ĐẠI CA

Thời gian là để sống chứ không phải để phí. – Pascal

Sau đó, anh em Ngụy Khiêm muốn lục tung cả thành phố để tìm mẹ Mặt Rỗ và bà Tống, nhưng thành phố này quá rộng lớn, tất cả manh mối gần đến trước mắt, cuối cùng đều là bắt gió bắt bóng.

Có người nói nhìn thấy họ xuất hiện ở gần hồ nhân tạo trong công viên, có người bảo họ đi đến hướng con sông đào, lại có người mách rằng, từng bắt gặp hai người đàn bà một già một tàn tật như vậy dưới vòm cầu bỏ hoang.

Nhưng rốt cuộc vẫn không thu hoạch được gì.

Mẹ Mặt Rỗ và bà Tống cứ thế biến mất.

Người bị đả kích mạnh nhất trong chuyện này chính là Tiểu Bảo.

Nếu có thể thì chẳng ai muốn cho cô bé biết chuyện này, nhưng hai người sớm chiều ở chung bỗng chốc mất tích, đâu thể nào giấu giếm được.

Lúc cha mẹ mất, Tiểu Bảo còn quá nhỏ chưa biết gì, nên cũng quên sạch từ lâu rồi, nhưng bà nội thì khác.

Bà nội là người thân với cô nhất.

Cô vốn là một cô bé không biết mưa gió trong vườn địa đàng, bà Tống bỏ đi đột ngột kéo cô xuống cõi trần, đập thẳng vào mặt là lưỡi dao thời gian chưa bao giờ để ý, cũng chưa bao giờ trải nghiệm rõ ràng, khiến cô thoáng cái đổ máu, đau đớn điếng người.

Dạo đó Tiểu Bảo luôn tự dưng ngây ra, thỉnh thoảng không biết nhớ tới chuyện gì mà thoáng chốc rơi nước mắt, cô nhớ mình cãi nhau với bà nội, nhớ mình chọc giận bà, nhớ mình luôn cảm thấy huấn luyện và thi cử quan trọng hơn, luôn không tự chủ được lơ là bà.

Khi bà Tống sắp sửa chết vì đói rét, khi bà nhìn thế giới xung quanh lần cuối cùng, phát hiện cả thành phố không một người quen biết, dõi mắt trông đi toàn những bóng hình xa lạ, bà sẽ hối hận vì quyết định trong một lúc nông nổi của mình chứ?

Không ai biết.

Có thể bà thê lương đau buồn, cũng có thể bà bước chân vào vùng đất chết chóc như về nhà vậy.

Số phận đều do một ý nghĩ sai, bà Tống cắt đứt tất cả các khả năng đáng sợ của tương lai, lấy một hình thức khác để kéo dài mình trong mạch máu của người thân.

Rồi sau đó, chị Hùng Trần Lộ cũng mất.

Chẳng biết chị có thanh thản hay chăng, thiết nghĩ cuộc đời chị có nhiều những điều không vừa ý như thế, hẳn là sẽ không cam lòng đâu nhỉ?

Chị còn quá trẻ nên không phải là hỉ tang, tang sự lặng lẽ mà nặng nề, toàn công ty cơ bản ai có thể đến viếng thì đều đến hết.

So với người kế nhiệm Ngụy Khiêm thì Lão Hùng có vẻ đặc biệt ôn hòa, lão chung tình mà lắm tiền, cũng còn chưa già, ngoại hình quả thật hơi bị xấu, nhưng đàn ông trung niên đẹp trai dù sao cũng hiếm, vậy nên chẳng tính là khuyết điểm.

Sau khi Trần Lộ chết, có cả tá người chú ý đến chức “bà Hùng”, một số chỉ đơn thuần quan tâm, muốn giới thiệu một người bạn đời mới cho lão, số khác rắp tâm không tốt, muốn tự mình thế chỗ.

Tiếc rằng chẳng bao lâu sau họ đều bỏ cuộc hết – bởi vì Lão Hùng làm một việc đặc biệt khác người.

Lão chia đôi gia sản, cha mẹ lão còn giàu hơn lão, khỏi cần băn khoăn, bởi vậy Lão Hùng để lại một nửa cho cha mẹ Trần Lộ, nửa khác quyên cho một ngôi chùa ở ngoại thành, sau đó cạo đầu vào làm thầy chùa.

Nghe nói bởi vì cống hiến kinh tế lớn lao cho Phật mà Lão Hùng trực tiếp được bái làm môn đệ của trụ trì, thành một đệ tử quan môn(1) vào muộn nhưng vai vế lớn.

Bao nhiêu năm sau, lão lại quay về thành tay đại ngốc cuốc bộ mua nồi trên vùng núi cao thiếu oxy năm ấy.

Rồi sau đó…

Ngụy Khiêm dừng xe, lôi va li hành lý kềnh càng vừa mua khỏi cốp xe. Trong va li đã đựng sẵn một số thứ cần thiết, cảm giác khi xách lên rất được, đựng đồ ổn và không nặng, trông chắc chắn và không tệ – Ngụy Khiêm chọn cả buổi mới được cái đắt nhất như vậy, đương nhiên là không thể tệ rồi.

Điều này chẳng phù hợp với phong cách cá nhân của Ngụy Khiêm chút nào, tuy gã đã chẳng còn dính dáng đến chữ “nghèo” từ lâu rồi, nhưng không hề như gã tưởng tượng, trở thành một tay nhà giàu mới nổi tiêu xài phung phí, tiền ra khỏi túi và thẻ ngân hàng phần lớn không phải mua đồ cho mình, và chủ tịch Ngụy vẫn là một kẻ keo kiệt gây ấn tượng mạnh.

Nếu bản thân gã cần thứ gì, nhất định phải mua cái có giá trung bình hay thậm chí dưới trung bình. Tất cả quần áo của gã đều rập theo một khuôn, nhất loạt sơ mi trắng – vậy là khỏi cần mua cả đống cà vạt để phối với quần áo.

Nói thật, nếu không phải do khí chất và diện mạo của bản thân gã, khi gặp anh chàng này, người khác đến tám phần sẽ cảm thấy không phải bán bảo hiểm thì là nhân viên tiếp thị.

Gã vẫn lái con Malibu cũ rích kia, thành ra mỗi lần cần đi gặp người khác gã đều phải đổi xe công ty, tránh để người ta cảm thấy quá bủn xỉn.

Đương nhiên, cái va li bằng da này gã đâu chịu mua cho mình dùng, Ngụy Khiêm xách thẳng lên lầu, để trước cửa phòng Ngụy Chi Viễn, đưa tay gõ một cái hòng dẫn đến sự chú ý của người trong phòng đang quay lưng lại, sau đó im lặng bỏ đi.

Ngụy Chi Viễn quay đầu lại, anh hai đã đi mất, cách đó không xa truyền đến tiếng đóng cửa.

Cậu đứng dậy, lặng lẽ kéo va li vào phòng, vuốt nhẹ tay cầm. Cậu chần chừ giây lát rồi đi đến trước cửa phòng Ngụy Khiêm, đứng yên rất lâu như bị phạt, tay ba lần giơ lên muốn gõ cửa, lại buông xuống đủ ba lần.

Sau cuộc họp thường niên lạ lùng kia thì hai người vẫn nằm trong trạng thái này – Ngụy Khiêm vẫn làm tất cả có thể cho Ngụy Chi Viễn, nhưng luôn coi cậu như không khí, nếu phải nói chuyện với cậu thì sẽ ngắn gọn hệt như đánh điện báo tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, hơn nữa tuyệt đối không nhìn vào mắt cậu.

Vốn dựa theo tính tình nhất quán của Ngụy Khiêm, gã chắc chắn phải nổi cơn tam bành.

Ngụy Chi Viễn lúc ấy bị gã đấm một phát tỉnh táo lại, còn cho là mình sẽ phải bị tẩn một trận, trên đường về nhà, cậu thậm chí nghĩ rằng không chừng Ngụy Khiêm sẽ cắt đứt mọi quan hệ với mình, cả đời không thèm qua lại nữa.

Nhưng những điều này đều không xảy ra.

Một loạt các sự việc sau đó khiến hai người quá mệt mỏi, Ngụy Khiêm không có thời gian, cũng chẳng có sức lực để đánh cậu.

Về phần kết cục tệ nhất mà Ngụy Chi Viễn nghĩ… Cậu muộn màng phát hiện ra rằng mình đã xem nhẹ tình cảm của anh hai, dẫu tình cảm ấy không hề như cậu mong muốn.

Đêm khuya tĩnh mịch, Ngụy Chi Viễn sẽ vô cớ tự kiểm điểm lại mình, cậu phát hiện chỉ có mình mới làm được mấy việc như “cắt đứt quan hệ, ngọc nát đá tan”, chỉ cần trong lòng anh hai còn một chút tình cảm gắn bó, thì tuyệt đối không đi đến bước ấy.

Sự nuông chiều của Ngụy Khiêm với hai em ngày qua ngày âm thầm trở thành thứ không dễ phát hiện như là màu nền vậy, mà hiện giờ trong thái độ kháng cự thế này, nó ngược lại bị nổi bật lên.

Ngụy Chi Viễn cảm nhận được sự quyến luyến như gần đất xa trời của mình – chuyện đến bây giờ, cậu phải đi rồi.

Bỏ đi du học không phải ý của cậu, mà là một ngày nọ, Ngụy Khiêm in mấy tin tức chiêu sinh của các trường nổi tiếng ở nước ngoài đem đặt trước mặt Ngụy Chi Viễn cùng với một tấm thẻ ngân hàng có sẵn tiền, cũng chẳng thèm nói gì, tất cả đều ở trong không lời: mày tự xem mà làm.

Một năm sau, Ngụy Chi Viễn hoàn thành các thủ tục, cậu sẽ mang theo thư báo trúng tuyển, lên máy bay ngay ngày hôm sau, để bay đến đất nước xa lạ cách nhau mười mấy tiếng.

Mà người cậu yêu đang ở bên kia trái đất, sự chênh lệch thời gian khiến cho câu “thiên lý cộng thuyền quyên”(2) người xưa nói cũng thành ảo giác không khả khi.

Ngụy Chi Viễn cuối cùng vẫn không quấy rầy Ngụy Khiêm, một mình lặng lẽ đi ra ngoài.

Cậu lên một chiếc xe buýt mà hoàn toàn không có mục đích, đi khắp hang cùng ngõ hẻm của cả thành phố, nơi đây rất khác với mười mấy năm trước, dường như đã hoàn toàn thay đổi rồi, khi đó Ngụy Chi Viễn không thể ngờ rằng, nơi này sẽ kết thúc kiếp sống lang thang của mình.

… Sau đó, cậu cũng không thể ngờ, thì ra đây chưa phải là trạm dừng cuối cùng.

Ngụy Chi Viễn không biết mình ngồi xe đi bao xa, xe buýt chạy mãi đến trạm cuối, trong chiếc xe có thể chèn người ta dẹp lép như con tép chỉ còn lại mỗi một hành khách là cậu.

Nhân viên xe buýt lấy làm lạ nhìn hành khách trẻ này một cái rồi đi đến nhắc nhở: “Này cậu kia, trạm cuối rồi, xuống xe đi.”

Ngụy Chi Viễn lúc này mới như vừa tỉnh khỏi cơn mơ, ngơ ngác xuống xe ở nơi xa lạ.

Đôi khi ngoại thành xa lắc như thị trấn bên cạnh vậy, mới đầu Ngụy Chi Viễn chưa nhận ra đây là đâu, cậu đứng cạnh đường cái một lúc, nhìn thấy đoàn “du lịch một ngày” phi pháp. Hướng dẫn viên giơ một lá cờ nhỏ màu đỏ, huyên thuyên dẫn đường ở đằng trước, theo sau là một loạt du khách mệt như chó.

Dăm ba câu giới thiệu bay vào tai Ngụy Chi Viễn, cậu nghe thấy tên của ngôi chùa nào đó, một lúc lâu cậu mới nhớ ra, hình như đây là nơi Lão Hùng xuất gia.

Ngụy Chi Viễn không biết do cách nghĩ gì mà mình lại theo đoàn du khách này đi thẳng đến cổng chùa, cậu vốn chỉ muốn đến xem thử, không trông mong sẽ gặp được Lão Hùng, nào ngờ nhìn thấy lão đó ở ngay điểm bán vé.

Lão Hùng cạo đầu trọc lóc, mặc áo cà sa, một tay lấy tiền một tay đưa vé, còn không quên tiếp thị luôn mồm, muốn phun đầy nước miếng vào mặt du khách: “Thí chủ muốn mua nhang chứ? Bản tự cầu nguyện linh lắm đấy – nữ thí chủ muốn cầu đào hoa mời xếp hàng ở bên đây, hôm nay giảm giá đặc biệt, mua nhang tặng bùa bình an được đại sư tự mình khai quang, chờ đã, hôm nay chỉ giới hạn trong nữ thí chủ, cậu bên kia không được chui vào!”

Ngụy Chi Viễn: “…”

Đoàn khách du lịch đi qua, Lão Hùng mới được nghỉ ngơi, lão dùng tay áo rộng thùng thình lau mồ hôi trên trán, cầm chai nước khoáng tu một hơi hết nửa chai, sau đó thở dài khoan khoái: “A di đà Phật!”

Lúc này Ngụy Chi Viễn mới có cơ hội bước lại: “Tôi tưởng anh đến để thanh tu chứ.”

Lão Hùng ngẩng đầu nhìn thấy cậu, liền hơi giật mình, vội vẫy tay kêu một tiểu hòa thượng choai choai thay ca, hỏi Ngụy Chi Viễn: “Tiểu Viễn? Sao cậu lại tới đây?”

Ngụy Chi Viễn cười khổ.

Lão Hùng nhìn sắc mặt cậu, nghĩ qua rồi nói: “Thế thì được, đã đến đây rồi thì vào thiền phòng tôi ở ngồi chơi một lúc đi.”

Ngụy Chi Viễn gật đầu không để ý lắm, đoạn cất bước định đi theo.

Lão Hùng lại quay đầu bổ sung một câu: “Khoan, cậu phải mua vé trước đã, chỗ chúng tôi buôn bán, không cho cậy người quen mà trốn vé đâu.”

Ngụy Chi Viễn bất đắc dĩ lấy ra một xấp tiền lẻ, xem như hiểu Lão Hùng “xuất gia” chỉ để khinh nhờn cửa Phật thôi.

Chùa nằm trên núi, nắng hè chói chang, thảm thực vật um tùm tốt tươi trên núi được chăm sóc xanh non mơn mởn như khu du lịch vậy.

Xuyên qua sân trước du khách rải rác, Lão Hùng dẫn Ngụy Chi Viễn vào sân sau “du khách dừng bước”, bên trong lại lập tức thanh tịnh hẳn.

Một con chó lông rậm nằm ngay cửa, thấy người cũng chẳng buồn để ý, một tiểu hòa thượng đang quét sân, trông thấy họ liền lễ phép chào Lão Hùng.

Xa gần văng vẳng tiếng tụng kinh gõ mõ, hòa vào tiếng ve ra rả mãi không dứt, nhang đèn chập chờn, cảm giác “cửa Phật thanh tịnh” hiện rõ.

Đây là chùa cổ, thiền phòng đều rất cũ là điều không cần phải nghi ngờ. Đương nhiên, là đại tài chủ của bản tự, điều kiện chỗ Lão Hùng ở đã tốt nhất rồi.

Lão Hùng đun một ấm nước, pha trà mời Ngụy Chi Viễn.

Ngụy Chi Viễn bưng lên nếm một ngụm, là mùi cuống trà thô, cậu cúi đầu xem thử, thấy lá trà bên trong nở bung nhấp nhô nhẹ nhàng, toàn là cành thô lá to, như tuốt trên cây xuống rồi pha luôn cho khách vậy.

Thế là cậu lại bỏ chén nước xuống.

Lão Hùng hỏi: “Sắp ăn cơm chiều rồi, cậu chạy đến tận đây, có nói với người nhà chưa? Anh cậu có biết không?”

Ngụy Chi Viễn đặt hai ngón tay lên mép chén, xoay chén trà ướt một vòng, trả lời một nẻo: “Ngày mai tôi phải lên máy bay đi nước ngoài.”

Lão Hùng thoạt đầu sửng sốt, lão im lặng giây lát rồi thở dài bảo: “Cũng rất tốt, mai kia trở về cậu chính là ‘dân du học’ rồi, có triển vọng hơn bọn tôi… Ít nhất là có triển vọng hơn tôi.”

Ngụy Chi Viễn nhếch môi một cách máy móc, cậu nghĩ: Trở về? Tôi còn về được ư?

Cậu gượng gạo đổi chủ đề: “Làm thầy chùa có cảm giác thế nào?”

“Cũng được, cơ mà nhà bếp chẳng chịu nấu bún thịt hầm làm tôi thèm muốn chết.” Lão Hùng khụt khịt mũi, “Sao thế, cậu cũng muốn đi tu à?”

Ngụy Chi Viễn thoáng nở nụ cười, chẳng lên tiếng – cậu không cho Lão Hùng biết, chớp mắt khi nhìn thấy ngôi chùa từ đằng xa, trong lòng cậu thật sự từng sinh ra ý tưởng này… Nhưng sau đó bị chỗ bán vé mua một tặng một xua tan mất tiêu.

“Đừng vào đây, trong lòng cậu có hồng trần, chắc chắn không ở nổi đâu.” Lão Hùng nói, rồi chợt nhớ tới điều gì đó, giọng điệu trầm thấp hẳn, hơi tự giễu, “Tôi thì khác, hồng trần của tôi đã hóa thành ráng màu bay mất rồi.”

Ngụy Chi Viễn hỏi: “Trừ bán vé với bán nhang thì thường ngày anh còn làm gì nữa?”

“Bán tới bán lui cái gì? Khó nghe quá! Thầy chùa cũng phải ăn cơm, nghề chính của bần tăng vẫn là thanh tu, chỉ là thỉnh thoảng coi chùa như nhà, nghĩ cách kiếm chút đỉnh cho mọi người mà thôi.”

Ngụy Chi Viễn không tranh luận với lão, vẫn hỏi: “Anh tu cái gì?”

Lão Hùng nói: “Tiểu thừa, tôi tu ‘ngã pháp không hữu’ của bản thân, không học nổi ‘Tứ Nhiếp’ và ‘Lục Độ’ trong Đại thừa, tôi chỉ muốn tự mình thoát khỏi bể khổ, không định phổ độ chúng sinh dẫn dắt người khác, nếu cậu tới tìm tôi xin được an ủi thì thôi đi.”

Ngụy Chi Viễn lắc đầu: “Tôi không định xin an ủi, lòng tôi đã chết rồi.”

Lão Hùng cười nhạo: “Này cậu thiếu niên, tôi tin cậu chắc?”

Ngụy Chi Viễn im lặng rất lâu.

Hai người chẳng nói gì một lúc lâu, Lão Hùng rốt cuộc lại không nhịn được mở miệng.

“Tôi là người đứng ở bên ngoài, cậu có làm mấy việc khiến người ta kinh hãi hơn nữa thì cũng chẳng kinh hãi được đến chỗ tôi, cho cậu vài lời khuyên vậy.” Lão Hùng nói, “Từ lần đầu tiên gặp cậu, tôi đã nói với anh cậu, rằng cậu là người rất ‘bạc’, mấy năm nay tôi không hay tiếp xúc với cậu, nhưng mỗi lần gặp, đều cảm thấy cậu càng lớn càng bạc, sắp mỏng như cánh ve rồi.” (bạc ngoài bạc bẽo ra thì còn có nghĩa là mỏng)

Ngụy Chi Viễn không biến sắc nói: “Anh Hùng, ý anh là tôi rất hạn hẹp sao?”

“Không sai, có tuệ căn, ý tôi chính là vậy đấy,” Lão Hùng thẳng thắn thừa nhận, “Cậu nghĩ lại xem, cậu cảm thấy thứ không thể vượt qua nhất, thứ không chiếm được nhất, thứ không chiến thắng được nhất là gì?”

Ngụy Chi Viễn không nói gì, trên khuôn mặt trẻ trung lộ rõ vẻ đau khổ, Lão Hùng chẳng cần hỏi cũng biết cậu nghĩ đến ai.

Nhưng lão chỉ xua tay không hề thương xót: “Cậu muốn nói là anh hai cậu? Ôi cái cậu bé không qua được tuổi dậy thì này… Anh cậu thương cậu còn không hết, cậu nói cậu ta phải oan uổng đến mức nào, khi tự dưng trở thành vết thương lòng lớn nhất trong cuộc đời cậu.”

Ngón tay Ngụy Chi Viễn muốn bấu vào chén trà.

Lão Hùng: “Chàng trai trẻ à… Đi rồi cũng tốt, thăm thú thế giới bên ngoài, mỗi ngày cho mình mười phút, ngẫm lại xem hơn hai mươi năm qua mình sống như thế nào. Chú Khiêm không phải là vấn đề của cậu, cậu bé à, cho dù trái với luân thường, chỉ cần cậu ta còn sống thật tốt, thì sẽ không là vấn đề của cậu, vấn đề của cậu nhiều lắm, nhưng xét đến cùng cũng là bản thân cậu thôi.”

Ngụy Chi Viễn hoang mang ngẩng đầu nhìn lão.

Lão Hùng chỉ bức tường và bồ đoàn cũ nát trong thiền phòng: “Hôm nay cũng đến đây rồi thì cứ ngồi ở đây tham thiền đi, tôi ra ngoài bán vé. Có một số việc, nghĩ thông rồi thì không gì phá hoại nổi, nghĩ không thông thì sẽ bị vây bên trong. Anh cậu… Cậu ta đời này như vậy rồi, cậu vẫn còn cơ hội mà.”



1. Đệ tử quan môn tức đệ tử cuối cùng, từ nay sư phụ đó sẽ không nhận thêm đệ tử nữa.

2. Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên là hai câu cuối trong bài từ Thủy điệu ca đầu – Trung thu của Tô Thức. Hi vọng người ta mong nhớ được khỏe mạnh trường thọ, tuy cách nhau ngàn dặm nhưng vẫn được cùng ngắm một ánh trăng sáng tỏ. Tiếc rằng Tiểu Viễn phải đến bên kia trái đất, dẫu muốn cùng ngắm trăng thì cũng không thể, thôi đành anh ngắm mặt trăng em ngắm mặt trời đỡ vậy. Chữ thiền quyên ở đây cũng có nghĩa là trăng sáng hoặc Hằng Nga.



Bình luận

Truyện đang đọc