THIÊN MỆNH KHẢ BIẾN

Được sáng lập từ Kỉ lịch 2677, Trúc Sơn Phái là môn phái tu Tiên lâu đời bậc nhất đất Bắc Hà, bề dày lịch sử chỉ thua kém đôi chút với Mai Sơn Phái. Ông tổ của Trúc Sơn Phái, Trúc Sơn Cư Sĩ, theo truyện kể lại đã cưỡi hạc bay lên đỉnh Trúc Sơn, xa lánh sự đời, ẩn cư suốt 47 năm hít sương nằm gió. Tới 80 tuổi đắc đạo thành Tiên, xuống núi chiêu mộ đệ tử.

Cuộc đời Trúc Sơn Cư Sĩ không có quá nhiều giai thoại để lại. Ông ta cũng chỉ dành 20 năm cuối đời để dạy dỗ ra 10 đệ tử đầu tiên rồi qua đời. Nhưng 10 đệ tử của ông ta thì lại tạo nên uy danh khắp vùng. Họ đem tài năng của mình cứu nhân độ thế, trừ diệt yêu ma, được người đời sùng bái ngưỡng vọng gọi là Trúc Sơn Thập Thánh. Đâu đó quanh Mộc Hành Kinh còn có thể tìm thấy những miếu thờ 10 vị này.

Nhờ uy danh của Trúc Sơn Thập Thánh mà Trúc Sơn Phái ngày càng được mở rộng và phát triển. Tới thời điểm 1500 năm trước đã vững vàng xác lập vị thế là 1 trong Tứ Đại Tiên Phái. Hay nói đi cũng phải nói lại, 4 đỉnh núi trong Tứ Vân Sơn đã là nơi lý tưởng nhất để tu hành, thì 4 môn phái chiếm đóng 4 đỉnh núi này đã có sẵn ưu thế hơn người.

30 năm trước, Cúc Sơn Phái xảy ra xung đột với Càn Vu Giáo. Xung đột có thể bắt nguồn từ hiểu nhầm, cũng có thể là ai đó cố tình phá hoại. Xung đột vốn chẳng to tát gì, cuối cùng lại thổi bùng lên hiềm khích đã tích lũy hàng ngàn năm của 2 trường phái tu hành này, cuối cùng chuyện bé xé ra to.

Vu Giáo phát triển ở đất Tứ Vân Sơn cũng đã lâu đời. Không chú trọng dùng nơi núi cao để cảm ngộ linh khí trời đất như Tiên Phái, họ thiên về hòa nhập cùng cây cỏ chim muông dưới mặt đất, giao hòa cùng vạn vật. Không như Tiên Nhân thích tìm tòi những thứ cao xa vời vợi, Vu Sư lại rất thực tế và có đôi chút tinh thần nghiên cứu tìm tòi tựa như khoa học xứ Viễn Tây.

Trạng thái thuần khiết nhất của Vu Sư chính là như vậy, mà về sau đã phát triển thành Tự Nhiên Thuật Sư. Còn Vu Thuật mà nhiều người biết tới ngày nay, lại là 1 nhánh phát triển khác, tà đạo hơn, man rợ hơn, đó là mổ xẻ xác động vật, bao gồm cả con người, để nghiên cứu. Không như Y Khoa chỉ tập trung vào cơ chế vật lý, sinh lý của cơ thể, Vu Đạo được phát triển ở xứ sở tràn đầy Linh Khí như Bắc Hà, lại tập trung hơn vào mối liên kết giữa cái hữu hình và thứ vô hình. Hay nói bóng bẩy hơn, là giữa Thể xác và Linh hồn.

Phạm trù nghiên cứu này có rất nhiều điểm tương đồng với Khế Linh Thuật, mà kì thực thuở sơ khai những khái niệm này không hề rõ ràng, vùng giao thoa rất lớn, nên mới có câu nói “Vu Linh bất phân” là vậy. Vu cũng có thể là Linh, mà Linh cũng là Vu. Càng về sau khái niệm này càng được tách bạch rõ ràng hơn nhờ sự phân hóa của các Vu Thuật Sư và Khế Linh Sư. Khế Linh chủ yếu làm việc với linh hồn, còn Vu Thuật chủ yếu làm việc với thể xác. Vậy cho nó vuông. Dù rằng vùng xám giao thoa vẫn còn đấy, nhập nhằng khái niệm vẫn còn đấy, nhưng xét cho cùng cũng đã tương đối rõ ràng.

Mà Vu Thuật và Khế Linh đã nhập nhằng như vậy, còn Tiên Thuật và Khế Linh thì có quan hệ thế nào? Cũng khá gần gũi. 3 ngàn đại đạo đều quy về 1 mối, ít ra thì điều này ở Bắc Hà là hoàn toàn chính xác. Tiên Đạo, Vu Thuật, Khế Linh, vân vân mây mây gì đó, suy cho cùng đều từ 1 nền tảng mà ra.
Đất Bắc Hà phân chia làm nhiều lãnh thổ, phong tục tập quán không tương đồng, đời sống sinh hoạt của người dân cũng không thống nhất. Bắc Hà đời thứ nhất, Hà Linh Vũ, thống nhất được giang sơn về 1 mối đã là thành tựu thiên niên kỉ, lại còn muốn đồng thuận lòng dân, e không phải chuyện 1 sớm 1 chiều. Vậy nên, những thành tựu ông ta để lại, không chỉ là đặt nền móng cho Ngũ Hành Kinh, mà còn phổ cập được chữ viết chung cho toàn lãnh thổ.

Hà Quốc cổ đại cũng có chữ viết, nhưng đó là loại chữ rất khó học, và chỉ dành cho những tầng lớp thượng lưu. Dân chúng đa phần mù chữ. Hà Linh Vũ lại chiếm được Đại Thư viện Thiên Mẫu, từ đó lấy ra được 1 bộ chữ viết có thể phổ cập khắp toàn dân. Ông ta gọi bộ chữ đó là Mẫu Tự.

Con chữ đã được phổ cập, thì công cuộc tiếp theo chính là đem tri thức truyền bá cho thiên hạ.

Nhân loại chiến đấu 1000 năm trời với các chủng tộc khác, chẳng phải chỉ vì tri thức đó sao?

Nhưng Hà Linh Vũ luôn mang trong mình 1 mối e ngại. Ông ta không muốn dân chúng hiểu biết quá nhiều những tri thức khoa học, mà thay vào đó lại đem cái Đức ra dạy người. Ông ta không muốn xứ sở Bắc Hà lại lạnh lùng và vô tình như kẻ thù của mình ở phương Nam. Ông muốn mảnh đất này phải biết trọng đạo nghĩa và biết cách cư xử.

Thuận theo Thiên Mệnh. Cũng từ đó Nho giáo ra đời, dạy con người ta biết tôn trọng thứ bậc tôn ti, biết kính trên nhường dưới, biết đạo vua tôi chủ thần cha con, biết làm điều có ích cho xã hội.

Hà Linh Vũ để lại 1 di sản đầy tham vọng như vậy, các đời Bắc Hoàng tiếp theo đều nỗ lực phát huy, đem cái Đức của mình phủ trùm thiên hạ, đem tri thức tốt đẹp dạy dỗ muôn dân. Ngặt 1 nỗi, 13 lãnh thổ vẫn cứ là 13 lãnh thổ, làm cách nào để có thể quy chúng về 1 mối? Những nỗ lực mà các đời Bắc Hoàng bỏ ra, càng cố gắng nắm lấy thì lại càng tuột mất. Càng cố bắt các lãnh thổ quy phục, họ lại càng chống đối.

Đó gọi là phép vua thua lệ làng. Quyền lực chưa bao giờ có thể tập trung về Trung ương.

Tới đời Bắc Hà thứ 26, 1 nhân tài kiệt xuất ra đời. Kẻ đó 10 tuổi thuộc hết 600 ngàn con chữ, 12 tuổi biết viết Phú làm Thơ. 15 tuổi đỗ Trạng Nguyên. 24 tuổi lên làm Thái Sử. Hắn họ Hoàng. Người đời gọi hắn là Hoàng Thánh nhân.

Thái Sử họ Hoàng dâng kế cho Bắc Hoàng đời thứ 26, vạch ra kế sách gọi là “buông để nắm”. Trao cho các lãnh thổ quyền tự trị 1 cách rộng rãi và hào phóng, nhưng lại âm thầm dùng sức ảnh hưởng mềm để nắm lấy lòng dân.

Có thể nói, nếu không có vị Thái Sử này, thì đời kế nhiệm, Bắc Hoàng thứ 27, sẽ không có kế hoạch xây dựng hệ thống đê điều ở Thủy Hành Kinh.

Trở về với Mộc Hành Kinh, nhờ chính sách trên mà Hà tộc mới có thể dần dần ổn định sức ảnh hưởng của mình. Thay vì cố gắng áp đặt hệ thống giáo dục Nho gia lên người dân ở Tứ Vân Sơn, họ lại vươn bàn tay vô hình tóm gọn lấy các trường phái tu hành nơi này.

Tiên Phái? Về với đội của anh.

Vu Giáo? Cũng về với đội của anh.

Vậy là Tiên hay Vu gì, đều đã trở thành 1 phần trong hệ thống giáo dục của Bắc Hà. Các môn phái tu hành đều đã được quy đổi tương đương như các trường học.

Điều tương tự cũng xảy ra ở các nơi khác.

Các môn phái được cấp chỉ tiêu tuyển đệ tử. Các Tiên Nhân vừa được cấp bằng giảng dạy vừa được cấp bằng nghiên cứu. Còn việc bọn họ nghiên cứu cái gì, có ai thực sự quan tâm không? Chỉ cần mỗi năm cho ra ít nhất 1 bài luận văn là được. Mà hầu hết các luận văn ấy đều vứt xó trong các thư viện, và chả ma nào thèm đọc.

Công bằng mà nói, tu Tiên cũng là 1 kiểu nghiên cứu, và đề tài cũng khá rộng. Trường sinh bất lão? Ừ thì nghe hơi viển vông, nhưng nói theo ngôn ngữ Y Khoa thì là “đề tài nghiên cứu gia tăng tuổi thọ con người” cũng được nhỉ? Ngự khí phi hành? Có thể coi là “đề tài nghiên cứu hình thức phương tiện di chuyển thay thế thân thiện với môi trường” nhỉ? Đắc đạo thành Tiên? Cũng có thể xếp vào 1 phạm trù Triết học Tâm lý học gì gì đó, nhỉ?

Đã có biên chế, đương nhiên là phải cấp vốn. Toàn đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia tới vậy cơ mà?

Mà triều đình Bắc Hà cũng chẳng thiếu gì tiền. Cái họ cần là lòng dân. Cần mượn cái sức ảnh hưởng mà các môn phái kia mang tới. Tiền từ trên rót xuống nhiều 1 cách vô lí, khiến các bậc Tu hành chỉ cần ngửa tay xin tiền là có thể sống cả đời sung túc.

Tu Tiên con mẹ gì nữa? Cầm tiền ngân sách trong tay, mới đích thực là sướng như Tiên.
Mà Tiên Phái ăn tiền ngân sách, chẳng lẽ Vu Giáo lại không? Ngân sách gửi về cho Tứ Vân Sơn cũng có hạn, đâu phải vô cùng vô tận. Thế là cứ phải chia nhau tiền thế này, 2 bên đều không lấy làm vui vẻ. Kèn cựa nhau qua lại suốt mấy ngàn năm, đã gần tới mức 1 núi không thể có 2 hổ. Cho tới thời điểm 30 năm trước, mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, vậy là 2 bên đồng loạt bật chế độ đồ sát.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi