THẦN THOẠI HY LẠP

Sau một năm trời ở thăm xứ sở của những người Hyperboréens, thần Apollon trở về Hy Lạp để bắt đầu sự nghiệp vinh quang của mình. Chiến công đầu tiên của chàng là diệt trừ con mãng xà Python để trả thù cho người mẹ kính yêu của mình.

Xưa kia, khi nữ thần Héra biết chuyện tình duyên của Zeus với Léto thì một mặt nàng ra lệnh cho khắp nơi trên mặt đất không được tiếp đãi, chứa chấp Léto, một mặt nàng xin với nữ thần Đất mẹ-Gaia sinh ra một con quái vật thật khủng khiếp để nó truy đuổi Léto. Gaia đã sinh ra con mãng xà Python, một con trăn cực kỳ to lớn, đúng hơn phải nói đó là một con nửa rắn, nửa rồng, cực kỳ hung dữ. Python đã đuổi bám theo dấu chân Léto khiến cho Léto lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Nhưng rồi nhờ thần Poséidon giúp đỡ, Léto mới đặt chân lên được hòn đảo Ortygie. Người xưa kể lại, chính nhờ thần Poséidon nên mới ra đời hòn đảo Ortygie. Cảm thương số phận bạc bẽo của nàng Léto, thần đã giáng cây đinh ba xuống biển. Và thế là từ đáy biển nổi dềnh lên một hòn đảo nhỏ lênh đênh, trôi nổi.

Apollon cưỡi trên cỗ xe do đàn thiên nga trắng muốt kéo, bay từ xứ sở của những người Hyperboréens về Delphes78. Nơi đây dưới chân núi Parnasse, trong một chiếc hang sâu tối đen không một tia nắng nào lọt tới, ẩm ướt, nhớp nháp, con mãng xà Python sống và ngày ngày ra phá hoại hoa màu, săn bắt súc vật của những người dân lành. Có người nói, nó được nữ thần Thémis giao cho canh giữ một lời sấm ngôn thiêng liêng hoặc là một mảnh đất thiêng liêng trên đó có ngôi đền thờ nữ thần Đất mẹ-Gaia vĩ đại. Từ ngôi đền này nữ thần Gaia truyền phán những lời sấm ngôn cho những người trần đoản mệnh để họ có thể đoán định được tương lai, biết cách hành động và cư xử cho đúng với ý muốn của các vị thần.

Apollon bay tới Delphes. Từ trên cỗ xe chàng đứng, ánh sáng tỏa ra ngời ngời, ánh sáng từ chiếc mũ vàng của chàng, ánh sáng từ cây cung bạc và những mũi tên vàng. Cỗ xe của chàng lượn một vòng trên bầu trời rồi hạ cánh xuống một ngọn núi, trước hang ổ của Python. Vừa bước tới cửa hang Apollon đã cảm thấy khó chịu vì khí lạnh từ lòng hang bốc ra. Chàng lần bước đi vào lòng hang sâu hun hút, tối đen mịt mùng. Đi chưa được bao xa, chàng bỗng nghe thấy tiếng chuyển động ầm ầm và từ đáy hang sâu thẳm bốc lên một mùi tanh kinh tởm hết chỗ nói, tưởng có thể làm đảo lộn cả ruột gan. Apollon biết ngay là Python đang bò ra khỏi hang để tìm kiếm thức ăn. Chàng lập tức thoát ra khỏi hang, tìm một chỗ thuận lợi để nấp mình, đón quái vật đi tới. Python ra khỏi hang và trườn tới thung lũng phía trước. Thân hình khổng lồ của nó với những vẩy cứng, băng qua những tảng đá lởm chởm làm đá vỡ ra hoặc bị xô đẩy lăn đi ầm ầm. Một làn gió cuốn theo cát bụi mù mịt, thổi ào ạt vào cây cối như trời đang nổi cơn giông. Python quăng mình vào chỗ nào là chỗ đó cây cối gãy răng rắc, nhà cửa đổ, đất bằng lún xuống thành hồ ao. Chim chóc, thú vật sợ hãi nháo nhác gọi nhau chạy trốn. Ngay đến các tiên nữ Nymphe, những tiên nữ của rừng xanh, đồng nội, núi non sông suối, con của thần Zeus, cũng phải bỏ chạy.

Nhưng có một người con của Zeus không bỏ chạy mà lại tiến đến đương đầu với Python. Đó là vị thần Apollon vĩ đại, uy nghiêm. Nhìn thấy Apollon, Python vươn chiếc cổ dài ngoẵng ra, mắt quắc lên xanh lè, mồm há hốc với những hàm răng sắc nhọn để phóng ra chiếc lưỡi dài đỏ như lửa, hòng vơ liếm ngay được đối thủ vào trong mồm. Nhưng không may cho con mãng xà kinh tởm này, Apollon đứng ngoài tầm phóng của chiếc lưỡi lửa của nó. Và khi nó vừa thu lưỡi về chưa kịp lấy đà phóng tiếp một đòn nữa thì dây cung bạc đã bật lên một tiếng khô gọn, một mũi tên vàng rít lên trong gió cắm phập vào đầu Python. Rồi tiếp những mũi tên thứ hai, thứ ba... liên tiếp cắm vào thân hình đầy vẩy cứng của con quái vật. Python đau đớn trườn mình, quay đầu bỏ chạy. Apollon đuổi theo cho đến tận ngôi đền thờ nữ thần Đất mẹ-Gaia để kết liễu được con quái vật, trừ khử được một tai họa cho dân lành, trả thù cho người mẹ kính yêu là nữ thần Léto.

Sau khi giết được Python79, Apollon chôn xác quái vật xuống đất đen sâu thẳm và cho dựng lên một ngôi đền thờ lấy tên là đền thờ Delphes. Nơi đây, những nàng trinh nữ đẹp nhất được tuyển chọn là cô đồng Pythie để lãnh sứ mạng giao tiếp với thần Apollon, phán truyền những lời sấm ngôn thần thánh. Còn thần ánh sáng Apollon vì chiến công đó được mang danh hiệu Apollon Pythien. Apollon còn đặt lệ cứ bốn năm một lần tổ chức Hội Pithiques để kỷ niệm chiến công diệt trừ con mãng xà Python. Vị thần Apollon là người bảo trợ cho nghệ thuật và âm nhạc cho nên trong những ngày mở hội chỉ có những ca sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ đua tài. Từ năm 586 TCN các môn thể dục thể thao được đưa vào thi đấu. Khoảng năm 390 hoàng đế La Mã Théodose I ra lệnh đóng cửa đền thờ Delphes. Hội Pithiques mở lần cuối cùng vào năm 391. Cũng năm này vị hoàng đế nói trên ra lệnh bãi bỏ Hội Olympiques.

Delphes là một trung tâm tôn giáo của thế giới Hy Lạp. Delphes ở vùng Phocide thuộc miền trung Hy Lạp, phía Nam là vịnh Corinthe. Đền thờ ở chân núi Parnasse, ngày nay gọi là núi Liakoura. Trong thời cổ đại, Delphes đã từng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo khá lớn. Đền Delphes được xây dựng vào thế kỷ IX TCN. Tục truyền rằng thần Apollon sau khi giết chết được con mãng xà Python đã chọn Delphes làm nơi xây đền. Thần giao cho Trophonius và Agamède, hai nhà kiến trúc đại tài, xây dựng nơi thiêng liêng này. Ảnh hưởng của trung tâm tôn giáo Delphes tỏa rộng khắp thế giới Hy Lạp. Người ta thường kéo về đây để cầu xin những lời sấm ngôn của thần thánh tiên báo cho tương lai hoặc chỉ dẫn cho hành động, sự nghiệp. Vào thế kỷ VI TCN, đền Delphes bị cháy, sau đó được xây dựng lại rất nguy nga, tráng lệ. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khảo cổ học tìm được trên địa điểm này nhiều di tích quý báu, cho phép dựng lại được gần như toàn cảnh khu vực. Ngoài những đền, điện, tượng, những bức phù điêu lớn, kho tàng, người ta còn tìm thấy một sân đua ngựa, một nhà hát và một phòng họp lớn.

Dưới chân vách núi đá lởm chởm ở phía Đông và con suối thiêng liêng Castalie mà người xưa tin rằng nước suối này có thể rửa sạch mọi tội lỗi, tẩy trừ được những vết nhơ trong hành vi, tư cách của con người. Truyền thuyết xưa kể lại, Apollon bữa kia theo đuổi một người thiếu nữ vô cùng xinh đẹp mà thần đã đem lòng yêu mến từ lâu, theo đuổi tới nơi đây, gần ngay khu thánh đường này. Bị đuổi cùng đường, người thiếu nữ nhảy ngay xuống con suối ở chân núi Parnasse. Từ đó con suối mang tên của người thiếu nữ: Castalie.

Giữa khu thánh đường có đặt một hòn đá hình bán nguyệt (thường là một thiên thạch) tên gọi là Omphalos, tiếng Hy Lạp nghĩa là “cái rốn”. Chuyện xưa kể rằng, một hôm thần Zeus muốn xác định nơi đâu là trung tâm của đất bèn phái hai con đại bàng, một con bay về phương Đông, một con bay về phương Tây, để xem chúng gặp nhau ở đâu. Hai con chim thần đó gặp nhau tại Delphes, nơi đặt hòn đá Omphalos. Sau này người ta dựng tượng hai con đại bàng bằng vàng đặt chầu vào hòn đá. Theo Hésiode (Thần hệ) thì hòn đá Omphalos là hòn đá mà xưa kia nữ thần Rhéa đã đánh tráo, thay cho đứa con mới sinh là thần Zeus, đem dâng cho thần Cronos. Cronos nuốt “đứa con” đó để tránh hậu họa bị lật đổ. Sau này Zeus cho Cronos uống một thứ lá cây thần diệu, Cronos phải nôn, nhả hết tất cả các anh chị em của Zeus ra, và nhả cả hòn đá ra. Hòn đá trở thành một vật hết sức thiêng liêng, được thờ cúng với những nghi lễ hết sức trọng thể.

Huyền thoại này và tập tục thờ cúng của nó cho ta một bằng chứng về một kiểu huyền thoại phức hợp. Nếu xét về tập tục thờ cúng hòn đá thì chúng ta thấy hiển nhiên đây là một hiện tượng bái vật giáo khá thô thiển. Nhưng hòn đá đó lại là Zeus hoặc tượng thần Zeus (một cách tượng trưng) thì nó lại là một hiện tượng vật linh giáo, đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh giữa thế hệ với các vị thần trẻ do Zeus cầm đầu với thế hệ các vị thần già Titan do Cronos cầm đầu. Và cuộc đấu tranh này đã kết thúc bằng thắng lợi của các vị thần trẻ, các vị thần Olympe, phản ánh sự chuyển biến từ thần thoại Chthonien (hoặc Chthoniennes) sang thần thoại của chủ nghĩa anh hùng, sự chuyển biến từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền. Lại nữa, hòn đá Omphalos được đặt vào khu vực thánh đường Delphes, nơi thờ cúng vị thần Apollon, như vậy có nghĩa là nó đã thu hút vào quanh nó những biểu tượng tôn giáo-thần thoại Apollon của thời kỳ cổ điển cực thịnh của chế độ chiếm hữu nô lệ. Rõ ràng chỉ trong một biểu tượng của một huyền thoại có nhiều lớp của nhiều thời đại phức hợp lại với nhau. Vì thế vấn đề nghiên cứu thần thoại để tìm ra ý nghĩa xã hội-lịch sử của nó quả không phải là một công việc dễ dàng.80

Trong khu vực đền thờ Apollon có một nơi hết sức thâm nghiêm, cấm ngặt không cho ai lai vãng tới ngoài các cô đồng Pythie. Đây là nơi truyền phán những lời sấm ngôn. Cô đồng Pythie thường tắm ở suối Castalie để thâu nhận những phẩm chất thần thánh, những phẩm chất này bồi dưỡng cho năng lực tiên đoán, truyền phán của cô, làm cho sự tiếp xúc của cô với thần Apollon được giao hòa, thông cảm và làm cho những lời truyền phán của cô ngày càng thiêng, càng ứng nghiệm. Trước thế kỷ VI TCN, ở Delphes chỉ có một cô đồng Pythie, từ thế kỷ VI trở đi tăng lên ba cô. Để siêu thoát khỏi hình hài trần tục, giao tiếp được với thần Apollon, cô đồng Pythie phải uống một ngụm nước suối Castalie, hái một chiếc lá nguyệt quế thiêng liêng rồi ngồi lên một chiếc ghế ba chân bằng vàng. Ghế này đặt trên một khe nứt trên mặt đất mà từ dưới đó hơi khí bốc lên mù mù. Người xưa cho rằng chỉ khi cô đồng ngồi vào chiếc ghế đó, hít thở vào trong người hơi khí “độc” đó thì cô đồng mới nhập đồng, có nghĩa là những lời truyền phán của cô mới đích thực thể hiện ý chí của thần thánh. Thường thì những lời truyền phán của thần thánh không rõ ràng, cụ thể, thường mơ hồ chứa đựng hai, ba nghĩa, muốn hiểu thế nào cũng được hoặc rất khó hiểu.

Chuyện xưa kể lại, có một lần vào năm 546 TCN, vị vua xứ Lydie tên là Crésus81 tới Delphes để xin thần ban cho một lời chỉ dẫn: “Có nên đánh Perse hay không?” Thần giải đáp: “Hỡi Crésus! Dòng sông Halys82 vẫn trôi, một vương triều vĩ đại sẽ sụp đổ!” Crésus đem quân đánh, Perse bị đại bại, nhà vua bị bắt sống, lúc đó cô đồng Pythie và những viên tư tế lại giải thích: “Thật đúng như lời thần truyền phán!”

Trong thời kỳ những thành bang Hy Lạp phát triển, trung tâm Delphes chịu ảnh hưởng và sự chi phối của giới quý tộc Sparte. Hội Pithiques vẫn mở bốn năm một lần ở Delphes thu hút đông đảo khách thập phương tới dự.

Người ta thường tin rằng xác con mãng xà Python chôn dưới hòn đá Omphalos vẫn còn bốc khí độc lên qua kẽ nứt của phiến đá mà trên đó đặt chiếc ghế ba chân bằng vàng cho cô đồng Pythie ngồi.

Con suối Castalie và cảnh đẹp quanh dòng suối xưa kia không chỉ là nơi cho khách hành hương đến tắm hay uống nước suối để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà còn là nơi du ngoạn của các văn nhân, thi sĩ. Các bậc trí thức này cũng tắm nước suối, uống nước suối nhưng không phải để giải oan, rửa tội, cầu phúc mà là để lấy nguồn cảm hứng nghệ thuật thiêng liêng. Bởi vì thần Apollon, vị thần bảo trợ cho nghệ thuật và âm nhạc, thường cùng các nàng Muses tới du ngoạn và ca hát bên dòng suối Castalie, do đó các nàng Muses còn có tên gọi là Castalides và con suối Castalie lại mang thêm một ý nghĩa: ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật (Source castalienne).

[78] Delphes là một điểm ở đất Phocide, chân núi Parnasse trước kia tên là Pitho.

[79] Ngày nay Python trở thành một danh từ chung chỉ một giống trăn to ở châu Á.

[80] A.F. Losev, Antichnaja mifologija o istoricheskom razvitii. Moskva, 1957, tr. 37-38.

[81] Lydie là một vương quốc ở Tiểu Á; Crésus (563-548 TCN) là một vị vua nổi tiếng về giàu có đã chinh phục cả vùng Tiểu Á.

[82] Halys là con sông ở biên giới hai vương triều Lydie và Perse.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi