TỔNG HỢP TRUYỆN NGẮN KINH DỊ

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

'AI ĐÃ GIẾT THƯỢC DƯỢC ĐEN? - VỤ ÁN BÍ ẨN RÙNG RỢN NHẤT HOLLYWOOD

Một cảnh sát đã miêu tả cái chết của nữ diễn viên này bằng một câu nói ngắn gọn: "Càng tìm sâu, bạn càng chẳng biết gì về vụ án này".

"Thược dược đen" được xem là vụ án bí ẩn nhất trong lịch sử Hollywood. Hơn 70 năm trôi qua với vô số giả thuyết, gần 60 nghi phạm và nhiều lời thú tội kỳ lạ, vụ án vẫn chưa có lời giải đáp.

Ngày 28/1 sắp tới, I Am the Night, bộ phim dài 6 tập dựa trên những sự kiện có thật xoay quanh kỳ án này, sẽ được lên sóng trên kênh TNT. Trước khi theo dõi bộ phim, cùng nhìn lại vụ án mạng từng gây ám ảnh cho nước Mỹ những năm cuối thập niên 40.

Vụ án man rợ

Ngày 15/1/1947, trong lúc đi bộ dọc theo vỉa hè con phố Norton Block tại Los Angeles, một người phụ nữ địa phương tên Betty Bersinger đã nhận thấy điều kỳ lạ trên đám cỏ phía xa. Ban đầu, bà tin rằng đó là một ma-nơ-canh bị hỏng mà cửa hàng nào đó đã vứt bỏ. Tuy nhiên khi tiến lại gần, những gì phơi bày trước mắt hoàn toàn trái với sức tưởng tượng.

Không phải ma-nơ-canh, đó là một thi thể của một phụ nữ trẻ. Gương mặt có vết rạch từ khóe miệng cho tới lỗ tai, tạo thành một nụ cười Glasgow.

Cảnh sát Frank Perkins và Will Fritzgerald là những người đầu tiên có mặt sau khi nhận được cuộc gọi của Betty Bersinger. Các nhân viên điều tra ngay lập tức kêu gọi sự hỗ trợ sau khi khám nghiệm hiện trường kinh hoàng. Họ nhận thấy rằng không có máu trên cơ thể hoặc xung quanh bãi đất nơi cô bị bỏ lại, chứng tỏ nạn nhân đã bị giết ở nơi khác. Vụ án khủng khiếp này sau đó được gọi là Black Dahlia (Thược Dược Đen), và sẽ đi vào lịch sử như là một trong những vụ án kỳ lạ.

Vị cảnh sát Frank Perkins cho biết, đây là vụ giết người tàn bạo nhất mà ông từng biết trong lịch sử tội phạm Los Angeles. Có một số khía cạnh bất thường về vụ án khiến nó trở thành đề tài hình sự được bàn tán nhiều nhất những năm cuối thập niên 40 tại Mỹ. Không chỉ là những bài báo hay các cuộc trò chuyện phiếm của người dân, vụ án còn thu hút các nhà lý luận lao vào phân tích.

Đáng chú ý hơn cả là dòng chữ được viết bằng son môi đỏ trên thi thể có nội dung: "BD AVENGER". Các nhân viên điều tra đau đầu với nhiệm vụ đầu tiên: tìm ra danh tính nạn nhân. Những manh mối rất ít, đó là một cô gái trẻ có mái tóc đen, mắt xanh, cao 1,67 mét, cân nặng khoảng 52 kg. Kết luận giám định ban đầu cho biết nạn nhân tử vong do xuất huyết trầm trọng từ một vết cắt sâu trên da và bị đánh liên tục vào đầu.

Truy tìm danh tính nạn nhân

Do tính chất khủng khiếp của vụ án, Sở cảnh sát Los Angeles đã ưu tiên hàng đầu và giao cho hai thám tử cấp cao của mình vào vụ án, Trung sĩ Harry Hansen và cộng sự của anh ta, Finis Brown.

Vào thời điểm Hansen và Brown đến hiện trường, nơi này tập trung rất đông người hiếu kỳ theo dõi. Cánh phóng viên cũng ùa đến săn tin. Cảnh sát đã dọn sạch khu vực và di chuyển thi thể đến Nhà xác của hạt Los Angeles. Dấu vân tay của nạn nhân cũng được gửi đến FBI để nhận dạng.

Vài giờ sau đó, sau khi so dấu vân tay với 104 mẫu có trong hồ sơ, các nhân viên điều tra phát hiện người phụ nữ xấu số tên là Elizabeth Short, 22 tuổi. Dấu vân tay của Elizabeth từng được lưu lại khi cô đảm nhiệm một công việc ở phòng thư từ trong một căn cứ quân sự đóng tại California.

Cuộc giải phẫu xác chết cho thấy nạn nhân đã bị hãm hiếp, bị đánh đập nhiều lần bằng gậy bóng chày. Cô đồng thời phải chịu những ngược đãi kinh khủng nhất, phải nuốt rác rưởi và nhiều thứ dơ bẩn.

Vụ án mạng rúng động với nạn nhân là một cô gái xinh đẹp trở thành "miếng mồi ngon" cho cánh phóng viên thời bấy giờ. Để biết được về đời tư của cô, họ đã viện đến điều phi đạo đức nhất mà một nhà báo có thể làm. Các nhà báo gọi điện cho mẹ Elizabeth, bà Phoebe Short, nói rằng con gái bà đã giành chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp. Sau khi có được nhiều thông tin cá nhân, họ lạnh lùng thông báo với rằng con gái bà thực sự đã chết. 

Elizabeth Short sinh ngày 29/7/1924 tại Massachusettes. Cô là một nữ diễn viên trẻ có sự nghiệp điện ảnh nghèo nàn, đời tư rối rắm. Năm 19 tuổi, cô đến California với mơ ước theo đuổi nghệ thuật. Elizabeth có làn da trắng, và đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Theo những thông tin mà giới báo chí "moi móc" được, màu sắc yêu thích của cô là màu đen: váy đen, quần jeans đen, đồ lót đen, thậm chí cả vớ đen. Nhiều ý kiến cho rằng biệt danh của cô là Black Dahlia, chơi chữ từ bộ phim nổi tiếng The Blue Dahlia (1946). Đó cũng là lúc người ta nhận ra dòng chữ "BD AVENGER" trên cơ thể cô có nghĩa là "Người trả thù Black Dahlia" (Thược Dược Đen).

Năm 1944, Elizabeth từng có mối tình sâu đậm với sĩ quan Matthew Gordon, tuy nhiên anh đã tử trận tại chiến tranh thế giới thứ hai vào tháng 8/1945. Quá đau khổ với cái chết của bạn trai, Elizabeth trượt dài, rơi vào con đường ăn chơi rượu chè và cặp kè đủ loại đàn ông. Từ quân nhân, doanh nhân, người đứng tuổi cho đến những chàng thanh niên mới lớn. Chỉ cần người đó có tiền, cô sẵn lòng lên giường với bất kì ai.

Sáu tháng cuối cùng của cuộc đời, Elizabeth thường được nhìn thấy tại phía Nam California. Cô sống trong tình trạng lúc nào cũng túng thiếu, luôn tìm mọi cách để có chỗ ở không mất tiền hoặc chỉ phải trả càng ít càng tốt.

Elizabeth Short có đời tư phức tạp, từng qua lại với nhiều thể loại đàn ông. Nhưng cảnh sát vẫn không thể điều tra được ai có mối thù khủng khiếp để ra tay tàn ác với nạn nhân đến vậy. Người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth Short còn sống là Robert Manley, một nhân viên kinh doanh 25 tuổi đã có gia đình, đồng thời cũng chính là "tình một đêm" của nữ diễn viên.

Ngày 9/1/1947, Robert lái xe đưa Elizabeth tới khách sạn Biltmore tại Los Angeles. Hai người tạm biệt nhau lúc 18 giờ 30 ở sảnh khách sạn. Chuyện gì xảy ra trong thời gian một tuần kể từ lúc Elizabeth Short có mặt ở Biltmore cho đến lúc người ta phát hiện ra xác cô vẫn còn là điều bí ẩn. Hàng trăm dặm đã được cảnh sát "xới tung" để tìm kiếm dấu vết hung thủ nhưng vẫn vô vọng. Chỉ có một điều chắc chắn rằng trong 7 ngày này, cô đã có cuộc gặp định mệnh với kẻ giết mình.

Cuộc điều tra bế tắc

Nhân chứng Robert Manley xác nhận đồ vật của nạn nhân.

Ngày 25/1/1947, những vật dụng của Elizabeth được tìm thấy trong một thùng rác cách hiện trường vài dặm. Đó là một chiếc ví da màu đen và một đôi giày bệt hở mũi, được xác nhận bởi nhân chứng cuối cùng, "tình một đêm" Robert Manley. Chính người đàn ông này đã mua đôi giày làm quà tặng cho nạn nhân, còn chiếc ví vẫn thơm mùi nước hoa mà Elizabeth đã xức khi họ lái xe từ San Diego về Los Angeles.

Những thông tin mà cảnh sát thu thập được chỉ dừng lại ở đó, bởi trên hai đồ vật của nạn nhân không có thêm bất kỳ dấu vết gì có thể dẫn đến hung thủ. Cảnh sát chuyển sang tìm manh mối tại các cửa hàng giặt là trong thành phố để tìm kiếm những bộ quần áo dính máu. Họ cũng tiến hành thẩm vấn người thân, hàng xóm, bạn bè, khách hàng của Elizabeth, người qua đường và thậm chí sinh viên y khoa (những người đưa ra một số giả thuyết về việc cưa đôi xác) để phục vụ cuộc điều tra.

Bước ngoặt của công cuộc phá án đến vào ngày 3/2/1947 khi một gói hàng nặc danh đã được gửi tới tờ Los Angeles Examiner. Trong bưu kiện có giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, sổ địa chỉ và cáo phó của Matthew Gordon. Đó là hộp bưu kiện nồng nặc mùi xăng mà người gửi đã dùng xóa dấu vân tay của mình từ phong bì.

Cảnh sát đã theo dõi và phỏng vấn 75 những người đàn ông được liệt kê trong sổ địa chỉ của Elizabeth, nhưng điều này đã không mang lại cho họ bất kỳ manh mối nào khả thi. Điều đáng nói là những người này đều chỉ quen biết sơ qua với nạn nhân, thường đi uống cà phê hoặc ăn tối chứ chưa bao giờ tiến xa hơn. "Tình một đêm" Robert Manley cũng nằm trong dạng tình nghi, tuy nhiên ông ta dễ dàng vượt qua cuộc kiểm tra nói dối của cảnh sát.

Trong suốt một thời gian dài điều tra về cái chết của Elizabeth, có khoảng 60 người, chủ yếu là đàn ông, tự nhận mình là hung thủ. Tuy nhiên, cảnh sát không đủ bằng chứng để khẳng định một ai.

"Ai là kẻ giết Thược Dược Đen?"
Đây vẫn là câu hỏi gây nhức nhối giới điều tra và các nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm tại Mỹ suốt 70 năm qua. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng tất cả vẫn chỉ là những dự đoán không có lời giải đáp.

Trong cuốn sách Severed: The True Story of the Black Dahlia Murder của John Gilmore xuất bản năm 1994, tác giả khẳng định thủ phạm là Jack Wilson, một kẻ nghiện rượu và thích bạo dâm. Khi Gilmore phỏng vấn Wilson đầu những năm 1980, ông ta đã cung cấp những chi tiết mà chỉ có kẻ sát nhân mới có thể biết, đó là thông tin nạn nhân bị khiếm khuyết phần kín. Vài ngày trước khi lệnh bắt được đưa ra, Wilson đã chết trong một vụ cháy khách sạn. Cái chết của ông khiến mọi hy vọng khám phá ra bí ẩn cái chết của vụ án "The Black Dahlia" trở nên dang dở.

Năm 2003, cuốn sách Black Dahlia Avenger: The True Story của Steve Hodel, một cảnh sát hình sự nghỉ hưu, lại làm mọi người choáng váng. Theo lời kể của Steve, năm 1999, cha đẻ ông, bác sĩ George Hill Hodel qua đời ở tuổi 91. Steve bất ngờ phát hiện được hai tấm ảnh rất giống với Elizabeth Short trong một album ảnh cũ của cha, nên bắt đầu điều tra ngược trở lại. George là bác sỹ giải phẫu, thông minh hơn người, lại tài hoa và giỏi kiếm tiền, nên nổi tiếng là một "ông trùm" ở Los Angeles. Ông được Hollywood nể trọng và chơi thân nhất với đạo diễn điện ảnh gạo cội John Huston và nhiếp ảnh gia lừng lẫy Man Ray. Những cuộc vui diễn ra thường xuyên ở nhà ông. Steve tuyên bố rằng cha ông thậm chí còn có một căn phòng bí mật trong nhà của họ mà không ai được phép vào.

Steve đã nhờ một bác sĩ pháp y xác định xem những hình ảnh có đúng là Elizabeth Short hay không, và nhận được câu trả lời: "85% không phải". Sau đó, một chuyên gia khác đã sử dụng công nghệ chỉnh hình khuôn mặt và đi đến kết luận rằng: người phụ nữ trong bức ảnh có 95% khả năng là nạn nhân. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao bác sĩ giải phẫu George lại có hình ảnh một nữ diễn viên nghiệp dư, không có nhiều bạn bè tại Los Angeles?

Năm 2012, Steve Hodel đưa ra thêm nhiều dấu vết đáng ngờ khác về sự liên quan giữa cha đẻ và nạn nhân. Theo đó, trong hồ sơ vụ án Black Dahlia, trong đó một nhân chứng nữ đã tuyên bố rằng George và Elizabeth biết rõ về nhau. Hơn nữa, một khoản tiền khổng lồ từ George đã từng gửi tới LAPD (Los Angeles Police Department), giải thích vì sao tất cả các bằng chứng tâm lý từ vụ án bị biến mất không dấu vết. Nhiều manh mối cho thấy George Hodel có thể là thủ phạm, tuy nhiên tất cả các bằng chứng chỉ là "có thể xảy ra". Vì vậy kết luận của Steve Hodel vẫn không được công nhận.

Từ một nữ diễn viên, người mẫu vô danh, Elizabeth Short trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều chương trình truyền hình, tác phẩm văn học và điện ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết The Black Dahlia của nhà văn James Ellroy và bộ phim cùng tên sản xuất năm 2006.

Sau hơn 70 năm, kẻ giết người nhiều khả năng đã chết và đã không bao giờ bị sa lưới pháp luật. Nhiều nghi phạm đã được chỉ tên nhưng đáp án chính xác vẫn đang là ẩn số. Khoa học pháp y nghèo nàn của thập niên 40 và cuộc điều tra rơi vào bế tắc của cảnh sát đã khiến vụ án Thược Dược Đen mãi mãi là vụ án lạnh lùng, bí ẩn nhất lịch sử Los Angeles.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi