ĐÔNG PHƯƠNG THẦN THÁNH ĐẾ QUỐC







Thiên Hải Hạm.



Đây là chiếc thuyền lớn nhất trong số các hải thuyền của Nam Dương Hạm đội, đồng thời cũng là chủ hạm. Thiên Hải Hạm nguyên bản là một chiếc ‘mã thuyền’ trong lực lượng Thủy sư của Minh triều đã được cải trang lại, có 8 cột buồm, 10 cánh buồm bằng mành vốn là đặc điểm của Thủy sư Minh triều đã được tháo xuống, thay bằng 10 cánh buồm vải. Hạm dài 74 trượng Tàu, rộng 30 trượng Tàu, tức dài khoảng 123 mét, rộng khoảng 50 mét, tải trọng ước gần vạn tấn. Để tăng cường oai lực, trên chiến hạm còn được trang bị 64 khẩu thần công, chiến đấu lực hơn hẳn Thủy sư đương thời, vì thế mới không dùng cách gọi Thủy sư mà gọi là Hạm đội.




Giang Phong cùng Quảng Tế Pháp sư đang ở trên Thiên Hải Hạm, nghe đô đốc Đinh An Bình báo cáo về Hạm đội. Đinh An Bình nguyên là thống lĩnh Cấm vệ quân, sau khi thành lập Nam Dương Hạm đội đã được phong làm đô đốc.



Nhờ sự nỗ lực của bọn Cát Ti, Nam Dương Hạm đội hiện tại đã có được 16 chiến hạm, gồm 1 mã thuyền, 2 lương thuyền, 4 tọa thuyền và 9 chiến thuyền, đủ năng lực bảo vệ vùng biển ngoài khơi Nam trấn, thậm chí còn có thể phái một phần Hạm đội đi xa, thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt mà Giang Phong giao cho.



Nghe báo cáo xong, Giang Phong hài lòng khen ngợi mấy câu, sau đó chú ý quan sát cảnh quan trên biển. Quảng Tế Pháp sư không phải lần đầu xuất hải, nên chỉ đặc biệt cao hứng chứ không hề bị say sóng. Do lão phải quản lý luôn các công việc ở đảo Hải Tân, nên vẫn phải thường xuyên xuất hải. Lão chỉ về phía trước, nói :



- Đại nhân, phía trước là đảo Hải Tân, gần đến nơi rồi.



Giang Phong cũng đã nhìn thấy phía trước có hình bóng mờ mờ của đất liền. Đảo Hải Tân lúc này rộng hơn 4 kilômét vuông, cũng là một hòn đảo lớn trong khu vực (đến nay chỉ còn lại khoảng 2,2 kilômét vuông). Sau một lúc nữa thì hòn đảo đã hiện ra trước mắt. Trên đảo địa hình tương đối bằng phẳng, có nhiều cây xanh mọc rậm rạp thành rừng. Cũng may trên đảo có suối, cũng có thể đào được giếng lấy nước ngọt, nên con người có thể ở được. Nơi này mấy trăm năm trước đã có người Chiêm đến sinh sống, nhưng từ khi các châu Ô, Lý được cắt cho Đại Việt, dân Chiêm bỏ vào nam nên hòn đảo đã bị bỏ hoang cho đến khi bọn Giang Phong khai thác.



Chiến hạm cập vào bến cảng, bọn Giang Phong lên bờ, đi sâu vào trong đảo. Các công trình nơi đây được Giang Phong tự tay quy hoạch, nên tuy chỉ mới đến lần đầu, nhưng Giang Phong cũng chẳng thấy lạ gì. Từ ngoài bến có một con đường rộng lát đá dẫn thẳng vào trung tâm đảo. Ngay đầu đường, bên cạnh bến cảng là vọng gác. Đi theo con đường lát đá, cách bến vài trăm mét là khu sản xuất, với một bên là các Công xưởng, phía bên kia là dãy nhà kho.



Trung tâm đảo là khu dân cư. Dân số của đảo hiện tại chỉ hơn 500 người, gồm những thợ giỏi làm việc ở Công xưởng và các thuật sĩ nghiên cứu ở Thái học viện phía bên kia, cùng với gia đình của họ. Tuy cách xa đất liền, nhưng các thương thuyền, chiến thuyền ghé vào thường xuyên, trên đảo lại có đầy đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt nên cuộc sống bọn họ không hề đơn điệu. Trên đảo còn có cả trường học, tửu lâu, một khu giải trí phục vụ cả trẻ con và người lớn.




Bọn Giang Phong dừng lại ở khu trung tâm một lúc, Giang Phong ghé thăm các hộ gia đình ở đây, sau đó mới theo con đường chính của đảo mà đến Thái học viện ở phía bên kia. Thái học viện nằm cách biệt với khu dân cư, ở vị trí yên tĩnh, giữa rừng cây râm mát. Cách đó không xa còn có một bãi biển đẹp.



Thái học viện là nơi dạy các kiến thức bậc cao, đồng thời cũng là viện nghiên cứu. Quảng Tế Pháp sư theo lệnh Giang Phong lùng tìm khắp nơi, cả ở Đại Việt lẫn Minh triều, Chiêm Thành, Chân Lạp, Chà Và, … tốn rất nhiều công sức mới ‘thỉnh’ được vài chục thuật sĩ đến đây nghiên cứu. Giang Phong biết rất rõ tầm quan trọng của kỹ thuật, nên không hề tiếc tiền cho việc này.



Thái học viện là một khu vực gồm hàng chục dãy nhà lớn nhỏ, gồm cả nhà ở, đình viện, lâu các, thậm chí có cả một tòa tiểu cung điện. Tuy không thể so sánh với Hoàng cung ở Thăng Long, nhưng Quảng Tế Pháp sư từng nói rằng, so với Hoàng cung ở Tây Đô (Thanh Hóa) cũng không kém mấy. Thái học viện chỉ mới được xây dựng, nên vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Mấy chục thuật sĩ đang bận rộn thu xếp nơi làm việc của mình ở đây. Còn nơi ở của bọn họ và gia đình đều ở khu dân cư tại trung tâm đảo. Thời bấy giờ, việc nghiên cứu không hề được coi trọng, phần lớn nghiên cứu của các thuật sĩ được ngoại giới xem như là việc luyện đan của đạo sĩ, mà mục đích ban đầu của các thuật sĩ cũng là phục vụ cho việc luyện đan. Thuật sĩ là một danh từ thời xưa dùng để chỉ những người nghiên cứu về vật chất, vật liệu, cũng có thể xem là các nhà hóa học cổ đại của phương đông, giống như các nhà giả kim thuật của phương tây vậy. Công việc của thuật sĩ lại rất tốn kém, nếu không được tư trợ thì cuộc sống cực kỳ khó khăn. Do đó mà phần lớn những thuật sĩ đến đây đều cam tâm tình nguyện.



Thấy Giang Phong đến, bọn họ đều dừng tay, chạy ra nghênh đón. Tất cả đều đã được Quảng Tế Pháp sư ‘tẩy não’, nên đối Giang Phong tôn kính như thần. Trong số những kẻ được ‘thỉnh’ đến, chỉ có vài người kém khai minh (hay nói kém văn hoa là cứng đầu), Quảng Tế Pháp sư đã xử lý rồi. Giang Phong đã từng nhiều lần căn dặn lão, các nghiên cứu ở Thái học viện là tuyệt mật, do đó mà lão rất cẩn thận trong việc chọn người.



Hôm nay Giang Phong ra đây là để khai trương Thái học viện, đồng thời khai giảng khóa đầu tiên, do Giang Phong thân tự giảng dạy, học viên đương nhiên là chúng thuật sĩ. Giang Phong không thể giảng dạy những gì quá cao siêu, nhưng dạy lại những kiến thức lý, hóa thời phổ thông còn nhớ được cũng tạm đủ dùng, cũng đủ khiến chúng thuật sĩ hưng phấn vô cùng.



Đương nhiên, các kiến thức đó đều đã được Giang Phong sửa đổi lại cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn như Giang Phong vẫn sử dụng phương pháp ghi công thức hóa học, nhưng ký hiệu hóa học phải thay đổi cho phù hợp, chứ gọi vàng là Au, sắt là Fe, … Giang Phong cũng không biết phải giải thích thế nào. Tiếng latinh vàng là aurit, sắt là ferit, nên mới có ký hiệu như vậy. Nhưng ở đây là phương đông, là Đại Việt. Giang Phong đã cải lại cho dễ hiểu hơn : Hoàng kim (vàng) là Hk, Thiết (sắt) là Thi, Bạch ngân (bạc) là Ba, Than (cacbon) là Tha, … Thời này người ta cũng chỉ mới biết được vài nguyên tố, nên cũng không phức tạp lắm.




Giang Phong cố công giảng dạy, chúng thuật sĩ hăng hái học hỏi, nên khóa học chỉ kéo dài hơn hai tháng là tốt nghiệp (Giang Phong không còn gì để dạy nữa, đành để cho bọn họ tốt nghiệp). Đến lúc này, bọn họ trong một số lĩnh vực còn thông thạo hơn cả Giang Phong, dù sao thì nghiên cứu cũng là chuyên môn của bọn họ mà. Giang Phong chia cả bọn thành ba nhóm nghiên cứu.



Một nhóm thử nghiệm quy trình sản xuất xi măng đơn giản mà Giang Phong còn nhớ được, dường như là nghiền đá vôi và đất sét, sau đó cho thêm ít quặng sắt, sấy khô rồi sử dụng. Giang Phong chỉ nhớ được như vậy, còn làm sao ra được sản phẩm thì cần bọn họ nghiên cứu. Cũng may vật liệu đều là thứ phổ biến, nên cũng không đến nỗi quá khó khăn. Thứ này người phương tây gọi là ciment, người Việt sau này phiên sang thành Xi măng, người Tàu gọi là thủy nê (tức bùn nước). Giang Phong sau một thời gian suy nghĩ lựa chọn, chợt liên tưởng đến một loại vật liệu cũng có nguồn gốc tương tự – thạch cao, nên đã đặt tên cho nó là thạch nê (tức bùn đá), tên này cũng phù hợp và được mọi người chấp nhận, bởi nguyên liệu chính của nó vốn là đá (đá vôi) và bùn (đất sét).



Nhóm thứ hai nghiên cứu luyện thép. Người xưa chế tạo ra thép bằng phương pháp bách luyện, tức là thợ rèn liên tục dùng búa đập vào thanh sắt được nung đỏ hàng trăm lần, cho đến khi nào cảm thấy đạt yêu cầu. Phương pháp này cực kỳ tốn công, lại rất khó, phải khống chế tốt cả tốc độ và lực độ, không phải ai cũng làm được. Muốn chế tạo một bộ Ngư Lân giáp, một người thợ giỏi cũng phải mất cả tháng, còn muốn làm ra được một thanh bảo kiếm, có khi phải mất hàng năm. Giang Phong chỉ nhớ được một phương pháp rất lạc hậu : nung chảy sắt thành chất lỏng, sau đó thổi luồng không khí nóng đi qua, nhiên liệu có thể dùng than đá, thứ này không hề hiếm (các phương pháp hiện đại sử dụng dầu hỏa làm nhiên liệu, thời này đành chịu không dùng được). Chúng thuật sĩ sẽ dựa vào quy trình đó, tìm ra phương pháp luyện thép tốt nhất.



Nhóm thứ ba nghiên cứu cải tiến thuốc nổ và súng thần công. Vấn đề này con trai của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng vốn là đại sư, do đó trong nhóm thuật sĩ ở đây có một số vốn là thủ hạ đắc lực của Hồ Nguyên Trừng. Do quan niệm ‘sĩ nông công thương’, bọn họ chỉ là tam đẳng dân, chỉ được ‘dụng’ chứ không được ‘trọng’, hơn nữa họ Hồ vốn bị xem là ‘ngụy triều’, không đủ uy tín để người khác trung thành, vì thế bọn họ theo Giang Phong mà không bị chướng ngại tâm lý gì cả. Tin rằng bằng tay nghề của bọn họ cùng với các kiến thức hóa học của Giang Phong, bọn họ sẽ đạt được thành tựu khả quan.



Thái học viện, Giang Phong đặt vào đây rất nhiều hy vọng.


Bình luận

Truyện đang đọc