KINH THÁNH CỦA MỘT NGƯỜI

Không phải anh không nhớ rằng mình đã từng có một cuộc đời khác, giống như vài tấm ảnh của gia đình chưa bị tiêu hủy nay đã ố vàng, nghĩ lại khiến người ta ít nhiều âu sầu thương cảm, nhưng vời vợi quá và tựa hồ cách xa nhau cả kiếp sống. Tất cả đã mãi mãi tiêu vong. Nhà anh ở Bắc Kinh bị cảnh sát lục soát niêm phong, nơi ấy đã lưu giữ một tấm ảnh chụp chung cả gia đình mà người cha quá cố còn để lại, đó là tấm hình đầy đủ nhất các thành viên trong đại tộc. Lúc ấy ông nội anh còn sống, đầu bạc phơ, vì bị trúng gió không thể nói năng gì nữa, nằm trên một chiếc ghế xoay. Anh là con cả, cháu đích tôn, là đứa trẻ duy nhất trong tấm ảnh, đứng chen giữa ông bà nội, mặc quần hở đáy, bày cả chim ra ngoài, nhưng trên đầu lại đội mũ calô kiểu Mỹ. Đó là cái thời kháng chiến tám năm vừa chấm dứt và một cuộc nội chiến khác sắp bắt đầu, tấm ảnh được chụp trước cổng tròn trong hoa viên, nở rộ cúc vàng hoàng kim và mào gà đỏ tím, ánh nắng một ngày cuối hạ còn vô cùng rực rỡ chiếu rọi khắp thế gian. Những gì gọi là kí ức của anh về hoa viên là như vậy, tấm ảnh bị dính nước đã ngả sang màu vàng xám. Cảnh phông của tấm ảnh là tòa lầu hai tầng kiểu Anh quốc nằm phía sau cổng tròn, dưới có hành lang vòng, trên có lan can và cả đại gia đình anh đã sống ở nơi ấy. Anh nhớ số người trong tấm ảnh là mười ba, một con số không lấy gì làm may mắn cho lắm, có cha mẹ anh, đầy đủ các cô, chú và một người thím. Ngoại trừ cô cả đang ở Mỹ và anh ra, toàn bộ những người trong ảnh, cùng tòa lầu phía sau cổng tròn ấy đều đã bị xóa hết dấu vết trên thế gian này.

Ngày còn ở Trung Quốc, anh có trở về thành phố, tìm lại vườn xưa, nó nằm sau ngân hàng nơi cha anh làm việc, nhưng chỉ thấy vài gian nhà gạch tuềnh toàng của dân xây cất đã lâu, hỏi người qua lại vào ra, rằng có hay không một tòa lầu như vậy, họ đều nói chẳng rõ. Anh nhớ, ra khỏi cửa hậu tòa nhà là đến bậc cấp xây bằng đá và dưới đó, một hồ nước mênh mông, vào dịp tết Đoan Ngọ cha anh cùng các đồng sự của ông làm việc bên ngân hàng chen nhau trên bậc cấp này xem đua thuyền rồng. Thuyền cắm cờ hoa rực rỡ, trống chiêng huyên náo, cố bơi nhanh để giành những hồng bao treo trên cần trúc của dân ven bờ hồ, trong hồng bao tất nhiên là có tiền thưởng. Rồi chú ba, chú út, cô út đưa anh lên thuyền, chèo ra giữa hồ vớt củ ấu non, nhưng chưa dịp nào họ đi tới bờ hồ bên kia, cho dù có dạo vòng quanh vùng hồ, ngoái đầu nhìn lại thì kí ức cũng tựa như giấc mơ khó mà phân biệt rõ ràng.

Đó là một gia tộc suy tàn, quá ôn hòa nhưng cũng quá yếu giòn dễ vỡ, khó có thể tồn tại với thời cuộc và chắc chắn sẽ không có ai là người hậu kế. Sau khi ông nội qua đời, cái chức chủ nhiệm khá là béo bở của cha anh ở ngân hàng nhanh chóng mất luôn, gia đình đi vào ngõ cụt. Mỗi một chú hai thích hát dăm ba câu Kinh dịch, trương biển nhân sĩ dân chủ hợp tác với chính quyền mới không nổi vài năm, cuối cùng thì cũng là hữu phái, từ đó câm lặng trầm tư, ngồi đâu ngủ gật đấy, sau trở thành ông già lẩn thẩn, cầm cự độ mấy năm rồi ra đi một cách âm thầm. Người nhà anh không chết bệnh thì cũng bị đắm sông, tự sát, phát điên hoặc theo chồng đi lao động cải tạo mà lần lượt tuyệt đường hương hỏa, còn sót lại mình anh nghiệt chủng như thế này. Bà cô cả của anh, cái bóng đen bao trùm toàn gia tộc, nghe nói mấy năm trước còn khỏe mạnh, nhưng sau khi chụp xong tấm ảnh kia là biến luôn, chẳng rõ đã đi đâu. Ông dượng, chồng bà lúc bấy giờ phục dịch trong ngành không quân Quốc dân đảng, làm hậu cần dưới mặt đất, không leo lên máy bay ném bom bao giờ, chạy ra Đài Loan, sống được mấy năm rồi cũng qua đời, còn bà cô làm cách nào đi Mỹ, anh chẳng hề hay biết, và cũng không mất công dò la, thăm hỏi làm gì.

Năm anh lên mười, vào dịp sinh nhật, người ăn kẻ ở trong nhà còn đông lắm, lễ hôm ấy thật tưng bừng, náo nhiệt. Từ sáng sớm vừa xuống khỏi giường đã phải thay áo quần mới và diện giày da, một món hàng khá xa xỉ đối với trẻ nhỏ lúc bấy giờ, rồi nhận cơ man là quà tặng, diều gió, cờ nhảy, kẹo bánh, bút chì màu của ngoại quốc, súng hơi bắn bằng đạn cao su và bộ sách Cách Lâm đồng thoại toàn tập với nhiều tranh minh họa. Bà nội cho anh một bọc tiền đúc bằng bạc, bên ngoài được gói giấy hồng điều đỏ thắm, mở ra thôi thì đủ loại, có long dương của đế quốc Đại Thanh, có Viên Thế Khải đầu to bóng láng, có Tưởng Giới Thạch oai vệ trong bộ quân phục... Tiết mục tiếp theo là cả nhà ra quán ăn bánh bao hấp, anh vội vàng như thế nào đó, cắn một miếng làm dầu trong nhân bánh bắn tung tóe, dính đầy bộ áo quần mới, chẳng ai quát nạt anh mà chỉ cười ầm lên và lần đầu tiên anh cảm thấy xấu hổ, thẹn thùng, sở dĩ anh nhớ rõ ràng như vậy là vì vừa ra khỏi vòng vây mung lung của con trẻ để đi vào thế giới tự giác của kẻ thành nhân, nhận ra cái vẻ nhếch nhác, thảm hại của mình.

Anh còn nhớ ngày ông nội qua đời, linh đường treo kín không biết bao nhiêu là bức trướng, giống như hậu đài của một sân khấu, còn hấp dẫn hơn cả lễ sinh nhật cho bọn trẻ cỡ tuổi anh. Một đoàn các hòa thượng đánh đánh, gõ gõ, miệng liên hồi tụng niệm kinh Phật, anh chui ra luồn vào giữa rừng cờ trướng theo nhịp mõ “lóc cóc” thật là khoái chí. Mẹ bắt anh đi giày tết bằng sợi đay, anh đành miễn cưỡng chấp nhận, nhưng cương quyết không chịu thắt tấm vải trắng trên đầu với lí do xấu như ngợm. Ngược lại, cha anh thì đầy đủ trang phục, và đặc biệt hơn người là vận bộ comple lụa đay trắng. Khách đến phúng viếng đều ăn mặc tân thời, đàn ông đồ Tây càvạt, đàn bà kì bào xẻ cao tận bắp đùi, ỏn ẻn, ngoáy mông nhờ các đôi giày cao gót. Trong số họ có một bà biết chơi dương cầm và hát giọng nữ cao nghe như cừu dê bị chọc tiết, tất nhiên bà không biểu diễn những ngón nghề ấy trước linh đường ông nội anh, mà anh nhớ đã mấy lần liên hoan gia đình, đều có dịp nghe bà hát và không nhịn được cười mặc dù mẹ rỉ tai trách móc.

Trong kí ức tuổi thơ, đám tang ông nội anh như một ngày lễ hội, chẳng gợn chút bi thương. Anh cảm thấy cụ đúng ra nên chết sớm mới phải. Ngọa bệnh đã lâu, ngày cũng như đêm cứ nằm liệt trên chiếc ghế xoay, sự ra đi hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên chứ không gây nên điều gì bất ngờ. Ngược lại, cái chết của mẹ mới làm anh kinh hoàng. Mẹ anh qua đời khi còn khá trẻ, mới ba tám tuổi. Bà bị đắm sông ở nông trường nơi lao động cải tạo, sáng nọ người chăn vịt phát hiện thấy thi thể bà đã trương phình nổi trên mặt nước. Bà mãi là hình ảnh đẹp trong trí nhớ của anh.

Trong số quà tặng người lớn cho anh hồi còn nhỏ có một cây bút máy hiệu Parker mạ vàng của bác Phương, đồng nghiệp ngân hàng với cha anh. Thấy anh cầm bút chơi đùa thích thú, mãi mà vẫn không chán, người lớn cho rằng đó là điềm lành, thằng bé sau này nhất định sẽ trở thành nhà văn, bác Phương tặng luôn cho anh cây Parker ấy.

Hồi anh mới lên bảy lên tám, cái tuổi đáng lẽ phải đến trường rồi, nhưng vì người gầy gò và lắm bệnh nên anh đành ở nhà để mẹ kèm cặp dạy học chữ, đọc sách và viết bút lông. Anh chẳng thấy mệt nhọc gì cả, có những ngày viết hết luôn cuốn tập, mẹ anh vui mừng, tốt quá, và bắt đầu dạy thêm cách ghi nhật kí. Bà mua về cho anh loại giấy mà các nhà văn thường dùng, trên đó có sẵn từng ô vuông để đếm chữ tính tiền nhuận bút. Tác phẩm đầu tay, trang nhật kí số 1 của anh ghi dòng chữ như thế này: “Tuyết rơi xuống mặt đất thành một lớp trắng sạch, con người đi qua để lại dấu chân và thế là bẩn mất”. Mẹ anh hết lời ca ngợi và bà đã khoe với tất cả mọi người trong nhà, từ bấy, những gì anh phóng ra đều không thể thu hồi trở lại, ước mơ và yêu thương nhanh chóng bị văn chương hóa, tự gieo mầm tai họa về sau cho bản thân mình.

Cha anh không tán thành việc cả ngày cứ nhốt anh ở nhà xem sách, viết chữ. Theo ông, con trai cũng cần nghịch ngợm đôi chút, bước ra ngoài đời để làm quen với thế sự, kết giao bạn hữu và xông pha cùng thiên hạ, không nhất thiết cứ phải trở thành nhà văn. Cha anh tự cho mình là người biết uống rượu, thích rượu, hay nói đúng hơn, thích thể hiện cốt cách nam nhi. Hồi bấy giờ các cụ thường dùng từ “thông quan”, giống như ngày nay là “cạn cốc”, “trăm phần trăm” và kháo nhau “phi thông quan bất thành hảo hớn!”. Có một hôm cha anh uống say, bất tỉnh nhân sự, bạn bè phải khiêng về đặt vào chiếc ghế xoay của ông nội vừa qua đời, lúc ấy trong nhà toàn đàn bà, con gái không đủ sức dìu ông lên giường ngủ. Bà nội, mẹ anh và đám người hầu thả dây kéo cả ông lẫn chiếc ghế xoay từ từ cho đến tầng hai. Bị rút ngược lơ lửng như vậy, nhưng bộ mặt của cha anh vẫn cố làm ra vẻ tươi tỉnh trông thật khôi hài. Bộ mặt ấy cứ đong đưa chao đảo trong kí ức của anh, xem như một kì tích mà người cha để lại, chẳng rõ anh có bị ảo giác hay không, với trẻ con giữa hồi ức và tưởng tượng cũng rất khó phân biệt.

Những năm ấu thơ dưới mười tuổi của anh tựa như một giấc mơ. Ngay cả những khi chạy loạn, xe ô tô lắc lư trườn bò trên sườn núi, trời mưa tầm tã, đường lầy lội và trơn như mỡ, thế nhưng ngồi trên thùng xe anh vẫn ôm khư khư giỏ quýt mà nhai ngon lành. Anh hỏi mẹ có đúng như vậy hay không, bà trả lời rằng hồi ấy quýt rẻ hơn cả gạo, chỉ cần cho người nhà quê vài đồng là họ đưa quýt lên xe, muốn bao nhiêu cũng được. Còn cha anh, ông làm việc ở ngân hàng nhà nước, ngân hàng có cảnh vệ áp tải các xe tiền rút lui sơ tán và gia quyến của viên chức vì vậy đã cùng tháo chạy theo những chiếc xe chở tiền đó.

Cho tới bây giờ trong những giấc mơ, hình ảnh cố cư đã nhiều lần xuất hiện, không chỉ mỗi tòa lầu phía trước là vườn hoa và cổng tròn mà cả nhà ông nội từng sinh sống, lại còn có cả một ngôi nhà cổ nữa của bà ngoại, ngôi nhà với giếng trời cao hun hút từng chứng kiến người thiếu phụ ấy cứ mải miết lục tìm vật gì đó dưới đáy rương. Bà ngoại anh đã qua đời tại ngôi nhà này. Nơi cõi mộng anh từ trên nhìn xuống, nhà bà ngoại không có trần, phía dưới gồm nhiều gian được ngăn ra bằng các tấm gỗ, và trống vắng chẳng thấy một ai, chỉ mỗi bà ngoại anh vội vàng xáo tung mọi đồ vật, tìm kiếm cái gì quan trọng lắm. Tỉnh giấc mơ, anh nhớ ra, đó là những tờ khế ước nhà đất, số tài sản này đã cầm cố và bán đứt từ lâu, không đợi tới ngày tân chính phủ đến tịch thu. Bà ngoại và mẹ anh từng thiêu hủy một bọc các giấy tờ vàng úa, nát tươm, họ tỏ vẻ vội vàng, hoảng loạn, anh cũng chẳng tố giác điều này làm gì, vì không ai truy hỏi. Nhưng nếu có người nào đó đặt vấn đề tra xét, rất có thể anh sẽ khai ra tất cả, bởi lúc bấy giờ anh có cảm giác là ngoại và mẹ đang âm mưu thủ tiêu những tang vật tội ác, và anh phải đi tố giác họ, dẫu rằng anh là người mà họ yêu thương nhất.

Giấc mộng này xuất hiện mấy chục năm sau, khi anh đã di cư sang châu Âu từ lâu rồi, tại một khách sạn nhỏ của thành phố Toulouse miền nam nước Pháp, với những cánh cửa song gỗ đã tróc sơn, những tấm rèm lụa nửa sáng che khuất bên ngoài, nhìn thấy bầu trời u ám qua các kẽ lá những cây ngô đồng, anh tỉnh mộng mà vẫn cứ mơ màng, đứng cạnh góc tường ngôi nhà cũ, nắm chặt một cây gỗ lan can lung lay chực muốn ngã, anh nhìn xuống, ngoài kia là đất trồng tỉa, vài con dế bò qua đống gạch vỡ bên cạnh những trái dưa. Anh nhớ rất rõ, mơ thấy những buồng khách ngăn cách bằng các tấm gỗ, nhưng chẳng có người ở, chỉ mỗi bà ngoại anh cùng anh với cuộc sống xa xưa. Kí ức cuộc đời và mộng mị trộn lẫn với nhau, những ấn tượng đó đã theo anh vượt qua mọi khoảng cách thời gian và cả không gian.

Vì anh là con trưởng và là cháu đích tôn nên cả nhà hai bên nội ngoại đều đặt nhiều hi vọng, nhưng thuở nhỏ anh lại gầy yếu lắm bệnh, khiến mọi người lo lắng không yên, nên nhiều lần phải đưa anh đi xem tướng số, tử vi. Anh nhớ đầu tiên là trong một cái miếu, dạo ấy cha mẹ đưa anh lên Lư Sơn nghỉ mát, miếu thờ lập bên cạnh danh thắng động Tiên Nhân, có cả nơi uống trà và nghỉ ngơi cho du khách nhưng không đến nỗi đông đúc; ngược lại rất thanh tịnh, thoải mái. Hồi đó còn lên núi bằng kiệu, anh ngồi trong lòng mẹ và một tay nắm chặt lấy thanh cáng, mải mê ngắm nhìn rừng núi thâm nghiêm hai bên đường. Trước khi rời Trung Quốc, anh có trở lại chốn cũ ngày xưa, tất nhiên là ngồi xe buýt chạy thẳng tới đây, nhưng không tìm thấy miếu mạo nào cả, ngay đến một hai phế tích cũng chẳng còn. Trong kí ức của anh vẫn ghi đậm tấm hình Chu Nguyên Chương mặt rỗ treo ở giữa sảnh khách của miếu thờ, người ta nói kỉ vật này được cung phụng từ đời nhà Minh, trước khi Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế, ngài từng lánh nạn nơi đây, sự kiện cụ thể và phức tạp như vậy không có thể xuất phát từ ảo tưởng của trẻ thơ. Mấy năm trước, lúc đến Đài Bắc, vào thăm nhà tàng trữ các cổ vật chuyển sang từ cố cung, anh nhìn thấy tấm hình Chu Nguyên Chương mặt rỗ. Thế nên cái miếu thờ ở Lưu Sơn là có thật, kí ức không phải là ảo giác và câu chuyện vị hòa thượng đoán mệnh cho anh cũng chẳng phải bịa đặt chút nào. Ngài nói “Thằng bé này sẽ phải chịu nhiều tai nạn, rất khó nuôi”, rồi bất thần vỗ lên trán anh một cái rõ mạnh, anh giật mình tỉnh giấc, nhưng chẳng hề khóc, sở dĩ anh nhớ được rõ ràng như vậy, là vì cả một đời quen với sự nuông chiều và không chịu để ai đánh mình.

Nhiều năm sau anh mới trở lại hứng thú với thiền tông, đọc các bản công án và giác ngộ ra rằng, có thể vị hòa thượng già ấy là người đầu tiên đã vì anh mà mở lối đưa đường.

Không phải anh không có một cuộc đời khác nữa, nhưng về sau quên hết, chẳng còn nhớ chút nào.

Bình luận

Truyện đang đọc