XUYÊN THÀNH THÁI TỬ PHI BỊ MẤT NƯỚC

Thái tử hỏi xong, Tần Tranh chần chừ không trả lời y cũng không thúc giục. Cứ thế một người ngồi xổm một người đứng dựa vào gốc cây, bốn  mắt nhìn nhau. Mỗi khi gió thổi qua, hoa lê trên cành rơi lả tả. Không biết do gió làm hoa mắt hay hoa làm tim rối bời…

“A Tranh tỷ tỷ, tỷ rửa mặt xong chưa, ăn cơm thôi!”

Lúc Lâm Chiêu đến gọi họ ăn cơm thì nhìn thấy hình ảnh này. Tuy vẫn còn thành kiến với thái tử nhưng cũng bị khung cảnh này làm sững sờ.

Tần Tranh vô cùng cảm kích Lâm Chiêu vì đã đến đúng lúc. Cô vén những sợi tóc sót lại ra sau tai, vội đứng dậy đi ra ngoài. “Rửa xong rồi, đang định qua ngay đây.”

Thái tử nhìn theo bóng dáng gần như bỏ chạy trối chết của cô, đôi mắt trong trẻo trở nên sâu thẳm không thấy đáy.

——

Người trong sơn trại cần đủ sức để làm việc nặng nên không thích ăn cháo lắm. Nhà bếp làm món cơm hấp trong xửng, có lẽ vì muốn đãi khách nên còn cố ý hầm thêm thịt heo, ngoài ra còn có một có một thố đậu tằm xào rau lang thật to nữa.

Đám trai tráng canh gác ngoài sân hôm qua mỗi người bưng một cái tô to, lấy cơm xong thì qua chỗ cái thố lấy rau xào, chất thành đống cao lên ngang mặt.

Tần Tranh thấy Lâm Chiêu cũng ăn thế nên không ngại ngùng nữa, cầm cái chén đi lấy cơm và rau cho mình. Tuy nhiên vì cô ăn ít mà bên cạnh xửng cơm chỉ có chồng tô to nên phần cơm mà cô lấy trông thật ít ỏi dưới đáy tô.

Thịt mang đi hầm toàn là thịt mỡ, mỗi miếng cắt dày bằng đầu ngón tay, mì xào chung lại ít nên trông bóng loáng. Đám trai tráng trại đông thích nhất món này, ai nấy ăn miệng mồm bóng nhẫy, Tần Tranh thì lại không dám động đũa, chỉ múc nửa muỗng đậu tằm và dùng đũa gắp ít rau lang thôi.

Chút thức ăn ấy bỏ trong tô to nên trông càng ít đến thảm thương.

Lâm Chiêu thấy vậy thì cau mày, dùng đũa công gắp hai miếng thịt mỡ to ngồn ngộn, bóng nhẫy cho vào tô của Tần Tranh. “Sao A Tranh tỷ tỷ ăn còn ít hơn mèo trong trại bọn muội thế, thảo nào mà gầy như vậy. Tỷ ăn nhiều thịt vào!”

Tần Tranh nhìn hai miếng thịt mỡ béo ngậy, lòng đau khổ thét gào.

Nhìn đôi mắt chân thành của Lâm Chiêu, cô không nỡ làm phật ý nói thẳng mình không ăn được thịt mỡ nên chỉ ậm ờ bảo: “Đủ rồi, nếu ta ăn không hết lại lãng phí lương thực.”

Thời buổi loạn lạc, lương thực còn quý hơn vàng, người trong sơn trại còn được ăn miếng thịt chứ dưới núi dân chạy nạn chết đói đầy đường, nếu không đã không có nhiều nông dân đi làm cướp vì không sống nổi thế này.

Lâm Chiêu nghe nói thế thì không gắp thêm cho cô nữa, tuy nhiên ánh mắt nhìn Lâm Chiêu thì có vẻ đầy thương hại, giống như người nông dân nhìn cây hoa màu héo hon không lớn nổi trong ruộng nhà mình vậy.

Tần Tranh trộn thức ăn và cơm lại, ăn từ tốn. Hai miếng thịt mỡ kia bị cô gạt sang một bên, không hề đụng tới.

Trước mặt Lâm Chiêu và bao nhiêu người, cô không thể vứt hai miếng thịt kia đi. Tuy cô không thích ăn thịt mỡ nhưng đối với người trong sơn trại, thịt mỡ rất đáng quý. Họ đã dùng loại thịt mình quý nhất để chiêu đãi cô, cô vứt thịt đi chẳng những chà đạp lên tấm lòng của họ mà còn làm họ để bụng.

Nhưng mà… cô thật sự không thể nuốt trôi hai miếng thịt béo ngậy đầy mỡ này được!

Tần Tranh tìm một cái cớ, bưng tô đi ra ngoài, muốn né tránh ánh mắt của Lâm Chiêu gắp hai miếng thịt ấy cho người hầu trong trại ăn.

Người trong trại đều là con nhà nghèo khổ, sẽ không để ý những chuyện này, gắp thức ăn trong chén của nhau là chuyện thường.

Trước đó Tần Tranh nhìn thấy đại nương làm bếp và người hầu nhìn chằm chằm vào thố thịt nhưng lại không động đũa, chỉ gắp ít rau. Họ biết đàn ông trai tráng trong trại phải ra ngoài liều mạng nên đều nhường thịt cho những người đó.

Nhưng Tần Tranh đi một vòng mà chỉ thấy đám trai tráng kẻ đứng người ngồi, bưng cái tô to cắm đầu ăn cơm, không nhìn thấy người hầu bưng nước ấm cho cô rửa mặt khi nãy đâu. Tuy nhiên ngay cửa ra vào, cô lại gặp được thái tử cũng đang bưng cái tô to ăn cơm.

Có lẽ tô cơm của y là do người trong trại lấy nên phần thịt bên trên chất cả nửa tô. Nhìn vào mắt thái tử, Tần Tranh không còn cảm thấy đau khổ như lúc nãy nữa, chỉ thấy vô cùng đồng cảm với y.

Vị thái tử lớn lên trong chốn lầu son này đã quen ăn sơn hào hải vị, chắc chắn không thể nào nuốt được thứ thịt mỡ béo ngậy thế này.

Vương Bưu đứng bên cạnh, dường như đang nói gì đó với thái tử. Thấy y không trả lời, hắn cũng nhìn theo ánh mắt của y. Thấy Tần Tranh, hắn gật đầu chào hỏi rồi thức thời bưng tô đi nơi khác. “Ta vào bếp lấy thêm cơm.”

Tần Tranh đi tới, liếc nhìn cái tô to trên tay thái tử, môi nhếch lên vì không kiềm chế được nỗi vui sướng khi người khác gặp “tai họa”, định nói với thái tử là không ăn được thì có thể cho các huynh đệ trong trại ăn.

Không ngờ thái tử lại nhìn hai miếng thịt mỡ cô gạt sang gần thành tô, sau đó thò đũa qua gắp một cách rất tự nhiên.

Tần Tranh thấy thái tử thò đũa gắp thịt cho vào tô của mình, đầu óc đơ ra trong vài giây mới hỏi với giọng nghi hoặc: “Cái này… người ăn à?”

Thái tử khẽ liếc cô một cái. “Nàng muốn ăn?”

Tần Tranh lắc đầu lia lịa như cái trống bỏi.

Thái tử không nói gì nữa, chỉ cúi đầu lùa cơm vào miệng.

Rõ ràng là một động tác khá thô lỗ, khi y thực hiện thì cũng không đẹp mắt gì nhưng Tần Tranh bỗng dưng có cảm giác đằng sau bề ngoài thanh tao của một công tử thế gia chính là một vị tướng rong ruổi sa trường.

Y có thể thích nghi với mọi thứ nhanh hơn cô nghĩ, cũng có thể chịu khổ, không hề ra vẻ mình là một hoàng thái tử.

Tần Tranh nhìn y đến ngẩn người.

Thái tử dừng lại, nhìn cô. “Gì thế?”

Tần Tranh lắc đầu, im lặng ăn phần cơm còn lại trong tô rồi bưng cái tô không trở vào trong bếp. Gần đến nơi thì thính tai nghe được mấy người đang ngồi xổm ăn cơm ngay vách tường bàn tán: “Trình phu nhân thật tốt với quân sư, thịt trong chén mình không nỡ ăn mà còn cố tình mang cho ngài ấy ăn. Sau này ông đây cưới thê tử cũng phải tìm một người như thế.”

“Thôi đi, cũng không soi gương nhìn lại mình xem. Quân sư người ta thanh tao nho nhã, văn võ song toàn, còn bộ dạng của huynh thì cô nương nào thèm nhìn tới chứ.”

Đám trai tráng cười ầm lên.

Tần Tranh lẳng lặng nhìn cái tô không của mình. Thật là một sự hiểu lầm tốt đẹp.

Lúc cô vào bếp cất chén đũa, Lâm Chiêu đã ăn xong và ra ngoài, Hỉ Thước thì ở trong đó giúp đại nương làm bếp thu dọn chén đũa.

Tần Tranh hỏi: “A Chiêu đâu?”

Hỉ Thước đáp: “Sáng nay thức dậy thấy mây đỏ đầy trời, chắc hẳn trong mấy ngày này sẽ có mưa nên đại tiểu thư đi tìm trại chủ nói chuyện lợp nhà.”

Tần Tranh không hiểu. “Lợp nhà?”

Hỉ Thước đáp: “Mấy năm nay chiến tranh loạn lạc, ngày càng có nhiều người đến nương nhờ Kỳ Vân Trại, nhà ngói không xây đủ phải dựng thêm nhà lá. Trời nắng còn đỡ, mưa cái là bên ngoài mưa to, trong nhà mưa nhỏ. Nếu có gió lớn thì có khi tốc cả mái nhà lên.”

Đại nương trong bếp nói thêm. “Đúng vậy. Nhưng một số nhà ngói trong trại xây cũng đã nhiều năm, có nhiều khe hở, bị dột thì cũng không khá hơn nhà tranh bao nhiêu.”

Tần Tranh cau mày hỏi: “Có bao nhiêu hộ cần phải gia cố nhà cửa? Kịp không?”

Đại nương làm bếp thở dài một hơi. “Nhà nào cũng có vấn đề hết, không ít thì nhiều. Vấn đề nhỏ thì trong nhà tự sửa chữa, chờ mưa tạnh là không sao. Còn như nhà Khang bà tử, con trai bà ấy chết ở bên ngoài, trong nhà không có đàn ông, nhà dột nát vô cùng, những việc như leo trèo lợp nhà một bà lão sao có thể làm được. Cũng may trại chủ và đại tiểu thư tốt bụng, rất chăm sóc cho người nhà của các huynh đệ đã mất chứ nếu không cả nhà bà ấy không biết sống sao.”

Vừa nói, bà ta vừa không ngừng lắc đầu.

Tần Tranh nghe thế lòng không khỏi thấy nặng trĩu. Thời buổi này, lên núi là cướp còn sống nhọc nhằn như vậy thì bách tính chạy nạn dưới núi còn thế nào nữa không biết.

Tần Tranh nói với Hỉ Thước: “Dù gì ta cũng nhàn rỗi, lát nữa sẽ theo mọi người cùng đi lợp nhà vậy.”

Hỉ Thước hơi do dự. “Làm sao được…”

Tần Tranh ngắt lời nàng ta. “Em nói với Lâm Chiêu một tiếng là được.”

Lâm Chiêu biết cô hiểu về công trình xây dựng, cô qua đó nói không chừng có thể giúp được gì nên chắc chắn Lâm Chiêu sẽ đồng ý.

Chuyện cứ thế được định đoạt. Lúc đợi Lâm Chiêu, Tần Tranh cũng ở trong bếp giúp một tay.

Đám trai tráng bên ngoài ăn xong bèn áp giải mấy người trại tây đột nhập vào trại đông đêm qua sang bên kia đòi một lời giải thích. Lâm Nghiêu bị thương nên lần này thái tử và Vương Bưu dẫn đầu.

Đại nương làm bếp nghĩ tới thương thế trên người huynh muội Lâm Nghiêu là lại mắng người trại tây không tiếc lời. Bà vừa dùng xơ mướp rửa chén vừa nói: “Sáng nay tôi thấy mắt con bé Lâm Chiêu thâm hết lại, chắc chắn là đêm qua lo cho trại chủ nên không ngủ được.”

Hỉ Thước gãi đầu, nói: “Con thấy đêm qua đại tiểu thư ngủ ngon lắm mà.”

Đại nương ngạc nhiên hỏi: “Hôm qua đại tiểu thư ngủ chung với con à?”

Hỉ Thước gật đầu đáp: “Nửa đêm mò sang.”

Tần Tranh đang ngồi gần bếp lò để chụm lửa: “…”

Cô biết sao nửa đêm Lâm Chiêu sang phòng Hỉ Thước ngủ rồi.

Cô vốn định hôm nay về sẽ ngủ chung với Lư thẩm, bây giờ xem ra nên từ bỏ suy nghĩ này. Lư thẩm cũng có tuổi rồi, cô vừa giành chăn, tướng ngủ lại không tốt, dằn vặt người ta sinh bệnh thì tội lỗi lắm.

Lâm Chiêu bàn bạc với Lâm Nghiêu xong, nghe nói Tần Tranh muốn đi lợp nhà cùng thì lập tức đồng ý ngay.

Vì đường đến nhà Khang bà tử đi ngang qua nhà Tần Tranh, cô nghĩ tới việc tối nay phải chung giường với thái tử nữa nên tìm một lý do, nói tối lạnh để mượn Lâm Chiêu một cái chăn, định về ngang nhà cất.

Lâm Chiêu sợ Tần Tranh lạnh nên định lấy cái chăn dày đắp vào màu đông cho cô dùng. Tần Tranh cảm thấy một khi đắp cái chăn này chắc thái tử không còn chỗ ngủ nữa nên chọn một cái mỏng hơn.

Lâm Chiêu khó hiểu: “Cái chăn này mỏng như chăn nhà A Tranh tỷ tỷ, e là tối vẫn lạnh như cũ.”

Tần Tranh đáp: “Ta mang về đắp chồng lên, như thế là đủ dày rồi.”

Thần sắc Lâm Chiêu càng trở nên kỳ lạ. “Đắp chồng hai cái chăn? Trời này mà đắp vậy chắc toát mồ hôi mất. Có phải tướng công của tỷ đang bị thương nên sợ lạnh không?”

Tần Tranh đang rầu vì không có lý do, nghe Lâm Chiêu nói thế thì vội gật đầu. “Tướng công của ta đúng là hơi sợ lạnh.”

Lâm Chiêu cả kinh. “Người huynh ấy yếu thế ư? Thảo nào bị thương là không chạm vào tỷ nữa.”

Tần Tranh: “…”

Những lời này nhất định không thể để thái tử biết.

—–

Thái tử – lúc này vừa đặt chân đến trại tây – hoàn toàn không biết mình lại bị bôi đen thêm lần nữa.

Lần này trại đông kéo hết lực lượng gồm bốn năm mươi người sang, hung hăng dàn hàng đứng trước cửa trại tây trông khá dọa người. Họ áp giải mười mấy người của trại tây – ai nấy đều bị đánh đến nỗi mặt sưng thành đầu heo.

Người canh gác trước cửa trại tây thấy tình thế không ổn nên không dám mở cửa.

Một tiểu lâu la hỏi Vương Bưu: “Vương… Vương đầu lĩnh, các huynh làm gì thế?”

Vương Bưu đạp mạnh vào đầu gối của một người bên trại tây, làm người kia phải quỳ xuống. Hắn cười lạnh, bảo: “Đám phản đồ này cấu kết với thủy tặc, cướp thuyền hàng của trại đông ta. Gọi nhị đương gia và thằng con chó chết của ông ta ra đây!”

Tên tiểu lâu la trại tây không dám rề rà, lập tức chạy vào trong trại bẩm báo với nhị đương gia. Những người trung thành với Ngô Khiếu cũng âm thầm báo tin cho gã.

Trời âm u, gió cũng đã nổi lên mang theo hơi lạnh, mưa gió sắp kéo đến.

Một lát sau bèn thấy nhị đương gia dần đầu một đám người vội vàng đi về phía cửa trại tây, tuy nhiên lại không thấy Ngô Khiếu đâu.

Nhị đương gia ra hiệu, tiểu lâu la mới mở cửa ra.

Nhị đương gia dẫn mười mấy người đi ra cửa trại. Khuôn mặt ông ta gầy gò hệt như một quả táo còn chưa khô hẳn. Ông ta đưa mắt nhìn mười mấy người bên trại tây, đanh mặt hỏi: “Có chuyện gì thế này?”

Vương Bưu cười mỉa mai. “Lúc này rồi mà nhị đương gia còn giả vờ giả vịt à?”

Hắn lại đá người lúc nãy thêm một cái, đến khi người kia quỳ không vững nữa mới thôi. “Nói lại cho nhị đương gia nghe những lời các ngươi đã khai đêm qua.”

Tên tiểu lâu la bị trói chỉ nghe lệnh làm việc, bây giờ thấy tình hình đã đến nước này, hôm qua lại bị ăn một trận đòn nhừ tử nên lập tức khai hết tất cả. “Tối qua Ngô đại ca nghe nói trại đông định dở hàng trên thuyền lên núi nên đã sai người đánh thuốc mê mấy huynh đệ trại đông trông coi hang Yến, thả bọn thủy tặc vào lưu vực Lưỡng Yến Sơn.”

Sắc mặt của nhị đương gia lập tức trở nên rất khó coi.

Vương Bưu lại đá mạnh một cái vào bụng tên tiểu lâu la kia, đau đến nỗi hắn co quắp người lại như một con sâu.

Vương Bưu hung tợn nói: “Ta nhớ trưa hôm qua lúc đại ca bị thương, cũng chính mấy người các ngươi cùng trông coi hang Yến với các huynh đệ trại đông. Ban ngày thả thuyền của bọn thủy tặc vào Lưỡng Yến Sơn cũng do các người giỏ trò đúng không?”

Nhị đương gia nghe thế, ánh mắt có vẻ né tránh. Ông ta quát lớn: “Đủ rồi, gọi Ngô Khiếu đến đây cho ta!”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi