KHÔNG CÓ NGƯỜI NHƯ ANH

[1] Nguyên văn là “耳东陈”: Chữ “陈” có bộ “阝” khá giống hình cái tai “耳” nên dùng cụm từ này để mô tả cách viết của chữ Trần “陈”.

[2] Nguyên văn là “屹立浮图可摘星” (Ngật lập phù đồ khả trích tinh): Trong đó, “屹立” nghĩa là sừng sững; “浮图” theo truyền thống Phật giáo là ngôi mộ chôn giữ một phần xá lợi (di thể của Đức Phật) hay để tưởng niệm Đức Phật và môn đệ có thánh tích. Cách cách gọi khác gồm có: Tháp Phật, Bảo Tháp, Đại Bảo Tháp.

Hôm Nguyễn Miên theo mẹ chuyển đến ngõ Bình Giang Tây, đúng vào hôm thế vận hội Olympics năm 2008 khai mạc, cả nước hân hoan đón mừng.

Nhà nhà mở tung cửa lớn cửa nhỏ, tiếng hát ca, tiếng hoan hô trên TV truyền ra hoà với bóng người lay động trong phòng. Ánh trăng luẩn quẩn đan xen qua dàn Ăng-ten, xuyên qua kẽ hở của dây treo quần áo trên gác các gia đình, chiếu sáng một mảnh trời đất chật hẹp này.

Mẹ cô – Phương Như Thanh đang khẽ dặn dò những điều mà trước đó bà đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, “Đến nhà chú Triệu rồi thì nhớ phải chào hỏi mọi người đấy, hiểu chuyện một chút nghe không?”

Nguyễn Miên đang cúi đầu nghĩ ngợi ở đằng sau, quan sát vết bánh xe vali lăn trên mặt đường đá xanh, uể oải đáp, “Con biết rồi ạ.”

Phương Như Thanh nghe ra sự miễn cưỡng trong giọng nói của con gái, quay đầu nhìn cô một cái rồi quay lại đi tiếp. Đôi giày cao gót cao năm phân “cạch, cạch, cạch” tránh được những chỗ gập ghềnh trên đường một cách chuẩn xác, bóng dáng nhỏ gầy mà lão luyện, “Mẹ biết con còn trách mẹ ly hôn với ba con, nhưng Miên Miên à, hôn nhân không hề đơn giản như con nghĩ, có một số chuyện bây giờ con chưa hiểu được đâu.”

Cha Nguyễn Miên – Nguyễn Minh Khoa là một nhà nghiên cứu khoa học, trước đây là bạn cùng trường đại học với Phương Như Thanh, rồi nhất kiến chung tình với bà trong buổi dạ tiệc chào đón tân sinh viên. Phương Như Thanh vừa tốt nghiệp đại học, hai người lập tức đăng ký kết hôn, trong vòng hai năm, Nguyễn Miên ra đời, một nhà ba người sống hạnh phúc trong khoảng bảy năm.

Đến năm Nguyễn Miên lên tám, chắc là đã đến giai đoạn chán ngán của cuộc hôn nhân, cha mẹ bắt đầu cãi nhau như cơm bữa, không khí trong nhà lúc nào cũng ngột ngạt.

Những cuộc tranh cãi chưa bao giờ dừng lại.

Cho đến ba năm trước, Nguyễn Minh Khoa phải rời khỏi Bình Thành vì lý do công việc, trước khi đi nói chuyện thẳng thắn với Phương Như Thanh một lần, giữa hai vợ chồng có một khoảng thời gian hòa bình ngắn ngủi.

Nhưng khoảng thời gian hòa bình này chỉ tồn tại được nửa năm. Tính chất công việc của Nguyễn Minh Khoa khiến ông quanh năm suốt tháng không ở nhà, những cuộc cãi vã thường xuyên trong những năm vừa qua đã bào mòn tình yêu giữa hai vợ chồng từ lâu. Giờ đây, thêm yếu tố thời gian và khoảng cách, cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, và ly hôn là kết quả cuối cùng cũng là kết quả tốt nhất của hai người họ.

Cuối tháng 10 năm ngoái, hai vợ chồng ly hôn trong hòa bình, nhà và xe thuộc về Nguyễn Minh Khoa, Phương Như Thanh chỉ cần quyền nuôi dưỡng Nguyễn Miên.

Sau khi ly hôn, Phương Như Thanh – tổ trưởng phòng tài vụ một công ty nước ngoài có giá trị thị trường cao – nhanh chóng rơi vào cuộc tình mới cùng với Triệu Ứng Vĩ – quản lý bộ phận kinh doanh cùng công ty.

Tết Âm lịch năm nay, Phương Như Thanh dẫn Nguyễn Miên đến gặp Triệu Ứng Vĩ.

Chuyện sau đó cũng rất thuận lợi, Triệu Ứng Vĩ bắt đầu thường xuyên tham gia vào cuộc sống của Nguyễn Miên và mẹ cô. Một tuần trước, hai người họ đã đăng ký kết hôn rồi.

Đối với quyết định của cha mẹ, từ trước đến nay Nguyễn Miên không tham dự vào cũng không bày tỏ ý kiến gì. Từ lần đầu tiên Nguyễn Minh Khoa và Phương Như Thanh cãi cọ trước mặt cô không hề cố kỵ, Nguyễn Miên đã đoán được tương lai sẽ có ngày này.

Cô nhìn bóng lưng mẹ mình, một lúc lâu sau mới nói: “Con không trách mẹ.”

Phương Như Thanh không nói tiếp nữa, lúc đi ngang qua một cửa hàng hoa quả trong ngõ nhỏ,  bà dừng chân lại, bảo Nguyễn Miên đi chọn hai quả dưa hấu.

Lúc ông chủ cân dưa, Triệu Ứng Vĩ dẫn con trai là Triệu Thư Dương đến. Người đàn ông trung niên hơn bốn mươi tuổi, mặc áo sơ mi màu xám trắng và quần tây, dáng người cao và thẳng, thân hình chưa phát tướng, khí chất nho nhã.

Ông đi đến cửa hàng hoa quả, rất tự nhiên đón lấy vali trong tay Phương Như Thanh, “Anh đã dặn em và Miên Miên chờ ở đầu ngõ đợi anh đến đón rồi mà.”

“Cũng đâu có xa lắm.” Phương Như Thanh đưa tay cầm lấy cặp sách trên vai Nguyễn Miên, nhắc cô chào hỏi.

“Cháu chào chú Triệu.” Trước khi Phương Như Thanh lên tiếng, Nguyễn Miên đã nhìn cậu bé nấp sau lưng Triệu Ứng Vĩ, lấy hai cái kẹo sữa hình thỏ trắng từ trong túi ra, “Ăn kẹo không?”

Triệu Ứng Vĩ liếc nhìn Nguyễn Miên, có vẻ vui mừng ngoài ý muốn. Ông nắm lấy bả vai con trai, “Còn không mau cảm ơn chị đi.”

Triệu Thư Dương nhận lấy kẹo, rụt rè đáp: “Cám ơn chị ạ.”

“Không có gì.” Nguyễn Miên thuận tay sờ đầu thằng bé, nở một nụ cười nhàn nhạt.

***

Căn nhà hai tầng của nhà họ Triệu nằm sâu trong ngõ nhỏ, là một căn nhà cũ tuổi đời vài chục năm, chỉ cách vạch phá dỡ và di dời đã được chính phủ phê duyệt trước đó vài chục mét.

Trong nhà Triệu Ứng Vĩ, ngoài đứa con trai Triệu Thư Dương do người vợ quá cố để lại, còn có con gái Triệu Thư Đường và mẹ ruột Đoạn Anh của ông.

Triệu Thư Đường bằng tuổi Nguyễn Miên. Nghe theo sắp xếp của Triệu Ứng Vĩ, sau khi khai giảng năm học mới, Nguyễn Miên sẽ chuyển đến lớp của cậu ta.

Buổi tối, hai gia đình cùng ăn cơm với nhau xong, Triệu Ứng Vĩ và Phương Như Thanh dẫn Nguyễn Miên lên phòng ngủ trên tầng hai. Phòng không lớn, được cái nhiều ánh sáng, cách bài trí trông cũng ấm áp.

Trên bàn học có mấy cái thùng giấy chưa mở, Phương Như Thanh giải thích: “Đây là mô hình chú Triệu con đặc biệt nhờ người mang từ nước ngoài về.”

Nguyễn Miên bước tới mở một thùng ra, ngoảnh đầu nói cám ơn: “Làm phiền chú Triệu rồi ạ.”

“Không phiền, cháu thích là được rồi.” Triệu Ứng Vĩ không ở trong phòng quá lâu, giải thích về cách bài trí trong phòng xong thì đi ra.

Phương Như Thanh giúp Nguyễn Miên dọn giường, ngồi xuống bên giường, “Trình độ giảng dạy của trường Trung học số Tám khá tương đương với Trung học số Sáu, chú Triệu con đã liên hệ với giáo viên và lớp học xong xuôi rồi, ngày 30 tháng 8 tới báo danh. Lớp học thêm bên trường Trung học số Sáu của con học đến hôm nào?”

“Ngày 16 ạ.”

“Cách có vài ngày thôi à, hay mẹ gọi điện cho thầy Chu của con, con cũng đừng đi nữa, từ đây ngồi xe qua đó xa lắm.”

Nguyễn Miên cụp mắt, “Không cần đâu ạ, con vẫn nên đi thì hơn, dù sao cũng chỉ còn bảy, tám ngày nữa, vả lại bài thi và tài liệu con vẫn để ở lớp bên kia.”

“Cũng được.” Phương Như Thanh không ép cô nữa, đứng lên nói, “Vậy lát nữa con đi tắm rửa đi, tối ngủ sớm một chút, mai mẹ lên gọi con dậy ăn sáng.”

“Vâng, mẹ ngủ ngon.”

“Ừ.” Phương Như Thanh xoa xoa đầu cô, “Ngủ ngon.”

Sau khi Phương Như Thanh ra ngoài, Nguyễn Miên mở vali của mình ra, cất quần áo bên trong vào tủ quần áo. Đến khi bên ngoài không có tiếng nói chuyện nữa cô mới cầm đồ ngủ đi tắm.

Căn nhà cũ ngoại trừ phòng ngủ chính có phòng vệ sinh riêng, cả tầng trên và tầng dưới chỉ có một phòng vệ sinh chung. Nguyễn Miên đang tắm thì nghe thấy Triệu Thư Dương ở bên ngoài gõ cửa nói muốn đi WC.

Cô đáp ngay lập tức, ngay cả sữa tắm cũng không dùng, lấy khăn tắm lau qua nước trên người, mặc đồ ngủ bước ra để cho Triệu Thư Dương vào.

Cửa đóng không chặt, Nguyễn Miên nghe thấy tiếng động bên trong, khẽ nhíu mày, xoay người bước lên tầng, lấy một cái máy sấy nhỏ trong vali ra để sấy tóc, sau đó tắt đèn nằm xuống giường.

Có tiếng ai đó đi lại ngoài hành lang, Nguyễn Miên trở mình, ngửi thấy mùi bột giặt không quen thuộc trên gối, một lúc sau mới buông tiếng thở dài.

***

Sáng hôm sau, Nguyễn Miên không ăn sáng cùng nhà họ Triệu. Từ ngõ Bình Giang Tây đến lớp học thêm mất nửa tiếng đi xe, cô không có thời gian ngồi xuống ăn sáng.

Phương Như Thanh dẫn cô ra chỗ bắt xe. Ban ngày, ngõ Bình Giang Tây náo nhiệt hơn buổi tối nhiều, trong ngõ có đủ loại cửa hàng tạp hoá, tiệm làm tóc và cửa hàng bán hoa quả. Những tấm biển hiệu bằng nhựa khung nhôm đã nhạt màu vì phơi nắng dầm sương.

Ánh nắng ban mai đẹp đến nỗi khiến cả con ngõ trở nên sáng rực.

Khi đi đến biển hiệu điểm dừng xe bus, Phương Như Thanh dặn dò đầy lo lắng: “Nếu có bài kiểm tra phải tan học muộn thì nhớ gọi mẹ, mẹ đến đón con.”

“Con biết rồi ạ.” Đến điểm dừng xe bus, Nguyễn Miên tay cầm bánh quẩy và sữa đậu nành ngồi lên xe. Ven đường, cửa hàng nối tiếp cửa hàng, hiện ra một góc Bình Giang công quán [3] chỉ cách ngõ Bình Giang Tây một con đường.

[3] Công quán: thường dùng chỉ ly cung biệt quán hoặc cung thất chư hầu thời xưa, cũng chỉ nơi ở của nhà giàu, khá giống với khu biệt thự, dinh thự ngày nay.

Chuyến xe cứ xa dần, rời xa mảnh đất phồn hoa xưa cũ này.

***

Một tuần sau, hầu như ngày nào Nguyễn Miên cũng sáng chín giờ đi chiều năm giờ về, mãi đến hôm cuối cùng, lớp học thêm tổ chức buổi liên hoan, cô về muộn hơn bình thường bốn tiếng.

Lúc xuống xe đã gần chín giờ, Nguyễn Miên cầm cặp sách, mua kem que ở quầy bán đồ ăn vặt bên đường, vừa ăn vừa đi về hướng ngõ nhỏ.

Giờ này hàng xóm đã đóng cửa tắt đèn gần hết, chỉ có mấy nhà là có thể nhìn thấy ánh sáng TV hắt qua khung cửa sổ. Ánh trăng trở thành ánh sáng duy nhất nơi đây.

Ngõ nhỏ lắt léo phức tạp, hơi thất thần một tí sẽ rẽ nhầm đường ngay. Nguyễn Miên dừng lại ở một con ngõ chéo xa lạ, đang lưỡng lự không biết đi lối nào, bỗng ngõ nhỏ bên phải có hai người đàn ông cười nói đi đến, ánh mắt dừng trên người cô vài giây.

Nguyễn Miên vô thức siết chặt quai cặp, không đợi bọn họ đi qua đã xoay người đi đến một con ngõ có ánh sáng cách đó không xa.

Phía sau yên tĩnh vài giây, nhưng ngay sau đó tiếng bước chân vang lên dồn dập, da đầu Nguyễn Miên tê rần, không dám quay đầu nhìn lại mà chỉ bước nhanh hơn.

Cuối cùng thậm chí cô còn phải chạy, tiếng gió rít gào bên tai, mang theo hơi thở của mùa hè, khô nóng mà ngột ngạt.

Ánh sáng trong con ngõ này phát ra từ một quán net bên đường, có mấy chàng trai đứng trên bậc cửa, bên cạnh còn có người bán đồ nướng.

Nguyễn Miên chạy thẳng đến trước quán nướng. Lý Chấp đang quét gia vị lên xiên thịt dê nướng thì bị cô dọa giật mình, “Cô…”

Cô thở hổn hển, “Ông chủ, tôi mua hai mươi xiên thịt dê nướng.”

Nói xong, Nguyễn Miên giả vờ lơ đãng nhìn con đường vừa đi qua, nơi đó không một bóng người, như thể nỗi sợ bóng sợ gió vừa nãy là do cô tự biên tự diễn vậy.

Cô thu lại tầm mắt, đối diện với ánh mắt khó hiểu của chàng trai, đưa tay lên sờ mặt mình, “Sao thế ạ?”

Lý Chấp cười, “Không có gì. Muốn mua hai mươi xiên thịt dê đúng không? Xong ngay đây.”

Trong thời gian chờ thịt nướng, Nguyễn Miên lấy điện thoại ra gọi cho Phương Như Thanh, không có ai nhấc máy, gọi ba cuộc vẫn không được.

Điện thoại cô không lưu số Triệu Ứng Vĩ, cũng không lưu số máy bàn của nhà họ Triệu, chỉ có thể cách vài phút lại gọi cho Phương Như Thanh một cuộc. Nhưng đến tận khi hai mươi xiên thịt dê được nướng xong, Nguyễn Miên vẫn không gọi được cho bà.

Nguyễn Miên cầm túi gói xiên thịt dê đứng bên lề đường, do dự không biết nên tiếp tục ở đây gọi điện thoại hay đánh bạo đi về một phen.

Lý Chấp vừa bê xiên thịt dê đã được nướng thơm lừng lên bàn vừa hỏi mấy chàng trai đứng bên cạnh: “Mọi người ăn trước đi, cá nướng sắp xong rồi.”

Nguyễn Miên nghe thấy thế thì quay đầu nhìn lại, ánh mắt lơ đãng lướt qua phía bên kia, vô tình nhìn thấy một chàng trai đang đứng trên bậc thang nhìn điện thoại.

Dáng anh rất cao, dưới ánh đèn quán net, tóc anh vừa giống màu nâu lại vừa giống màu cà phê, tóm lại không phải là màu đen. Nhưng anh mặc một chiếc áo ngắn tay màu đen, bên dưới là chiếc quần thể thao cùng màu sọc trắng, chân đi đôi giày vải màu trắng, đôi mắt mang theo sự thâm thuý khắc cốt ghi tâm và lạnh lẽo thấu xương.

Con người khá mẫn cảm với cái nhìn chăm chú của người khác, chàng trai ngẩng đầu lên như phát hiện ra điều gì, nhìn xung quanh một lượt. Nguyễn Miên vội cúi đầu trước khi tầm mắt anh lướt qua, tay chân cứng đờ như không phải của bản thân.

Trần Ngật cũng không nhìn sang phía Nguyễn Miên.

Anh tỏ vẻ không để ý nhìn sang hướng khác, nhấc chân bước xuống hai bậc, “Chị Lộ nói quán net hết thuốc rồi, em đến lấy hai điếu.”

“Vừa hay anh với cậu qua đó chuyển rượu về đây luôn.” Lý Chấp đưa dụng cụ trong tay cho người khác, dặn dò một câu, “Đến canh cá nướng cho tôi.”

Có người đáp: “Đến đây.”

Lý Chấp tháo tạp dề trước ngực ra ném lên ghế, “Đi thôi.”

Trần Ngật bước xuống bậc thang, Lý Chấp quàng vai anh. Đi được vài bước, Lý Chấp quay đầu lại nhìn Nguyễn Miên, “Em gái, muộn thế này sao chưa về nhà đi?”

Nguyễn Miên nắm chặt túi nilon trong tay, liếc nhìn chàng trai bên cạnh anh, trong nháy máy hô hấp có phần khó khăn, “Giờ về ngay đây ạ.”

“Gần đây em mới chuyển đến đây à, trước kia chưa từng gặp em.” Lý Chấp gãi gãi cổ, nhướng mày hỏi, “Em ở sống ở đâu?”

Nguyễn Miên suy nghĩ một lúc, “Nhà họ Triệu trong ngõ nhỏ ạ.”

“Triệu Ứng Vĩ?”

“Vâng.”

“Thế sao em lại chạy đến chỗ này? Đi lạc à?” Lý Chấp cười nhẹ, buông cánh tay quàng trên vai Trần Ngật xuống, nghiêng đầu trò chuyện với anh, “Có phải nhà họ Triệu ở ngõ bên kia không?”

Trần Ngật giương mắt, ánh mắt lướt qua khuôn mặt Nguyễn Miên, giọng nói sạch sẽ, rõ ràng, tựa như dòng suối nhỏ róc rách chảy qua thung lũng, “Không ấn tượng lắm.”

“Anh nhớ hình như là vậy.” Lý Chấp nhìn Nguyễn Miên, “Siêu thị nhà họ Lý em biết không? Muốn về nhà họ Triệu phải đi qua đó, nhưng tám giờ siêu thị đã đóng cửa rồi, lúc em đi qua chắc không chú ý tới, đi thôi, bọn anh tiện đường đưa em về luôn.” 

“Cám ơn ạ.” Nguyễn Miên cầm xiên thịt nướng đã nguội đi theo bọn họ, lòng bàn tay và lưng đã đổ một lớp mồ hôi.

Đi được nửa đường, Nguyễn Miên nhận được điện thoại của Phương Như Thanh, nói vài câu, Triệu Ứng Vĩ đứng nghe bên cạnh đã hiểu đầu đuôi câu chuyện, bảo cô đứng chờ ở siêu thị, bọn họ sẽ đến đón cô.

Lý Chấp quay đầu nhìn cô một cái rồi tiếp tục nói chuyện linh tinh với Trần Ngật. Đến cửa siêu thị, anh ta hỏi Nguyễn Miên: “Người nhà đến đón em à?”

“Vâng, cảm ơn anh. Hôm sau sẽ đến nhà anh mua thịt dê nướng.”

Lý Chấp bật cười, đáp: “Ok.”

Trần Ngật bên cạnh cất điện thoại, khom lưng sờ soạng bên dưới cửa cuốn một hồi, sau đó dùng sức kéo cửa cuốn lên. Hoá ra siêu thị vẫn có người, đèn cũng sáng, chẳng qua cửa quá kín nên ánh sáng không lọt ra ngoài. Cánh cửa này vừa mở ra, chiếu sáng một vùng lớn.

Lý Chấp không nói gì với Nguyễn Miên nữa mà xoay người theo Trần Ngật vào siêu thị. Nguyễn Miên đứng bên ngoài, thấy hai người họ đang nói chuyện cùng người ở trong siêu thị.

***

“Đã nói với ông bao nhiêu lần rồi, cháu là Lý Chấp, cậu ta là Trần Ngật.” Lý Chấp gân cổ lên nói, giọng điệu có chút oán giận: “Sao đến cả cháu mình cũng nhầm được?”

“Trần Ngật, Trần Ngật là ai thế?” Đây là giọng của cụ già. 

Còn có tiếng của người đàn ông trung niên, “Chính là cháu trai của ông Trần ở Bình Giang công quán, ông Trần Bình Hồng bạn của ba đấy ạ.”

Ông cụ à ba tiếng, như hiểu như không, “Thế cháu là chữ Trần nào chữ Ngật nào?”

Trong phòng yên tĩnh vài giây, Nguyễn Miên không nhịn được quay đầu lại, chàng trai nghiêng người với cánh cửa, trước mặt anh là ông cụ ngồi trên xe lăn, trông dáng vẻ đã già yếu.

Anh hơi khom lưng, từ góc độ này sống mũi vô cùng cao và thẳng, giọng điệu biếng nhác rất êm tai, “Nhĩ Đông Trần, Ngật trong Tháp Phật sừng sững hái được sao ạ.”

Bình luận

Truyện đang đọc