YÊU LẠI TỪ ĐẦU

Giang Đào về trường lúc trời đã sụp tối, khuôn mặt tê tái trong làn gió đêm, lòng chất chứa xiết bao hoang mang. Băng qua con đường dài trong trường, anh ngoái trông những tòa nhà dạy học mọc lên san sát, lướt qua căng-tin số Hai, vòng qua tòa nhà Tổng hợp, dừng chân trước ký túc xá của mình. Những ô cửa sổ liền kề sáng rực ánh đèn, áo quần phơi ngoài ban công phất phơ trong gió.

Không hiểu máy tính phòng nào đang cất cao lời ca:

Muốn dành tặng anh, bài ca anh hát

Sẵn đây tuổi trẻ như hoa

Xin đóa hoa bung mình nở rộ

Trổ lên năm tháng của em, cành lá của anh

Ai có thể thay thế em?

Sẵn đây thanh xuân, xin hãy dốc lòng yêu thương

Ơi người yêu dấu.

Mình hãy bên nhau trên con đường dài…

Không gian âm vang khúc nhạc trữ tình sâu lắng, ngân vọng lời ca uyển chuyển mượt mà.

Giang Đào đứng đó mà thần hồn ngẩn ngơ, bỗng sực nhớ tình cảnh hồi chiều, Phương Bỉnh Sơn tìm anh nói chuyện. Mắt vẫn nhìn chăm chú, bàn tay ông khẽ đẩy tấm thẻ ngân hàng và bản thỏa thuận về phía anh. Bên tai dường như hẵng vang vọng lời ông nói:

- Chỉ cần cậu chấp nhận những thứ này, tôi sẽ đồng ý cho phép cậu và Phương Nghiên yêu nhau. Đừng vì Phương Nghiên yêu cậu, mà bắt con bé phải bỏ cả tuổi xuân tươi đẹp của mình ra, để làm vật trang trí cho cuộc đời huyền thoại của cậu.

Giai điệu cứ mãi ngân nga, nghe du dương thấy rõ trong màn đêm thanh vắng. Ánh đèn hắt hiu không đủ soi tỏ nét mặt anh, chỉ thấy bóng hình anh rắn rỏi, đơn độc, thẫn thờ đứng đó. Mãi tới khi Phương Nghiên hớn hở chạy lại, vỗ vai anh:

- Giang Đào, cả chiều nay anh đi đâu thế? Em không thấy anh đâu, lo muốn chết.

Chất giọng cô tươi vui, ngây ngô như trẻ nhỏ. Trên gương mặt cô là vẻ phụng phịu đáng yêu, cùng ánh mất dạt dào biết bao âu yếm. Trước thần thái tươi tỉnh của cô, anh nghe lòng thêm ấm áp, nhưng cũng là lúc hạnh phúc lẫn niềm đau gọi nhau ùa về. Hai bàn tay anh áp lên má cô. Làn da Phương Nghiên mịn màng, trơn láng như trẻ nhỏ. Nhìn cô mà cảm xúc trong anh không sao nén được. Giang Đào vươn tay, ôm ghì cô vào lòng một cách mãnh liệt, dường như Phương Nghiên chính là điều không thể đánh mất trong cuộc đời anh. Tình cảm nồng nàn không từ ngữ nào có thể diễn tả như dòng suối rầm rì bắt nguồn từ Giang Đào, nhẹ nhàng lách vào trái tim Phương Nghiên.

Giang Đào là người từng trải, vui buồn ít khi thể hiện ra nét mặt. Nhận thấy sự khác thường của anh, Phương Nghiên bèn thỏ thẻ hỏi:

- Giang Đào, anh sao thế? Hay xảy ra chuyện gì rồi?

Thấy được nỗi bất an và sự quan tâm trong mắt cô, anh liền bật cười, lắc đầu nói:

- Không, là bởi nhớ em đó mà.

Phương Nghiên nghe mà lòng ngọt ngào như rót mật, cô mới nhoẻn cười thật tươi.

Cho đến về sau, Giang Đào vẫn cương quyết từ chối lời đề nghị của ba Phương Nghiên. Đối mặt với sự hăm dọa của ông, anh chỉ một mực im lặng, quật cường và kiên trì với sự quyết định của mình. Phương Bỉnh Sơn không lấy làm bất ngờ, dường như đây chính là kết quả mà ông dự đoán từ đầu. Ông chỉ nói đơn giản rằng:

- Giang Đào, tôi từng cho cậu cơ hội, nhưng chính cậu từ chối nó.

Trước một Phương Bỉnh Sơn oai phong, Giang Đào không hề tỏ ra sợ hãi:

- Tuy bác là cha của Phương Nghiên, nhưng chấp nhận cháu hay không, Phương Nghiên mới là người quyết định.

Phương Bỉnh Sơn ngẩng đầu, đánh giá lại chàng thanh niên trước mặt mình, người đã khiến con gái ông si mê như điếu đổ. Cậu ta có ánh nhìn cương nghị hiển hiện trên gương mặt ưa nhìn, một dáng vẻ đĩnh đạc, một tài hoa hơn người, cùng lòng tự trọng cao ngút ngàn. Đối diện với sự uy phong lẫm liệt của ông, cậu ta vẫn bướng bỉnh giữ vững nguyên tắc của mình. Có những khoảnh khắc, Phương Bỉnh Sơn thậm chí đã giật mình thoảng thốt nhìn vào Giang Đào. Bỗng đâu nhớ lại chính mình thời trai trẻ, nhớ lại dung nhan chưa từng tàn phai, mãi khắc ghi trong tim mình. Nhưng rất chóng vánh, Phương Bỉnh Sơn đã khôi phục dáng vẻ thường tình, chỉ vào Giang Đào mà nói:

- Bất kể phải dùng đến cách gì, tôi nhất định sẽ ngăn cản cậu và Phương Nghiên đến với nhau.

Dứt lời, Phương Bỉnh Sơn liền ngoảnh mặt bỏ đi. Khi tài xế đã đưa ông rời xa, Phương Bỉnh Sơn vẫn thấy Giang Đào đứng chôn chân tại chỗ. Từ góc độ đang ngồi, chàng trai trẻ đứng dưới nắng trong tư thế hiên ngang bất khuất như thu cả vào mắt ông. Phương Bỉnh Sơn đăm đăm dõi theo bóng dáng cậu ta qua gương chiếu hậu, mãi khi chiếc xe tăng tốc, bóng Giang Đào vuột khỏi tầm nhìn, ông mới ngã người xuống lưng ghế. Tự thâm tâm mình, ông dành cho Giang Đào một sự ngưỡng mộ, có thể không hẳn là ngưỡng mộ, mà chỉ bởi nỗi hoài niệm, hoài niệm năm tháng vụt trôi.

Ngày lại trôi đi, những tưởng song yên bể lặng, chẳng mấy mà Giang Đào sắp tốt nghiệp. Trong khi đa số bạn bè cùng khóa đều tìm được việc làm, thì chàng sinh viên ưu tú như Giang Đào lại bị khước từ hết lần này đến lần khác. Mọi sơ yếu lý lịch gửi đi chỉ như ném đá ao bèo, bặt vô âm tín. Dù có được cơ hội phỏng vấn, nhưng “không thể tuyển dụng” luôn là kết quả sau cùng mà anh nhận được. Trước ánh mắt thông cảm của nhà tuyển dụng, anh hiểu Phương Bỉnh Sơn đã sắp xếp mọi chuyện. Không một mảy may oán trách, Giang Đào vẫn lịch sự cáo từ người phỏng vấn.

Bắt chuyến xe bus ra về, nhìn những cửa hiệu liền kề mọc lên hai bên đường, những giai điệu mời chào đinh tai nhức óc, ngân vang khắp phố. Nhân viên xếp hàng trước cửa mỗi tiệm, vừa hùng hổ vỗ tay như thể vào trận, vừa hô vang gì đó. Người tấp nập ngược xuôi như dòng sông chảy xiết. Giang Đào nhớ tới Phương Nghiên, hẳn cô đang đứng trước cổng ký túc xá, nóng lòng đợi anh, ngóng tin tức tốt lành anh mang về. Cô chưa một lần trực tiếp hỏi anh kết quả phỏng vấn, chỉ kín đáo quan sát sắc mặt anh, hòng phỏng đoán kết quả.

Trông dáng vẻ mệt mỏi của anh, lòng cô đã phần nào đoán ra kết quả. Tuy không khỏi hụt hẫng, nhưng ngoài mặt vẫn tươi tỉnh, chạy tới níu tay Giang Đào:

- Đường xa, anh đi có mệt không? Chúng mình đi ăn cơm đi. Vẫn bánh bao ngoài cổng Tây nhé.

Giang Đào nhìn cô trìu mến, gật đầu bảo:

- Để anh đi cất đồ đạc đã.

Phương Nghiên gật đầu rồi theo chân Giang Đào vào ký túc xá. Giang Đào đặt sơ yếu lý lịch lên bàn, nhấc bình, rót nước uống. Phương Nghiên tranh thủ nhấc tập hồ sơ của anh lên xem, tỉ mẩn từng hàng chữ, chỉ sợ trong sơ yếu lý lịch có điều gì đó sơ sẩy khiến Giang Đào khó tìm việc. Vừa đọc, cô vừa nói:

- Giang Đào này, hay là chúng mình cùng xem, có thể trong sơ yếu lý lịch có gì đó khiến anh khó tìm việc chăng.

Nghe cô nói, Giang Đào cũng ngồi xuống bên cạnh, đáp:

- Ừ, được.

Hai người cùng lên tiếng thảo luận, đang nói sôi nổi, bỗng bạn cùng phòng với Giang Đào về. Công ăn việc làm của gã bạn đã tạm ổn định, nom Giang Đào và Phương Nghiên tập trung trao đổi vẫn để bụng vụ cãi vã với Giang Đào, gã bạn liền nhếch miệng cười, nửa đùa nửa thật nói:

- Ơ, Giang Đào, cậu vẫn chưa kiếm được việc à? Làm gì đến nỗi hả, môn nào của cậu chả đạt điểm giỏi, lại được bằng kép, tên tuổi của cậu lẫy lừng học viện, mấy ai là không biết. Bằng không, Phương Nghiên đã chẳng đế ý cậu.

Nói rồi, gã ta liền nhìn Phương Nghiên lẫn Giang Đào, cười nhạt, tiếp lời:

- Giang Đào này, cậu chưa tìm được việc thật đấy à? Chẳng phải công ty của ba Phương Nghiên luôn sẵn chỗ cho cậu chọn đấy thôi.

Nói đoạn, gã quay sang nhìn Phương Nghiên, hỏi:

- Phải không, Phương Nghiên?

Những lời gã nói khiến Phương Nghiên hóa sững sờ, song chỉ thoáng liếc nhìn gã kia, mà không hé lời. Cô bảo Giang Đào:

- Chúng mình đi ăn cơm nhé.

Giang Đào gật gù, đoạn đứng dậy bỏ đi. Từ ký túc xá đi ra, hai người không một ai lên tiếng mở lời, cứ trầm lặng bước đi. Giờ lâu, Giang Đào mới hỏi:

- Phương Ngiên, giả sử anh không bao giờ kiếm được việc làm thì sao?

Phương Nghiên nghệt mặt trong chốc lát, nhưng rất nhanh đã chúm chím cười nụ. Cô nhìn Giang Đào, tay nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc anh:

- Không tìm được thì em sẽ theo anh đi bán bánh bao, chúng mình đã hẹn nhau rồi còn gì.

Giọng điệu cô bình tĩnh đi cùng ánh mắt rất mực dịu dàng. Khi nhìn vào cặp mắt đen lay láy đang phản chiếu bóng hình mình, Giang Đào như nghe lòng thêm ấm áp. Anh nắm tay Phương Nghiên, bao điều chất chứa trong dạ chẳng thể nào thốt thành câu.

Tối đó, Phương Nghiên quyết về nhà một chuyến. Bước vào cửa thấy Phương Bỉnh Sơn đang cắm cúi đọc chi đó trên ghế sofa. Nghe tiếng động, ông mới ngẩng đầu nhìn cô con gái:

- Về rồi à?

Dứt lời, ông lại cúi xuống đọc thứ trên tay.

Bất chấp đôi dép chưa kịp thay, Phương Nghiên đã hùng hổ xông đến trước mặt ông cụ:

- Con hỏi ba, do ba nên Giang Đào không tìm được việc, đúng không?

Bấy giờ, Phương Bỉnh Sơn mới đặt đồ trên tay xuống, ngẩng đầu, chăm chú nhìn Phương Nghiên một lúc, rồi khẽ mỉm cười, hỏi:

- Chưa ăn cơm à? Trong bếp còn cơm và chân giò kho, con hâm nóng lại mà ăn.

Cử chỉ của ông càng khiến Phương Nghiên thêm bực dọc, bèn gắt hỏi:

- Chuyện tìm việc của Giang Đào là do ba giật dây đúng không?

- Chuyện tìm việc của Giang Đào là do ba giật dây đúng không?

Nhìn cô tía tai mặt mày, ông không buồn đoái hoài, chỉ đáp:

- Phải, là ba, rồi sao?

- Thì do đúng là do ba, ba….

Nom ông cụ vẫn bình thản như thường, bao ấm ức trong bụng không sao trút hết, Phương Nghiên trợn trừng mắt nhìn Phương Bỉnh Sơn, chất vấn:

- Vì đâu mà ba làm thế?

Nghe con gái gắt lên với mình, Phương Bỉnh Sơn chỉ khẽ buông tiếng hừ, đoạn cất cao giọng đáp:

- Vì đâu? Để ba nói con nghe, ba vì con.

Những lúc tức giận, ông thường cất giọng oang oang. Bao năm từng trải cộng thêm địa vị ngày nay đã khiến bản thân Phương Bỉnh Sơn toát lên khí thế áp đảo.

- Là ba con thì sao? Là ba con cũng không có quyền can dự vào cuộc sống của con. Bây giờ ba mới biết quản lý con, ăn cơm với con cũng cần sắp thời gian, gặp mặt con cũng cần thư ký xếp lịch, ba đã làm được những gì?

Nghe Phương Nghiên nói, ông mới sực nhớ từ thuở lập nghiệp đến giờ, rất ít khi ông quan tâm tới con. Lòng không khỏi áy náy ít nhiều, giọng ông cũng dịu đi phần nào:

-Tiểu Nghiên, mọi việc ba làm đều vì con.

- Vì con, vì con nên mới ép con học Quản trị kinh doanh, vì con nên mới cấm con học thiết kế thời trang, là thế chứ gì? Vì con nên ba mới cấm con yêu Giang Đào? Vì con, ba chỉ cho phép con làm những việc con không hề thích thú. Nếu mẹ còn sống, mẹ sẽ không bao giờ làm vậy với con, ba chỉ biết áp bức một đứa mồ côi mẹ như con mà thôi.

Nhắc đến người mẹ đã khuất khiến cô càng thêm tủi thân. Lại nghĩ tới Giang Đào, cô không nén nổi mình, mới vỡ òa thành tiếng khóc.

Phương Bỉnh Sơn nghe ruột gan mình như nẫu cả ra, khi con gái nhắc tới người vợ quá cố. Nhìn đứa con gái đã lớn phổng phao từng này, nay không còn nghe lời mình nữa, ông chỉ biết cảm thán trong bụng. Nỗi đắng cay dậy sóng dâng trào, thứ cảm xúc ấy thật khó diễn tả. Nhưng điều đó chỉ khiến ông thêm kiên quyết với quyết định của mình:

- Con nói gì thì nói, cũng bởi mẹ con đã mất, nên ba mới phải quản thúc con chặt chẽ, tránh để con thất vọng về sau.

Phương Nghiên mấp máy môi toan nói gì đó, song ngay tức thì Phương Bỉnh Sơn đã giơ tay, ngắt lời cô:

- Thôi, không phải nói nữa, con và cậu ta mau chóng chia tay đi, ba không bao giờ cho phép hai đứa yêu nhau. Muốn ba đồng ý cũng được thôi, ba đã từng cho nó cơ hội, chỉ cần Giang Đào chấp nhận điều kiện mà ba đã nêu, ba sẽ đồng ý cho hai đứa yêu nhau.

Nói xong, ông liền xoay gót trở về phòng, để lại một mình Phương Nghiên bần thần đứng giữa phòng khách rộng lớn.

Ngẫm lại những điều ba nói, cô mới sực hiểu, thì ra ông đã tìm đến Giang Đào, từng thỏa thuận điều kiện với anh, vậy mà cô không hề hay biết những truyện này. Phương Nghiên xoay phắt người, toan lao ra ngoài. Vừa ra tới cửa, cô bất ngờ đâm sầm vào một người. Dẫu vậy, cô vẫn bất chấp tất cả, cắm đầu cắm cổ lao ra. Người nọ kéo cô lại, hỏi:

- Sao thế Phương Nghiên, muộn thế này rồi, con còn định đi đâu?

Bấy giờ Phương Nghiên mới chững lại, cô thốt lên khi thấy người đó:

- Dì Tống.

Tống Phương Như đáp lời, đoạn nhìn cô vẻ băn khoăn. Nhìn vệt nước như vừa mới khóc trên gương mặt cô, bà bèn cười bảo:

- Sao thế này, lại cãi nhau với ba à? Muộn rồi, một mình con ra ngoài nguy hiểm lắm, khu này không dễ bắt xe đâu, nhỡ có chuyện thì phải làm sao? Đúng lúc dì cần đưa văn kiện quan trọng cho ba con, muốn về cùng dì không?

Nói rồi, bà kéo Phương Nghiên vào nhà, song Phương Nghiên chỉ lầm lì đứng đó, nhất quyết không chịu vào.

Tống Phương Như biết Phương Nghiên không chịu vào, đành cười nói:

- Lớn tướng thế này rồi mà vẫn chẳng khác gì trẻ con. Thế này vậy, con không vào thì thôi, để dì bảo tài xê đưa con về trường nhé. Dì không dám để con một thân một mình về trường như thế được.

Nghe Tống Phương Như nói vây, Phương Nghiên đành buông câu cảm ơn. Sau đó, cô lên xe của Tống Phương Như đã đỗ gần đó, để tài xế đưa cô về trường.

Tống Phương Như là trợ lý kiêm chức phó giám đốc trong công ty của Phương Bỉnh Sơn. Tống Phương Như ứng tuyển vào công ty từ khi mới thành lập. Chẳng qua năm đó, vào một buổi chiều rảnh rang, bà đến phỏng vấn với mục đích giết thời gian, nhưng khi ngồi trước Phương Bỉnh Sơn, Tống Phương Như đã thay đổi suy nghĩ của mình. Bà thận trọng trả lời từng câu hỏi của Phương Bỉnh Sơn đề ra một cách chuyên nghiệp, đồng thời bà đưa ra góp ý dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình, khiến Phương Bỉnh Sơn phải thay đổi cách nhìn.

Phương Bỉnh Sơn đã nói:

- Cô Tống, với lý lịch của cô, hẳn phải tìm được một công ty tốt hơn. Hiện tại mức lương cao nhất tôi có thể trả cho cô, có lẽ không bằng được một công việc bất kỳ nào đó trong ngành này mà cô có thể lựa chọn. Nhưng nếu cô bằng lòng, tôi tin mình có thể mang lại cho cô môt tương lai tươi sáng mà không một công ty nào khác có thể cho cô.

Vì tương lai của mình, Tống Phương Như đã vui vẻ đón nhận tấm thịnh tình của Phương Bỉnh Sơn. Chỉ có điều. tương lai mà bà muốn nhiều hơn hẳn những gì Phương Bỉnh Sơn từng hứa. Vì Phương Bỉnh Sơn, bà đã dốc trọn tấm lòng thành, phấn đấu bằng mọi nỗ lực, và cả hai mươi năm son trẻ dài đằng đẵng trong cuộc đời.

Bà từng mừng thầm trong bụng khi biết Phương Bỉnh Sơn đã góa vợ. Bất kể thái độ lạnh nhạt chừng mực của ông, bà cũng không màng để bụng. Bà tự tin sẽ có một ngày, mình giành được con tim ông. Phương Bỉnh Sơn không hề cự tuyệt tình cảm của bà, nhưng chưa một lần thề non hẹn biển, mãi mãi chỉ một thái độ thờ ơ. Thoạt đầu, Tống Phương Như cũng không mấy bận tâm, đối với Phương Bỉnh Sơn, bà có vô vàn cơ hội và điều kiện. Nhưng ngày qua ngày, năm nối năm, đến một thời điểm, mối quan hệ ấy chỉ mang lại cho bà sự chán chường. Nó khiến Tống Phương Như nghiệm ra, bất kể bà nỗ lực ra sao, cũng không cách gì sánh được với tình cảm nồng nàn mà Phương Bỉnh Sơn dành cho người vợ quá cố, dẫu chỉ là rất nhỏ. Khi bà bàng hoàng nhận ra, cũng là lúc tuổi xuân héo tàn. Thế mà, bà vẫn chỉ là trợ thủ năm nào của Phương Bỉnh Sơn, ít nhiều có đổi thay, nhưng trên cơ bản thì nó vẫn vậy.

Chẳng phải là bà chưa từng gặng hỏi Phương Bỉnh Sơn mỗi khi không giữ được bình tĩnh. Hỏi ông cớ sao lại đối xử với mình như vậy, nhưng Phương Bỉnh Sơn chưa một lần cho bà câu giải thích, ông không màng phân trần, chỉ nhẹ nhàng:

- Nếu cô không muốn, cô có thể rời khỏi đây.

Phương Bỉnh Sơn nói chí phải, không muốn thì có thể rời khỏi đây. Nhưng bấy nhiêu năm thanh xuân, bấy nhiêu năm tình cảm, đều chất chứa trên con người ông, ra đi như thế, sao khiến Tống Phương Như cam lòng.

Tống Phương Như đứng đó, dõi mắt theo chiếc xe đưa Phương Ng hiên khuất bóng. Vì Phương Bỉnh Sơn, bấy lâu nay bà một mực yêu chiều con bé. Năm Phương Nghiên vào tiểu học, Phương Bỉnh Sơn vướng bận nhiều công việc, nên mấy lần Tống Phương Như đều thay mặt ông đi họp phụ huynh. Phương Nghiên khá gần gũi với bà, có nhiều việc thích tâm sự với dì Tống hơn là bố. Tống Phương Như nghĩ thầm, hẳn Phương Nghiên đã bắt đầu yêu đương, bất giác bà đưa tay xoa lên gương mặt mình, không hiểu vì sao, trên môi bỗng nở nụ cười lơ đễnh.

Phải rất muộn, Phương Nghiên mới về tới trường, khi ấy ký túc xá đã tắt đèn, một vài ô cửa sổ hắt ra ánh nến chập chờn. Mấy sinh viên năm cuối chuẩn bị xa mái trường, tụm lại với nhau, gảy đàn ghita, hát hò một bài ballad nào đó. Một vài cậu uống đến say khướt, miệng lải nhải nói dông dài, nói mãi bỗng nhiên lăn ra khóc chẳng hiểu vì sao, thoạt tiên chỉ sùi sụt, về sau lại khóc toáng cả lên.

Nhận được điện thoại của Phương Nghiên, dẫu chưa biết chuyện gì song Giang Đào vẫn gấp gáp chạy xuống. Thấy Phương Nghiên đứng co ro dưới ánh đèn đường, ngay sát cổng ký túc xá, chỉ đủ soi tỏ một bóng hình nhạt nhòa màu đen. Gió đêm lồng lộng như muốn thổi bay cả cơ thể cô. Giang Đào vội bước lại gần, nắm tay cô và hỏi:

- Em sao thế?

Phương Nghiên ngẩng đầu nhìn vào mắt anh, trong ấy có sự quan tâm tha thiết của anh dành cho cô. Bỗng nhớ chuyện ba mình vừa nói, vành mắt cô đỏ hoe, nhìn Giang Đào mà không sao thốt lên lời.

Lúc lâu sau, cô mới hỏi:

- Có phải ba em đã tìm đến anh?

Nghe Phương Nghiên hỏi, Giang Đào mới ngớ ra, nhưng sau vẫn gật đầu thừa nhận. Phương Nghiên lại hỏi:

- Có phải ông ấy đưa cho anh một bản cam kết, chỉ cần anh chấp nhận những thỏa thuận trong ấy, ông sẽ đồng ý cho chúng mình yêu nhau.

Giang Đào nhìn cô rồi gât đầu. Thấy Giang Đào thừa nhận câu chuyện mà ba cô từng đề cập, nước mắt trên khóe mi cô bất giác lăn dài:

- Sao anh lại từ chối? Sao anh không kể với em chuyện này?

Giang Đào đưa tay lau khô giọt nước mắt trên mặt cô, đoạn phân trần:

- Ba em đưa anh một khoản tiền, bảo anh đi sắm nhà, sắm xe, thậm chí còn sắp xếp cho anh một vị trí trong công ty. Ông nói nếu anh chấp nhận những điều đó, ông sẽ cho phép hai đứa mình đến với nhau. Em mong anh chấp nhận những chuyện đó ư?

Giang Đào nhìn vào mắt cô, đợi chờ câu trả lời.

Phương Nghiên thật không ngờ người cha của mình lại có thể đưa ra đề nghị đó. Nhất thời cô nhìn Giang Đào đang thừ người đứng đó. Nghĩ đến việc Giang Đào thẳng thừng từ chối, hạnh phúc lẫn tự hào dâng tràn trong cô, chàng trai mà cô đem lòng yêu mến là một nam tử hán đích thực. Nhưng theo sau đó là nỗi bất an mãnh liệt, nếu vậy, chỉ e chuyện tình cảm giữa cô và anh sẽ càng gian nan.

- Từ đầu, anh đã biết mình không kiếm được việc là do ba em làm, phải không?

- Ừ, anh đoán vậy.

- Sao anh không nói cho em những chuyện đó?

Nhìn vẻ mặt hờn dỗi của Phương Nghiên, anh bèn âu yếm xoa khuôn mặt cô, hôn phớt lên trán, rồi nói:

- Anh không muốn em khó xử giữa anh và ba em. Bây giờ anh đang thế này, còn ba em với tư cách là một người làm cha, dẫu ông có phản đối cũng là chuyện thường tình.

Phương Nghiên nghe lòng mình ấm lại trước lời giải thích của anh. Cô ngả vào anh, thủ thỉ:

- Nhưng cứ đà này, anh không tìm được việc thì sao? Sắp rời trường rồi, chỗ ở lẫn công việc chưa đâu vào đâu, mình phải làm gì bây giờ?

Câu hỏi của cô đã khơi lên trong anh một nỗi buồn não nề. Khoảng thời gian này, anh cũng lo sốt vó, đến nỗi trằn trọc thâu đêm. Nhưng nhìn gương mặt lo âu của cô, anh vẫn cố làm vẻ ung dung, ôm cô vào lòng, cười giả lả nói:

- Vậy chúng mình ra cổng tây bán bánh bao chứ sao nữa.

Lời lẽ dí dỏm khiến Phương Nghiên không sao nén được cười.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi