157. Sau khi ông xuất viện, cuối cùng Từ tiên sinh cũng chọn ngày chính thức đưa tôi về nhà.
Tôi không dám nhìn thẳng ông bà cụ, dù gì tôi cũng từng nghênh ngang một người vào nhà.
Đó thực sự là buổi gặp mặt long trọng, mẹ - chú (chú thích của Mỏng: chồng sau của mẹ Từ tiên sinh), em gái, em rể, con gái em gái, cậu, mợ… tất cả mọi người.
Nghe nói lát nữa bố, dì (vợ sau của bố), em trai Từ tiên sinh cũng đến.
Cảm giác mọi người đến tham dự lễ cưới, nếu không sao lại đầy đủ vậy?
Nhà ông ngoại Từ tiên sinh là một căn hộ độc lập, mùa hè nên dây thường xuân, giàn nho xanh mướt, mọi người ngồi dưới trò chuyện, ông cụ ngồi trong phòng khách trò chuyện với tôi.
Tôi không phải là người giỏi trò chuyện với người lớn tuổi. Ông nội mất khi tôi còn chưa có ký ức, ba tôi lại là người không thích nói chuyện, tôi rất hiếm khi nói chuyện với người lớn, có cảm giác gò bó.
Ông cụ rất hiền lành, có cảm giác lịch lãm của người ở tuổi này, làm tôi kính sợ.
“Năm nay Tiểu Từ đã 30, là đứa lớn tuổi nhất trong hàng cháu, nếu không có gì sai lệch thì chúng ta đều rất mong năm nay nó có thể kết hôn.”
Mấy hôm trước nói chuyện với Từ tiên sinh về công việc, nếu tôi có thể độc lập hoàn thành dự án này thì có lẽ đến hết năm nay. Từ tiên sinh rất tán thành, trấn an tôi: “Không cần gấp gáp, không cần nóng lòng để hoàn thành, anh sẽ không bỏ chạy. Sự nghiệp của em và hôn nhân quan trọng như nhau.”
Anh chưa từng nói với tôi những người lớn tuổi trong nhà đã nóng lòng trông ngóng anh kết hôn.
Tôi không biết nói sao, tôi không biết trò chuyện cùng người lớn, bây giờ làm sao? Tôi cũng không thể không đáp lời, cuộc trò chuyện sẽ lạnh nhạt.
Em gái Từ tiên sinh, cô nhỏ loli lần trước đột nhập vào nhà, đã có con gái, tên Hề Hề.
Cô bé đã ba tuổi, nói năng liến thoắng, đột ngột chạy ào đến, tôi hoảng hốt vội vàng giơ tay đón. Cô bé không hề sợ hãi, hỏi tôi: “Mợ ơi, cho cháu cái kẹo que được không?”
Biến chuyển trong nháy mắt, ông cụ rất thương cô bé này, không nói chuyện với tôi nữa mà dạy bảo cô bé: “Không phải mẹ cháu không cho ăn kẹo sao?”
Cô bé con không sợ người lạ, nằm trong lòng ngực tôi: “Mẹ nói một tuần chỉ được ăn một cái, bây giờ cháu ăn trước một cái thì cuối tuần không ăn nữa.”
Con nít ba tuổi bây giờ đều thông minh thế này?
158. Dỗ con nít dễ dàng hơn dỗ dành người già, tôi bế cô bé lên dỗ: “Chúng ta đi xem cậu đang làm gì nhé? Được không?”
Từ tiên sinh đang nấu ăn.
Có vẻ tôi không được hiền huệ cho lắm.
Tôi ôm loli bé đứng ở cửa bếp, anh với dì trong bếp nấu ăn, mẹ Từ tiên sinh không giỏi nấu nướng lắm.
Dì nhìn thấy Loli bé cười hỏi: “Con đói chưa?”
Từ tiên sinh đang trộn rau, tiện tay đút cho tôi một miếng. Tôi khá xấu hổ. Đút xong anh nghiêm túc hỏi: “Vị thế nào? Anh thấy chắc được rồi nhỉ.”
Tôi vâng dạ: “Cũng được ạ.”
Dì đang hấp cá, cười nói: “Nó thường ăn nhạt, chú trọng việc ăn uống lành mạnh.”
Loli bé trong lòng tôi quay qua quay lại, tôi dỗ dành: “Có muốn cậu bế không?”
Đang nói thì loli lớn - mẹ cô bé - đến: “Áaaa! Mọi người ở đây ăn vụng.”
Dì cười mắng: “Ở đâu cũng có mặt con.”
“Chị dâu, chị thấy anh trai em thế nào? Người đàn ông gia đình chưa, hôm nay em sắp xếp cho anh ấy vào bếp đó, chị có thấy giống như mới biết anh trai em không?”
Ờmmm…
Anh trai em bình thường không chỉ vào bếp nấu ăn mà còn dọn dẹp, giặt giũ, mua sắm, chuyện gì cũng làm.
159. Lúc ăn cơm, ba Từ tiên sinh và dì, em trai anh đến. Từ tiên sinh giới thiệu với tôi, ba anh có vẻ nghiêm nghị, mẹ Từ tiên sinh đã nghiêm, mà ba anh nhìn còn nghiêm hơn cả mẹ. Chú rất cao, lúc nhìn người khác có vẻ uy nghiêm. Dì tính cách rất tốt, ai nói gì cũng cười.
Đối với việc trưởng thành của Từ tiên sinh, người một nhà thật sự rất tốt, mặc dù biết trường hợp này mọi người là vì tôi, tôi vẫn được yêu mà sợ. Tâm trạng Từ tiên sinh có vẻ rất tốt, cười tủm tỉm. Em trai anh nói với tôi: “Hôm nay tâm trạng của anh cực tốt, bình thường có khi nào anh kiên nhẫn đối phó mấy người lớn này.”
Cậu ấy nói khiến tôi muốn khóc.
Quay lại nhìn Từ tiên sinh, một nhóm người ngồi trò chuyện, anh chăm sóc tận tình.
Mãi đến cuối cùng mẹ Từ tiên sinh mới nói với tôi: “Khi nó chưa tốt nghiệp tiểu học thì chúng ta ly hôn. Hồi còn bé nó không được thoải mái như bây giờ. Đến khi nó lên trung học, chúng ta mới ý thức mình không làm tròn trách nhiệm. Tính cách nó rất tốt, mặc dù hiện giờ có những điều không như ý nhưng sau này có nhiều cơ hội, hy vọng hai con sẽ trân trọng nhau.”
Tôi có thể hiểu ý bà, tôi không phải là mẫu người lý tưởng với bà, nhưng con trai thích thì bà cũng chấp nhận. Hoặc bà cảm thấy con mình không đạt đến kỳ vọng của mình nên bà không có ý kiến gì khi chúng tôi ở bên nhau.
Thực lòng mà nói, có một người mẹ thế này rất mệt mỏi.
Tôi im lặng không lên tiếng, cười cười xem như hiểu ý bà, lúc này bà mới hiền lành tiếp: “Sau này có thời gian thì tới lui nhiều hơn.”
Loli đứng cách chúng tôi không xa, thấy mẹ cười mới xen vào: “Hai người nói gì vậy? Sao vui thế?”
Cô gái, cô nhìn sao mà thấy tôi vui vậy?
160. Mãi đến chiều, khi gia đình ba Từ tiên sinh đi rồi, tôi với Từ tiên sinh mới chào tạm biệt.
Trên đường về, Từ tiên sinh nói trước: “Mẹ anh là người hiếu thắng, bà nói gì với em thì cứ xem như chưa từng nghe qua, cứ cười cho qua chuyện.”
“…”
Tôi không hiểu phương pháp này của anh, chẳng lẽ là phản phương pháp?
Anh cho là tôi còn giữ trong lòng, ngừng xe đậu bên lề đường, nghiêm túc nói với tôi: “Gút mắc của bà là từ anh, anh không nghe lời bà làm việc ở Anh, bà vẫn canh cánh trong lòng, bà cảm thấy anh không có tương lai.”
Hiện giờ công việc của anh làm gần 100 giờ một tuần, mà mẹ anh vẫn không hài lòng, đây mới là khoảng cách chênh lệch. Sau này tương lai anh có kết quả tốt đến đâu thì bà vẫn cảm thấy tương lai không bằng đi Anh làm việc.
Tôi nhào qua ôm anh hỏi: “Chúng ta sẽ luôn thế này nhé? Anh đau lòng vì em, em cũng thấu hiểu anh.”
Anh là người ít nói, rất ít khi bày tỏ tình yêu với tôi, mặc dù đêm đó theo đuổi tôi cũng vẫn bình tĩnh, điềm đạm, ánh mắt tràn đầy tình cảm.
Nhưng mà, tôi yêu anh nhiều năm như vậy.
Nếu anh bị tủi thân, tôi không nỡ.
Có lẽ những lời mẹ anh nói hôm nay khiến tôi đau lòng, tôi khóc rất ấm ức.
Tôi luôn tự ti về bản thân, mặc dù tôi nỗ lực khiến mình trở nên ưu tú, nhưng mà người khác lại có tiêu chuẩn đánh giá riêng, đương nhiên bị xếp vào loại kém.
Tôi luôn cẩn thận, không dám lơ là, nhắc nhở bản thân.
Sợ nhất cả đời tầm thường, còn an ủi chính mình bình thường là đáng quý.
Anh ôm tôi, vỗ nhẹ lên đầu tôi, trầm lặng: “Anh không nên để mẹ anh…” Rồi ngừng lại.
Hỏi tôi: “Em muốn ăn gì không? Anh dẫn em đi ăn món gì ngon ngon.”
Tôi bật cười.
Ấm ức thì dẫn đi ăn, còn giận tiếp thế nào?