HỒNG BÀNG LẬP QUỐC KÝ REWRITE

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 79: Khu luyện quân

- Tập hợp! Đội hình chuẩn bị! Bên trái, quay! Bên phải, quay! Đằng sau, quay! Đi đều, bước! 1, 2! 1, 2! 1, 2! 1, 2! 1, 2!

Trên sân huấn luyện, một đội lính mới đang mở đầu ngày mới bằng việc tập đi đều bước, xếp đội hình. Sau khi đã đi đều bước một vòng quanh khu doanh trại cực kỳ rộng lớn, cái doanh trại này chính là làng Thụi ngày trước. Sau khi làng Thụi bị tàn phá, làng Hồng Bàng sát nhập những người sống sót vào làng mình, đồng thời khu vực làng Thụi cũ tạm thời bị bỏ hoang. Lý do Kiệt không xây dựng lại làng Thụi, là vì nếu làm thế tất nhiên làng Thụi sẽ được khôi phục, ảnh hưởng của làng Hồng Bàng lên đó không có, coi như là mất tiền oan. Ngoài ra, Kiệt cũng nhắm nó làm chỗ huấn luyện tân binh. Trước quanh cảnh điêu tàn của làng Thụi, mối họa hải tặc dễ được khắc sâu vào lòng tất cả những người lính hơn cả.

Dẫu vậy, từ năm trước, quang cảnh ở nơi này đã biến đổi vô cùng. Do nhu cầu về một nơi để tiến hành vận tải hàng hóa qua đường biển, mà làng Hồng Bàng luôn phải ra vẻ đề phòng cướp biển trả thù, không tự dựng cảng được, nên cảng nước nông ở làng Thụi được dùng. Do được dùng làm nơi trao đổi hàng hóa, người dân khắp nơi tới đây lập nên một khu chợ nhỏ. Cùng với đó, những người lính khi tới đây luyện tập, dưới sự chỉ dẫn của Kiệt đã tái thiết lại ngôi làng để tiện đóng quân lâu dài. Vùng đất làng Thụi cũ giờ chia làm 5 khu chính: Khu giao dịch bao gồm bãi biển và một phần biển. Khu đóng quân là nơi cũ của làng Thụi. Khu vực tăng gia sản xuất- những cánh đồng của làng Thụi. Khu nhà trọ và chợ trên đất liền ở ngay bãi biển cận khu giao dịch. Khu thực địa là bãi dừa cũ của làng Thụi.

Nhớ lại thời điểm hai năm về trước, khi mà vấn đề luyện binh mới được thông qua, 3 ngôi làng phía nam ( làng Thụi đã bị phá hoàn toàn) thì nhất trí, do Kiệt cầm trịch, nhưng 6 ngôi làng phía bắc huyện Sơn Hải, mọi chuyện không tốt như vậy. 6 ngôi làng này có đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi cực kỳ tốt, đây là vựa lúa lớn, cung cấp lượng lúa gạo đủ cho 80% dân huyện Sơn Hải ăn. Là những ngôi làng nông nghiệp, trong thời kỳ này, sức người là yếu tố chính cho canh tác, thành ra dân ở đó chưa bao giờ thừa thãi, thậm chí dù có rất nhiều dân ngụ cư, thì lượng công việc vẫn là đủ chia cho mọi người làm. Không thừa nhân lực để đóng góp cho trại lính của Lý Tuấn, hơn nữa họ cũng không quá lo lắng nạn hải tặc, vì là vựa lúa lớn của huyện Sơn Hải, huyện Sơn Hải nhất định phải bảo vệ họ, nên 6 ngôi làng này không quá để ý tới.

Việc này khiến Lý Tuấn rất không vui, nhưng quả thực với vai trò mà 6 ngôi làng kia có, họ không phải sợ gì cả, huyện Sơn Hải ai đủ sức làm gì họ nữa chứ. Hoàng Anh Kiệt cũng không phải là vui vẻ gì, nếu 6 ngôi làng kia không góp công góp sức, kế hoạch cậu vạch ra sẽ chết non mất. Dù có được rất nhiều tri thức, nhưng so với các làng ở phía bắc đã tích lũy hàng chục năm, các làng phía nam tích lũy chưa nhiều, tiền của có hạn, khó mà kham nổi việc nuôi quân.

Hoàng Anh Kiệt không lùi bước, làng Hồng Bàng càng ngày càng phát triển, tư binh nhất định phải có, nhưng lập tư binh là cực kỳ nguy hiểm, dễ bị để ý, Kiệt phải tận cơ hội này. Do mọi người đều không có phương án tốt, Kiệt liền tìm anh trai mình- Hoàng Anh Minh để bàn bạc.

- Anh thấy chú nóng vội quá mức, nên gặp chút trở ngại thì bồn chồn quá rồi! Chú năm nay mới có 11 tuổi, đã làm gì mà phải lo lắng. Năm nay chưa thành là vì chú chưa có thời gian đi nghiên cứu ký đối phương, nên gây ra sai lầm cũng là dễ hiểu.- Minh vừa cười vừa răn dạy em.

Kiệt cười lại, cậu ta cũng hiểu rằng mình đã quá lạc quan mà không chịu điều tra kỹ càng về vấn đề của 6 ngôi làng phía bắc, nên giờ đây mới phải chịu thiệt thòi.

- Như chú mày nói, dân ở 6 làng đó gần như không dư thừa, cần rất nhiều nhân lực, hơn nữa đó là vựa lúa lớn, dân dĩ thực vi tiên, nên không ai muốn đắc tội, đúng không?

- Đúng!

- Anh thì lại thấy một vấn đề. Họ cần nhiều lao động vậy, tại sao trên huyện thị này vẫn còn nhiều ăn mày, ăn xin, người làm thuê suốt ngày vêu mõm chờ việc chứ!-

- Đúng vậy!- Kiệt vỗ dùi một cái. Minh nhìn vậy thì cười rồi quay lại với công việc đèn sách. Sống trên đây lâu, Minh tiếp xúc với người trên này lâu hơn Kiệt suốt ngày ở làng Hồng Bàng, nên không nắm được rõ ràng, chứ bản thân Kiệt thạo việc này hơn Minh nhiều. Minh đã quy hoạch rõ cho bản thân mình việc đi theo đường công danh, còn việc kinh tế là để Kiệt phụ trách, thuật nghiệp có chuyên công, cậu ta nhắc nhở em mình vậy, chứ không muốn tiến sâu vào nữa.

Được sự nhắc nhở của Minh, Kiệt tìm hiểu thì nhận ra hóa ra bản thân đã quên mất rằng thời kỳ này nông nghiệp vẫn là nông nghiệp dùng sức người là chính, vì thế làm việc rất mệt mỏi, không mấy người có thể chịu. Nhưng mệt thôi chưa đủ, với người có ruộng sẵn, mệt thì cũng là vì ruộng đất của mình, còn người làm thuê, tá điền thì công xá không cao, thành ra trừ người nào quá mức đói khổ, hoặc nợ nần buộc phải làm trả nợ, nếu không ai cũng đi làm việc khác. Kể từ khi Hoàng Anh Kiệt chế tạo ra những thứ máy móc hỗ trợ nông nghiệp, tình hình tuy có khá hơn chút đỉnh, nhưng máy móc hiện đại làm diện tích canh tác tăng đáng kể, lượng công việc cũng nhiều hơn nữa, thế là số người làm thuê cho 6 ngôi làng cũng thiếu đôi chút.

Người trong thiên hạ rộn ràng vì lợi nhuận, dân 6 ngôi làng phía bắc phản đối việc luyện binh là vì họ không muốn mất nhân lực, mà họ cũng tự phụ không bị phụ thuộc vào bất kỳ ai mà còn cầm cán trong mọi vấn đề khi đang là vựa lúa lớn của huyện Sơn Hải, nên không lo lắng chút nào mà từ chối tham gia theo bất cứ phương thức nào khác. Kiệt đổi hướng tiếp cận, cậu thông qua Từ Văn Đồng để nói với những người đứng đầu 6 ngôi làng ở phía bắc rằng làng Hồng Bàng có thể đóng góp những thứ máy móc, công nghệ phục vụ nông nghiệp phát triển, và như vậy có thể giúp đỡ các làng phía bắc tăng năng suất lúa gạo. Nhưng để có thể làm được điều này, làng Hồng Bàng cùng với 2 ngôi làng phía nam cần được ổn định. Nạn cướp biển là một nguy cơ hiện hữu đối với làng Hồng Bàng, nên nếu không được bảo vệ, thì họ rất khó lòng an tâm phát triển kỹ thuật.

Từ Văn Đồng nghe được việc có thể nâng cao năng suất lúa gạo thì rất mừng. Số lượng tăng thì ông ta càng dễ kiếm lời khi có thể bán nhiều hơn xưa, ngoài ra việc bán bia đang phất, sẽ cần nhiều lúa gạo để làm. Và làng Hồng Bàng có thể làm được điều đó, nên Từ Văn Đồng vui vẻ đi thuyết phục những kẻ có năng lực để việc lập một lực lượng quân sự thoe ý của Kiệt được thành công. Sau cùng, một phương án được chấp thuận: 6 ngôi làng phía bắc sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí coi như tiền nuôi quân trong vòng 1 năm, đổi lại họ không phải đóng góp nhân lực, và nhân lực sẽ lấy trên huyện thị Sơn Hải: khoảng 60 người. Đây là những kẻ tương đối vô công rồi nghề, hoặc là người có thu nhập thấp nhưng tương đối khỏe mạnh. 40 người còn lại lấy ở hai làng Triêm và Nhâm. Làng Hồng Bàng do quân đều đã qua chiến đấu, nên gần như không phải huấn luyện lại, và họ sẽ là lực lượng đảm nhiệm vai trò huấn luyện.

Tổng số lính Hồng Bàng còn có thể nhập ngũ lại là 57 người, số còn lại thì phần nhiều có thương tật, nên Kiệt cũng chấp nhận cho phép họ được miễn. Tuy nhiên, Kiệt cẩn thận hỏi thăm lại mọi người, thì cũng chỉ có khoảng 28 người là đồng ý quay lại với việc binh đao. Kiệt thông cảm với những người không muốn theo, ai chẳng sợ chết, nhưng cậu vẫn nói rất rõ việc họ cần luyện tập, và yêu cầu họ quay lại. Làng hồng Bàng càng giàu thì sẽ càng là miếng mồi ngon cho kẻ khác nhòm ngó, muốn mình không bị bắt nạt, họ phải thực sự mạnh mẽ, có sức mạnh để khiến kẻ khác e dè.

- Thà rằng ta chuẩn bị cho cái không bao giờ xảy ra, còn hơn để nó xảy ra mà không có sự chuẩn bị!- Kiệt nhấn mạnh triết lý đó, đồng thời không ngừng động viên họ.

Đội quân thành lập lần này có tổng cộng 157 người, một số khá lẻ, và có phần đông hơn khi trước. Đã vậy, chất lượng lính và tinh thần binh sĩ đều kém hơn dân Hồng Bàng nhiều. Khi trước dân Hồng Bàng kén người khỏe mạnh nhất, lại một lòng bảo vệ làng, nay người được kén đều không quá xuất sắc, lại không có ý chí cứng cỏi, chịu khổ không phải kém, nhưng chiến trường đâu chỉ cần chịu khổ là xong, mà phải có tinh thần chiến đấu, tinh thần hi sinh và tinh thần đồng đội. Để từng bước bồi dưỡng những thứ này, Kiệt với tư cách là Chính Ủy, đã đề nghị Lý Tuấn cho cậu thời gian để tạo tinh thần cho đội ngũ này.

Được sự đồng ý của Lý Tuấn, Kiệt bắt đầu hướng dẫn những người lính mới, và cả lính Hồng Bàng đi xây dựng lại toàn bộ khu vực làng Thụi theo quy hoạch 5 khu vực đã kể trên, có trước tiên làm ra quy hoạch, còn phần chi tiết từ từ bổ sung: Khu đóng quân có nhà nghỉ cho lính, nhà ăn, nhà vệ sinh. Khu tăng gia làm một khoảnh ruộng trồng rau, hồ nước tưới tiêu, rãnh dẫn nước... Khu vực huấn luyện ở bãi dừa không cần động tới. Riêng khu chợ và khu giao dịch thì chưa đầu tư nhiều, cốt là dọn dẹp sạch sẽ những vết tích của vụ tấn công, đồng thời xác định quy hoạch xem nơi nào làm đường, làm cống, làm sạp hàng, nhà trọ... Người ta nói làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn, mà ở đây Kiệt còn chỉ huy họ đi xây dựng hẳn một khu doanh trại siêu lớn, cơm gạo đổ vào đã nhiều, tiền mua nguyên vật liệu cũng lắm, số tiền đóng góp của 6 ngôi làng phía bắc vơi đi trông thấy. Lý Tuấn thấy thế buộc phải phàn nàn đề nghị Kiệt nên có cách để giảm chi tiêu.

Kiệt đề nghị cho cậu ta thêm 3 tháng nữa, nếu không được sẽ lấy tiền làng Hồng Bàng bù vào. Với cái uy tín của mình, tất nhiên làng Hồng Bàng đứng ra bảo lãnh cho Kiệt, và Lý Tuấn thuận theo. Sau 2 tháng chuẩn bị nữa, về cơ bản mọi thứ đã được làm xong, Kiệt đánh tiếng với Từ Văn Đồng, nhờ lão thông báo việc mở chợ và khu giao dịch. Ưu thế của 3 ngôi làng phía nam là những sản phẩm hữu ích, một số mặt hàng đặc sản núi rừng, tươi sống dễ bán, đã vậy giờ đây có cả một khu doanh trại quân dự bị đóng quân, không còn phải lo lắng rằng sẽ có cướp bóc, làm loạn gì, nên lượng người đổ tới làm giao dịch không phải nhỏ. Với một bờ biển rộng, dù nông nhưng thuyền vẫn chèo tốt, nên thuyền bè ra vào tấp nập bán buôn. Khu chợ cũng nhanh chóng thành một món hời, ai cũng biết mua tận gốc bán tận ngọn là cách làm lãi tốt, nếu muốn làm thế thì phải trực ở trên bờ, chờ xem dân 3 làng mang đồ ra thì mua trước, nên cần phải có chỗ ở trên đất liền. Và thế là phải thuê đất ở khu chợ để làm việc. Do đã quy hoạch cẩn thận từ trước, chợ thì mới xây, mà chủ đất giờ là đám lính, nên tất thảy mọi thứ đều rất trật tự.

Kiệt xếp đặt hàng loạt quy định: các sạp hàng phải ở chỗ nào, đăng ký ra sao, có sự giám sát, tiền mua bán, giữ gìn vệ sinh,.... Điều này ban đầu khiến tất cả khó hiểu, nhưng vì lợi nhuận, họ tạm chấp nhận. Về sau, những điều này làm khu chợ được yêu thích vì khách tới mua không sợ bị quỵt, chợ sạch sẽ không ruồi nhặng, thái độ nhân viên tốt,... nên nhiều người vui vẻ tới đây hơn là lên huyện thị Sơn Hải, một nơi quá mức xô bồ. Người ta cứ thể rỉ tai nhau kéo tới, mang cho đội quân dự bị một khoản thu nhập cực kỳ ổn định. Bằng khoản thu nhập này, các vấn đề chi tiêu không còn quá làm Lý Tuấn lo lắng nữa, thậm chí họ còn có thể trả tiền công cho đám lính này nữa chứ.

Bình luận

Truyện đang đọc