Sắc trời đã tối, song Dự Thân Vương vẫn lên đường suốt đêm, tức tốc trở về kinh thành. Vệ sĩ hộ tống giơ cao bó đuốc sáng rực, tiếng bước chân nghe ầm ầm. Mảnh trăng non cong cong như chiếc lưỡi liềm ai bỏ quên trên cánh rừng sao, ánh trăng như nước, chiếu vào trên áo mũ binh giáp, trong trẻo lung linh như ngầm chứa đựng cả hơi băng. Mà trong rừng, cây cỏ đều vương những hạt sương đêm, gió mùa thu thổi qua mặt thứ hơi lành lạnh.
Trì Tấn Nhiên cưỡi ngựa đi sau Dự Thân Vương bị gió lùa cho rét run cầm cập, chỉ thấy Dự Thân Vương vẫn phi ngựa như tên bắn, gió thốc tấm áo choàng trên vai chàng bay phấp phới như lá cờ. Ngọn đuốc trên tay quân hầu cũng bị thổi cứ kêu phần phật, ánh lửa chiếu lên khuôn mặt của Dự Thân Vương, tranh sáng tranh tối.
“Vương gia!” Trì Tấn Nhiên thấy thân hình của chàng bỗng nhiên lệch sang một bên, không khỏi cả kinh kêu một tiếng. Dự Thân Vương theo phản xạ ghìm dây cương lại, dựng thẳng thân hình, có vẻ áy náy:
“Xém chút nữa thì ngủ luôn rồi.”
Trì Tấn Nhiên nói:
“Vương gia đã quá mệt mỏi, sau khi trở lại kinh thành cần phải nghỉ ngơi một chút mới được.”
Dự Thân Vương mạnh mẽ xốc lại tinh thần, đón nhận cái gió mùa thu căm căm một cách nghiêm nghị, cố mở to con mắt trĩu nặng, giọng nói vang vang:
“Trở về kinh lại càng nhiều việc, chỉ e càng không có thời gian mà nghỉ ngơi nữa.”
Trì Tấn Nhiên không nhịn được nói:
“Vương gia, việc có lúc nào xong được, tội gì mà phải hành xác mình như thế...”
Dự Thân Vương đáp:
“Ăn lộc của vua, trung tâm báo quốc, cúc cung tận tụy. Ta mà chết đi, thì ngươi vẫn còn phải đọc sách nhiều năm nữa, còn chưa biết sách thánh hiền đã đọc đến đâu rồi đó?”
Trì Tấn Nhiên cười hì hì:
“Ăn lộc của vua, trung tâm báo quốc, đạo lý này đương nhiên ta hiểu mà. Nhưng mà ngài cũng phải ăn ngon ngủ ngon, thì mới hoàn thành nhiệm vụ của Hoàng Đế giao được, chứ không đói bụng, hoặc ngủ thiếu, thì ý chí không ăn thua, rồi mọi việc sẽ thành hỏng bét cả.”
Dự Thân Vương rốt cuộc cũng bật cười, Trì Tấn Nhiên lại nói:
“Vương gia thân mang trọng trách, cho nên lại càng phải chăm lo cho chính mình.”
Dự Thân Vương đáp:
“Ngươi thật đúng là lôi thôi rông dài quá đi.”
Chàng ngẩng đầu lên nhìn ánh trăng đầy trời như sương, chỉ cảm thấy lạnh lẽo thấu xương. Hơn mười kỵ mã bảo vệ xung quanh, trong tiếng bước chân rầm rầm vẫn nghe thấy côn trùng kêu ri ri bên bụi cỏ, hơi thu càng đượm. Không nhịn được huýt sáo một tiếng dài, cao giọng ngâm:
“Tám trăm dặm hàng quân chia thịt,
Năm mươi dây, đàn bậy biên thành,
Mùa thu, bãi điểm binh.
Ngựa chiến “Đích Lư” phi khoẻ,
Cung giương, sét nổi, giật mình...”
(Phá trận tử – Tân Khí Tật – dịch: thivien.net)
Giọng ngâm đến đoạn này thì không khỏi thấp xuống.
“Đền đáp ơn vua lo việc lớn
Dành cho thân thế được thơm danh...”
Một câu cuối cùng, lại như một tiếng thở than não ruột.
Lúc vào đến thành thì ngày đã rạng, Dự Thân Vương trở lại trước phủ, trong phủ sớm đã có quan viên đứng đợi sẵn chờ hầu. Đợi đến lúc xử lý xong đống công văn, thì cũng đã qua giờ ngọ rồi, chỉ cảm thấy bụng đói như bị đốt, bấy giờ mới truyền dọn bữa trưa. Còn chưa ăn xong, ngoài cửa đã thông báo có thị lang của bộ Hộ và bộ Công đến thăm viếng.
Hai người kia vốn là vì việc cứu trợ thiên tai mà đến, bộ Hộ quản lý thóc gạo của ba mươi hai châu trong cả nước, xem xét lương thực còn lại bao nhiêu, thiếu bao nhiêu, còn có viện trợ cho xuất chinh bao nhiêu; mà bộ Công thì quản lý vận tải, mỗi ngày chuyên chở xuống phía nam bao nhiêu, nơi nào điều động nơi nào chuyển đi, đều là mấy chuyện vặt vãnh mà vẫn phải bận lòng.
Xong cuộc bàn bạc thì bóng chiều đã ngả về tây, Dự Thân Vương tự mình đưa tiễn hai vị thị lang ra tận ngoài hiên, hai người nói:
“Không dám! Thỉnh Vương gia dừng bước.”
Đoạn chắp tay làm lễ. Dự Thân Vương nhìn theo bóng bọn họ, lúc vừa quay lại thì bắt gặp gã nội quan chuyên hầu hạ theo mình tên Đa Thuận, nhớ tới lúc sáng sớm có sai gã vào cung nghe ngóng tình hình gần đây của phế phi Mộ thị, bèn hỏi:
“Làm thế nào mà bây giờ mới quay về?”
Đa Thuận vội vàng bước lên đỡ khuỷu tay chàng, trở vào trong điện rồi mới bày vẻ mặt đau khổ nói:
“Vương gia lại bắt bẻ nô tì rồi... Ngài nghĩ xem, cung Vĩnh Thanh là một nơi như vậy, loại người như nô tì làm sao có thể tùy tiện vào đấy được. Phải cho người quen tìm đủ phương pháp, khó khăn lắm mới nhìn đến được khuôn mặt của Thục phi, à không, họ Mộ.”
Dự Thân Vương đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, cau mày bảo gã:
“Chọn chuyện gì quan trọng thì nói mau mau đi.”
“Vâng.”
Đa Thuận lo lắng mà nói.
“Theo như nô tì thấy, nô tì cũng đành lớn mật... chỉ e họ Mộ kia sống không được bao lâu nữa.”
Dự Thân Vương đang bưng tách trà không khỏi thoáng chững lại, một lúc sau mới nhấp một ngụm, lạnh nhạt nói:
“Như thế nào?”
Đa Thuận thưa:
“Nghe nói vừa vào cung Vĩnh Thanh liền bị bệnh, đến nay đã một tháng rồi, nô tì thấy bệnh rất nặng, nằm liệt giường chẳng còn biết gì, lại không có ai biết đến, đã thế còn không chịu để thầy thuốc xem mạch, có lẽ là gắng gượng cho qua ngày mà thôi.”
Dự Thân Vương còn đang trầm mặc, Đa Thuận đột nhiên nói:
“Vương gia, nếu không...”
Dự Thân Vương ngẩng đầu lên:
“Việc này giao cho ngươi làm, cần phải lo liệu một chút, tìm cách mời thầy thuốc, cũng nên trông nom nhiều hơn. Nếu như có chuyện gì, cứ chạy về báo cho ta.”
Đa Thuận không nghĩ chính mình hóa ra đã hiểu sai, cảm thấy bất ngờ:
“Vương gia, việc này thực ra là không hợp với quy định trong cung cho lắm, hơn nữa...”
Dự Thân Vương nói:
“Bảo ngươi đi thì cứ đi, nếu như cần phí tổn, cứ đi thẳng đến phòng thu chi mà lấy.”
Đa Thuận chỉ đành khoanh tay đáp:
“Vâng.”
Đa Thuận theo mệnh lệnh của chàng, đã sắp xếp cho một người vào trong cung Vĩnh Thanh, lặng lẽ thỉnh lương y hỏi mua thuốc. Tình trạng của Như Sương thì lại tốt một ngày, xấu một ngày, cuối cùng là vẫn chẳng đỡ hơn được tí nào. Dự Thân Vương theo lời dặn của Hoàng Đế, còn đang trăm công ngàn việc nhưng vẫn cho gọi Tể Xuân Vinh vào phủ, tự mình hỏi han một lần.
Vị Tể Xuân Vinh kia tuy là mát tay vào bậc nhất quốc gia, song cũng chẳng phải thần tiên, chỉ thành thành thật thật mà bẩm tấu với Dự Thân Vương:
“Thần đã cố hết sức, nhưng nương nương...”
Nói tới đây, vội vội vàng vàng sửa lại:
“Thứ nhân họ Mộ... Từ lần đẻ non trước, khí huyết đều hư tổn, căn bản là đã suy sụp, về sau tuy là có tăng cường điều dưỡng, rốt cuộc vẫn chưa có chuyển biến. Thần tài hèn học ít...”
Dự Thân Vương nói:
“Thôi, ta đã biết.”
Đoạn chuyển hướng câu chuyện, hỏi lão về tình hình bệnh dịch.
Dịch bệnh đã không còn là chuyện ngày một ngày hai nữa rồi, lũ lụt ở Giang Nam, người dân chạy nạn lánh thẳng lên bắc, không hợp khí hậu, dọc đường rất nhiều người mắc bệnh. Ban đầu là sốt nhẹ tiêu chảy, qua dăm ba ngày thì phát sốt nhiệt độ tăng cao, thuốc men đều không hiệu quả, ngã đùng ra đường, sau cùng cũng biến thành dịch.
Dần dần từ nam ra bắc, bệnh theo dân tị nạn mà lây lan, tuy rằng quan dân các tỉnh đều cực lực phòng hộ, nhưng thế đi của dịch chứng ào ạt, trước đó không lâu toàn bộ quận Trần An phía nam của Quân châu đều đã mắc bệnh, mà Quân châu cách Tây Trường kinh, chẳng qua cũng chỉ trăm dặm mà thôi. Dự Thân Vương hết sức lo lắng, bởi vì dân cư Tây Trường kinh đông đúc, lại là chốn hoàng thành, một khi bệnh dịch lan vào, hậu quả khó mà gánh nổi.
Tể Xuân Vinh nói:
“Thế tới của dịch chứng cực hung mãnh, kế sách hiện giờ, chỉ có thể là đóng cửa Tây Trường kinh, trừ quân cấp báo ngoại thành, còn lại những người khác ra vào đều phải chờ. Sau đó thì thiết lập một nhà tình thương, gom lại toàn bộ những người dân bị bệnh, nhất định phải cách ly bọn họ với người thường.
Thần còn có một kế sách này, trong thành chọn ra Hạnh Lâm đường, Diệu Xuân đường, Tố Vấn quán, Thiên Kim đường đi đầu, cùng hơn ba mươi nhà cất chứa và phân phát thuốc thang lớn nữa, Vương gia cũng nên ra lệnh cho phường hội, trong thời gian này phải liên lạc chuẩn bị sẵn thuốc men phòng bệnh truyền nhiễm.”
Với cái đầu tiên thì Dự Thân Vương khẽ lắc:
“Đóng cửa thành tuyệt đối không được.”
Về kế sách thứ hai, xem ra có vẻ khả quan, cho nên lập tức bố trí lập một nhà tình thương ở phía ngoại thành thưa thớt, phàm là dân lưu lạc đều đưa đến đó để điều dưỡng, tiếp đó lại liên hệ hơn mười nhà chứa thuốc lớn khác nhanh chóng đi phân phát thuốc men cho cả thành, ngăn ngừa dịch bệnh lan truyền.
Quả nhiên, trong kinh thành đã bắt đầu có người phát bênh, khởi đầu cũng mới khoảng dăm ba trường hợp, tức khắc sai người đưa đến nhà tình thương. Nhưng người bệnh biết rõ đến nhà tình thương thì cũng chỉ còn đường chết, không khỏi gào thét giãy giụa, ngay cả người nhà bệnh nhân cũng giấu giếm không đi báo.
Mùa thu, Tây Trường kinh mưa nhiều, mưa đổ ào ào không dứt, cư dân ở phía đông kinh thành đều nghèo, dân tị nạn chạy cả vào trong kinh thành nương nhờ nơi bạn bè thân thích. Một gian chòi dựng tạm lùn tịt, thường thường rác rưởi cặn bã giăng đầy trên đất, nước mưa tuôn xuống, ô uế chảy ra khắp mọi ngóc ngách.
Tuy là ăn nước giếng, song khí hậu Tây Trường kinh khô khan, đào giếng phải hơn mười trượng, thậm chí còn phải sâu hơn nữa mới có nước ngọt, nhà nghèo thì đào không nổi giếng sâu, bèn đào một miệng giếng nông rồi gạn mà ăn, mấy ngày mưa liên miên, nước giếng đã sớm ô nhiễm, vì thế một nhà bệnh, lập tức lây sang cả mười nhà. Cứ như vậy, dịch bệnh ruốt cuộc từ từ mà lan ra, thậm chí còn có vài hộ gia đình đồng loạt mà chết bệnh ngay giữa đường. Tây Trường kinh bấy giờ chẳng khác nào cái lồng ôn dịch đáng sợ, mọi người ai nấy đều bất an không thôi.
Những ngày này mưa như trút nước, Dự Thân Vương ở trong phủ nghe tiếng mưa rào rào, không khỏi thở dài. Đứng dậy tiện tay đẩy cửa sổ nhìn ra, chỉ thấy trời tối đen như mực, tựa như trên trời đã bị chọc một lỗ thủng, mưa cứ thế mà ào ào dội thẳng xuống.
Trong phòng lớn tuy được lát gạch xanh, nhưng đã phủ một tầng hơi nước mỏng, mưa kia rơi xuống mặt đất, bọt nước nảy lên, trông chẳng khác nào trong nồi nước sôi.
Chàng lo lắng cho đại cuộc, trong lòng cũng như đang tuôn mưa, cảm thấy không thể nào yên ổn. Hoàng Đế mấy ngày trước đã muốn trở về, bị chàng một mực ngăn cản lại... Bởi vì trong thành ôn dịch tràn lan, nghĩ Hoàng Đế vẫn tốt nhất là ở lai Thượng Uyển an toàn hơn. Mà trong thành liên lạc dường như đã bị cắt đứt hoàn toàn, bách tính ngay cả cưới hỏi hay tang lễ đều bị cấm chỉ, ai cũng không được qua lại với nhau, mỗi nhà đều phải khép chặt cửa, trên cửa còn treo một túi cỏ thơm, gọi là “Phòng dịch”.
Trong lúc đó, quan lại đồng liêu, nếu không có công việc quan trọng cũng không được đi lui đi tới, nghị triều tạm thời hoãn lại. Hoàng Đế vốn không ở trong kinh, cho nên quần thần mỗi ngày đều hội thảo trong phủ Dự Thân Vương, cùng bàn luận những chính sự quan trọng. Trình Phổ đã cao tuổi, lo lắng cũng không được nhiều nữa, nhưng phía nam cứu nạn, phía bắc động binh, việc to việc nhỏ, tất tần tật Dự Thân Vương cũng đều phải hỏi han.
Chuyện này cũng thôi không bàn nữa, quan trọng nhất lúc bấy giờ chính là tiền, bạc trong ngân quỹ quốc gia cứ liên tục chảy ra như nước, vậy mà vẫn không duy trì được cục diện.
“Không bột đố gột nên hồ.”
Thị lang bộ Hộ là Lý Tự thở dài.
“Vương gia cũng biết, sớm đã là thu không đủ chi, năm ngoái tuy có thu nhập được một khoản lớn, nhưng chi phí cho công trình thủy lợi cùng quân đội đều không ít, còn có xây lăng tẩm cùng việc đào mương ở Định châu, bốn cái thì đã khốn đốn vì ba cái, làm sao mà có thể ổn thỏa cho hết được.”
Khoản thu năm ngoái kỳ thực là từ tài sản của Mộ thị. Họ Mộ trăm năm danh gia vọng tộc, có ruộng lúa phì nhiêu, đất đai bạt ngàn, nhà cửa, vàng bạc, phải nói là đếm không xuể, đổi ra bạc cũng được hơn hai trăm bốn mươi vạn lượng, khiến cho triều đình cả năm qua cũng được sung túc.
Dự Thân Vương cảm nhận khí thu mát mẻ từ vạt áo, bên ngoài mưa vẫn rào rào, không khỏi nhăn mày.
Từ cửa ải cũng nhận được tin báo không hay. Tướng Bùi Tĩnh phòng giữ Hạc châu thống lĩnh viện binh, đã kịch liệt giao chiến cùng quân Kỷ Nhĩ Mậu dưới chân núi Mẫn Nguyệt đã mấy ngày, Bùi Tĩnh thì thua chạy te tua, hai vạn nhân mã mà tổn thất chỉ còn lại khoảng năm nghìn, không những không giải vây được cho ải Định Lan, ngược lại chính mình còn bị vây bên bờ Hắc Thủy.
Thị lang của bộ Binh lo lắng bồn chồn, nói:
“Bùi Tĩnh đã trấn giữ biên ải hơn mười năm, cũng đã giao tranh cùng Kỷ Nhĩ Mậu bao năm, không ngờ lần này lại lâm vào tình cảnh như thế. Tay chủ soái bên Kỷ Nhĩ Mậu, quả thực là không thể khinh thường.”
Tướng soái cầm đầu cuộc xuất chinh phía nam này của Kỷ Nhĩ Mậu, trước giờ còn chưa có danh vị gì, thế nhưng lại được người của Kỷ Nhĩ Mậu tung hô là “Thản nhã trạch kim”, tức là “Thần ánh sáng”. Vóc dáng cũng chẳng hề cao lớn dũng mãnh, thậm chí còn gầy yếu nhỏ thó hơn cả người thường. Tuy nhiên, chưa có ai từng được thấy bộ mặt thật của người này, lúc ra trận luôn mang mặt nạ bằng vàng, điêu khắc trên đó rất dữ tợn, cưỡi tuấn mã, nắm thương dài, toàn thân giáp sắt sáng ngời, phản chiếu ánh mặt trời như ngày chính ngọ, quả thực ẩn hiện khí chất thần linh oai nghiêm.
Cách dùng binh của hắn cực kỳ xuất quỷ nhập thần, mấy tháng nay giao chiến cùng Thiên triều, vậy mà vẫn bách chiến bách thắng, chỉ trong vòng một khoảng thời gian ngắn đã khiến cho ba quân nơi biên ải kiêng sợ.
Thám tử được phái đi thăm dò đã trở về, báo rằng người này chính là con tư sinh của Đại hãn Kỷ Nhĩ Mậu Tra Kha Nhĩ với nữ phù thủy Oman, năm nay mới mười sáu, ngoại hình xinh đẹp như con gái, cho nên mới phải mang mặt nạ vàng mà xuất trận, hòng trợ oai.
Lời đồn đãi cũng không kém phần ly kỳ, rằng người này thực ra cũng không phải là con riêng của Tra Khả Nhĩ, mà thực sự là một vị công chúa nhỏ tuổi nhất của đại hãn, vốn thuở nhỏ đã sùng võ hiếu chiến, tinh thông binh pháp. Cho nên lần này Kỷ Nhĩ Mậu tiến đánh phía nam, Tra Khả Nhĩ rốt cuộc phải giao phó cho con gái mình làm chủ soái. Kỳ thực theo tục lệ của Kỷ Nhĩ Mậu, con gái và con trai xưa nay vẫn bình đẳng, nếu như thật có chuyện này, thì cũng không phải bất ngờ cho lắm.
Tổng chỉ huy quân đội bắc doanh là Duệ Thân Vương, lúc nhận được điệp báo như vậy, chỉ ngửa mặt lên trời mà cười sằng sặc:
“Hay lắm, đợi đến lúc đại quân của ta bắt được cô công chúa nhỏ này, cũng hi vọng hai bên sẽ có mối nhân duyên tốt đẹp.”
Tên người hầu đứng một bên soạn công văn lúc nghe xong thì cũng không tỏ thái độ gì, song ngay tối hôm đó lại gửi một bức mật thư cấp báo cho Dự Thân Vương tường thuật lại sự tình, giọng điệu vô cùng rầu rĩ:
“Ý tứ bừa bãi, mồm miệng chớt nhả, biểu lộ ra cũng chỉ là cái loại vô tích sự đến phát khủng.”
Dự Thân Vương đối với việc Hoàng Đế phái Duệ Thân Vương thống lĩnh quân đội cũng cực không vừa lòng, bởi Duệ Thân Vương còn chưa từng một lần ra trận, cậy tài khinh người, chỉ sợ quân dành chiến thắng không phải dễ. Mà Hoàng Đế thì thờ ơ nói:
“Thắng thì thôi, mà không thắng thì vừa hay trẫm sẽ hỏi tội hắn.” (Á, anh gian xảo quá^^)
Nhưng quan ải Định Lan vùng tây bắc chính là điểm chủ chốt, nếu mất Định Lan, sáu châu ở vùng tây bắc nhất định sẽ rơi vào thế hung hiểm, kỵ binh của Kỷ Nhĩ Mậu có thể lập tức tiến xuống nam, dễ dàng đánh bại Trung Nguyên.
Dự Thân Vương nói:
“Tới lúc đó, chỉ e sẽ thành liên lụy đến cả đại sự thiên hạ.”
Hoàng Đế khẽ nheo con mắt, giống như cười:
“Nếu như liên lụy cả đại sự thiên hạ, vậy thì trước mặt tổ tiên xã tắc, giết một Thân vương, chung quy cũng thành xong chuyện.”
Đây là lần đầu tiên Dự Thân Vương nghe được một chữ “giết” phun ra từ trong miệng Hoàng Đế, nhẹ nhàng bâng quơ, lại làm cho đáy lòng người ta phát lạnh. Nhưng chàng xưa nay kính yêu Hoàng Đế, cho nên từ đó về sau cũng không còn đế cập tới.
Mà Duệ Thân Vương dẫn đại quân, lại không ngừng sai người trở về thúc dục lương thảo đòi thết đãi tiệc tùng, dọc đường lại còn quấy nhiễu dân chúng địa phương, làm các quan địa phương chạy theo cung phụng cũng không kịp, bèn đồng loạt gửi tham tấu lên. Mà Hoàng Đế thì xưa nay dung túng cho người anh em này, phàm có điều tấu, lập tức không phê chuẩn. Trong thời gian ngắn, cả bộ Binh, bộ Lại, bộ Hộ đều vì vị Vương gia kiêu ngạo ngang bướng này mà phải một bản, trái một bản, tấu chương cứ như tuyết bay lên vèo vèo, khổ không nói hết.
Đây vẫn chưa phải là chuyện khiến cho Dự Thân Vương đau đầu nhất, mà việc phòng bệnh ngừa dịch mới chính là đại sự khẩn cấp đến độ cháy sém lông mày. Bởi vì ôn dịch hoành hành, cả một kinh đô lúc bấy giờ tựa như một tòa thành trống, không khí trầm mặc đe dọa.
Cổng thành thì sớm đã cấm tiệt xuất ra nhập vào, các cửa hiệu đều đầu cơ tích trữ, tuy là quân đội mỗi ngày đều đi tuần, nhưng lòng dân vẫn kinh hoàng lo sợ không thôi. Mấy ngày sau, chuyện tình mà Dự Thân Vương cánh cánh nhất cuối cùng cũng đã phát sinh, trong cung đã có người bị nhiễm dịch chứng.
Tuy là Hoàng Đế không ở trong cung, nội quan bị bệnh chết cũng đã được đưa đi hỏa táng ở ngoại thành, nhưng chưa quá một ngày, đã lại có một cung nữ mắc bệnh, biểu hiện của bệnh không giống với dịch chứng, Dự Thân Vương tức khác ra lệnh phàm là cung nữ nếu bị bệnh đều phải đưa đến chùa Đại Phật Tự trong núi Tây Giác ở ngoại thành, tuyệt đối cách ly.
Mà chính Dự Thân Vương cũng đã ngã bệnh, thoạt đầu chỉ nghĩ là do làm việc quá sức mà ra, về sau mới thấy sốt nhẹ mà mãi không lui, mặc dù không bị tiêu chảy, nhưng vài ngày sau thì thuốc thang châm cứu cũng đã vô hiêu. Trong lòng chàng đã rõ, chỉ sợ bản thân cũng nhiễm dịch rồi, cho nên dứt khoát, một mặt sai người đi thông báo cho Trình Phổ, một mặt sửa soạn một mình di cư đến chùa. Sợ rằng Hoàng Đế sẽ lo lắng, cho nên đành giấu kín.
Đa Thuận khổ sợ khuyên bảo vô ích,không nhịn được ôm lấy chân chàng mà kêu khóc, Dự Thân Vương hỏi:
“Ngươi khóc cái gì?”
Đa Thuận vừa lau nước mắt vừa nói:
“Vương gia đi nơi nào, nô tì đến nơi ấy. Vương gia thuở nhỏ chính là được nô tì bồng bế, nô tì đã hầu Vương gia nhiều năm như vậy, từ sáng đến tối một ly cũng không rời, nếu Vương gia mà ruồng bỏ nô tì, nô tì cũng chỉ còn cách lập tức đập đầu vào cột mà chết.”
Dự Thân Vương thì đã phát nóng hầm hập, cảm thấy toàn thân đều uể oải, gã này lại còn lôi thôi vướng víu, chỉ đành dở khóc dở cười:
“Ta đi chừng dăm ba ngày là cùng, đợi hết bệnh rồi sẽ trở lại, ngươi còn bày ra cái vẻ khiếp nhược đó mà làm chi?”
Đa Thuận nước mắt nước mũi ròng ròng, nói cái gì cũng không chịu buông tay, Dự Thân Vương bất đắc dĩ, cũng đành phải để gã theo lên Đại Phật Tự.
Ngôi chùa Đại Phật Tự này vốn là nơi Hoàng Đế Nhân Tông tu hành sau khi nhường ngôi (wtf? NHÂN tông? tu hành? trùng hợp chăng@@), bao năm qua cũng chính là nơi lễ Phật của hoàng gia. Hơn một trăm năm rồi lại được xây cất thêm, đền đài gác Phật đều uy nghi tráng lệ, trong chùa còn có một pho tượng Phật bằng gỗ bạch đàn cực lớn, cao tới tám trượng, đội trời đạp đất, trang trọng uy nghiêm, được người trong thiên hạ xưng là kỳ quan, cũng vậy mà chùa nổi tiếng với tên Đại Phật Tự.
Dự Thân Vương đem theo Đa Thuận, người ngựa đơn giản mà ra khỏi thành, đợi đến khi tới được cửa chùa dươi chân núi Tây Giác, đã thấy đài vân chót vót, thềm đá như thang. Lúc đi lên trên, trời hoàng hôn mây mù tỏa khói như sắp mưa, mà điện chầu gác Phật nguy nga, khắp nơi trong chùa đều đốt thảo dược đưa hương thơm ngát, làn khói trằng mờ mờ ảo ảo lượn lờ trong góc điện, trên mái cong còn treo chuông đồng, lúc này bị gió thổi qua phát ra âm thanh lảnh lót trong veo, giống như cái khánh.
Phương trượng Trí Quang tự mình dẫn theo một chú tiểu sa di đi xuống nghênh đón Dự Thân Vương.
Đại Phật Tự vốn mang đậm cảnh sắc mùa thu, có “ba đặc sắc” nổi tiếng của Tây kinh, “ba đặc sắc” đó là chỉ phong rậm, quế thơm, trúc dày của chùa. Phía sau chùa nguyên là có một khoảng rừng trúc, trong bóng xanh ngọc bích, tiếng gió thở vi vu tinh tế, lá vót nhọn nhỏ, chính giữa rừng trúc còn được đào một khe suối nho nhỏ uốn lượn, nước cũng trong mát như ngọc bích. Mặc dù lối đi được lát gạch, nhưng mênh mông vẫn là lớp lớp rêu xám, chỉ nghe suối chảy róc rách, âm thanh nghe như tiếng ai nói chuyện bên tai, rì rầm lúc được lúc mất.
Mọi người men theo con đường quanh co khúc khuỷu mà đi, qua một cây cầu trúc, mới trúc xanh dày đặc, che cả một mảng tường đá thấp lùn, trông như những lớp tường trùng trùng bao quanh.
Dự Thân Vương tuy đã mấy lần tới chùa phụng Phật, thế nhưng chưa hề đi ra đằng sau, lúc này bắt gặp một khung cảnh u nhã tĩnh mịch như vậy, không khỏi cảm thấy nổi da gà.
“Tây Trường kinh không ngờ còn có một địa phương như thế này, nếu mà ngồi đây đóng cửa tĩnh tọa, hẳn cũng có người đốn ngộ cảnh thiền.”
Gió lùa qua lá trúc nghe rào rào như mưa rơi, đại sư Trí Quang mỉm cười nói:
“Vương gia quả nhiên là người có thiện duyên.”
Xa xa trên cánh cửa thiền viện, chợt thấy một tấm hoành phi, nét chữ cực kỳ tao nhã, chính là ba chữ “Ngồi thanh tĩnh”, hai người kìm lòng không đậu bèn nhìn nhau cười.
Dự Thân Vương chăm chú nhìn nét chữ trong chốc lát, nói:
“Đây giống như là bút tích của Tiên hoàng Thắng Vũ Đế?”
Đại sư Trí Quang đáp:
“Đúng vậy. Tiên hoàng Thắng Vũ Đế khi còn là một hoàng tử, nhân việc mẹ đẻ là Kính Tuệ Thái hậu băng hà, chôn cất tại bản chùa này, cho nên Thắng Vũ Đế bèn cất am ở đây chịu tang ba năm.”
Vì là bút tích của Tiên đế, Dự Thân Vương phải chỉnh đốn lại vạt áo, đoạn mới cung kính bước vào. Lúc vào trong viện, thấy song cửa sổ bằng gỗ sáng bóng, mấy chiếc bàn phản ánh màu xanh, toàn bộ thiền viện đều một sắc xanh biêng biếc, bài trí hết sức đầy đủ mà sạch sẽ.
Trong sân còn có đôi hàng cây ngô đồng, lá vàng rơi rải rác trên mặt đất, chất đống bên thềm. Dưới thềm dù được lát gạch, song rêu xám mọc nhiều, trông như những đụn hoa trắng. Mà ngước mắt nhìn lên, chỉ thấy rừng tre như biển, ngửa mặt lên mãi mới thấy lấp ló một góc trời trong vắt xanh biếc màu ngọc lưu ly.
Dự Thân Vương bất giác nói:
“Ở đây đọc sách thì thật tuyệt.”
Đại sư Trí Quang cười không nói, bảo tiểu sa di đi pha một ấm trà thuốc. Hiểu biết về y học của ông rất khá, đích thân xem mạch giúp Dự Thân Vương, trầm ngâm nói:
“Bệnh của Vương gia không giống như dịch chứng.”
Dự Thân Vương trả lời:
“Đúng là không phải thật, lúc này đại dịch khắp thành, dù sao cũng sẽ phiền hà cho kẻ khác, cho nên ta mới tới đây.”
Trí Quang không khỏi chắp tay nói:
“Vương gia có lòng đại từ đại bi, nhất định sẽ được báo đáp.”
Nơi đây vắng vẻ tịch mịch, bên ngoài bức tường phía tây hốt nhiên vọng lại tiếng con gái khóc tu tu, nghe rất rõ ràng. Dự Thân Vương không khỏi cảm thấy bất ngờ. Đất Phật cửa thiền, làm sao lại có tiếng nỉ non của con gái, huống chi đây ở sâu trong rừng trúc, rêu phủ quạnh hiu, càng làm cho người ta tưởng là nghe nhầm.
Trí Quang nói:
“Nhà khách phía tây có vài vị nữ cư sĩ trong cung đến ở, cũng là vì bị bệnh mà đến. Vốn là Vương gia hôm nay tới đây, cho nên bần tăng bảo người giúp các vị ấy tìm một chỗ nghỉ tạm khác, chắc là vì không muốn di dời, cho nên mới khóc.”
Dự Thân Vương lúc này mới nhớ, thì ra là cung nữ đi dưỡng bệnh đây mà. Nghe người con gái kia khóc thật bi thương, trong lòng cũng không nỡ, nói:
“Thôi khỏi, cứ để họ ở chỗ này cũng được.”