TIẾNG KHÓC ÂM HỒN

Đúng lúc ấy, bên ngoài đường có tiếng dừng của xe oto, chú Nghị đã về, đứng lại mở cổng, Phú cất lời chào:

— Cháu chào chú, chú về rồi ạ…?

Chú Nghị nhìn Phú rồi cười rạng rỡ:

— Phú đấy à…? Vào nhà đi cháu, nghe cô bảo trưa nay cháu sang ăn cơm nên chú phải từ công ty chạy về ngay đấy….Nào chúng ta vào nhà thôi.

Đi vào trong, thấy mẹ và vợ đang đợi sẵn, chú Nghị chào mẹ rồi hỏi vợ:

— Mẹ đã ăn uống gì chưa..? Trưa nắng sao lại để mẹ ra ngoài này…?

Cô Quỳnh trả lời:

— Em lấy cơm cho mẹ ăn trước rồi, biết anh sắp về nên cho mẹ ăn xong em tranh thủ dọn cơm ra bàn luôn. Lúc sau nghe thấy tiếng mở cổng chạy ra thì thấy mẹ đã ngồi trước hiên từ bao giờ. Mà mẹ cứ nói gì đó khó hiểu lắm anh ạ.

Chú Nghị khẽ nắm tay mẹ rồi an ủi:

— Kìa mẹ, để con đưa mẹ vào trong phòng, nhà mình có khách, mẹ phải vui vẻ mới đúng chứ…?

Bà cụ im lặng không đáp, ánh mắt bà vẫn nhìn chằm chằm vào Phú. Ngại với Phú, chú Nghị dìu mẹ vào trước, Phú khẽ hỏi cô Quỳnh:

— Hay là bà không thích cháu phải không cô…? Cháu thấy bà nhìn cháu lạ lắm.

Cố Quỳnh vội lắc đầu:

— Không phải đâu, cháu đừng nghĩ vậy, mẹ cô lớn tuổi nên hay nói linh tinh, bệnh người già mà, chứ không có ý gì cả. Lắm lúc cô ở nhà cũng không hiểu bà nói gì nữa cơ. Thôi đừng nghĩ nhiều, vào nhà ăn cơm đi cháu, thức ăn hãy còn nóng hổi.

Phú vâng dạ rồi đi theo cô Quỳnh vào bên trong, qua phòng của bà cụ, chú Nghị cũng vừa đi ra rồi khẽ khép cửa lại, chú Nghị nói:

— Bà nằm một lát rồi ngủ ấy mà, thôi cả nhà mình dùng bữa, chà chà, để xem hôm nay mẹ nó nấu những món gì nào…..Ui cha, toàn những món ngon, tiếc là buổi chiều chú có cuộc hẹn với khách hàng nên không uống được rượu, hay là làm một ly Phú nhỉ…?

Phú cười đáp:

— Dạ thôi, chiều nay cháu cũng còn phải dọn dẹp lại nhà cửa, sợ uống vào rồi không làm ăn gì được…..Để hôm khác chú ạ, với nữa chú còn công việc, nhậu thì lo gì đâu chú, cháu ở ngay bên cạnh, nếu không bận gì chú cháu mình nhậu lúc nào chẳng được.

Nghe Phú nói vậy, khuôn mặt chú Nghị vui mừng thấy rõ, chú Nghị tiếp:

— Vậy nhớ đấy nhé, không đến lúc chú gọi cháu lại viện cớ thoái thác. Thôi mẹ nó, cho tôi bát cơm, đúng là về nhà ăn cơm nhìn thôi cũng đã thấy ngon rồi. Kìa, ăn đi Phú, mấy món này cô Quỳnh làm là ngon nhất đấy. Nhà hàng cũng không bằng đâu, đây, để chú gắp cho.

Hai vợ chồng chú Nghị cứ thay nhau gắp thức ăn cho Phú, cả bữa ăn họ ăn thì ít mà nhìn Phú ăn thì nhiều, ánh mắt của họ ánh lên vẻ rạng ngời, nụ cười lúc nào cũng tươi tắn trên môi.

Phú cũng cảm thấy ngại, nhưng vợ chồng chú Nghị nhiệt tình quá nên sự ngại ngùng cũng dần dần tan biến, qua 2 bữa cơm thân mật, Phú đã có thể nói chuyện vui vẻ với cô Quỳnh, chú Nghị như người thân trong nhà.

Đang ăn, Phú sực nhớ tới một chuyện, Phú hỏi:

— À, quên mất….Cô chú cho cháu hỏi chuyện này được không ạ…?

Chú Nghị đáp:

— Có vấn đề gì cháu cứ hỏi…? Cô chú sẽ giúp hết sức có thể…?

Phú tiếp:

— Dạ, chẳng là cháu muốn hỏi cô chú xem ở quanh đây, hay cô chú có biết ai chuyên dọn dẹp nhà cửa không…? Cháu muốn thuê người dọn, ban đầu chưa về đây cháu cứ nghĩ một mình dọn dẹp cũng xong, nhưng giờ mới thấy khó. Cô chú biết ai thì gọi hộ cho cháu với, công xá, tiền nong như nào cháu sẽ trả cho người ta.

Cô Quỳnh đáp:

— Hay để cô sang phụ cháu một tay, chứ thú thật cô cũng chưa từng gọi người đến dọn nhà bao giờ cả.

Phú xua tay:

— Không được đâu ạ, cô còn phải chăm bà, hơn nữa nhiều công việc nặng nề, cháu mà để cô sang hộ thì còn mặt mũi nào nữa.

Phú nói đúng, cô Quỳnh không có việc gì ở nhà mấy nhưng còn mẹ, bà cụ nếu không trông nom cẩn thận sợ sẽ xảy ra điều bất trắc, bởi lắm lúc chỉ cần rời mắt một chút thôi là bà lại lang thang đi đâu đó, lúc thì bà trèo lên tầng 2, lúc thì canh cổng không khóa là bà lại đi ra ngoài.

Đăm chiêu suy nghĩ một lúc, chú Nghị lên tiếng:

— Chú có cách này, nếu muốn tìm người dọn dẹp ngay trong ngày thì chỉ ra “ Chợ Người “ để mướn là có ngay.

Nghe đến “ Chợ Người “, Phú có phần bất ngờ, chú Nghị giải thích:

— Đừng lo, “ Chợ Người “ ở đây không phải là buôn bán người hay nô ɭệ gì đâu, chỉ là nơi những người cần công việc tụ tập ở đó, ai có việc gì cần làm đến xem rồi thấy người nào phù hợp, thương lượng giá cả rồi thuê thôi. Ăn cơm xong chú sẽ chở cháu đến đó.

Cô Quỳnh có phần ái ngại:

— Nhưng…nhưng mà em nghe bảo, khu “ Chợ Người “ cũng nhiều thành phần lắm, thuê họ vào nhà rồi chẳng may họ làm điều gì không phải thì sao…?

Chú Nghị đáp:

— Đừng lo, khu phố mình an ninh tốt lắm, vào đây mà giờ trò thì cũng không thoát được đâu. Hơn nữa cũng toàn người nghèo khổ, dân lao động chân tay nhỡ việc mới phải ra đó ngồi. Mình trả công cho họ thêm một chút là được. Anh có mấy người bạn cũng hay đến đó thuê người về làm công việc gấp trong nhà, chưa thấy vấn đề gì cả.

Nghe chú Nghị nói Phú cũng thấy hợp lý, hơn nữa lúc làm việc chủ nhà ở đó giám sát cũng chẳng sao, chưa kể, cô Quỳnh, chú Nghị không biết, Phú cũng là một thanh niên có võ trong người.

Phú nói:

— Vậy chú chở cháu đi bây giờ luôn nhé, cháu ăn xong rồi…..Cháu cảm ơn chú.

Chú Nghị gật đầu rồi cả hai đứng dậy, chú Nghị nói với vợ:

— Em ở nhà dọn dẹp rồi trông mẹ nhé, nãy anh thấy sắc mặt mẹ không được tốt. Để mẹ ngủ dậy rồi có khi em điện cho bác sĩ Hiền tới xem mẹ thế nào. Anh chở Phú ra “ Chợ Người “ rồi có khi anh quay lại công ty luôn.

Cô Quỳnh vâng dạ tiễn hai chú cháu ra tới cổng, lên xe oto của chú Nghị, cả hai thẳng tiến tới khu “ Chợ Người “.

Khoảng tầm 15 phút lái xe, chú Nghị chở Phú đến một nơi có phần vắng vẻ, để xe bên rìa đường, cả hai xuống xe, sau đó chú Nghị dẫn Phú đi qua một cái chợ dân sinh, tầm này người buôn bán cũng đã về hết, các sạp hàng hóa đa số đã dọn, không thì cũng phủ bạt, khóa kín trong những thùng gỗ.

Ở đây cũng có bảo vệ, thấy hai người ăn mặc sang trọng, sạch sẽ đi vào, tay bảo vệ hất hàm:

— Đến đây tầm này chắc là để thuê người phải không….?

Chú Nghị gật đầu:

— Đúng rồi bác, tôi đang cần thuê mấy người để dọn dẹp nhà cửa.

Tay bảo vệ vuốt vuốt lọn râu mọc ra từ cái nốt ruồi thịt to chà bá dưới cằm, gã cười:

— He he, thế hả…? Cho đây 5 chục, tôi dẫn đi tìm đúng người được việc mà khỏe mạnh luôn.

Chú Nghị chưa kịp lấy tiền thì Phú đã đưa cho tay bảo vệ 100k, Phú nói:

— Đây, cho bác 100, bác dẫn cháu đi luôn nhé.

Tay bảo vệ vuốt vuốt tờ tiền rồi đút luôn vào túi, đoạn hất tay ra hiệu cho 2 chú cháu đi theo mình, vừa đi gã vừa chỉ dẫn:

— Tôi dẫn đến chỗ bọn hiền lành, chứ không biết mà mướn phải mấy thằng nghiện thì mệt luôn đấy. Qua cái ngách này là đến rồi, mướn người dọn nhà thì mướn phụ nữ làm được việc hơn, chứ mấy thằng đàn ông lau chùi thế quái nào được.

Có lẽ tay bảo vệ cũng thường xuyên làm công việc môi giới này nên ông ta khá thành thạo, theo chân ông ta đi ra phía sau khu chợ dân sinh, Phú ngỡ ngàng trước cảnh những người lao động mặc những bộ quần áo cũ mèm, chắp vá đang ngồi rải rác khắp nơi trên các bục xi măng, những khúc gỗ, thậm chí là cả trên những thành cống, nắp cống.

Phú định chọn thì tay bảo vệ nói:

— Khoan, để tao giới thiệu cho mẹ con nhà này, cũng coi như giúp đỡ cho mẹ con chúng nó.

Bước qua những người đang ngồi đưa tay ra, miệng chào hàng:

“ Thuê em đi anh ơi, việc gì em cũng làm được hết “

“ Nào, em lấy giá rẻ thôi…Bốc vác, cắt cỏ, cuốc vườn….Cứ để em “

Tay bảo vệ dẫn Phú cùng chú Nghị đến góc khuất nhất trong khu “ Chợ Người “, nếu không đi vào tận đây sẽ chẳng ai nhìn thấy họ. Tay bảo vệ nói:

— Đây, hai người xem có thuê được mẹ con nó không…? Nghĩ cũng khổ, mới đến đây 3 hôm nay, chẳng biết lưu lạc từ đâu đến, nhưng cũng lạy lục xin vào đây để mong có người thuê kiếm bát cơm qua ngày. Mà 3 hôm rồi chẳng ai thuê cả, cũng vì ma mới, đến sau nên chỉ được phép rúc vào cái xó này. Nhìn mặt cũng thật thà, lại cẩn thận, hôm trước tao có mua cho suất cơm, ăn xong còn rửa lại cả đũa với cái hộp xốp đem trả. Thuê ai cũng là thuê, nhìn hai người cũng tử tế, lại thoáng…..Coi như giúp mẹ con nó vậy, được không…?

Nãy Phú còn nghĩ tay bảo vệ chỉ là người làm tiền, ma ranh, nhưng giờ thấy ông ta giúp đỡ mẹ con người phụ nữ này như vậy Phú lại thấy cảm động.

Nghe tay bảo vệ nói, người mẹ vội ngẩng mặt lên nhìn Phú với chú Nghị, cô ta khẩn khoản:

— Hai ông thuê tôi đi, việc gì tôi cũng làm được….Không trả tiền cũng được, chỉ cần cho mẹ con tôi xin bát cơm là đủ. Tôi hứa sẽ làm tốt việc được giao, làm ơn…..!!

Nhìn người phụ nữ hơi gầy gò, lại xanh xao, đứa bé con là con gái chỉ mới chừng 12-13 tuổi, vẫn còn nhỏ xíu.

Chú Nghị nói:

— Hai mẹ con liệu có làm được công việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa không…?

Người phụ nữ gật đầu lia lịa:

— Dạ được, đừng nói quét dọn, lau chùi, mà cả chuyển đồ, khuân vác tôi cũng làm được.

Phú muốn thuê, nhưng Phú nói:

— Cháu thuê cô thôi, còn em nó nhỏ quá, nhưng hai mẹ con cứ đến nhà làm. Đợi cháu một chút.

Phú quay trở lại khu vực cách đó 1 đoạn, đứng gần một người đàn ông đang vuốt ve con chó có lông màu trắng, Phú nói:

— Chú có nhận dọn dẹp nhà cửa không ạ…?

Người đàn ông này ngẩng mặt lên nhìn Phú rồi gật đầu:

— Tất nhiên là có, việc này không làm thì làm việc gì, mà công xá thế nào…?

Phú tiếp:

— Thế bình thường chú tính công ra sao..?

Người này giơ hai ngón tay lên:

— 100 một tiếng, làm không nghỉ, xong việc thì thôi.

Phú đồng ý, vậy là Phú thuê được 2 người, một nam, một nữ. Đưa Phú cùng chú Nghị ra khỏi khu chợ, tay bảo vệ hỏi Phú:

— Sao bao thằng khỏe mạnh không thuê lại thuê cái thằng ốm nhom này…? Đã vậy còn bế theo con chó nữa chứ.

Phú cười:

— Chính vì bế theo con chó nên cháu mới thuê, con chó có lông trắng mà người này vẫn chăm bẵm nó sạch sẽ như vậy thì chắc hẳn đó là một người cẩn thận, tỉ mỉ. Chẳng phải ông nói dọn dẹp nhà cửa cần những người như vậy hay sao…?

Tay bảo vệ lúc này mới nhận ra điều Phú đang nói, quả thật, gã bế chó kia ăn mặc hơi rách, nhưng con chó gã bế trên tay lông trắng rất sạch sẽ. Nếu là một kẻ bẩn thỉu thì không thể nào nuôi được con chó sạch như vậy. Tay bảo vệ gật gù, chú Nghị cũng bất ngờ trước sự quan sát tinh tế của Phú.

Vậy là công việc đi tìm người dọn dẹp đã xong, Phú gọi taxi đi về cùng ba người ở chợ vì không muốn phiền chú Nghị.

Liệu chuyện gì sẽ xảy ra……Mời các bạn đón đọc chap sau…..he he he.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi