THIÊN MỆNH KHẢ BIẾN

Vương Thành Văn đấy!

- Suỵt! Kệ nó đi! Đừng dây vào nó!

- Dây vào nó chẳng có gì hay ho đâu! Thằng đó máu lạnh lắm, lại mang theo toàn tai ương.

- Nó mạnh lắm đấy, nhưng cũng khó gần nữa. Tốt nhất là đừng lảng vảng xung quanh nó.



Ngày đầu tiên đi học lại, Văn nghe những tiếng xì xào bàn tán. Mọi ánh mắt đều nhìn chòng chọc vào nó.

Cô độc một mình, nó cũng đã quen, nhưng bị người ta nhìn vào rồi bàn tán như vậy, vẫn là lần đầu. Nào có ai tự nhiên được trong hoàncảnh như vậy chứ. Nó thấy hơi ngứa gáy.

Mỗi lần nó đưa mắt nhìn vào ai, người ta lại lảng tráng ánh mắt nó. Nơi nó đi qua, người ta cố tình tránh xa.

Hồi còn học dốt, nó từng nghĩ rằng vì nó học dốt mà mọi người xa lánh nó. Tới lúc nó đi thi được điểm cao như vậy, người ta vẫn xa lánh nó, vậy thì chuyện điểm số chả liên quan gì ở đây cả. Có những kẻ sinh ra đã không thể, và cũng không muốn hòa nhập với đám đông.

Nó từng hỏi anh Quang, đám đông là gì. Anh Quang nói, là một lũ ngu xuẩn.

Mẹ nó chạy ra vỗ đầu anh Quang một cái, mắng là toàn dạy nó những thứ vớ vẩn. Đám đông chính là cuộc đời. Cuộc đời này rất vô lý, và khắc nghiệt, nhưng cũng rất công bằng. Đối xử tốt với nó, nó sẽ đối xử tốt lại với ta, nhưng quay lưng lại nó, là nó cũng quay lưng lại với ta ngay.

Văn chưa đủ lớn để hiểu hai người đó nói cái gì, trong mắt nó, đám đông, hay cuộc đời, cũng khó giải như một bài toán phức tạp, với quá nhiều biến số.

Nghe nói Hải Thành, tính cả các khu vực ngoại ô, có tất cả 100 triệu người. Vậy là bài toán “đám đông Hải Thành” sẽ có 100 triệu biến số. Mỗi biến số ấy lại thay đổi bởi hằng hà sa số những biến số nhỏ. Là vì con người ta có vui, buồn, giận, sợ, có lúc khỏe lúc yếu, tâm trạng luôn luôn thay đổi, có khi chỉ bởi vì thời tiết, có khi lại là do người khác tác động. Vì vậy, nắm được toàn bộ trạng thái của “đám đông Hải Thành”, là điều vô cùng khó khăn.

Không nói tới Hải Thành, mà chỉ là “đám đông Kình Ngư”, với 5000 biến số, đã là chuyện vô cùng khó.

Không biết bằng cách nào, Nam Đế Vương Vũ Hoành có thể tính toán được những phản ứng của “đám đông Đại Nam”, “đám đông Vrahta”, “đám đông thế giới”, để có thể chinh phạt Vrahta mà vẫn được mọi người ủng hộ.

Khi nó hỏi anh Quang điều đó, anh ta chỉ cười.

“Nếu học vấn của Tâm Lý Học, mà có thể giải thích chỉ trong vài câu, vậy ai cần học Tâm Lý học làm gì? Nếu tâm lý con người có thể dùng Toán học mà tính toán, thì còn sinh ra bộ môn Tâm Lý học làm cái gì? Nếu thấy thắc mắc, thì lớn lên tự mình đi học Tâm Lý học đi”.

Nó thấy anh Quang giải thích vô cùng có lý. Nếu nó thấy thắc mắc, thì tự bản thân đi học thôi.

Nhưng đó là chuyện sau này. Giờ nó thấy mình còn một nhiệm vụ đáng được ưu tiên hơn. 6 tháng nữa, cũng là lúc kết thúc năm học Sơ trung đầu tiên của nó, cũng là thời hạn để nó điều tra vụ án của bác Itou.

Để có thể điều tra một vụ án, thứ nhất, cần nắm vững toàn bộ tình tiết và thu thập bằng chứng, thứ hai, là phải có đủ tri thức để xử lý những thông tin thu được, và đưa ra kết luận chính xác.

Yếu tố thứ nhất, thì đi thực tế hiện trường, đi hỏi những người liên quan là được.

Yếu tố thứ hai, thì cần vào thư viện dùi mài một phen.
Khi liên kết những chi tiết trong vụ án lại, trường Kình Ngư cũng là một trọng điểm cần điều tra. 2 nạn nhân (tạm gọi là vậy), Lê Huyền Vân và Vũ Đình Kiên đều làm việc tại nơi này. Mối quan hệ và động cơ gây án của Vũ Đình Kiên, cũng bắt nguồn từ mối quan hệ đồng nghiệp tại Kình Ngư. Điều này có nghĩa là, những người học tập hoặc làm việc ở Kình Ngư sẽ biết rõ về mối quan hệ này.

Từ mệnh đề trước đó, cho rằng Vũ Đình Kiên không phải là hung thủ giết Lê Huyền Vân, thì gần như chắc chắn hung thủ gieo vạ cho Vũ Đình Kiên để đánh lạc hướng điều tra. Muốn vậy, hung thủ phải biết rõ rằng Vũ Đình Kiên đang theo đuổi Lê Huyền Vân. Cũng có nghĩa, hung thủ khả năng cao là người trong trường.

Vụ án xảy ra vào ngày đầu năm học, không loại trừ khóa lớp 12 vừa ra trường năm đó. Học sinh từ Sơ trung trở xuống có thể bỏ qua, vì trừ Vương Thành Văn ra, có lẽ không ai sử dụng được Bộc Phá Quyền.

Trường Kình Ngư có khoảng trên dưới 5000 người, tính cả giáo viên và nhân viên là 1000 người. Vậy là số học sinh có 4000 người, chia làm 3 khối, Tiểu học và Sơ trung là 3000. Vậy là chỉ còn 1000 học sinh Cao trung, và 1000 nhân viên, giáo viên, thêm khối 12 năm ngoái, tổng cộng là hơn 2000 người.

Tất nhiên khoanh vùng đối tượng như vậy không phải là tuyệt đối, vì hung thủ không cần thiết là người trong trường Kình Ngư, mà bằng một nguồn thông tin nào đó biết được chuyện của Vũ Đình Kiên và Lê Huyền Vân, cũng có thể xảy ra.

Nhưng khoanh vùng 2000 đối tượng vừa kể trên, vẫn là một hướng tìm kiếm khá triển vọng.

Nếu có đủ nhân lực, thì rà soát 2000 đối tượng trong 6 tháng, không phải là không thể.

Tiếc là Văn hiện nay không có nhân lực, cũng không có thời gian để tự mình làm chuyện này.

- Đại ca!!

Ồ, vừa nói không có nhân lực, một thằng béo đã tự mò tới.

Khi Văn bị cả trường cô lập, vẫn có Phùng Huyết Cường kiên trì làm bạn nó.
- Đại ca, chuyện này cứ giao cho em, đảm bảo em sẽ hoàn thành!

Thằng Cường vỗ ngực, vẻ mặt nghĩa khí, hùng hồn nói.

- Thật chứ?

- Đúng vậy. Được biết đại ca muốn tìm ra kẻ giết cô Vân và vu oan cho thầy Kiên, em nguyện dù có thịt nát xương tan cũng sẽ giúp đại ca tới cùng!

- Vậy thì tốt.

- Đại ca có muốn nhờ Trần tiểu thư giúp không?

- Linh thì giúp thế nào được?

- Tiểu thư có thể huy động rất nhiều nhân lực để giúp đỡ đại ca!

Văn lắc đầu.

- Thủ phạm có thể là bất cứ ai. Đặc biệt là những người hoạt động trong thế giới ngầm. Thịnh Doanh cũng không ngoại lệ. Chuyện điềutra càng bí mật càng tốt.

- Vậy em phải tìm kiếm hung thủ theo tiêu chí gì đây ạ?

- Từ từ rồi tao sẽ bổ sung thêm. Nhưng hiện nay cứ tìm theo tiêu chí này nhé: Giáo viên, nhân viên, hoặc học sinh Cao trung Kình Ngư, biết Bộc Phá Quyền, có mối liên hệ với các tổ chức thế giới ngầm.

- Làm sao để biết họ có mối liên hệ với các tổ chức thế giới ngầm?

- Tao có ý tưởng này.

- Sao ạ?

- Gián.

- Gián gì cơ ạ?

- Gián dưới cống ngầm. Bọn họ biết rất nhiều đó. Những người ngầm làm việc cho các thế lực, hẳn phải có người biết.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi