TỬ CẤM THÀNH NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
#Diên_Hi_Công_Lược
#Team_hoàng_hậu
#Hoàng_hậu_là_chân_ái_tất_cả_đều_là_phù_du_ngoại_trừ_Phó_Hằng


ĐÊM THỨ HAI MƯƠI BẢY: HIẾU HIỀN THUẦN PHÚ SÁT HOÀNG HẬU

Trong các bộ phim triều Thanh, hoàng đế Càn Long luôn được tái hiện với hình tượng phong lưu phóng khoáng, thích ghẹo nguyệt trêu hoa, vừa mới quên Hạ Vũ Hà bên hồ Đại Minh là đã ôm ngay Hương Phi vào lòng. Nhưng điều khiến rất nhiều người không ngờ được chính là, tuy hoàng đế Càn Long sống thọ hơn 80 tuổi và tại vị hơn 60 năm, song người có thể khiến ngài trân quý mãi như thuở ban đầu mới gặp, chỉ có mỗi mình hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần Phú Sát.

Hiện tại có một bộ Thanh đấu rất hot tên là Diên Hi Công Lược, một trong những điểm sáng (có lẽ là sáng nhất) của bộ phim chính là hình tượng hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần được xây dựng rất thành công và khá sát với lịch sử. Trong phim, Phú Sát thị là người phụ nữ được Càn Long vừa yêu vừa kính, mà trong lịch sử cũng quả đúng như vậy. Xuất thân của Phú Sát thị cao quý và hiển hách, thuộc tầng lớp quý tộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, song hoàng thượng yêu quý bà không phải vì xuất thân danh giá đó của bà. Mười sáu tuổi, Phú Sát thị được đưa vào cung tham dự kỳ tuyển tú, hoàng đế Ung Chính vừa nhìn là đã chọn ngay bà, ngài cho rằng cô gái trông vừa xinh đẹp vừa thông minh thế này, tương lai tất sẽ trở thành mẫu nghi thiên hạ. Vì thế ngài đã gả Phú Sát thị cho con trai Càn Long của mình. Còn Ung Chính đã nhìn thấy được sự tài hoa của bà như thế nào, mời các bạn tra Wikipedia, trên đó có một đoạn miêu tả lần gặp đầu tiên giữa gia đình bà và Ung Chính đế, đọc xong chỉ có thể thốt ra một chữ "mệnh" - mệnh trở thành phượng hoàng.

Càn Long lớn hơn Phú Sát thị một tuổi, cả hai kể từ khi thành thân sống rất hòa hợp, lưỡng tình tương duyệt, yêu thương nhau hết mực. Sau khi Càn Long lên ngôi cũng ngay lập tức sắc phong cho bà làm hoàng hậu. Phú Sát thị xuất thân danh môn, là tiểu thư khuê các, thông tuệ hơn người, khí độ bất phàm, lại dịu dàng hòa nhã, thấu hiểu lòng người, nên rất hiển nhiên, bà trở thành một hoàng hậu đại nhân đức trong lịch sử triều Thanh. Trong khi Càn Long bộn bề chính sự thì chốn hậu cung có sự cai quản tinh tế của bà, bà cẩn trọng sắp xếp và ổn định mọi chuyện trong cung, giúp Càn Long có được một "hậu phương" vững chắc để ngài không cần phải phí sức phân tâm. Còn khi Càn Long phiền lòng vì chuyện triều chính, hoàng hậu Phú Sát thị như biết thuật đọc tâm, bà luôn hiểu được tâm tư của ngài, đôi khi chỉ vài câu chuyện trò, một chén trà trong, một bát canh nóng của hoàng hậu cũng có thể khiến Càn Long thư thái và quên đi sầu não. Cảnh tượng này thật ấm êm, dễ khiến người khác liên tưởng tới với cuộc sống hòa hợp giữa vua Lý Thế Dân và hoàng hậu Trưởng Tôn năm nào. Tuy cách nhau cả mấy trăm năm nhưng đều đượm tình nghĩa chốn cung đình lạnh lẽo.


Càn Long và hoàng hậu Phú Sát thị vừa là quân thần vừa là vợ chồng, đồng thời cũng là tri kỷ. Họ từng cùng thề hẹn dưới hoa trước trăng, đồng thời cũng sát cánh bên nhau dốc lòng vì đất nước. Hoàng hậu Phú Sát thị không giống những người phụ nữ khác chốn hậu cung chỉ biết tranh quyền đoạt lợi và hưởng thụ phú quý vinh hoa, mà bà biết đặt chính bản thân mình vào vị trí của người khác và biết suy nghĩ cho Càn Long, dốc lòng giúp Càn Long chống đỡ "nửa bầu trời". Theo như sử sách ghi lại thì Phú Sát thị tuy thân ở ngôi cao nhưng lại sống rất tiết kiệm, chỉ thích hoa cỏ chim muông chứ không thích đua đòi vàng ngọc.

Ở vị trí là hoàng hậu, Phú Sát thị là một vị hoàng hậu vô cùng may mắn, bà gặp được một minh quân rất yêu thương mình. Nhưng ở vị trí là một người mẹ, bà là một người mẹ bất hạnh. Bà từng vì Càn Long sinh hạ hai hoàng tử song cả hai đều yểu mệnh, để lại trong tâm bà một bóng ma mãi mãi không thể phai nhòa. Phú Sát thị trải qua hai lần tang đau khổ nên cả ngày đều rầu rĩ không vui. Vì muốn giúp bà giải tỏa áp lực nên Càn Long đã đưa bà đi du ngoạn giải sầu. Tháng Giêng năm Càn Long thứ 13 (1748), Càn Long cùng Phú Sát hoàng hậu và chúng phi tần bồi giá Thái hậu đại giá tuần du Đông tuần. Họ cùng nhau đến cúng tế miếu Khổng Tử rồi leo lên đỉnh Thái Sơn, sau đó đến Tế Nam ngắm suối Bác Đột, rồi hồi kinh theo đường kênh đào.

Không ngờ lần quay trở về này lại là lần vĩnh biệt của họ. Lúc đến Đức Châu, hoàng hậu Phú Sát thị mệt lả người không dậy nổi, bệnh tình đến hồi nguy kịch, nhắm mắt xuôi tay ngay trên thuyền, năm ấy, người phụ nữ quốc sắc thiên hương này vừa tròn 37 tuổi. Nỗi đau mất vợ đã thay đổi tính tình của Càn Long, ngài dễ nổi nóng và bực tức hơn, ngài chỉ trích hoàng trưởng tử và hoàng tam tử không thành tâm thương tiếc hoàng hậu rồi tước đoạt vĩnh viễn tư cách Thái tử, sau đó trút giận lên chúng quan, giáng cấp và phạt nặng cả hơn trăm người. Tuy cách giải tỏa tâm lý này khá tiêu cực, song chính điều đó đã đủ chứng tỏ vị trí của hoàng hậu Phú Sát thị trong lòng Càn Long. Càn Long ngày đêm tưởng nhớ hoàng hậu Phú Sát thị, thậm chí lúc đưa di thể của hoàng hậu về đến kinh thành, vì thuyền quá lớn không cách nào vào được thành, Càn Long tức giận bèn lập tức sai người dỡ luôn cả cửa thành. Vì an táng Phú Sát thị mà hoàng đế Càn Long không tiếc tiền bạc của cải, cho vời 20 nghìn thợ thủ công lành nghề, hao phí tận 100 ngàn lượng bạc trắng.


Thông thường thì quá trình phong thụy hiệu rất rườm rà và đều do Lễ bộ chọn sẵn rồi dâng lên hoàng đế lựa chọn, sửa đi sửa lại tới khi nào ưng ý mới thôi. Song thụy hiệu của hoàng hậu Phú Sát thị lại do đích thân hoàng đế Càn Long tự đặt. Theo như ghi chép trong "Thực lục", Càn Long đế đã từng nói rằng ngài cảm thấy hai chữ Hiếu Hiền trong câu "Thánh từ thâm ức Hiếu, Cung khổn tẫn xưng Hiền" quả có thể hình dung được sự thục đức cả đời của hoàng hậu, vì vậy lấy hai chữ ấy đặt thụy hiệu cho bà. Sau khi hoàng hậu qua đời, Càn Long không cho phép bất kỳ phi tần nào đến ở tại cung Trường Xuân nơi Phú Sát hoàng hậu từng ở nữa, mãi đến khi lên làm Thái thượng hoàng, ngài mới cho phép phi tần mới vào đó ở.

Cả cuộc đời huy hoàng của mình, hoàng đế Càn Long từng làm mười mấy nghìn bài thơ, tuy không quá xuất sắc nhưng những bài thơ thương nhớ hoàng hậu Phú Sát thị đều rất chân thành, tha thiết và cảm động lòng người. Năm Càn Long 86 tuổi, bởi không muốn thời gian trị vì của mình dài hơn thời gian trị vì của người ông Khang Hy mà ngài kính quý nên đã nhường ngôi lại cho Gia Khánh đế (song thực ra ngài vẫn tự thân quyết định những sự vụ lớn) và lui về làm Thái thượng hoàng. Năm ấy, ngài đã dẫn Gia Khánh đến tưởng niệm hoàng hậu Phú Sát thị. Trước mộ phần người vợ tri kỷ của mình, ngài đã uống ba chén rượu và lẩm bẩm trong sự đau thương: "Nàng ra đi chỉ để lại một mình trẫm, trẫm sống quá lâu, có nghĩa lý gì đâu chứ?".


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi