Tình yêu có thể chẳng phân biệt được phải trái đúng sai, nhưng chí ít người ta phải có hồi âm. Tôi là một công dân có cá tính tầm thường, ai đối tốt với tôi, tôi đối tốt với họ, ai phá đám tôi, tôi phá lại kẻ đó. Điều mà tôi mãi mãi không bao giờ làm được chính là lấy ơn báo oán.
Người nhà của tôi, chỉ có Vũ và Quân, không còn ai khác, không còn bất cứ người nào...
Thời Đại học, trong cột liệt kê số điện thoại liên lạc khẩn cấp, điền vào số của giáo viên Ngữ văn trung học không hề có quan hệ huyết thống, chỉ duy nhất mình tôi. Phụ đạo viên sau khi lướt qua tờ sơ yếu lý lịch, hết sức kinh ngạc hỏi:
"Thẩm Hi, tại sao em không điền số di động của ba mẹ?"
"Em chỉ có mỗi số của cô ấy." Lòng lại nghĩ: "Chỉ có nàng quan tâm đến tôi. Nếu thật sự xảy ra điều bất trắc, tôi cũng chỉ mong ở giây phút cuối cùng của cuộc đời, người mình được trông thấy là nàng."
Đang nghĩ ngợi vu vơ, con bé Quân đứng mé bên kia bỗng ngoắc tôi, ré gọi tôi mau đi nhanh một chút:
"Tiện Tiện, Tiện Tiện à, dì mau đến đây!"
Quay sang bà xã, nàng đang nhìn tôi với chút âu lo. Thấy tôi nhìn lại, nàng lập tức giấu đi nét sầu muộn và nở một nụ cười sáng lạn tặng cho tôi.
Đến bên nàng, hai đứa không hẹn cùng dõi về con nhóc đang nhảy chân sáo rộn ràng đằng trước. Nàng bình thản nói:
"Hi, có em ở đây."
"Ừ, Hi biết, Hi cũng sẽ luôn luôn ở bên em."
***
Căn cứ dã chiến không thể không khiến tôi cảm tưởng một tí, chỗ này quả bự thiệt. Chỉ dựa vào chiếc xe "căng hải", e là lội cả một ngày một đêm cũng không thể rảo hết một vòng. Ba người thuê cái xe đạp chở ba. Quân còn nhỏ, chân thì ngắn, căn bản không rướn tới được cái pedal. Dọc đường con bé luôn bĩu môi tỏ vẻ không hài lòng, còn lên giọng chỉ huy tôi với Vũ:
"Nhanh lên nhanh lên! Tiện Tiện rẽ trái kìa... Má mi không được lười biếng..."
Rốt cục dưới sự chỉ huy lung tung beng của nó, tôi bị lạc.
Vũ hậm hực oán trách bảo:
"Em không đạp nữa, đều tại Hi hết đó. Coi đường xá kiểu gì không biết."
"Sợ cái gì? Dù sao Trái Đất vẫn tròn..." Chưa nói xong, lưng tôi đã bị dính chưởng, đau ơi là đau, đau mà không dám rên, chỉ có thể nhe răng nhếch miệng trình diễn động tác uốn éo không tiếng động.
Con nít đúng là con nít, bất cứ lúc nào cũng có thể bị sự vật sự việc khác dậy lên hứng thú. Tôi cùng Vũ ở chỗ này đấu kungfu cự nự, Quân thì đã hướng sự chú ý của nó về mấy thằng bé đang trượt patanh bên kia.
Chờ tôi với Vũ nghiên cứu bản đồ kỹ lưỡng xong và gọi con bé: "Quân, chúng ta đi thôi."
Thì con bé: "Tiện Tiện, con muốn chơi cái đấy..."
Theo hướng ngón tay của nó, tôi bắt gặp mấy đôi giày trượt. Lúc còn ở Anh quốc, trò tôi chơi nhiều nhất chính là truợt patanh và trượt ván. Con nít ở đó toàn là bọn không chịu ngồi yên, chẳng những tụi nó biết chơi trượt ván, mà còn chơi điêu luyện là đằng khác. Môn thể thao ưa thích của tôi là Parkour, dĩ nhiên tôi chỉ có thể chơi ở cấp dễ, chứ cấp khó thì bay không nổi. Hồi nhỏ mỗi ngày tôi đều đi cùng thằng bạn hàng xóm đến sân vận động phụ cận xem mấy anh da đen vượt nóc băng tường.
Vũ trở nên bối rối. Biết nàng không thích môn này, tôi liền mở miệng hỏi:
"Vũ, Hi biết trượt patanh, Hi có thể dạy Quân, em muốn chơi cùng không?"
Vũ vừa nghe tới đây, tức thì thở phào, rồi xua tay đáp:
"Thôi, em làm khán giả được rồi."
"Đi mà, má mi chơi cùng đi nha?" Con nhóc bốn tuổi có thứ làm cho người ta nhức đầu, chính là phương diện nó có thể đem một câu lại nhại lãi nhãi không biết mệt mỏi. Vũ nói không chơi, nó liền bắt đầu léo nhéo như cái máy cassette bật nút lặp lại câu nói:
"Má mi, chơi đi. Cùng chơi đi mà..."
Vũ cuối cùng chịu thua, hơi bất lực liếc tôi tìm kiếm chút động viên. Tôi vốn đang cố gắng nhịn cười, nhưng trông thấy vẻ mặt vô tội của nàng, phụt cái ôm bụng cười bò lăn bò lết.
Có lẽ là sống chung với Quân một thời gian dài, sau khi chứng kiến sự hể hả của tôi, Vũ cư nhiên giậm chân tức tối hét lên:
"Hứ!!!! Thẩm Hi! Em ghét Hi, em không chơi với Hi nữa!"
Vũ lớn từng ngần này, vậy mà rất nhiều thời điểm tôi thấy nàng giống như đứa trẻ, một đứa trẻ chưa lớn cần sự quan tâm, trân trọng, đau xót và bảo vệ của tôi.
Tôi hì hụi giúp đỡ hai đứa trẻ một lớn một nhỏ mang giày. Vũ ngồi ịch dưới đất suốt, nói gì cũng không chịu đứng lên. Nàng thoáng xấu hổ nói với tôi và Quân:
"Hai người chơi trước đi, em ngồi đây một lát."
"......" Tôi với Quân nhìn nhau vài giây, sau đó cười nắc nẻ.
Xem chừng Vũ bị hai dì cháu chúng tôi cười đến quẫn bách, tôi tiến lên giúp nàng đứng dậy, rồi dẫn hai mẹ con ra bãi cỏ. Sau khi gia tăng chút ít lực ma sát hỗ trợ dưới chân, một lớn một nhỏ đeo giày trượt sôi nổi tí tởn chạy loạn.
"Hai người không biết nề nếp là gì hả, mau về ngay cho tôi!" Tôi bắt chước giọng điệu giáo huấn thường ngày của Vũ réo hai mẹ con.
"Dạ." Vũ bị tôi rống, bèn ngoan ngoãn kéo Quân chạy lại trình diện tôi. Xem bộ dạng cúi đầu như con nít của nàng kìa, thật là khiến cho người ta trìu mến.
Và tôi bắt đầu bài giảng những động tác cơ bản trên sân, giảng xong hí hửng hỏi:
"Hai mẹ con ai muốn thử trước?"
Liếc liếc Quân một cái, con bé hình như có chút bỡ ngỡ, nó núp sau lưng Vũ, im re.
"Em thử trước nha..." Vũ cũng phát hiện sự dao động của Quân, liền chủ động yêu cầu. Dìu nàng ra sân xi măng, nàng chợt thì thào vào tai tôi: "Hi, cho dù em có ngã xuống, Hi cũng đừng đến đỡ em."
Tôi vừa nghe nàng dặn, vừa ngẫm nghĩ dụng ý câu đó là gì, một cái bất cẩn quên đỡ, Vũ ngay lập tức lảo đảo ngã rầm xuống.
"TRỜI! EM XEM EM..." Vũ ngã cú này không nhẹ chút nào, tôi vừa đau lòng, vừa la toáng lên, vừa muốn chạy lại đỡ nàng.
"Đừng! Hi đừng đỡ em, để em tự mình đứng lên." Vũ biết ý tôi, nàng vội vàng đẩy tôi ra, gắng gượng chống người đứng dậy.
Vũ liên tục ngã thêm mấy cú nữa, cuối cùng có thể miễn cưỡng trụ vững. Tới phiên Quân ra sân, Vũ đã mệt lả, ngồi nghỉ ngoài bãi cỏ. Quân cũng bị ngã, nhưng sau đó con bé luôn cố chấp không cần tôi đỡ. Lúc ấy tôi mới bừng tỉnh, vì sao lần này Vũ lại quật cường đến thế.
Mỗi một lần tận mắt nhìn thấy Vũ hết lần này đến lần khác chẳng ngại đổ biết bao tâm tư, nghị lực, nhẫn nại để dạy dỗ bé Quân là mỗi một lần cảm xúc của tôi dường như trộn lẫn. Đồng dạng là người làm cha mẹ......
Phải, tôi biết: Mỗi người là một dòng sông...