TÍNH TOÁN CHI LI

Sau khi mua cơm về, Ngô Việt nói với tôi sau lưng Mộ Vũ: “An Nhiên, áo khoác của em dâu không ổn chút nào. Nhiệt độ xuống thấp thế này, gió thổi một cái là vào tận bên trong, làm tao lạnh ơi là lạnh…Mày làm người yêu không đạt chút nào.” -Mấy câu nói này làm tôi ăn cơm cũng không ngon. 

Bệnh viện kê cho Mộ Vũ hai buổi truyền dịch. Sáng đó, hết đám này đến đám khác đến thăm nên cũng không có thời gian đi. Chiều phải ra phòng khám truyền dịch, Mộ Vũ không mặc được áo ấm, chắc chắn không thể để phong phanh như thế rồi. Hơn nữa, áo ấm của hắn cũng bị Ngô Việt phê bình là chẳng có tác dụng gì. 

Ăn cơm xong, tôi nói tôi phải về ký túc xá lấy chút đồ, bảo Ngô Việt chờ tôi quay lại rồi hẵng đi làm. 

Thực ra tôi đã chạy thẳng ra trung tâm thương mại lượn một vòng. Áo phao đều không được, vì tay áo chật, nhưng áo phao dạng cộc tay thì được, thiết thực, mặc trong nhà là vừa.

Áo khoác khá khó tìm, phải ấm, tay áo phải rộng, kiểu dáng không được quá tệ. Lượn hết khu thời trang nam chỉ ưng mỗi một cái, chẳng thèm hỏi giá đã mua ngay luôn. 

Ngô Việt lật áo tôi mua ra xem, không khỏi gật đầu: “Thế mới phải chứ…”

Tôi nói được rồi được rồi, mày mau đi làm đi, tao còn đi truyền dịch với Mộ Vũ nữa. Ngô Việt không yên tâm, bảo tuy cổ tay tôi bị thương không nặng nhưng cứ cử động suốt như thế cũng ảnh hưởng đến quá trình liền lại. Cuối cùng nó vẫn tiễn chúng tôi ra tận cổng trung tâm y tế của khu phố, dặn dò tôi cả buổi là có chuyện thì gọi cho nó, nó chắc chắn sẽ đến ngay rồi mới bỏ đi. 

“Lằng nhằng!” -Tôi nhìn bóng lưng nó chửi một câu, quay đầu lại nói với Mộ Vũ: “Vết thương của tôi hoàn toàn không sao, nó chỉ “chuyện bé xé ra to” thôi.”

Mộ Vũ kéo cổ áo khoác mới lại, điềm nhiên nói: “Có người còn khoa trương hơn nữa.” 

“Ai thế?” -Tôi giả vờ không hiểu ý hắn, rướn cổ dáo dác nhìn quanh mấy cái: “Ai thế? Ai thế? Không ai như vậy cả, đừng nói bừa…” -Sau đó choàng vai con người đang câm nín nào đó đi vào tìm bác sĩ. 

Phòng khám rất yên tĩnh. Trên chiếc giường nằm chéo với chúng tôi là một cặp vợ chồng già. Người truyền nước biển là cụ ông. Còn cụ bà thì đang vừa bóc vỏ vừa cằn nhằn gì đó.

Mộ Vũ truyền dịch, tôi ngồi bên cạnh hắn lên mạng, tiếp tục tìm quà cho Ngô Việt. Cuối cùng sau khi bàn bạc, chúng tôi đã quyết định tặng một chiếc đồng hồ đeo tay. 

Lúc thanh toán, trang web chuyển thẳng đến tài khoản thanh toán của Mộ Vũ, mary3344@xxx.com. 

Nhìn dãy ký tự này, tôi không nhịn được toét miệng cười trộm. 

Thực ra ngoài tài khoản này còn sợi dây điện thoại của hắn, tấm thẻ rửa xe tự chế, mảnh ngọc đậu giác mà hắn tặng… Hắn đã lặng lẽ để lại những dấu vết ngọt ngào trong cuộc sống của tôi, hễ nhớ đến những chuyện nhỏ giọt đó là trong lòng lại bị hạnh phúc lấp đầy. 

“Sao thế? -Mộ Vũ đụng vào kẻ đang thơ thẩn này: “Quên mật khẩu rồi à?” 

“Không phải.” -Không mật khẩu nào của hắn là tôi không biết. Tôi nhập vào một cách thành thục, nhìn khung thoại báo thanh toán thành công hiện lên trên màn hình. 

“Mộ Vũ, tụi mình quen nhau được bao lâu rồi?” -Tôi hỏi. 

“Một năm lẻ hai tháng.” -Hắn trả lời. 

“Vậy hả?” -Tôi nghi hoặc nhìn hắn: “Sao tôi cảm thấy hình như đã được nửa đời vậy nè?” -Tôi chỉ vào cặp vợ chồng già ở góc phòng bên kia, ghé tai hắn nói: “Qua thêm mấy chục năm nữa mình cũng sẽ trở nên như vậy, vừa già vừa xấu…” 

Mộ Vũ bẹo má tôi, nói: “Thế chẳng phải rất tốt sao!” 

Bình bình an an, bên nhau trọn đời, tất nhiên là tốt rồi. 

“Mộ Vũ, về nhà với tôi nhé!” 

Tôi kể hắn nghe dự định của hôm nay. Hắn do dự cả buổi vì cảm thấy hắn bây giờ chỉ gây phiền phức cho mẹ tôi. Tôi nói: Phiền gì chứ, đấy là mẹ mình. Một mình tôi về, bà cũng phải chăm sóc, dẫn thêm cậu về để bà tiện chăm sóc một thể luôn. Hơn nữa dù sao cậu bị thương đều vì tôi, cậu phải cho tôi cơ hội bù đắp, bằng không tôi sẽ bứt rứt trong lòng. 

Mộ Vũ không nói gì nữa, cuối cùng cũng gật đầu. 

Thực ra tôi hiểu. Nói là bù đắp thì thực sự xem nhẹ chuyện này quá. Làm sao bù đắp được cơ chứ? Ai có thể trả lại ngón tay cho hắn! Tôi chỉ muốn để ba mẹ biết con người này đã làm gì cho con trai họ, cái giá đẫm máu này không phải ai cũng chịu bỏ ra. Tôi chịu ơn của người ta thì đã định sẵn là sẽ mắc nợ người ta, lấy một đời ra trả cũng chưa chắc trả hết.

Tối tôi kể chuyện này cho Dương Hiểu Phi nghe, Dương Hiểu Phi lập tức tán thành: “Em đang lo không biết phải chăm sóc hai người bị thương như thế nào. Thế này vừa hay. Đi đi! Đi đi!” 

Tối hôm đó, Mộ Vũ uống thuốc giảm đau rồi mà vẫn không yên giấc, cứ trằn trọc trăn trở. Tôi cũng không ngủ được tí nào, cứ nhìn tay Mộ Vũ suốt, sợ lúc hắn trở người sẽ đè lên đụng vô vết thương. Hơn bốn giờ sáng, Mộ Vũ mở mắt ra, tôi cười với hắn, cuối cùng cũng ngủ được sáu tiếng rồi. 

Ánh đèn ngủ tăm tối như ánh nến, nhưng lại soi rõ ánh nước chập chờn không yên trong mắt hắn. 

“An Nhiên, anh ngủ chút đi.” -Hắn nói. 

“Tôi không mệt! Cậu ngủ tiếp đi!” 

Mộ Vũ chống người ngồi dậy, sau lưng đệm một chiếc gối. Hắn né vết thương của tôi ra, ôm tôi vào trong lòng, ấn đầu tôi vào ngực một cách ngang ngạnh: “Ngủ chút đi, nghe lời.” 

Ban đầu tôi không mệt thật, nhưng cùng với những tiếng tim đập dưới tai mình, cơn buồn ngủ bỗng nhiên ập tới nhấn chìm tôi. 

Lúc tỉnh lại đã chín giờ hơn. Tôi ngủ trong vòng tay Mộ Vũ dễ chịu đến mức chảy dãi. 

Lịch trình hôm nay dày đặc phết. Chúng tôi phải ra bệnh viện đổi thuốc, sau đó truyền dịch cho Mộ Vũ. Giữa lúc đó, ông chú ở trụ sở gọi điện dặn dò tôi yên phận một chút trong thời gian công bố kết quả, làm việc gì cũng phải cẩn thận hơn, đừng để xảy ra sơ sót gì nghiêm trọng. Tôi nghĩ chút thương tật này không cần phải nói cho chú biết, nên chú vẫn chưa biết bây giờ tôi đang trong giai đoạn nghỉ dưỡng thương. Chuyện như vậy xảy ra với Mộ Vũ, tôi cũng chẳng còn tâm trạng vui vẻ gì trước mấy trò tranh cử vớ vẩn. 

Chiều dọn sơ chút đồ đạc, gọi điện cho mẹ bảo sẽ về nhà, mẹ có chút mừng rỡ. 

Chỉ là chút “mừng rỡ” này của mẹ đã bị “kinh hãi” thay thế ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy tôi và Mộ Vũ, hai kẻ bị thương. Tim mẹ tôi không khỏe, tôi không dám làm bà sốt ruột nên nhanh chóng nói rõ sự tình. Hai điểm quan trọng cần làm rõ là: một, tôi không sao; hai, sở dĩ tôi không sao là vì Mộ Vũ. Kết quả cũng như tôi dự đoán, hai cụ vừa vui mừng vì con mình thoát hiểm, vừa cảm kích Mộ Vũ vô cùng.

Sau đó, hai chúng tôi bắt đầu được chăm nuôi, không cho làm gì cả. 

Mẹ tôi đối xử với chúng tôi như con nít ba tuổi. Bắt đầu từ buổi sáng thức dậy đã không cho chúng tôi gấp chăn. Lúc rửa mặt, bà pha sẵn nước ấm, vắt khăn ướt cho chúng tôi lau mặt. Rửa tay cũng là mẹ đích thân rửa cho. Tay nào không bị thương thì phải rửa hai lần xà bông, bên bị thương chỉ được dùng khăn ướt lau sạch cẩn thận, làm xong còn phải bôi kem tay. Lúc ăn cơm, tất cả món ăn đều được nấu sao để dễ múc bằng muỗng. Thịt ba mua về không băm nhuyễn thì cắt hạt lựu. Phần sụn trên sườn non cũng phải được cắt vuông vắn. Ăn cơm xong chắc chắn phải uống một cốc gì đó mà mẹ pha. Bà nói cái đó sẽ giúp vết thương mau lành. Ăn cơm xong là hai người đó bắt đầu nghiên cứu xem bữa sau ăn gì. Tôi và Mộ Vũ thì được điều đi xem tivi. Trên kỷ trà, hoa quả được rửa, cắt sẵn và bày ngay ngắn trên đĩa. Trước khi ra ngoài đi chợ, mẹ còn dặn tôi: “Hai đứa đừng cử động gì hết, cần làm gì thì chờ ba mẹ về, có chuyện gì thì gọi vào số của ba mày. Còn An Nhiên nữa, mày nhớ trông chừng Mộ vũ nghe chưa?” 

Tôi vội gật đầu: Biết rồibiết rồi.

Tôi được ba mẹ nuôi lớn nên rất rõ tính cách và phong thái của hai người, nhưng Mộ Vũ thì ngỡ ngàng thấy rõ. Nghĩ đến vẻ mặt lúng ta túng túng của Mộ Vũ lúc được mẹ tôi rửa tay cho, tôi chỉ muốn cười. 

Được chăm sóc như thế này, Mộ Vũ nhất thời thấy khó chấp nhận cũng là chuyện bình thường. 

“Quen rồi sẽ ổn, ba mẹ mình là vậy đó.” -Tôi lấy cho Mộ Vũ miếng táo: “Cậu đừng ngại gì hết, đây là nhà mình.” 

Mộ Vũ bẹo má tôi, không nói gì. 

“Cậu xem tôi lười như vậy đều tại họ nuông chiều mà ra.” -Tôi ngồi nghiêng ngả, tựa đầu lên vai Mộ Vũ: “Nhưng, Mộ Vũ, cậu cứ để cho họ loay hoay đi, dù sao thì…tôi cũng muốn họ tốt với cậu hơn nữa…”

Mộ Vũ thơm lên tóc tôi một cái. Hắn nói: An Nhiên, anh không mắc nợ tôi. 

Tôi bĩu môi: Cậu nói không nợ là không nợ à?

Mấy ngày nay, hứng ăn của Mộ Vũ không được tốt, chẳng ăn được bao nhiêu, có lẽ là tại đống thuốc mà bây giờ hắn đang uống. Trước bữa tối, ba cho mỗi người chúng tôi một bát sơn tra nấu đường phèn, bảo là để khai vị. Kết quả là bữa tối hôm đó tôi và Mộ Vũ mỗi người ăn hết một xửng bánh chẻo nhân thịt bò và nửa nồi canh bí đao. 

Trong chuyện tắm rửa, cuối cùng mẹ tôi cũng không kiên quyết bắt ba tôi ra tay nữa. Dù gì cũng lớn từng này rồi, tôi là con trai họ, tôi còn thấy ngại chứ huống hồ chi Mộ Vũ. 

Sau mấy ngày qua, thực ra cổ tay tôi đã có thể cử động trở lại, hơi đau nhưng vấn đề không lớn. Vết thương của Mộ Vũ cũng đang hồi phục, ít nhất là không còn làm hắn đau đến mức ăn ngủ không ngon. 

Tắm xong đi ra, mẹ cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc găng tay bông vải siêu to. Vì sợ tối ngủ đè lên vết thương, lúc ngủ hai chúng tôi đều để bàn tay bị thương ra ngoài chăn. Mẹ bảo đeo găng bông vào, tay sẽ không lạnh nữa. 

Về quá trình bị thương, về sau tôi đã kể lại chi tiết cho ba mẹ nghe sau lưng Mộ Vũ. Kết quả là hôm sau mẹ bỗng bật khóc lúc đang lau tay cho Mộ Vũ. Mộ Vũ giật cả mình, không biết phải làm thế nào, chỉ biết luống cuống an ủi. Tôi nghe tiếng, vội kéo mẹ vào trong phòng đọc sách hỏi: “Sao thế này, mẹ khóc cái gì thế?” 

Mẹ trừng mắt với tôi: “Còn khóc cái gì nữa? Mẹ nhìn tay Mộ Vũ mà xót xa trong lòng. Thằng bé tốt như vậy… Thế này về sau phải làm sao? Tìm vợ cũng là một vấn đề.”

“Không sao, không sao, cứ giao cho con…Vợ thì cũng không khó…” -Tôi hứa, mà không chút chột dạ. 

“Con không bị thương bao nhiêu mà mẹ đã sợ mất vía rồi. Như Mộ Vũ…chắc ba mẹ nó đau lòng đến chết mất?” -Mẹ lau nước mắt: “Sau này con không được phụ lòng người ta nghe chưa?” 

“Yên tâm đi, mẹ yên tâm, nó bị thương vì con, con chăm sóc nó cả đời cũng đáng.” -Tôi vốn định ở bên hắn cả đời. Có chuyện này hay không cũng sẽ cả đời. Thế nên tôi đặc biệt thành khẩn khi nói câu này.

Mẹ lau sạch nước mắt, đi ra giải thích với Mộ Vũ: Cô không có ý gì đâu, cô chỉ thấy xót con thôi thôi…

Mộ Vũ cuối cùng cũng hiểu ra. Ánh mắt trở nên vô cùng dịu dàng. Hắn mặc cho mẹ kéo tay mình, im lặng gật đầu. 

Từ đó, tôi nhận ra Mộ Vũ đã trở thành con trai ruột của ba mẹ tôi, còn tôi thì bị ra rìa. Làm cơm làm món hắn thích ăn trước, xem tivi chọn cái hắn thích xem trước, hoa quả gọt xong phải cho hắn ăn trước. Hôm đó, mẹ còn khăng khăng là áo len của Mộ Vũ mỏng quá, không hợp với mùa đông nên đã quay trở lại với tay nghề lâu ngày không dùng, bắt đầu đan áo len cho Mộ Vũ. Mộ Vũ cản lại, bảo không cần đâu ạ. Tôi cũng khuyên mẹ là bên ngoài áo len kiểu gì cũng có bán. Mẹ bảo mấy cái đó sao mà giống được. Mẹ mua len màu lam nhạt tốt nhất, lấy thước dây đo người Mộ Vũ mấy lần, rồi đan một cách khá là nghiêm túc. 

Có lần tôi thực sự không nhịn được nữa, hỏi mẹ: “Mẹ đan áo cho Mộ vũ, thế của con đâu?” 

Mẹ chẳng thèm nhìn tôi: “Con đâu có thiếu áo len để mặc…” 

“Sao mà giống được?” -Tôi trưng ra vẻ mặt cực kỳ tủi thân. 

Sau đó, mẹ đã thỏa hiệp: “Đan xong áo len cho Mộ Vũ mà còn dư len thì mẹ sẽ làm cho mày đôi găng tay.” 

Tôi trợn mắt bỏ đi: “Mẹ cứ tiếp tục thiên vị đi…” 

Mẹ nói một cách rất hùng hồn: “Thiên vị hơn nữa còn được.” 

Cứ rảnh rỗi là Mộ Vũ ở lì trong phòng đọc sách. Lúc tôi chuồn vào, hắn đang lật sách. Tôi đóng chặt cửa lại, tự nhiên ôm lấy hắn từ phía sau. Hắn nghiêng người qua, cọ lên mặt tôi mấy cái xem như chào hỏi. Cái cốc tinh xảo trên bàn là của ba mua riêng cho Mộ Vũ. Tôi có nhắc đến chuyện Mộ Vũ không thích uống nước bằng cốc của người khác. Thế là ba chuẩn bị luôn một cái chuyên dụng cho hắn. Quảng cáo cứ bảo cái cốc này thần kỳ ra sao, thực ra ba tôi chỉ ưng khả năng giữ nhiệt của nó. Vì thuốc Mộ Vũ uống hơi kích ứng dạ dày, ba tôi không biết tìm đâu ra phương thuốc dân gian bảo là bửu lỉ cộng đường giúp nuôi dưỡng và bảo vệ dạ dày nên mấy ngày nay lúc tôi hôn Mộ Vũ luôn nghe thấy mùi trà thơm. 

Tôi mở nắp ra hớp một ngụm nhỏ, có chút đắng có chút ngọt, mùi vị không ngon nhưng cũng không khó uống. 

“Cái này…thực sự có hiệu quả cho dạ dày của cậu à?” -Tôi thấy phương thuốc đó không đáng tin lắm.

“Ưm, không biết nữa.” -Mộ Vũ cầm cốc hớp một ngụm: “Chú bảo dù không hiệu quả thì cũng không hại gì.” 

“Ba mẹ tôi quên mất ai là con trai ruột của họ rồi.” -Tôi giả vờ oán trách. Mộ Vũ nhìn tôi đầy ý nhị một lúc lâu, nói: “Tại cô chú chịu ảnh hưởng của anh, rõ ràng là anh cố tình chi phối kết quả này.” 

“Dĩ nhiên, dĩ nhiên.” -Tôi cười một cách mặt dày: “Chẳng phải đây là chuyện tôi nên làm à!” -Tôi muốn cho cậu biết bình thường ba mẹ sẽ thương con trai như thế nào.

Mộ Vũ bỗng dưng ôm eo tôi, vùi đầu vào lòng tôi, đượm buồn nói: “Thực ra, tôi có anh là đủ rồi, không cần nhiều như vậy.” 

“Thế cảm giác ấy thế nào?” -Tôi hỏi. 

“…Tốt đến mức có chút thiếu chân thật.” 

Tôi vuốt tóc hắn từng cái một. Suy cho cùng thì những gì tôi có thể cho đi vẫn quá ít, hắn vốn xứng đáng được cả thế giới đối xử dịu dàng. 

Một tuần qua đi rất nhanh. Mộ Vũ không phải uống thuốc giảm đau nữa. Còn tôi đã có thể cử động thoải mái khi cầm cốc và gắp đồ ăn. Mộ Vũ còn thân với ba mẹ hơn cả tôi. Ba mẹ cũng muốn chúng tôi ở nhà dưỡng thêm một khoảng thời gian, nên hai ngày trước tôi lại gọi điện xin gia hạn kỳ nghỉ thêm một tuần. Tôi bảo tôi vẫn chưa cử động linh hoạt được, tất nhiên người ta cũng không thể ép tôi đi làm. 

Thời tiết hôm nay âm u lạnh lẽo. Kết quả là buổi chiều bất ngờ đổ mùa. Ba bảo lúc nào rồi mà còn mưa, thời tiết thất thường thật. Mẹ bảo mưa tốt, mưa ăn bánh chẻo. Đây là quy định bất thành văn của nhà chúng tôi, đã kéo dài từ lúc tôi có ý thức đến nay. Ba tôi nói trước quy tắc này còn một quy tắc khác nữa, đó là trời mưa đánh con vì dù sao cũng ở không. Tôi không tin, tôi lớn từng này rồi mà họ chưa bao giờ thực sự nổi giận đánh tôi. 

Mẹ lên tiếng đòi gói bánh chẻo, ba tôi vội vã chuẩn bị, cực kỳ xông xáo. Thực ra mấy ngày nay mẹ tôi có chút bực mình ba tôi. Vì cơ quan cũ của ba vừa xây một trung tâm hoạt động gì đó dành cho công chức. Các nhân viên về hưu đều thích đến đó chơi. Ba tôi còn xoay được chức người phụ trách, nghe bảo còn có phòng làm việc riêng nữa cơ. Mấy ngày qua, hình như trung tâm hoạt động đang tổ chức sự kiện. Ba tôi phải đi theo viết thư pháp, phát hoa quả gì đấy, nên không về nhà kịp. Nếu lúc kết thúc sự kiện, ba tôi không xu chiếc nồi cơm điện đa năng trong cơ quan về dâng lên cho mẹ tôi chuộc tội, sợ là sắc mặt của bà còn khó coi hơn nữa. 

Tôi cũng có thể giúp gói bánh chẻo, chỉ là ba mẹ không nỡ bắt tôi làm, bảo dù sao cũng không vội ăn rồi đuổi tôi vào phòng hỏi Mộ Vũ muốn ăn nhân hẹ hay rau cần hay cải thảo. 

Mộ Vũ không chú ý tôi đang rón rén lại gần, vẫn ngồi bên cửa sổ cầm tay phải của mình thừ người ra. Cửa sổ hở ra một khe nhỏ. Chút hơi lạnh tràn vào trong nhà cùng với mùi đăng đắng của khói mưa. Mộ Vũ yên tĩnh đến mức như hòa lại làm một với bàn ghế, với rèm cửa, với bầu trời xám xịt bên ngoài cửa sổ, như hòa vào một bức vẽ.

Mãi đến khi tôi lại gần, hắn mới ngước mắt lên, điềm tĩnh cười nhẹ, nói: “Lâu rồi không mưa.” 

“Ừa.” -Tôi đáp lại một câu, nói: “Mẹ mình hỏi cậu ăn bánh chẻo nhân hẹ hay rau cần hay cải thảo. Cậu mà bảo đều được, hai người đó chắc chắn sẽ gói cả ba loại.” 

“Nhân hẹ.” – Mộ Vũ nói. 

Hẹ là cái tôi thích nhất. 

Tôi muốn cười một cái nhưng cuối cùng vẫn không thể hoàn thành động tác không hề khó khăn đó. 

Tôi ngồi xổm xuống nhẹ nhàng nâng tay phải của hắn lên. Cánh tay nhẹ nhàng run lên một cách mất kiểm soát. Sau khi chuyện đó xảy ra, đây là lần đầu tiên tôi quan sát vết thương của hắn gần như vậy. Cách một lớp băng gạc, lỗ hổng trống trải đó không bao giờ lấp đầy được nữa. 

“Vẫn còn đau không?” -Tôi hỏi. 

Mộ Vũ lắc đầu. 

“Trước giờ tôi không dám thừa nhận, tôi không muốn tin đây là thật…” -Tôi vừa nói, vừa ngồi xuống đất một cách thất thểu.

Mộ Vũ lấy bốn ngón tay không bị thương khác cầm tay tôi lên, nói: “Tôi cũng không tin. Tôi cứ cảm thấy ngón tay út vẫn còn, vẫn có thể co lại được, vẫn có thể dùng lực, vẫn biết đau…nhưng rõ ràng là nó đã không còn nữa…nhưng cũng không sao.” -Mộ Vũ kéo tay tôi lên miệng, thơm một cái: “Dù chỉ còn bốn ngón, tôi vẫn có thể nắm tay anh được…” 

Tôi cúi đầu xuống, che mắt lại mỉm cười, khiến nước mắt đầy tay. 

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi