ công chúa của Yến quốc, hiệu Chiêu Ninh, tên Diệp Thất. Trên tôi có ba ca ca và bốn tỷ tỷ, ai cũng tài hoa xuất chúng, là niềm tự hào của vương tộc. Trong số họ, đáng nói đến nhất chính là tứ tỷ Ngọc Thất của tôi. Ngọc Thất và tôi tuy là tỷ muội song sinh nhưng lại khác nhau một trời một vực. Tỷ ấy là viên minh châu của Yến quốc, còn tôi chẳng qua chỉ là cái bóng của tỷ ấy mà thôi. Tỷ ấy vừa xinh đẹp vừa tài giỏi, lại thuần khiết thiện lương, ân cần dịu dàng với cả con kiến, không chỉ am tường sách vở mà còn am tường nhạc lý, tài ca vũ của tỷ ấy đứng đầu thiên hạ, được mệnh danh là Yến quốc đệ nhất tài nữ đương thời.

Tỷ ấy hoàn hảo giỏi giang như vậy, đâu ngờ lại có một muội muội kém cỏi như tôi. Cầm kỳ thi họa chỉ biết chút ít, càng không biết thứ gì gọi là đoan trang hiền dịu, từ nhỏ đến lớn chỉ biết cầm thương cầm kiếm, không ngoan ngoãn ở trong cung học lễ nghĩa nữ công mà chỉ thích xông pha trận mạc, chinh chiến bốn phương, không giống nữ nhi bình thường chút nào. Cũng chính vì vậy mà đã mười bảy tuổi nhưng người đến cầu thân tôi chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, trong khi người đến cầu thân Ngọc Thất lại xếp hàng dài dằng dặc, nhiều không kể xiết. Cũng chính vì lý do đó mà phụ vương coi trọng tứ tỷ, còn tôi thì không. Ông hạ lệnh cấm tôi ra khỏi tẩm điện của chính mình trong vòng một tháng, và trong khoảng thời gian một tháng đó tôi phải học lễ nghĩa, học nữ công để chuẩn bị xuất giá.

Khoảng thời gian một tháng này đối với tôi dài như mười năm, ngày qua ngày phải ngồi lì trong điện chép thơ, không chép thơ thì học thêu thùa may vá, học múa học đàn, tóm lại là học nhiều đến nỗi không có thời gian chợp mắt. Vốn biết Ngọc Thất là một người rất tốt, luôn giúp đỡ và xuất hiện khi người khác gặp khó khăn, nhưng tôi hoàn toàn không ngờ tỷ ấy lại là người kết thúc chuỗi ngày dài tẻ nhạt, vô vị và đầy mệt mỏi của tôi.

Hôm đó, một người luôn tỏ ra đoan trang hiền dịu, phong thái ung dung nhàn nhã như tứ tỷ lại xuất hiện ở tẩm điện của tôi với bộ dạng hơi nhếch nhác. Tỷ ấy đứng trước mặt tôi, hai gò má ửng hồng như hoa đào mùa xuân, những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán bạch ngọc đẹp như những hạt châu, lồng ngực phập phồng, không ngừng thở dốc. Thấy tỷ ấy như vậy, tôi lập tức buông bút, rót cho tỷ ấy một cốc trà, vừa đưa cốc trà cho tỷ ấy vừa hỏi: “Trông tỷ thế này, tỷ vừa từ đâu về?”.

Ngọc Thất đón cốc trà từ tay tôi, chẳng nói chẳng rằng mà cầm cốc trà uống một hơi cạn sạch, hiển nhiên là rất khát. Cuối cùng cũng thở ra một hơi, tỷ ấy đáp: “Ta vừa thỉnh an mẫu hậu, người nói có sứ giả từ Tề quốc đến cầu thân ta”.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế hoa lê đặt cạnh án thư, chống cằm nhìn vị tỷ tỷ như hoa như ngọc trước mặt: “Lại là chuyện đó sao? Muội cứ tưởng trong cung xảy ra chuyện gì nghiêm trọng”. Đúng là khiến người ta mừng hụt.

Tỷ ấy ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cau mày nói một hồi: “Lần này thực sự nghiêm trọng đó, ta không gạt muội đâu. Mẫu hậu nói lần này phụ vương không có ý định từ chối, dường như trong lòng người đã quyết định gả ta cho thái tử Tề quốc rồi”.

Ngẫm nghĩ một lát, tôi gật đầu tán đồng, đưa ra chính kiến của mình: “Như vậy cũng không có gì lạ, Tề quốc là một nước vừa hùng mạnh vừa hiếu chiến, khiến các nước chư hầu khác sợ như sợ cọp. Nếu phụ vương đồng ý hôn sự này, mối bang giao hữu hảo giữa hai nước Tề - Yến sẽ được thắt chặt, Yến quốc có thể duy trì nền hòa bình thịnh trị ấy trong mấy chục năm nữa, đó là chuyện tốt. Còn nếu chúng ta từ chối yêu cầu của họ, đồng nghĩa với việc làm phật ý họ, hậu quả không ai lường trước được, rất có thể họ sẽ đưa quân san bằng Yến quốc. Mà thực lực hai bên, tỷ cũng rõ rồi đấy”.

Khác với Yến quốc, Tề quốc từ xưa đã trọng võ, các đời Tề vương đều trưởng thành trên lưng ngựa, nhiều người mới chập chững biết đi đã biết cầm thương cầm kiếm, mười hai tuổi đã xông pha ra trận, giết giặc lập công. Có chỉ huy tài giỏi như vậy, binh sĩ lại tinh nhuệ, anh dũng, được huấn luyện kỹ càng, vậy nên Tề quốc đánh đâu thắng đó, trăm trận thắng cả trăm. Nếu có thể liên hôn với Tề quốc, đó là chuyện đáng mừng, Yến quốc sẽ thoát khỏi mộng xâm lược của các nước chư hầu khác. Còn nếu hai nước trở mặt thành thù, Yến quốc chẳng khác nào chuốc lấy họa diệt vong.

Hơn nữa, các đời Yến vương từ khi lập quốc chỉ trọng dụng văn nhân, lấy cầm kỳ thi họa làm thú vui, và mải mê với những thú vui tao nhã đó mà không thiết gì đến việc huấn luyện binh sĩ. Một khi chiến tranh bùng nổ, binh sĩ Yến quốc vốn không có nhuệ khí chiến đấu, kẻ địch lại là Tề quốc hùng mạnh, kết quả thế nào, khỏi bàn cũng rõ.

Vậy nên, cho dù trong thâm tâm phụ vương không muốn gả ái nữ của mình đến đất nước xa xôi đó, nhưng nghĩ đến lê dân bách tính, nghĩ đến vận mệnh quốc gia và bổn phận của quân vương, người không còn cách nào khác.

Trong lúc tôi đang trầm tư suy nghĩ, tứ tỷ vẫn nhìn tôi chằm chằm, vẻ mặt nghiêm túc: “Có thể nói ra những lời như vậy, muội quả thực rất thông minh”.

Tôi gấp quyển sách cổ đang chép dở lại, lòng thầm nghĩ, sinh ra là công chúa, là huyết mạch hoàng gia, nếu ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà cũng không biết, thì mười bảy năm qua tôi sống đã quá uổng phí rồi.

Vừa ngẩng đầu lên lại bắt gặp đôi mắt long lanh ánh nước của tứ tỷ, tỷ ấy nhìn tôi, giọng nghẹn ngào: “Nói như vậy, không lẽ… ta không thể không đi sao?”.

Dẫu ngạc nhiên trước thái độ của tỷ ấy, tôi vẫn trả lời: “Đúng vậy. Một khi thái tử Tề quốc ngỏ ý liên hôn, ắt hẳn sẽ chọn nàng công chúa hoàn hảo nhất, cao quý nhất để làm phi tử của mình. Mà ở Yến quốc chúng ta, ngoài tỷ ra, không còn ai khác thích hợp với vị trí đó”.

Nói xong những lời này, tôi nhìn thấy một giọt nước chảy ra từ khóe mắt của tứ tỷ, lăn xuống gò má trắng như tuyết, từng giọt nước mắt đẹp như những hạt ngọc long lanh. Ngay cả khi khóc, tỷ ấy vẫn đẹp như vậy, vẻ yếu đuối đó khiến người khác cũng cảm thấy đau lòng. Tỷ ấy đưa tay lau nước mắt, giọng vẫn nghẹn ngào: “Ta không muốn chấp thuận hôn sự này. Ta không muốn gả cho thái tử Tề quốc”.

Câu nói thấm đẫm nước mắt ấy làm tôi đột ngột chấn động. Ai cũng biết Chiêu Nhân công chúa Ngọc Thất là người từ bi lương thiện, luôn quan tâm đến dân chúng trong thiên hạ, luôn đặt hạnh phúc của muôn dân và sự tồn vong của quốc gia lên đầu. Vậy nên tôi vốn nghĩ, cho dù tỷ ấy không có tình cảm với Tề quốc thái tử, không muốn gả đến đất nước xa xôi hiếu chiến ấy, nhưng nhìn cục diện hai nước hiện nay, tỷ ấy nhất định sẽ gật đầu chấp thuận. Huống hồ thái tử Hạo Thiên, người sắp trở thành phu quân của tỷ ấy được mệnh danh là Tề quốc đệ nhất mỹ nam tử, văn võ song toàn, tính tình cẩn trọng sâu xa, là người trong mộng của biết bao thiếu nữ trong khắp thiên hạ.

Thế nhưng, tỷ ấy lại nói không muốn chấp thuận hôn sự này, không muốn gả cho thái tử Tề quốc.

Tôi không kìm được hỏi tỷ ấy: “Tại sao?”.

Ngọc Thất cúi đầu né tránh ánh mắt dò xét của tôi, ấp úng mở miệng: “Ta…”. Hiển nhiên là không muốn trả lời.

Thấy tỷ ấy như vậy, tôi lại giục: “Tỷ nói đi, rốt cuộc là tại sao?”.

Tôi chăm chú quan sát người trước mặt mình, thấy tỷ ấy siết chặt tay, khẽ hít một hơi sâu, tỷ ấy ngẩng đầu nhìn tôi, sắc hồng lan rộng trên hai gò má trắng như tuyết: “Bởi vì… ta đã có người trong lòng rồi. Ta không muốn lấy người mà ta không hề yêu”.

Câu trả lời ấy khiến tôi kinh ngạc tột độ, khẽ lặp lại những lời vừa rồi của tỷ ấy: “Người trong lòng? Tỷ đã có người trong lòng?”. Lát sau lại cau mày, truy hỏi đến cùng: “Người đó là ai? Chuyện này xảy ra từ bao giờ?”.

Tỷ ấy thở dài, bất đắc dĩ giải thích: “Chàng là trưởng tử của Kim tể tướng, dung mạo tuấn tú, học vấn rất rộng. Ta và chàng gặp nhau vào buổi yến tiệc mà phụ vương tổ chức tuần trước, cả hai vừa gặp đã có tình cảm với nhau, còn quyết định trong bữa tiệc mừng thọ thái hậu tháng sau sẽ nói cho phụ vương mọi chuyện, nếu người không đồng ý, ta và chàng sẽ bỏ trốn. Chuyện xảy ra vào khoảng thời gian muội bị giam lỏng, muội không biết cũng phải”.

Thất thần hồi lâu, lát sau tôi lên tiếng: “Vậy… tỷ định làm gì đây? Tề quốc đã cử sứ giả sang tỏ ý liên hôn, cho dù tỷ có nói với phụ hoàng chuyện giữa tỷ và trưởng tử của tể tướng, người cũng sẽ không đồng ý hôn sự này mà từ chối yêu cầu của Tề quốc thái tử đâu”.

Tỷ ấy gật đầu: “Vậy nên ta mới tìm tới đây nhờ muội giúp”.

Tôi cảm thấy khó hiểu: “Nhờ muội? Muội thì giúp được gì chứ?”. Lòng đột nhiên có dự cảm không hay: “Không lẽ, tỷ muốn…”.

Lại bị tỷ ấy ngắt lời: “Đúng vậy. Ta muốn nhờ muội thay ta gả cho Tề quốc thái tử”.

Đầu óc tôi đột nhiên trống rỗng, tôi ngỡ như mình đã nghe lầm. Tráo đổi ư? Sao tứ tỷ, một người luôn lấy chuyện quốc gia làm trọng lại có thể nói ra những lời ấy? Đây là cuộc hôn nhân chính trị giữa hai nước, nó liên quan đến sự tồn vong của một quốc gia, sao tỷ ấy có thể nghĩ như vậy? Ngộ nhỡ để Tề quốc phát hiện ra, không chỉ có tôi và tỷ ấy mất mạng, mà còn liên lụy đến cả đất nước này, liên lụy đến dân chúng Yến quốc. Chuyện này so với chuyện từ chối liên hôn với Tề xem ra còn nguy hiểm hơn vạn lần.

Tỷ ấy dường như nhìn thấu suy nghĩ của tôi, khẽ cắn môi dưới, tỷ ấy nói: “Ta biết… chuyện này rất nguy hiểm, nhưng thực sự ta không còn cách nào khác. Ta không muốn lấy một người mà ta không hề yêu. Nếu phụ vương nhất quyết gả ta cho Tề quốc thái tử, ta sẽ tự vẫn, quyết không phụ chàng”. Vẻ mặt hoang mang, nhưng ánh mắt thập phần kiên quyết.

Ngọc Thất và tôi vốn là song sinh, tỷ ấy đau lòng, tôi cũng cảm thấy không vui. Dù rất mong tỷ ấy có được hạnh phúc của riêng mình, nhưng tôi cũng không muốn chiến tranh xảy ra, không muốn đẩy dân chúng Yến quốc rơi vào cảnh ngộ lầm than cực khổ, vậy nên mới lên tiếng: “Làm vậy tỷ sẽ không phụ chàng, nhưng lại phụ giang sơn xã tắc Đại Yến, phụ dân chúng trong thiên hạ”. 

Với tính cách thường ngày của mình, tôi tưởng nói đến đây tỷ ấy sẽ tỉnh ngộ, sẽ từ bỏ hạnh phúc của bản thân mà chấp nhận cuộc hôn nhân này. Nào ngờ, tỷ ấy lại nói: “Ý ta đã quyết, cho dù người khác có nói thế nào, ta cũng sẽ không thay đổi, cả đời này nguyện chung thủy với chàng, ngoài chàng ra, ta quyết không lấy ai khác”.

Không để tôi kịp phản ứng, tỷ ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, khóe mắt tỷ ấy vẫn còn vệt nước, nhưng ánh mắt và giọng nói lại thập phần kiên định, không hề giống tứ tỷ mà tôi biết chút nào: “Nếu ta chết, Tề quốc cho rằng chúng ta coi thường họ, họ sẽ động binh, Yến quốc diệt vong. Nhưng nếu muội đóng giả ta gả đến Tề quốc, nếu muội cố gắng không để bị lộ thân phận, mọi chuyện sẽ êm đẹp, không bên nào bị tổn thất”.

Tôi cau mày: “Vậy nếu bị phát hiện thì sao?”. Lúc đó, mọi chuyện còn rắc rối hơn, tệ hại hơn, Tề quốc có thể nuốt trôi cơn giận mà bỏ qua cho Yến quốc sao?

Khóe môi tỷ ấy cong lên: “Nếu vậy, để đề phòng bất trắc, muội hãy mê hoặc Tề quốc thái tử, câu dẫn chàng ta, khiến chàng ta yêu muội. Như vậy, cho dù âm mưu của chúng ta có bại lộ, thì vì muội, chàng ta cũng sẽ không xuất binh đánh Yến quốc”. 

Lòng tôi vẫn còn rất rối loạn: “Nhưng...”.

Lại bị tỷ ấy ngắt lời: “Nếu muội đồng ý, ta sẽ thay muội nhận hình phạt của phụ vương, thay muội chép thơ, học đàn, học múa. Còn muội dám nói không, ta sẽ nói với phụ vương phạt nặng gấp bội”.

Tôi: “...”.

Bây giờ tôi mới cảm thấy tứ tỷ thật đáng sợ. Tỷ ấy biết rõ nhược điểm của tôi, lợi dụng nó để khiến tôi phải giúp tỷ ấy, thay tỷ ấy gả cho Tề quốc thái tử.

Không còn lựa chọn nào khác, tôi đành phải liều một phen. Mặc kệ kết quả ra sao, chỉ cần biết bản thân đã cố gắng hết sức là đủ.

Vậy là ngày hôm sau, phụ vương tôi cử sứ giả sang Tề quốc trả lời yêu cầu của họ, nói rằng ông chấp thuận hôn sự này, nói Yến quốc rất vui khi hai nước liên hôn. Quân vương hai nước bàn bạc, cuối cùng định ngày mười lăm tháng sau là ngày thành hôn của tôi và Tề quốc thái tử.

Từ bây giờ cho đến ngày thành hôn còn đúng một tháng, và trong khoảng thời gian một tháng này, Ngọc Thất chuyển thẳng đến tẩm điện của tôi, dạy tôi cách đối nhân xử thế, dạy tôi làm thơ vẽ tranh, dạy tôi học múa học đàn, còn dạy tôi cách làm vài món điểm tâm đơn giản. Lúc làm điểm tâm trong nhà bếp của ngự thiện phòng, tôi có hỏi tỷ ấy: “Trong cung có biết bao cung nữ, chàng ta muốn ăn thì kêu họ làm, cớ sao lại phiền đến muội? Đường đường là thái tử phi của một quốc gia hùng mạnh, vậy mà phải đích thân vào bếp làm đồ ăn sao?”. Cần gì phải nhọc công như vậy, mất công tôi cặm cụi dưới bếp lại khiến chàng ta ăn xong phải nằm liệt giường mấy ngày thì khổ.

Tỷ ấy đưa tay gõ nhẹ vào trán tôi, dịu dàng trách cứ: “Trước khi được phong làm thái tử, chàng ta cũng là một nam nhân. Mà nam nhân thì, cho dù địa vị có cao thế nào, trong tay có nhiều kẻ hầu người hạ ra sao, chàng ta vẫn muốn thê tử của mình tự làm đồ ăn cho chàng ta, vì điều đó chứng tỏ trong lòng nàng ấy chàng ta chiếm một vị trí rất quan trọng”.

Tôi ngẫm nghĩ một lát, cảm thấy những lời đó cũng có lý, vậy là tôi lại phải nhọc công học nấu ăn. Cũng may tư chất tôi tốt, bắt chước khá giỏi, trí nhớ cũng không đến nỗi nào, vậy nên chỉ trong vòng một tháng tôi gần như đã trở thành một Ngọc Thất thứ hai.

Đối với tôi mà nói, khoảng thời gian một tháng trước khi xuất giá chỉ như một cái chớp mắt ngắn ngủi, khác hẳn khoảng thời gian một tháng mà tôi bị giam lỏng trong tẩm điện. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy, tôi trầm tư suy nghĩ một hồi, cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Có lẽ là do sắp trở thành tân nương, tâm tư dần trở nên phức tạp, và cảm xúc ít nhiều cũng có sự thay đổi.

Cái ngày mà tôi xuất giá, Ngọc Thất đích thân trang điểm cho tôi, tỷ ấy giúp tôi mặc hỉ phục, thoa phấn tô son. Qua chiếc gương đồng, tôi thấy tỷ ấy cầm chiếc lược ngà trong tay, vừa chải tóc cho tôi vừa nhẹ giọng thốt: “Thật không ngờ muội lại xuất giá trước ta”.

Tôi nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, mỉm cười không nói.

Tỷ ấy vấn tóc cho tôi rồi đội lên đầu tôi chiếc mũ phượng lóng lánh ánh vàng, không quên chỉnh lại nó để tôi không cảm thấy khó chịu trong suốt chuyến đi dài. Nhìn gương mặt đã trang điểm tinh tế trong gương đồng, khóe môi tôi bất giác cong lên. Cho dù tôi không tài hoa như tứ tỷ, nhưng tôi và tỷ ấy là một cặp song sinh, dung mạo giống hệt nhau, tỷ ấy khuynh quốc khuynh thành, nguyệt thẹn hoa hờn, tôi đương nhiên không thể là một cô nương xấu xí. Điều này không một ai có thể phủ nhận được.

Lúc tôi còn đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ miên man của mình, Ngọc Thất đột nhiên lên tiếng: “Nhớ phải giữ gìn sức khỏe, phải biết tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. Muội nhất định phải sống thật tốt, vì bản thân muội, vì ta, và vì giang sơn xã tắc Đại Yến”. Không biết có phải tôi nghe lầm hay không, nhưng tôi cảm thấy trong giọng nói mềm mại và trong trẻo của tỷ ấy có pha chút xót xa, áy náy. Có điều cảm giác đó của tôi có đúng hay không, tôi quả thực không thể chắc chắn.

Lúc đó, tôi nghĩ đây chỉ đơn thuần là những lời mà người làm tỷ tỷ thường dặn dò muội muội của mình trước khi muội ấy xuất giá, đâu ngờ rằng câu nói đó còn có ẩn ý sâu xa mà dù nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến.

Tháng tư, sắc xuân tràn ngập đất trời, đào thắm khoe sắc muôn nơi, tôi vận hỉ bào đỏ chói hành lễ trước mặt phụ vương và mẫu hậu, rồi hướng về phía hàng ngàn con dân Yến quốc đang quỳ phục dưới thành mà lạy ba cái. Hành lễ xong, tôi ngoái nhìn giang sơn Yến quốc một lần nữa, sau đó dứt khoát bước vào kiệu hoa, lên đường đến Tề quốc. 

Nhờ phúc của ngày tốt, mọi chuyện đều thuận lợi, từ khi tôi khoác áo tân nương cho đến lúc được đưa vào tẩm điện của thái tử chờ động phòng, không hề xảy ra chuyện gì bất trắc.

Tôi ngồi trên chiếc giường lớn đặt trong tân phòng, đầu vẫn đội chiếc mũ phượng lóng lánh cùng chiếc khăn thêu long phụng trình tường, trên người là bộ hỉ phục vừa dày vừa dài, vừa nóng vừa vướng víu. Bởi vậy, trong lòng tôi lúc này chỉ có một mong muốn duy nhất, mong tên thái tử đó mau sớm trở về phòng để lật khăn trùm đầu của tôi, để tôi có thể tháo bỏ mũ phượng cùng bộ hỉ phục rắc rối này. 

Trước khi xuất giá, Ngọc Thất có nói với tôi rằng phải ngoan ngoãn ngồi trong phòng chờ đến khi thái tử lật khăn trùm đầu của tôi, như vậy mới đúng với các nghi thức của lễ thành thân. Còn nữa, tỷ ấy dặn tôi khi khăn trùm đầu được gỡ xuống, tôi phải nở nụ cười rạng rỡ nhất dành tặng phu quân của mình, thổ lộ với chàng những lời ngọt ngào êm ái. Sau đó chúng tôi sẽ cùng uống rượu hợp cẩn, hoàn tất đêm động phòng. 

Bây giờ tôi đang mang thân phận của Ngọc Thất, nàng công chúa tài hoa cao quý nhất Yến quốc, đáng ra tôi nên làm theo lời của tứ tỷ để tạo ấn tượng tốt đẹp với Tề quốc thái tử, nhưng biết là một chuyện, làm là một chuyện, tôi vốn không giỏi nhẫn nại, nhất là trong tình cảnh này, trong đêm đầu tiên mà tôi trở thành thê tử của người ta, ngày đầu tiên mà tôi xuất giá.

Từ nhỏ đến giờ, khuyết điểm lớn nhất của tôi chính là thiếu kiên nhẫn. Một phần là tại bản thân, một phần là do hoàn cảnh. Thử nghĩ mà xem, dù gì thì tôi sinh ra cũng mang thân phận công chúa, mang trong mình dòng máu hoàng gia, xung quanh hầu hết là cung nữ nô tỳ, họ là hạ nhân, đương nhiên không thể bắt chủ nhân là tôi phải chờ đợi. Ví dụ như nửa đêm tôi tự dưng muốn ăn bánh chẻo nhân cá, cho dù vẫn còn ngái ngủ nhưng họ cũng phải lập tức đi làm, không để tôi phải đợi lâu. Điều đó khiến tôi có chút ỷ lại, thiếu kiên nhẫn. Đây cũng là thói quen xấu thường thấy ở những người quen sống trong nhung lụa phú quý và có trong tay biết bao kẻ hầu người hạ. 

Nến đỏ đã cháy được hơn nửa, tính kiên nhẫn của tôi cũng sắp vượt qua giới hạn, Tôi vốn không hề có thiện cảm với những cuộc hôn nhân chính trị, trong tình cảnh này, tôi càng chán ghét hơn, chút hảo cảm ít ỏi với vị thái tử được ca tụng là hiền đức, là tài hoa ấy phút chốc mất sạch. Chẳng lẽ chàng ta chưa nghe câu nói “đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng” hay sao? Để tân nương của mình phải đợi lâu như vậy, xem ra chàng ta cũng chẳng phải loại người tốt đẹp gì.

Cuối cùng, khi sự nhẫn nại đã đến cực điểm, tôi hất bỏ khăn trùm đầu, cởi bỏ mũ phượng vướng víu. Mái tóc dài của tôi lập tức xõa xuống, cảnh tượng trong phòng hiện rõ trước mắt, không còn bị ảnh hưởng bởi chiếc khăn đỏ chói thêu long phụng. Tôi đưa mắt nhìn chiếc bàn đối diện với giường lớn, thấy trên đó bày vài món điểm tâm cùng hai chén rượu hợp cẩn, bụng tôi nhất thời kêu gào ầm ĩ. Để chuẩn bị thật tốt cho lễ thành thân, tôi bị Ngọc Thất gọi dậy từ rất sớm, bữa sáng chỉ kịp ăn một cái màn thầu, từ lúc đó đến tận bây giờ chưa có cái gì bỏ vào bụng, không đói mới lạ.

Tôi cho cung nữ đứng ngoài lui xuống, sau đó khép cửa lại, khi phòng tân hôn chỉ còn lại mình tôi, tôi từ dáng vẻ đoan trang hiền dịu của Ngọc Thất trở về với tôi của ngày thường. Gạt bỏ mọi lời căn dặn của tứ tỷ cùng mấy quy củ nghi lễ phiền phức ra khỏi đầu, tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh bàn, nhanh chóng thưởng thức đồ ăn của Tề quốc. Tôi thản nhiên ngồi ăn, cốt yếu chỉ để thỏa mãn cơn đói của mình. Ăn một hồi lâu, cảm thấy hơi khát, tôi cầm hai chén rượu hợp cẩn kia uống một hơi cạn sạch.

Cho dù cung nữ đã nói với tôi thái tử sẽ về phòng muộn, nhưng tôi không ngờ là lại muộn đến mức này. Sau khi ăn uống no say, chờ thêm một lúc nữa vẫn không thấy bóng dáng chàng ta đâu, tôi chán nản nằm nghiêng trên giường, đôi mắt hướng về phía cửa phòng dần dần khép lại. Tôi tự nhủ với bản thân mình, chỉ chợp mặt một lát, chỉ một lát thôi…

Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, chỉ biết lúc nửa đêm, khi tôi vẫn còn đang say ngủ, một tiếng động rất khẽ vang lên giống như tiếng ai đó mở cửa, sau đó là tiếng bước chân như có như không, cuối cùng dừng lại ở đầu giường, gần chỗ tôi đang nằm. Hương hoa đào thoảng qua mũi, hình như là mùi rượu, tôi mơ mơ hồ hồ mở mắt ra, không nhìn rõ cảnh tượng trước mắt, chỉ biết đó là một người mặc áo đỏ. Trong lúc đầu óc còn mơ màng, tôi cứ tưởng đây là vương cung Yến quốc, lúc tôi vẫn còn là nàng công chúa thất sủng. Do thần trí không tỉnh táo, tôi cứ ngỡ người trước mặt là thích khách, theo bản năng giơ chân định đạp cho người đó một cái. 

Chỉ là, tửu lượng tôi không tốt, hôm nay lại hơi quá chén, đầu óc không tỉnh táo, động tác hơi chậm chạp. Chân trái của tôi vừa giơ lên người đó đã đoán được ý đồ của tôi, lập tức né người sang bên, không một động tác thừa.

Đêm khuya thanh vắng, trong căn phòng lờ mờ ánh nến, giọng người đó vang lên, là âm thanh trong trẻo nhất mà tôi từng nghe: “Nàng làm vậy có phải vì giận ta, trách ta trở về phòng muộn?”.

Nghe được câu ấy, đầu óc tôi lập tức tỉnh táo lại, tôi tròn mắt nhìn chủ nhân của giọng nói ấy.

Dáng vẻ cao lớn, cặp mày rậm, đôi mắt như hồ thu phẳng lặng sóng sánh đào hoa, môi mỏng nhếch lên tựa như cười, bộ hỉ phục đỏ chói càng tôn lên vẻ tuấn dật vô song, phong lưu đa tình.

Quả thực là một nam nhân anh tuấn. Khi nhìn vào đôi mắt tĩnh lặng như hồ thu ấy, tôi cảm thấy đầu óc trống rỗng, tim đập liên hồi. Nhưng khi chú ý đến bộ hỉ phục trên người chàng, tôi đột ngột sực tỉnh.

Người đó là Tề quốc thái tử, là phu quân của tôi.

Thì ra lời đồn là có thật, chàng đúng là Tề quốc đệ nhất mỹ nam tử, dung mạo đẹp đến nỗi khiến nữ nhân cũng phải ghen tị.

Nhưng nhìn nụ cười nở trên môi chàng, nhớ lại chuyện vừa rồi, tôi lắp bắp: “Điện... điện hạ”. Đây là Tề quốc thái tử, phu quân của tôi? Vậy mà vừa rồi tôi đã làm gì? Tưởng chàng là thích khách, còn định đạp cho chàng một cái ư? Cũng may mà chàng né kịp, ngộ nhỡ chàng vì cú đạp của tôi mà nằm liệt giường, chuyện này mà đồn ra ngoài, thanh danh của tôi nay còn đâu?

Dường như nhìn thấu được suy nghĩ của tôi, chàng từ từ bước lại gần giường, nhẹ giọng nói: “Không sao, cũng là lỗi của ta, bắt nàng phải chờ lâu như vậy, trong khi biết rõ là nàng lặn lội từ xa đến, vô cùng mệt mỏi…”, không biết là vô tình hay hữu ý mà chàng kéo dài giọng, ý cười trong mắt càng đậm hơn: “… mệt mỏi đến nỗi lên giường nàng cũng quên cởi giày”.

Nghe chàng nói thế, tôi liếc nhìn đôi giày bằng tơ đỏ dưới chân, ngượng ngùng gượng cười một tiếng.

Chàng ngồi cạnh tôi, mày rậm khẽ nhướng: “Ta nghe nói ở Yến quốc nàng tinh thông cầm kỳ thi họa thiên văn địa lý, không ngờ nàng còn là một cao thủ, võ công cao cường”.

Tôi ngây người trong chốc lát: “Hả?”. Chàng phát hiện ra điều gì sao?

Chàng khẽ cười, giọng thoảng hương hoa đào: “Khi ngủ mà vẫn có ý thức cảnh giác như vậy, cú đạp vừa rồi uy lực không nhỏ, nếu ta không né kịp chắc cũng phải nằm liệt giường mấy ngày, chứng tỏ nàng biết võ công, hơn nữa, còn rất giỏi là đằng khác”.

Tôi cắn môi suy nghĩ, cuối cùng đưa ra một cái cớ để chàng khỏi nghi ngờ: “Bởi vì… thiếp nghĩ nữ nhân cũng nên biết chút võ công để tự bảo vệ bản thân, không nên quá ỷ lại vào nam nhân”.

Chàng đưa tay vén tóc mai của tôi ra sau tai, tự nhiên như những cặp phu thê thực sự vẫn thường ân ái: “Không hổ là Chiêu Nhân công chúa, suy nghĩ của nàng thật khiến ta mở rộng tầm mắt”.

Hành động đó của chàng khiến tôi bối rối, khẽ lùi về phía sau, tôi chuyển đề tài đánh lạc hướng sự chú ý của chàng: “Dù sao thì chàng cũng về phòng rồi, chúng ta hoàn tất lễ động phòng thôi”.

Chàng khẽ nhướng mày: “Ồ, nàng biết trong đêm động phòng phải làm những gì không?”.

Vấn đề này không phải suy nghĩ nhiều, tôi đáp: “Đầu tiên tân lang sẽ lật khăn trùm đầu của tân nương”.

Khóe môi chàng cong lên một chút: “Chẳng phải nàng đã tự làm chuyện này rồi hay sao?”.

Tôi gượng cười một tiếng, thầm nghĩ trong lòng, đó là vì chàng về muộn mà thôi, đâu thể bắt tôi giữ nguyên mũ phượng cùng khăn trùm đầu cho đến khi chàng về được. Ngước nhìn chàng, tôi nói: “Tiếp theo hai người sẽ cùng uống rượu hợp cẩn”.

Chàng đưa mắt nhìn chiếc bàn đặt cạnh giường: “Nàng biết vậy mà vẫn uống rượu hợp cẩn trước sao? Lại còn uống luôn phần của ta nữa”.

Tôi ngượng ngùng giải thích: “Đó là vì… là vì thiếp khát quá, mà trong phòng lại không có trà”.

Lại bị chàng ngắt lời: “Bỏ qua chuyện đó đi. Nàng biết sau đó phải làm gì không?”.

Còn sau đó nữa sao? Ngọc Thất chỉ nói với tôi có vậy thôi, tôi cũng có hỏi tỷ ấy rằng còn phải làm gì nữa không, nhưng tỷ ấy không trả lời, hai gò mà lại ửng hồng kỳ lạ. Cho dù không biết bước tiếp theo là gì, nhưng tôi cũng không muốn chàng nghĩ tôi là kẻ thiếu hiểu biết, vậy nên đành đánh bạo nói rằng: “Đương nhiên thiếp biết. Sau đó chúng ta phải ngủ thật sớm để ngày mai đi thỉnh an thái hậu, phụ vương và mẫu hậu của chàng, có phải không?”.

Hạo Thiên: “…”.

Cuộc hôn nhân chính trị này đã bắt đầu mối lương duyên giữa hai chúng tôi, kéo theo hàng loạt rắc rối xảy ra sau này. Đến khi trở thành thê tử của chàng tôi mới nhận ra một điều, không phải cuộc hôn nhân chính trị nào cũng không hạnh phúc, không tình yêu.

Tôi cứ tưởng bản thân không quen ngủ chung giường với người khác, khi ngủ chung sẽ rất khó chịu, rất khó ngủ, nhưng không phải như vậy. Hương rượu hoa đào tỏa ra từ người chàng khiến tâm tình tôi tốt hơn bao giờ hết. Đêm nay, trong vòng tay của chàng, tôi có một giấc ngủ rất ngon.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi