ĐÔNG PHƯƠNG THẦN THÁNH ĐẾ QUỐC







Lại nói, khi nghe Phạm Thế Căng chiêu dụ, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn cùng trầm ngâm suy nghĩ. Phạm Thế Căng cũng không hối thúc, cứ để yên cho cả hai suy tính. Hồi lâu sau, Nguyễn Trãi đứng dậy vòng tay nói :



- Đa tạ Tướng quân có lòng cất nhắc. Bọn vãn sinh tài sơ học thiển, chưa dám nhập triều vi quan. Nhưng nếu có thể, mong rằng Tướng quân có thể thu xếp cho bọn vãn sinh đến Gia Định thăm viếng Chuyết Am huynh.



Phạm Thế Căng là người thế nào, đương nhiên biết thừa bọn Nguyễn Trãi muốn gì, nhưng y chỉ cười cười nói :



- Được thôi. Ta sẽ thu xếp để các ngươi có thể theo thương thuyền vào Gia Định.




Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đồng cung thân nói :



- Đa tạ Tướng quân.



Phạm Thế Căng lại nói :



- Chỉ có điều, khi đã đặt chân lên cương thổ bản triều, các ngươi nếu như không muốn bị thiệt thòi, tốt nhất là nên bỏ hẳn các thói quen của nho gia. Bản triều khinh nho, nho gia tối tiện.



Nguyễn Trãi nghe nói kinh hãi thất sắc, hỏi :



- Nho gia là gốc của triều đình, tại sao triều đình lại khinh nho ạ ? Không có nho gia làm sao trị nước ? Như thế chẳng phải nguy lắm hay sao ?



Phạm Thế Căng khẽ cười nhạt, nói :



- Bản triều khinh nho, mà vẫn dân phú quốc cường đó thôi. Đại Việt trọng nho, thì vẫn bé tẻo teo, ngay cả Ai Lao, Chiêm Thành cũng dám hiếp đáp. Ở bản triều, trừ nho gia ra, chúng dân đều bình đẳng, sĩ nông công thương đều như nhau. Tứ đại bộ môn của bản triều là Thương, Chính, Giáo, Quân. Sở dĩ ở bản triều nho gia tối tiện là vì Thánh hoàng bảo rằng nho gia là phản đồ của Khổng môn, xuyên tạc hoặc bóp méo các tư tưởng cao đẹp của Khổng phu tử. Khổng phu tử bảo rằng ‘hữu giáo vô loại’, việc giáo hóa không được phân biệt đối đãi; Thánh hoàng muốn giáo hóa toàn dân, mọi thần dân của bản triều đều phải biết chữ; trong khi đó nho gia lại chủ trương thực hiện chính sách ngu dân, đương nhiên tối tiện.



Nguyễn Trãi kinh hãi không sao kể siết, bởi Nguyễn Trãi thực chất là một nhà nho, mà theo như lời của Phạm Thế Căng, nho gia là phản đồ của Khổng môn, là tối tiện. Trong khi đó, Trần Nguyên Hãn lại chú ý vấn đề khác, nên hỏi :



- Tướng quân. Triều đình giáo hóa toàn dân được sao ạ ? Chẳng lẽ ở Đế quốc tất cả thần dân đều biết chữ ?




Phạm Thế Căng lắc đầu nói :



- Không. Muốn toàn dân đều biết chữ, có lẽ phải mất 10 năm nữa. Hiện tại tỷ lệ biết chữ mới đạt 7 phần, vẫn còn 3 phần đang tiếp tục theo học. Đương nhiên biết chữ ở đây chỉ tính là biết đọc, biết viết, không cần phải biết làm thơ, làm phú. Bản triều thực hiện nhiều chính sách khuyến học, chẳng hạn như mở trường học ở mỗi huyện, các thôn làng có cả lớp học, dạy học hoàn toàn miễn phí; hoặc như ai biết chữ đóng thuế nhẹ hơn người không biết chữ. Do đó mọi người đều tích cực học chữ.



Trần Nguyên Hãn chép miệng nói :



- Mở trường đến tận thôn làng, lại dạy học hoàn toàn miễn phí, như thế tốn kém biết bao nhiêu mà nói, nhất là một đại quốc với cương thổ rộng lớn như Đế quốc.



Phạm Thế Căng mỉm cười bảo :



- Bản triều tiền lương sung túc, chẳng vấn đề gì. Năm kia, Nam Thiên Trúc hiến 10 vạn cân vàng, Thánh hoàng đã dụng một phần cho việc giáo hóa, thành ra không sợ thiếu tiền.



Nói đoạn, Phạm Thế Căng lấy ra một túi gấm nhỏ nhưng trông cũng khá nặng, trao cho Trần Nguyên Hãn, cười nói :



- Đây là chút ít ta cho các ngươi làm lộ phí. Mấy đồng xu của Đại Việt hay Đại Minh, ở bản triều không sử dụng được đâu. Bản triều cũng không sử dụng vàng thoi bạc nén.



Trần Nguyên Hãn ngần ngừ giây lát, rồi tạ ơn nhận lấy. Phạm Thế Căng lại nói :



- Trong đó có 100 kim tệ, 100 ngân tệ, 100 đồng tệ, chắc cũng đủ cho các ngươi sử dụng một thời gian. 100 đồng tệ bằng 1 ngân tệ, 100 ngân tệ bằng 1 kim tệ, 100 kim tệ bằng 10 lượng hoàng kim.



Sau đó Phạm Thế Căng gọi người đưa cả hai đi nghỉ ngơi, sáng mai sẽ theo vận thuyền đi ra chỗ Hạm đội, rời từ đó phía Hải quân sẽ thu xếp cho bọn họ.








Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Tử Tiêu Điện.



Giang Phong lại ngự trong điện nghe Quảng Tế Pháp sư báo cáo nội tình ngoại vụ của Đế quốc. Quảng Tế Pháp sư ngoài chức danh chính thức là Chính vụ bộ bộ trưởng, còn kiêm nhiệm quản lý bộ phận giám sát, tình báo, làm tai mắt cho Giang Phong. Tuy lão kiêm nhiệm nhiều việc, nhưng các công việc cũng không mất công mất sức gì nhiều, vì lão chỉ phụ trách quản lý, còn việc thực hiện đã có quan lại cấp thấp hơn phụ trách. Thực tế lão chỉ lo việc chuyển những ý đồ của Giang Phong thành mệnh lệnh, rồi phân phó chúng thuộc quan thực hiện. Trong số các văn võ triều thần, chỉ có lão là người hiểu ý Giang Phong nhất.



Ngự trên ngai, Giang Phong vẫn mặc bộ bạch y như thường lệ. Quảng Tế Pháp sư là nhất đẳng trọng thần, vận y phục màu đen, tay áo rộng, thắt đai vàng, đội mão triều thiên. Y phục của Đế quốc lấy màu trắng là tôn quý nhất, kế đó là màu đen, tím, lục. Còn các màu khác thì như nhau. Từ y phục của Giang Phong được chế theo kiểu các phim cổ trang kiếm hiệp Hồng Kông thời hiện đại, đã trở thành kiểu y phục phổ biến nhất trong Đế quốc. Kiểu y phục này khác hoàn toàn hán phục mà Minh triều bên Tàu hay các vua quan nhà Trần, nhà Hồ ở Đại Việt vẫn dùng, đã trở thành nét đặc sắc riêng của Đế quốc. Y phục trên phim ảnh được thiết kế để có thể thu hút người xem, nên đương nhiên là phải đẹp rồi (xấu ai mà xem). Giang Phong thích y phục đẹp, nên đã chọn kiểu đó.



Gần đây có hai việc Giang Phong đặc biệt chú ý : Bắc phạt và Tây chinh. Bắc phạt là việc bọn Phạm Thế Căng đang thực hiện. Còn Tây chinh là nhiệm vụ của Hồng Long phân hạm đội ở các xứ A Lạp Bá. Việc Tây chinh rất thuận lợi. Hồng Long phân hạm đội có 1 vạn thủy quân, 2 vạn lục quân, và được sự phối hợp của các tiểu quốc chư hầu trong vùng, đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo Sinai, khu vực lân cận các hồ Đắng, Timsah, Ballah và Wadi Turnilat; các cửa biển của các nhánh sông Nile ở phía tây, đặc biệt là vùng vịnh Buhayrat Al Manzilah; khu vực nằm giữa sông Jordan, Tử Hải và Địa Trung Hải, kéo dài cho đến gần Tripoli. Liên quân cũng đã từng bao vây Cairo, buộc vương triều Mamluk ở đó phải cầu hòa.



Hiện tại vùng đất của vương triều Mamluk thực tế chia thành 3 phần. Phần Cairo và Thượng Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Muayyad Sayf Ad Din Tatar, quốc vương hiện tại của vương triều Mamluk. Khu vực Alexandria và vùng tây bắc Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Adil Al Musta in Billah, quốc vương bị lật đổ năm Nhâm Thìn (1412), chạy thoát đến Alexandria. Phần bắc Sinai gồm cả đất Syria do các tướng lĩnh Mamluk tự cai quản, đang có khuynh hướng chuyển đổi thành các tiểu quốc Hồi giáo.



Khu vực kiểm soát của Đế quốc ở đấy được chia thành 4 tỉnh. Hai tỉnh vùng tây bắc là Sinai và Jerusalem. Hai tỉnh vùng đông nam là Yemen và Somali (triều đình chỉ trực tiếp quản lý hai khu vực quanh pháo đài trấn giữ hai mũi đất ở eo biển dẫn vào Hồng Hải, lấy đó làm trị sở của tỉnh, còn lại đều là các lãnh địa chư hầu, không lập quận huyện). Jerusalem là một vùng đất của chiến tranh, nếu do các vương triều Hồi giáo kiểm soát thì trở thành lý do kêu gọi Thập tự chinh, còn nếu do các thế lực thuộc Cơ Đốc giáo kiểm soát thì lại là nguyên nhân của Thánh chiến. Trong suốt chiều dài lịch sử của thành Jerusalem, có đến 25 thế lực thay nhau kiểm soát, trong đó có cả La Mã (Roma), Ba Tư (Persia), Babylon, Byzantine, Macedonia, các hiệp sĩ thập tự chinh (Crusaders), … Thành Jerusalem nằm ngay phía bắc bán đảo Sinai, vốn do vương triều Mamluk ở Cairo kiểm soát, sau khi đánh bại Vương quốc Jerusalem của Các hiệp sĩ thập tự chinh. Khi quân đội Đế quốc bao vây Cairo, đã nhân tiện phái một đạo quân đến chiếm lấy, rồi tuyên bố biến Jerusalem thành tự do thành thị, cho phép tín đồ của mọi tôn giáo đến hành hương, thăm viếng, định cư. Giang Phong còn thiết lập một quy chế đặc biệt cho thành Jerusalem : một ‘hội đồng quản hạt’ gồm đại diện của 4 thế lực lớn trong thành cổ (là Armenia, Do Thái, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo), sẽ thay mặt Đế quốc quản lý chính sự của thành thị, chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính vụ ty của tỉnh. Một ngôi đền quy mô cực lớn cũng được xây dựng tại khu vực di tích ngôi đền thiêng liêng cổ xưa, sẽ là nơi thờ tự chung của các tôn giáo.



Tóm lại, công cuộc Tây chinh tiến triển rất thuận lợi, Hồng Long phân hạm đội chỉ còn lo ổn định tình hình trong 4 tỉnh mới thành lập, đưa thêm dân đến lập nên các khu định cư, và xây dựng thành Suez trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.


Bình luận

Truyện đang đọc