Mấy ngày nghỉ trong tháng bảy oi bức đã trôi qua, các học sinh khối 11 của trường Nhất Trung Nam Thành tựu trường sớm, chính thức trở thành những chiến sĩ lớp 12, chiến đấu trên con đường tiến tới kì thi đại học, thời điểm này hàng năm đều rất đẹp trời, tựa như đang báo trước cho một kết quả cũng tươi đẹp như vậy trong tương lai.
Thầy Thành đứng trên bục giảng, trên người vẫn là bộ đồ bám đầy bụi, mái tóc được cắt gọn gàng, nhìn vừa giản dị lại vừa lịch sự, đây là giờ lên lớp đầu tiên của ông trong năm học mới này, trước tiên ông nóivới toàn bộ hơn 40 học sinh đang ngồi bên dưới: “Chúng ta sắp phải bước đi trên một con đường vô cùng gập ghềnh và khó đi, phải vượt qua núi cao, băng qua sông dài, bị mưa xối, bị nắng thiêu, bị gai nhọn đâm vào, bị đá lớn đè nặng…Nhưng dù con đường này có khó khăn cách trở bao nhiêu, có nhiều núi đao biển lửa thế nào, thì các em hãy nhớ, luôn có một người làm bạn đồng hành của các em…”
“Người này không phải ai khác, mà chính là bản thân các em, nhưng là một bản thân tốt hơn trong tương lai.”
Thầy Thành cầm lấy phấn, xoay người viết lên tấm bảng đen, vừa viết vừa nói.
“Có chí ắt thành, phá phủ trầm chu *, người có công, trời không phụ!”
*(Chữ Phủ là chỉ nồi, còn chữ Châu là chỉ thuyền, nguyên ý của thành ngữ này là đập vỡ nồi và dìm chiến thuyền.Câu này xuất phát từ cuộc chiến tranh giữa nước Sở với nước Tần khi sang giải cứu nước Triệu. Sau khi qua sông, tướng phó của nước Sở là Hạng Vũ ra lệnh cho binh sĩ dìm hết chiến thuyền, đập vỡ nồi niêu, đốt sạch doanh trại, binh sĩ chỉ được phép đem theo lương khô đủ ăn trong ba ngày, qua đó nhằm chứng tỏ đây là một trận tử chiến, chỉ có tiến chứ không còn đường rút lui nữa.Ngày nay người ta thường dùng câu thành ngữ này để nói về việc chiến đấu đến cùng, quyết một trận tử chiến.)
Ánh nắng vàng rực rỡ tràn ngập bên trong phòng, bụi phấn bay xuống như đang nhảy múa trong khung cảnh tươi sáng, toàn thân bám bụi của thầy Thành cũng tỏa ra hào quang, vết chai trên tay vì cầm phấn giảng bài lâu năm dường như cũng tan vào ánh nắng.
Chu Tự Hằng không kìm được mà nói nhỏ: “Mấy năm rồi mà chẳng có lấy một bộ quần áo mới, nhìn đáng thương như con sói xám ấy.” Nhưng có vẻ như thầy Thành giống với một chú hà mã cần cù chăm chỉ hơn.
Có thể mấy câu kia đã quá quen thuộc, có thể thầy Thành đã từng nói với rất nhiều học sinh y như vậy, nhưng hiện giờ đối với các học sinh năm cuối, những lời đó vẫn rất quý báu.Chu Tự Hằng nhìn bóng lưng Minh Nguyệt, cô bé đang chăm chú nghe thầy nói, gương mặt trắng trẻo toát lên sự quyết tâm cao độ.
Có lẽ cảm nhận được ánh mắt của Chu Tự Hằng, Minh Nguyệt quay người lại, nở một nụ cười với cậu, lộ ra hai lúm đồng tiền nhỏ, tay còn đưa lên làm động tác cố lên, nhìn vừa đáng yêu lại vừa tinh nghịch.
Chu Tự Hằng cười gật đầu, viết tên mình lên sách, bên trên còn vẽ thêm một vầng trăng.
Cậu đang từng ngày thay đổi bản thân, trở thành một người tốt hơn, Bạch Dương cũng vậy.
Từ cuối tháng năm đến đầu tháng tám, chỉ trong vòng hai tháng rưỡi, gần 80 ngày, Bạch Dương đã tỏa sáng hẳn lên.
Lợi ích của việc ăn uống kiêng khem và cân bằng dinh dưỡng chính là cậu đã quăng được đống thịt béo trên người, gầy đi một cách rõ ràng.
Giờ đây cậu thật sự đã trở thành một cây Bạch Dương cao ngất đúng như tên gọi của mình, gương mặt điển trai với những đường nét cân đối.Chu Tự Hằng không biết thì ra đôi mắt của Bạch Dương lại to tròn như thế, còn có màu nâu nhạt, hơi ánh lên, giống như cát vàng bay trên sa mạc vậy, cặp lông mi khôngdài, làm giảm đi sự đáng yêu và ngây thơ của đôi mắt.
Bạch Dương không ngờ lại rất đẹp trai, sống mũi cao thẳng, đôi môi lúc nào cũng như đang cười, cặp chân dài, lúc đứng nhìn giống hệt hình dáng của một cái cây Bạch Dương xanh ngắt.
Xem ra cục trưởng Bạch không hề đặt sai tên cho con trai mình.
sự thay đổi của cậu khiến cả lớp không nhận ra, chỉ âm thầm bàn luận sau lưng rằng “Hình như đứa béo nào cũng có một mặt tiềm ẩn bên trong thì phải.”
Chu Tự Hằng cầm quyển sách nện vào đầu Bạch Dương, sau khi đến lớp câu nói đầu tiên của cậu ta là “Cuối cùng em cũng có thể mặc được đồng phục rồi.”, làm cho Chu Tự Hằng suýt thì chảy nước mắt.
[Người béo luôn có khả năng tiềm ẩn], nhưng quá trình người ta trải qua như thế nào thì không ai hỏi, từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc, mọi người chỉ luôn nhìn vào kết quả chứ không thèm quan tâm đến quá trình.
Minh Nguyệt cũng rất ngạc nhiên vì sự thay đổi của Bạch Dương, cô bé nói với Mạnh Bồng Bồng: “Bạch Dương như biến thành một người khác ý.”
Mạnh Bồng Bồng đã được đưa vào danh sách các học sinh có khả năng trở thành thủ khoa thi đại học khối chuyên khoa học tự nhiên của thành phố, cho nên cô bé đang không ngừng nỗ lực học tập, nghe Minh Nguyệt nói xong, cô bé ngẩng đầu lên từ trong đống đề thi, nghiêm túc đáp: “Có giọng nói của cậu ấy là không thay đổi mà.”
Giọng của Bạch Dương cực kì dễ nghe, trong trẻo như tiếng chuông gió, lúc đọc thơ nghe rất giống với giọng điệu của các thư sinh nho nhã thời cổ đại.
Minh Nguyệt tỏ vẻ đồng ý, còn bổ sung thêm: “Nhưng mà có vẻ như cậu ấy đã trở nên thành thục hơn rồi.”
Khí chất ấy mang đến cho người ta một cảm giác rất mơ hồ, không thể nói thành lời.
Mạnh Bồng Bồng dừng bút, vô thức kéo một đường kẻ dài lên giấy nháp, sau khi nhận ra, cô bé lật sang trang mới, làm như không có chuyện gì đáp: “Hình như đúng thế thật.”
Lớp mười hai chính thức bước vào tiết học đầu tiên trong một buổi sáng tháng tám đẹp trời, có lẽ sựđộng viên khích lệ của thầy giáo đã có tác dụng, cũng có lẽ là do các học sinh đã tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học, nên học kì một trôi qua rất ổn thỏa, tựa như một con tàu đang đi trên mặt biển lớn, thấp thoáng đã nhìn thấy được bóng người ở phía bên kia bờ.
Minh Nguyệt có lẽ là người cập bến sớm nhất, vì kì thi năng khiếu sẽ diễn ra vào tháng 1 năm sau.
cô bé và Chu Tự Hằng sẽ phải chia tay nhau một thời gian ngắn, vì cô bé phải đến Bắc Kinh để thi, mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi hết rồi, Minh Đại Xuyên đã bàn giao lại công việc cho trợ lý, Giang Song Lý thì xin nghỉ phép ở trường đại học, một lòng hướng về kì thi của con gái.
Mục tiêu của Minh Nguyệt là thi đỗ vào học viện múa Bắc Kinh, giáo viên dạy múa lâu năm cho cô bé đãsuy tính cẩn thận, nói rằng trường đó là nơi đào tạo rất tốt về mảng múa cổ điển.
Giang Song Lý trước một tuần đã cùng Minh Nguyệt đến ở trong một khách sạn ở gần học viện múa, mới vừa bước vào tháng một, khắp nơi đã bị bao phủ bởi một màu trắng của tuyết.
Rất lạnh.
Minh Nguyệt đứng trong phòng, không dám mở cửa sổ, khẽ hà hơi lên cửa kính, một lớp sương mờ lập tức đọng lại, cô bé đưa ngón tay trắng nõn ra, vẽ lên đó rất nhiều vầng trăng.
cô bé đã trang điểm và thay đồ múa, lớp vải mỏng manh không thể chống đỡ được giá rét, nên bên ngoài phải khoác thêm một cái áo lông to dày dài đến mắt cá chân.
“Tiểu Nguyệt Lượng, xong chưa con? Phải đi rồi.” Giang Song Lý nhẹ gõ cửa phòng Minh Nguyệt, nói.
Minh Nguyệt đáp: “Xong rồi ạ, con ra ngay đây.”
cô bé làm động tác cố lên trước gương, lại hít sâu mấy cái, cuối cùng mới kéo khóa áo lên rồi ra cửa.
cô bé vốn đã có một gương mặt đẹp dù không trang điểm, hôm nay chỉ đánh thêm chút phấn son thôi nhìn đã vô cùng lộng lẫy, Giang Song Lý thật tự hào khi có một cô con gái như vậy, một mặt thì cảm thấy con gái mình xinh đẹp động lòng người, mặt khác lại bồi hồi vì con gái lớn quá nhanh.
Như thể vừa mới hôm qua thôi, cô còn dắt Tiểu Nguyệt Lượng đến lớp học múa, thế mà nháy mắt cô đãlại đưa Tiểu Nguyệt Lượng đi thi đại học rồi.
Hôm nay là ngày học viện múa Bắc Kinh tổ chức thi vòng hai, hai hôm trước Minh Nguyệt đã vượt qua vòng sơ loại một cách dễ dàng, nhưng hôm nay thì cô bé không dám chắc trăm phần trăm.
Có lẽ vì tuyết rơi quá dày, trời quá lạnh khiến cô bé không thả lỏng được cơ thể, không đạt đến trạng thái tốt nhất.
“Ở đây tuyết rơi dày hơn ở Nam Thành.” Ngồi chờ bên ngoài, Minh Nguyệt nói chuyện với Giang Song Lý và Minh Đại Xuyên.
“Sau này con sẽ phải làm quen với thời tiết ở Bắc Kinh đấy.” Giang Song Lý kéo lại áo khoác cho Minh Nguyệt, Minh Đại Xuyên thì nghiêm túc đứng một bên không nói, yên lặng che gió lạnh cho con gái.
Tuyết ở Nam Thành là tuyết vùng sông nước Giang Nam, khi tuyết rơi tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt trần xen lẫn ý thơ, mỗi con đường góc phố đều có thể trở thành một bức tranh lãng mạn.Ở Bắc Kinh thì khung cảnh có phần cổ kính trang nghiêm hơn, nhưng cũng rất tráng lệ, thời tiết thì lạnh hơn so với Nam Thành rất nhiều.
Minh Nguyệt mới chỉ nhìn thấy tuyết thôi đã nhớ ngay tới Nam Thành, nhớ đến Chu Tự Hằng.
cô bé tới Bắc Kinh được mười ngày thì cũng là mười ngày tuyết rơi, mỗi một bông tuyết bay xuống đều khiến cho cô bé nhớ tới cậu.
Vì Minh Nguyệt quá chú tâm vào chuyện thi múa, nên suốt thời gian cô bé ở đây cả hai mới chỉ nóichuyện điện thoại với nhau được hai ba lần, mỗi lần không quá mười phút đồng hồ, lần cô bé đi diễn ở anh quốc, tối nào Chu Tự Hằng cũng gọi điện thoại dỗ cô bé đi ngủ.
Lúc này, Minh Nguyệt đang thực sự nếm trải cảm giác tương tư.
Cuối cùng đã có thứ tự rút thăm, ngồi chờ lâu quá nên cô bé đã lạnh cứng cả người rồi, chính như vậy mới có thể thử thách được sự kiên trì và tố chất của các thí sinh, Giang Song Lý và Minh Đại Xuyên lúc này đã bị ngăn ở bên ngoài.
Trước khi vào phòng thi, Minh Nguyệt một lần nữa quay đầu lại nhìn một cái.
Bên ngoài tuyết vẫn rơi dày, mây đen phủ kín bầu trời, những bông tuyết to như lông ngỗng làm cản trở tầm mắt, khiến cô bé không nhìn thấy rõ bố mẹ mình.
Môn thi múa cổ điển được chia làm ba phần, theo thứ tự lần lượt là kiểm tra kĩ năng trình diễn cơ bản, biểu diễn một bài tự do ngắn, cuối cùng là thi vấn đáp.
Trong phòng thi hai bên đều là gương, thí sinh ngồi một bên, hội đồng chấm thi ngồi một bên gần cửa sổ, cảm giác bị bao trùm bởi lớp kính khiến cho người ta cảm thấy rất hồi hộp và áp lực.
Minh Nguyệt vô cùng căng thẳng, vì rét quá nên gân cốt không thả lỏng được, ở phần thi thứ nhất tuy không mắc lỗi nhưng nhìn có vẻ hơi bị cứng nhắc.
Thấy giáo viên chấm thi hơi cau mày, tâm trạng của Minh Nguyệt thoáng trở nên nặng nề.
Biểu cảm này mang ý nghĩa sẽ có một kết quả không tốt nếu như cô bé còn tiếp tục như vậy.
Mặc dù trong phòng thi có bật máy sưởi, nhưng Minh Nguyệt vẫn cảm thấy lạnh, cô bé cố gắng tự an ủi và động viên mình, song bộ váy mỏng manh trên người không thể khiến cho cô bé cảm thấy ấm lên.
“Ở phần biểu diễn tự do em sẽ múa bài gì?” một cô giáo lớn tuổi dịu dàng hỏi Minh Nguyệt, đồng thời cũng ngồi dịch về sau một chút, mở hé cửa sổ ra, chắc là để cho mát.Mặc dù không khí bên ngoài rất lạnh, nhưng bên trong phòng bật máy sưởi nên hơi ngột ngạt.
“Lương Sơn Bá Chúc anh Đài ạ.” Minh Nguyệt đáp.
Đây là một bài múa đơn đòi hỏi rất nhiều về kĩ thuật trình diễn và kĩ năng diễn xuất, cơ thể phải vô cùng duyên dáng và uyển chuyển, đồng thời phải bộc lộ được nỗi tương tư, cùng với sự vui sướng khi hóa bướm rồi gặp lại người thương.Giáo viên của Minh Nguyệt tin tưởng rằng cô bé sẽ tạo được sự kinh ngạc cho mọi người khi trình diễn bài này, nhưng Minh Nguyệt nghĩ, chắc hôm nay cô bé sẽ khiến cho các thầy cô chấm thi thất vọng rồi.
Nhạc dạo đầu vang lên một chút rồi tạm dừng, dựa theo nguyên tắc thì cô bé sẽ có một phút để chuẩn bị.
Minh Nguyệt đứng tạo dáng, ngẩng đầu lên, nhìn ra cửa sổ thủy tinh ở phía đối diện.
Tuyết vẫn rơi dày như thế, xung quanh đều là một màu trắng xóa.
Chu Tự Hằng mặc đồ đen đứng trong đống tuyết, tay cầm que phát sáng giơ lên cổ vũ Minh Nguyệt.
Tuyết rơi ở Bắc Kinh lúc này tựa như đã giảm bớt, giống như tuyết rơi ở Giang Nam vậy, dịu dàng và êm ái một cách lạ thường.