KINH THÁNH CỦA MỘT NGƯỜI

Lại một mùa đông nữa đến với xóm núi, anh phải tốn hai tệ để mua cái “thùng lửa” sưởi ấm qua mấy tháng giá rét. Đây là đồ gia dụng do dân thôn này tự làm lấy, gác bên trong thùng là cái lò đất nung đốt than, phía trên đặt vài cây sắt, có thể đun sôi siêu trà, nhiệt lượng còn lại đủ ấm cả nhà, thậm chí ngồi lên đó sẽ dễ chịu vô cùng, tha hồ mà đọc mà viết. Mùa đông đêm dài, ngày ngắn, quay đi quay lại một lát là trời đã tối đen, và cũng nhằm lúc nông nhàn, công việc lặt vặt trong nhà ban ngày đều xong xuôi hoàn tất, ban đêm cả xóm tắt đèn yên ắng, chỉ minh anh leo lét một điểm sáng giữa bao la đen kịt. Chuyện anh cãi cọ với người vợ mới cưới, dăm bữa nửa tháng đồn đại trong thôn, đến bây giờ chẳng ai còn nhớ mà nhắc tới nữa, mọi việc đâu đã vào đấy cả rồi.

Nhà anh lúc này cũng không giống như trước đây, hễ gọi một tiếng là ra mở cửa, khách bước vào ngó ngang, tán chuyện, hút thuốc, uống trà, anh phải thù tiếp trước sau, nhanh nhất là tàn một điếu thuốc mới chịu cáo từ. Anh đã quen với đám cán bộ thôn xóm, tự xây dựng cho mình lối sống riêng và làm cho mọi người thông cảm rằng anh là kẻ văn nhân, đọc sách, không thích dính vào những chuyện thị phi nơi làng xã. Trên bàn bày dăm ba cuốn sách Mác-Lê, ai biết chữ trông vào cũng phải kính nể. Bé Mao đã có lần gõ cửa hỏi anh mượn sách, anh đưa cho cô ta cuốn Nhà nước và cách mạng, trước tác của Lênin, bé Mao liếc qua và nói “Dọa người ta thì có, chứ sách này làm sao hiểu nổi?”

Bé Mao xem như đã học xong bậc tiểu học mà cũng không dám mượn loại sách cao siêu như thế. Lại có lần cô bé thấy cửa nhà anh mở toang, hóa ra anh đang nấu ấm nước sôi để giặt vỏ chăn. Bé Mao bước vào bảo anh, đưa cho cô ra bờ ao, dùng dùi đập, giặt sạch hơn, anh cảm ơn lòng tốt của em. Em đứng nhìn anh lụi cụi làm cái việc đàn bà con gái và hỏi bâng quơ:

- Anh không đi à?

- Đi đâu?

Bé Mao trề môi tỏ ra không tin, bèn nói rõ hơn:

- Vậy người nhà này đâu rồi?

À ra thế, ý cô bé là hỏi Sảnh, nhưng muốn tránh những từ ngữ thông thường như “vợ anh”, “chị ta”, nên mới dùng mấy chữ “người nhà này” và đôi mắt phượng sáng long lanh tựa hai giọt nước ngước nhìn anh, rồi vân vê vạt áo đến nhàu nát, cúi đầu xem mũi giày. Anh không thể được ghẹo để chiếm đoạt em, vả lại anh không dám tin đàn bà con gái như xưa, đối với anh họ chẳng còn hấp dẫn gì nữa. Anh vẫn vò, xát cái bọc chăn, làm cho bé Mao cảm thấy vô vị, rồi cuối cùng bỏ đi.

Anh chỉ còn cách mượn giấy mực để tự tâm sự với mình, nhằm vợi bớt phần nào nỗi cô đơn đang đè nặng, nhưng trước khi cầm bút anh phải xem xét cẩn thận, mua những tờ giấy thật mỏng, viết xong vo tròn nhét vào cán chổi làm bằng cây trúc đã được thông các mắt bên trong. Bản thảo tích trữ lâu dần, bèn lấy ra cất kỹ dưới vại muối dưa, để vôi lên trên chống ẩm, bịt kín ni lông, chôn xuống đất, và đặt chum nước ngụy trang. Thực tình thì anh chẳng phải trước tác gì vĩ đại, lưu truyền hậu thế, bởi nghĩ ngợi không nhiều và cũng không có cách nào đoán định nổi tương lai, vì vậy mà không dám mơ mộng hão huyền.

Từ xa văng vẳng tiếng chó sủa, rồi cả bầy chó trong thôn cùng sủa theo, được một lát thì lặng yên trở lại. Trong đêm vắng mình anh một đèn, thổ lộ tâm tình lên trang giấy, dẫu là ý hay nhưng cũng khiến anh sợ hãi, lo lắng phần nào, hình như cửa trước song sau, giữa đêm tối mịt mù vẫn cứ cảm giác hình như có bước chân ai đi lại ngoài thềm, anh đứng dậy ngó ngang và lại không nghe thấy gì cả.

Ánh trăng khuya chênh chếch dọi vào trong, qua tấm kính cửa sổ dán kín giấy, chỉ còn một màu sáng bàng bạc, anh kéo rộng tấm rèm để thưởng thức cảnh đêm nên thơ này thì bỗng phát hiện bóng đen vừa lướt mất, rồi nghe bụi cây trong vườn xào xạc, râm ran. Anh không bật đèn nữa, cẩn thận thu gom các trang bản thảo, lên giường và từ buồng tối vọng nhìn ra ngoài, một màu trăng. Trăng thanh minh mà đâu đâu cũng có mắt ngó dòm, thám sát, dò la, bao quát quanh anh, anh bên bờ cạm bẫy, và cạm bẫy chờ anh một phút sa chân. Anh không dám mở cửa, anh không dám gây ồn, đừng tưởng đêm trăng đang say ngủ, chỉ cần anh thất thế là liền ập vào, bắt gọn, kết án.

Anh không thể nghĩ suy, cảm thụ, thổ lộ, thậm chí cả cô đơn, mà hoặc là sống khổ sống sở để ban đêm được ngủ say như chết, hoặc là giao phối tạo giống, sinh đẻ có kế hoạch, dưỡng dục sức lao động. Anh viết bậy bạ cái gì vậy, quên mất điều kiện sinh tồn của bản thân mình rồi sao? Hay lại muốn tạo phản? Làm anh hùng liệt sĩ? Này anh, những gì anh viết cũng đủ chứng cớ để ăn đạn, anh quên rồi ư? Lúc thành lập ủy ban cách mạng huyện đã có biết bao tội phạm phản động phải ăn đạn đó sao, còn cái khoản đấu tố của quần chúng âu chỉ là quậy một chút cho vui mà thôi. Một đoàn nhếch nhác những người bị đấu tố được lôi đi diễu hành cho thiên hạ bôi tro trát trấu, phía trước là chiếc xe jeep, gắn loa phóng thanh dẫn đường, làm cho bụi đất bay loạn xạ và chó gà chạy tung tóe. Bà già, phụ nữ đứng sẵn trước cổng mà mình đưa tiễn, còn lũ trẻ tưởng là ngày hội, chen nhau đuổi theo xe, hò la nghịch ngợm, có ngờ đâu gia đình nào muốn nhận lại thi thể thân nhân vừa bị hành quyết thì phải nộp trước năm hào chi phí súng đạn cho ủy ban cách mạng. Lúc ấy anh không có ai đứng ra xin nhận thi thể nếu chẳng may bị bắn, bởi Sảnh, vợ anh sớm đã tố giác anh là kẻ thù, cha anh thì đang lao động cải tạo ở nông thôn, lại thêm ông bố vợ cũng bị liệt vào thành phần phản động từ lâu. Chỉ mỗi ngần ấy chứng cứ đã đủ bắn anh mà không hề oan uổng, chứ treo bút xuống ngựa thì đã ăn thua gì.

Anh nói anh không phải là đồ mất trí, cho nên có đầu óc thì không thể không nghĩ suy, anh không cách mạng, không là anh hùng liệt sĩ, vậy cũng không làm phản động, có được không? Anh bất quá chỉ là kẻ lãng du bên ngoài những quy định của xã hội. Anh điên rồi, điên rõ ràng hơn cả Sảnh, suốt ngày cười, khiến đàn bà con gái trong thôn háo hức đến xem, đáng ăn đạn lắm rồi hỡi thằng điên kia.

Anh nói cái mà anh đang đeo đuổi, cầu mong là sự chân thực của văn học. Thôi đừng đùa nữa, người như anh mà cũng đòi chân thực, trò chơi gì vậy, năm nào một phát đạn là xong. Cái chân thực ấy bắt anh liều thân mà viết, viết xong chôn dưới đất cho mốc meo, chẳng cần biết chúng đã bị phân hủy hay chưa, anh thật là đồ bỏ đi.

Anh nói anh cần sự chân thực trong suốt, như ống kính máy ảnh chĩa vào đống rác, rác vẫn hoàn rác, nhưng nhìn qua máy ảnh làm cho anh đau khổ. Chân thực chính là nỗi phiền muộn, nuối tiếc đối với anh, và anh phải tìm đến một loại tinh thần nào đó chịu đựng được đau khổ, để mà sống tiếp tục, giống như đứng bên ngoài hiện thực kiểu chuồng heo để hư cấu cái cảnh giới thuần túy cho riêng mình, hoặc có thể nói là chuyện thần thoại của thời kỳ đương đại, thần thoại hóa hiện thực và từ trong sách vở tìm niềm vui, tìm sự cân bằng giữa sinh tồn và đầu óc.

Anh chép lại những mẩu chuyện thần thoại đã sáng tác vào một cuốn sổ tay mà sinh thời mẹ anh còn để lại, đặt tên người Tây dương, người Hy Lạp, hay bất cứ nước nào, nghe tựa tựa như “Aristor” gì đó là được, rồi cả gan đề danh tính dịch giả Quách Mạt Nhược, cũng chẳng chết ai. Nhà thơ lão thành này khi cách mạng vừa bùng nổ bèn phát biểu lên báo chí tuyên bố toàn bộ tác phẩm của mình trước đây đều đáng thiêu hủy, nên đã nhận được ân điển đặc biệt của ông Mao mà sống sót. Anh có thể nói đó là những trước tác dịch thuật của Quách lão ở nửa đầu thế kỷ, lúc ấy anh đang học đại học và đã từng chép lại không thiếu một thiên, anh nghĩ nơi sơn cùng thủy tận này, ai mà đủ sức tra cứu, vạch lá tìm sâu.

Nửa phần đầu cuốn sổ tay ấy là nhật ký của mẹ anh khi bà đang lao động ở nông trường, trước khi chết đuôi. Hồi đó là thời kỳ đói kém do “Đại nhảy vọt” gây nên, bà đã bị điều đi “Trường cán bộ 5.7”, thực chất là một nông trường cải tạo trí thức. Mẹ anh làm việc cật lực, dành dụm mấy tháng phiếu thịt, phiếu trứng để bồi dưỡng cho anh, bà nhịn đói, nhịn khát cho tới mức phù thũng. Hôm ấy lúc bình minh vừa rạng, tan ca đêm, mẹ anh ra sông tắm gội, chẳng rõ vì đói quá hay lao động mệt nhọc mà rơi xuống nước, chết tươi. Mãi sau nhờ một nông dân chăn vịt phát hiện, người ta vớt thi thể bà lên, khám nghiệm và kết luận thiểu năng tuần hoàn não. Anh không được nhìn thấy di thể của mẹ, mà chỉ có bên mình cuốn nhật ký còn dang dở do bà để lại, rồi chép những chuyện thần thoại vào nửa sau, và cũng chôn dưới đất, trong một cái vại muối dưa.

_________________

Bình luận

Truyện đang đọc