BẮT ĐƯỢC THỎ CON RỒI

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thấy mọi thứ có vẻ êm xuôi tôi cất tiền vào cặp rồi đi ra ngoài. Xe nát bét nhưng tôi vẫn cố sức gom thành đống, buộc lại rồi bê lên. Không sửa nổi thì bán đồng nát cũng được.
Cô trông xe thấy tôi tất bật thì cũng cất hết tiền đi, ra cửa giúp tôi gọi cho mấy bà bán sắt vụn ngoài trường vào bán thẳng. Chỉ là một khoản không đáng mấy nhưng khi gom vào cũng được kha khá. Nói chung là được đồng nào hay đồng ấy, giờ còn phải tính tìm mua xe cũ nữa, chứ với điều kiện kinh tế của tôi mà mua xe mới thì có hơi khó khăn.


"Nhà mày ở đâu gái?" Cô trông xe thấy tôi đếm từng đồng có vẻ tò mò lắm "Học trường này đứa nào gia cảnh chẳng trung bình khá trở lên, mày nghèo đến thế cơ à?"


"Nhà cháu đủ ăn, vì bố cháu mất rồi, mẹ đau ốm suốt nên mới không dư dả!" Tôi dùng giọng vô cảm nhất để nói về chuyện đau khổ của mình. Đôi khi người ta hỏi vì người ta thắc mắc chứ chẳng phải để tìm lý do cảm thông hoặc giúp đỡ người khác đâu. Có khi ngay khi nghe xong chuyện người ta sẽ ném quách nó ra sau đầu cũng nên. Vì thế tôi chẳng có lý do gì phải nói cho một người xa lạ một cách tường tận về sự khổ cực của mình cả.
Nhưng mà.. Ồ, lấy chút đồng cảm thì được, tốt nhất cô ta nên áy náy vì gia cảnh của tôi, sau đó không nghĩ gì đến chuyện muốn trả thù tôi bằng cách thuê người chặn đánh nữa!
"Sau này học xong cháu được đi làm thêm sẽ khác!"


"Vậy à?" Mặt cô ta hơi nghệt ra, sau đó tiếp tục thắc mắc "Bố mất lâu chưa? Mẹ bệnh gì? Bệnh nặng lắm không?"


"Cũng lâu rồi cô ạ, mẹ cháu có bệnh tim, dạ dày, đại tràng.. Nói chung người yếu bệnh phát ra hết, cứ rời thuốc là nằm bệt ngay!" Tôi cất hết khoản tiền vừa lấy được vào cặp sau đó gọn lỏn "Thôi chào cô cháu về!"


"Nhà mày ở xa đây không?" Tôi còn chưa bước được hai bước đã bị cô ta kéo giật lại "Chưa hỏi chuyện xong đã đi đâu thế cái con bé này! Vì lúc nãy cô động đến bố mẹ mày nên mày cú chứ gì?"


"Dạ.." Tôi gật đầu, tự dưng cảm thấy người này cũng không đáng ghét lắm, chỉ là hơi nóng nảy lỗ mãng mà thôi "Nhà cháu cách đây 10km, cháu phải đi bộ nhanh không tối quá về mẹ cháu lo!"


"10km mà mày đi bộ? Mày thánh à?" Cô ấy gào lên rõ to, cũng may chỗ này không có ai đấy, nếu không đảm bảo gây sự chú ý ác! "Thôi, đưa hết tiền đây cho tao!"


"Khoản này để cháu mua xe mới mà.."


"Xe tao kia kìa!" Cô ấy xì một tiếng khinh miệt "Ngày lương của tao được mấy trăm, bán cái xe rách được mấy chục? Mày nghĩ mày đủ tiền mua xe mới à? Coi như tao đền mày, đưa hết tiền đây con nhãi con!"


"Dạ?" Tôi nhìn chiếc xe đạp đỏ chóe dựng cách đó không xa, trong lòng vui như mở cờ. Đây là kiểu trong cái rủi có cái may đúng không, cô trông xe định đền cho tôi cả một chiếc mới cứng như thế này? "Cô nói gì cháu không hiểu.."


"Ngu thế mà sao thi được vào trường này vậy?" Cô ta lục cặp sách của tôi lôi lại bọc tiền ra ngoài, khiến mấy cuốn sách cũng rơi ra theo. Nhặt lại vở giúp tôi, cô ta nói bằng giọng hơi run rẩy "Hải Dương à? Tên mày đẹp ghê! Cố mà học cho tốt, đừng để mẹ mày phải khổ hiểu chưa?"


"..."


"Về! Đi về đi!" Cô ta quay người đi về phía chiếc xe đạp đỏ, dắt nó ra dúi vào tay tôi rồi đẩy mạnh "Cút về!"


Tôi là đứa trẻ ngoan, rất nghe lời, thế nên ngay khi nhận được hai tiếng cút ngay kia tôi lập tức cảm ơn rối rít rồi lái xe chạy thẳng. Người lớn thật kì lạ, tốt xấu lẫn lộn làm tôi phân biệt không nổi. Hi vọng sau này trưởng thành tôi sẽ không như thế, chỉ ở một thái cực thôi cho trẻ con đỡ phải phân biệt khổ sở.
Đám bạn học vẫn vui đùa hoặc ở sân trường hoặc ở nhà truyền thống mà chẳng hay biết về những chuyện họ gây cho tôi rắc rối thế nào. Có khi chỉ là hành động làm trong lúc vô thức nhưng lại khiến tôi khổ sở muốn chết. Không khí vui vẻ ngày 20-10 không lan truyền được đến chỗ tôi, nó làm tôi bức bối và khó chịu. Để thoát khỏi sự u ám này, tôi quyết định làm quen với xe đạp mới bằng cách chạy thật nhanh.


Xe đạp cũ à, vĩnh biệt, mày hãy an nghỉ đi, hi vọng kiếp sau mày sẽ tìm được người chủ mới tốt hơn tao.
Hải Dương, mày cũng mạnh mẽ lên, vì ngày mai đảm bảo sẽ khốc liệt hơn hôm nay gấp trăm ngàn lần!


Tôi về đến quán cô Nguyệt đã là tối muộn, mọi người nghĩ tôi có việc bận ở trường nên cũng không thắc mắc, nhưng khi thấy xe đạp mới và những vệt trầy xước trên người tôi thì ai nấy đều tá hỏa, xúm vào hỏi han. Sự quan tâm này làm tôi vui lên trông thấy, nhưng để không ai lo lắng tôi vẫn dùng lời nói dối đã biên soạn sẵn từ trên trường: rằng tôi bị tai nạn, người bị thương, xe thì hỏng nát bét. Người va vào tôi vừa hay là người tốt, người đó giúp tôi khám xét thân thể, rồi tặng tôi luôn chiếc xe đạp của con ông ta.. Khả năng nói dối của tôi cũng thần sầu lắm, chẳng ai trong quán nghi ngờ hết, cô Nguyệt thậm chí còn luôn miệng khen thì ra trên đời vẫn còn người tốt, ông trời phù hộ tôi.. các kiểu.
Sau đó các anh chị trong quán nhất quyết không cho tôi làm việc nữa, cô Nguyệt cũng đặc cách ép tôi "nghỉ phép" mấy ngày cho khỏi hẳn đã. Tôi hơi ngại vì điều này vì trên người đều là thương ngoài da không đáng nói, nhưng sau bị mọi người nói nhiều quá nên tôi đành lên xe đi về.


Trời đã tối hẳn, những con đường tôi qua dần dần thưa người, những ngôi sao hiếm hoi hôm nay mọc sớm, lấp lánh đầy trên trời khuya. Không hiểu lí do vì sao hôm nay mẹ lại ra tận cổng đón tôi, thấy tôi trở về bà liền thở phào nhẹ nhõm. Mẹ nói rằng từ chiều đến giờ cứ thấy sốt ruột không rõ lí do, sau khi thấy tôi an toàn về nhà mẹ mới yên tâm hơn được. Mẹ không ôm tôi, chỉ đưa tay xoa nhẹ mái tóc xơ xác của tôi, chậm rãi hỏi tôi lí do vì sao hôm nay người lại bị thương, xe lại thay khác..


Thì ra tôi đã nhầm rồi, không phải cả thế giới đều quay lưng lại với tôi, ở một nơi nào đó, vẫn có những người thật lòng quan tâm đến tôi. Sự lo lắng của họ không thể hiện mãnh liệt, nó chỉ đơn giản là những câu nói nhẹ nhàng vu vơ hoặc những cái vuốt tóc thật nhẹ nhàng mà ấm áp..


* Ngày cuối cùng nghỉ lễ, có ai còn ở đây ngay lúc này hôngggg?

Bình luận

Truyện đang đọc