TRƯỜNG AN KINH MỘNG

Trường An Kinh Mộng- Mĩ Bảo

Tiết Hàm- Phần 3

- -------

Qua vài ngày, nửa đêm ta bị người khác đánh thức. Tiết Hàm vô cùng hưng phấn kéo ta từ giường tỉnh dậy, cho ta xem bảo bối của huynh ấy.

Đó là một thanh bảo kiếm toàn thân dát ánh bạc, chuôi kiếm còn khảm một viên trân châu cực lớn. Ta duỗi tay ra sờ, giục Tiết Hàm nhanh chóng rút kiếm ra.

Huynh ấy rút kiếm ra khỏi vỏ, căn phòng tối om lập tức được chiếu sáng lung linh, ánh sáng lấp lánh như ánh trăng tỏa ra trên thân kiếm mỏng như cánh ve kia.

Ta há miệng: “Oaaa...”

Tiết Hàm dương dương đắc ý nói: “Đây là vật gia truyền chi bảo của Tiết gia ta: Băng Nguyệt Điệp.”

Quản nó là bươm bướm hay ong mật ( Điệp trong Băng Nguyệt Điệp có nghĩa là bươm bướm á), nếu không có ta thì đến nó được chôn ở đâu cũng không biết kìa.

Tiết Hàm cũng tốt bụng nói: “A Mi, cảm ơn muội.”

Đây là lần đầu tiên huynh ấy gọi tên của ta.

Có thanh kiếm mới được tìm thấy này cùng với kiếm phổ của Tiết gia, từ ngày đó, Tiết Hàm vô cùng chuyên tâm luyện kiếm, từ lúc mặt trời mọc phải vung kiếm ít nhất ba trăm hiệp rồi mới đi ăn sáng.

Huynh ấy ở lại nhà ta một lần tới tận mấy năm. Ta nghĩ, Tiết tướng quân chắc có rất nhiều con trai nên thiếu đi một người cũng chẳng để ý.

Ngày ngày qua đi, ta cũng đã coi huynh ấy thành người nhà.

Tiết Hàm rất tốt bụng, chưa từng kể với ai rằng ta có thể nhìn thấy ma. Huynh ấy cũng rất siêng năng, dành hết thời gian để đọc sách cùng luyện võ.

Ta nằm trên thân cây hòe lớn cắn hạt dưa, vỏ hạt rơi xuống như mưa xuống dưới, Tiết Hàm dùng kiếm gạt hết đống vỏ hạt dưa ra chỗ khác. Ta cắn xong đống hạt dưa, bèn lôi ra một quả đào, gặm xong thì vứt hạt xuống đất, huynh ấy vung tay hay cái, hạt đào bị chém ra làm bốn.

Ta bĩu môi với huynh ấy, huynh ấy lại cười với ta.

Thiếu niên cao lớn anh tuấn, khí chất ngời ngời, ung dung tiêu sái. Mấy tiểu nha hoàn đều mê như điếu đổ.

Ta nghe thấy bọn họ thì thầm nói: “Ngũ lang thật tuấn tú, nếu trở thành phu quân của ta thì tuyệt biết bao.”

Trong lòng ta nảy ra một ý. Sáng hôm sau ta dậy thật sớm, chạy đến bên ngoài phòng của TIết Hàm. Nha hoàn đang giúp hắn mặc y phục, ta lén đi vào cửa đem một ly nước lớn hất lên giường.

Buổi trưa hôm đó, ta nghe nương của ta nói với ma ma: “Vẫn nên là mời đại phu tới xem bệnh cho Tiểu Hàm đi. Người lớn cả rồi mà, thế này...không ổn đâu.”

Ta tựa vào gốc cây phá lên cười.

Rồi nghe thấy giọng nói lạnh lùng của Tiết Hàm vang lên: “Ta biết là muội làm.”

Ta nằm trên cành cây cười: “Sao nào? Lo lắng tức phụ tương lai sẽ biết sao?”

Tiết Hàm đột nhiên cười quỷ dị, ta cảm thấy toàn thân ớn lạnh.

Thường ngày Tiết Hàm đều cười vô cùng dịu dàng, ta còn chưa thấy qua huynh ấy cười như này.

Kết quả là trong bữa cơm tối, cha nói với ta: “A Mi, con cũng không còn nhỏ nữa, tuy là nữ hài tử nhưng cũng không thể cả ngày ham chơi, nên học thêm vài thứ đi thôi.”

Ta kinh ngạc: “Cha, những thứ nên học con đều đã học hết rồi a.”

Cha ta vuốt râu nói: “Học? Con thì học được cái gì? Học cả mười hai năm trời, đến làm thơ còn không biết làm! Nếu nói là tiểu thư nhà Thẩm Ngự Sử thì con xem người ta có cười rớt hàm không.”

“Người ta muốn cười thì cứ để người ta cười, răng của con vẫn còn là được.”

Cha tức đến nỗi đập bàn, chén đũa đều nhảy dựng cả lên.

Ta sống lâu như vậy, chưa từng thấy ông ấy giận ta nhu thế. Thật là dọa chết ta rồi, tim đập loạn hết cả lên.

Cha ta tuyên bố rằng: “Từ ngày mai trở đi, con cùng Tiểu Hàm đọc sách, ta sẽ bảo nó dạy con thi văn. Đừng có mà suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn.”

Tiết Hàm ngồi một bên kính cẩn nói: “Yên tâm đi ạ, con nhất định sẽ dạy dỗ A Mi thật tốt.”

Ta gào thét, lăn lộn xuống dưới bàn ăn.

Cứ như thế, ta đã bị Tiết Hàm bắt đọc sách viết chữ.

Huynh ấy là muốn báo thù đây mà. Viết chữ thì cứ viết chữ đi, huynh ấy cứ nhất quyết phải buộc túi cát vào tay ta, hơn nữa còn không cho ta ngồi. Nửa ngày trôi qua, tay của ta tưởng chừng như không nhấc lên nổi nữa, huynh ấy còn kén cá chọn canh nói: “Đây là chữ muội viết đấy à? So với bùa chú của đạo sĩ thì vẫn dễ nhìn hơn.”

Ta tức giận ném cây bút về phía huynh ấy, huynh ấy vậy mà mí mắt cũng chưa nâng liền tóm được cây bút của ta.

Sau đó bắt ta đọc thơ cho hắn nghe.

Ta đọc lớn tiếng: “ [Đế Cao Dương chi miêu] gì gì đó, [Trẫm hoàng khảo viết bá dung]; cái gì mà [Đề đề vu mạnh] gì gì đó, vì sao lại [ngô dĩ giáng]....”

Chưa cả đọc xong, Tiết Hàm đã ngã gục xuống ghế. Ông trời phù hộ cho huynh ấy không bị ta làm tức chết, ta không muốn vì cái bài thơ nhỏ nhoi này mà phải đi quỳ từ đường đâu.

Cũng may là Tiết Hàm nhanh chóng ngẩng đầu lên, ôm lấy bụng, vẻ mặt như ăn nhầm thứ gì đó.

Ta giả mù sa mưa mà hỏi: “Có muốn đi nhà xí không?”

“Có cái....” ngay thời điểm mấu chốt huynh ấy nuốt mấy luôn mấy từ còn lại vào bụng. Người ta là công tử văn nhã đó.

Tiết Hàm cầm sách lên, hung hăng nói: “Nghe cho rõ thế nào mới là ngâm thơ.”

Tiết công tử nói: “ [Hán Uyển chung thanh tảo, Tần giao tự sắc phân. Sương linh vạn hộ triệt, Phong tán nhất thành văn]”

Thanh âm của huynh ấy vô cùng rõ ràng, trầm ổn, rất... rất dễ nghe.

Ta hỏi: “Viết cái gì vậy?”

Huynh ấy nói: “Tiếng chuông sớm thành Trường An.”

Ta nói: “Thật đẹp.”

Huynh ấy nói: “Câu nói này đúng đấy.”

Ta nói: “Ta nói lúc huynh ngâm thơ thật đẹp.”

Tiết Hàm sửng sốt, trong nháy mắt liền đỏ bừng cả mặt. Huynh ấy nhìn ta đầy ngạc nhiên, khóe miệng run lên.

Ta thật sự là nhịn không nổi nữa, phá lên cười.

Sắc mặt huynh ấy tái xanh.

Ta nhanh chân bỏ chạy. Tiết Hàm cũng chẳng đuổi theo. Ta cười nói: “ Ta học theo mấy tiểu nha hoàn kia, tưởng huynh thích như vậy chứ.”

Ta chạy đi rồi ngoảnh đầu lại. Tiết Hàm vẫn đứng đó, đôi mắt bừng lửa giận, nhìn chằm chằm ta như thể muốn bóp chết ta ngay lập tức. Ta lè lưỡi rồi bỏ chạy.

- ----------------

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi