TIỆM ĐỒ CỔ Á XÁ

1

Năm 1932, Bắc Bình.

Ngụy Trường Húc đang ngồi xổm trong Trung Hoa thư cục của Lưu Ly Xưởng, vừa giở cuốn sách trong tay, vừa chống tai lắng nghe đám chủ tiệm kia nói chuyện.

Lưu Ly Xưởng vào sáng sớm thường không bán hàng, cho nên đám chủ tiệm kia ăn sáng, rồi xách lồng chim, đến tụ tập nói chuyện bên ngoài Trung Hoa thư cục. Có lúc, nói chuyện thời cuộc căng thẳng, có lúc lại bàn chuyện Bắc Kinh rốt cuộc đã bị chính phủ Dân Quốc thủ tiêu tư cách thủ đô, tên cũng đổi thành Bắc Bình, lại thỉnh thoảng trút sự phẫn nộ vào đám quỷ Tây Dương tóc vàng lông đỏ đó. Đến khi mặt trời lên cao thì họ đều bị nhân viên nhà mình gọi về.

Đúng thế, Lưu Ly Xưởng là phố đồ cổ phồn hoa nhất thành Bắc Kinh, từ những năm Thuận Trị thời Thanh Sơ, nơi đây chính là nơi tụ tập của quan viên người Hán, sau này hội quán của các vùng trên toàn quốc cũng đều xây ở vùng phụ cận, quan viên, sĩ tử lên kinh ứng thí cũng thường tụ tập ở chợ bán sách này, họp chợ dần dần biến thành phố phường, đến cả thư cục, cửa hiệu đồ cổ ở cửa trước và miếu Thành Hoàng cũng đều chuyển qua đây.

Người ta đều nói "hoàng kim lúc loạn thế, đồ cổ lúc thịnh thế", chứng kiến cuối thời nhà Thanh là thời loạn thế nổ ra, người đến Lưu Ly Xưởng cầm cố đồ cổ đổi lấy tiền lũ lượt không dứt. Ngụy Trường Húc ngày ngày đều nhìn như vậy, phát hiện đám chủ tiệm sáng sớm đến đây nói chuyện phiếm ngày càng ít, biểu cảm trên gương mặt mọi người cũng ngày càng ngày nghiêm trọng. Hiện tại thời cuộc khó khăn, nhìn thấy Nhật Bản chiếm ba tỉnh miền Đông, áp sát Quan Nội, rất nhiều người lặng lẽ dọn dẹp sạp hàng, xuống miền Nam tránh nạn.

(Vùng phía trong Sơn Hải Quan)

Buổi nói chuyện ngày hôm nay của những ông chủ này, tâm trạng cũng không hào hứng, nói nhăng cuội vài câu, rồi ai nấy tản đi. Ngụy Trường Húc không nghe được tin tức gì, bèn vứt vài đồng xu xuống, tóm tờ báo giấy trong tay đi về phía Tây Nam của Lưu Ly Xưởng. Người trên phố thưa thớt, ngõ phố ngày trước đông đúc náo nhiệt là thế trở nên lạnh lẽo tiêu điều, trên gương mặt mỗi người đi đường biểu cảm đều ẩn hiện một nét hoảng hốt bất an. Trong thành Bắc Kinh cách đó không xa còn có thể nghe thấy dăm tiếng súng rời rạc, cũng không biết là cánh lính tráng xung đột, hay là súng ống của dân chúng cất giấu. Có lẽ mấy tiếng súng này đã lấy đi sinh mệnh của vài người, nhưng không có ai vì thế mà mặt đổi sắc, mọi người đều không hẹn mà cùng cúi gằm mặt, tăng tốc bước chân.

Đi xuyên qua mấy ngõ phố quen thuộc, Ngụy Trường Húc đẩy cánh cửa lớn của Á Xá ra, vừa bước một bước vào bên trong, liền có một đứa trẻ chui tọt vào trong lòng cậu, lấy đi tờ "Bắc Bình nhật báo" trong tay cậu.

"Tô Nghiêu, cậu có thể đọc được mấy chữ hả? Còn không phải vẫn nhờ anh đọc cho cậu sao?" Ngụy Trường Húc bĩu môi, không thèm so đo với đối phương.

Ngụy Trường Húc năm nay chín tuổi, lúc nhỏ trong nhà cũng có chút tài sản. Nhưng trong thời loạn lạc, càng là gia tộc giàu có lại càng bị sa sút ghê gớm. Vào năm Ngụy Trường Húc lên sáu, nhà tan cửa nát, cậu ta lưu lạc đầu đường xó chợ làm ăn mày, suýt chút nữa thì chết đói. May mà cậu chủ tiệm đồ cổ này đã phát thiện tâm cứu cậu, thấy cậu có chút hứng thú và hiểu biết về đồ cổ, bèn giữ cậu lại làm đồ đệ.

Còn Tô Nghiêu nhỏ hơn cậu ba tuổi, cái năm Ngụy Trường Húc vừa mới tới tiệm Á Xá, Tô Nghiêu vẫn còn là một đứa trẻ quấn tã. Cậu chủ nói đứa trẻ này là gã nhặt được trong thời loạn, nhưng Ngụy Trường Húc vẫn thầm cảm thấy đứa trẻ này tám, chín phần là con rơi của gã chủ tiệm. Bởi vì gã chủ tiệm quá thiên vị, cho dù Tô Nghiêu tuổi còn nhỏ, nhưng cái kiểu yêu chiều rõ ràng đến mức khiến cậu cũng phải ngứa mắt! Nhìn mà xem! Chiếc khóa Trường Mệnh bằng bạch ngọc đeo trên cổ đứa trẻ này từ khi còn nhỏ tới giờ, vừa nhìn là biết nó có giá trị liên thành rồi! Cậu còn chưa từng đeo món đồ nào quý giá như thế!

Ngụy Trường Húc vừa nhìn đứa trẻ mới sáu tuổi nằm bò trên chiếc bàn bằng gỗ huỳnh đàn nhẩm chữ đọc báo, vừa hậm hực đủ kiểu. Cậu mang bữa sáng mua về đặt ở bên cạnh Tô Nghiêu, lúc này sau bức bình phong Vân Mẫu một thanh niên tuổi chừng hai mươi rẽ ra, chính là chủ tiệm của tiệm đồ cổ Á Xá này.

Người này quanh năm mặc một chiếc áo Trung Sơn màu đen, trên thân áo có một con rồng thêu bằng chỉ đỏ sống động như thật, nằm ngoan ngoãn vắt trên vai phải của gã, phần đầu nhìn cực kỳ ngang ngạnh. Ngụy Trường Húc cho dù nhìn bao nhiêu lần, đều cảm thấy cực kỳ hút mắt. Bao năm qua cậu chưa từng thấy cậu chủ mặc bất kỳ chiếc áo nào khác, kể cả mùa thu hay đông, khi ra ngoài, cùng lắm chỉ khoác thêm một chiếc áo choàng mà thôi.

Nhìn thấy chủ tiệm thấm ướt khăn lau, lau sạch sẽ bàn tay nhỏ của Tô Nghiêu, rồi lại đặt chiếc bánh có nhân vào trong chiếc đĩa sứ Tế Hồng, dùng con dao nhỏ bằng bạc cắt đều chằn chẵn thành sáu miếng, lại rót sữa đậu nành từ trong vò ra, dùng chiếc bát sứ Thanh Hoa múc thật đầy rồi đặt cạnh tay Tô Nghiêu. Chuỗi động tác đó làm cực kỳ thuần thục tự nhiên, khiến Ngụy Trường Húc nhìn thấy mà đỏ mắt.

Được rồi, cậu không nên tranh sủng với một thằng nhỏ kém cậu ba tuổi, càng huống hồ thằng nhóc trắng như bông tuyết này cũng là do cậu chăm sóc từ nhỏ. Ngụy Trường Húc ngoan ngoãn đi rửa tay, cầm lấy một chiếc bánh, vừa ăn vừa hăng hái kể: "Hôm nay những người đó nói đến chuyện trận cháy ở trong hoàng cung trước đây, cậu chủ, cậu có ấn tượng không?".

Gã chủ tiệm đang ngồi đun một bình nước trên bếp lò nhỏ, nghe nói thì hơi trầm ngâm, rồi chậm rãi đáp: "Đó là chuyện chín năm về trước, ban đầu bắt đầu cháy từ Thần Vũ môn, cháy từ Nam sang Bắc. Sau này không biết tại sao Đại Phật điện phía sau Trung Chính điện cũng bốc lửa. Ngọn lửa đó cháy đến tận buổi tối, nghe nói tổng cộng thiêu hết hơn một trăm gian điện các trong hoàng cung, cháy hết bao nhiêu đồ cổ quý báu". Giọng nói của gã chủ luôn đều đều, thản nhiên như thế, nhưng nói đến câu cuối cùng, rõ ràng cũng không che giấu được nỗi nuối tiếc và sự phẫn nộ trong ngữ khí câu nói, đôi mắt phượng cũng lim dim.

Ngụy Trường Húc lại hứng chí tiếp lời nói: "Cháu sinh ra vào chính năm ấy, mẹ cháu bị lửa làm kinh động thai, nên cháu bị sinh non! Nghe nói khi ấy có người cứu hỏa, nhìn thấy trong đám cháy ở Trung Chính điện, có rất nhiều người hoặc là tuấn tú hoặc là xinh đẹp chạy từ trong đám cháy ra, đều nói đó là những cổ vật lâu đời đã tu luyện thành tính, hóa hình mà chạy ra!".

Cách nói này tự lưu truyền trên đường phố, nhưng Tô Nghiêu nghe thấy lần đầu tiên, lập tức ngước cái đầu nhỏ đang dúi vào tờ báo lên, đôi mắt to trắng đen rõ ràng bỗng chốc nhìn chằm chằm Ngụy Trường Húc, hy vọng cậu kể nhiều thêm một chút.

Gã chủ tiệm thì lại cụp mắt xuống, khom lưng dùng cái kẹp gắp than để khều than củi trong chiếc bếp lò nhỏ, nói với vẻ chẳng để tâm: "Đều là những tin đồn do những cung nhân chuyên ăn cắp tài sản do mình canh giữ phao ra bên ngoài, cháu thấy đám cháy này làm sao mà cháy được? Hồi ấy bảo bối trong cung tuồn ra bên ngoài, thậm chí đến những khách hàng của Lưu Ly Xưởng còn có thể đặt mua trước đồ bảo bối trong cung, đến hạt châu trên mũ phượng của hoàng hậu, chiếc chuông vàng trăm cân của Thọ Hoàng điện đều có thể mua về trong tay, không kiêng dè gì cả. Cuối cùng, náo loạn quá lớn, trong cung phải điều tra, bấy giờ mới dứt khoát cho một mồi lửa, nói thác là những đồ cổ bị thất lạc đó đều bị lửa đốt cháy sạch sẽ, coi đấy là thật thì không có cách nào điều tra ra chứng cứ".

Ngụy Trường Húc bĩu môi, kỳ thực điều này những người có tri thức cũng có thể nhìn ra, đến hoàng đế cũng dẫn đầu mê đắm đồ cổ, dột từ nóc dột xuống, những người khác còn không học đòi theo sao?

Tô Nghiêu thấy không còn chuyện gì để hóng nữa, bèn chuyển sự chú ý sang tờ báo trong tay, một lúc sau lại ngẩng đầu lên, lúng túng gọi: "Anh Húc, bán đấu giá? Bán đấu giá nghĩa là gì hả?"

Ngụy Trường Húc sán lại đọc, liền tức tối, đập bàn phẫn nộ nói: "Cái lũ súc sinh khuyết tật này! Còn muốn bán đấu giá những cổ vật trong hoàng cung nữa! Định kiếm tiền mua máy bay à? Đây là do tên khốn kiếp nào nghĩ ra vậy? Đúng là chả còn lý lẽ gì nữa!" Đến một đứa trẻ chín tuổi như cậu còn biết, việc này tuy nói là bán đấu giá công khai, nhưng kỳ thực là muốn bán những báu vật quốc gia ấy cho người ngoại quốc.

Thật là nực cười! Đến đồ vật của tổ tiên mình còn chẳng giữ nổi, còn có thể kỳ vọng giữ Tổ quốc sao?

"Cậu chủ! Cậu nói xem phải làm thế nào?" Ngụy Trường Húc nhìn gã chủ tiệm vẫn luôn ở bên cạnh với một vẻ cầu xin, hoàng cung của bảy năm trước đã sửa thành Cố Cung, rồi sau đó mở triển lãm công khai, cậu cũng đã đi xem được mấy lần. Những báu vật quốc gia vừa tinh xảo đẹp đẽ vừa quý giá đó, cậu thấy rằng một món cũng không thể thiếu được! Càng huống hồ bây giờ những báu vật ấy còn chẳng thuộc về hoàng thất nữa, mà thuộc về toàn thể quốc gia!

Gã chủ tiệm vẫn lạnh nhạt nhìn ấm nước nhỏ trên lò than nhỏ bằng đất sét đỏ, đợi đến khi nước sôi, mới bình tĩnh xách xuống, pha một chén Đại Hồng Bào ba phần đỏ bảy phần xanh. Ngửi mùi trà thơm, gã chủ tiệm ngẩng đầu lên, đón lấy hai ánh mắt kỳ vọng của một lớn một nhỏ, không kìm được nhếch khóe môi cười nói: "Yên tâm, lần bán đấu giá này bất thành. Không đọc thấy báo chí đều ra sức tuyên truyền sao? Nếu như dám bán đấu giá bảo vật quốc gia, cánh học sinh sẽ không đồng ý trước tiên. Ta dự đoán, tiếp sau đó sẽ là tuần hành phản đối".

Ngụy Trường Hức tạm an tâm vài phần, sinh viên đại học của thành Bắc Kinh này đều là những người nhiệt tình sục sôi, hơi một tí là có hoạt động diễu hành, lại thêm dư luận tô vẽ trên báo chí, e là việc này không thành được.

Gã chủ tiệm nhấp một ngụm trà màu vàng trong, thở dài một tiếng nói: "Chỉ là ngọn lửa chiến tranh đó sớm muộn gì cũng cháy tới nơi này, những món đồ đó nếu không muốn bị hủy ở nơi đây, đại khái phải di chuyển về miền Nam thật nhanh thôi".

Ngụy Trường Húc và Tô Nghiêu nhìn nhau. Không giống với ánh mắt hoang mang của Tô Nghiêu, Ngụy Trường Húc lại trong lòng như gương sáng, biết cậu chủ nhà mình giống với người khác, có tám phần là đang nghĩ xem có xuống miền Nam tránh nạn hay không.

Trong lòng Ngụy Trường Húc, cậu chủ luôn liệu việc như thần.

Hoạt động bán đấu giá quả nhiên vì vấp phải sự phản đối kịch liệt và diễu hành thị uy của giới học sinh sinh viên mà chết yểu, nhưng sóng gió mới lại nổi lên. Nghe phong thanh rằng cổ vật trong Cố Cung sẽ phải di chuyển xuống miền Nam, một phe cho rằng hành động lần này chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng càng nhiều người hơn lại cảm thấy thà làm ngọc nát còn hơn làm ngói lành, di dời cổ vật xuống phía Nam khuấy động lòng người, lại là hành vi nhà có tang từ bỏ đất cát không màng.

Ngụy Trường Húc đọc được những tay văn nhân đánh trận bằng miệng trên báo, nói mấy câu gì mà "Tịch mịch không thành tại, thương hoàng cổ đổng thiên" (Vắng vẻ giữa thành không, Hốt hoảng cổ vật dời), cậu chỉ hận trong bụng mình chẳng có bao nhiêu chữ nghĩa, nếu không sẽ vung bút lên mà chửi mắng bọn họ. Kẻ không chịu làm gì chính là đám binh sĩ quân phiệt đó! Những cổ vật căn bản chẳng có lỗi lầm gì! Dựa vào cái gì mà ở đây phải cùng tiêu vong với tòa thành Bắc Kinh đó?

Rốt cuộc là mạng người quan trọng? Hay là những cổ vật đó quan trọng?

Có lẽ với những người khác nhau sẽ có đáp án khác nhau.

Nhưng Ngụy Trường Húc tuy còn nhỏ mà cũng biết những đồ cổ văn vật trong Cố Cung đó, không thể dùng lý lẽ thông thường mà bàn luận được.

Đó là di sản được truyền lại qua mấy ngàn năm của dân tộc Trung Hoa.

Là văn hóa của dân tộc này.

Tuyệt đối không thể để người ta cướp đi hoặc tiêu hủy!

"Cậu chủ, cháu muốn đi lính!" Ngụy Trường Húc đắn đo rất nhiều ngày, cuối cùng nắm chặt bàn tay, nói với vẻ kiên định.

Tô Nghiêu nghiêng đầu nhìn cậu với vẻ mờ mịt, trong khái niệm của cậu nhóc, vẫn còn chưa ý thức được đi lính là một chuyện đáng sợ đến chừng nào.

Gã chủ tiệm bỏ chung trà bằng sứ Thanh Hoa trong tay xuống, xoa đầu Ngụy Trường Húc, cười cười nói: "Cháu mới chín tuổi, người ta không nhận cháu đâu".

"Nhưng mà..." Ngụy Trường Húc cũng biết đây là lời nói thật, hận không thể lớn ngay trong chốc lát.

"Đừng vội, ta biết tâm tư của cháu, sẽ giúp cháu đạt được tâm nguyện". Gã chủ tiệm cười cười với vẻ cao thâm khó dò, san phẳng những nỗi xáo động và không cam tâm trong lòng Ngụy Trường Húc một cách kỳ diệu.

2

Không lâu sau đó, khi thời tiết ở thành Bắc Kinh bắt đầu chuyển sang lạnh, gã chủ tiệm dẫn bọn trẻ đến Cố Cung một chuyến.

Vì thời cuộc ngày càng ác liệt, nên rất ít người đến Cố Cung tham quan. Hoàng cung vốn có tường đỏ ngói xanh lá cây vàng son chói lọi, dưới sự bao phủ của khói lửa chiến tranh, nhìn trông lại lạnh lẽo tiêu điều đến vô cùng. Đi xuyên qua Thần Vũ môn, chỉ có dòng xe chuyển những hòm gỗ và bông nối dài liên miên không dứt. Ngụy Trường Húc lúc này tận mắt chứng kiến, mới biết chuyện quốc bảo chuyển về miền Nam đã là chuyện đã rồi, không khỏi mừng rỡ trong lòng.

Cậu không hiểu những chuyện lòng vòng của chính trị, cũng không quản những món đồ này phải chuyển về miền Nam rốt cuộc là vì nguyên nhân gì. Nhưng chỉ Cần những món quốc bảo tinh xảo tuyệt trần này có thể bảo tồn, tránh khỏi chiến tranh, là cậu đã thấy mãn nguyện rồi.

Chỉ là đồ cổ văn vật chuyển về miền Nam không phải là việc dễ dàng như trong tưởng tượng, mà là một công trình cực kỳ to lớn. Hoàng đế triều Thanh từ thời Khang Hy trở đi đã mắc chứng cuồng sưu tập ở trình độ mạnh mẽ siêu cấp, các con cháu kế vị ông ta cũng lũ lượt bắt chước, thậm chí còn ghê gớm hơn. Cho nên, bảo vật ở Cố Cung thực sự nhiều không đếm xuể. Đồ cổ chuyển về miền Nam cũng không thể đem đi toàn bộ, chỉ có thể lựa chọn những món đồ trân quý nhất. Đồ cổ đại khái phân ra thành vài nghìn loại như đồ gốm, đồ ngọc, đồ đồng, tự họa, ấn chương, như ý, bình hít thuốc, quạt gấp, triều châu, đồ điêu khắc từ ngà voi, đồ sơn, đồ pha lê, nhạc cụ, khôi giáp, nghi trượng... Thư tịch sách vở cũng rất nhiều, ví dụ đủ mọi loại thư tịch phức tạp như "Tứ Khố Toàn Thư" của Văn Uyên Các lưu trữ, "Tứ Khố Hội Yếu" của Ly Tảo Đường cất giữ, "Thiện Bản Phương Chí", còn có các loại "Tạng Kinh", "Phật Kinh", các hồ sơ của Quân Cơ Xứ, bản lý lịch tấu sớ, "Khởi Cư Chú", ngọc điệp, bản đồ... nhiều không đếm xuể.

Ngụy Trường Húc dẫn theo Tô Nghiêu vừa đi vừa nghe gã chủ tiệm giảng giải như thể đồ báu trong nhà mình, cảm thấy đầu óc bắt đầu đau nhức. Đến khi cậu khó khăn lắm mới đến được đích, thì cậu nhìn thấy những nhân viên làm việc trong Cố Cung đã bắt đầu xếp những món cổ vật đã được phân loại vào trong hòm.

Còn tại sao gã chủ tiệm lại đến nơi này, cũng là vì khi đóng gói cần tới kinh nghiệm của người trong ngành, mấy vị nhà buôn đồ cổ của Lưu Ly Xưởng được mời đến, giới thiệu một cách ti mỉ cho các nhân viên công tác rằng đồ cổ chất liệu gì cần thùng đóng gói như thế nào, ở giữa cần nhồi thêm thứ gì khác ngoài chất liệu bông tơ ra, lợi dụng một cách hợp lý những khe hở như thế nào... Mà để báo đáp, mấy nhà buôn đồ cổ này đều phải cùng đồ cổ của Cố Cung di chuyển xuống phía Nam, vẫn là an toàn yên ổn hơn là tự một mình trên đường rất nhiều. Chí ít sẽ không cần ra bên ngoài tự mình kiếm vé tàu xe hoặc là vé thuyền.

Ngụy Trường Húc và Tô Nghiêu là hai đứa trẻ. Gã chủ tiệm không an tâm để bọn chúng đơn độc ở lại cửa tiệm nên mới dẫn đến, chỉ cần chúng ngoan ngoãn ngồi một bên không làm loạn là sẽ không có ai để ý tới. Ngụy Trường Húc trái lại cũng không cam tâm ngồi ngốc nghếch như thế, dẫn cái đuôi Tô Nghiêu đi giúp mấy việc vặt như đưa dây thừng, bưng bông gòn, trấu, đưa dao kéo... cũng hiểu chuyện không va vào những đồ cổ quý giá đó, sợ không cẩn thận làm vỡ, thì bán chúng cũng chẳng đền nổi.

Ngụy Trường Húc nhanh mồm nhanh miệng lại lanh lẹ chăm chỉ, Tô Nghiêu thì nhút nhát và ngoan ngoãn, hai đứa trẻ nhanh chóng đã giành được sự yêu quý của mọi người, mà mấy ngày sau Ngụy Trưởng Húc cũng được phép có thể giở những món đồ cổ chưa đóng gói ra xem. Đương nhiên cho dù là những món đồ cổ bị thải loại thì cậu cũng không được tùy ý đem đi, nhưng chỉ cần nhìn một chút thôi cũng không vấn đề gì.

Ngày hôm nay, cậu giở ra một hòm hạt vòng rất lớn. Cậu cầm mấy chuỗi đi hỏi gã chủ tiệm, mới biết đó là một hòm Bồ Đề Tử.

"Bồ Đề Tử? Là những quả do cây bồ đề trong sân của Anh Hoa điện kết thành?" Ngụy Trường Húc nhớ đến cây bồ đề rậm rạp sum suê đó, vào mùa hè, giống như một cái ô lớn màu xanh lá cây che rợp tất cả. Do cậu thường nghe các chủ tiệm của các hiệu đồ cổ nói chuyện nên hiểu biết rất nhiều, cậu biết câu chuyện Thích Ca Mâu Ni tĩnh tọa bảy ngày bảy đêm dưới gốc cây bồ đề, tu thành chính quả đốn ngộ thành Phật. Cũng biết trong từ ngữ của nhà Phật, bồ đề có nghĩa là giác ngộ.

"Không phải, Bồ Đề Tử là một loại quả do một loại cỏ Xuyên Cốc kết thành, sản sinh ở vùng núi tuyết. Bồ Đề Tử có rất nhiều chủng loại, thích hợp nhất là dùng làm tràng hạt". Gã chủ tiệm đưa tay nhón lấy một viên Bồ Đề Tử, quan sát tỉ mỉ nói, "Cháu nhìn tràng hạt này xem, trên bề mặt có những đốm đen phân bố rất đều, ở giữa còn có một vòng tròn lõm, giống như các vì sao nâng mặt trăng lên, toàn thể hạt Bồ Đề Tử trở thành thế "chu thiên tinh đẩu", "chúng tinh chầu nguyệt", vì thế mới đặt tên là Tinh Nguyệt Bồ Đề Tử. Đây cũng là một trong bốn viên Bồ Đề Tử lớn nhất".

"A? Món đồ quý giá như thế này, sao lại không đóng thùng cùng đem đi?" Ngụy Trường Húc vừa nghe xong là cuống lên, ngày ngày cậu lật xem những món đồ cổ bị thải loại đó, cũng bắt nguồn từ tâm lý này, luôn cảm thấy tất cả những món đồ cần mang đi không nên vứt lại món nào cả.

Gã chủ tiệm nghịch viên Bồ Đề Tử trong tay Ngụy Trường Húc, lãnh đạm nói: "Hòm Bồ Đề Tử này trước đây ta cũng từng thấy rồi, có lẽ là cất giữ trong cung bao năm qua, còn chưa được xâu thành chuỗi. Đây là Ngân Tuyến Bồ Đề, Phật Nhãn Bồ Đề, Phượng Nhãn Bồ Đề, Thiên Ý Bồ Đề,... ừm, tuy chủng loại rất nhiều, cũng rất hiếm có, có lẽ từng được cao tăng trì chú, nhưng Bồ Đề Tử lại là một loại hạt của thực vật, chỉ cần loại cỏ Xuyên Cốc này chưa chết hết, thì sẽ có càng nhiều hạt Bồ Đề Tử được kết thành, sẽ không quý giá mấy". Gã chủ thần sắc lạnh nhạt, trong ngữ khí còn mang chút ý vị tiêu điều không nói thành lời, gã đứng dậy, nhìn những cổ vật văn vật đang được đóng vào hòm ấy, thở dài nói: "Nhưng cháu nhìn những đồ gốm sứ kia xem, bí pháp chế tác nay đã thất truyền, những món đồ trang trí bằng ngọc, sư phụ điêu khắc ngọc đã qua đời. Đó mới là những trân phẩm truyền thế thực sự, vỡ một món là mất đi một món..."

"Cái này...". Ngụy Trường Húc cắn cắn môi dưới, đang muốn nói chặng đường này sẽ không xảy ra vấn đề gì chứ, nhưng cậu cũng biết nói như vậy là tự lừa mình dối người. Trong những ngày này, tất cả những người đang bận rộn ở cố Cung sắc mặt đều nghiêm trọng căng thẳng, cho dù biết con đường phía trước rất mờ mịt, cũng phải cẩn thận hết sức lần mò tiến về phía trước.

Gã chủ tiệm chỉ là ngẫu nhiên cảm khái, rất nhanh chóng đã bình tĩnh trở lại. Gã xoa đầu Ngụy Trường Húc, biết rằng đứa trẻ này yêu thích cổ vật đến độ tẩu hỏa nhập ma rồi, nên đổi mặt khuyên giải, nói: "Nhà Phật nói có sáu con đường luân hồi, con người cuối cùng cũng phải chết đi, đồ vật cũng sẽ phải tiêu vong, cho nên tất cả đều phải nhìn lạnh nhạt một chút. Những chuyện mà sức mình không làm được, thì chỉ cần tận tâm tận lực là được".

Ngụy Trường Húc nghe ra trong câu nói này bao hàm nỗi tang thương, cậu ngẩng đầu lên, phát hiện gã chủ tiệm đang nhìn chăm chú vào Tô Nghiêu đang nâng cổ tịch lật giở ở phía không xa. Khoảnh khắc này, trong mắt của chủ tiệm, có một sự phức tạp mà cậu không nhìn ra được, cho đến nhiều năm về sau khi cậu nhớ lại cảnh tượng này, đều là tham ngộ mà không thấu. Tuy đã được lạnh lùng cảnh báo rằng chiếc hòm lớn Bồ Đề Tử này không thể mang đi, nhưng Ngụy Trường Húc cũng không từ bỏ, cậu cố chấp đi tìm viện trưởng, được sự cho phép, cậu cùng Tô Nghiêu bắt đầu một chuỗi nhiệm vụ. Hai đứa bọn cậu dùng giấy gấp những chiếc túi hình vuông, thả vào bên trong một hạt Bồ Đề Tử, khi niêm phong mỗi một hòm ván vật, đều thành kính thả vào một túi giấy như vậy, cầu nguyện cho những hạt Bồ Đề Tử này có thể phù hộ số đồ cổ này không gặp chuyện gì ngoài ý muốn. Chúng còn dành thời gian rảnh rỗi để xâu những hạt Bồ Đề Tử thành vòng đeo tay, phát cho mỗi nhân viên công tác một chuỗi, cầu nguyện nó có thể phù hộ họ đi đường bình an.

Ngụy Trường Húc tự mình đeo chuỗi Thái Dương Bồ Đề màu nâu, Tô Nghiêu là chuỗi Tuyết Thiền Bồ Đề màu trắng, chủ tiệm lại đeo một chuỗi Kim Chung Bồ Đề.

Sau đó, ngày mùng 6 tháng 2 năm 1933, một loạt văn vật đồ cổ đầu tiên của Cố Cung chính thức đóng lên xe khởi hành.

Cho dù ngay từ khi bắt đầu, Ngụy Trường Húc đã biết chặng đường này sẽ không đi suôn sẻ được, nhưng cậu cũng không ngờ nó lại trắc trở đến thế. Thậm chí bọn họ còn chưa ra khỏi kinh thành, những chiếc xe chở đồ cổ vừa đi ra khỏi cổng Cố Cung liền bị đám học sinh vẫn luôn canh ở cổng bao vây lại. Khó khăn lắm mới chật vật di chuyển đến ga tàu hỏa, không khí càng lúc càng trở nên mất kiểm soát. Có những học sinh cấp tiến thậm chí còn nằm thẳng trên đường ray, để ngăn cản quốc bảo rời khỏi Bắc Kinh, giám đốc viện bảo tàng nói hết nước hết cái, phát biểu diễn giảng một hồi mới khuyên nhủ họ rời đi được. Lại vì trước đó trên báo chí tuyên huyền rầm rộ chuyện đưa quốc bảo về miền Nam, nên khi tàu hỏa đi ngang qua Dư Châu, thì có thổ phỉ lúc ẩn lúc hiện muốn cướp quốc bảo, kết quả là những kẻ liều lĩnh này đã thực sự nổ súng đánh một trận với quân đội địa phương, phát hiện không xơ múi được gì, mới không cam tâm bỏ đi.

Hai đoàn tàu chở văn vật đến tận ngày thứ tư mới khó khăn đến được Hạ Quan ở Nam Kinh, sau đó lại có mệnh lệnh nói phải vận chuyển cổ vật đến Lạc Dương và Tây An. Những ông chủ hiệu đồ cổ khác cùng tàu hỏa xuống miền Nam đều lần lượt đem theo đồ đạc của mình rồi bỏ đi. Ngụy Trường Húc biết chủ tiệm có lẽ cũng sẽ như vậy nhưng cậu lại không muốn đi một chút nào.

Cậu vẫn chưa nhìn thấy những món quốc bảo đó yên ổn thì sao có thể dễ dàng rời đi?

Tuy cậu không nói một tiếng nào, nhưng gã chủ tiệm vẫn nhìn thấu tâm tư của cậu, giữ cậu và Tô Nghiêu ở lại.

"Sao cậu chủ lại tự mình đi nhỉ?" Tô Nghiêu kéo áo của Ngụy Trường Húc, cực kỳ không vui, cái miệng nhỏ dẩu lên đến mức có thể treo được chai xì dầu vào đó.

"Ngoan, cậu chủ đi xử lý đồ cổ của Á Xá, cậu chủ sẽ quay về thôi". Ngụy Trường Húc trái lại rất vui, cậu có thể ở lại. Cậu cẩn thận đặt chiếc khóa Trường Mệnh bằng bạch ngọc trên cổ Tô Nghiêu vào trong áo của nó, của cải không nên để lộ ra ngoài, đặc biệt là trong thời buổi hỗn loạn này.

3

Cổ vật của Cố Cung vẫn luôn để tại nhà ga Hạ Quan Nam Kinh, đến tận mấy tuần sau đó, mới dùng thuyền vận chuyển đến Thượng Hải. Thời gian này văn vật của Cố Cung Bắc Kinh trước sau mất năm lần vận chuyển mới tới hết, bao gồm cả đồ cổ ở Di Hòa Viên và Quốc Tử Giám. Ngụy Trường Hức vì giành được sự tín nhiệm của nhân viên công tác, đã có thể giúp đỡ công việc, cùng với Tô Nghiêu hai đứa làm những việc có thể giúp được. Đợi đến khi con số cuối cùng của đám cổ vật văn vật thống kê xong, tất cả mọi người đều không còn lời nào để nói.

Tổng cộng 19.557 hòm, hàng triệu món văn vật, cổ vật.

Ngụy Trường Húc bị con số này làm cho chấn động dữ dội một lúc, đây vẫn là số văn vật cổ vật mà mọi người đã chọn lựa ra, không món nào không phải báu vật vô giá. Nhưng hiện tại cậu hoàn toàn không có cách nào nhìn số bảo bối la liệt trước mắt này, trong một nhà kho cực lớn, là những hòm gỗ xếp ngay ngắn chất đầy, trong không khí tràn ngập mùi bụi và mùi bông khiến người ta rất khó chịu, nhưng trong lòng Ngụy Trường Húc không tránh khỏi cảm thấy một nỗi bi ai không tên.

Rốt cuộc một dân tộc sắp sa sút đến bước nào, mới bị ép buộc thực hiện một cuộc di cư văn hóa thanh thế lớn lao đến dường này?

Mà rốt cuộc đến lúc nào, số bảo vật này mới có thể tránh được số kiếp bị bụi mờ che phủ, được lau chùi sạch sẽ như mới rồi bày trong viện bảo tàng cho người khác thưởng thức chiêm ngưỡng?

Cậu... còn có thể nhìn thấy cảnh tượng đó không... Cậu có thể đảm bảo cho những báu vật này tiếp tục tồn tại trên thế gian không thất thoát một món không...

"Anh Húc?" Tô Nghiêu nhạy cảm quan sát thấy tâm tình sa sút của Ngụy Trường Húc, bất an kéo kéo góc áo của cậu. Tô Nghiêu đã đổi sang áo vải gai thô, tuy vẫn trắng trẻo sạch sẽ, nhưng do lưu lạc nhiều ngày qua nên đã gầy đi rất nhiều, khuôn mặt vốn tròn trĩnh như trứng gà đã gầy thành cằm nhọn.

"Đừng sợ, chúng ta sẽ thắng mà". Ngụy Trường Húc ôm Tô Nghiêu vào trong lòng, lẩm nhẩm tự nói với mình.

Giống như đang thuyết phục đối phương, lại càng giống như đang thuyết phục chính bản thân.

Nhưng hiện thực vĩnh viễn tàn khốc hơn tưởng tượng rất nhiều.

Có người bắt đầu cố ý phát tán tin đồn, nói viện trưởng Dịch Bồi Cơ tiên sinh tự mình ăn trộm những cổ vật vận chuyển từ kinh thành về đem bán cho người ngoại quốc. Một đồn mười, mười đồn trăm, nên có người cũng cho là thật. Sự tình cứ thế càng đồn càng ly kỳ giống thực, đến chính phủ Nam Kinh cũng cho trát tòa, đòi viện kiểm sát chọn ngày để mở cuộc xét xử. Nỗi cay đắng thời gian này thế nào không cần phải nhắc tới, có mấy người liên lụy bị bỏ tù, không có nơi nào mà kêu oan, rất lâu sau mới được phóng thích.

Mấy tháng sau chủ tiệm đến Thượng Hải tìm bọn chúng, nhưng cũng không đả động gì tới việc rời đi, mà chỉ ở lại tham dự vào công tác bảo quản văn vật.

Thời gian chớp mắt một cái đã ba năm trôi qua, chính phủ Nam Kinh cuối cùng đã sửa sang xong nhà kho của Triều Thiên Cung, văn vật cổ vật của Cố Cung cũng từ Thượng Hải quay về Nam Kinh. Lúc này Ngụy Trường Húc đã thành thiếu niên, thân hình cao gầy vẫn còn không ngừng cao lên, Tô Nghiêu cũng sắp tròn mười tuổi, lại càng nhút nhát hướng nội. Bọn họ cùng đám cổ vật văn vật sau khi thuận lợi đến Nam Kinh, liên tục thêm một năm nữa để chỉnh đốn công việc, khi tất cả mọi người đều cho rằng đã có thể yên ổn trở lại, thì Ngụy Trường Húc đã mười bốn tuổi thậm chí còn nảy sinh suy nghĩ sẽ rời đi nhập ngũ, nhưng năm 1937 lại không hề phẳng lặng như vậy.

Năm Dân Quốc thứ 26, cũng tức là ngày mùng 7 tháng 7 năm 1937, sự biến Lư Câu Kiều, Bắc Bình thất thủ.

Ngày 13 tháng 8 sau đó, Thượng Hải xảy ra sự biến Mười ba tháng Tám, Thượng Hải thất thủ.

Chiến tranh đã bùng cháy đến sát sạt Nam Kinh, có lúc ngẩng đầu lên nhìn bầu trời, đều có thể nhìn thấy những đám mây đen nặng nề nơi chân trời giống như bất lúc nào cũng có thể đè xuống, đè chặt đến mức khiến người ta không thể nào thở được.

Ngày thứ hai của sự biến Mười ba tháng Tám ở Thượng Hải, Bảo tàng Cố Cung đã đưa ra quyết định, tiếp tục di dời văn vật, loạt văn vật đầu tiên nhanh chóng chuyển sang tỉnh Tràng Sa vào sáng sớm ngày 14. Khi đó gã chủ tiệm muốn bảo Ngụy Trường Húc và Tô Nghiêu rời khỏi Nam Kinh cùng với lô văn vật đầu tiên, nhưng Ngụy Trường Húc biết chủ tiệm chắc chắn không chịu đi trước, nên ương ngạnh ở lại cùng gã. Văn vật lần lượt di dời, nhưng về đại thể tổng cộng chia làm ba con đường, đường phía Nam tiến về Hán Khẩu vận chuyển qua tỉnh Tràng Sa cuối cùng đến An Thuận, đường ở giữa thì đi đến Nghi Xương rồi chuyển sang Trùng Khánh cuối cùng đến Lạc Sơn, đường phía Bắc thì đi qua Từ Châu, Trịnh Châu rồi đến Tây An. Bọn Ngụy Trường Húc cuối cùng chọn ngồi tàu hỏa đi lên phương Bắc, nghe nói lô đi đường giữa gồm hơn chín nghìn hòm văn vật cuối cùng dừng lại ở Nam Kinh đến ngày 8 tháng 12, mãi sau mới bắt được con tàu mang tên Hoàng Phố, rời khỏi Nam Kinh.

Mà năm ngày sau, Nam Kinh thất thủ, quân Nhật đã gây nên vụ thảm sát Nam Kinh khiến cả thế giới kinh hãi.

Rốt cuộc thì phải ở trong bóng tối chờ đợi bao lâu nữa, mới có thể đón bình minh?

Ngụy Trường Húc và Tô Nghiêu chen chúc trong kẽ hở của thùng xe tải, thân hình vô thức lắc lư theo nhịp chòng chành của thùng xe. Bây giờ là mùa xuân năm 1939, bọn họ đã trải qua một chặng đường muôn vàn gian khổ, sau khi đoàn tàu chở văn vật rời khỏi Nam Kinh hai năm trước, mới đến Từ Châu đã gặp ngay không quân Nhật Bản ném bom tập kích, may mà tàu hỏa vẫn bám vào đường ray hỏng, mới tránh được một kiếp nạn này. Khi qua Trịnh Châu cũng chịu một trận đánh bom, may mà tuy kinh hãi nhưng không nguy hiểm gì, không có chút tổn thất nào. Sau khi qua Trịnh Châu lại chuyển sang Tây An, cuối cùng chuyển đi Bảo Kê, lại vì quân Nhật ném bom quá dữ dội nên buộc phải di chuyển tiếp. Kết quả là từ Bảo Kê đến Hán Trung chỉ có một trăm kilomet đường núi Tần Lĩnh mà họ phải đi mất gần ba tháng. Lại trên đường vượt qua Tần Lĩnh, bọn họ gặp phải thổ phỉ và sói hoang, mấy phen nguy hiểm, Ngụy Trường Húc cảm giác rằng nếu đi lính chẳng qua cũng chỉ đến thế mà thôi.

Nghe nói văn vật cổ vật trên hai con đường còn lại cũng chẳng gió lặng sóng dừng, con đường thủy đến Trùng Khánh đó, khi đi qua Tam Hiệp suýt chút nữa thì lật thuyền chìm xuống sông. May mà thời khắc cuối cùng cánh thuyền phu có kinh nghiệm đã đảo ngược tình thế. Còn con đường chuyển đi Tràng Sa cũng khó khăn trùng trùng, suýt chút nữa bị quân Nhật đánh bom, cuối cùng quyết định chuyển văn vật sang khu vực Nga My Lạc Sơn.

Bọn Ngụy Trường Húc cũng đi về hướng đất Thục (Tứ Xuyên), chỉ là họ đi từ đường bộ rồi đi vào Tứ Xuyên.

Lý Bạch từng có thơ rằng: "Thục đạo nan, nan vu thướng thanh thiên". Ngụy Trường Húc vốn tưởng rằng đường đi vượt qua núi Tần Lĩnh đã đủ gian nan hiểm trở rồi, kết quả là đến sạn đạo đi vào Tứ Xuyên, cậu mới biết thế nào gọi là đường đi vào đất Thục khó.

(Dịch nghĩa: Đường đi vào đất Thục khó, khó hơn cả đilên trời xanh)

Cái gọi là đường vào đất Thục thực chất là sạn đạo, tức là ở giữa hai vách núi sừng sững có đục một lỗ hổng, trong lỗ hổng này cắm những cột đá hoặc là cột gỗ, bên trên lại bắc ngang ván gỗ hoặc ván đá. Loại sạn đạo chật hẹp này chịu tải trọng có hạn, đội xe tiến lên phía trước với vận tốc cực kỳ chậm. Một đoạn sạn đạo hai dặm, một lần đi về phải mất đến hai, ba ngày, Ngụy Trường Húc hỏi thăm dân quê ven đường, nếu với vận tốc như này bọn họ muốn tới Nga My, tính ra chí ít cũng phải đi sáu tháng trời.

"Anh Húc, cơ thể anh đã đỡ hơn chưa?". Tô Nghiêu đã mười ba tuổi hoàn toàn có dáng vẻ của một thiếu niên, chiếc áo khoác quân đội đang mặc đã bị sờn trên đường đi đến mức cũ nát không thể cũ nát hơn, nhưng gương mặt cậu vẫn trắng trẻo như thế, lúc này khuôn mặt tràn ngập vẻ lo lắng ân cần dùng tay sờ lên trán của Ngụy Trường Húc.

Cả một mùa đông lạnh lẽo đều bị giày vò giữa núi rừng Tần Lĩnh, cơ thể của Ngụy Trường Húc dù có khỏe hơn thì cũng không chống chọi nổi. Tô Nghiêu hơi lo lắng sốt ruột, thậm chí còn có chút oán hận bản thân. Nếu như Ngụy Trường Húc không cố chấp bắt cậu mặc áo của cậu ta, thì sao có thể bị lạnh đến mức thảm hại như thế này? Nghĩ đến đây, Tô Nghiêu lại cởi chiếc áo khoác quân đội trên người ra. Mặc kệ sự phản đối của Ngụy Trường Húc liền bọc cậu ta lại thành một nắm. "Anh Húc, anh ngồi xuống trước đã, em đi tìm cậu chủ, xem xem chỗ cậu ấy có thể lấy thuốc không?".

Ngụy Trường Húc muốn giữ lại không cho Tô Nghiêu chạy lung tung, bọn họ có thể vẫy xe tải xin ngồi nhờ là đã được người khác quan tâm lắm rồi, không thấy người khác đều đang phải dùng chân để đi bộ phía dưới sao? Nhưng chung quy thì cậu vẫn là đang bị bệnh, còn Tô Nghiêu hành động lanh lẹ, cậu giơ được tay ra thì đã chẳng tóm được thứ gì.

Thằng nhóc này... Ngụy Trường Húc chẳng còn cách nào khác đành nhắm mắt, cơ thể nóng rẫy khiến đầu óc cậu ngưng suy nghĩ tiếp. Trong lúc mơ mơ màng màng, dường như cậu nghe thấy có người cao giọng gọi, sau đó là tiếng còi xe chói tai, cơ thể cậu dường như không chịu khống chế mà rung lắc dữ dội, cậu kinh ngạc mở mắt, thì nhìn thấy chiếc xe mình đang ngồi đang xông ra khỏi sạn đạo, lao đầu đâm xuống vực sâu dưới núi!

May mà Tô Nghiêu đã xuống xe rồi!

Khoảnh khắc đó, Ngụy Trường Húc lại có suy nghĩ như thế vụt lóe lên trong đầu.

Có lẽ tiềm năng của con người bộc phát trong lúc sinh tồn, Ngụy Trường Húc mau chóng đưa ra phán đoán, nếu như cậu lập tức nhảy xuống, nói không chừng còn có thể may mắn vớ được thanh gỗ bên dưới sạn đạo. Nhưng động tác đầu tiên của cậu lại là ném chiếc hòm trên xe xuống. Cậu nhớ lúc leo lên xe cậu từng quét ánh mắt qua số hiệu phân loại trên những chiếc hòm một lượt theo thói quen, là chữ "Kinh", đó chính là Kinh bộ trong "Tứ Khố Toàn Thư". Đã là sách, thì không sợ va đập, nhưng chỉ sợ bị rơi xuống sông, chỉ cần nước ngấm vào là hỏng bét.

Ba hòm sách rất nặng, nhưng trong quá trình rơi xuống, Ngụy Trường Húc cũng không biết là sức lực trong lúc gặp cảnh khốn cùng của mình tăng vọt, hay là trời cao khéo xoay vần, trước khi chiếc xe tải đâm xuống sông, ba hòm sách đã bị cậu vứt lại trên bờ. Cũng chẳng có thời gian mà nhìn xem tài xế xe tải có kịp nhảy ra khỏi xe hay không, cậu nhắm chuẩn một khoảng cây cỏ xanh tốt rậm rạp rồi lách người nhảy về phía đó.

Cảnh tượng cuối cùng Ngụy Trường Húc nhìn thấy, là chuỗi Phật châu bằng hạt Bồ Đề Tử đeo trên tay bị cành cây làm đứt, những hạt Phật châu tung tóe khắp trời, dưới bầu trời xanh biếc bao phủ một bầu không khí khiến người ta an lòng, cậu thả lỏng tinh thần, rồi sau đó không biết gì nữa.

4

"Tại sao không để tôi cứu người? Đứa trẻ này nó vẫn còn sống đấy!"

"Anh như thế này là làm thay đổi lịch sử đó! Nếu như anh không dùng la bàn để đến thời gian này, người này nói không chừng sẽ phải chết đi. Nếu anh cứu cậu ta, sẽ sinh ra hiệu ứng cánh bướm, một chuỗi sự việc sau đó sẽ phát sinh biến đổi, dẫn đến lịch sử thay đổi, trách nhiệm này, anh gánh được không?"

"Tôi là bác sĩ! Trách nhiệm chính là cứu người! Sao tôi có thể khoanh tay đứng nhìn được?"

"Anh phải suy nghĩ đến đại cục, nếu mỗi lần đều như thế này, tôi cảm thấy chúng ta đừng dùng la bàn Lạc Thư Cửu Tinh nữa".

"... Cậu thế này là uy hiếp tôi đúng không?"

"Đây không phải là uy hiếp, mà là nói thực lòng".

"Cậu!"

Hai người này là ai? Tại sao lại cãi nhau? La bàn Lạc Thư Cửu Tinh? Cái tên này sao nghe lại quen tai vậy?

Ngụy Trường Húc chỉ tỉnh lại có ý thức trong một nháy mắt, rồi lại hoa mắt chóng mặt rơi vào bóng tối. Trải qua một thời gian dài như cả một đời, cậu mới cảm giác được nỗi đau đớn lan truyền khắp mọi ngóc ngách cơ thể mình.

Còn biết đau, tức là mình vẫn còn sống.

Ngụy Trường Húc cắn chặt răng cảm nhận từng bộ phận trên cơ thể mình, chân của cậu có lẽ bị gãy rồi, may mà phút cuối Tô Nghiêu đắp chiếc áo khoác quân đội bọc cậu lại khiến phần bụng, ngực của cậu không bị tổn thương nhiều. Đúng là ông trời phù hộ.

Cũng không biết ba hòm sách đó có bị tổn hại gì không.

Trong lúc mơ mơ màng màng, Ngụy Trường Húc lờ mờ cảm thấy mình được người ta khiêng qua khiêng lại, rồi được cho uống mấy viên thuốc và tiêm mấy mũi. Đến khi cậu có thể mở mắt ra, lập tức nhìn thấy gương mặt nhỏ sưng đỏ lên vì khóc của Tổ Nghiêu.

Gã chủ tiệm đang đứng bên cạnh biết Ngụy Trường Húc vẫn chưa nói được, nhưng từ trong ánh mắt của gã đã lĩnh hội được điều cậu muốn biết nhất là gì, bèn vỗ nhè nhẹ lên đầu cậu, an ủi nói: "Ba hòm sách đó không một quyển nào bị ngấm nước cả. đúng là may mà có cháu. Chân cháu cũng không việc gì, có điều phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Có người cứu cháu, là ai cháu có chút ấn tượng nào không? Chúng ta không tìm thấy người ấy, phải cảm ơn người ta mới được".

Trong đầu lóe lên những mảnh ghép cãi cọ, Ngụy Trường Húc lắc lắc đầu với vẻ không hiểu nổi, trên thực tế những lời đó cậu nghe mà không hiểu gì cả.

Gã chủ tiệm cau mày, vách đá núi cực kỳ nguy hiểm, bọn họ đã đi một vòng lớn, sau một ngày mới xuống được bãi cát ngầm bên dưới chân vách núi. Khi đó tài xế cũng đã tử vong, còn Ngụy Trường Húc đã nằm ngay ngắn trên bãi cát, phần chân bị gãy đã được băng bó tử tế, còn nối xương rất chuẩn, băng bó cũng vô cùng kỹ lưỡng khiến không bị dẫn đến mất máu quá nhiều, số sách vở rơi vãi trên bãi cát cũng được người nào đó nhặt lại từng quyển một và xếp thành chồng ngay ngắn, thậm chí còn phân loại thứ tự theo nguyên bản. Nếu không phải là người làm việc ở viện bảo tàng, thì căn bản là không thể làm được điều này. Hơn nữa thậm chí đến ba hạt Bồ Đề Tử Tô Nghiêu nhét trong hòm sách và cả chuỗi hạt Bồ Đề Thái Dương bị bung ra cũng được tìm thấy không thiếu một hạt nào.

Tất cả đều rất kỳ quái, nhưng gã chủ tiệm cũng không nghĩ nhiều, thấy Ngụy Trường Húc cố gắng nâng mí mắt lên, bèn dặn dò cậu phải chịu khó nghỉ ngơi.

Đường còn dài lắm.

Đúng thế, đường thực sự rất dài, cho đến mùa thu năm nay, bọn họ mới đến Kiếm Môn Quan hùng cứ ở nơi đỉnh cao chót vót. Sau đó gián tiếp chuyển từ Thành Đô đến núi Nga My, sau đó nữa lại ở liền bảy năm trời.

"Chân lý chính nghĩa tất nhiên sẽ chiến thắng cường quyền của chúng ta, cuối cùng đã được chứng minh... Thiên hoàng Nhật Bản đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...".

Trong tiếng sóng loẹt xoẹt, phát ra tin tức khiến người ta chấn động, nhất thời tiếng reo hò và tiếng khóc thút thít do quá mức vui mừng trong căn phòng vang lên không ngớt bên tai, Ngụy Trường Húc nhắm chặt mắt lại, còn có chút không dám tin đây là sự thực.

Ở trong bóng tối một thời gian quá dài, khi ánh sáng ùa tới đột ngột, cậu run rẩy và không dám tin theo bản năng.

"Anh Húc! Chúng ta có thể quay về rồi!" Tô Nghiêu vui mừng lao đến phía Ngụy Trường Húc. Cậu đã mười chín tuổi, đã là một người trưởng thành rồi, Ngụy Trường Húc cũng không kìm được lao đến phía đối phương, từ trên ghế dựa ngã lăn trên mặt đất, đau đớn làm cho cậu tỉnh táo trở lại.

Đây không phải giấc mơ! Đây là sự thực!

"Ừ, chúng ta có thể về rồi". Ngụy Trường Húc nén nỗi vui sướng như điên trong lòng xuống, quay đầu lại nhìn những hòm gỗ chất đầy trong sân chùa, nói một cách lý trí: "Nhưng sẽ không đi ngay đâu, chí ít cũng phải ở lại thêm hai năm, đợi tình hình trong nước ổn định đã". Năm nay cậu đã hai mươi hai tuổi, đã hoàn toàn là một người lớn rồi, cũng có thể nhanh chóng phân tích ra tình hình tốt xấu thế nào.

Tô Nghiêu lại cẩn thận dìu Ngụy Trường Húc đứng dậy, vì sự cố trên sạn đạo năm đó, cơ thể của Ngụy Trường Húc vẫn còn mầm bệnh, cuộc sống trên núi kham khổ nên chẳng được bồi bổ đầy đủ, thế nên ngày càng gầy yếu. Những năm qua Tô Nghiêu vẫn luôn đối xử với cậu như là đối với một bảo vật mong manh dễ vỡ, hơn nữa sau khi chủ tiệm rời đi, bọn họ lại càng nương tựa dựa dẫm vào nhau.

"Cậu chủ... có lẽ sẽ không cùng về với chúng ta đâu nhỉ?". Nhớ đến chủ tiệm, Tô Nghiêu cúi thấp đầu, cắn chặt môi.

Ngụy Trường Húc bấm vào vai của cậu, cũng không nói gì.

Bảy năm trước, sau khi họ đặt chân lên núi Nga My, gã chủ tiệm liền ra đi, ba năm trước mới lặng lẽ quay về thăm họ một chuyến. Lúc này Ngụy Trường Húc hồi tưởng lại, mới phát hiện tướng mạo của gã chủ tiệm vẫn không có bất kỳ khác biệt nào so với hơn mười năm trước, hiện tại nếu như ở cùng với họ, cảm giác còn trẻ hơn cả bọn họ.

"Đừng nghĩ nữa, chúng ta vẫn nên ăn mừng một chút đi!" Ngụy Trường Húc đứng dậy đẩy cánh cửa sổ ra, để ánh nắng mặt trời đã lâu không thấy chiếu lên gương mặt, rồi thở ra một hơi thật dài.

Rất nhanh, rất nhanh nữa là nguyện vọng của cậu có thể thực hiện được rồi.

Trên thực tế con đường quay về cũng chẳng hề dễ đi như trong tưởng tượng.

Thiên hoàng Nhật Bản tuy đã ký tên vào điều ước đầu hàng vô điều kiện, nhưng quân phiệt Nhật Bản trong nước vẫn không cam tâm rút lui như thế. Lại thêm tình hình trong nước thay đổi nhanh chóng, hai đảng Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng lại tranh đấu với nhau, cục thế bỗng chốc trở nên rối rắm mơ hồ.

Văn vật đồ cổ chỉnh lý rõ ràng rành mạch, vì không còn nỗi lo bị tập kích thả bom, cho nên văn vật quay về Nam Kinh đều tập trung ở Trùng Khánh, đến hai năm sau mới khởi hành. Dọc đường đi cũng không ngừng xảy ra sự cố, may mà trong đội bọn họ không có ai thương vong, đi xuống phía dưới Trường Giang, đến thẳng Nam Kinh. Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Bình đã được thành lập vào ngày 10 tháng 10 năm Dân Quốc thứ 14, cuối cùng sau 22 năm lẻ 2 tháng, tất cả văn vật đồ cổ phải di dời đã về chung một chỗ.

Chiến tranh trong nước vẫn chưa kết thúc, nhưng Ngụy Trường Húc không còn quá lo lắng. Dẫu sao đều là trong nước tranh chấp, cũng tuyệt đối không nguy hại đến di sản của tổ tiên. Mỗi ngày cậu đều vùi đầu vào chỉnh lý những văn vật có giá trị liên thành đó, ngoài những lúc nhàn rỗi ra, đều cảm thán mười lăm năm điên đảo bôn ba này. Cho dù là cổ vật đi con đường nào, hành trình đều phải vượt qua hơn một vạn hai nghìn kilomet. Mà hàng triệu cổ vật này, cũng kinh qua chặng đường vạn dặm lại chẳng hề có một món thất thoát hoặc hư hỏng, thật là đáng quý, đáng được coi là một kỳ tích.

Vì ngày đêm lao lực, cơ thể của Ngụy Trường Húc ngày càng suy yếu, mỗi lần Tô Nghiêu khuyên nhủ cậu nghỉ ngơi, cậu cũng không thèm chú ý.

Cuối năm 1948, bắt đầu rải rác có văn vật bị chia thành lô rồi vận chuyển đến Đài Loan. Ngụy Trường Húc không ngăn cản, cũng không có cách nào ngăn cả, cậu chỉ là một nhân viên quản lý quèn. Hơn nữa chia ra thì có thể thế nào? Cậu biết những văn vật này sẽ nhận được sự đối xử tử tế, cho dù bị phân cách hai bờ eo biển.

Cũng có người khuyên cậu nên rời đại lục đến Đài Loan, nhưng cậu không nhận lời, vẫn ở lại Triều Thiên Cung ở Nam Kinh, chỉnh lý những văn vật đồ cổ còn sót lại, Tô Nghiêu cũng luôn âm thầm ở bên cậu.

Cho đến mùa thu năm sau, lá ngô đồng lần nữa chuyển sắc đỏ, nhưng cậu lại biến thành một người cô đơn.

5

Gã chủ tiệm lại một lần nữa xuất hiện trước mặt cậu, vẫn trẻ trung như thế.

Ngụy Trường Húc run rẩy bờ môi, đặt chiếc khóa Trường Mệnh bằng bạch ngọc vào tay gã.

"Cậu ta ra đi như thế nào?". Giọng nói của gã chủ tiệm rất bình tĩnh, giống như đã sớm biết Tô Nghiêu sẽ xảy ra sự cố.

"Trên cầu thang... ngã xuống...". Ngụy Trường Húc nhắm mắt, dường như còn có thể nhìn thấy tình cảnh tối ngày hôm đó, "Kho rất tối... vì sợ xảy ra hỏa hoạn... cho nên không thắp đèn dầu... cậu ấy... cậu ấy bước hụt một cái..."

"Ừ, lại không đến hai mươi tư tuổi. Cậu ấy có lẽ không phải chịu đau đớn gì đó mà đi, vẫn còn tốt". Gã chủ tiệm lạnh nhạt nói, trong ngữ khí mang một nỗi buồn không thể nói thành lời. Gã cúi nhìn chiếc khóa Trường Mệnh trong tay, ngước mắt lên nhìn Ngụy Trường Húc một hồi lâu, buồn bã thở dài nói: "Cảm ơn cậu đã chăm sóc cậu ấy, tuy chỉ là nhân tiện. Hiện tại chiến tranh đã kết thúc, tâm nguyện của cậu... có lẽ đã đạt được rồi chăng?".

Ngụy Trường Húc hoang mang mơ hồ, không thể hiểu lời của gã chủ tiệm rốt cuộc là có ý gì. Cậu nhìn một vòng tứ phía nhà kho đã được sắp xếp chỉnh tề giống như ngộ ra điều gì liền thanh thản nhắm mắt lại.

Trước mặt gã chủ tiệm, chỉ còn lại một đống áo quần, gã cúi xuống nhặt lên một hạt Bồ Đề Tử bằng cỡ hạt óc chó trong đống áo quần.

Đó là một hạt Kim Cương Bồ Đề, là chủng loại quý nhất danh giá nhất trong các loại Bồ Đề Tử.

Kim Cương, với ý nghĩa là cứng rắn vô song, không gì bẻ gãy được, có thể đẩy lui phá hủy tất cả sức mạnh tà ác. Mà Kim Cương Bồ Đề Tử còn có đẳng cấp phân cánh, loại thường thấy đều là năm, sáu cánh, hình giống như hạt óc chó, phân cánh càng nhiều thì càng trân quý. Hạt Bồ Đề Tử trong tay gã chủ tiệm, là hạt Kim Cương Bồ Đề Tử hai mươi hai cánh chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Bề mặt màu nâu đỏ còn có dấu vết bị lửa sém qua, hiện tại đã thành vết nứt loang lổ.

"Hai mươi sáu năm trước, Đại Phật điện sau Trung Chính điện bốc cháy, ngươi đã gắng gượng chút nguyện lực cuối cùng để chuyển thế đầu thai, hóa thành hình người..."

"Đến nay tâm nguyện bảo vệ cổ vật đã hoàn thành, ta đã chọn được nơi hương hỏa thịnh vượng, để ngươi được cúng dường nhiều hơn, trùng tu lại nguyện lực..."

Từ đó, không còn ai nhìn thấy nhân viên quản lý tên Ngụy Trường Húc đó nữa, những người quen biết đều cho rằng anh ta vì chuyện ngoài ý muốn của em trai mà đau lòng bỏ đi.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi