THE DREAM HUNTERS [TRUY MỘNG]

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Xa thật xa về hướng tây nam, trong một đại điện ở Kyoto, Âm Dương Đạo Trưởng, onmyoji đại nhân, thắp một ngọn đèn trên cái bàn nhỏ, trên đó có để một mảnh khăn lụa hình vuông, và trên đó một hộp sơn mài, và một cái chìa khóa bằng gỗ đen. Năm cái đĩa sứ nhỏ được bày theo hình năm góc của cái la bàn, trong ba cái đĩa nhỏ là bột phấn, trong một cái đĩa là một giọt nước, và cái đĩa cuối cùng không có gì trong đó hết.

Vị onmyoji là một người giàu có. Ông giữ chức quan lớn trong Hội Đồng Thái Bốc, và rất nhiều người đến tìm kiếm lời khuyên và tiên tri của ông. Nhiều vị tỉnh trưởng đều đội ơn ông, và tin rằng những ảnh hưởng của ông và những lời tiên đoán của ông đã mang đến cho họ giàu có và chức lớn. Tả hữu Thừa tướng, và cả Thái sư đương triều đều nể vì ông. Nhưng ông không phải là một người hạnh phúc.

Ông có một người vợ, bà sống ở phần bắc của nhà ông, bà cai quản mọi việc trong nhà rất thành thục và công bằng, và bà cũng đối xử với ông như một người vợ phải đối xử với người chồng. Ông có một người thiếp, nàng chỉ tròn mười bảy tuổi, và rất xinh đẹp: làn da trắng như hoa mận, và đôi môi đỏ thắm như trái mận. Vợ và thiếp của ông sống chung với nhau, dưới một mái nhà, và họ không cãi nhau. Nhưng vị onmyoji cũng không phải là người hạnh phúc.

Ông sống trong ngôi nhà được coi là ngôi nhà thứ mười bảy nguy nga nhất Kyoto. Tinh linh và ác quỷ, Oni cũng như Tengu, đều dưới quyền của ông. Ông có thể nhớ rõ ràng từng chi tiết của cuộc đời mình ở hai kiếp trước. Khi còn trẻ ông đã du hành sang Trung Hoa để tầm sư học đạo, và trở về với mái tóc sớm bạc, nhưng thay vào đó là những kiến thức vô song về các điềm tốt và điềm xấu. Ông được những người cao siêu hơn tôn kính và được những kẻ thấp kém hơn sợ hãi. Nhưng, với những điều đó, vị onmyoji vẫn không vui vẻ.



Tại vì vị onmyoji rất sợ hãi.

Kể từ khi ông có trí khôn, khi còn là một đứa trẻ nhỏ, ông đã biết sợ hãi, và với tất cả những gì ông học, những quyền lực mà ông có được, ông đã hi vọng có thể xua đi cơn sợ hãi đó. Nhưng sự sợ hãi vẫn tồn tại. Nó vẫn chực chờ sau lưng ông, lẩn khuất trong tim ông; nó ở đó khi ông ngủ, và chào ông khi ông thức giấc vào buổi sáng; nó ở đó khi ông ái ân, cũng như khi ông uống rượu, và khi ông đi tắm.

Đó không phải là sự sợ chết, vì trong thâm tâm ông e rằng chết chỉ có thể là cách giải thoát khỏi cơn sợ hãi đó. Và rồi có những ngày ông tự hỏi, nếu, ông dùng phép thuật để giết tất cả những nam, nữ, hoặc trẻ con trên thế giới thì sự sợ hãi đó sẽ biến mất, nhưng ông cũng e rằng cơn sợ hãi đó vẫn sẽ theo ông khi chỉ còn lại một mình.

Cơn sợ hãi đó là động lực cho ông tiến tới, và cũng chính nó đã đẩy ông vào bóng tối.

Âm Dương Đạo Trưởng kết giao với những kẻ đào mồ. Ông gặp gỡ những sinh vật dị hình trong đêm tối, cùng nhảy múa, và tham gia các buổi yến tiệc của chúng.

Bên ngoài thành, nơi mà bọn trộm cắp, cướp giật và những người không sạch sẽ sống, Âm Dương Đạo Trưởng sở hữu một mái nhà xiêu vẹo, và trong ngôi nhà đó có ba người phụ nữ: một già, một trẻ, và một không già cũng không trẻ. Những người phụ nữ này bán thảo mộc và thuốc cho những người tự thấy mình đang ở trong tình thế không được may mắn. Có lời xì xầm rằng những khách qua đường lỡ lạc chân vào ngôi nhà đó buổi tối thì không bao giờ được thấy trở ra. Dù sao đi nữa, không ai biết được mối quan hệ của vị onmyoji với ba người phụ nữ đó, hoặc những chuyến viếng thăm của ông đến ngôi nhà vào những đêm mặt trăng tối tăm nhất.

Trong lý trí và thâm tâm ông, onmyoji không phải là một người xấu. Ông chỉ bị sợ hãi quá độ. Và cơn sợ hãi đã lấy đi mất niềm vui từ những giây phút đáng tự hào hoặc hoan lạc, và làm mất đi những niềm hạnh phúc trong đời ông.

Một đêm, vài tuần trước khi tất cả mọi chuyện xảy ra, khi mặt trăng tối nhất, ông đã hỏi ba người phụ nữ trong ngôi nhà lá ba câu hỏi đã làm ông băn khoăn nhất.



“Làm sao tôi tìm được bình an?” ông hỏi đàn bà già nhất trong bọn họ.

“Chỉ có trong nhà mồ mới có bình an vĩnh cửu,” bà ta bảo, “còn bình an tạm thời trong giây lát thì chỉ việc đi ngắm mặt trời lặn thôi.”

Bà ta hoàn toàn trần truồng, và hai vú chảy xệ như hai cái bao tải rỗng trên ngực, và trên mặt bà ta vẽ hình quỷ dữ.

Vị Onmyoji nhăn mặt, bực bội, ông vỗ cánh quạt vào lòng bàn tay mình.

“Tại sao tôi không thấy bình an?” ông hỏi người trẻ nhất.

“Bởi vì ngươi còn sống,” Thiếu nữ bảo. Vị onmyoji sợ người đàn bà trẻ nhất, bởi vì ông cho rằng cô ta không phải là người sống. Cô ta rất đẹp, nhưng đó là một vẻ đẹp lạnh lẽo. Nếu bị cô ta chạm vào với những ngón tay lạnh đó, ông rùng mình trước suy nghĩ ấy.

“Tìm bình an ở đâu?” ông hỏi người đàn bà không trẻ cũng không già.

Bà ta không trần truồng, nhưng bận áo không cài nút, và trên ngực lộ ra hai hàng vú, giống như vú của loài heo nái, hay của loài chuột, những núm vú màu đen và cứng ngắc như hòn than.

Bà ta hít một luồng khí qua hàng răng của mình, giữ nó ở lại đó, rồi một hồi lâu sau, bà ta thở ra. Và bà ta bảo, “Trong tỉnh Mino, cách đây rất nhiều ngày đường, hướng đông bắc, bên dãy núi đó là một ngôi chùa nhỏ. Nó nhỏ đến nỗi chỉ có một nhà sư ở đó chăm nom. Y không sợ gì cả, và y có sự bình an mà ông muốn. Ta có thể dệt để cho ngươi có được sức mạnh của y sau khi y chết, và ngươi sẽ không sợ gì cả. Nhưng một khi ta đã bắt đầu dệt, ngươi sẽ chỉ có đến khi trăng tròn lần sau để làm cho hắn chết. Nhưng cái chết của hắn phải không dính đến bạo lực, và không có chút đau đớn, nếu không, ta sẽ không dệt thành công.”

Vị onmyoji kêu lên tỏ ý hài lòng. Ông tự tay mớm cho bà ta vài món ăn ngon, và vuốt tóc bà ta, và bảo rằng ông rất hài lòng với câu trả lời này.

Ba người đàn bà rút lui vào một góc tối khác của ngôi nhà lụp xụp này, và khi họ trở ra mặt trời vừa lộ ra và bầu trời có vài tia sáng.

Họ đưa cho onmyoji đại nhân một miếng vải lụa hình vuông, trắng như ánh trăng. Trên đó thêu hình vị onmyoji, mặt trăng, và vị hòa thượng.

Vị onmyoji hài lòng gật đầu. Ông có lẽ sẽ cảm tạ họ, nhưng ông biết không nên làm thế với những sinh vật như họ, nên ông đặt số tiền lên sàn nhà, rồi vội vã trở về, trước khi trời sáng.

Có nhiều cách để giết người từ xa, nhưng phần lớn, ngay cả không cần dùng đến bạo lực, đều gây đau đớn cho nạn nhân.

Âm Dương Đạo Trưởng tham cứu những cuộn sách của mình. Rồi ông sai bọn quỷ dữ của mình đến ngọn núi mà nhà sư trú ngụ, để lấy về cho ông những thứ mà nhà sư đã chạm vào. (Đó là khi mà con cáo đã nghe lén được bọn chúng nói chuyện.) Và hiện giờ, tại nơi đây, onmyoji đại nhân ngồi trước cái bàn nhỏ này, ngọn đèn nhỏ ở trên, với cái hộp sơn mài, và chìa khóa. Từng cái một, ông để những từng miếng bột trong năm cái đĩa vào trong ngọn lửa của cây đèn – mỗi chất bột tượng trưng cho một nguyên tố. Và giọt cuối cùng là vật cuối cùng là bọn quỷ đã trộm của nhà sư: đó là cái đĩa không có gì ở trong đó, tại vì nó chứa một phần của cái bóng nhà sư.

Với mỗi giọt bột mà onmyoji đặt vào ngọn lửa, nó càng bừng cháy cao hơn và rực sáng hơn; và khi ông bỏ vào giọt cuối cùng, cái bóng của nhà sư, ngọn lửa bùng cháy sáng rực cả căn phòng của onmyoji và rồi nó tàn lụi, để căn phòng chìm vào bóng tối.

Onmyoji đại nhân thấp một ngọn đèn khác và hài lòng khi thấy tấm vải lụa trên bàn đã có một vết ố, như là một vật gì chết chóc trên khuôn mặt của nhà sư trẻ.

Ông vui mừng ngắn nhìn nó. Và rồi ông đi ngủ và thiếp đi bình an, không sợ hãi. Trong đêm đó, ông hoàn toàn thỏa mãn.



Đêm đó trong giấc mộng, nhà sư đứng trước căn nhà của cha mình, trước khi cha bị cách chức, mất nhà và tài sản, tại vì ông có nhiều kẻ thù đầy quyền lực.

Cha chàng cúi đầu, và nhà sư nhớ lại, trong giấc mơ, rằng cha đã chết dưới tay mình, và chàng cũng nhớ rằng chàng, nhà sư, vẫn còn sống. Chàng cố nói điều đó cho cha nghe, nhưng cha chàng tỏ ý, không bằng lời, rằng ông không thể nghe con trai nói gì cả.

Và rồi ông lấy một hộp sơn mài từ dưới áo choàng ra, và đưa cho người con trai.

Nhà sư cầm lấy cái hộp đó, và người cha không còn ở đấy nữa, nhưng chàng không quan tâm gì đến việc đó, tại vì cái hộp đã thu hút hết mọi sự chú ý của chàng (mặc dù, trong giấc mơ, chàng thấy một cái đuôi cáo thoáng qua cửa).



Chàng biết có một vật rất quan trọng trong hộp. Một vật gì đó chàng phải xem. Nhưng dù chàng dùng cách nào nó vẫn không mở ra, và càng cạy, càng đập, chàng càng thấy bực mình.

Nhà sư tỉnh dậy trong một thân thể mỏi mệt và khó chịu, không hiểu giấc mơ đó là một điềm xấu hay là một lời cảnh báo. “Nếu đó là một giấc mơ xấu,” nhà sư nói, “cầu mong Baku bắt nó đi.”

Và rồi chàng ngồi dậy, đi lấy nước, và bắt đầu một ngày mới.

Đêm thứ hai nhà sư mơ thấy ông mình đến thăm, mặc dù ông đã chết từ lâu lắm, vì bị bánh mochi, cái bánh nhỏ bằng bột gạo, làm nghẹn, khi nhà sư còn ẵm ngửa.

Hai người đứng trên một hòn đảo nhỏ, vừa lớn hơn một tảng đá to trên đại dương. Đôi mắt mù lòa của người ông hướng ra biển. Tiếng chim hải âu kêu lên hòa vào tiếng sóng biển và gió thổi.

Ông lão xòe bàn tay già nua, lộ ra một chiếc chìa khóa màu đen. Ông chầm chậm đưa tay về phía trước như một món đồ chơi chạy bằng điện. Nhà sư cầm lấy chiếc chìa khóa. Một con chim hải âu hét lên ba tiếng kêu thê thiết, nhà sư vừa định hỏi về ý nghĩa của điều đó, nhưng ông lão đã biến mất.

Nhà sư giữ chặt cái chìa khóa. Chàng nhìn xung quanh để xem nó mở cái gì, nhưng hòn đảo hoang vắng và trống rỗng. Chàng dạo quanh hòn đảo, nhưng vẫn không thấy gì cả.

Nhà sư có cảm tưởng là mình đang bị theo dõi, trong giấc mơ, và chàng nhìn quanh, nhưng không có gì cả, ngoại trừ tiếng hải âu xa xa, và một bóng dáng nhỏ trên vành đá cao cao, trông như dáng một con cáo, nhà sư nghĩ.

Chàng tỉnh giấc mà bàn tay vẫn còn giữ chặt một chiếc chìa khóa vô hình, vẫn cảm giác được đôi mắt cáo đang dõi theo chàng.





Giấc mộng giống như thật đến nỗi, vào lúc ban ngày, khi cơn gió bấc thổi bay những chiếc lá đỏ vàng từ trên cây thích vào trong mảnh vườn nhỏ bé của ngôi chùa, nơi nhà sư đang cuốc đất trồng khoai, chàng giơ tay tìm chiếc chìa khóa, và rồi từ từ nhận ra rằng chàng chưa bao giờ thấy hoặc cầm nó trong thế giới thực.

Đêm đó nhà sư lại trông đợi một giấc mơ xấu nữa. Khi vừa nhắm mắt lại, chàng nghe một tiếng động ngoài cửa. Và chàng thiếp đi.

Nhưng nửa đầu của đêm, chàng không mơ thấy gì cả. Nửa thứ hai, chàng mơ thấy mình đang đứng trên cầu, ngắm nhìn cặp cá đang bơi tung tăng trong hồ, một con màu bạc trắng, và một còn màu vàng óng, chàng thấy thật thoải mái.

Nhà sư tỉnh dậy, chắc chắn rằng giấc mơ đó là điềm tốt, và hài lòng những giấc mơ xấu đã qua rồi, và chàng mỉm cười vui vẻ khi chàng bước xuống giường.

Chàng cảm thấy thật hạnh phúc, cho đến khi chàng nhìn thấy thân thể của con cáo, mắt nhắm nghiền, đang nằm ngay ngưỡng cửa của ngôi chùa.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi