Một lúc nào đó, rất lâu sau khoảng thời gian dài ngồi như tượng, tôi cảm nhận được đôi bàn tay xa lạ vừa nhấc mình dậy. Bàn tay ấy muốn cướp đi cái giỏ nhưng tôi không chịu. Vậy là tôi quặp người lại, nghiến răng, nhăn mặt...làm tất cả những gì có thể để được giữ lại nó.
Không còn ai tranh giành mà chỉ có thứ gì đó rất mềm, rất ấm phủ lên người. Không gian tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe tiếng từng giọt mưa va vào cửa kính.
Giờ này hôm qua, tôi vẫn còn chị hai nằm bên cạnh. Dù chị ấy có hay trăn trở làm tôi bị thức giấc. Nhưng giờ đây, khi không còn cảm giác rung rinh ấy nữa, tôi vẫn không thể ngủ yên được."
"Ngày 05/12/2010
- Nhà em ở đâu?
- Anh cứ chở em đến chỗ cây xăng được rồi.
Tôi đặt cái giỏ lên đùi, mắt nhìn bâng quơ ngoài cửa kính. Không về nhà trọ được, tôi phải đến chỗ cô chú để chịu tang chị. Hơn nữa, nếu bây giờ phải một mình quay lại căn phòng ấm cúng đó, tôi sợ mình sẽ không sống nổi.
Cặp mắt sưng húp làm gương mặt vốn đã xấu xí càng trở nên tệ hại. Hai cái bánh tiêu trong bọc thì dai nhách, lạnh lẽo. Người ta vẫn đi lại tấp nập trên đường. Mọi thứ cứ tươi đẹp như thể chị tôi chưa từng tồn tại.
Chỉ nghĩ đến đó thôi là sống mũi tôi lại cay cay. Tôi khẽ chớp mắt rồi vội vàng đưa tay dụi tiên tục. Không thể để cho người đang quan sát mình qua kính chiếu hậu kia nhìn thấy.
- Mỗi ngày, anh chứng kiến rất nhiều người được đưa vào đây. - Văn Kỳ chợt cất giọng nhỏ nhẹ - Một số có thể khỏe mạnh quay về với cuộc sống. Nhưng một số khác thì vĩnh viễn không thể bước qua cánh cửa này.
Tôi nhìn chăm chăm vào dáng người phía sau của anh với đôi mắt đỏ hoe. Thật ra anh ấy muốn đề cập đến vấn đề gì?
- Nếu may mắn được sống thêm, dù chỉ một ngày...em vẫn phải biến nó thành ngày đẹp nhất.
Tôi khẽ chớp mắt rồi buồn bã ngã người ra sau. Dẫu biết chị hai chẳng hề muốn nhìn thấy bộ dạng của mình lúc này nhưng tôi không thể làm gì khác.
Bóng những căn nhà vù vù lướt qua cửa xe không để lại chút ấn tượng. Tôi bước xuống, người ngập trong ánh sáng của ngày ấm áp. Trước cửa nhà cô bày rất nhiều bàn ghế. Là cờ tang màu đen trắng buồn bã bay trong gió.
- Mày đi đâu giờ này mới về ? - Tiếng cô vọng ra tới ngoài ngõ.
- Em cảm ơn anh!
Tôi cúi đầu chào Văn Kỳ rồi lặng lẽ bước vào trong. Anh ấy không đi vội mà đứng nhìn theo một lúc khá lâu. Lúc cởi xong đôi giày cũ, tôi mới ghe tiếng ảnh rồ máy.
Sau khi ném cho tôi bộ đồ và chiếc khăn tang màu trắng, cô bỏ đi một nước:
- Mặc vào rồi ra ngoài tiếp khách.
Trong gian phòng đầy mùi nhang khói, chiếc quan tài của chị hai nằm lặng im ở giữa. Tôi dụi mắt rồi lẳng lặng quỳ xuống cạnh chị. Mỗi lần có ai đến viếng thì dập đầu vái tạ.
Lúc ngồi không, tôi thẫn thờ nhìn cô mình khóc lóc, vật vã trước mặt khách khứa.
- Con nhỏ thương em nó lắm... trưa nắng mà còn chạy đi mua bánh tiêu...Tội nghiệp em nó, hết khắc chết ba má giờ đến con chị... Con ơi là con, sao mà số con ngắn ngủi thế...
Buổi trưa, mọi người kéo xuống nhà sau để ăn cơm trong khi tôi vẫn ngồi đó, tựa đầu lên quan tài để được gần chị. Lúc còn sống, chẳng thấy ai nhìn đến. Giờ chết đi, không biết khách ở đâu mà đông đến lạ.
Phải gặp những người không quen biết, chị hai chắc chẳng được thoải mái. Nghĩ đến lời hứa hẹn "vợ chồng tôi nhất định sẽ chăm sóc cho con em" của cô chú mà lòng tôi chua xót.
Họ sẽ lo cho em. Chị an tâm ra đi rồi nhé !
Dụi mặt mình vào cỗ quan tài, tôi cố cắn môi để không bật ra tiếng khóc. Đứa em họ bất ngờ chạy lên, tay cầm theo chén cơm trắng có mấy cọng rau xanh:
- Mẹ nói chị ăn đi để chiều còn tiếp khách.
Khoảng bốn giỡ rưỡi, trước cửa nhà bỗng xuất hiện một chiếc xe hơi sáng bóng. Ngồi trong nhà, tôi nghe tiếng mọi người đang xôn xao bàn tán chuyện gì đó.
Rồi cô hối hả chạy vào, dùng tay phủi lia lịa tàn nhang rơi trên tóc tôi.
- Sao mày không nói trước với tao là họ sẽ đến?
Họ? Cổ đang đề cập đến ai vậy? Tôi dán chặt mắt mình về phía cánh cửa và chờ đợi.
Hai người mặt áo khoác đen từ từ xuất hiện giữa tiếng xì xầm của thiên hạ.Cô gái đeo cặp kính màu đen còn chàng trai đang cẩn thận nắm tay cổ không ai khác ngoài Văn Kỳ. Họ cởi bỏ áo ngoài rồi thắp nhang, cúi đầu trước quan tài của chị với vẻ mặt đầy trân trọng.
- Võ Tú Nhi? - Đứa em họ đứng trong nhà sững sờ rồi vội vàng rút điện thoại trong túi ra chụp.
Một người khác mặc vét đen lập tức tiến đến và đưa tay ngăn lại. Tôi tuy có hơi ngạc nhiên nhưng vẫn lạy tạ đầy đủ.
Cô chú đứng bên cạnh cứ thỉnh thoảng lại đưa tay xốc xốc áo quần và chỉnh trang lại đầu tóc. Văn Kỳ chậm rãi dìu em gái mình đến trước mặt tôi rồi ngồi xuống.
Tú Nhi đặt bàn tay trắng như ngọc của cô ấy lên vai tôi trong khi ánh mắt vẫn hướng về nơi nào đó dưới góc tủ:
- Chị đừng để nỗi buồn làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!
- Xin cảm ơn.
- Đây là chút thành ý của bọn anh. - Chàng bác sĩ đặt vào tay tôi một cái phong bì nhỏ rồi khép chặt các ngón tay lại.
- Em không...
- Xin chị đừng từ chối - Người con gái bỗng cất giọng êm ái chưa từng thấy - Anh em em thật sự muốn đóng góp một chút gì đó.
- Anh mong em sẽ sớm vượt qua nỗi đau này - Văn Kỳ cũng đặt tay lên vai tôi và gật đầu một cách đầy tin tưởng.
Lúc đứng dậy, hai người họ cũng không quên cúi đầu chào cô và chú. Tú Nhi đứng im khi anh trai khoác chiếc áo đen lên người mình trước khi ngập ngừng đưa tay giữ lấy.
Tôi thấy Văn Kỳ dịu dàng vòng tay qua eo cô ấy rồi cả hai cùng quay bước. Người mặc áo đen lúc nãy cũng lập tức bỏ đi. Mọi ánh nhìn đồng loạt dõi theo họ trong khi cô cúi xuống và giật ngay phong thư trên tay tôi.
- Cái này phải phục vụ cho việc an táng chị mày.
Nhưng tôi chẳng thèm bận tâm. Khi hai cánh tay chỉ còn lại một, dù có đeo bao nhiêu vòng và nhẫn thì vẫn là kẻ khuyết tật. Một mình tôi cần gì đến những thứ bên ngoài ấy..."