ĐƯA EM ĐẾN HÒN ĐẢO CỦA ANH

Hàng xóm mới kì cục ghê. Ân Hiển che bụng bằng một tay, tay kia bật công tắc đèn trong phòng.

Mắt mũi cô này để đi đâu vậy?

Anh ngồi xổm đánh răng bên ngoài, thấy cô ta xuống dốc đi đến. Cô ta cứ như không nhìn thấy anh, đạp ngã anh, còn giẫm lên bụng và mặt anh mà đi qua.

Ân Hiển lau khô mặt bằng khăn mặt, liếc ra cửa sổ, cô ta vẫn đứng ngẩn ngơ ở đấy.

“Cô ta bị đần à?” Anh nhíu nhíu mày, kéo rèm lên.

Đây không phải là lần đầu Ân Hiển đánh giá cô như thế.

Một tháng trước.

Ân Hiển tan làm về. Gần nhà anh có một dãy nhà gỗ nối liền, đi xuyên qua nhà gỗ rẽ vào hẻm nhỏ, đi sâu nữa vào là tới nhà anh.

Từ đằng xa, anh thấy một cô gái trẻ lạ mặt đứng dưới nhà gỗ.

Cô này trông giống trẻ vị thành niên, trán đầy đặn, mắt to tròn. Cô ta mặc một chiếc áo hoodie màu xám nhạt có in chữ, quần jeans bạc phếch vì giặt nhiều.

Khi anh đi đến nhà gỗ, cô đã lên tầng rồi.

“Bà ơi, để cháu giúp bà ạ.” Anh nghe thấy cô ta nói vậy.

“Ừ ừ.” Bà cụ buông món đồ nặng đang cầm, nói cảm ơn cô.

Những tiếng lộc cộc ầm ĩ vang lên, kèm theo bước chân xiêu vẹo xuống lầu.

“Ối, ối.” Bà cụ hô lên.

Cô gái trẻ bước rất nhanh: “Bà yên tâm, cháu khiêng được ạ.”

“Không phải, không phải thế, trời……”

Ân Hiển quay đầu lại, cô gái ban nãy khiên một chiếc tủ lớn trên vai, đứng ở chân cầu thang.

Cô buông chiếc tủ, vỗ vỗ tay, lau mồ hôi.

Cô đợi bà cụ, mặt cười tươi rói.

Bà cụ đi rất chậm, chạy theo bảo vệ cái tủ, thở dài thườn thượt.

“Sau cháu đi nhanh thế, bà gọi cũng không kịp. Bà muốn bê tủ lên lầu, bê cả buổi mới tới tầng hai, cháu lại bê xuống của bà.”

Cô gái trợn trừng mắt, sửng sốt hai ba giây mới phản ứng được.

“Ờ ừm, cháu lại khiêng lên cho bà nhé.”

“……”

Ân Hiển đứng nhìn, không khỏi phì cười thành tiếng.

“Đần độn.”

Hai ba hôm sau, anh bắt gặp cô gội đầu cạnh vòi nước trước nhà mình. Lúc đấy anh mới biết cô là hàng xóm mới chuyển tới.

“Úi ối ái úi úi.”

Miệng cô không ngừng phát ra những tiếng xuýt xoa và mấy tiếng kêu kì quái không rõ. Cô đổ dầu gội lên đầu mình, vò đầu xoành xoạch. Bọt dính lên cổ áo cô, nước lạnh gần như làm ướt nhẹp nửa lưng cô.

Phải nghe kĩ mới biết cô đang kêu gì.

“Lạnh quá lạnh quá lạnh quá.”

Cô vặn vòi nước xả bọt đi, tiếng kêu của cô lại cất cao hơn, thảm thiết như lợn bị chọc tiết.

“Lạnh chết mất úi úi úi lạnh lạnh lạnh.”

Cứ như gào to lên thì chống được lạnh vậy, tay cô vò đầu lấy để, miệng vẫn không ngừng chút nào.

Ngày đông rét mướt thế này, ai hiểu biết hoặc có IQ bình thường một tí đều không dội nước lạnh lên đầu đâu…… Ân Hiển đóng cửa lại, về phòng mình, chắc mẩm hàng xóm mới của mình bị lủng não rồi.

Xóm trọ cách âm kém, tường mỏng như tờ giấy.

Thỉnh thoảng Ân Hiển có thể nghe thấy tiếng làu bà làu bàu từ nhà của hàng xóm mới.

“Lúc đi mình quên tắt đèn à? Đoảng quá, tiền điện đắt lắm.”

“Bao giờ phát lương phải đi mua rèm mới được, không biết cửa hàng bán rèm ở đâu.”

“Đói quá, nhưng không được ăn nữa, phải để dành miếng này sáng mai còn ăn.”

“Ui, mình đói chịu hết nổi rồi.”

Anh trùm chăn lên đỉnh đầu để không phải nghe thấy tiếng cô nói chuyện. Cô cứ kêu đói mãi, làm bụng anh cũng sôi “ọc ọc” theo.

“Nếu được ăn một bát mì sợi nóng hổi thì thích nhỉ.”

Sao lại có người nói chuyện với bản thân, còn nói lắm thế chứ?

Ân Hiển bực bội xoay người, che tai lại bằng hai tay.

Nghe thường xuyên quá, anh đã có thể phân tích được giọng cô.

Khẩu âm phương Nam êm dịu, tốc độ nói nhanh, rất nhiều thán từ. Lúc lẩm bẩm cô nhả chữ không rõ bằng khi nói chuyện với người khác. Giọng cô vọng bên tai anh, như một con ong mật nhỏ đang đập cánh vo vo.

Sáng sớm, anh đang ngủ mơ màng thì lại nghe thấy giọng của hàng xóm.

“Này, con ranh con, có phải mày lấy túi của tao không!”

Một ông chú nhặt phế liệu ở khu đối diện gân cổ lên, mắng sa sả: “Thím Triệu bảo là mày đấy. Mày đừng có chối, mày trộm hết chỗ phế liệu tao cực khổ nhặt nhạnh rồi. Tao đã nghèo thế này, mày còn trộm đồ của tao, đồ táng tận lương tâm.”

Ân Hiển ngồi dậy khỏi giường. Qua ô cửa sổ, anh thấy cô hàng xóm mới chắp tay trước ngực xin lỗi ông chú kia.

“Cháu xin lỗi, cháu không biết là chú cần. Cái túi kia màu đen, bên trong toàn là rác, cháu đi vứt rác nên tiện thể vứt hộ chú.”

Ông chú xua tay, không nghe cô giải thích: “Thôi thôi, giúp tao? Mày còn không biết xấu hổ nói là giúp tao? Không biết là gì thì đừng động vào. Mày tưởng là rác, đấy là mày nghĩ thế thôi. Mày có biết tao mất bao nhiêu công sức thu gom đống phế liệu ấy không?”

“Cháu xin lỗi.” Cô nuốt những lời định nói xuống, cúi gương mặt buồn bã.

Ông chú nghển cổ, càng hùng hổ hơn: “Mày phải đền tiền cho tao.”

Cô gái trẻ gật đầu: “Được ạ…… đền bao nhiêu tiền ạ?”

Ông chú kia nói một con số, rõ ràng là đang nói thách cô.

Ân Hiển không nhìn tiếp nữa.

Người ta nhiệt tình, thích làm việc tốt, đấy là chuyện của người ta.

Không liên quan đến anh, anh không xía vào.

*

Vương Kết Hương chắc chắn là mình đã đổ bệnh.

Cô về từ chỗ làm, uống rất nhiều nước ấm, nhưng họng vẫn rất đau. Ngày hôm sau đi làm, mặt cô xanh xao bệnh tật, khi cơn gió thổi qua, cô còn không đứng vững được.

Cô cố suốt buổi sáng, không cố nổi nữa, bèn đi nhờ vả chị Từ.

“Hôm nay em hơi ốm, chiều nay chị đổi chỗ cho em có được không ạ?”

Chị Từ đảo mắt khinh thường, từ chối ngay tắp lự.

“Ốm thì xin sếp nghỉ đi, về nhà mà ngủ.”

Vương Kết Hương đi tìm quản lý, nhưng không phải để xin nghỉ ốm, mà là xin quản lý cho mình bán dầu trong siêu thị vào buổi chiều.

Quản lý cảm thấy kỳ quái: “Quy định ban đầu không phải hai cô cắt ca trực sao? Còn cần phải xin à?”

“Chị Từ nói chị ấy quen việc trong siêu thị hơn, nên toàn là em đứng ngoài lều thôi ạ.”

Vương Kết Hương không có ý mách lẻo. Cô chỉ cảm thấy mình đang ốm, muốn đứng ở chỗ ấm áp hơn, nhưng xin nghỉ sẽ bị trừ lương, cô cần tiền nên không xin nghỉ.

Dù khác với ý định ban đầu của cô, nhưng cấp trên vẫn đưa cô đến trước mặt chị Từ, mắng chị Từ một trận.

Buổi chiều hôm ấy, Vương Kết Hương được ở trong nhà như ý cô.

Nhưng sau vụ đấy, cô càng bị các đồng nghiệp ở chỗ làm xa lánh thậm tệ hơn.

Sau khi hết thời kỳ tiếp thị dầu đậu phộng, siêu thị không giữ cô lại làm nhân viên bán hàng nữa, Vương Kết Hương lại bước lên con đường tìm việc.

Cô tốt nghiệp cấp 2, không có sở trường đặc biệt, không có kinh nghiệm nghề nghiệp tử tế gì.

Hơn nữa, Vương Kết Hương là một cô gái nhỏ thó gầy đét, những công việc tay chân cũng không cần đến cô.

Tới thành phố hai tháng, cô chẳng có lấy một người để tâm sự. Cô không tìm được việc, không ai giới thiệu việc làm cho cô.

Vương Kết Hương lang thang trên con phố xa lạ, cô cảm thấy mình là một hạt cát, bị con sóng lạnh băng cuốn vào biển rộng. Tất cả buồn vui sướng khổ, và cả sự tồn tại của cô, đều bị đại dương mênh mông nuốt chửng.

Trong thành phố vô cùng rộng lớn này, cô nhỏ bé gần như trong suốt.

Thật sự cùng đường, cô lại đi tìm Khương Băng Băng.

Ngoài cửa hàng hớt tóc nơi Khương Băng Băng làm việc có dán một tờ thông báo tuyển dụng.

“Tuyển nhân viên gội đầu là nữ, dưới 24 tuổi, tiền lương thương lượng.”

Vương Kết Hương bùng cháy hi vọng, bóc tờ giấy đi vào tiệm.

[HẾT CHƯƠNG 36]

Bình luận

Truyện đang đọc