VỊ BẮC XUÂN THIÊN THỤ

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Cửa phòng chính còn đóng, Lý nương tử vẫn chưa dậy.

Phan nương tử nhà hàng xóm đến đưa hũ rau muối, thấy ngoài nhà không có ai, phòng chính đóng cửa, bèn đi vào bếp tìm.
Trong bếp, Triệu đại nương đang xắn tay áo nấu bánh canh, thím nhào bột mì, mắt ngó vào nồi, nghe có người tới cũng không quay đầu hỏi, chỉ cất giọng gọi: "Tới đây tới đây, khêu lửa trong lò hộ tôi với."
"Mới sáng sớm đã bận bịu thế à." Phan nương tử là láng giềng thân thiết, cô ấy ngồi xuống cạnh bếp nhét củi vào lò, "Dạo này cực nhọc quá nhỉ, cả nhà người lớn lẫn trẻ con phải chăm sóc, thím có kham nổi không đấy."
"Vẫn ổn cô ạ, quanh đi quẩn lại chỉ có cơm canh rồi giặt ngâm quần áo thế thôi." Triệu đại nương dẫn Tiên Tiên vào Lý gia ở, chi phí áo quần đều dùng tiền của Lý gia, tiền công mỗi tháng cũng nhiều, trong ngoài có người giúp đỡ, cuộc sống tốt hơn gấp bội so với việc mưu sinh ở thôn trang, vì vậy nên chả có gì phải phàn nàn.

Phan nương tử mỉm cười gật gù.

Người của Lý gia xưa nay rộng lượng hào phóng, mọi người ai nấy đều thích qua lại tiếp xúc.

Phan nương tử khẽ giọng hỏi: "Gần đây Lý nương tử dậy muộn hơn hẳn nhỉ?"
Triệu đại nương không nói nhiều, chỉ giải thích qua loa vài câu: "Vào đêm là nương tử hay bị ho, đến rạng sáng mới ngủ yên được."
Phan nương tử gật đầu: "Tôi thấy ban ngày tinh thần cô ấy hơi kém, nghĩ bụng chắc do ngày đông rét sợ lạnh, dễ bị mệt.

Chờ đầu xuân sang năm trời ấm lên, có lẽ sẽ tốt hơn thôi."
Triệu đại nương dừng tay, chẳng hiểu sao lại thở dài: "Chả biết khi nào đại gia về nhà."
"Còn hơn tháng nữa là đến Tết, Lý Vị cũng nên về rồi." Phan nương tử gom bó củi, cười nói: "Tháng chạp năm nào cũng không thể thiếu Lý Vị, công phu cầm dao của chú ấy là nhất cái khu này, lợn năm mới của phường hẵng đang chờ chú ấy về mổ đấy."
Cứ thế, cuộc nói chuyện của hai người phụ nữ lại xoay quanh đề tài ấy.

Phan nương tử than phiền: "Mấy nay giá thịt lợn ngoài hàng thịt tăng, một cân thêm mấy văn tiền, bình thường vẫn bán rẻ, mà cứ tăng giá như thế thì có khi đắt bằng cả thịt dê."
"Chưa nói tới dê bò lợn gà, năm rồi cha Tiên Tiên vào núi bắt được con hoẵng con nai, mang xuống núi bán hết, chỉ có năm nay là người ở quan phủ vào tận núi mua.

Giờ một chân của con nai đã bằng nửa con dê con rồi."
Xuân Thiên đứng ngoài cửa nghe họ tán dóc chuyện thường ngày, nàng lặng im đứng một lúc rồi xoay gót đi vào nhà chính.

Nhà chính quanh năm đượm mùi thuốc, ngay cả cánh cửa mái hiên cũng nhuốm hơi thuốc nồng nồng, hương đăng đắng thoảng qua gian nhà, không dễ ngửi gì cho cam.

Nén hương trước bài vị trong nhà chính đang cháy, con Vàng cuộn tròn dưới chân bàn ngủ say.

Hai đứa nhỏ ở trong nhĩ phòng, Trường Lưu lưng thẳng tắp ngồi ngay ngắn trên giường lò, Tiên Tiên nằm bò cạnh giường, tập trung nghe Trường Lưu kể chuyện.

Giọng Trường Lưu non nớt nhưng lại rất nghiêm túc rõ ràng: "...!Người thư sinh nghèo kia mơ thấy mình làm đại quan nhất phẩm, người khoác áo mãng bào đỏ chói, bên hông giắt bảo kiếm, oai phong lẫm liệt, đắc ý muôn phần.

Bỗng lúc này, trời đột giáng một tiếng sét, choàng tỉnh khỏi cơn mộng..."

Xuân Thiên vịn tay trên cửa, lắng nghe rất chuyên chú, khóe môi bất giác nhếch lên thành nụ cười nhẹ.

Bấy giờ Trường Lưu nhác thấy Xuân Thiên bước vào nên dừng lại giọng đọc, ngượng nghịu mím miệng.

"Sau đó sao nữa ạ, chuyện gì đã xảy ra khi người thư sinh nghèo thức dậy?" Tiên Tiên gặng hỏi.

"Không gì hết." Trường Lưu cúi đầu, lí nhí nói.

"Tả quần áo sai rồi." Xuân Thiên chậm rãi đi qua, "Nếu là đại quan nhất phẩm, vậy thì quan phục người đó mặc không phải áo mãng bào màu đỏ, mà là lan bào họa tiết hoa tròn* màu tím, cũng không giắt bảo kiếm, nhóm quan nhân thích đeo túi kim ngư hơn."
Trường Lưu trả lời: "Em nghe lời kịch hát thế..."
"Sau đó thì sao?" Xuân Thiên cười hỏi, "Chị chưa từng nghe vở diễn này, sau đó người thư sinh nghèo thế nào?"
Lúc đang nói chuyện, Lý nương tử run run bước đến.

Cô ấy chưa lau mặt chải đầu, thần sắc tiều tụy, ánh mắt lia tới chỗ của Trường Lưu trước, rồi cười với mấy người: "Hôm nay tôi lại là người dậy muộn nhất."
Tiên Tiên bưng nước ấm vào hầu Lý nương tử rửa ráy trang điểm.

Xuân Thiên ngồi cạnh rảnh tay, bèn với cái lược chải đầu cho cô ấy.

Búi tóc lên xong, Xuân Thiên thấy trên bàn có chiếc lọ bạch ngọc nhỏ, phía ngoài vẽ đóa mẫu đơn xinh đẹp, sườn lọ có in dấu đỏ, nhận ra đây là phấn trang điểm, liền chuyển cho Lý nương tử: "Nương tử thoa cái này đi."
Lý nương tử vuốt nhè nhẹ lọ phấn trang điểm trong tay mà Xuân Thiên vừa đưa, rồi lại đóng vào, mỉm cười bảo: "Cứ giữ về sau thoa." Cô ấy cầm hộp bột gạo bên cạnh, không thoa phấn mà lại thoa bột.

Những điểm tô son sắc hồng hào tươi tắn, đều chỉ muốn để dành cho người trở về.

Hôm đó Trường Lưu đang ngồi ở bàn viết chữ, con Vàng rên ư ử hai tiếng, co người rúc vào trong.

Ngoài cửa vang lên tiếng bước chân huỳnh huỵch, Hách Liên Gia Ngôn ló đầu vào gọi: "Trường Lưu, Trường Lưu."
"Gì thế?" Trường Lưu dừng bút, ngẩng đầu nhìn bạn: "Đã hẹn là cùng nhau học bài, sao cậu đến muộn vậy hả?"
"Làm gì mà quần áo bẩn hết thế kia." Trường Lưu cau mày, "Cậu lăn lộn trong xó xỉnh nào đấy."
"Ở Tây thành có ông phú thương cưới vợ, trước cửa rải tiền mừng, tôi giành được nhiều nhất!" Cậu nhóc trút mớ tiền nặng trĩu cả ống tay áo ra, "Này, chả phải cậu bảo thích con chim tước kia à, tôi đi mua với cậu."
"Ngày mai thầy khảo bài, tôi vẫn chưa học thuộc." Trường Lưu hỏi, "Cậu thuộc chưa?"
"Dù sao thầy cũng không ngó đến tôi đâu." Hách Liên Gia Ngôn bĩu môi, "Đi đi đi, tôi đi mua chim tước với cậu."
Trường Lưu không lay chuyển được Gia Ngôn, hai đứa nhóc dắt tay nhau ra cửa chơi.

Không bao lâu sau, Lục Minh Nguyệt tới tìm Gia Ngôn, biết hai cậu đi chơi rồi, thở dài bảo: "Đứa nhỏ này, chẳng có ngày nào là ở nhà."
Chị ngồi với Lý nương tử chốc lát rồi đứng dậy tạm biệt, chợt Xuân Thiên lên tiếng gọi lại: "Nương tử không phiền thì dời bước qua Tây sương phòng nói chuyện nhé."
Lục Minh Nguyên ngoái đầu cười: "Xuân Thiên cô nương có chuyện gì sao?"

Xuân Thiên rút tấm khăn dưới gối ra, đưa cho Lục Minh Nguyệt: "Muốn nhờ Lục nương tử xem giúp em cái này."
Lục Minh Nguyệt nhận lấy khăn của Xuân Thiên, "ồ" lên một tiếng.

Nhìn xa, nó trông như con côn trùng nhút nhát trốn trong lùm cỏ ở góc tường, ẩn hiện giữa đám cỏ dại là đôi mắt tròn xoe cùng nửa cánh xanh biếc, cặp râu dài và cái chân thanh mảnh.

Quả là bức tranh thêu bắt mắt sống động như vẩy nét mực tàu.

Lý Minh Nguyệt nhìn thật kỹ: "Thêu đẹp lắm."
Xuân Thiên mím môi: "Đây là khung thêu lần trước của Tiên Tiên, em cầm về tự thêu thêm..."
Lục Minh Nguyệt nhớ lại chuyện này, cẩn thận giũ tấm khăn, kinh ngạc nói: "Em sửa thực sự đẹp hơn nhiều đấy."
Mặt Xuân Thiên hơi ửng hồng, bảo: "Lấy tay nghề của nương tử, nếu đã mở miệng khen đẹp, vậy thì em cũng tin...!Hôm bữa nghe nương tử nói trời sang đông, mấy gia đình giàu có phải chuẩn bị nhiều quần áo, trong thành thiếu thợ thêu, em bèn mặt dày tự tiến cử mình.

Nếu nương tử thấy được, có thể cho em thử một lần không?"
Lục Minh Nguyệt vuốt khăn, trầm ngâm nửa buổi trời, nói: "Khoan bàn cái khác, việc này hao sức hại mắt, vết thương của em chưa lành, làm chỉ phí công tốn lực.

Hay thôi, bỏ đi em ạ."
"Cảm ơn nương tử đã lo lắng cho em, cái khác em làm không tốt, nhưng thêu mấy cái khăn tay thì không thành vấn đề." Xuân Thiên đỏ bừng mặt, ngữ khí nhẹ nhàng, như thể có nỗi niềm khó tỏ bày: "Còn hơn là chẳng làm gì, suốt ngày ăn không ngồi rồi.

Quãng thời gian em ăn cơm uống thuốc ở đây, đâu thể phí phạm tiền bạc của Lý nương tử..."
Lục Minh Nguyệt thấy nàng hơi cúi đầu, trông có phần khó xử, cân nhắc một hồi rồi cuối cùng gật đầu: "Vậy được, tôi có ít mẫu thêu, hôm khác sẽ mang cho em xem."
Xuân Thiên hành lễ đa tạ, lại ngập ngừng nói: "Mong nương tử giữ bí mật cho em, đừng để Lý nương tử biết."
Từ đó, Xuân Thiên nhận một số mối thêu, giúp Lục Minh Nguyệt thêu vài bức với các kiểu hoa văn phong phú.

Vết thương của nàng đã dần lành và bắt đầu tróc vảy, trả về làn da trắng trẻo nõn nà như lúc ban đầu.

Tháng chạp trường học cho nghỉ mười ngày, Trường Lưu không phải đến trường, tuy vậy vẫn ôn tập viết chữ hằng ngày.

Lục Minh Nguyệt không chịu nổi Gia Ngôn nghịch như quỷ, ra lệnh bắt cậu nhóc mỗi sáng dậy sớm đi qua với Trường Lưu, nhất định phải đọc sách mấy lần mới được ra ngoài chơi.

Chỉ tội cho con Vàng.

Mồng tám tháng chạp, ngày thứ bảy của tháng, Triệu đại nương rửa bếp lò, lấy từ trong vại ra ít gạo cũ, đậu đỏ, quả khô, gia vị, kết hợp với hạt thông, nấm sữa, quả hồng, hầm lửa nhỏ một đêm là đã có một nồi cháo Lạp Bát thơm phức*.

*Tết Lạp Bát là ngày Tết đầu tiên trong tháng Chạp âm lịch và là ngày khởi đầu Tết tại Trung Quốc.


Trong ngày này phần lớn mọi gia đình đều ăn cháo Lạp Bát.

Lý nương tử vừa uống thuốc xong, cơm ăn được hai miếng lại thôi, đôi mắt chan chứa dịu dàng nhìn Trường Lưu ăn cháo: "Khi nào học thuộc bài rồi thì con đi theo Triệu đại nương biếu ít cháo Lạp Bát cho hàng xóm, hỏi thăm các thím các bác các chú."
Trường Lưu gật gật: "Vâng ạ."
Lý nương tử tiếp tục dặn dò: "Hôm nay là lễ tắm Phật, anh Hoài Viễn của con bảo sẽ dẫn con với Gia Ngôn ra chùa chơi, đến mấy chỗ có xiếc ảo thuật, con nhớ nắm tay Gia Ngôn, đừng có chen chúc vào nơi đông người, rồi lại xô xô đẩy đẩy nhau.

Buổi chiều nhà sư phát cháo Phật, mỗi đứa ăn một bát, ăn xong thì đi về, mẹ ở nhà chờ con."
Trường Lưu đáp "dạ", cậu nhìn Lý nương tử, hơi dừng rồi bảo: "Để con xin một bát cháo Phật về cho mẹ nhé."
Lý nương tử lắc đầu, đưa khăn che miệng ho: "Mẹ không thích ăn, con ăn là được rồi."
Trường Lưu ngồi trên ghế vặn vẹo người, ngẩng đầu hơi lo lắng gọi: "Mẹ."
"Hả?"
"Mẹ...!con nghe thấy...!ban đêm mẹ ho."
Lý nương tử ngẩn người, dịu dàng cười: "Mẹ không sao."
Trường Lưu bẻ tay, nhìn cái bàn chằm chằm hồi lâu không lên tiếng, sau đó lại cất giọng: "Mẹ..."
"Thằng bé ngốc, mẹ vẫn khỏe lắm." Lý nương tử ôm Trường Lưu vào lòng, khẽ vỗ về cậu: "Mẹ không sao mà."
Tháng chạp, người người nhà nhà bận trước bận sau, người lớn trẻ con ai cũng vui sướng hoan hỉ.

Chợ tháng chạp năm nay so với năm rồi có vẻ náo nhiệt hơn hẳn, thức ăn hoa quả đồ sấy, áo quần trang sức bột màu, pháo hoa pháo đốt đèn lồng, múa rối Hồ ca nhạc vũ.

Trong ngõ ngoài đường tưng bừng sôi nổi, nhóm Hồ thương lấy kỳ trân dị bảo quý giá ra chào hàng.

Vì là cuối năm nên đàn bà con gái phải sắm sửa phụ kiện tô điểm đầu tóc, nha môn quân đội cũng nhiều người chuẩn bị đồ lễ đi biếu cho bên trên.

Đội ngựa lạc đà cho thịt nửa con hoẵng, mấy ngày liền Triệu đại nương làm việc không lúc nào ngơi tay.

Chẳng biết Hoài Viễn tìm được một ổ thỏ ở đâu mang tới Lý gia chơi, Tiên Tiên ghét nhất là Gia Ngôn suốt ngày kêu gào bên tai mình: "Có thịt thỏ ăn rồi! Có thịt thỏ ăn rồi!" Thế rồi cậu nhóc bắt thỏ giấu luôn vào sương phòng.

Qua mồng mười, ngoài chợ bắt đầu bày bán tranh thần giữ cửa, giấy cầu an, giấy dát vàng bạc, vàng mã, khung cửa sổ, vạn vật trong đất trời,...!hương vị ngày Tết càng ngày càng đậm.

Cách hẻm Người Mù không xa có một ngôi miếu nhỏ tên là Tế Quang Tự, tượng Phật đã cũ nát, hương khói tiêu điều, có mấy hòa thượng tuổi già sức yếu sống ở trong.

Phía sau miếu có con hẻm hẹp thanh tịnh, được gọi là hẻm Công Đức.

Hẻm Công Đức là sản nghiệp của Tế Quang Tự, các lão hòa thượng cho thuê phòng, một nửa thuê làm trường tư thục, nửa khác thì cho nhà bình thường mướn.

Lục Minh Nguyệt đã sống ở hẻm Công Đức nhiều năm, góa phụ nuôi con nhỏ, muốn ở nơi yên tĩnh tránh bị người ta nói vào nói ra.

Lại vừa ý ngôi trường tư thục gần đó, ngẫm về hiệu quả sau ba lần chuyển nhà của mẹ Mạnh Tử, chị cũng kỳ vọng Gia Ngôn được hưởng bầu không khí cần cù tiến bộ của trường học, bớt tính ham chơi.

Lúc Hách Liên Quảng về đến nhà, cổng sân đóng chặt, im lìm vắng lặng.


Người đàn ông không gõ cửa, vươn hai tay bám lên bức tường đất cao ngất, lộn người vững vàng hạ cánh xuống sân trong, tự mở cổng dắt ngựa đi vào.

Sáng sớm Gia Ngôn đã ra ngoài chơi, chỉ còn mỗi Lục Minh Nguyệt ở nhà.

Bấy giờ chị đang ngồi xếp bằng dưới cửa sổ làm quần áo, nghe ngoài sân có tiếng, tưởng Gia Ngôn về, bèn gọi: "Gia Ngôn?"
Không ai trả lời.

Thay vào đó là một tràng ngựa hí thật dài, tiếng móng ngựa nện xuống phiến đá, sau đó là tiếng bước chân vững vàng của người đàn ông, dẫu chẳng quá nặng nề nhưng lại cứ như chuông gõ vọng vào trong tai.

Không biết tại sao, tim chị bỗng dưng nhảy dựng lên, hoảng loạn đập thình thịch.

Trong sân, Hách Liên Quảng khoác tấm áo dài nỉ lấm bẩn, ngồi xổm tháo móng ngựa.

Nghe thấy có người đi ra, hắn ngẩng đầu, híp mắt nhìn chị từ trên xuống dưới.

Dáng người hắn rất cao lớn, mắt sâu mày rậm, đồng tử nhạt màu phớt xanh, đôi con ngươi chiếu vào ai là lại làm đối phương có cảm giác bị nhìn chòng chọc không chút e dè, khiến Lục Minh Nguyệt cảm thấy cả người khó chịu, xen lẫn cùng sự xấu hổ muốn chui vào xó nào đấy cho xong.

"Trong nhà còn gì ăn không?" Giọng Hách Liên Quảng ồm ồm thô ráp, hẳn là đã thúc ngựa suốt đêm để mau chóng trở về.

Lục Minh Nguyệt cụp mắt nhíu mày, hồi lâu sau mới trả lời lạnh tanh: "Trong nồi còn ít đồ ăn nguội."
Hách Liên Quảng đáp một tiếng, vỗ vỗ bàn tay bẩn, chuyển bước đi vào phòng bếp.

Trong nồi chỉ có mấy cái bánh bao khô cứng mà Gia Ngôn ăn còn thừa, Hách Liên Quảng uống miếng nước lạnh, khoanh chân ngồi ở chiếc ghế đẩu chỗ nhóm lửa, ôm cái xửng ăn ngốn nga ngốn nghiến.

Lục Minh Nguyệt đứng ngoài, cách khoảng khá xa, nhìn hắn ăn.

Một người đàn ông lớn như thế, giờ phút này lại khom người vòng chân chen trên chiếc ghế đẩu nhỏ xíu.

Chị là người Hán, sinh ở thành Cô Tô của miền Giang Nam nước xuân liên miên, lúc còn trẻ vì gia đình mang tội nên phải khăn gói chuyển hết đến Hà Tây.

Mặc dù đã sống ở vùng biên tái hơn mười năm, nhưng sâu trong xương cốt vẫn còn cái tính kén chọn đặc trưng của người Nam, gạo cần phải mịn, thịt cần phải mỏng, trà thơm vị thấm, đàn ông phải giỏi cầm kỳ thi họa, cưỡi ngựa tựa cầu nghiêng, đầy lầu áo hồng gọi*.

*Gạo cần phải mịn, thịt cẩn phải mỏng: Một trong những nguyên tắc ăn uống của Khổng Tử.

*Cưỡi ngựa tựa cầu nghiêng, đầy lầu áo hồng gọi: Trích từ "Bồ tát man kỳ 4" (Vi Trang) - Kỵ mã ỷ tà kiều, mãn lâu hồng tụ chiêu.

(còn tiếp)
*Chú thích:
.


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi