THỤY DU THIÊN MIÊN

Thụy Miên nghe có tiếng người gọi, ai đó đang lay vai nàng thúc giục. Nắng chói xuyên qua mí mắt làm nàng khó chịu nhăn mặt, muốn giơ tay che mắt nhưng nhấc tay không nổi, sức lực cạn kiệt. Lấy hết sức gắng gượng hé mắt, Thụy Miên chỉ lờ mờ nhìn thấy một màu xanh bát ngát, gió rì rào bên tai, có bóng người trước mặt…rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Phó Thụy Miên cảm giác được mình đang nằm trên một tấm phản trải nệm êm ấm, có vài người đang nói chuyện gần đó. Nàng nghe được ba giọng nói khác nhau: một nam tử với giọng điệu uy nghiêm, một lão tử trầm ổn, còn một người nữa nhỏ nhẹ lễ phép.

“Phiền Ấn Không đại sư xem giúp, tiểu cô nương này ta cứu được dưới chân núi Tử Lâm, khí chất thế nào?” Bửu đại lão gia ôn tồn hỏi.

Ấn Không đại sư bấm tay tính toán rồi nhìn Thuỵ Miên trả lời: “Tiểu cô nương này thân linh không có sát khí, không phải yêu ma. Chỉ nhìn bề ngoài trong sáng, khí nét hài hoà, cô nương đây ắt không phải người xấu. Còn về tâm ý, ta không xem nổi, lòng dạ con người là thứ khó xuyên thấu nhất.”

Bối đại y cũng vội thưa với Bửu lão gia: “Cô nương đây chỉ là trải qua mệt mỏi quá độ, sức lực mất hết, phải dùng thuốc bổ để dưỡng thân mới nhanh chóng tỉnh lại, sau đó ăn uống nghỉ ngơi vài ngày sẽ khỏe lại thôi. Đơn thuốc ở đây, Cao quản gia cứ theo vậy mà sắc.” Nói rồi Bối đại phu giao đơn thuốc cho Cao quản gia, cùng mọi người lui ra ngoài.

Phó Thụy Miên vẫn không cử động được, cố gắng cựa mình nhưng vô ích, nàng mệt mỏi thiếp đi tiếp. 

Có người nâng nàng dậy, bón cho nàng bát thuốc đắng. Nàng đã lâu chưa được uống nước, thuốc đắng mấy nuốt cũng trôi.

Thụy Miên không biết mình đã nằm im bao lâu, nàng mở mắt ra, mãi sau mới từ từ nhấc được người dậy. Lúc đầu nàng còn ong ong choáng váng nhưng sau một hồi đã dần tỉnh táo, chỉ là cơ thể trĩu nặng, bủn rủn chân tay. Nàng để ý thấy mình đang mặc y phục bằng vải thô, hoa văn nhỏ xinh, đai lưng buộc bằng dây vải, hai bàn chân nàng đang quấn bằng vải trắng bùng nhùng. 

Thụy Miên nhìn xung quanh, căn phòng với lối trang trí cổ xưa khiến nàng ngỡ ngàng. Thuỵ Miên tự nhủ nên nằm xuống mơ tiếp, thì đúng lúc này cánh cửa phòng bị đẩy ra. Bước vào là một cô nương xinh xắn, chỉ khoảng mười ba, mười bốn tuổi. 

Nhìn thấy Thụy Miên đã tỉnh lại đang ngồi trên giường nhìn mình đầy ngạc nhiên, tiểu a đầu Thúy Như vội lại gần: “Cô nương cuối cùng đã tỉnh lại, giờ cô thấy sao?”

Phó Thụy Miên chỉ biết tròn mắt ngạc nhiên. Tiểu cô nương vừa vào là một nữ nhân mới lớn, nàng ta mặc một bộ váy vải màu xanh da trời nhạt, hai chỏm tóc đen được quấn gọn gàng hai bên đầu, trên hai bím tóc còn buộc hai dây vải xinh xắn, khuôn mặt tròn trịa lanh lợi ngây thơ. 

Thụy Miên thầm nghĩ: “Kiểu quần áo của cô nương này và cả cái mình mặc nữa, cả căn phòng này đều trông giống hệt của người xưa trong mấy phim cổ trang mẹ và bà ngoại hay xem. Chuyện gì đang xảy ra đây?”

Thấy Phó Thụy Miên không nói gì mà tiếp tục nhìn mình trừng trừng, làm Thúy Như lo lắng hỏi: “Cô nương bị câm không biết nói?”

“Không, chỉ là ta…ta đang ở đâu? Đây là nơi nào vậy? Cô là ai?” Thuỵ Miên nói rồi tự nhéo mình mấy cái, cảm giác đau đớn truyền tới, nàng bàng hoàng suy nghĩ: “Thôi rồi, vậy là không phải mơ, là xuyên không thật ư?”

“Cô nương, Bửu lão gia trên đường từ Dược Miếu về thấy cô nằm lăn lóc dưới chân núi Tử Lâm, đã đưa cô về phủ. Cô nương đã ở Bửu Phủ ba ngày nay rồi.” Vừa nói, Thuý Như vừa tò mò không rời mắt khỏi gương mặt Thụy Miên: “Ta tên là Thúy Như, là a hoàn Cao quản gia căn dặn chăm sóc cho cô. Cô nương thật xinh đẹp. Cô nương tên gì? Ở đâu? Tại sao lại xuất hiện dưới chân núi Tử Lâm?”

Phó Thụy Miên choáng váng trước một loạt câu hỏi dồn dập của Thúy Như, nàng á khẩu biết phải trả lời thế nào. Bên ngoài cánh cửa đang mở toang lúc này tiến vào một nam tử trung tuổi, hàng râu dài đến giữa cổ, mặt mũi hiền lành, tóc hoa râm lấm chấm búi một chỏm gọn gàng trên đỉnh đầu, được găm bằng một cây trâm gỗ, áo màu ghi chỉn chu dài chấm đất, vừa vào đã cất tiếng gọi: “Thúy Như, sao không báo với ta là cô nương đây đã tỉnh lại?” 

Thúy Như thấy người vừa vào thì vui mừng nói: “Cao quản gia, cô nương đây tỉnh lại rồi này.” 

Cao Quản gia: “…”

Cao Quản Gia tiến lại gần giường của Thụy Miên, ân cần thăm hỏi: “Cô nương đã tỉnh, cô nương tên gì?”

“Tiểu nữ tên Phó Thụy Miên. Xin đa tạ hảo tâm của Bửu lão gia và của Cao tiên sinh.” Thụy Miên từ tốn trả lời.

Cao tiên sinh gật đầu: “Cô nương nhà ở đâu? Từ đâu đến? Có ai đi cùng không? Tại sao lại xuất hiện dưới chân núi Tử Lâm?”

“Ta … không nhớ gì cả, nơi đây cũng không có ai thân thích, ta chắc là lạc đường.” Thụy Miên nói rồi lắc đầu, vẻ mặt lưỡng lự buồn bã. Nàng tự nhủ: “Chẳng nhẽ lại nhận bảo ta từ thời không khác đến, hù không chết mấy người này thì thôi đi, không bị coi là dở người điên khùng bị bắt nhốt vào mới là lạ.”

“Không sao, vậy Thuỵ Miên cô nương cứ từ từ nghỉ ngơi, có thể do mất sức mà tâm trí rối bời, chưa nhớ lại được.” Cao quản gia hiền từ nói. Phó Thụy Miên gật nhẹ đầu hưởng ứng. Cao Quản Gia nhìn nàng quan sát, không quên dặn dò Thúy Như chăm sóc cho nàng rồi khép cửa đi ra.

Thúy Như chỉ đợi có thế, liền xông lên ngồi xuống giường của Phó Thụy Miên, hứng chí diễn vai bà tám: “Thuỵ Miên cô nương, tỷ và ta xấp xỉ tuổi nhau, để ta kể cho cô nương nghe cái này. Ta nghe được Cao Quản gia nói Ấn Không đại sư xác nhận cô không phải yêu ma, nên mới giữ cô tại đây. Nhưng cô làm gì ở chân núi Tử Lâm cũng không nhớ sao? Núi Tử Lâm là nơi tiên khí bao quanh, không phàm nhân nào ở lâu được, cô nương thật may mắn được Bửu lão gia tìm thấy, không giờ này nằm đó, một thân một mình, không biết có bị cáo tha ma bắt không nữa?”

Phó Thụy Miên vểnh tai nghe chuyện, liền cảm giác khô họng khó chịu, nàng tằng hắng nói: “Thúy Như muội, có thể trước hết cho ta xin miếng nước và cái gì để ăn được không? Bụng đói, ta không nghĩ được gì.”

“Đợi chút, ta sẽ quay lại ngay.” Thuý Như nhiệt tình nói rồi phi thân ra cửa. 

Phó Thụy Miên xỏ chân vào đôi hài vải, vịn lấy thành giường, có chút run rẩy vì đã lâu ngày không đi lại, vụng về đứng dậy. Nàng nhìn thấy bóng mình trong chiếc gương đồng dựng trên giá gỗ, quan sát đến bất thần diện mạo của bản thân. 

Tuy khuôn mặt nàng vẫn thế, nhưng bóng dáng nữ tử trong gương dường như đã trẻ ra hẳn chục tuổi, nhìn vào chỉ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, bảo sao tiểu nữ Thúy Như nói hai người trạc tuổi nhau. Trên khuôn mặt trái xoan của Thuỵ Miên, không còn những nếp nhăn trên trán của những đêm nghiên cứu đèn sách hay nơi khoé mắt do làm việc quá độ. Da mặt nhẵn bóng, mũi cao, đôi môi căng mọng, hai bên má là hai núm đồng tiền xinh xắn ẩn hiện mỗi khi cười, làn da hơi nâu, mái tóc dài và dày hơn hẳn, người cũng mảnh dẻ nhẹ nhàng. Thuỵ Miên giơ bàn tay lên, vén gấu áo nhìn vào nơi cổ tay thon mịn vẫn còn nguyên nốt bớt màu đỏ. Nàng tự thấy hứng chí vì sự trẻ hóa của mình. Thuỵ Miên ngồi xuống bàn trà, nâng tay phấn khích tự sờ khuôn mặt thanh xuân.

Thúy Như quay lại, trên tay bưng một rổ bánh bao và một bát cháo loãng, đặt xuống trước mặt Thụy Miên. Nàng đã đói rã, vội vàng tống bánh bao cùng bê bát cháo ấm, một miếng nhai, một miếng nuốt, chỉ loáng cái đã đả bay toàn bộ. 

Thúy Như ngồi xuống ngắm nhìn Thuỵ Miên ngạc nhiên ca thán: “Sức ăn của Thuỵ Miên tỷ thật kinh a, mấy ngày tỷ mê mệt, mỗi lần cho tỷ ăn cháo loãng, thìa cũng không kịp dùng, lần nào cũng một hai hơi mà húp hết cả bát”.

Phó Thụy Miên không chút ngại ngùng, mỉm cười đặt bát cháo đã trống rỗng lên mặt bàn. Đây chẳng phải lần đầu nàng nghe người khác ca thán về khoản ăn núi uống biển của mình. Nàng xoa bụng, ăn no liền thấy sức lực đã về lại, quay sang hứng khởi làm bạn diễn với bà tám Thúy Như: “Thúy Như muội xinh xắn, lại tốt bụng, đáng yêu khả ái, lại nhanh chân nhanh tay, mai sau lớn lên ắt sẽ trở thành nữ tử ôn hương nhuyễn ngọc(1). Cảm ơn muội đã chăm sóc ta mấy ngày qua. Ta cũng không biết sao lại thân cô thế cô ở nơi này. Lúc nãy muội có nhắc đến Bửu lão gia tìm thấy ta ở chân núi Tử Lâm, và cả Ấn Không đại sư, muội nói thêm một chút cho ta nghe được không, tránh ta không biết tình thế dẫn đến hành xử thất lễ?”

(1)     Ôn hương nhuyễn ngọc: miêu tả người con gái trẻ tuổi thanh xuân xinh đẹp

Thúy Như được tâng bốc tâm tình thật tốt, liền tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tẫn(2): “Bá nương ở trong bếp có lần kể ta nghe, trong miếu trấn thành được lập dưới chân núi Tử Lâm có ghi sự tích về núi tiên. Trên đó nói rằng Phật Bà Quan Âm trước kia phổ độ chúng sinh, mở lòng từ bi, hoá ra tiên khí quanh ngọn núi khô cằn này, giúp vạn vật tươi tốt, tiên khí tụ đọng. Nhưng vì thế người phàm mới không thể cư ngụ tại đây, nghe nói chỉ có vào mà không có ra, vào rồi thì cũng bị tiên khí làm cho hồn bay phách tán, khiến chẳng ai dám mạo phạm. Nơi đây hợp thổ dưỡng đất, lại có khí lành bao tụ, nên cây hoa, lá thuốc, quả lạ, vật quý cũng không thiếu.” 

(2)     Tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tẫn: biết gì đều nói hết ra

Đầu óc Phó Thụy Miên nghe đến cây hoa quả lạ đã tưởng tượng ngay ra cảnh vạn quả đào tiên, quả nào quả nấy to như cái bát, bay lượn xung quanh khoe thân mọng nước.

Không để ý vẻ mặt háu ăn của Thụy Miên, Thúy Như tiếp tục nói: “Vì Tử Lâm núi huyền bí như vậy mà kéo theo nhiều kẻ không tự lượng sức, muốn tham vọng chiếm hữu tiên vật cùng nhiều yêu ma quỷ quái mong muốn tìm tiên dược mà độ tu vi. Đương nhiên là chúng không thể vượt qua cấm giới mà tiến vào Tử Lâm. Tằng tổ phụ của Bửu lão gia ta là Tán Hoa đại phu nổi tiếng đã lập nên thành Dược Trang này. Kể từ khi miếu Dược Trang lập dưới chân núi tiên, lại lấy pháp khí và bùa chú mà trấn thành, dân chúng nơi đây sống yên ổn, những ai có tà tâm đến đây ắt sẽ thất bại mà phải rời đi.

Ấn Không là đại sư ngụ tại Dược Miếu, là người đức hạnh, đã ở đây mấy chục năm nay, cũng là phàm nhân duy nhất có thể ở lại chân núi Tử lâm mà không bị hao tổn nguyên khí. Đại sư là người hiếm có thể cầu gặp, ngay cả Bửu Diệp đại lão gia cũng chỉ có thể đợi khi cửa Dược Miếu mở mới có thể tìm đến bái kiến. Thường thì Ấn Không đại sư cứ mấy chục năm mới mở lại Dược Miếu. Trong thời gian đó chỉ đóng cửa tu hành, không tiếp và cũng không gặp ai.”

Nói đến đây, Thúy Như đón lấy cốc trà bích hoa xuân Thụy Miên đưa tới, uống ực một phát, đưa tay áo chùi mồm, hăng tiết tuôn trào: “Lại nữa, Bửu gia của chúng ta là gia tộc lâu đời nhất ở đây, tiếng tăm lừng lẫy. Bửu Diệp đại lão gia là trưởng thành, ba hôm trước nhân dịp Ấn Không đại sư mở cửa lại Dược Miếu sau mười sáu năm đóng cửa tu hành, lão gia mới lên Miếu trấn thành ở chân núi Tử lâm để bái kiến đại sư, liền tìm thấy tỷ ở đó. Vì tỷ được cứu tại chân núi Tử Lâm, nên chính bản thân Ấn Không đại sư còn đến đây xem cho tỷ mà. Bửu lão gia tài cao đức trọng, người dân nơi đây vô cùng kính ngưỡng. Ngài ấy và Thẩm Tuyết phu nhân còn làm bao việc thiện tích đức. Nhưng số trời trêu ngươi, thật bắt tội đại lão gia và đại phu nhân mà.” 

Thụy Miên lại rót thêm một cốc trà dâng đến cho Thuý Như: “Muội uống đi cho đỡ khát rồi kể tiếp.”

“Đại lão gia và phu nhân chỉ có hai công tử, Bửu Khang nhị thiếu gia còn nhỏ, còn Bửu Toại đại thiếu gia, năm nay đã mười chín tuổi, anh tuấn tiêu sái, văn võ song toàn, thì lại không may gặp nạn. Tháng trước khi công tử tập luyện bị ngã ngựa, thân thể hư tổn, chân tay mất sức, liệt người nằm giường. Đại lão gia đã cho tìm đại phu khắp nơi, không tiếc tiền bạc công sức, thử qua bao nhiêu cách điều trị, nhưng đều không có kết quả.”

Nghe đến đây, Phó Thụy Miên giật mình tự nghĩ: “Thật là trùng hợp, trước khi đến nơi đây, không phải ta là bác sĩ chuyên khoa, danh thơm tiếng tốt, tay nghề kinh người, có tài có đức, tinh thông kim thuật, đã quen với việc trị bệnh bằng thuật kim, đã từng thành công chữa cho nhiều người bị liệt.”

Nghĩ vậy Thụy Miên mới chợt nhớ, quay sang hỏi Thúy Như: “Thúy Như muội, lúc ta đến đây, ăn mặc thế nào, có gì lạ không?”

Thúy Như nhanh chóng đứng lên đi về phía tủ đặt ở góc phòng, mở cánh tủ để lấy đồ, nói với Thụy Miên: “Thuỵ Miên tỷ, khi tỷ được mang về phủ ăn mặc rất kỳ lạ, trên người là cả bộ bạch y, trong túi áo lại có thêm vài ba vật dụng. Ta đã thay đồ cho tỷ, giặt giũ lại cho sạch và cất ở đây nè. Tỷ nhìn xem.” Nói xong nàng ta đặt lên bàn bộ áo bác sĩ màu trắng của Thụy Miên, phía trên là bộ kim châm y học nàng vẫn dùng để chữa bệnh, bên cạnh là chuỗi hạt đeo tay Phòng giáo sư mua hàng giảm giá của siêu thị được phát miễn phí một đôi; giáo sư đã dùng để tặng cho nàng và sư muội Thanh Thanh Tú, cùng vài túi kẹo nhỏ nàng vẫn hay mang theo người để ăn vặt.

Thụy Miên khéo léo nói: “Bộ bạch y này quả không đẹp được bằng y phục muội mặc cho ta, đa tạ muội.” 

Nàng liền bóc một chiếc kẹo, đưa cho Thúy Như chuyển chủ đề: “Ăn thử xem có ngon không? Ở đây có nhiều đồ ăn vặt thế này không?” Thúy Như không chần chừ, cho tọt vào mồm, vừa khen ngon vừa bảo trong thành còn nhiều loại bánh kẹo thơm ngon không kém.

“Vậy lần tới, muội dẫn ta đi ăn thử nhé, để ta được mở rộng tầm mắt”, Thụy Miên nịnh nọt. Thúy Như vui vẻ gật đầu đồng ý, căn dặn Thụy Miên nghỉ ngơi rồi chạy ra khỏi phòng, đóng cửa lại.

Giờ còn một mình, Thụy Miên bình tâm suy nghĩ. Nàng là người thực tế, rất nhanh chóng dùng lí trí phán đoán tình hình, sẽ không đau khổ khóc thương thân phận, chỉ hơi chệch lòng nghĩ về gia đình có bà ngoại và bố mẹ. Nếu đã là chuyện thực, nàng phải dũng cảm đối mặt, cầu mong gia đình mình sẽ tiếp tục sống thật tốt. 

Tuy vậy, Thuỵ Miên không khỏi cảm thán số kiếp của bản thân. Các nhân vật xuyên không, không rơi vào nhà tiểu thư khuê các thì cũng có thân phận hào hoa phú quý. Còn nàng xuyên không, chỉ có thể dùng hai câu cay đắng mà miêu tả: tử nhiên nhất thân(1) và thân vô phận văn(2).  Nàng tự nhủ bản thân chỉ còn cách tự lực gánh sinh.

(1)     Tử nhiên nhất thân: Một thân một mình

(2)     Thân vô phận văn: Không một xu dính túi

Nghĩ thông suốt, nàng nhặt túi đựng kim châm, đút luôn mấy gói kẹo nhỏ vào trong rồi đeo túi trước bụng, cất bộ đồ bác sĩ đã là dĩ vãng vào tủ. Nàng dụi mắt buồn ngủ, nhanh chóng về giường đắp chăn đi vào giấc nồng.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi